Những nguyên tắc then chốt đằng sau mọi quyết định đầu tư của bạn
“Hãy đơn giản, đơn giản và đơn giản hơn nữa.”
- STEVE JOBS, đồng sáng lập Apple
Bất cứ ai cũng có thể gặp may mắn và trúng số. Bất cứ ai cũng có thể có lúc chọn trúng một cổ phiếu sinh lời. Nhưng nếu muốn đạt được thành công bền vững về tài chính, bạn cần nhiều thứ khác nữa chứ không phải sự may mắn thỉnh thoảng mới xuất hiện. Qua gần 40 năm nghiên cứu về sự thành công, tôi nhận ra những người thành công nhất trong bất kỳ lĩnh vực nào đều không phải là người chỉ biết dựa vào vận may. Họ có những hệ thống niềm tin khác biệt. Họ áp dụng những chiến lược khác biệt. Họ hành động khác với số đông.
Tôi thấy điều này trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, cho dù đó là gìn giữ một cuộc hôn nhân vui vẻ và nồng nhiệt hơn nửa thế kỷ, giảm cân và giữ dáng suốt hàng chục năm hay tạo dựng một doanh nghiệp trị giá hàng tỷ đô-la.
Điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra những phương thức đảm bảo thành công này và lấy chúng làm hình mẫu để noi theo, sử dụng chúng như kim chỉ nam cho quá trình đưa ra các quyết định trong cuộc sống. Những hình mẫu này giúp tạo ra bộ cẩm nang thực hành đưa bạn đến thành công.
Khi bắt tay vào hành trình tìm kiếm các giải pháp giúp đỡ mọi người về mặt tài chính, tôi đã học hỏi từ những người giỏi nhất trong số những người giỏi, tiến hành phỏng vấn tổng cộng hơn 50 nhà đầu tư thuộc nhóm “những người khổng lồ” trong ngành. Tôi quyết tâm tìm ra lời giải thích cho những thành tựu tuyệt vời của họ. Trên hết, tôi luôn tự hỏi đi hỏi lại một điều: “Ở họ có những điểm chung nào?”.
Tôi nhanh chóng nhận ra đó là một câu hỏi rất khó trả lời. Vấn đề nằm ở chỗ tất cả những nhà đầu tư tài giỏi này đều có phong cách và con đường kiếm tiền hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, Paul Tudor Jones là một nhà giao dịch chứng khoán chuyên đặt những ván cược rất lớn dựa trên quan điểm kinh tế vĩ mô của ông về thế giới. Warren Buffett đầu tư dài hạn vào các công ty nhà nước và tư nhân sở hữu lợi thế cạnh tranh lâu bền. Carl Icahn nhắm vào các doanh nghiệp đang hoạt động kém hiệu quả, sau đó dùng phương pháp quản lý mềm mỏng (hoặc cứng rắn) để thay đổi chiến lược kinh doanh của chúng sao cho có lợi cho các cổ đông. Rõ ràng, có rất nhiều con đường dẫn đến thành công. Tìm ra mẫu số chung thật sự là một thử thách lớn!
Nhưng trong bảy năm qua, tôi đã làm những việc mà tôi luôn yêu thích, đó là nhận lấy những vấn đề phức tạp thoạt trông có vẻ quá sức và phân tích chúng để tìm ra vài nguyên tắc cốt lõi mà những người như bạn và tôi có thể áp dụng. Vậy tôi đã khám phá ra điều gì? Tôi nhận ra rằng có bốn nguyên tắc mấu chốt mà gần như tất cả nhà đầu tư vĩ đại đều sử dụng để định hướng các quyết định đầu tư. Tôi gọi bốn nguyên tắc này là Bộ tứ cốt lõi. Bốn nguyên tắc mà tôi sẽ giải thích trong chương này có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến khả năng đạt được tự do tài chính của bạn.
Bạn có nhớ tôi từng nói sự phức tạp là kẻ thù không đội trời chung của sự thực thi hay không? Khi tôi chia sẻ với bạn bốn nguyên tắc này, có thể bạn sẽ thốt lên “Thật cơ bản! Thật đơn giản!”. Và bạn biết gì không? Bạn đúng đấy!
Nhưng chỉ biết thôi là chưa đủ, bạn phải thực hành những nguyên tắc này trong thực tế. Thực hành là quan trọng nhất! Tôi không muốn làm phức tạp vấn đề một cách không cần thiết đến mức cuối cùng bạn ngồi trên một núi thông tin nhưng không biết phải làm gì với nó. Mục tiêu của tôi không phải làm bạn váng đầu hoa mắt với những lập luận phức tạp. Mục tiêu của tôi là tổng hợp, đơn giản hóa và làm rõ mọi thứ để bạn cảm thấy có động lực hành động ngay bây giờ!
Những nguyên tắc này cung cấp cho chúng ta một bảng kê vô giá của những mục cần kiểm tra. Bất cứ khi nào tôi nói chuyện với các cố vấn tài chính của mình về một khoản đầu tư tiềm năng nào đó, tôi muốn biết liệu khoản đầu tư đó có thỏa mãn phần lớn bốn tiêu chí này hay không. Nếu không, tôi sẽ đơn giản là bỏ qua chúng.
Tại sao tôi cương quyết trong chuyện này đến vậy? Bởi vì sẽ là chưa đủ nếu bạn chỉ nói “Bốn nguyên tắc này là kiến thức hữu ích, tôi sẽ cố gắng ghi nhớ chúng”. Các nhà đầu tư tài giỏi nhất đều hiểu rằng những nguyên tắc này phải là nỗi ám ảnh của họ. Chúng quan trọng đến mức bạn cần nuôi dưỡng chúng, sống với chúng và làm cho chúng trở thành nền tảng của mọi việc bạn làm với tư cách một nhà đầu tư. Tóm lại, Bộ tứ cốt lõi này phải là trọng tâm trong cẩm nang thực hành đầu tư của bạn.
NGUYÊN TẮC CỐT LÕI #1: KHÔNG THUA LỖ
Câu hỏi đầu tiên mà mọi nhà đầu tư vĩ đại đều không ngừng lặp đi lặp lại là “Làm thế nào để tránh bị mất tiền?”. Điều này nghe có vẻ không hợp lý. Suy cho cùng, hầu hết chúng ta chỉ quan tâm điều ngược lại: “Làm thế nào để kiếm tiền? Làm thế nào để đạt lợi nhuận cao nhất có thể và thắng đậm?”.
Nhưng các nhà đầu tư xuất sắc nhất luôn bị ám ảnh với việc tránh thua lỗ. Tại sao? Bởi vì họ hiểu một sự thật đơn giản nhưng sâu sắc: càng mất nhiều tiền thì bạn càng khó quay lại điểm khởi đầu.
Tôi không muốn làm bạn cảm thấy như đang quay lại lớp toán thời trung học! Nhưng chúng ta cần dành một chút thời gian để làm rõ tại sao mất tiền lại là thảm họa đáng sợ đến vậy. Giả sử bạn mất 50% số tiền của mình vì một khoản đầu tư tồi. Bạn cần kiếm bao nhiêu để làm cho tài sản của bạn trở lại như ban đầu? Hầu hết mọi người sẽ nói 50%. Nhưng họ hoàn toàn sai.
Hãy cùng phân tích vấn đề này. Nếu bạn đầu tư 100.000 đô-la và thua lỗ 50%, vậy là bạn còn 50.000 đô-la. Nếu sau đó bạn đạt tỷ suất lợi nhuận 50% trên 50.000 đô-la đó, bạn có tổng cộng 75.000 đô-la. Như vậy bạn vẫn hụt 25.000 đô-la so với ban đầu!
Trên thực tế, bạn sẽ cần đạt tỷ suất lợi nhuận 100% chỉ để bù lại cho khoản tiền thua lỗ và quay lại khởi điểm 100.000 đô-la vốn có ban đầu. Chuyện này có thể dễ dàng khiến bạn mất cả mười năm ròng. Điều này lý giải câu nói nổi tiếng của Warren Buffett về hai quy tắc đầu tiên của ông trong đầu tư: “Quy tắc số một: không bao giờ làm mất tiền. Quy tắc số hai: không bao giờ quên quy tắc số một”.
Các nhà đầu tư huyền thoại khác cũng kiên quyết không kém khi nói đến việc tránh thua lỗ. Ví dụ, anh bạn Paul Tudor Jones từng nói với tôi: “Điều trọng yếu nhất đối với tôi là phòng thủ quan trọng gấp mười lần so với tấn công... Anh phải luôn tập trung bảo vệ mình khỏi nguy cơ mất mát.”
Nhưng trong thực tế, làm thế nào để thật sự tránh được cảnh mất tiền? Trước hết, bạn phải nhận ra thị trường tài chính vô cùng khó đoán. Những người phát biểu trên sóng truyền hình có thể giả vờ biết chuyện gì xảy ra tiếp theo, nhưng bạn đừng sập bẫy! Các nhà đầu tư thành công nhất nhận ra không ai trong chúng ta có thể dự đoán chính xác tương lai. Với suy nghĩ đó, họ luôn đề phòng nguy cơ xuất hiện các tình huống bất ngờ - và cả nguy cơ bản thân họ có thể phạm sai lầm, bất kể họ có thông minh đến mức nào.
Hãy xem trường hợp của Ray Dalio, người sáng lập công ty đầu tư Bridgewater Associates, một trong các quỹ đầu tư lớn nhất thế giới. Theo Forbes, ông ấy đã tạo ra 45 tỷ đô-la lợi nhuận cho các nhà đầu tư của mình - nhiều hơn bất kỳ nhà quản lý quỹ phòng hộ nào khác trong lịch sử. Tài sản của ông có giá trị ước tính là 15,9 tỷ đô-la! Trong những năm tháng sự nghiệp của mình, tôi đã gặp rất nhiều người phi thường, nhưng tôi chưa bao giờ gặp ai thông minh hơn Ray. Dù vậy, ông ấy vẫn chia sẻ với tôi rằng toàn bộ phương pháp đầu tư của ông được xây dựng dựa trên nhận thức rằng đôi khi thị trường sẽ “tinh ranh” hơn ông và xoay chuyển theo một hướng không ai có thể ngờ tới. Ông đã sớm học được bài học này trong buổi đầu khởi nghiệp, nhờ một trải nghiệm mà ông mô tả là “một trong những trải nghiệm đau đớn nhất” cuộc đời mình.
Năm 1971, khi Ray còn đang là một nhà đầu tư trẻ học cách giao dịch, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Richard Nixon đã đưa nước Mỹ ra khỏi chế độ kim bản vị34. Nói cách khác, đồng đô-la không còn có thể được quy đổi trực tiếp thành vàng, và điều đó có nghĩa là tờ tiền của Hoa Kỳ đột nhiên không có giá trị gì hơn một tờ giấy. Ray và toàn bộ những người ông quen biết trong cộng đồng đầu tư đã rất chắc chắn rằng thị trường chứng khoán sẽ sụt giảm mạnh trước sự kiện mang tính lịch sử này. Nhưng thực tế thì chuyện gì đã xảy ra? Cổ phiếu tăng vọt! Đúng vậy. Diễn biến thị trường xảy ra theo hướng hoàn toàn trái ngược với logic và lập luận của Ray, cũng như ngược với dự kiến của tất cả chuyên gia khác. Ray nói: “Tôi nhận ra là không ai có thể biết thị trường phản ứng như thế nào, dù là trong hiện tại hay tương lai. Vì thế, tôi phải phân bổ tài sản sao cho ngay cả nếu tôi sai thì tôi vẫn ổn”.
34 Còn gọi là chế độ bản vị vàng. Theo chế độ này, tổ chức phát hành tiền mặt (tiền giấy bạc hay tiền xu) cam kết sẵn sàng nhận lại tiền mặt và trả bằng lượng vàng bảo chứng tương ứng bất cứ khi nào được người giữ tiền yêu cầu.
Đó là một ý tưởng mà bạn và tôi không bao giờ được phép quên: chúng ta phải phân bổ tài sản sao cho chúng ta “vẫn ổn” ngay cả khi chúng ta đi sai nước cờ.
Phân bổ tài sản chỉ đơn giản là tạo ra một tổ hợp hợp lý bao gồm nhiều loại hình đầu tư khác nhau, đa dạng hóa chúng theo cách giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận.
“Tôi không mong mình sẽ nhảy qua mức xà hai mét. Thay vào đó, tôi nhìn quanh và tìm các mức xà ba tấc mà tôi có thể bước qua.”
- WARREN BUFFETT
Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét cụ thể quá trình phân bổ tài sản. Nhưng hiện tại, điều quan trọng cần nhớ là hãy luôn sẵn sàng đón nhận những điều ngoài mong đợi. Như vậy có phải là chúng ta nên sợ hãi và trốn tránh bởi vì mọi thứ quá bất định? Hoàn toàn không phải. Điều đó chỉ có nghĩa là chúng ta cần đầu tư theo những cách có thể bảo vệ chúng ta khỏi những bất ngờ “bật ngửa” của thị trường.
Như bạn và tôi đều biết, nhiều nhà đầu tư bị tổn hại nặng nề do các vụ vỡ bong bóng thị trường vì họ hành động như thể tương lai không có gì ngoài sự huy hoàng. Hậu quả là họ đã ném sự cảnh giác của mình đi mất. Những người chiến thắng lâu năm như Bogle, Buffett và Dalio đều biết tương lai chứa đầy những điều bất ngờ, bao gồm những bất ngờ khiến người ta thích ý và những bất ngờ làm người ta hụt hẫng. Vì vậy, họ không bao giờ quên những rủi ro mà mình có thể gặp phải. Họ tự bảo vệ bản thân bằng cách đầu tư vào các loại tài sản khác nhau, trong đó có một số loại tài sản sẽ tăng giá trong khi những loại khác giảm giá.
Tôi không phải là nhà tiên tri về kinh tế hay thị trường! Nhưng tôi nhận ra tránh mất mát tài sản là một nguyên tắc đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện tại khi mà không ai trong chúng ta có thể dự đoán tác động của các chính sách kinh tế cấp tiến mà chúng ta đang nhìn thấy trên toàn thế giới. Chúng ta đang ở trong vùng đất chưa được khám phá. Như Howard Marks từng chia sẻ với tôi vào cuối năm 2016: “Khi bạn đang ở trong một thế giới bất định với khối tài sản trị giá cao và khả năng đạt tỷ suất lợi nhuận thấp, tôi cho rằng đó là dấu hiệu bạn nên tạm ngừng”. Tại Oaktree Capital Management, công ty tư vấn đầu tư trị giá 100 tỷ đô-la của ông, phương châm hoạt động trong những năm gần đây là “Hành động thận trọng”. Ông giải thích: “Chúng tôi đang đầu tư. Chúng tôi được đầu tư hoàn toàn. Chúng tôi rất vui vì được đầu tư, nhưng mọi thứ chúng tôi mua vào đều được đánh giá ở mức độ thận trọng cao hơn bình thường”.
Tôi áp dụng nguyên tắc “Không thua lỗ” vào cuộc sống của mình như thế nào? Tôi kiên định với nguyên tắc này đến mức giờ đây tôi luôn nói với các cố vấn của mình: “Đừng đưa cho tôi bất kỳ một ý tưởng đầu tư nào trước khi anh chưa cho tôi biết cách phòng tránh hoặc giảm thiểu hậu quả mà chúng ta có thể gặp phải nếu ý tưởng đó thất bại”.
NGUYÊN TẮC CỐT LÕI #2: RỦI RO TỐI THIỂU, LỢI NHUẬN TỐI ĐA
Theo lập luận thông thường, bạn cần chấp nhận rủi ro cao để đạt phần thưởng lớn. Nhưng những nhà đầu tư thành công nhất không bị thuyết phục bởi lý lẽ “rủi ro cao, lợi nhuận cao” này. Thay vào đó, họ tìm kiếm các cơ hội đầu tư có thứ mà họ gọi một cách hoa mỹ là tỷ lệ bất cân xứng giữa rủi ro/lợi nhuận, tức là lợi nhuận phải lớn hơn nhiều so với rủi ro. Nói cách khác, những nhà đầu tư thành công này luôn tối thiểu hóa rủi ro để tối đa hóa lợi nhuận. Đó chính là “thần chú” của giới đầu tư.
Tôi đã có dịp quan sát nguyên tắc này được áp dụng trong thực tế cùng với Paul Tudor Jones, người sử dụng “quy tắc năm-ăn-một” để định hướng các quyết định đầu tư. Anh ấy chia sẻ với tôi: “Tôi chấp nhận mạo hiểm 1 đô-la với kỳ vọng kiếm được 5 đô-la. Lợi ích của quy tắc năm-ăn-một là nó cho phép bạn có 20% tỷ lệ thắng. Tôi có thể là một kẻ hoàn toàn khờ khệt. Tôi có thể sai 80% trên tổng số lần đầu tư nhưng vẫn không thua lỗ”.
Làm thế nào chuyện này lại khả thi? Nếu Paul thực hiện năm khoản đầu tư, mỗi khoản trị giá 1 triệu đô-la và liên tiếp có bốn khoản trong số đó bị mất trắng, khi đó anh ấy mất tổng cộng 4 triệu đô-la. Nhưng nếu khoản đầu tư thứ năm là một cú home-run và kiếm về cho anh ấy 5 triệu đô-la, vậy thì anh có thể kiếm lại được toàn bộ 5 triệu đô-la ban đầu.
Trên thực tế, tỷ lệ thắng của Paul cao hơn thế rất nhiều! Hãy tưởng tượng chỉ có hai trong số năm khoản đầu tư của anh ấy đạt kết quả tốt như mong đợi và tăng trưởng gấp năm lần. Điều đó có nghĩa là 5 triệu đô-la ban đầu của anh đã tăng lên thành 10 triệu đô-la. Nói cách khác, anh ấy đã nhân đôi số tiền của mình, mặc dù đã quyết định sai 60%.
Bằng cách áp dụng quy tắc năm-ăn-một, Paul thiết lập điều kiện để giành phần thắng trong cuộc chơi dù không thể tránh khỏi việc phạm một số sai lầm.
Bây giờ, chúng ta cần làm rõ điều này: năm-ăn-một là tỷ lệ đầu tư lý tưởng của Paul. Rõ ràng là không phải lúc nào anh ấy cũng có thể áp dụng tỷ lệ này. Trong một số trường hợp, mục tiêu của anh là ba-ăn-một. Nói chung, Paul luôn tìm kiếm cách để hạn chế rủi ro và tăng cơ hội thắng lên mức cao nhất.
Một người bạn khác của tôi cũng rất kiên định với tỷ lệ bất cân xứng giữa rủi ro/lợi nhuận là Sir Richard Branson, người sáng lập tập đoàn Virgin. Richard, người giám sát khoảng bốn trăm công ty, không chỉ là một doanh nhân truyền cảm hứng mà còn là một tay phiêu lưu mạo hiểm có đam mê đánh cược mạng sống của mình. Ông từng bay khinh khí cầu vòng quanh thế giới, thiết lập kỷ lục vượt eo biển Manche với thời gian nhanh nhất bằng xe lội nước! Rõ ràng ông ấy là một người ưa mạo hiểm đúng không? Câu trả lời là có và không. Đúng là Richard chấp nhận những rủi ro vô cùng lớn với cuộc đời mình. Nhưng khi nói đến tài chính, ông ấy rất giỏi trong việc giảm thiểu rủi ro.
Tôi sẽ cho bạn một ví dụ kinh điển: khi khai trương hãng hàng không Virgin Atlantic Airways vào năm 1984, Richard chỉ có năm chiếc máy bay. Ông ấy đã phải đương đầu với gã khổng lồ British Airways trong một lĩnh vực có tiếng là đầy thử thách. Richard từng nói đùa: “Nếu muốn trở thành triệu phú, hãy bắt đầu với một tỷ đô-la và mở một hãng hàng không mới!”. Nhưng Richard đã dành hơn một năm để đàm phán một điều khoản khó tin cho phép ông trả lại những chiếc máy bay đó nếu công ty của ông thất bại. Bằng cách đó, ông có thể giảm thiểu hậu quả trong khi vẫn không hạn chế khả năng thành công! Ông ấy nói: “Tôi nghĩ thoạt nhìn thì các doanh nhân có vẻ rất sẵn sàng đón nhận rủi ro cao, nhưng một trong những phương châm quan trọng nhất trong đời tôi là ‘Bảo vệ bản thân khỏi những hậu quả của sự thất bại!”.
Mô thức tư duy “rủi ro tối thiểu, lợi nhuận tối đa” này xuất hiện nhiều lần trong các cuộc phỏng vấn của tôi với các nhà đầu tư nổi tiếng. Hãy xem trường hợp của Carl Icahn, người có giá trị tài sản ròng ước tính 17 tỷ đô-la và được mệnh danh là “Master of the Universe” (tạm dịch: Chúa tể của Vũ trụ tài chính) trên bìa tạp chí Time. Theo tạp chí Kiplinger’s Personal Finance, ông là người có tỷ suất sinh lợi liên tục kể từ năm 1968 là 31%, thậm chí còn tốt hơn tỷ suất 20% của Warren Buffett. Carl kiếm được rất nhiều tiền bằng cách trút các khoản đầu tư khổng lồ vào các doanh nghiệp đang hoạt động kém hiệu quả, sau đó cứng rắn cho thấy ông sẽ thâu tóm doanh nghiệp nếu ban quản lý không đồng ý chấn chỉnh phương thức vận hành doanh nghiệp. Đây có vẻ như là ván bài mạo hiểm nhất thế giới với số tiền cược lên tới hàng tỷ đô-la.
Nhưng Carl không bao giờ rời mắt khỏi rủi ro. Ông từng chia sẻ với tôi: “Thoạt nhìn thì có vẻ chúng tôi đang đem rất nhiều tiền ra mạo hiểm, nhưng sự thật không phải vậy. Tất cả vẫn là chuyện rủi ro và phần thưởng, nhưng bạn phải hiểu rủi ro là gì và phần thưởng là gì. Hầu hết mọi người đều thấy nhiều rủi ro hơn những gì tôi thấy. Nhưng toán học không nói dối, họ chỉ đơn giản là không hiểu được nó”.
Bạn có bắt đầu thấy được một khuôn mẫu nào chưa? Cả ba tỷ phú này - Paul Tudor Jones, Richard Branson và Carl Icahn - có phương pháp kiếm tiền hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, cả ba đều có chung một phương châm đầu tư: tìm cách giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận.
Bây giờ, hãy thứ lỗi cho tôi nếu tôi có nói sai. Tôi đoán bạn sẽ không thành lập một hãng hàng không mới hoặc công kích một công ty nào đó với ý muốn đoạt quyền điều hành nó. Vậy làm thế nào bạn áp dụng lối tư duy này vào đời sống tài chính của bản thân?
Một cách để đạt được tỷ lệ rủi ro thấp/lợi nhuận cao là đầu tư vào các loại tài sản bị bán rẻ trong những thời kỳ nền kinh tế ảm đạm. Trong chương tiếp theo, bạn sẽ biết những đợt điều chỉnh giá và thị trường giá xuống có thể là một trong những món quà tuyệt vời nhất cho đời sống tài chính của bạn. Hãy nhớ lại cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Vào giai đoạn đó, mọi thứ như địa ngục trần gian. Nhưng nếu bạn có tư duy đúng đắn và đôi mắt mở to, cơ hội mà các giai đoạn đó mang lại không khác gì ở thiên đường! Bạn sẽ không thể bước đi mà không vấp trúng một cơ hội!
Khi thị trường chạm đáy vào tháng Ba năm 2009, tương lai trông cực kỳ ảm đạm đối với hầu hết các nhà đầu tư đến nỗi bạn có thể mua cổ phiếu blue-chip35 với giá chỉ vài xu. Ví dụ, cổ phiếu Citigroup giảm xuống mức thấp kỷ lục là 97 xu từ mức cao nhất trước khủng hoảng là 57 đô-la! Bạn có thể sở hữu một phần của công ty với chi phí thấp hơn phí rút tiền từ máy ATM. Nhưng hãy nhớ: mùa đông luôn được nối tiếp bởi mùa xuân, và đôi khi các mùa thay đổi nhanh hơn nhiều so với những gì bạn có thể đoán. Cổ phiếu 97 xu này đã tăng vọt lên 5 đô-la trong vòng năm tháng, mang lại cho các nhà đầu tư 500% lợi nhuận.
35 Cổ phiếu của những công ty có vị thế vững chắc, đại diện tiêu biểu của nền công nghiệp. Những công ty này thường ổn định, có lợi nhuận cao và tiềm năng phát triển lớn.
Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư “giá trị” như Warren Buffett rất trông đợi thị trường giá xuống. Tình trạng hỗn loạn tạo điều kiện cho họ đầu tư vào các cổ phiếu bị sụt giá xuống mức thấp tới nỗi rủi ro gần như bằng không, trong khi khả năng tăng trưởng thì rất ngoạn mục.
Buffett đã làm điều đó vào cuối năm 2008, khi ông đầu tư vào những gã khổng lồ đang sa sút như Goldman Sachs và General Electric, những công ty có cổ phiếu đang được bán với mức giá không tưởng. Không những thế, ông đã cấu trúc các khoản đầu tư này để giảm rủi ro hơn nữa. Ví dụ, ông đầu tư 5 tỷ đô-la vào một hạng mục cổ phiếu “ưu đãi” của Goldman Sachs và hạng mục này đảm bảo cho ông một khoản cổ tức 10% một năm trong thời gian chờ đợi giá cổ phiếu phục hồi!
Hầu hết mọi người đều sợ hãi trong giai đoạn khủng hoảng đến nỗi họ chỉ thấy những mặt tối. Nhưng Buffett đã đảm bảo ông gần như không thể thua lỗ.
Nói cách khác, tất cả vẫn là chuyện tối thiểu hóa rủi ro và tối đa hóa phần thưởng!
Tiếp theo là một ví dụ từ các khoản đầu tư cá nhân của tôi. Một cánh cửa cơ hội đã mở ra cho tôi trong những năm sau vụ khủng hoảng tài chính 2008-2009, khi các ngân hàng quyết định bổ sung một số yêu cầu cho việc vay vốn, những yêu cầu thuộc dạng khắt khe nhất từng được đặt ra trong suốt những năm đó. Lúc bấy giờ, nhiều cá nhân sở hữu những tài sản lớn trong nhà nhưng không có cách nào để tiếp cận vốn vay ngân hàng. Việc tái cấp vốn trở thành bất khả thi. Họ tìm cách để tiếp cận các nguồn vay ngắn hạn (thường từ một đến hai năm hoặc ít hơn) và sẵn sàng dùng chính ngôi nhà của mình để thế chấp.
Nói ngắn gọn thì tôi đã cho họ vay số tiền họ cần và trở thành “người giữ chứng thư ủy thác đầu tiên” của ngôi nhà của họ. Trở lại câu chuyện của năm 2009, một chủ sở hữu nhà đã đến gặp đội nhóm của tôi với một ngôi nhà trị giá 2 triệu đô-la, giấy tờ chủ quyền rõ ràng và minh bạch. Anh ấy đề nghị được vay 1 triệu đô-la (50% của giá trị tài sản thế chấp) và sẵn sàng trả lãi suất 10% với kỳ hạn 12 tháng. Đó là một đề nghị không tồi trong một thế giới mà tôi chỉ có thể đầu tư vào trái phiếu kho bạc có kỳ hạn 10 năm và lúc ấy chỉ kiếm được 1,8% một năm. Và vì Cục Dự trữ Liên bang đã bắt đầu tăng lãi suất, giá trái phiếu sẽ giảm nên có thể lợi nhuận của tôi còn ít hơn (trừ khi tôi muốn giữ tất cả các trái phiếu đến ngày đáo hạn).
Vậy rủi ro của tôi là gì nếu tôi đầu tư vào chứng thư ủy thác? Nếu người vay phá sản, thị trường bất động sản sụp đổ hơn 50% thì tôi mới không thể thu hồi tiền của mình. Ngay cả trong tình huống tệ nhất là bất động sản đi xuống như chúng ta đã thấy trong hơn nửa thế kỷ (giai đoạn năm 2008), cộng đồng đầu tư đặc biệt này cũng không có mức giảm nào lớn hơn 35%. Vì vậy, với thời gian một năm ngắn ngủi, điều này đáp ứng tiêu chí đầu tiên của tôi về việc giảm thiểu khả năng bị mất tiền!
Hơn nữa, hãy xem xét tỷ lệ rủi ro/phần thưởng: có rất ít nguy cơ mất tiền, ngay cả khi thị trường bất động sản sụt giảm 50% thì tôi vẫn hòa vốn; và tỷ lệ lợi tức thường niên 10% mang lại cho tôi nhiều lợi thế trong môi trường lợi nhuận nén. Dựa trên những yếu tố đó, tôi tin rằng khoản đầu tư này mang lại tỷ lệ tuyệt vời giữa rủi ro và phần thưởng.
Giờ đây bạn không cần phải có 1 triệu đô-la để thực hiện các khoản đầu tư như thế. Nhiều người đi vay thường yêu cầu các khoản vay chỉ từ 25.000 đến 50.000 đô-la. Nhưng tôi không có ý nói bạn nên săn tìm cơ hội làm chứng thư ủy thác đầu tiên. Bạn cần biết rằng loại hình đầu tư này còn liên quan đến các loại rủi ro khác. Điều cốt lõi là các cơ hội khác nhau sẽ luôn xuất hiện, tùy vào môi trường kinh tế hoặc hành vi thị trường.
NGUYÊN TẮC CỐT LÕI #3: TĂNG TÍNH HIỆU QUẢ VỀ THUẾ
Như chúng ta đã thảo luận ở phần trước, thuế có thể dễ dàng quét sạch 30% hoặc nhiều hơn số tiền lời bạn có được từ hoạt động đầu tư nếu bạn không cẩn thận. Vậy mà các công ty quỹ tương hỗ lại còn thích chào hàng bằng lợi nhuận trước thuế của họ, che đậy một thực tế rằng chỉ có một con số thật sự quan trọng: thu nhập ròng mà bạn thực nhận.
Khi tự vui mừng với lợi nhuận đầu tư mà không tính đến tác động của thuế (chưa kể các khoản phí), người ta chỉ đang tự huyễn hoặc bản thân! Chuyện này giống như bạn nói “Hôm nay tôi đã tuân thủ rất tốt chế độ ăn kiêng”, sẵn tiện quên mất mình nhấm nháp vài chiếc bánh vòng, một phần khoai tây chiên gấp đôi bình thường và một chiếc bánh su kem mát lạnh!
Trong đầu tư, tự huyễn hoặc là một thói quen có cái giá rất đắt. Vì vậy, hãy tháo khăn bịt mắt và nhìn thẳng vào sự thật trần trụi! Nếu là người có thu nhập cao ở Mỹ, có thể bạn đang trả mức thuế thu nhập thông thường là 50% giữa thuế liên bang và thuế tiểu bang. Nếu bạn bán một khoản đầu tư mà bạn đã sở hữu chưa đến một năm, phần thu nhập đó của bạn sẽ bị đánh thuế ở mức cao ngất ngưởng. Thật ác liệt đúng không?
Ngược lại, nếu bạn nắm giữ hầu hết các khoản đầu tư trong một năm trở lên, bạn chỉ trả thuế thu nhập khi bán ra. Tỷ lệ hiện tại là 20%, đó là cách giảm thuế thấp hơn mức phải trả trên thu nhập bình thường của bạn. Đơn giản bằng cách quản lý thời gian nắm giữ tài sản một cách thông minh, bạn đang tiết kiệm tới 30% thuế.
Nhưng nếu bỏ qua tác động của thuế, bạn sẽ phải trả giá đắt. Giả sử bạn sở hữu một quỹ tương hỗ có mức lợi nhuận 8% một năm, sau khi trừ đi các khoản phí, chẳng hạn như 2% một năm, bạn còn lại 6%. Nếu quỹ giao dịch thường xuyên (đa số các quỹ đều vậy), toàn bộ lợi ngắn hạn đó sẽ bị đánh thuế ở cùng một mức với thu nhập bình thường của bạn. Vì vậy, nếu bạn là người có thu nhập cao ở một tiểu bang như California hoặc New York, lợi tức hằng năm 6% của bạn sẽ bị giảm xuống một nửa và chỉ còn 3% sau thuế! Với tốc độ này, bạn chỉ có thể nhân đôi số tiền của mình sau mỗi… 24 năm! Nhưng bạn cũng cần phải tính đến ảnh hưởng của lạm phát. Nếu lạm phát là 2% một năm, lợi nhuận thực tế của bạn vừa giảm từ 3% xuống 1%. Như vậy, có khả năng bạn chỉ có thể nghỉ hưu khi bước vào tuổi 120!
“Tôi có đủ tiền để nghỉ hưu và sống thoải mái suốt phần còn lại của đời mình. Vấn đề là tôi sẽ chết vào tuần sau.”
- KHUYẾT DANH
Bây giờ bạn có thể thấy tại sao việc đầu tư có hiệu quả về thuế lại quan trọng như vậy rồi chứ? Hãy tin tôi, tất cả tỷ phú mà tôi từng gặp đều có một điểm chung: họ và các cố vấn của họ rất khôn ngoan trong những vấn đề liên quan tới thuế! Họ biết thứ quan trọng không phải là số tiền họ kiếm được, mà là số tiền họ giữ được. Đó mới thật sự là tiền của họ, số tiền mà họ có thể chi tiêu, tái đầu tư hoặc cho đi để cải thiện cuộc sống của người khác.
Nếu bạn đang rối rắm, tôi xin nói rõ là không có gì khuất tất hay vô đạo đức khi bạn quản lý tiền của mình sao cho giảm gánh nặng thuế một cách hợp pháp. Các học giả ngành pháp lý và Tòa án Tối cao Hoa Kỳ thường trích dẫn câu nói nổi tiếng của cố Thẩm phán Tòa phúc thẩm Liên bang Billings Learned Hand. Ông từng tuyên bố vào năm 1934: “Bất cứ ai cũng có thể sắp xếp công việc làm ăn của mình sao cho được hưởng mức thuế càng thấp càng tốt. Không ai có nghĩa vụ phải trả thuế nhiều hơn những gì luật pháp yêu cầu”.
Khi tôi gặp David Swensen, anh ấy đã chỉ ra rằng một trong những lợi thế lớn nhất của anh khi đầu tư vào Yale là vì nó là một tổ chức phi lợi nhuận và do đó được miễn thuế. Nhưng chúng ta, những người còn lại phải làm gì? Đầu tiên, hãy làm rõ về các quỹ được quản lý theo kiểu chủ động, đặc biệt là những quỹ giao dịch thường xuyên. Như David từng chia sẻ, một trong những lợi ích của quỹ chỉ số là họ duy trì giao dịch ở mức tối thiểu, có nghĩa là “hóa đơn thuế của bạn sẽ thấp hơn. Điều này có ý nghĩa rất lớn. Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất trong ngành quỹ tương hỗ, một lĩnh vực vốn đầy rẫy những vấn đề nghiêm trọng, là hầu như tất cả nhà quản lý quỹ tương hỗ đều hành xử như thể thuế không là vấn đề gì cả. Nhưng thuế thật sự rất quan trọng, nó có ảnh hưởng rất lớn”.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về chủ đề này, Money: Master the Game có phần thảo luận sâu hơn. Hãy nhớ: một vấn đề bạn sẽ gặp phải nếu hợp tác với nhà môi giới là họ không phải chuyên gia thuế, vì vậy họ không có tư cách pháp lý để tư vấn cho bạn về thuế. Đa số các chuyên gia tư vấn đầu tư cũng không có chuyên gia thuế trong đội nhóm của họ. Đó là lý do bạn nên hợp tác với một công ty có các kiểm toán viên, vì họ luôn ưu tiên tính hiệu quả về thuế.
Tôi đã áp dụng những gì David dạy tôi. Lối tư duy nhạy về thuế này ăn sâu vào phương pháp đầu tư của tôi. Tất nhiên, tôi không bắt đầu với thuế, vì đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Tôi luôn bắt đầu với trọng tâm là không để mất tiền và tỷ lệ bất tương xứng giữa rủi ro/phần thưởng. Sau đó, trước khi quyết định đầu tư, tôi sẽ xem xét: “Tính hiệu quả về thuế trong vụ đầu tư này như thế nào? Có cách nào đạt hiệu quả về thuế cao hơn không?”.
Lý do tôi rất lưu tâm tới vấn đề thuế là vì tôi từng sống rất nhiều năm tại California nơi tôi còn lại chỉ 38 xu cho mỗi đô-la tôi kiếm được sau khi đóng thuế. Khi bị đánh thuế nặng như vậy, bạn sẽ nhanh chóng trở nên nhạy cảm với nó! Tôi học cách chỉ tập trung vào những gì còn lại sau khi trả tiền cho chính phủ theo luật định.
Bất cứ khi nào ai đó nói với tôi về một cơ hội tài chính có vẻ mang lại lợi nhuận hấp dẫn, tôi luôn hỏi lại: “Đó là lợi nhuận sau thuế à?”. Họ thường trả lời: “Không, đó là lợi nhuận trước thuế”. Con số trước thuế là giả, trong khi con số sau thuế không biết nói dối. Mục tiêu của bạn và tôi là tối đa hóa lợi nhuận sau thuế.
Sau đây là một ví dụ cụ thể: Creative Planning, nơi tôi phụ trách tâm lý nhà đầu tư, có thể đề xuất mô hình quan hệ đối tác hạn chế (master limited partnership, viết tắt là MLP)36 cho các danh mục nhất định của khách hàng, khi thích hợp. Tôi nhanh chóng biết được hình thức đối tác giao dịch công khai này giúp khách hàng dễ đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng như đường ống dẫn dầu, xăng dầu và khí đốt tự nhiên. Tôi gọi cho anh bạn T. Boone Pickens, người đã kiếm được hàng tỷ đô-la trong lĩnh vực kinh doanh dầu mỏ, và hỏi anh ấy “Anh nghĩ gì về mô hình MLP lúc này?”.
36 Quan hệ đối tác hạn chế giao dịch như một thực thể công khai bị đánh thuế như quan hệ đối tác thông thường. Mối quan hệ này kết hợp lợi ích thuế của quan hệ đối tác với tính thanh khoản của chứng khoán giao dịch công khai.
Anh ấy giải thích rằng giá bán của họ bị giảm vì cuộc khủng hoảng giá năng lượng. Trên thực tế, từ năm 2014 đến đầu năm 2016, giá dầu đã giảm hơn 70%. Nhiều nhà đầu tư cho rằng sự sụt giảm này là một tin khủng khiếp cho MLP, vì họ cung cấp cơ sở hạ tầng cho khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh năng lượng. Nhưng MLP - ít ra là những MLP tốt nhất - được bảo vệ tốt hơn nhiều. Đó là bởi vì khách hàng của mô hình này thường ký hợp đồng dài hạn với phí cố định để đổi lại quyền sử dụng cơ sở hạ tầng. Điều này mang lại một dòng thu nhập đáng tin cậy hằng năm, cho phép MLP mang lại khoản thu lớn cho các đối tác.
Như Boone đã giải thích, bạn không thật sự đánh cược với giá dầu và khí đốt khi giao dịch dưới hình thức MLP. Trong vai trò chủ sở hữu của một công ty đường ống, bạn như một nhà thu phí cho thuê. Bất kể chuyện gì xảy ra với giá dầu hoặc khí đốt, năng lượng vẫn không ngừng được vận chuyển đi khắp đất nước, bởi vì đó là mạch máu của nền kinh tế. Và, với tư cách là chủ sở hữu của MLP, bạn cứ thế mà thu phí đều đặn!
Trong khi đó, giá MLP giảm sâu lại là tin tốt cho các nhà đầu tư. Tại sao? Bởi vì đây là một phản ứng thái quá trước sự sụt giảm giá năng lượng. Hầu hết các nhà đầu tư đều sợ hãi đến mức bạn có thể đầu tư ở mức định giá thấp nhất lịch sử. Ngay cả một số MLP chất lượng cao nhất cũng bị rớt giá đến 50%.
Nhưng các “trạm thu phí” MLP vẫn hoạt động tốt. Một MLP với giá 100 đô-la trước đây đã mang lại thu nhập hằng năm là 5 đô-la cho mỗi cổ phiếu. Khi giá giảm xuống còn 50 đô-la, MLP vẫn trả 5 đô-la cho mỗi cổ phiếu. Nhưng con số này hiện đã lên tới 10%! Điều đó nghe không hề viển vông chút nào, nhưng trong thời đại lãi suất chạm đáy này, nó tốt hơn rất nhiều so với trái phiếu có lợi suất từ 2% trở xuống. Không những vậy, bạn vẫn được hưởng những lợi ích này nếu giá của MLP được phục hồi!
Vì vậy, hãy dành một chút thời gian để xem MLP phù hợp như thế nào khi xét theo các tiêu chí trong Bộ tứ cốt lõi của chúng ta:
1. Không thua lỗ. Giá năng lượng và MLP đã giảm đến mức có lẽ không thể giảm sâu hơn nữa. Các chuyên gia như “đấng tiên tri về dầu” T. Boone Pickens cũng chỉ ra rằng hoạt động sản xuất năng lượng đang bị thu hẹp hàng loạt vì cơn sụt giảm giá. Điều đó có nghĩa là nguồn cung cấp đã giảm dần, và cho dù nhu cầu có giảm xuống nữa, giá năng lượng cuối cùng vẫn sẽ tăng lên. Với tất cả lợi thế như vậy, rủi ro mất tiền là rất thấp.
2. Tỷ lệ rủi ro tối thiểu/lợi nhuận tối đa. Như chúng tôi đã phân tích, rủi ro thua lỗ là rất thấp, trong khi khả năng giá năng lượng cuối cùng sẽ phục hồi và MLP sẽ trở lại sinh lợi tốt là rất cao. Trong lúc đợi chuyện đó xảy ra, bạn sẽ thu được 10% lợi tức hằng năm. Tin tôi đi, tôi rất vui được ngồi yên và thu lợi nhuận!
3. Tính hiệu quả về thuế. Đây mới là phần tốt nhất: chính phủ Mỹ cần thúc đẩy sản xuất và phân phối năng lượng trong nước, vì vậy họ đã đưa ra chính sách ưu đãi thuế đối với các MLP. Do đó, phần lớn thu nhập bạn nhận được cấn trừ qua khấu hao, có nghĩa là 80% thu nhập của bạn được miễn thuế. Nếu bạn tạo ra lợi nhuận gộp 10% hằng năm, bạn sẽ hưởng 8% lợi nhuận ròng. Rất khả quan đúng không? Ngược lại, nếu bạn không được hưởng ưu đãi về thuế này, toàn bộ lợi nhuận hằng năm mà bạn nhận được sẽ bị áp mức thuế giống với mức thuế thu nhập thông thường của bạn. Khi đó, một người có thu nhập cao với mức thuế thu nhập 50% sẽ chỉ còn lại 5% lợi nhuận ròng. Nói cách khác, bằng cách sử dụng tính hiệu quả về thuế của MLP, bạn nhận được 8% thay vì 5% lợi nhuận ròng. Sự khác biệt là bạn có thêm 60% tiền vào túi. Đó là sức mạnh của tính hiệu quả về thuế.
Như Peter sẽ giải thích trong chương tiếp theo, MLP không phù hợp với mọi người, chúng tôi cũng không đề xuất chúng cho tất cả các bạn. Nhưng có một nguyên tắc rộng hơn mà tôi đang tìm cách minh họa ở đây: bằng cách tập trung vào lợi nhuận sau thuế (lợi nhuận ròng), bạn có thể tăng tốc hành trình tự do tài chính của mình.
Cũng cần phải nói là hầu như luôn luôn có một lớp tài sản, một quốc gia hoặc một thị trường đang bị tụt giá, và đó là cơ hội hấp dẫn để đạt lợi nhuận tối đa với rủi ro tối thiểu.
Cuối cùng, sự khôn ngoan trong các vấn đề về thuế còn có thể giúp bạn gây ảnh hưởng lớn hơn đến thế giới. Thay vì để chính phủ quyết định cách tiêu tiền của bạn, bạn tự quyết định! Cuộc sống cá nhân của tôi phong phú hơn vì tôi có thể hỗ trợ những người truyền cảm hứng và niềm vui cho tôi. Cho đến nay, tôi đã cung cấp được 250.000 bữa ăn miễn phí cho những người cần giúp đỡ, và tôi đang trên đường đạt mục tiêu một tỷ bữa ăn thông qua sự hợp tác với Tổ chức Thiện nguyện Feeding America. Tôi cũng đang cung cấp nước ngọt cho 250.000 người mỗi ngày ở Ấn Độ và tôi đang giúp hơn 1.000 trẻ em thoát khỏi tình trạng nô lệ tình dục thông qua quan hệ đối tác với Operation Underground Railroad37. Đây chỉ là một vài trong số những món quà mà tôi có thể đóng góp qua những lợi ích tôi có được từ việc tận dụng tính hiệu quả về thuế trong các khoản đầu tư của mình.
37 Một tổ chức tập hợp các chuyên gia trên thế giới trong việc giải cứu và chống lại nạn buôn bán trẻ em nhằm chấm dứt tình trạng nô dịch trẻ em. Thành viên của họ bao gồm các cựu nhân viên CIA, đặc nhiệm hải quân (SEALS) và lực lượng đặc biệt (Special OPS).
NGUYÊN TẮC CỐT LÕI #4: SỰ ĐA DẠNG HÓA
Nguyên tắc thứ tư và cuối cùng trong Bộ tứ cốt lõi có lẽ là nguyên tắc rõ ràng và cơ bản nhất: đa dạng hóa. Về bản chất, đây là điều hầu hết mọi người đều biết: đừng bỏ tất cả trứng vào một rổ. Nhưng có sự khác biệt giữa việc biết phải làm gì và thật sự làm những gì bạn biết. Giáo sư đại học Princeton, Burton Malkiel, đã chia sẻ với tôi bốn cách chủ yếu để đa dạng hóa đầu tư hiệu quả:
1. Đa dạng hóa các lớp tài sản khác nhau. Tránh đặt toàn bộ tiền của bạn vào một loại tài sản duy nhất như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu hay bất kỳ lớp tài sản nào khác.
2. Đa dạng hóa bên trong các lớp tài sản. Đừng đặt tất cả tiền của bạn vào một thứ yêu thích duy nhất, chẳng hạn như chỉ mua cổ phiếu Apple, hoặc tham gia một MLP duy nhất, hoặc một miếng đất ven sông nơi nó có thể bị cuốn trôi dễ dàng bởi một cơn bão.
3. Đa dạng hóa về thị trường, quốc gia và các loại tiền tệ khác nhau trên khắp thế giới. Chúng ta đang sống trong nền kinh tế toàn cầu, vì vậy đừng mắc sai lầm khi chỉ đầu tư trong phạm vi đất nước của bạn.
4. Đa dạng hóa về thời gian. Bạn sẽ không bao giờ biết được thời điểm thích hợp để mua bất cứ thứ gì. Nhưng nếu bạn tiếp tục thêm vào các khoản đầu tư của mình một cách có hệ thống qua nhiều tháng và nhiều năm (nói cách khác, tính theo trung bình giá đô-la), bạn sẽ giảm được rủi ro và tăng lợi nhuận theo thời gian.
Mọi nhà đầu tư được vinh danh mà tôi từng phỏng vấn đều rất kiên quyết với việc tìm ra cách đa dạng hóa tốt nhất để tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa rủi ro. Paul Tudor Jones từng nói với tôi: “Tôi nghĩ điều quan trọng nhất mà anh có thể làm là đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình”. Thông điệp này được lặp lại trong buổi phỏng vấn với Jack Bogle, Warren Buffett, Howard Marks, David Swensen, Mary Callahan Erdoes của JPMorgan và vô số huyền thoại đầu tư khác.
Chúng ta là những con Dodo cuối cùng trên hành tinh này, vậy nên anh đã đặt toàn bộ trứng của chúng ta vô một giỏ…
Thoạt nghe thì nguyên tắc này có vẻ rất đơn giản, nhưng áp dụng nó vào thực tế lại là một vấn đề khác! Điều đó đòi hỏi bạn phải có chuyên môn. Đây là một chủ đề quan trọng mà chúng tôi sẽ dành phần lớn nội dung của chương tiếp theo để thảo luận. Đối tác của tôi, Peter Mallouk - người đã giúp khách hàng của mình vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính đáng sợ năm 2008-2009 - sẽ giải thích cách phân bổ tài sản theo tùy chỉnh cá nhân, đa dạng hóa các loại hình đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản và “các lựa chọn thay thế” khác. Nhiệm vụ của anh ấy là giúp bạn xây dựng một danh mục đầu tư cho phép bạn phát triển thịnh vượng trong bất kỳ môi trường nào.
Điều này nghe có vẻ như một lời hứa hẹn khó có khả năng thành sự thật, nhưng sự đa dạng hóa đã chứng minh hiệu quả của nó trong những mùa tài chính tồi tệ nhất. Từ năm 2000 đến cuối năm 2009, các nhà đầu tư Mỹ phải nếm trải thời kỳ mà sau này người ta gọi là “thập niên mất mát” vì chỉ số S&P 500 về cơ bản không tăng không giảm dù có sự dao động lớn. Nhưng những nhà đầu tư thông minh nhìn xa hơn ra ngoài thị trường chứng khoán Mỹ. Burt Malkiel đã viết một bài báo đăng trên Nhật báo Wall Street với tiêu đề “Mua và giữ vẫn là sách lược chiến thắng”, trong đó anh giải thích nếu bạn đa dạng hóa đầu tư trong quỹ chỉ số - bao gồm chứng khoán Mỹ, chứng khoán nước ngoài, cổ phiếu đang lên, trái phiếu và bất động sản của thị trường mới nổi - vào đầu năm 2000 và cuối năm 2009, khoản đầu tư ban đầu 100.000 đô-la sẽ tăng lên 191.859 đô-la. Như vậy nghĩa là bạn kiếm được mức lợi nhuận trung bình 6,7% một năm trong thập niên mất mát!
Một lý do tại sao sự đa dạng hóa rất quan trọng là nó bảo vệ chúng ta khỏi một khuynh hướng tự nhiên của con người, đó là bám chặt vào những gì chúng ta nghĩ mình biết. Khi cảm thấy thoải mái với ý nghĩ một phương pháp cụ thể nào đó có hiệu quả - hoặc cho rằng mình hoàn toàn hiểu phương pháp đó - người ta rất dễ trở thành người chỉ biết dùng mãi một “chiêu”. Hậu quả là nhiều người đầu tư quá lớn vào một loại hình. Ví dụ, có thể họ có thể cược hết tiền vào bất động sản vì từ nhỏ họ đã chứng kiến hiệu quả thần kỳ mà đầu tư bất động sản mang lại cho gia đình họ; hoặc họ là những con bọ vàng38; hoặc có thể họ đặt cược quá độ vào một mảng “nóng” như cổ phiếu công nghệ chẳng hạn.
38 “Gold bug”, từ lóng chỉ những người chỉ thích vàng và xem vàng là thước đo đánh giá mọi của cải vật chất.
Vấn đề là mọi thứ đều mang tính chu kỳ. Những thứ đang nóng có thể đột ngột đóng băng ngay bây giờ. Như Ray Dalio từng cảnh báo tôi: “Bất kể bạn đổ tiền vào lớp tài sản nào, gần như chắc chắn là sẽ có ngày bạn bị lỗ 50% - 70%”. Bạn có tưởng tượng nổi cảnh mình dồn hết tiền của vào một lĩnh vực và sau đó kinh hoàng nhìn nó bị thiêu rụi không? Đa dạng hóa chính là “hợp đồng bảo hiểm” giúp bạn chống lại cơn ác mộng đó. Nó làm giảm rủi ro và tăng lợi nhuận trong khi bạn không phải trả thêm chi phí. Làm thế nào để kết hợp hai yếu tố này để chiến thắng?
Tất nhiên, có nhiều cách đa dạng hóa khác nhau. Ví dụ, David Swensen từng chia sẻ với tôi cách các nhà đầu tư cá nhân có thể đa dạng hóa thông qua việc sở hữu các quỹ chỉ số chi phí thấp có đầu tư vào sáu nhóm tài sản “thật sự quan trọng”: chứng khoán Mỹ, chứng khoán quốc tế, chứng khoán các thị trường mới nổi, các quỹ tín thác đầu tư bất động sản, trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ dài hạn và chứng khoán có bảo vệ lạm phát. Anh ấy thậm chí còn chia sẻ tỷ lệ phần trăm chính xác mà anh ấy khuyên bạn nên phân bổ cho mỗi lớp tài sản này. Bạn có thể tham khảo quyển Money: Master the Game để biết thêm chi tiết.
Còn đối với Ray Dalio, phương pháp đa dạng hóa đầu tư độc đáo của anh rất hiệu quả trong việc hóa giải rủi ro. Tôi có dịp nói chuyện với Ray ngay sau khi anh ấy tham dự Hội nghị các nhà đầu tư Robin Hood vào cuối năm 2016. Các nhà đầu tư giỏi nhất đã chăm chú lắng nghe Ray tiết lộ một trong những bí quyết đa dạng hóa đầu tư của anh: “Chén thánh trong đầu tư là bạn nên đặt cược vào ít nhất 15 hạng mục không liên quan tới nhau, và chúng chỉ cần là những ván cược tốt chứ không cần phải xuất sắc”.
Nói cách khác, điểm mấu chốt là sở hữu một loạt các tài sản hấp dẫn không liên quan tới nhau. Đó là cách bạn đảm bảo mình sẽ sống sót và thành công trong lĩnh vực đầu tư. Trong trường hợp của Ray, danh mục của anh ấy bao gồm các khoản đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, vàng, hàng hóa, bất động sản và các lựa chọn thay thế khác. Ray nhấn mạnh rằng bằng cách sở hữu 15 mục đầu tư không liên quan với nhau, bạn có thể giảm “khoảng 80%” rủi ro về tổng thể và “tăng tỷ suất lợi nhuận/rủi ro lên hệ số năm. Điều này có nghĩa là bạn sẽ đạt lợi nhuận cao hơn gấp năm lần bằng cách giảm rủi ro đó”.
Tôi không nói rằng có một phương pháp nào đó hoàn hảo và phù hợp cho tất cả mọi người mà bạn nhất thiết phải làm theo. Điều tôi thật sự muốn truyền đạt là các nhà đầu tư xuất sắc nhất đều xem sự đa dạng hóa là nguyên tắc cốt lõi để đạt được thành công tài chính dài hạn. Nếu bạn cũng áp dụng nguyên tắc đa dạng hóa các hạng mục đầu tư, bạn sẽ sẵn sàng đối mặt với mọi biến cố và bình tĩnh đối mặt tương lai với sự tự tin hiếm có.
SẴN SÀNG VÀO CUỘC CHƠI
Giờ đây, bạn đã tiến xa hơn rất nhiều người khác trong cuộc chơi tài chính. Bạn thuộc về một nhóm nhỏ những bậc tinh anh hiểu rõ bốn nguyên tắc quan trọng mà các nhà đầu tư xuất sắc nhất sử dụng như kim chỉ nam khi đưa ra những quyết định đầu tư của họ. Nếu bạn thường xuyên thực hành bốn nguyên tắc này, tỷ lệ đầu tư thành công của bạn sẽ tăng theo cấp số nhân!
Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về phần cốt lõi của việc phân bổ tài sản. Peter Mallouk sẽ giải thích những lợi ích của việc sử dụng phương pháp tiếp cận phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh cụ thể của bạn. Bạn sẽ học cách xây dựng một danh mục đầu tư đa dạng sao cho nó có thể hỗ trợ bạn vượt qua bất kỳ cơn bão nào. Hãy nhớ một điều: tất cả chúng ta đều biết mùa đông đang đến. Tất cả chúng ta đều biết thị trường giá xuống thường xuyên xảy ra. Đa số các nhà đầu tư đều sợ hãi những “thảm kịch” đó. Nhưng bạn sắp khám phá ra cách làm cho mùa đông trở thành mùa tuyệt vời nhất trong năm - một mùa để tận hưởng niềm vui!
Vì vậy, hãy đến với tôi, các chiến binh dũng cảm! Đã đến lúc cầm vũ khí lên và hạ gục con gấu!39
39 Nguyên văn: “Slay the bear”. Tác giả chơi chữ vì “bear market” là thị trường giá xuống, ý tác giả là cùng “hạ gục” thị trường giá xuống.