Vén màn những mánh khóe lừa đảo
“Rất khó làm cho một người hiểu được điều gì đó khi anh ta kiếm tiền nhờ vào việc không hiểu điều đó.”
- UPTON SINCLAIR
K hi tôi hỏi “Dạo này anh/chị thế nào?”, câu trả lời tôi thường nhận được nhất là “Bận rộn lắm!”. Ngày nay, tất cả chúng ta đều tất bật hơn bao giờ hết. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều người thuê cố vấn tài chính để giúp họ điều hướng trong hành trình phức tạp đến với tự do tài chính. Từ năm 2010 đến 2015, tỷ lệ người Mỹ sử dụng dịch vụ cố vấn tài chính đã tăng gấp đôi. Trên thực tế, hơn 40% người Mỹ hiện đang làm việc với chuyên gia tư vấn tài chính. Càng có nhiều tiền, bạn càng có khuynh hướng tìm kiếm lời khuyên: 81% những người có tài sản ròng hơn 5 triệu đô-la đều có một cố vấn bên cạnh.
Nhưng làm thế nào để tìm được một cố vấn đáng tin - và ai xứng đáng với sự tin tưởng của bạn?
Thật ngạc nhiên khi biết có nhiều người không tin người đưa ra lời khuyên tài chính cho họ! Một cuộc khảo sát năm 2016 của CFP Board28 cho thấy 60% người được hỏi tin rằng “các chuyên gia tư vấn tài chính hành động vì lợi ích của công ty họ hơn là vì lợi ích của khách hàng”. Tỷ lệ này đã tăng vọt từ 25% kể từ năm 2010. Để dễ so sánh, tỷ lệ phê chuẩn của Quốc hội Mỹ hiện nay chỉ rơi vào khoảng 20%, vậy mà chỉ 10% người Mỹ được khảo sát tin tưởng vào các tổ chức tài chính. Thật khó tìm được ngành nào khác nơi khách hàng có mức độ hoài nghi cao như vậy - có lẽ ngoại trừ ngành kinh doanh xe đã qua sử dụng.
28 Tên viết tắt của Certified Financial Planner Board of Standards, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên thiết lập các chuẩn mực và cấp chứng chỉ hành nghề cho các chuyên gia hoạch định tài chính ở Mỹ.
Điều gì gây ra “đại dịch” mất lòng tin này? Thật ra, rất khó để đặt trọn niềm tin vào một ngành công nghiệp liên tục bị đưa lên bản tin vì có các vụ bê bối nghiêm trọng. Hãy xem “Bảng thành tích đen” ở trang bên, bạn sẽ thấy 10 công ty tài chính lớn nhất thế giới đã phải chi 179,5 tỷ đô-la tiền bồi thường ngoài tòa án chỉ trong vòng bảy năm từ 2009 đến 2015. Trong đó, riêng bốn ngân hàng lớn nhất nước Mỹ - Bank of America, JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo - đã thực hiện 88 vụ dàn xếp với tổng số tiền 145,84 tỷ đô-la!
Một số câu chuyện đằng sau những vụ dàn xếp này kỳ quặc đến mức khiến bạn phải lắc đầu không hiểu nổi. Dưới đây là ví dụ về bốn dòng tít tiêu biểu trên mặt báo tại Mỹ lúc bấy giờ:
• “Bank of America chi 415 triệu đô-la tiền dàn xếp để tránh cuộc điều tra của Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ”: Nhật báo Wall Street đưa tin bộ phận môi giới Merrill Lynch của Bank of America đã “sử dụng sai mục đích tiền mặt và chứng khoán của khách hàng để kiếm lời”, gây rủi ro lên tới 58 tỷ đô-la đối với tài sản của khách hàng!
• “Citigroup bị phạt nặng trong cuộc điều tra định giá nhưng không bị cáo buộc hình sự”: tờ New York Times đưa tin ngân hàng Citigroup đã bị phạt 425 triệu đô-la cho hành vi thao túng lãi suất chuẩn từ năm 2007 đến 2012. Động cơ của Citigroup là “kiếm được vị thế giao dịch có lợi bằng cách lợi dụng vị thế giao dịch của đối tác và khách hàng”.
• “Cựu nhân viên của Barclays phạm tội gian lận LIBOR29”: USA Today đưa tin ba nhân viên cũ của Barclays đã âm mưu “thao túng một chuẩn mực tài chính toàn cầu, thứ được sử dụng để áp đặt lãi suất cho hàng ngàn tỷ đô-la tài sản thế chấp và các khoản vay khác”. Là hàng ngàn tỷ đấy!
29 Viết tắt của London Inter-Bank Offered Rate, tức Lãi suất Libor, lãi suất chuẩn được chấp nhận rộng rãi nhất trên thế giới. Đây là lãi suất mà tại đó các ngân hàng lớn cho vay lẫn nhau đối với các khoản vay ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng quốc tế.
• “Wells Fargo bị phạt 185 triệu đô-la vì gian lận trong việc mở tài khoản”: New York Times đưa tin nhân viên của Wells Fargo “đã mở khoảng 1,5 triệu tài khoản ngân hàng và đăng ký 565.000 thẻ tín dụng” mà không có sự đồng ý của khách hàng! Họ đã sa thải ít nhất 5.300 nhân viên liên quan đến vụ bê bối này.
Làm sao bạn có thể đặt tương lai tài chính của mình vào tay những người làm việc trong một ngành có thành tích đen trong việc đặt lợi ích của họ lên trên lợi ích của khách hàng? Làm sao bạn có thể mong họ sẽ không lừa dối, lợi dụng và lạm dụng bạn?
Suy cho cùng, những công ty này không phải là những doanh nghiệp ất ơ với danh tiếng chỉ đáng giá ba xu. Họ là - hoặc từng là - những người khổng lồ được trọng vọng nhất và có giá trị bảo chứng nhất trong ngành! Ví dụ, Wells Fargo từ lâu được xem là một trong những ngân hàng hoạt động tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, giám đốc điều hành của công ty này buộc phải từ chức trong nhục nhã vì công ty của ông tự ý mở các tài khoản cá nhân giả mạo, phải nộp lại 41 triệu đô-la cổ phiếu quyền chọn mà ông từng nhận được như một phần thưởng cho kết quả làm việc xuất sắc của mình.
Bây giờ, hãy để tôi làm rõ điều này. Tôi không chỉ trích bất kỳ cá nhân nào làm việc trong lĩnh vực này hoặc cho các công ty kể trên. Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu CEO của Wells Fargo thật sự biết về hành vi sai phạm đã lan rộng trong công ty khổng lồ này của mình, nơi có số lượng nhân viên vượt qua con số 250.000. Điều hành những công ty lớn đến mức này là một thử thách gần như không thể vượt qua đối với nhiều người. Tôi có rất nhiều bạn bè và khách hàng trong ngành tài chính, vì vậy tôi đang nói bằng trải nghiệm thực tế của mình rằng họ - và đại đa số đồng nghiệp của họ - đều là những người thật sự chính trực. Họ có tấm lòng và những ý định tốt đẹp.
Vấn đề là họ làm việc trong một hệ thống vượt quá tầm kiểm soát của họ - một hệ thống có các động lực tài chính cực kỳ mạnh mẽ để tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận. Đây là một hệ thống sẵn sàng thưởng rất hậu hĩnh cho những nhân viên đặt lợi ích của chủ công ty lên hàng đầu, lợi ích cá nhân họ thứ hai và lợi ích của khách hàng ở vị trí cuối cùng. Đối với những người như bạn và tôi, đó là công thức dẫn đến thảm họa - trừ khi chúng ta học được cách phòng vệ và đối phó với các hệ thống hoạt động đi ngược lại lợi ích của chúng ta.
“HÃY TIN TÔI”… TIN LÀ TÔI SẼ LỢI DỤNG BẠN!
Trước khi chúng ta đi xa hơn, sẽ có ích nếu chúng ta xem các chuyên gia tư vấn tài chính có vị trí như thế nào trong hệ thống “đói” lợi nhuận này - và chính xác thì công việc của họ là gì. Họ hoạt động trong một hệ thống mà không có gì giống như ta tưởng. Chính vì vậy mà họ có thể mang nhiều danh xưng khác nhau, và có vẻ điều này thường gây bối rối!
Theo Nhật báo Wall Street, có hơn 200 chức danh khác nhau cho các cố vấn tài chính, bao gồm “chuyên viên tư vấn tài chính”, “nhà quản lý tài sản”, “cố vấn tài chính”, “chuyên gia tư vấn đầu tư”, “cố vấn tài sản” và “cố vấn riêng về tài sản”. Đây chỉ là những cách khác nhau để nói “Tôi đáng được trọng vọng! Tôi chuyên nghiệp! Và tất nhiên, anh có thể tin tôi!”.
Bất kể họ mang chức danh gì, điều bạn thật sự cần biết là 90% trong số khoảng 310.000 cố vấn tài chính ở Mỹ thực chất chỉ là những nhà môi giới. Nói cách khác, họ được trả tiền để bán các sản phẩm tài chính cho những khách hàng như bạn và tôi để lấy phí.
Tại sao điều này quan trọng? Bởi vì các nhà môi giới được hưởng lợi ích đặc biệt khi bán được những sản phẩm đắt tiền, chẳng hạn như các quỹ tương hỗ được quản lý chủ động, các hợp đồng bảo hiểm trọn đời, các loại trái phiếu đồng niên thả nổi30 và tài khoản đầu tư trọn gói. Các sản phẩm này thường mang lại cho họ khoản tiền hoa hồng một lần hoặc hằng năm. Chuyên gia môi giới tại một công ty lớn có thể được yêu cầu tạo ra doanh số ít nhất 500.000 đô-la một năm. Vì vậy, không quan trọng danh xưng của họ nghe có vẻ lạ tai như thế nào, họ là những nhân viên bán hàng đang chịu áp lực rất lớn về doanh số. Nếu việc tự xưng là một chuyên gia tư vấn tài chính hoặc cố vấn riêng về tài sản có thể giúp họ đạt được mục tiêu bán hàng khủng, vậy thì cứ làm thôi. Nếu danh xưng phù thủy, thần tiên hay yêu tinh có thể giúp ích nhiều hơn cho họ thì họ cũng không ngại nhận lấy những cái tên đó!
30 Trái phiếu đồng niên thả nổi có dòng tiền kém ổn định hơn so với trái phiếu đồng niên cố định, nhưng bù lại nó cho phép người sở hữu thu được lợi ích cao hơn từ các khoản đầu tư từ quỹ.
Có phải như vậy nghĩa là họ không trung thực? Không hề. Nhưng điều đó có nghĩa là họ đang làm việc cho nhà cái. Và hãy nhớ điều này: nhà cái luôn thắng! Có khả năng người môi giới của bạn trung thực và chính trực, nhưng anh ta đang bán những gì anh ta đã được đào tạo để bán - và bạn phải luôn mặc định rằng bất cứ thứ gì anh ta bán đều có lợi cho nhà cái trước tiên. Những khách hàng sành sõi đều biết đây là cách vận hành phổ biến, bằng chứng là một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 42% khách hàng siêu giàu nghĩ rằng cố vấn của họ quan tâm đến việc bán sản phẩm hơn là giúp họ có những khoản đầu tư tốt!
Warren Buffett thường nói đùa rằng bạn không bao giờ muốn hỏi thợ cắt tóc về việc mình có cần cắt tóc hay không. Các chuyên gia môi giới chính là thợ cắt tóc của thế giới tài chính. Họ được đào tạo và được khuyến khích bán hàng, bất kể bạn có cần thứ họ đang bán hay không! Đây không phải là một lời chỉ trích. Đây là thực tế.
Tôi cũng muốn nói rõ là tôi không chỉ trích hoặc “bôi đen” các công ty tài chính sử dụng các nhà môi giới này. Các công ty này có phần trong những việc ngu ngốc, vô đạo đức và bất hợp pháp mà các nhà môi giới của họ làm hay không? Cũng tùy. Nhưng chắc chắn là họ không xấu xa hay hiểm độc. Họ không bao giờ có ý phá hoại hệ thống kinh tế toàn cầu! Các công ty này chỉ đơn giản làm những gì họ được khuyến khích để làm, đó là đáp ứng nhu cầu của các cổ đông. Và các cổ đông cần gì? Lợi nhuận lớn hơn và lớn hơn nữa. Và điều gì tạo ra lợi nhuận lớn hơn? Thu được nhiều khoản phí hơn! Nếu có một “vùng xám” hợp pháp mà các công ty này có thể lợi dụng để tạo ra các khoản phí phụ trội đó thì họ sẽ có khuynh hướng làm vậy, bởi đó chính là việc mà họ được khuyến khích thực hiện.
Có thể bạn kỳ vọng các khoản tiền dàn xếp khổng lồ kia có tác dụng như một rào cản chống các hành vi lạm dụng và tạo động lực cho các công ty cải thiện cách hoạt động. Nhưng những khoản tiền phạt này thật sự không là gì so với món lợi mà các công ty thu được. Bank of America từng phải nộp phạt 415 triệu đô-la vì lạm dụng tài sản của khách hàng. Thật là một khoản tiền lớn! Trong vòng ba tháng của năm 2015, ngân hàng này đã kiếm được 5,3 tỷ đô-la lợi nhuận. Chỉ 12 tuần mà thôi! Đối với những tập đoàn giàu có như thế này, khoản tiền phạt phiền phức đó chỉ là một kiểu lệ phí - giống như bạn hay tôi nhận được tấm vé phạt đậu xe sai chỗ vậy.
Thay vì thay đổi phương thức làm việc, các công ty này tập trung đánh bóng thương hiệu của họ thông qua các chiến dịch quảng cáo hào nhoáng với những hình ảnh đẹp như mơ của những chiếc du thuyền sang trọng và cung đường lãng mạn trên bãi biển. Tại sao tôi nói với bạn điều này? Bởi vì chúng ta đã được đào tạo để tin tưởng các thương hiệu. Chúng ta cần thoát khỏi sự áp đặt này và nhìn vào thực tế với một tâm trí biết phản biện chứ không phải bằng đôi mắt ảo tưởng. Nếu không, làm sao chúng ta có thể tự bảo vệ mình trước một hệ thống hùng mạnh luôn vận hành vì lợi ích của nó trước tiên như thế này?
Tôi tức giận và đau buồn khi thấy hệ thống tài chính đổ đốn đến mức này. Nhưng nỗi giận và sự đau buồn không bảo vệ bạn khỏi bị bóc lột. Thứ có thể bảo vệ bạn chính là sự hiểu biết về cách hệ thống này có thể làm tổn hại bạn như thế nào. Nếu không hiểu động lực nào đang thúc đẩy chuyên gia tư vấn của bạn hành động, có khả năng bạn sẽ phát hiện ra mình đã giúp tương lai tài chính của anh ta phát triển rực rỡ trong lúc đang hủy hoại tương lai tài chính của chính mình.
Chương này sẽ hướng dẫn bạn vượt qua “bãi mìn”. Bạn sẽ học được cách phân biệt ba kiểu chuyên gia tư vấn khác nhau để có thể né những tay bán hàng và chọn được một chuyên gia nhận ủy thác đáng tin cậy, người có nghĩa vụ pháp lý phải hành động vì lợi ích cao nhất của bạn. Chúng tôi cũng sẽ cung cấp cho bạn các tiêu chí để đánh giá xem một cố vấn nào đó là phù hợp hay không phù hợp với nhu cầu của bạn, dựa trên các dữ kiện thực tế chứ không phải mức độ dễ mến của họ. Suy cho cùng, chúng ta rất dễ bị thuyết phục bởi những người chúng ta thích, đặc biệt là khi họ rất chân thành. Hãy nhớ là con người đều có thể chân thành - và sai một cách chân thành.
Có thể bạn đang tự hỏi liệu mình có cần một cố vấn hay không. Nếu bạn quyết định quản lý tình hình tài chính của mình, quyển sách này và quyển Money: Master the Game sẽ giúp bạn đi đúng hướng để có thể đạt được các mục tiêu tài chính của mình. Nhưng theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, các cố vấn tài chính đáng tin cậy có thể mang lại những giá trị vượt trội bằng cách hỗ trợ bạn về mọi mặt từ đầu tư cho đến cách xử lý các loại thuế và bảo hiểm. Họ cung cấp những lời khuyên toàn diện và thật sự vô giá. Nếu bạn không tin, hãy tham khảo thông tin từ nghiên cứu của Vanguard trong khung bên dưới.
Đối với tôi, nhận được sự tư vấn từ những chuyên gia hàng đầu là một yếu tố thay đổi cuộc chơi, giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều tiền và thời gian. Tôi là người có năng lực và tôi tự hào vì mình có thể hiểu những nguyên tắc cốt lõi trong những lĩnh vực mà mình tham gia, nhưng cũng giống như một bác sĩ không thể tự làm phẫu thuật não cho mình, tôi vẫn cần sự hỗ trợ từ các chuyên gia.
GIÁ TRỊ CỦA MỘT CHUYÊN GIA TƯ VẤN TÀI CHÍNH ĐÍCH THỰC
Những cố vấn đặt lợi ích riêng lên hàng đầu có thể gây tổn hại nặng nề cho sức khỏe tài chính của bạn, nhưng những cố vấn tận tâm có thể mang lại giá trị vô giá. Một nghiên cứu gần đây của tập đoàn tài chính Vanguard đã liệt kê chính xác những giá trị tài chính mà một chuyên gia tư vấn đúng nghĩa có thể mang lại cho các dự án đầu tư của bạn:
• Giảm tỷ trọng chi phí: lấy lại được 45 điểm cơ bản31 (0,45%) cho túi tiền của bạn
• Tái cân bằng danh mục đầu tư: tăng 35 điểm cơ bản (0,35%) cho hiệu quả đầu tư
• Phân bổ tài sản: tăng 75 điểm cơ bản (0,75%) cho hiệu quả hoạt động
• Rút ra các khoản đầu tư phù hợp khi nghỉ hưu: 70 điểm cơ bản (0,70%) cho các khoản tiết kiệm
• Huấn luyện hành vi: 150 điểm cơ bản (1,50%) trong vai trò hỗ trợ bạn như nhà tâm lý học thực hành của bạn
Tổng cộng giá trị gia tăng là 3,75%! Đó là con số cao gấp ba lần chi phí bạn phải trả cho một nhà tư vấn giỏi. Và đó là chưa kể đến các khoản giảm thuế và nhiều khoản khác.
Nguồn: Francis M. Kinniry Jr. và cộng sự, “Putting a Value on Your Value: Quantifying Vanguard Advisor’s Alpha”, Vanguard Research (09/2016).
31 Còn gọi là điểm cơ sở, một đơn vị đo lường phổ biến của lãi suất và những tỷ lệ khác trong tài chính. Một điểm cơ bản tương đương 1/100 của 1%, hay 0,01% hoặc 0,0001 và được dùng để ký hiệu phần trăm thay đổi trong một công cụ tài chính.
MỘT VÁN CƯỢC CẦM CHẮC THẤT BẠI
“Một trong những điều này không giống với những điều khác.”
- BIG BIRD, nhân vật trong loạt phim thiếu nhi Sesame Street (tựa tiếng Việt: Phố Vừng vui nhộn)
Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác nghi ngờ rằng ai đó không nói với bạn “toàn bộ” sự thật nhưng lại không thể xác định rõ tại sao bạn không tin tưởng người đó hoặc chính xác thì họ đang dối bạn điều gì hay không? Cảm giác đó khá giống với khi bạn tìm kiếm một lời khuyên về đầu tư. Vậy làm thế nào để biết người đang chìa tay ra trước mặt bạn thật sự muốn giúp đỡ bạn? Và làm thế nào bạn biết nên bắt đầu từ đâu khi có quá nhiều người với nhiều chức danh khác nhau đang đề xuất cho bạn nhiều giải pháp tiềm năng?
Để tập trung giúp bạn thoát khỏi sự rối rắm này, tôi sẽ trình bày một cách đơn giản và dễ hiểu nhất có thể. Trên thực tế, tất cả các chuyên gia tư vấn tài chính đều thuộc một trong ba nhóm sau, và việc bạn cần làm là xác định xem chuyên gia của bạn thuộc nhóm nào:
• Chuyên gia môi giới
• Chuyên gia tư vấn đầu tư
• Chuyên gia tư vấn kép
Bây giờ, hãy phân tích chi tiết hơn để bạn biết chính xác mình đang làm việc với kiểu chuyên gia nào.
Chuyên gia môi giới
Như tôi đã đề cập ở phần trên, khoảng 90% các chuyên gia tư vấn tài chính ở Mỹ là nhà môi giới, bất kể chức danh trên danh thiếp của họ là gì. Họ được trả một khoản phí hoặc tiền hoa hồng để bán sản phẩm. Nhiều người trong số họ làm việc cho các ngân hàng lớn ở Wall Street, công ty môi giới và công ty bảo hiểm - loại công ty mà bạn thường thấy tên của họ được giăng trên các sân vận động hoặc đặt ở mục nhà tài trợ của các chương trình lớn.
Làm thế nào bạn biết sản phẩm mà chuyên gia môi giới giới thiệu có phải là sản phẩm tốt nhất cho bạn hay không? Hãy để tôi làm rõ điều này. Chuyên gia môi giới không nhất thiết phải giới thiệu sản phẩm tốt nhất cho bạn. Đúng vậy, bạn không nghe nhầm đâu. Tất cả những gì họ phải làm là tuân thủ cái được gọi là tiêu chuẩn “phù hợp”. Như vậy nghĩa là họ chỉ phải tin rằng bất kỳ khuyến nghị nào mà họ đưa ra cũng “phù hợp” với khách hàng.
Sự phù hợp là một tiêu chuẩn đánh giá cực kỳ thấp. Bạn có ước mơ mình sẽ kết hôn với một người phù hợp hay bạn mơ về cuộc sống viên mãn cùng tri kỷ của mình? Đối với nhà môi giới, chỉ cần “phù hợp” là đủ.
Vấn đề là các nhà môi giới và công ty của họ kiếm được nhiều tiền hơn khi giới thiệu một số sản phẩm nhất định. Ví dụ, một quỹ được quản lý theo kiểu chủ động với chi phí cao sẽ sinh lợi cho họ nhiều hơn so với một quỹ chỉ số chi phí thấp, vốn sinh lợi cho bạn và gia đình bạn nhiều hơn. Có phải nghe giống như có xung đột lợi ích nghiêm trọng ở đây đúng không? Chính xác là vậy!
Tại sao coi trọng lợi ích của bản thân hơn khách hàng lại trở thành một tiêu chuẩn được chấp nhận? Để dễ xem xét vấn đề này trong bối cảnh chung, bạn cần biết Vương quốc Anh có quy định về người nhận ủy thác, theo đó tất cả chuyên gia tư vấn tài chính đều có nghĩa vụ pháp lý phải hành động vì lợi ích cao nhất của khách hàng. Úc cũng ban hành quy định tương tự. Vậy tại sao các chuyên gia tại Mỹ lại không có nghĩa vụ phải hành động như người nhận ủy thác? Thật ra, họ có nghĩa vụ đó - trừ các chuyên gia tài chính. Bác sĩ, luật sư và kiểm toán viên tại Mỹ đều phải tuân thủ quy định hành động vì lợi ích cao nhất của những người mà họ trợ giúp. Nhưng các chuyên gia tư vấn tài chính lại không bị ràng buộc bởi trách nhiệm pháp lý này!
Tại Mỹ, đã có nhiều nỗ lực ban hành quy định các chuyên gia tư vấn phải ưu tiên lợi ích cao nhất của khách hàng. Nhưng ngành công nghiệp tài chính đã tích cực vận động hành lang để ngăn chặn sự ra đời của các luật này. Tại sao? Thẳng thắn mà nói, các cố vấn và công ty của họ sẽ kiếm được ít tiền hơn nếu họ không còn khả năng sắp đặt ván bài có lợi cho mình. Hãy tưởng tượng họ sẽ kinh hoàng ra sao khi không thể chào bán những sản phẩm có giá cao cắt cổ của họ, hoặc không thể nhận tiền hoa hồng và các khoản lại quả bí mật như những thỏa thuận chia sẻ doanh thu với các công ty khác chẳng hạn.
Một tin (tương đối) tốt lành là cách nay không lâu, Bộ Lao động Hoa Kỳ đã thông qua một quy định mới, trong đó yêu cầu các chuyên gia tư vấn đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu khi đang xử lý quỹ hưu trí 401(k) và IRA32. Nhưng ngay cả như vậy, vẫn tồn tại những lỗ hổng lớn33. Ngoài ra, trong cuộc bầu cử gần đây của Donald Trump, các cố vấn của ông ấy đều bàn về việc thu hồi các quy định mới khi chúng còn chưa được thực thi. Vì vậy, đến khi bạn đọc được những dòng này, có thể những điều luật bảo vệ quyền lợi của khách hàng mà chúng tôi đề cập ở trên đã không còn tồn tại!
32 Viết tắt của Individual Retirement Account, tạm dịch là Tài khoản hưu trí cá nhân, một kế hoạch tiết kiệm hưu trí tương tự 401(k) nhưng do cá nhân tự thiết lập.
33 Nếu bạn đang làm việc với một chuyên gia môi giới, một lúc nào đó bạn sẽ nhận được một cú điện thoại hoặc một lá thư yêu cầu bạn ký “đơn miễn trừ trách nhiệm hành động vì lợi ích cao nhất của khách hàng” (Best Interest Contract Exemption, viết tắt là BICE). Nhà môi giới này có thể nói với bạn: “Chính phủ vừa thông qua một điều luật vô lý nhằm hạn chế sự lựa chọn của anh. Nếu anh ký vào đơn này, tôi có thể tiếp tục cung cấp cho anh một danh sách đầy đủ các tùy chọn”. Đừng tin vào điều đó. Mấy lời đó có thể được giải mã thành “Vui lòng ký vào đơn này để tôi có thể tiếp tục bán cho anh các sản phẩm có lợi nhất cho công ty tôi và nhận được hoa hồng khủng!”.
Điểm mấu chốt là hệ thống này có quá nhiều xung đột lợi ích đến mức nó đặt bạn vào một vị thế rất dễ bị tổn hại. Nhưng nếu bạn đang cộng tác với một nhà môi giới mà bạn ưa thích và tin tưởng thì sao?
Tôi không có ý nói rằng không thể tìm được một nhà môi giới tài năng, đáng tin cậy, người có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhưng dấn thân vào một trò chơi có xác suất thua quá lớn không phải là một nước cờ thông minh. Những nhà đầu tư thành công nhất - và cả những tay cờ bạc chuyên nghiệp nhất - luôn cố gắng đảm bảo xác suất thắng nghiêng về phía họ. Làm thế nào bạn nắm được cơ hội chiến thắng khi nhà môi giới của bạn ngấm ngầm theo đuổi kế hoạch tài chính riêng của anh ta? David Swensen, chuyên gia đầu tư của Yale, cảnh báo rằng bất kể bạn quý mến nhà môi giới của mình đến đâu, hãy nhớ “chuyên gia môi giới không phải là bạn của bạn”.
Chuyên gia tư vấn đầu tư
Trong số 308.937 cố vấn tài chính ở Mỹ, chỉ có 31.000 - xấp xỉ 10% - là chuyên gia tư vấn đầu tư có chứng chỉ hành nghề (Registered Investment Advisor - viết tắt là RIA - hoặc còn gọi là cố vấn độc lập). Giống như bác sĩ và luật sư, họ có nghĩa vụ của người nhận ủy thác và nghĩa vụ pháp lý buộc họ phải hành động vì lợi ích cao nhất cho khách hàng của họ trong mọi thời điểm. Hoàn toàn dễ hiểu và hợp lý đúng không? Nhưng trong vùng tranh tối tranh sáng kỳ lạ của ngành công nghiệp tài chính, đây lại là điều bất thường.
Để cho bạn thấy các điều luật mạnh đến mức nào, tôi sẽ đưa ra một ví dụ. Nếu RIA của bạn đề nghị bạn mua cổ phiếu Apple vào buổi sáng, sau đó vào buổi chiều anh ấy lại mua đúng loại cổ phiếu này cho bản thân nhưng với giá rẻ hơn, vậy thì theo luật, anh ấy phải chuyển cho bạn phần cổ phiếu anh ấy mua! Hãy thử yêu cầu nhà môi giới của bạn làm điều tương tự xem! Ngoài ra, trước khi hợp tác với bạn, RIA của bạn phải nói rõ tất cả xung đột lợi ích và giải thích cách anh ấy được trả công. Không lừa gạt, không che giấu, không mánh khóe, không dối trá, các quân bài đều phải lật ngửa!
Tại sao bạn lại chọn một cố vấn tài chính không hành động vì lợi ích cao nhất của bạn thay vì một người hành động vì lợi ích của bạn? Bạn sẽ không muốn chọn như thế! Nhưng thực tế là hầu hết mọi người đều hành động như vậy! Lý do đơn giản là họ không biết có cách nào tốt hơn. Khi đọc quyển sách này, bạn đang tiến vào một nhóm ưu tú của những người hiểu rõ các quy tắc cơ bản của trò chơi rủi ro cao này. Có một lý do khác khiến nhiều người chọn chuyên gia môi giới, đó là vì RIA giống như những chú chim quý hiếm - cơ hội để tìm ra một RIA chỉ có 1/10.
Nếu RIA là một hình mẫu ưu việt đến vậy, tại sao số lượng RIA lại quá ít? Lý do rõ ràng nhất là vì các nhà môi giới thường kiếm được nhiều tiền hơn. Tất cả những khoản phí béo bở từ việc bán các sản phẩm tài chính có thể mang lại cho họ món lợi khủng. Ngược lại, RIA không nhận hoa hồng từ việc bán sản phẩm. Thay vào đó, họ thường tính phí tư vấn cố định hoặc thu một tỷ lệ phần trăm trên tổng giá trị tài sản mà khách hàng giao cho họ quản lý. Đây là một mô hình minh bạch có thể loại bỏ các xung đột lợi ích khó xử.
Chuyên gia tư vấn kép
Khi mới tìm hiểu về sự khác biệt giữa nhà môi giới và chuyên gia tư vấn đầu tư độc lập, tôi thấy mọi thứ có vẻ rất rõ ràng và đơn giản! Chắc chắn bạn muốn làm việc với người hành động vì lợi ích cao nhất của bạn đúng không? Vì vậy, không có gì khó hiểu khi kiên quyết chọn một chuyên gia tư vấn độc lập, người có nghĩa vụ pháp lý của người nhận ủy thác. Tôi đã coi đó là tiêu chuẩn vàng. Nhưng sau đó, tôi phát hiện ra chủ đề tài này phức tạp hơn tôi nghĩ rất nhiều!
Vấn đề nằm ở đây: phần lớn các RIA đều đăng ký hành nghề như người nhận ủy thác và nhà môi giới. Chuyện quái gì thế này?! Trên thực tế, có đến 26.000 trong số 31.000 RIA ở Mỹ đang hoạt động trong vùng xám, nơi họ có thể “một chân đạp hai thuyền”. Đúng vậy, sự thật là chỉ 5.000 trên tổng số 310.000 chuyên gia tư vấn tài chính ở Mỹ là người nhận ủy thác thuần túy, chiếm tỷ lệ chỉ 1,6%. Bây giờ bạn biết tại sao việc nhận được lời khuyên minh bạch và không có xung đột lợi ích lại khó như vậy rồi đấy.
Khi viết quyển Money: Master the Game, tôi đã tìm hiểu tường tận về các chuyên gia nhận ủy thác, để rồi khám phá ra sự thật khó chịu này về việc đăng ký hành nghề kép, một khái niệm mà tôi lần đầu tiên biết tới thông qua Peter Mallouk.
Tôi rất tức giận khi biết những “chuyên gia kép” này hoạt động như thế nào trong thực tế. Lúc này có thể họ đang đóng vai trò như một cố vấn độc lập, trấn an bạn rằng họ tuân thủ các tiêu chuẩn của người nhận ủy thác và nhận phí để đưa ra cho bạn những lời khuyên không xung đột lợi ích. Nhưng chỉ một giây sau, họ chuyển đổi vai trò và hoạt động như một nhà môi giới, người kiếm tiền hoa hồng bằng cách bán sản phẩm cho bạn. Khi là nhà môi giới, họ không còn tuân theo các tiêu chuẩn của người nhận ủy thác. Nói cách khác, đôi khi họ có nghĩa vụ phục vụ lợi ích cao nhất của bạn và đôi khi không!
Làm sao bạn biết được họ đang sắm vai trò nào ở thời điểm làm việc với bạn? Hãy tin tôi, chuyện này không dễ chút nào. Tôi từng hỏi một cố vấn rằng anh ấy có phải là chuyên gia nhận ủy thác hay không, anh ấy trả lời bằng cách nhìn vào mắt tôi và cam đoan đúng là như vậy. Anh ấy nói về việc các nhà môi giới không đáng tin cậy như thế nào và làm việc với một chuyên gia nhận ủy thác thì tốt hơn ra sao. Anh ấy nói lợi ích của chúng tôi tương đồng với nhau. Sau đó, tôi phát hiện anh ấy cũng đang hoạt động như một nhà môi giới vì đã đăng ký hành nghề kép, và hóa ra anh ấy đã thực hiện đủ loại giao dịch phụ và kiếm được khoản tiền hoa hồng hậu hĩnh! Đây là người tôi đã nghĩ có thể giới thiệu như một chuyên gia nhận ủy thác đáng tin cậy, nhưng anh ta đã lừa dối tôi. Tuy nhiên, anh ta không vi phạm bất kỳ quy định nào. Tôi đã rất tức giận khi nhận ra mình bị lừa dối một cách dễ dàng đến thế!
Trớ trêu thay, hầu hết chuyên gia tư vấn kép đều là các nhà môi giới đã từ bỏ văn phòng sang trọng và khoản thu nhập tương đối đáng kể để nhảy vọt thành RIA. Họ muốn hoàn toàn độc lập, có thể cung cấp cho khách hàng đầy đủ các lựa chọn đầu tư - chứ không chỉ là một danh sách được soạn thảo cẩn thận để chào bán chỉ những sản phẩm mà công ty áp đặt. Họ muốn làm người hùng chứ không muốn đóng vai phản diện. Vì vậy, họ đã mạo hiểm và chuyển qua làm RIA, để rồi đau khổ vỡ lẽ rằng làm một cố vấn nhận ủy thác thuần túy là một việc thật khó khăn xét về mặt kinh tế.
Những chuyên gia tư vấn kép này có ý định tốt, nhưng họ bị kẹt giữa hai bên lằn ranh khi vừa cố gắng chính trực vừa phải chấp nhận thỏa hiệp. Đó không phải là lỗi của cá nhân họ; đó là do ngành tài chính được cấu trúc sao cho bán sản phẩm là cách dễ nhất để kiếm lợi nhuận cao và chi trả các hóa đơn sinh hoạt.
BA CHIÊU TRÒ CẦN ĐỀ PHÒNG
Đến lúc này, bạn đã nắm được một vài sự thật có thể giúp bạn tránh được nhiều nỗi phiền muộn. Bạn biết 90% chuyên gia tư vấn tài chính thật ra chỉ là nhà môi giới ngụy trang. Bạn biết họ không cần phải ưu tiên lợi ích của bạn. Bạn biết họ có áp lực phải bán được những sản phẩm có giá cao thái quá. Bạn biết mình sẽ có khả năng tìm được lời khuyên hiệu quả hơn nhiều nếu tránh xa các nhà môi giới - bất kể chuyện này có vẻ không công bằng đến mức nào đi nữa - và thay vào đó là làm việc với các cố vấn độc lập, những người có nghĩa vụ pháp lý phải đặt lợi ích của bạn lên hàng đầu. Bạn cũng biết không phải mọi chuyên gia nhận ủy thác đều như nhau, vì một số người có thể từ chối việc trở thành nhà môi giới.
Vậy bây giờ bạn đã biết mình nên tránh điều gì. Chúng tôi đã loại bỏ khoảng 98% số lượng cố vấn ngoài kia, với lý do họ là nhà môi giới hoặc chuyên gia tư vấn kép. Bạn còn lại gì? Bạn có hàng ngàn cố vấn độc lập, những người có nghĩa vụ pháp lý phải hành động như chuyên gia nhận ủy thác. Không quá khó để tìm một chuyên gia có thể đáp ứng nhu cầu của bạn.
Nhưng bạn vẫn phải hết sức cẩn thận. Tại sao? Vì xung đột lợi ích có thể phát sinh ngay cả khi bạn đang làm việc với một cố vấn độc lập - thường là liên quan đến các dàn xếp khôn khéo và hợp pháp để moi thêm tiền từ bạn trong lúc bạn không chú ý. Sau đây là ba chiêu trò mà bạn nên đề phòng.
Sự độc hại của các quỹ độc quyền
Các nhà môi giới thường ra sức bán các quỹ do chính công ty của họ lập ra. Họ không quá khéo che giấu chiến lược “không để phù sa chảy ruộng ngoài” này - một mánh khóe kiếm tiền phổ biến và phụ thuộc vào việc khách hàng có đủ ngây thơ để không thắc mắc xem công ty khác có đưa ra cùng một dịch vụ với mức phí thấp hơn không. Chính kiểu tư lợi này khiến bạn cần cảnh giác khi làm việc với các nhà môi giới. Nhưng tôi rất tiếc phải cho bạn biết nhiều chuyên gia tư vấn độc lập cũng ngấm ngầm áp dụng thủ đoạn tương tự.
Đây là cách đa số các quỹ độc quyền hoạt động: công ty tư vấn có hai nhánh, trong đó một nhánh là công ty tư vấn đầu tư chuyên cung cấp lời khuyên độc lập, tức công ty RIA. Đến đây thì vẫn ổn. Nhưng nhánh thứ hai là một công ty chị em sở hữu và vận hành một loạt các quỹ tương hỗ độc quyền. Công ty RIA giả vờ đưa ra những lời khuyên khách quan nhưng thực chất thì đang khuyên bạn đầu tư vào các quỹ bị kê giá quá cao do chính công ty chị em của họ bán! Thật tiện lợi! Điều tuyệt vời là toàn bộ lợi nhuận đều không lọt ra ngoài, một chuyện tốt cho tất cả các bên - trừ khách hàng.
Theo cách này, một khách hàng đáng thương phải trả hai lần tiền cho cố vấn của anh ta - đầu tiên là cho lời khuyên “độc lập” về việc nên đầu tư vào đâu và thứ hai là cho các quỹ có mức sinh lợi tầm thường của công ty mẹ. Hầu hết khách hàng thậm chí còn không biết mình đang mua các quỹ do cùng một công ty sở hữu. Đó là bởi vì nhánh “công ty quỹ” và nhánh “công ty tư vấn” thường hoạt động dưới hai cái tên khác nhau. Việc này giống như bạn đang xem một bậc thầy móc túi đang hành nghề vậy. Thủ thuật của họ khéo léo và tinh vi đến mức bạn gần như không thể không trầm trồ.
Thu thêm phí nhưng không hỗ trợ thêm
Một chiến lược khác ngày càng trở nên phổ biến là bạn trả phí cho một chuyên gia tư vấn để quản lý tiền của bạn - giả sử khoản phí đó bằng 1% giá trị tài sản của bạn. Sau đó, vị cố vấn này đề xuất một “danh mục đầu tư mẫu” (anh ta thậm chí còn đặt cho nó một cái tên khá oách như “Chuỗi danh mục đầu tư XYZ”) và để sử dụng danh mục này thì bạn phải trả phí bổ sung - giả sử bằng 0,25% giá trị tài sản của bạn. Phí này còn cao hơn cả phí của các mục đầu tư cơ bản trong danh mục đầu tư của bạn.
Nhưng thực tế bạn không nhận được bất kỳ dịch vụ “bổ sung” nào cả. “Danh mục đầu tư mẫu” kia chỉ bao gồm những khoản đầu tư mà chuyên gia này tập hợp lại, một việc mà ngay từ đầu bạn đã trả tiền để thuê anh ta làm. Chuyện này giống như bạn mua một món hàng 100 đô-la và sau đó trả thêm 25 đô-la nữa để có quyền đóng gói và mang nó ra khỏi cửa hàng!
Nếu một chuyên gia tư vấn thu phí quản lý tiền để giúp bạn lựa chọn các khoản đầu tư, anh ta nên hoàn thành việc đó. Đơn giản vậy thôi. Tại sao những chuyên gia tư vấn này có thể thu thêm phí chỉ để gom các khoản đầu tư trong danh sách lại với nhau? Tôi sẽ cho bạn biết lý do: bởi vì họ có thể, còn bạn thì có thể không để ý.
“Tôi không thể nhận tiền hoa hồng,
vì vậy hãy gọi đó là phí tư vấn”
Một số chuyên gia tư vấn độc lập thỏa thuận riêng với các công ty đầu tư để kiếm thêm những khoản tiền hoa hồng mà bạn không hề biết. Đây là cách vận hành quy trình này: cố vấn của bạn đề xuất một quỹ tương hỗ của một công ty cụ thể. Anh ta không thể làm một việc phô trương như công khai nhận tiền hoa hồng từ công ty bán những quỹ mà anh ta giới thiệu cho bạn mua. Điều này đặt ra một câu hỏi hết sức hóc búa cho chuyên gia tư vấn này. Anh ta phải làm sao? Dễ thôi! Anh ta gọi khoản tiền công này bằng một cái tên khác!
Vì vậy, chuyên gia tư vấn đa mưu túc trí này tìm đến công ty quỹ và đề nghị trả họ “phí tư vấn” thay vì tiền hoa hồng. Công ty quỹ vui vẻ trả khoản phí này và câu chuyện kết thúc có hậu cho mọi người, trừ bạn - vị khách hàng vừa bị lừa khi nghĩ mình thật sự nhận được những lời khuyên “cực kỳ khách quan và độc lập”. Bài học rút ra là gì? Nếu một sinh vật đi lạch bạch và kêu cạp cạp như vịt, nó chính là con vịt - hoặc một nhà môi giới.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TÌM ĐƯỢC CHUYÊN GIA TƯ VẤN PHÙ HỢP NHẤT VỚI NHU CẦU CỦA BẠN
“Năng lực là thứ quý hiếm đến mức tôi trân trọng mọi cơ hội được nhìn thấy nó.”
- FRANK UNDERWOOD, nhân vật trong bộ phim truyền hình House of Cards
Tôi hy vọng giờ đây bạn đã hiểu rõ điều tốt nhất cho bạn là thuê một chuyên gia tư vấn độc lập có trách nhiệm pháp lý của người nhận ủy thác. Nhưng làm thế nào bạn chọn được một chuyên gia tư vấn thật sự phù hợp với bản thân?
Như bạn có thể thấy trong sơ đồ bên dưới, không phải mọi chuyên gia nhận ủy thác đều giống nhau. Tìm được người có trách nhiệm pháp lý phải đặt lợi ích của bạn lên trên hết là chưa đủ. Bạn còn cần tìm ra một người giỏi về tài chính và có chuyên môn cao. Nói cách khác, cố vấn của bạn phải rơi vào nhóm ở góc trên cùng bên phải trong sơ đồ, tức là nhóm có chuẩn mực ủy thác cao và năng lực cao. Ngược lại với nhóm này là nhóm thuộc góc phần tư dưới cùng bên trái, tức nhóm những người bán hàng với năng lực thấp.
Làm thế nào bạn có thể biết một chuyên gia tư vấn nhận ủy thác nào đó có kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp với nhu cầu của bạn? Trong quá trình lựa chọn chuyên gia, bạn có thể áp dụng năm tiêu chí sau:
1. Trước tiên, hãy kiểm tra các bằng cấp hoặc chứng chỉ cho thấy năng lực chuyên môn của những chuyên gia mà bạn lựa chọn. Bạn cần đảm bảo chuyên gia đó hoặc thành viên trong nhóm của họ có đủ năng lực hoàn thành công việc mà bạn cần họ thực hiện. Ở đây, chúng ta không nói về các chức danh hào nhoáng, mà về các bằng cấp hoặc chứng chỉ chuyên môn của họ. Nếu bạn đang tìm kiếm sự hỗ trợ về hoạch định tài chính, hãy đảm bảo chuyên gia tư vấn của bạn có chứng chỉ hoạch định kế hoạch tài chính hoặc có một thành viên như vậy trong đội ngũ. Nếu bạn cần được tư vấn pháp lý, hãy đảm bảo trong nhóm tư vấn có luật sư chuyên về xử lý di sản. Bạn đang tìm kiếm lời khuyên về thuế? Vậy bạn sẽ cần một kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề.
Các chứng chỉ hay bằng cấp chuyên môn này không phải là bảo chứng cho năng lực làm việc. Tuy vậy, điều quan trọng là khi kiểm tra những chứng chỉ này, bạn biết chuyên gia tư vấn mà bạn đang cân nhắc thuê có năng lực chuyên môn trên mức trung bình chung để có thể tư vấn cho bạn trong lĩnh vực liên quan.
2. Nói một cách lý tưởng, nếu thuê một chuyên gia tư vấn, bạn phải nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn chứ không phải chỉ là một người lập chiến lược đầu tư cho bạn. Điều bạn thật sự cần là một cố vấn có thể giúp bạn có cuộc sống thịnh vượng hơn theo thời gian bằng cách hướng dẫn bạn cách tiết kiệm các khoản tiền thế chấp, bảo hiểm, thuế, v.v. - một người có thể giúp bạn xây dựng và bảo vệ di sản của bạn. Tuy nghe có vẻ không cần thiết vào lúc này, nhưng việc có được sự hỗ trợ chuyên môn hiệu quả như thế này là rất quan trọng, vì chỉ riêng các vấn đề về thuế thôi đã có thể tạo ra sự khác biệt từ 30% đến 50% tổng số tiền bạn kiếm được từ các khoản đầu tư của bạn hôm nay!
Tôi cảm thấy buồn cười khi đọc các mẩu quảng cáo về dịch vụ quản lý tài sản và thấy tất cả những gì họ làm là thiết kế một danh mục đầu tư cho bạn. Tốt nhất, bạn nên tìm một chuyên gia đồng hành với bạn lâu dài. Hãy đảm bảo họ có các nguồn lực để cùng bạn phát triển ngay cả khi bạn chỉ mới tập tành đầu tư. Còn một điều nữa bạn cần lưu ý, đó là quy mô cũng quan trọng. Bạn không muốn thuê một chuyên gia tư vấn chân thành nhưng thiếu kinh nghiệm, người chỉ quản lý những khoản tiền nhỏ lẻ cho vài chục khách hàng.
3. Tiếp theo, bạn phải đảm bảo chuyên gia tư vấn của bạn có kinh nghiệm làm việc với những khách hàng giống như bạn. Chuyên gia đó có kinh nghiệm làm việc hiệu quả với những khách hàng có vị thế và nhu cầu giống bạn hay không? Ví dụ, nếu mục tiêu chính của bạn là làm giàu để sau này có thể nghỉ hưu an nhàn, bạn sẽ muốn một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch nghỉ hưu. Tuy nhiên, trong một khảo sát ẩn danh do tạp chí tài chính Financial Planning thực hiện, 46% chuyên gia tư vấn tài chính được khảo sát cho biết họ không có kế hoạch tiết kiệm hưu trí cho bản thân! Tôi không thể tin được là họ dám thừa nhận điều này! Bạn có thể tưởng tượng việc thuê một huấn luyện viên thể hình đã không tập luyện trong hàng chục năm hoặc một chuyên gia dinh dưỡng không ngừng ăn bánh kem trong khi khuyên bạn nên ăn nhiều rau hay không?
4. Một tiêu chí quan trọng khác là bạn và chuyên gia tư vấn bạn chọn phải có sự tương đồng trong triết lý đầu tư. Ví dụ, chuyên gia đó có tin mình có thể đánh bại thị trường trong dài hạn bằng cách chọn các cổ phiếu riêng lẻ hoặc các quỹ được quản lý theo kiểu chủ động hay không? Hay anh ấy nhận ra khả năng đánh bại thị trường là rất thấp nên cần tập trung vào việc lựa chọn một danh mục đầu tư đa dạng của các quỹ chỉ số? Một số chuyên gia tư vấn có thể đáp ứng nhu cầu của bạn về việc có một cố vấn nhận ủy thác chân chính, nhưng họ vẫn không làm việc hiệu quả với bạn vì họ quyết tâm làm người chọn cổ phiếu. Cá nhân tôi sẽ tránh xa bất kỳ cố vấn nào tuyên bố thường xuyên đánh bại thị trường. Có thể đúng là như vậy, nhưng tôi vẫn nghi ngờ điều đó. Thường thì khả năng là vị chuyên gia đó quá lạc quan hoặc đang tự dối mình.
5. Cuối cùng, bạn cần tìm một chuyên gia mà bạn có thể xây dựng mối liên kết ở mức độ cá nhân. Một cố vấn tốt sẽ là đối tác và đồng minh trong nhiều năm, hướng dẫn bạn đường đi nước bước trong một hành trình tài chính dài. Tất nhiên, đó là một mối quan hệ có tính chất nghề nghiệp, nhưng chẳng phải tiền bạc cũng là một chủ đề vô cùng cá nhân đối với bạn cũng như với tôi hay sao? Nó gắn liền với những hy vọng và ước mơ của chúng ta, với nỗi khao khát có thể chăm sóc chu toàn cho thế hệ sau, có thể tạo ra tác động tích cực thông qua các hoạt động thiện nguyện và sống một cuộc đời phi thường theo cách của mình. Do đó, sẽ rất có ích nếu bạn có thể chia sẻ những điều này với một chuyên gia tư vấn mà bạn có sự đồng cảm, tin tưởng và quý mến.
PHẦN THƯỞNG LỚN
Phần lớn chương này tập trung vào các trở ngại mà chúng ta cần vượt qua trong quá trình tìm kiếm lời khuyên tài chính hữu hiệu: xung đột lợi ích, sự giả dối và gian manh cũng như tư lợi. Thật khó tìm được một chuyên gia tư vấn có năng lực chuyên môn cao và luôn đặt khách hàng làm ưu tiên hàng đầu, một người thật sự cung cấp được một dịch vụ đúng với những gì họ cam đoan? Chẳng trách có rất nhiều người mất lòng tin vào các chuyên gia tư vấn tài chính và quyết định tự quản lý chuyện tiền nong của mình!
Nhưng hãy để tôi nói với bạn điều này: có một phần thưởng lớn đang chờ bạn ở đích đến của chặng đường vượt chướng ngại vật điên rồ này và tìm được một chuyên gia tư vấn thật sự tuyệt vời. Đối với nhiều người, không có gì tác động tích cực đến tương lai tài chính của họ hơn là được đồng hành với một hướng dẫn viên thông minh, người hiểu rõ đường đi nước bước và có thể chỉ cho họ cách giành chiến thắng trong bất kỳ môi trường nào. Một chuyên gia tư vấn có đẳng cấp tầm cỡ thế giới sẽ là một sự trợ giúp vô cùng to lớn cho bạn xuyên suốt hành trình: giúp bạn xác định cũng như vững vàng tiến tới các mục tiêu - đặc biệt là bằng cách giúp bạn chống chọi được với những cơn biến động của thị trường - và gia tăng khả năng bạn sẽ thật sự đạt được những mục tiêu đó lên gấp nhiều lần.
Tôi biết vạn sự khởi đầu nan, tôi biết để bắt đầu hành trình tìm một chuyên gia tư vấn mà bạn có thể tin tưởng là chuyện khó khăn như thế nào. Nếu muốn một con đường tắt, bạn có thể bắt đầu bằng cách truy cập www.getasecondopinion.com và yêu cầu sự góp ý (miễn phí hoàn toàn) từ Creative Planning, công ty tư vấn đầu tư được điều hành bởi anh bạn Peter Mallouk của tôi, cũng là đồng tác giả của quyển sách này. Một trong những chuyên gia quản lý tài sản của Creative Planning có thể đánh giá tình hình tài chính của bạn và đánh giá xem cố vấn hiện tại của bạn có đang làm việc vì lợi ích cao nhất của bạn hay không. Nếu bạn muốn đi xa hơn và muốn các chuyên gia của Creative Planning làm cố vấn nhận ủy thác cho bạn, chúng tôi rất vui mừng được chào đón bạn.
Để tôi cho bạn một ví dụ về lý do tại sao cách tiếp cận toàn diện này lại hiệu quả đến vậy. Nhiều người sở hữu các khoản đầu tư bất động sản nằm ngoài danh mục đầu tư truyền thống, nhưng những khoản này hiếm khi được tính đến nếu họ tham vấn một chuyên gia tư vấn thông thường. Hãy tưởng tượng bạn sở hữu một số bất động sản. Một cố vấn thật sự có kinh nghiệm chuyên môn sẽ tìm cách tối đa hóa dòng tiền của bạn và có thể sẽ giúp tái cơ cấu các khoản vay thế chấp trên các tài sản đó. Kết quả là gì? Bạn sẽ có tiềm năng đầu tư thêm một hoặc hai bất động sản nữa mà không cần bỏ thêm tiền. Trên thực tế, tổng những khoản vay thế chấp cần thanh toán của bạn có thể còn thấp hơn so với trước đây! Đó là lợi ích của việc có được những lời khuyên thật sự khôn ngoan.
BẢY CÂU HỎI MÀ BẠN NÊN ĐẶT RA CHO MỌI CHUYÊN GIA TƯ VẤN
Một cách để đảm bảo bạn thuê đúng chuyên gia tư vấn phù hợp là đề nghị họ trả lời vài câu hỏi then chốt mà qua đó bộc lộ mọi xung đột lợi ích tiềm ẩn và những vấn đề mà bạn có thể không nhận ra. Nếu bạn đang có một cố vấn, việc bạn tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này cũng quan trọng không kém. Sau đây là những gì cá nhân tôi muốn biết trước khi đặt tương lai tài chính của mình vào tay bất kỳ cố vấn nào:
1. Anh/Chị có phải là chuyên gia tư vấn đầu tư độc lập (RIA) không? Nếu câu trả lời là không, vậy đây chính là một nhà môi giới. Hãy mỉm cười và chào tạm biệt. Nếu câu trả lời là có, vậy thì theo luật, người đó có trách nhiệm của chuyên gia tư vấn nhận ủy thác. Nhưng bạn vẫn cần phải tìm hiểu xem họ có phải là chuyên gia tư vấn kép hay không.
2. Anh/Chị (hoặc công ty của anh/chị) có đang liên kết với một đại lý chứng khoán nào không? Nếu câu trả lời là có, bạn đang làm việc với một người có thể hoạt động như một nhà môi giới và có động cơ để hướng bạn đến những khoản đầu tư cụ thể nào đó. Một cách dễ dàng để xác nhận chuyện này là nhìn lướt qua phần thông tin dưới cùng của trang web hoặc trên danh thiếp của chuyên gia đó và xem có câu nào tương tự thế này hay không: “Chứng khoán được cung cấp thông qua [tên công ty của chuyên gia tư vấn], thành viên của FINRA và SIPC”. FINRA là Cơ quan Quản lý ngành Tài chính (Financial Industry Regulatory Authority), còn SIPC là Cơ quan Bảo vệ Nhà đầu tư chứng khoán (Securities Investor Protection Corporation) của Mỹ. Nếu bạn đọc thấy những câu có nội dung như vậy, điều đó nghĩa là chuyên gia này có thể hoạt động như một nhà môi giới. Còn chờ gì nữa mà không chạy ngay đi!
3. Công ty của anh/chị có cung cấp các quỹ tương hỗ độc quyền hay các tài khoản được quản lý riêng hay không? Bạn sẽ muốn nghe câu trả lời “Không”. Nếu câu trả lời là “có”, bạn hãy trông chừng ví tiền của mình thật cẩn thận! Có thể họ đang cố gắng tạo thêm doanh thu bằng cách hướng bạn vào những sản phẩm mang lại lợi nhuận cao cho họ (chứ không phải cho bạn).
4. Anh/Chị hoặc công ty của anh/chị có nhận được bất kỳ khoản tiền nào của bên thứ ba cho việc đề xuất các khoản đầu tư cụ thể nào đó hay không? Đây là câu hỏi quan trọng nhất mà bạn muốn chuyên gia tư vấn trả lời. Tại sao? Bởi vì bạn cần biết rằng chuyên gia tư vấn của mình không có động cơ để giới thiệu các sản phẩm sẽ mang lại cho họ đủ loại tiền hoa hồng, tiền “lót tay”, phí tư vấn, những chuyến du lịch hoặc các “tặng phẩm” khác.
5. Triết lý đầu tư của anh/chị là gì? Câu trả lời mà bạn nhận được sẽ giúp bạn hiểu chuyên gia này có tin là họ có thể đánh bại thị trường bằng cách chọn từng cổ phiếu riêng lẻ hoặc các quỹ được quản lý theo kiểu chủ động hay không. Theo thời gian, cách chơi đó sẽ khiến họ nắm chắc phần thua, trừ khi họ là siêu sao như Ray Dalio hay Warren Buffett. Nhưng để tôi nói với bạn điều này, họ chắc chắn không phải là những siêu sao đó đâu.
6. Anh/Chị cung cấp dịch vụ lập kế hoạch tài chính nào ngoài chiến lược đầu tư và quản lý danh mục đầu tư? Tùy vào bạn đang ở giai đoạn nào của cuộc đời, sự trợ giúp về đầu tư có thể là tất cả những gì bạn cần. Nhưng khi bạn trưởng thành hơn và/hoặc trở nên giàu có hơn với đủ loại tài sản cần quản lý thì vấn đề tài chính thường trở nên phức tạp hơn. Ví dụ, có thể bạn phải tiết kiệm nhiều hơn để lo cho các con học đại học, lập kế hoạch nghỉ hưu, chọn loại cổ phiếu đầu tư hoặc lập kế hoạch xử lý di sản. Đa số các chuyên gia tư vấn đều có rào cản năng lực một khi bước ra khỏi phạm vi của lĩnh vực đầu tư. Như tôi đã đề cập, hầu hết chuyên gia tư vấn không được pháp luật cho phép đưa ra lời khuyên về thuế, vì họ mang tư cách nhà môi giới. Nói một cách lý tưởng, bạn muốn có một cố vấn có thể mang lại cho bạn những công cụ có hiệu quả về thuế trong mọi khía cạnh hoạch định tài chính - từ lập kế hoạch đầu tư cá nhân đến lập kế hoạch kinh doanh và kế hoạch xử lý di sản.
7. Tiền của tôi sẽ được giữ ở đâu? Một chuyên gia tư vấn nhận ủy thác phải luôn dùng dịch vụ giám sát từ bên thứ ba để giữ tiền của bạn. Ví dụ, các tổ chức như Fidelity, Schwab và TD Ameritrade đều có các đối tác cung cấp dịch vụ giám sát để bảo đảm tiền của bạn được giữ trong môi trường an toàn. Sau đó, bạn ký một biên bản ủy quyền có giới hạn, trong đó cho phép cố vấn đầu tư quản lý tiền của bạn nhưng không bao giờ được rút khoản tiền đó ra. Mặt tốt của sự sắp xếp này là nếu một lúc nào đó bạn muốn sa thải cố vấn của mình, bạn không cần phải chuyển đổi tài khoản. Bạn chỉ cần thuê một cố vấn mới, người có thể tiếp quản việc quản lý tài khoản của bạn, và không ai bị lỡ mất nhịp nào. Hệ thống giám sát này cũng bảo vệ bạn khỏi nguy cơ bị lừa bởi một kẻ lạm dụng tín nhiệm như Bernie Madoff.
HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ
Chúng tôi đã cung cấp một lượng lớn thông tin cơ bản trong Phần 1 của quyển sách này. Như bạn đã biết, phần này đề cập đến những quy tắc để đạt được thành công tài chính. Hãy dành ra ít phút để ôn lại một số quy tắc quan trọng nhất mà bạn đã học cho đến thời điểm này:
• Bạn đã hiểu được sức mạnh của việc trở thành một nhà đầu tư dài hạn, người không mua vào và bán ra theo từng biến động của thị trường, người kiên định theo đuổi hành trình mà không bị dao động và hoảng loạn khi thị trường trải qua những lần điều chỉnh giá hoặc sụp đổ.
• Bạn biết phần lớn các quỹ tương hỗ được quản lý theo kiểu chủ động tính phí cao nhưng hoạt động kém hiệu quả. Đó là lý do bạn nên chọn những quỹ chỉ số có chi phí thấp mà bạn có thể duy trì qua nhiều năm.
• Bạn biết các khoản phí phụ trội cao quá đáng gây tác hại nghiêm trọng, giống như đàn mối ăn mòn nền tảng tương lai tài chính của bạn.
• Và bạn học được cách tìm một chuyên gia tư vấn độc lập, người thật sự xứng đáng với lòng tin của bạn và sẽ đền đáp niềm tin đó một cách hậu hĩnh.
Bây giờ, khi đã nắm được các nguyên tắc cơ bản nói trên, bạn là một trong số ít những người thật sự hiểu cách vận hành của hệ thống tài chính. Giờ đây, bạn đã sẵn sàng tham gia cuộc chơi!
Phần 2 của Đầu tư thông minh là cẩm nang thực hành tài chính giúp bạn biến kế hoạch cá nhân của mình thành hành động. Trong Chương 5, tôi sẽ chia sẻ bốn nguyên tắc cốt lõi mà các nhà đầu tư giỏi nhất thế giới luôn sử dụng khi ra quyết định đầu tư. Trong Chương 6, bạn sẽ học cách đánh bại thị trường giá xuống bằng cách xây dựng một danh mục đầu tư đa dạng để bảo vệ bản thân trong suốt thời gian thị trường lao dốc. Kế đến, trong Chương 7, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách khiến kẻ địch bên trong nội tâm bạn phải im lặng - cho bạn biết những bí quyết quan trọng nhất mà tôi đã học được trong hơn 40 năm qua về tâm lý học làm giàu.
Cẩm nang thực hành này sẽ cung cấp cho bạn kiến thức và các công cụ thực tế để đạt được tự do tài chính toàn diện! Bạn có cảm thấy sức mạnh đó, sinh lực đó đang chảy trong huyết quản của bạn chưa? Vậy thì hãy lật trang tiếp theo - vì đã đến lúc thiết kế cuộc chơi, nắm quyền kiểm soát và bắt đầu tham gia...