Cách Wall Street lừa bạn trả phí cao ngất cho những hoạt động kém hiệu quả
“Tên của trò chơi này à? Đó là chuyển tiền từ túi khách hàng sang túi của anh.”
- MATTHEW McCONAUGHEY trả lời LEONARDO DICAPRIO trong bộ phim The Wolf of Wall Street
Tôi thường hỏi những khách hàng của mình xem họ đầu tư để làm gì và nhận được nhiều câu trả lời khác nhau, từ “tìm kiếm lợi nhuận cao” đến “an toàn tài chính”, từ “chuẩn bị cho cuộc sống hưu trí” đến “một ngôi nhà nghỉ dưỡng bên bờ biển Hawaii”. Nhưng không lâu sau, gần như câu trả lời của mọi người bắt đầu đồng điệu hơn. Bất kể hôm nay họ có trong tay bao nhiêu tiền, điều mà họ thật sự muốn là tự do. Tự do làm nhiều việc mà họ muốn làm vào bất cứ khi nào họ muốn, với bất kỳ ai họ muốn. Đó là một giấc mơ đẹp và cũng là một giấc mơ khả thi. Nhưng làm thế nào để bạn có thể ra khơi đi về phía hoàng hôn nếu thuyền của bạn có một lỗ thủng? Lỡ như nước cứ chầm chậm tràn và chiếc thuyền chìm nghỉm trước khi đưa bạn đến đích thì sao?
Tôi ghét phải nói với bạn điều này, nhưng đây chính xác là hoàn cảnh của hầu hết mọi người. Họ không nhận ra họ sẽ phải thất vọng vì tác động từ từ - nhưng cực kỳ có hại - của các khoản phí quá cao đối với tình trạng tài chính của họ. Điều khiến tôi đau lòng là họ thậm chí còn không biết chuyện này đang xảy ra với mình. Họ không hề biết mình là nạn nhân của một ngành công nghiệp tài chính đang lén lút thu phí quá mức một cách có hệ thống.
Đừng chỉ nghe lời tôi nói. Tổ chức phi lợi nhuận AARP20 đã công bố một báo cáo cho thấy 71% người Mỹ tin rằng họ không phải trả bất kỳ khoản phí nào để có quỹ 401(k). Đúng vậy, trong mười người thì có bảy người hoàn toàn không biết mình đang phải trả phí! Điều này cũng giống như bạn tin thức ăn nhanh không chứa calo. Trong khi đó, 92% người tham gia kế hoạch 401(k) thừa nhận không biết mình đang phải trả bao nhiêu tiền phí. Nói cách khác, họ mù quáng tin rằng ngành công nghiệp tài chính luôn bảo vệ lợi ích cao nhất của họ! Đúng, cũng chính ngành công nghiệp đó đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu! Có thể bạn vừa giao cả ví tiền và mật khẩu thẻ tín dụng của bạn cho họ.
20 Viết tắt của American Association of Retired Persons, tức Hiệp hội Người hưu trí Hoa Kỳ, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 1958 và tập trung vào những vấn đề ảnh hưởng tới cư dân trên 50 tuổi tại Mỹ.
Bạn từng nghe “trời đãi kẻ khù khờ”? Vậy hãy để tôi nói với bạn điều này: khi bàn về tài chính, sự khù khờ không mang lại ưu đãi mà chỉ gây ra đau thương và cảnh nghèo đói. Thiếu kiến thức tài chính là thảm họa cho bạn và gia đình bạn - và là niềm hạnh phúc cho các công ty tài chính đang lợi dụng sự lơ là của bạn!
Chương này sẽ làm rõ vấn đề chi phí để bạn biết chính xác chuyện gì đang diễn ra. Tin tốt là một khi bạn biết chính xác chuyện gì đang xảy ra, bạn có thể chặn đứng nó và nhờ đó thay đổi cuộc đời mình. Tại sao việc này lại quan trọng đến vậy? Đó là vì các loại chi phí cao quá đáng có thể hủy hoại 2/3 tài sản của bạn! Jack Bogle lý giải điều này khá đơn giản: “Hãy giả sử thị trường chứng khoán mang lại lợi nhuận 7% trong vòng 50 năm. Với tỷ suất đó và nhờ sức mạnh của lãi kép, mỗi đô-la ban đầu sẽ mang đến cho bạn 30 đô-la sau 50 năm”. Nhưng chi phí trung bình của một quỹ là khoảng 2% mỗi năm, điều này làm giảm lợi nhuận trung bình hằng năm của bạn xuống còn 5%. Bogle nhận định, với tỷ suất đó, “bạn chỉ nhận được 10 đô-la sau 50 năm thay vì 30 đô-la. Bạn bỏ 100% vốn, bạn chịu 100% rủi ro và bạn chỉ thu được 33% lợi nhuận!”.
Bạn đã hiểu chưa? Bạn đã mất 2/3 số tiền tiết kiệm của mình vào túi của những người quản lý tiền bạc của bạn, những người không chịu rủi ro, không bỏ vốn và thường mang lại hiệu quả làm việc tầm thường! Bây giờ bạn nghĩ ai sẽ là người có ngôi nhà nghỉ dưỡng bên bờ biển Hawaii?
Sau khi đọc xong chương này, bạn sẽ biết cách lấy lại quyền kiểm soát! Bằng cách giảm thiểu các loại phí, bạn sẽ tiết kiệm được số tiền tương đương với lương hưu của nhiều năm - có khi là nhiều thập niên. Một động tác nhỏ này thôi cũng sẽ đẩy nhanh đáng kể hành trình đến với tự do tài chính của bạn. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Bạn cũng cần học cách giảm số thuế phải trả cho các khoản đầu tư của mình. Điều đó rất quan trọng bởi vì cũng như các loại phí, các khoản thuế quá cao có thể lấn át mọi hành động tích cực của bạn.
Bạn nghĩ bản thân sẽ cảm thấy thế nào khi không chỉ xác định được hai kẻ địch này mà còn đánh bại chúng? Bạn sẽ cảm thấy mình thật sự vững như bàn thạch!
NHỮNG CON SÓI PHỐ WALL
Nếu bạn đang tìm kiếm sự an toàn về tài chính thì rất rõ ràng, con đường dành cho bạn là đầu tư vào các quỹ tương hỗ. Có thể một người bạn hay họ hàng của bạn đã may mắn mua được cổ phiếu của Amazon, Google và Apple trước khi chúng tăng giá chóng mặt. Nhưng đối với phần lớn chúng ta, chọn cổ phiếu riêng lẻ là một trò chơi mà chúng ta cầm chắc phần thua. Có quá nhiều điều chúng ta không biết, quá nhiều biến số, quá nhiều thứ có thể sai lệch. Các quỹ tương hỗ cung cấp một giải pháp đơn giản và hợp lý hơn. Đầu tiên, chúng mang lại cho bạn lợi ích của sự đa dạng hóa trên diện rộng, thứ có thể giúp giảm thiểu mức độ rủi ro tổng thể của bạn.
Nhưng làm thế nào bạn có thể chọn được quỹ phù hợp? Chắc chắn có đủ phương án cho bạn lựa chọn. Như chúng tôi đã đề cập, có khoảng 9.500 quỹ tương hỗ ở Mỹ - hơn gấp đôi số lượng các công ty Mỹ được giao dịch công khai! Vì vậy, cũng đúng khi nói rằng thị trường quỹ tương hỗ đã gần bão hòa. Tại sao có quá nhiều công ty muốn tham gia vào lĩnh vực này? Bạn hiểu rồi đấy, bởi vì nó có khả năng sinh lời tuyệt vời!
Vấn đề là nó có khuynh hướng sinh lợi cho Wall Street hơn là cho những khách hàng thật sự như bạn và tôi. Đừng hiểu sai ý tôi. Tôi không có ý nói rằng ngành công nghiệp tài chính đang cố ý làm khó chúng ta. Tôi không nói rằng đây là một lĩnh vực đầy rẫy những kẻ lừa đảo hay gian lận! Ngược lại, phần lớn các chuyên gia tài chính đều rất thông minh, chăm chỉ và chu đáo. Nhưng Wall Street đã phát triển thành một hệ sinh thái mà mục tiêu đầu tiên và trên hết của nó là kiếm tiền cho chính nó. Nó không phải là một ngành công nghiệp xấu xa được tạo ra bởi những cá nhân xấu xa, mà nó được tạo thành từ các tập đoàn lấy việc tối đa hóa lợi nhuận cho các cổ đông của họ làm mục tiêu. Đó là công việc của họ.
Ngay cả những nhân viên có thiện chí nhất cũng đang làm việc trong khuôn khổ của hệ thống này. Họ phải chịu áp lực rất lớn vì mục tiêu tăng lợi nhuận, và họ được thưởng vì làm vậy. Nếu bạn - một khách hàng - tình cờ cũng thu được lợi nhuận tốt thì thật tuyệt vời! Nhưng đừng tự lừa dối bản thân. Bạn không phải là ưu tiên hàng đầu của họ!
Khi tôi gặp David Swensen, giám đốc đầu tư của Đại học Yale, ông ấy đã giúp tôi hiểu ngành công nghiệp quỹ tương hỗ phục vụ đa số khách hàng của nó tệ đến mức nào. Swensen là siêu sao trong lĩnh vực đầu tư vào các định chế tài chính, ông nổi tiếng vì đã biến một danh mục đầu tư một tỷ đô-la thành 25,4 tỷ đô-la! Nhưng ông cũng là một trong những người tốt bụng và chân thành nhất mà tôi từng gặp. Ông có thể dễ dàng rời Yale và trở thành tỷ phú bằng cách tự thành lập quỹ phòng hộ, nhưng ông đã nghe theo ý thức sâu sắc về nghĩa vụ và sự phục vụ đối với ngôi trường cũ của mình. Vì vậy, tôi không ngạc nhiên khi nghe ông bày tỏ sự thất vọng đối với cách nhiều công ty quỹ đối xử kém tử tế với khách hàng.
Theo lời Swensen: “Các quỹ tương hỗ lấy những khoản phí khổng lồ từ các nhà đầu tư để đổi lấy việc cung cấp một dịch vụ gây hại”.
Dịch vụ mà đúng ra quỹ tương hỗ phải cung cấp là gì? Khi bạn đầu tư cho một quỹ được quản lý theo kiểu chủ động, về cơ bản bạn đang trả tiền cho người quản lý để tạo ra khoản lợi nhuận cao hơn thị trường. Nếu không thì có khác gì với việc đầu tư vào một quỹ chỉ số giá thấp nơi mà mục tiêu chỉ là mô phỏng mức lợi nhuận của thị trường?
Hẳn là bạn có thể tưởng tượng ra, người điều hành các quỹ được quản lý theo kiểu chủ động không phải là kẻ ngốc. Họ đã xuất sắc vượt qua các bài kiểm tra toán ở trường trung học, họ học kinh tế, kế toán và lấy bằng MBA từ các trường đại học danh giá nhất. Nhiều người trong số họ còn mặc vest và đeo cà vạt! Họ tận tâm nghiên cứu và chọn ra những cổ phiếu tốt nhất để quỹ của họ nắm giữ.
Vậy có thứ gì đã đi lệch đường ray? Thật ra là gần như mọi thứ…
Yếu tố con người
Các nhà quản lý quỹ cố gắng gia tăng giá trị bằng cách dự đoán công ty nào sẽ hoạt động tốt nhất trong các tuần, tháng hoặc năm tới. Họ có thể tránh hoặc “xem nhẹ” một số ngành (hoặc quốc gia) cụ thể mà họ tin là có triển vọng không đáng kể. Họ có thể giữ tiền mặt nếu không tìm thấy cổ phiếu đáng mua - hoặc họ có thể đầu tư mạnh tay hơn khi cảm thấy thị trường giá lên sắp xuất hiện. Nhưng hóa ra các chuyên gia không hề giỏi dự đoán tương lai hơn chúng ta. Sự thật là con người nói chung khá tệ trong việc đưa ra các dự đoán! Có lẽ đó là lý do bạn không bao giờ thấy một tờ báo nào có dòng tiêu đề như “Nhà ngoại cảm vừa thắng xổ số!”.
Trong quá trình mua và bán cổ phiếu, các nhà quản lý quỹ theo kiểu chủ động có rất nhiều khả năng phạm sai lầm. Ví dụ, họ không chỉ phải quyết định mua hoặc bán cổ phiếu nào, mà còn phải quyết định cả thời điểm giao dịch. Và mỗi quyết định đều buộc họ phải đưa ra thêm nhiều quyết định khác. Càng phải đối mặt với nhiều quyết định, họ càng có nhiều nguy cơ mắc sai lầm.
Tệ hơn nữa, toàn bộ quá trình giao dịch này ngày càng trở nên đắt đỏ. Mỗi khi một quỹ giao dịch mua hoặc bán cổ phiếu, một công ty môi giới sẽ tính phí hoa hồng để thực hiện giao dịch đó. Hoạt động này hơi giống trong sòng bạc: nhà cái sẽ được trả tiền bất kể ai thắng ai thua. Vì vậy, cuối cùng thì nhà cái luôn thắng! Trong trường hợp này, nhà cái là một công ty môi giới (như công ty tài chính Thụy Sĩ UBS hoặc Merrill Lynch, bộ phận quản lý tài sản của tập đoàn Bank of America) thu phí mỗi khi nhà quản lý quỹ thực hiện một hành động nào đó. Theo thời gian, những khoản phí tích lũy thành một con số đáng kể. Thật tình cờ là tôi đang viết chương này tại một khách sạn do anh bạn thân Steve Wynn của tôi điều hành ở Las Vegas. Anh ấy đã trở thành tỷ phú nhờ tạo ra một vài sòng bạc được ưa chuộng nhất thế giới. Steve sẽ nói với bạn điều này: sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn là người thu phí thay vì người trả phí.
Giống như chơi bài xì tố, đầu tư là một trò chơi có tổng bằng không21 - trên bàn chỉ có bấy nhiêu xu cược, nếu người này được thì người kia sẽ mất. Khi hai người giao dịch một loại cổ phiếu, ắt phải có một người thắng và một người thua. Nếu cổ phiếu tăng giá sau khi bạn mua nó, bạn sẽ thắng. Nhưng bạn phải thắng một khoản tiền đủ lớn để trang trải các chi phí giao dịch đó.
21 “Zero-sum game”, trò chơi có tổng bằng không, tức là sau khi lấy tổng lợi ích trừ đi tổng thiệt hại ta được kết quả bằng không. Đây là tình huống nếu một người chơi thu được lợi ích thì người chơi còn lại sẽ chịu thiệt hại tương đương.
Chưa hết! Nếu cổ phiếu của bạn tăng giá, bạn cũng sẽ phải trả thuế trên lợi nhuận của mình khi bạn bán cổ phiếu đó. Đối với các nhà đầu tư trong một quỹ được quản lý theo cách chủ động, sự kết hợp giữa chi phí giao dịch khổng lồ và thuế này là một kẻ thù âm thầm ăn mòn lợi nhuận của quỹ! Để gia tăng giá trị sau thuế và phí giao dịch, nhà quản lý quỹ phải giành được lợi nhuận thật sự lớn. Và bạn sẽ sớm nhận ra việc này cũng chẳng dễ dàng gì.
Mắt bạn có trở nên đờ đẫn đi khi chúng ta bắt đầu nói về thuế không? Tôi biết, tôi biết! Đây không phải là chủ đề nhiều người muốn nghe, nhưng thật ra thì đây chính là một chủ đề hấp dẫn! Bởi vì chi phí lớn nhất mà bạn phải trả trong đời là thuế, và thật điên rồ nếu bạn trả nhiều hơn số tiền bạn nên trả - đặc biệt là khi bạn hoàn toàn có thể tránh được điều đó! Nếu bạn không cẩn thận, thuế có thể gây ra tác hại nghiêm trọng cho lợi nhuận của bạn. Dưới đây là một ví dụ về ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng của thuế, đồng thời cũng là một tình huống rất phổ biến:
Giả sử bạn đầu tư vào một quỹ nào đó vào tháng Mười Hai. Ngày hôm sau, người quản lý quỹ bán ra một cổ phiếu có giá trị tăng vọt trong 10 tháng qua. Vì bây giờ bạn là một trong những chủ sở hữu của quỹ, bạn sẽ phải đóng thuế cho những khoản lợi nhuận đó, mặc dù bạn không được hưởng lợi chút nào từ sự tăng giá như vũ bão của cổ phiếu đó!22 Không ai nói rằng các quy định về thuế công bằng với tất cả mọi người.
22 Đây được gọi là thuế lợi nhuận hay thuế thu nhập trên vốn (capital gains tax). Bạn phải đóng khoản thuế này dù không được hưởng lãi trên số lợi nhuận đó. Sở hữu một quỹ trong suốt một khoảng thời gian dài không có nghĩa là bạn đảm bảo thu được lợi nhuận dài hạn. Hoàn toàn ngược lại, sở hữu một quỹ đang hoạt động có nghĩa là bạn sẽ nhận được hóa đơn thuế mỗi năm cho khoản tiền lời mà người quản lý quỹ chốt được, và những khoản lợi nhuận đó thường bị đánh thuế theo thuế suất thu nhập thông thường.
Một vấn đề phổ biến khác thì lại liên quan đến việc các quỹ được quản lý chủ động giữ các khoản đầu tư của họ trong bao lâu. Hầu hết các khoản đầu tư đều được giao dịch liên tục. Các quỹ thường bán phần lớn các khoản đầu tư của họ trong vòng một năm. Điều này có nghĩa là bạn không còn được hưởng lợi từ mức thuế lợi nhuận thấp hơn. Như vậy, bất kể bạn điều hành quỹ trong bao lâu, bạn sẽ phải trả mức thuế thu nhập cao hơn.
Tại sao bạn cần quan tâm đến việc này? Bởi vì lợi nhuận của bạn có thể bị giảm 30% hoặc hơn, trừ khi bạn đang giữ quỹ trong một tài khoản hoãn thuế như tài khoản hưu trí cá nhân hoặc quỹ 401(k). Không có gì ngạc nhiên khi các công ty quỹ không thích đi sâu vào các vấn đề thuế này mà chỉ thích quảng cáo các khoản thu nhập trước thuế của họ!
Hãy tưởng tượng rằng theo thời gian, các khoản phí này khiến bạn đánh mất 2/3 số tiền mình có tiềm năng kiếm được - và bạn đang mất thêm 30% nữa cho các khoản thuế không cần thiết. Vậy bạn thật sự còn lại bao nhiêu để lo cho tương lai của mình và gia đình?
Cách hóa giải tình huống này là gì?
Các quỹ chỉ số tiến hành thực hiện một phương pháp “thụ động” giúp loại bỏ hầu hết các hoạt động giao dịch. Thay vì giao dịch mua và bán trên thị trường, họ chỉ cần mua và nắm giữ mọi cổ phiếu trong một chỉ số như S&P 500, trong đó có cổ phiếu của Apple, Alphabet, Microsoft, ExxonMobil và Johnson & Johnson - hiện là năm công ty lớn nhất trong S&P 500. Các quỹ chỉ số gần như hoàn toàn sử dụng “chế độ lái tự động”: họ thực hiện rất ít giao dịch, do đó chi phí giao dịch và hóa đơn thuế của họ thấp đến mức khó tin. Họ cũng tiết kiệm được nhiều khoản chi phí khác. Ví dụ, họ không phải trả những mức lương khủng cho tất cả những nhà quản lý quỹ theo kiểu chủ động và đội ngũ chuyên gia phân tích tốt nghiệp từ các trường thuộc Ivy League danh giá!23
23 Liên đoàn 8 trường đại học vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, gồm Đại học Brown, Đại học Columbia, Đại học Cornell, Đại học Dartmouth, Đại học Harvard, Đại học Pennsylvania, Đại học Princeton và Đại học Yale.
Khi đầu tư vào quỹ chỉ số, bạn cũng được bảo vệ trước tất cả những quyết định ngu ngốc, sai lầm hoặc chỉ đơn giản là không may mắn mà các nhà quản lý quỹ chủ động thường đưa ra. Ví dụ, người quản lý quỹ thường giữ một phần tài sản của quỹ dưới dạng tiền mặt để sẵn sàng đầu tư nếu có cơ hội hấp dẫn - hoặc để sẵn sàng trả tiền cho các nhà đầu tư khi họ quyết định bán cổ phần của họ trong quỹ. Giữ một số tiền mặt trong tay không phải là một ý tưởng tồi, và số tiền này khá hữu ích khi thị trường xuống giá. Nhưng tiền mặt không mang lại lợi nhuận, vì vậy, nếu thị trường tiếp tục khuynh hướng đi lên thì theo thời gian, tiền mặt sẽ kém hiệu quả hơn cổ phiếu. Cuối cùng, “lực cản tiền mặt” có khuynh hướng ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của các quỹ được quản lý theo kiểu chủ động.
Vậy còn các quỹ chỉ số thì sao? Thay vì giữ tiền mặt, họ gần như luôn đem tiền đi đầu tư.
Nếu bạn đang cảm thấy bực mình khi biết sự thật này, tôi đồng cảm với bạn. Có lẽ bạn đang tự hỏi “Tôi thật sự nhận được cái gì khi đầu tư vào một quỹ được quản lý chủ động?”. Khả năng cao là bạn đang bỏ tiền để nhận được tổ hợp các sai sót của con người, chi phí đắt đỏ và những hóa đơn thuế gây khó chịu. Chẳng trách David Swensen rất hoài nghi về cơ hội đạt được tự do tài chính thông qua các quỹ chủ động. Ông cảnh báo: “Nếu xem xét lợi nhuận thu được sau khi trừ thuế và phí, bạn sẽ thấy qua một khoảng thời gian đủ dài, bạn gần như không có khả năng đánh bại quỹ chỉ số”.
“CHÚC BẠN MAY MẮN”
Tại sao rất khó xác định đúng thời điểm mua và bán trên thị trường để bạn có thể hưởng lợi từ những đợt giá lên và tránh nỗi đau giá xuống? Nhiều người lầm tưởng rằng chỉ cần đoán đúng hơn 50% số lần là đã thành công, nhưng một nghiên cứu toàn diện của nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel William Sharpe đã chỉ ra rằng nếu muốn canh thời điểm thị trường, nhà đầu tư phải xác định đúng từ 69% đến 91% mới có thể kiếm được lợi nhuận tốt - một tỷ lệ khó lòng đạt được.
Trong một nghiên cứu mang tính bước ngoặt khác, các nhà nghiên cứu Richard Bauer và Julie Dahlquist đã khảo sát hơn một triệu chuỗi thời gian thị trường từ năm 1926 đến năm 1999. Kết luận mà họ đưa ra là chỉ cần bạn trụ lại trong thị trường (thông qua một quỹ chỉ số) cũng đủ để giúp bạn thành công hơn 80% so với khi áp dụng chiến lược canh thời điểm thị trường.
Gieo nhân nào gặt quả đó - Trừ khi bạn không gieo
“Ngành công nghiệp quỹ tương hỗ hiện đang vận hành cơ chế âm thầm bòn rút tiền lớn nhất thế giới, một thị trường bảy ngàn tỷ đô-la nơi các nhà quản lý quỹ, chuyên gia môi giới và những nhân viên nội bộ khác đang biển thủ một khoản quá đáng từ các hộ gia đình, trường đại học và quỹ tiết kiệm hưu trí.”
- PETER FITZGERALD, Thượng nghị sĩ bang Illinois, đồng bảo trợ Dự luật Cải cách Quỹ tương hỗ năm 2004 (đã bị Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện bác bỏ)
Khi còn là một thiếu niên, đôi khi tôi dẫn một cô gái đến quán Denny’s để hẹn hò. Tôi có ít tiền đến mức chỉ gọi một ly trà đá và giả vờ rằng tôi đã ăn tối trước đó. Sự thật là tôi không đủ tiền chi trả cho bữa ăn của cả hai! Trải nghiệm lớn lên trong nghèo khó đã giúp tôi nhận thức sâu sắc về giá trị nên có và giá trị thực của một thứ. Nếu bạn muốn có một bữa ăn thịnh soạn ở một nhà hàng lớn, bạn sẽ phải trả giá cao. Hợp lý thôi. Nhưng nếu bạn phải trả 20 đô-la cho một chiếc bánh chỉ đáng giá 2 đô-la thì sao? Không đời nào! Để tôi nói cho bạn biết, đó là việc mà hầu hết mọi người đều làm khi đầu tư vào các quỹ tương hỗ được quản lý chủ động.
Bạn đã bao giờ bỏ công xác định chi phí thực tế bạn phải trả cho những khoản tiền bạn sở hữu chưa? Nếu từng làm vậy, có thể bạn đã chú ý đến “tỷ trọng chi phí”, bao gồm “phí tư vấn đầu tư” của công ty quỹ, phí quản lý của công ty cho những thứ như dịch vụ bưu chính và lưu trữ hồ sơ, cộng với những chi phí văn phòng quan trọng như nước giải khát và cappuccino miễn phí. Một quỹ điển hình đầu tư vào cổ phiếu có thể có tỷ trọng chi phí từ 1% đến 1,5%. Nhưng có thể bạn không nhận ra đây chỉ là khởi đầu của tổng chi phí khổng lồ về sau!
Một vài năm trước, Forbes đã xuất bản một bài báo hấp dẫn có tựa đề “Chi phí thực tế cho việc sở hữu một quỹ tương hỗ”, tiết lộ mức độ đắt đỏ của các quỹ. Như tác giả bài báo đã chỉ ra, bạn không chỉ dính bẫy tỷ trọng chi phí - theo Forbes ước tính là xấp xỉ 1% (0,9%) một năm, mà bạn cũng phải trả quá mức các “chi phí giao dịch” (các khoản hoa hồng mà quỹ của bạn trả bất cứ khi nào quỹ mua hoặc bán cổ phiếu) - ước tính 1,44% một năm. Bên cạnh đó còn có “lực cản tiền mặt”, ước tính khoảng 0,83% một năm. Và sau đó là “thuế”, ước tính khoảng 1% một năm nếu quỹ nằm trong tài khoản chịu thuế.
Vậy tổng cộng là bao nhiêu? Nếu tài sản của bạn nằm trong một tài khoản không chịu thuế như tài khoản 401(k), bạn sẽ trả tổng chi phí là 3,17% một năm! Nếu nó nằm trong tài khoản chịu thuế, tổng chi phí lên đến 4,17% một năm! So ra thì cái bánh taco 20 đô-la nói trên bắt đầu có vẻ là một khoản hời đấy!
“Bạn phải đọc thật kỹ các chữ in nhỏ. Riêng tôi, tôi không thích những thứ được in bằng chữ nhỏ.”
- JACK BOGLE, nhà đầu tư Mỹ, người sáng lập tập đoàn tài chính Vanguard
Tôi hy vọng bạn đang tập trung chú ý, vì hiểu biết về tất cả những khoản phí ẩn này sẽ giúp bạn tiết kiệm được cả một gia tài! Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn đang đọc những dòng chữ này và nghĩ “Đúng vậy, nhưng chúng ta chỉ đang nói về 3% hoặc 4% một năm. Vài phần trăm như vậy có gì to tát đâu?”. Đúng là những con số đó thoạt nhìn có vẻ nhỏ, nhưng khi tính toán tác động của các chi phí quá cao nhân lên trong nhiều năm, bạn sẽ choáng váng đấy!
Đây là một cách giải thích khác: một quỹ được quản lý theo kiểu chủ động thu phí bạn 3% một năm đắt hơn 60 lần so với một quỹ chỉ số tính phí bạn 0,05% một năm! Hãy tưởng tượng bạn đến Starbucks với một người bạn. Cô ấy gọi một ly cà phê venti latte và trả 4,15 đô-la. Nhưng bạn quyết định là bạn sẵn sàng trả gấp 60 lần cho ly cà phê đó. Như vậy số tiền bạn phải trả là 249 đô-la! Tôi đoán bạn sẽ muốn cân nhắc kỹ trước khi làm vậy.
Trong trường hợp bạn cho rằng tôi quá cực đoan, hãy xem xét ví dụ về hai người hàng xóm Joe và David. Cả hai đều 35 tuổi và đều tiết kiệm được 100.000 đô-la mỗi người. Họ đều quyết định đem số tiền đó đi đầu tư. Trong 30 năm tiếp theo, vận may mỉm cười với họ và mỗi người đều có được tổng lợi nhuận 8% một năm. Joe kiếm lời bằng cách đầu tư vào một danh mục đầu tư của các quỹ chỉ số có chi phí là 0,5% một năm. David thì sở hữu các quỹ được quản lý chủ động với chi phí 2% một năm. (Tôi đang rất hào phóng giả định rằng các quỹ được quản lý theo kiểu chủ động có hiệu suất tương đương với các quỹ chỉ số). Hãy xem biểu đồ sau và bạn sẽ thấy kết quả.
Ở tuổi 65, khối tài sản của Joe tăng từ 100.000 đô-la lên khoảng 865.000 đô-la. Còn trong trường hợp của David, 100.000 đô-la của anh ấy chỉ tăng lên 548.000 đô-la. Cả hai đều đạt được tỷ suất lợi nhuận như nhau, nhưng họ trả các khoản phí khác nhau. Kết quả? Joe có thêm 58% thu nhập - tức 317.000 đô-la để dùng cho lúc nghỉ hưu.
Biểu đồ cũng cho thấy hai người hàng xóm này sau đó bắt đầu rút 60.000 đô-la một năm để trang trải cho cuộc sống hưu trí. David hết tiền ở tuổi 79, trong khi Joe có một trải nghiệm hoàn toàn khác. Anh ấy có thể rút 80.000 đô-la một năm - nhiều hơn 33% so với David - và vẫn đủ tiền chi tiêu cho đến 88 tuổi! Hy vọng Joe sẽ cho David dọn vào sống dưới tầng hầm nhà mình. Miễn phí.
Bây giờ bạn đã thấy tại sao bạn cần phải chú ý đến các khoản phí mà bạn đang phải trả chưa? Yếu tố quan trọng này có thể tạo ra mọi sự khác biệt giữa nghèo đói và giàu có, khốn khổ và vui vẻ.
Trả quá nhiều cho hoạt động kém hiệu quả: Cái bẫy năm sao
Đây là câu hỏi mà bạn chưa bao giờ nghĩ đến: “Làm thế nào để tìm được một nhà quản lý quỹ chủ động không chỉ thu phí cắt cổ mà còn mang lại lợi nhuận ở mức tầm thường?”. Đừng lo. Ngành công nghiệp dịch vụ tài chính sẽ tìm ra cho bạn. Nếu có thứ gì đó có nguồn cung dồi dào trong ngành tài chính thì đó chính là các nhà cung cấp dịch vụ quản lý đầu tư tính phí cắt cổ nhưng hoạt động kém hiệu quả!
Chuyện này thật đáng kinh ngạc. Các quỹ được quản lý theo kiểu chủ động không chỉ đang thu phí cao thái quá mà hiệu quả hoạt động lâu dài của họ còn rất tệ hại. Điều này giống như một sự xúc phạm kép. Hãy tưởng tượng bạn vừa mua ly cà phê venti latte với giá 249 đô-la, nhấp một ngụm và phát hiện phần sữa latte đã bị chua.
Một trong những nghiên cứu gây sốc nhất tôi từng thấy về hoạt động của quỹ tương hỗ là nghiên cứu của chuyên gia tài chính Robert Arnott, người sáng lập Research Affiliates. Ông đã nghiên cứu 203 quỹ tương hỗ có số tài sản tối thiểu 100 triệu đô-la và theo dõi lợi nhuận của họ trong 15 năm từ 1984 đến 1998. Ông đã phát hiện được gì? Chỉ có 8 trong số 203 quỹ này thật sự đánh bại chỉ số S&P 500. Tỷ lệ chưa tới 4%! Nói cách khác, 96% các quỹ được quản lý chủ động này đã không tăng thêm giá trị trong suốt 15 năm!
Nếu bạn vẫn khăng khăng mua quỹ được quản lý chủ động, việc bạn đang thật sự làm là đặt cược vào khả năng chọn được một trong 4% quỹ vượt trội so với thị trường. Điều này làm tôi nhớ đến câu chuyện cá cược “Chuyện hoang đường về các quỹ tương hỗ” từng được đăng trên tạp chí Fast Company. Các tác giả của bài báo, Chip và Dan Heath, nêu bật sự vô lý của kỳ vọng chọn được một quỹ trong nhóm 4% đó: “Để so sánh, nếu bạn được chia hai lá bài hoàng gia trong trò xì dách (mỗi lá hoàng gia có giá trị 10 điểm, vậy bây giờ tổng số điểm của bạn là 20) và tên ngốc bên trong bạn hét lên: “Lật bài đi! Anh có 8% cơ hội chiến thắng đó!”.
Không biết bạn thế nào chứ tôi không muốn để tên ngốc bên trong mình ra quyết định! Vậy tại sao tôi lại đặt cược vào khả năng của mình trong việc xác định số ít các nhà quản lý quỹ sẽ hoạt động tốt?
Bạn có thể là một nhà nghiên cứu chuyên sâu, người thích đọc Nhật báo Wall Street và Morningstar, người đang tìm kiếm một quỹ tương hỗ hạng năm sao danh tiếng lừng lẫy - kẻ đánh bại thị trường. Nhưng có một vấn đề khác mà ít ai lường trước: người chiến thắng hôm nay gần như sẽ luôn thua cuộc ngày mai. Nhật báo Wall Street đã viết về một nghiên cứu được thực hiện vào năm 1999 và xem xét những gì đã xảy ra trong vòng 10 năm kế tiếp đối với tất cả quỹ có hiệu quả hoạt động hàng đầu được nhận đánh giá “năm sao” từ tập đoàn tài chính Morningstar. Kết quả các nhà nghiên cứu thu được là gì? “Trong số 248 quỹ tương hỗ được xếp hạng năm sao vào đầu thời kỳ này, chỉ có bốn quỹ vẫn giữ vững thứ hạng sau 10 năm.” Thuật ngữ được dùng để mô tả quá trình này là “đảo ngược về giá trị trung bình”, một cách nói lịch sự rằng hầu hết những người có tiềm năng cao vượt trội cuối cùng đều sẽ rơi xuống mức bình thường.
Thật không may, nhiều người thích chọn các quỹ được xếp hạng cao nhất mà không nhận ra rằng họ đang rơi vào cái bẫy mua những thứ đang được ưa chuộng - thường là ngay trước khi nó hết thời. David Swensen giải thích: “Không ai muốn nói ‘tôi sở hữu cả mớ quỹ một hoặc hai sao’. Họ muốn sở hữu những quỹ bốn, năm sao và khoe khoang về chúng tại văn phòng. Tuy nhiên, quỹ bốn, năm sao là những quỹ đã và đang hoạt động tốt, không phải là những quỹ sẽ hoạt động tốt. Nếu cứ mua những quỹ đã hoạt động tốt và bán những quỹ hoạt động kém, cuối cùng bạn sẽ không đạt được hiệu quả cao”.
CHUYỆN NÀY CÒN CÓ THỂ TỆ HƠN NỮA KHÔNG?
Các công ty quỹ tương hỗ nổi tiếng với việc mở rất nhiều quỹ với hy vọng một vài quỹ trong số đó có thể hoạt động thật sự hiệu quả. Sau đó, họ có thể âm thầm đóng các quỹ hoạt động kém và tích cực quảng bá một số ít quỹ hoạt động tốt này. Suy cho cùng, dù có làm tài liệu quảng cáo bóng bẩy đến mức nào thì họ cũng không thể thuyết phục khách hàng bằng những sản phẩm có lịch sử hoạt động kém hiệu quả được. Jack Bogle lý giải: “Một công ty sẽ bắt tay vào ươm tạo năm quỹ khác nhau và sẽ thử làm cho cả năm quỹ trở nên xuất sắc. Tất nhiên, bốn quỹ trong số đó không thể đạt được kết quả như họ mong muốn, nhưng một quỹ còn lại thì được. Thế là họ bỏ bốn quỹ kém và ra mắt công chúng quỹ duy nhất đã có hiệu quả hoạt động rất tốt với một bảng thành tích tuyệt vời, và họ quảng bá thành tích đó”.
Bogle cho biết thêm, về mặt thống kê, nếu tạo ra đủ số lượng quỹ thì chắc chắn bạn sẽ có được một vài quỹ nổi bật: “Tony24, nếu anh tập trung 1.024 con khỉ đột trong một tòa nhà và dạy chúng tung đồng xu, một con trong số chúng sẽ tung được mặt ngửa mười lần liên tiếp. Hầu hết mọi người sẽ gọi đó là ăn may, nhưng nếu chuyện này xảy ra trong ngành kinh doanh quỹ, chúng tôi gọi chú khỉ ấy là thiên tài!”.
Như vậy nghĩa là bạn không thể đánh bại thị trường trong thời gian dài? Thật ra là có thể. Dù chuyện này cực kỳ khó, nhưng có một số “nhà đầu tư kỳ lân”25 ngoài kia đã vượt mặt thị trường trong vài thập niên qua. Đó là các siêu sao như Warren Buffett, Ray Dalio, Carl Icahn và Paul Tudor Jones, những người không chỉ thông minh xuất chúng mà còn có khí chất lý tưởng, những yếu tố giúp họ luôn bình tĩnh và lý trí ngay cả khi thị trường đang tan vỡ và hầu hết mọi người đều khó giữ được lý trí. Một lý do cho chiến thắng của họ là họ quyết định đầu tư dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về cơ hội thành công chứ không phải dựa trên cảm xúc, ý muốn hay may mắn.
24 Cách gọi thân mật của “Anthony”.
25 Unicorn, có ý chỉ những người hoặc công ty xuất chúng và hiếm thấy.
Nhưng hầu hết các nhà đầu tư kỳ lân này điều hành các quỹ phòng hộ khổng lồ mà những nhà đầu tư mới không thể tiếp cận. Ví dụ, Ray Dalio từng nhận tiền từ các nhà đầu tư có giá trị tài sản ròng tối thiểu 5 tỷ đô-la và ủy thác cho ông tối thiểu 100 triệu đô-la. Ngày nay, ông không nhận bất kỳ nhà đầu tư mới nào, bất kể họ có bao nhiêu tỷ đô-la trong tay!
Khi tôi hỏi Ray việc đánh bại thị trường trong thời gian dài khó đến mức nào, ông ấy đã thẳng thắn trả lời: “Anh sẽ không thể đánh bại thị trường. Cạnh tranh trên thị trường còn khó hơn giành chức vô địch ở Thế vận hội. So với Thế vận hội, trên thị trường có nhiều đối thủ cạnh tranh hơn và nếu bạn thành công, phần thưởng sẽ lớn hơn rất nhiều. Giống như các cuộc thi tài ở Thế vận hội, anh chỉ có một phần trăm rất nhỏ thành công, tuy nhiên, không giống như ở Thế vận hội, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng họ có thể giành chiến thắng trên thị trường. Trước khi anh cố gắng đánh bại thị trường, hãy nhận ra khả năng thành công của anh là cực kỳ nhỏ và hãy tự hỏi anh đã dành thời gian để học hỏi và chuẩn bị để trở thành một trong số ít những người thật sự chiến thắng hay chưa”.
Bạn không thể không chú ý khi một trong những gã khổng lồ đã thật sự đánh bại thị trường suốt nhiều thập niên khuyên bạn đừng bận tâm tới việc cố gắng vượt mặt thị trường mà thay vào đó hãy kiên trì bám lấy các quỹ chỉ số.
Warren Buffett, người đã vượt qua thị trường với tỷ suất lợi nhuận khổng lồ, cũng khuyên các nhà đầu tư thông thường nên đầu tư vào các quỹ chỉ số để tránh phải trả các khoản phí quá cao. Để chứng minh quan điểm của mình rằng về lâu về dài, hầu như tất cả nhà quản lý quỹ chủ động đều kém hiệu quả hơn quỹ chỉ số, ông đã đặt cược một triệu đô-la vào năm 2008 với Protégé Partners, một công ty có trụ sở tại New York. Ông thách thức Protégé chọn ra năm nhà quản lý quỹ phòng hộ hàng đầu có thể đánh bại S&P 500 trong khoảng thời gian 10 năm.
Vậy kết quả thế nào? Sau tám năm, Fortune báo cáo rằng các quỹ phòng hộ này chỉ tăng 21,87%, trong khi mức tăng của S&P 500 là 65,67%! Cuộc đua vẫn chưa đến hồi kết. Nhưng tình hình cho thấy những nhà quản lý quỹ này không khác gì những thí sinh tham gia cuộc thi chạy hai người ba chân đang cố gắng bắt kịp Usain Bolt, vận động viên điền kinh chạy nhanh nhất thế giới.
Trong khi đó, Buffett nói ông đã viết trong di chúc rằng sau khi ông qua đời, số tiền trong quỹ tín thác mà ông dành cho vợ mình nên được đầu tư vào các quỹ chỉ số có chi phí thấp. Tại sao? Ông lý giải: “Tôi tin về lâu về dài, phương án này sẽ giúp quỹ tín thác của tôi phát triển vượt trội hơn so với những gì đa số nhà đầu tư đạt được - cho dù là với quỹ hưu trí, quỹ của các tổ chức hay quỹ cá nhân - khi thuê các chuyên gia quản lý thu phí cao”.
Ngay cả lúc đã xuống mồ, Buffett vẫn kiên quyết tránh tác động ăn mòn của các loại phí cao!
Trong lá thư gửi cổ đông năm 2016, Buffett đã chỉ trích những người giàu có và “lọc lõi” vì họ cố tìm cách đánh bại thị trường. Ông ước đoán “cuộc tìm kiếm những lời tư vấn đầu tư của giới thượng lưu hẳn đã gây lãng phí hơn 100 tỷ đô-la trong 10 năm qua”. Không dừng lại ở đó, ông nói: “Những người giàu có đã quen với cảm giác có được những thứ tốt nhất, từ thực phẩm, cơ hội học hành, giải trí, nhà ở, cho tới phẫu thuật thẩm mỹ, vé xem thể thao và nhiều thứ khác. Họ cho rằng tiền của họ có thể mua về cho họ những thứ cao cấp hơn so với những gì đại chúng có thể nhận được. Họ gặp khó khăn khi đăng ký sử dụng một sản phẩm tài chính (quỹ chỉ số) hoặc dịch vụ mà những người chỉ đầu tư vài ngàn đô-la cũng có thể tiếp cận”. Đây là một chỉ dẫn đơn giản nhưng cực kỳ sáng suốt của Nhà Thông thái vùng Omaha26.
26 Omaha thuộc bang Nebraska nước Mỹ là thành phố quê hương của Warren Buffett. Ông vẫn sống tại đó cho đến nay.
***
Bạn có nhớ tôi từng nói kiến thức chỉ đơn thuần là sức mạnh tiềm tàng không? Chỉ khi vận dụng kiến thức đó vào thực tế thì bạn mới sở hữu sức mạnh thật sự. Trong chương này, bạn đã biết các loại phí và thuế có thể gây ra ảnh hưởng lớn đến mức nào đối với tương lai tài chính của bạn. Nhưng bạn sẽ làm gì với những kiến thức đó? Bạn sẽ vận dụng và hưởng lợi từ nó như thế nào?
Hãy tưởng tượng bạn ngừng mua các loại chứng khoán được quản lý theo kiểu chủ động với mức phí cắt cổ. Thay vào đó, từ bây giờ, bạn chỉ đầu tư vào các quỹ chỉ số có chi phí thấp. Kết quả là gì? Tôi ước tính thì tối thiểu bạn cũng có thể cắt giảm 1% chi phí quản lý quỹ của mình mỗi năm. Nhưng như bạn biết, đó không phải là lợi ích duy nhất của việc chuyển sang quỹ chỉ số. Giả sử các quỹ chỉ số của bạn mang lại kết quả nhỉnh hơn 1% mỗi năm so với các quỹ được quản lý chủ động. Như vậy bạn vừa thêm tổng cộng 2% một năm vào lợi nhuận của mình. Chỉ riêng điều này thôi cũng có thể mang lại cho bạn thêm 20 năm thu nhập hưu trí27.
27 Giả định có hai nhà đầu tư đều có khoản đầu tư ban đầu là 100.000 đô-la và lợi nhuận 8% trong vòng 30 năm, nhưng một người bị tính phí 1% và người còn lại thì chịu phí 2%. Giả sử số tiền họ rút khi nghỉ hưu là bằng nhau, nhà đầu tư trả phí 2% sẽ hết tiền sớm hơn 10 năm so với người chịu phí 1%.
Bạn có thấy mình sở hữu bao nhiêu quyền lực khi chịu trách nhiệm cho tương lai tài chính của chính mình hay chưa? Hãy nắm lấy sức mạnh đó và sử dụng nó để làm giảm đáng kể các chi phí. Điều này sẽ giúp bạn trở nên vô cùng vững vàng!