Cách vượt qua những lần thị trường sụp đổ và các đợt điều chỉnh giá để tăng tốc hành trình tự do tài chính
“Tôi học được rằng dũng cảm không phải là không biết sợ hãi, mà là chiến thắng nỗi sợ. Người dũng cảm không phải là người không biết sợ, mà là người khuất phục nỗi sợ đó.”
- NELSON MANDELA
CON ĐƯỜNG KHUẤT PHỤC NỖI SỢ
Vào năm 31 tuổi, tôi đến gặp bác sĩ để khám sức khỏe định kỳ - đó là đợt kiểm tra sức khỏe theo yêu cầu để tôi gia hạn giấy phép lái máy bay trực thăng. Những ngày sau đó, bác sĩ gửi cho tôi vài tin nhắn yêu cầu tôi liên lạc lại với ông. Giai đoạn đó tôi quá bận rộn nên không có thời gian để nói chuyện với ông ấy. Sau đó, vào một buổi tối, tôi về nhà vào lúc nửa khuya và thấy một tờ ghi chú mà trợ lý đã dán trên cửa phòng ngủ của tôi: “Anh phải gọi cho bác sĩ ngay. Ông ấy nói đây là trường hợp khẩn cấp”.
Bạn có thể tưởng tượng tâm trí tôi bắt đầu loạn xạ hết lên như thế nào. Tôi là người cực kỳ kỷ luật trong vấn đề sức khỏe, và lúc bấy giờ tôi cảm thấy mình khỏe mạnh hơn bao giờ hết. Vậy vấn đề có thể là gì? Tâm trí tôi có khuynh hướng rối loạn trong những lúc như thế này. Tôi bắt đầu tự hỏi: “Mình du lịch rất nhiều, vì vậy có thể nó liên quan tới bức xạ trên máy bay. Mình bị ung thư chăng? Chẳng lẽ mình sắp chết?”. Chắc chắn là không.
Tôi cố trấn tĩnh và chợp mắt được một chút. Nhưng khi thức dậy vào sáng hôm sau, tôi cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Tôi bèn liên lạc với bác sĩ, và ông ấy nói với tôi: “Anh cần phải phẫu thuật. Trong não anh có một khối u”.
Tôi choáng váng: “Ông đang nói gì vậy? Làm sao ông biết?”. Bác sĩ, một người thẳng thắn và không dài dòng, nói rằng ông ấy đã làm thêm một số xét nghiệm máu vì tin rằng tôi có một lượng lớn hormone tăng trưởng trong cơ thể. Không cần phải là một thiên tài để nhận ra điều đó, vì tôi cao 1,9 mét và hồi 17, tôi đã cao thêm 25 xăng-ti-mét trong vòng một năm. Nhưng ông ấy tin rằng sự tăng trưởng “bạo phát” này là do một khối u trong tuyến yên ở đáy não của tôi. Ông ấy muốn tôi nhập viện ngay lập tức và phẫu thuật cắt bỏ khối u đó.
Tôi đã xếp lịch bay đến miền nam nước Pháp vào ngày hôm sau để nói chuyện trong buổi hội thảo “Date with Destiny” (tạm dịch: Hẹn hò với Định mệnh). Giờ đây tôi phải bỏ dở mọi thứ và trải qua một cuộc phẫu thuật khẩn cấp sao? Chuyện này quá định mệnh rồi! Nhưng cuối cùng tôi đã quyết định đến buổi hội thảo theo đúng lịch trình và sau đó sang Ý, nơi tôi sống trong một làng chài có tên là Portofino. Nhưng chính tại nơi đó, tôi bắt đầu lo sợ. Tôi cảm thấy mình như một con người khác, tức giận và chán nản vì những điều nhỏ nhặt. Tôi bị sao vậy?
Từ bé đến khi trưởng thành, tôi đã luôn sống trong một thế giới không có gì chắc chắn. Khi mẹ tôi phê ma túy và giận dữ, đôi khi bà ấy mất kiểm soát vì mấy chuyện vặt vãnh. Nếu cho rằng tôi đang nói dối, bà ấy có thể đổ xà phòng vào miệng tôi cho đến khi tôi nôn thốc nôn tháo - hoặc đập đầu tôi vào tường. Kể từ đó, tôi đã dành cả cuộc đời để rèn luyện và tự huấn luyện bản thân tìm sự chắc chắn trong một thế giới đầy biến động. Nhưng tôi lại để những lời nhận xét của vị bác sĩ này nhấn chìm tôi xuống đáy vực sâu nhất của sự không chắc chắn. Thế giới của tôi đột nhiên bị đảo lộn và cuộc sống mà tôi xây dựng bỗng lung lay. Suy cho cùng, làm sao bạn có thể chắc chắn về bất cứ điều gì khi bạn không có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi cơ bản nhất: “Ta sẽ sống hay chết?”.
Ngồi trong nhà thờ ở Portofino, tôi cầu nguyện cho cuộc sống đáng quý của mình. Sau đó, tôi quyết định về nhà và đối mặt với tình huống này. Những ngày tiếp theo, tôi như sống trong thế giới siêu thực. Tôi nhớ mình được ra khỏi máy chụp cắt lớp cộng hưởng từ (MRI) và nhìn thấy vẻ mặt đầy lo ngại của kỹ thuật viên. Anh ấy nói chắc chắn có một khối u trong đầu tôi nhưng anh ấy không thể cung cấp bất kỳ chi tiết nào khác cho đến khi bác sĩ phân tích kết quả chụp MRI. Bác sĩ của tôi khi đó quá bận nên tôi phải đợi thêm 24 giờ nữa. Giờ thì tôi biết chắc mình có vấn đề, nhưng tôi không biết liệu nó có phải là vấn đề sinh tử hay không.
Cuối cùng, tôi cũng gặp được bác sĩ để nghe giải thích về tình trạng của mình. Kết quả chụp MRI xác nhận tôi có một khối u, nhưng nó đã giảm 60% kích thước theo thời gian. Tôi không có triệu chứng xấu và đã ngừng tăng chiều cao từ năm 17 tuổi. Vậy tại sao tôi cần phẫu thuật? Bác sĩ cảnh báo tôi rằng hormone tăng trưởng quá mức có thể gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe, kể cả suy tim. Ông ấy nói: “Anh đang chối bỏ sự thật đấy. Chúng ta phải tiến hành phẫu thuật ngay lập tức”.
Nhưng tác dụng phụ của phẫu thuật là gì? Ngoại trừ nguy cơ chết trên bàn mổ, rủi ro lớn nhất là ca phẫu thuật sẽ ảnh hưởng đến hệ nội tiết của tôi, làm cho tôi không bao giờ có được cảm giác tràn đầy năng lượng như bây giờ nữa. Đây là một cái giá mà tôi không sẵn sàng để trả. Sứ mệnh của tôi là giúp mọi người thay đổi cuộc sống của họ, và sứ mệnh đó đòi hỏi rất nhiều năng lượng và lòng đam mê. Tôi cứ tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu cuộc phẫu thuật khiến tôi không thể hoàn thành sứ mệnh đời mình? Để bạn dễ hình dung, hãy để tôi mô tả sơ bộ về một sự kiện diễn ra trong một cuối tuần bình thường của tôi: trung bình mỗi sự kiện cuối tuần của tôi có 10.000 người tham gia và kéo dài khoảng 50 tiếng đồng hồ trong bốn ngày. Trong thế giới ngày nay, hầu hết mọi người sẽ không ngồi xem từ đầu tới cuối bộ phim dài ba tiếng mà ai đó đã bỏ ra 300 triệu đô-la để thực hiện! Vì vậy, nếu không có một nguồn năng lượng dồi dào, tôi không có cách nào mang lại một trải nghiệm không chỉ hoàn toàn thu hút sự chú ý của những con người đến từ 40 quốc gia khác nhau, mà còn làm cho họ cảm thấy cuộc đời họ đã được thay đổi triệt để.
Bác sĩ của tôi khá tức giận với phản ứng của tôi, ông ấy nói: “Nếu không phẫu thuật thì anh còn không thể biết mình có sống nổi hay không”. Tôi muốn nghe thêm ý kiến từ một chuyên gia khác, nhưng bác sĩ của tôi từ chối giới thiệu cho tôi một bác sĩ khác.
Sau đó, thông qua bạn bè, cuối cùng tôi đã liên hệ được với một chuyên gia nội tiết huyền thoại ở Boston. Ông ấy tiến hành chụp quét não tôi một lần nữa và cùng tôi xem xét kết quả. Ông ấy là một người tuyệt vời, đầy lòng trắc ẩn và có thái độ hoàn toàn khác biệt trong chuyện này. Ông ấy nói tôi không cần phẫu thuật; rủi ro quá lớn. Thay vào đó, ông ấy đề nghị tôi bay đến Thụy Sĩ hai lần mỗi năm để tiêm một loại thuốc đang được thử nghiệm chưa được phê duyệt lưu hành ở Mỹ. Ông ấy chắc chắn loại thuốc này có thể ngăn sự phát triển của khối u và ngăn chặn hormone tăng trưởng gây ra các vấn đề nguy hiểm cho tim.
Khi nghe tôi kể về vị bác sĩ nhất quyết muốn tôi phải phẫu thuật não, ông ấy chỉ cười và nói: “Anh hàng thịt thì muốn xẻ thịt, người bán bánh luôn muốn nướng bánh, bác sĩ giải phẫu thì muốn mổ xẻ, còn tôi thì muốn tiêm thuốc cho anh!”. Quả thật là như vậy. Tất cả chúng ta đều thích làm những gì mình hiểu rõ nhất để có được sự đảm bảo. Vấn đề là loại thuốc mà bác sĩ nội tiết này kê cho tôi cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức năng lượng của tôi. Ông ấy hiểu tại sao chuyện này lại khiến tôi lo lắng như vậy: “Anh giống như dũng sĩ Samson40 vậy. Anh sợ mình sẽ mất hết sức mạnh nếu cắt đi mái tóc của mình!”.
40 Samson là một chiến binh Do Thái huyền thoại, thành viên của bộ tộc Dan và là người Nazirite. Sức mạnh khủng khiếp của anh, thứ mà anh đã sử dụng trong 20 năm chống lại quân Philistines, bắt nguồn từ mái tóc chưa-bao-giờ-cắt của anh.
Tôi hỏi ông ấy chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi không làm gì cả - không phẫu thuật, cũng không dùng thuốc. Ông ấy đáp: “Tôi không biết. Không ai biết chuyện sẽ ra sao!”.
“Vậy tại sao tôi nên dùng loại thuốc này?”
“Nếu không nắm lấy cơ hội này, anh không thể chắc chắn là mình có sống sót hay không.”
Nhưng đến lúc này, tôi đã không còn cảm thấy không chắc nữa. Không có bằng chứng nào cho thấy sức khỏe của tôi sa sút trong 14 năm qua. Vậy tại sao tôi phải đánh cược với số mệnh bằng một cuộc phẫu thuật rủi ro cao hoặc tiêm một loại thuốc còn đang trong quá trình thử nghiệm? Tôi đã đi khám một loạt các bác sĩ khác cho đến khi có một người nói với tôi: “Tony, đúng là anh có một lượng lớn hormone tăng trưởng trong máu, nhưng nó không có bất kỳ tác dụng phụ xấu nào. Trên thực tế, nó có thể giúp cơ thể anh phục hồi nhanh hơn. Tôi có quen những vận động viên thể hình sẵn sàng chi 1.200 đô-la mỗi tháng để nhận được những gì mà anh đang có một cách miễn phí!”.
Cuối cùng, tôi quyết định không làm gì khác ngoài việc kiểm tra sức khỏe mỗi vài năm một lần để xem tình trạng của mình có tồi tệ hơn không. Khi ấy tôi không nhận ra, nhưng tôi đã tránh được một viên đạn chí tử: Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) sau đó đã cấm lưu hành loại thuốc nói trên vì có nghiên cứu chỉ ra rằng nó có thể gây ung thư. Mặc dù có ý tốt nhưng vị bác sĩ nội tiết đầy lòng trắc ẩn của tôi đã đưa một lời khuyên có thể hủy hoại cuộc đời tôi.
Và bạn biết gì không? Mãi 25 năm sau, tôi vẫn còn khối u đó trong đầu, nhưng tôi đã có một cuộc sống tuyệt vời và may mắn có được nhiều cơ hội thuận lợi để giúp hàng triệu người khác. Tất cả đều nhờ vào việc tôi đã khiến bản thân trở nên không dễ dao động khi đối mặt với sự không chắc chắn. Nếu tôi phản ứng thái quá hoặc chỉ chăm chăm làm theo lời khuyên của một trong hai vị bác sĩ kia mà không xem xét thấu đáo các phương án lựa chọn của mình, có thể tôi đã mất một phần bộ não, hoặc bị ung thư, hoặc có lẽ tôi đã chết. Nếu tôi phụ thuộc vào họ để cảm thấy chắc chắn, sự việc sẽ càng thê thảm hơn. Thay vào đó, tôi tìm thấy sự đảm bảo từ bên trong bản thân mình, mặc dù hoàn cảnh bên ngoài của tôi không thay đổi gì cả.
Tôi có thể chết vào ngày mai vì khối u não hay không? Có thể. Tôi cũng có thể bị một chiếc xe tải tông khi đang băng qua đường. Tuy nhiên, tôi không sống trong nỗi sợ về những gì sẽ xảy ra. Tôi dập tắt nỗi sợ đó. Bạn cũng có thể trở nên không dễ dao động, nhưng đây là một món quà chỉ có bạn mới có thể dành tặng chính mình. Khi nói đến các lĩnh vực quan trọng nhất trong cuộc sống như gia đình, đức tin, sức khỏe và tiền bạc, bạn không thể dựa vào bất kỳ ai khác để nói cho bạn biết phải làm gì. Thật tuyệt khi nhận được sự hướng dẫn từ các chuyên gia, nhưng bạn không thể thuê người ngoài để đưa ra quyết định cuối cùng thay bạn. Bạn không thể để người khác kiểm soát số phận của bạn, bất kể họ có thể tài giỏi hay chân thành đến mức nào.
Tại sao tôi lại kể cho bạn câu chuyện về sự sống và cái chết trong một quyển sách về tiền bạc và đầu tư? Bởi vì điều quan trọng là bạn phải hiểu trong cuộc sống của chúng ta không bao giờ tồn tại sự chắc chắn hay đảm bảo tuyệt đối. Nếu muốn chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ thua lỗ trên thị trường tài chính, bạn có thể giữ tiền tiết kiệm của mình dưới dạng tiền mặt - nhưng bạn sẽ không bao giờ có cơ hội đạt được tự do tài chính. Như Warren Buffett nói: “Chúng ta phải trả giá đắt để đổi lấy sự chắc chắn”.
Mặc dù vậy, nhiều người muốn tránh rủi ro tài chính vì sự không chắc chắn khiến họ bất an. Năm 2008, thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm 37% (tính từ đỉnh đến đáy là hơn 50%). Năm năm sau, một cuộc khảo sát của Prudential Financial cho thấy 44% người Mỹ thề không bao giờ đầu tư vào cổ phiếu một lần nữa vì họ quá đau đớn với ký ức về cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ.
Vào năm 2015, một cuộc khảo sát khác phát hiện ra rằng gần 60% thế hệ Thiên niên kỷ không tin vào thị trường tài chính vì đã trải qua đau thương trong giai đoạn sụp đổ chứng khoán năm 2008-2009. Theo Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng của tập đoàn State Street, nhiều người thuộc thế hệ Thiên niên kỷ thích giữ 40% tiền tiết kiệm của họ dưới dạng tiền mặt!
Tôi rất tiếc khi thấy rất nhiều người thuộc thế hệ Thiên niên kỷ không đầu tư. Để tôi nói cho bạn lý do: nếu cứ sống trong sợ hãi, bạn đã thua cuộc trước cả khi bắt đầu. Làm sao bạn có thể đạt được thành tựu gì khi sợ hãi tới mức không dám chấp nhận rủi ro? Như Shakespeare đã viết từ bốn thế kỷ trước: “Những kẻ hèn nhát chết nhiều lần trước khi họ chết thật; người anh hùng chỉ chết một lần duy nhất”.
Tôi cũng cần nói rõ điều này: tôi không khuyên bạn mạo hiểm một cách không suy nghĩ! Như tôi đã chia sẻ trong câu chuyện về sức khỏe của mình, tôi đã gặp nhiều chuyên gia, tìm hiểu tất cả các lựa chọn và để thực tế dẫn dắt chứ không phải cảm xúc hay ý kiến của ai khác, dù họ là chuyên gia trong ngành. Sau khi đã cân nhắc với đầy đủ thông tin, tôi mới đưa ra một quyết định có xác suất thắng cao nhất. Quá trình này cho phép tôi đi từ sự không chắc chắn đến sự chắc chắn không gì lay chuyển được.
Trong việc đầu tư cũng thế. Bạn không bao giờ biết thị trường sẽ biến động như thế nào. Nhưng sự không chắc chắn đó không phải là cái cớ để bạn không hành động. Bạn có thể kiểm soát bằng cách tự giáo dục bản thân, nghiên cứu các mô hình dài hạn của thị trường, mô phỏng kinh nghiệm của các nhà đầu tư xuất sắc nhất và đưa ra những quyết định hợp lý dựa trên sự hiểu biết về những yếu tố tạo ra tính hiệu quả của những quyết định đó trong nhiều thập niên qua. Warren Buffett thường nói: “Rủi ro đến từ việc bạn không biết mình đang làm gì”.
Nhưng có một điều chúng ta biết chắc, đó là trong tương lai sẽ có nhiều lần thị trường sụp đổ, giống nó như đã từng xảy ra trong quá khứ. Nhưng có hợp lý không khi chúng ta không dám làm gì vì có rủi ro bị tổn thương? Hãy tin tôi, tôi cũng từng cảm thấy không dễ dàng gì tại thời điểm bác sĩ phát hiện ra tôi bị u não. Nhưng tôi đã sống trọn vẹn trong 25 năm qua nhờ học được cách vượt qua nỗi sợ. Có phải như vậy nghĩa là tôi không có nỗi sợ? Không phải! Nó có nghĩa là bớt sợ hãi. Lần tới, khi thị trường giá xuống xuất hiện và trong khi các nhà đầu tư khác bị nhấn chìm trong nỗi sợ, tôi muốn bạn có kiến thức và sự mạnh mẽ để bớt e dè. Tinh thần sẵn sàng vượt qua nỗi sợ khi đối mặt với sự không chắc chắn sẽ mang lại cho bạn những phần thưởng tài chính vô cùng xứng đáng.
Trên thực tế, trong khi những người khác sống trong nỗi kinh hoàng của thị trường giá xuống, bạn sẽ khám phá ra đây là cơ hội lớn nhất và độc nhất vô nhị để gây dựng gia tài của cuộc đời của mình. Tại sao? Vì đó là lúc người ta đang bán hạ giá mọi thứ! Hãy tưởng tượng bạn luôn khao khát sở hữu một chiếc Ferrari và bây giờ bạn phát hiện mình có thể mua một chiếc với giá chỉ bằng một nửa so với lúc bình thường. Bạn có thất vọng không? Không đời nào! Thế nhưng khi thị trường chứng khoán sụt giá, hầu hết mọi người đều phản ứng như thể đó là một thảm họa! Bạn cần phải hiểu rằng thị trường giá xuống xuất hiện là để làm lợi cho bạn. Vì thế, nếu bạn giữ được bình tĩnh, nó thật sự sẽ đẩy nhanh hành trình đến tự do tài chính của bạn. Thật ra, nếu có nội tâm vững vàng, bạn sẽ phấn khích khi nhìn thấy thị trường lao dốc.
Bây giờ tôi sẽ nhường sân khấu cho người bạn kiêm đối tác của tôi, Peter Mallouk, người sẽ giải thích cách anh ấy và Creative Planning vượt qua thị trường giá xuống vào giai đoạn 2008-2009, một thị trường giá xuống lớn nhất và mới đây nhất. Peter không thích khoe khoang về thành tích phi thường của mình. Nhưng để tôi nói cho các bạn biết, anh ấy xử lý khủng hoảng điêu luyện đến mức tài sản mà công ty anh ấy quản lý đã tăng từ 500 triệu đô-la từ năm 2008 lên hơn 1,8 tỷ đô-la vào năm 2010 - hầu như không sử dụng bất kỳ hình thức quảng cáo hoặc tiếp thị nào - và hiện anh đang hướng tới con số 22 tỷ đô-la. Ngoài ra, Creative Planning là công ty duy nhất từng được Barron’s đánh giá là công ty tư vấn tài chính độc lập hàng đầu trong ba năm liên tiếp.
Peter sẽ chỉ cho bạn cách chuẩn bị và kiếm lợi nhuận từ thị trường giá xuống. Anh ấy sẽ giải thích tất cả bắt đầu từ việc xây dựng một danh mục đầu tư đa dạng có thể phát triển thịnh vượng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Anh ấy sẽ cho bạn lời khuyên vô giá về nghệ thuật phân bổ tài sản. Được trang bị những kiến thức này, bạn sẽ không có gì phải sợ hãi trước những chao đảo của thị trường. Trong khi những người khác trốn chạy, bạn sẽ đứng thật vững vàng và hạ gục thị trường giá xuống!
CHUẨN BỊ ĐỂ ĐỐI MẶT VỚI THỊ TRƯỜNG GIÁ XUỐNG
Peter Mallouk
“Một quy tắc đơn giản trong việc mua bán chứng khoán: hãy sợ hãi khi người khác tham lam và hãy tham lam khi người khác sợ hãi. Và điều hiển nhiên nhất là giờ đây nỗi sợ hãi đang lan rộng.”
- WARREN BUFFETT phát biểu vào tháng 10/2008, giải thích tại sao ông ấy lại mua cổ phiếu khi thị trường lao dốc
Mắt bão
Vào ngày 29 tháng Chín năm 2008, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm đến 777 điểm. Đây là mức giảm trong một ngày lớn nhất lịch sử, làm 1,2 ngàn tỷ đô-la tài sản tan biến trong tích tắc. Cùng ngày hôm đó, chỉ số VIX41, một thước đo nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư, đã đạt mức cao nhất trong lịch sử. Đến ngày 5 tháng Ba năm 2009, thị trường đã sụt giảm hơn 50%, bị tàn phá nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái.
41 Chỉ số VIX hay Chỉ số Biến động Cboe là chỉ số thời gian thực thể hiện kỳ vọng của thị trường đối với sức mạnh tương đối của những thay đổi giá trong thời gian ngắn của chỉ số S&P 500 (SPX). Bởi vì VIX được tính ra từ các giá trị của chỉ số SPX gần nhất, VIX có tính dự đoán biến động của thị trường trong 30 ngày tiếp theo. Sự biến động, hoặc mức độ thay đổi nhanh chóng của giá cả, thường được coi là cách để đánh giá tâm lý thị trường, đặc biệt là mức độ sợ hãi của những người tham gia thị trường.
Đó là một cơn bão tài chính vô cùng điển hình. Các ngân hàng sụp đổ. Các quỹ tăng trưởng cao sụp đổ. Một số nhà đầu tư nổi tiếng nhất Wall Street phải chứng kiến danh tiếng của mình tiêu tan. Thế nhưng đối với tôi, quãng thời gian đầy biến động đó là một trong những vệt sáng nổi bật trong sự nghiệp của mình - giai đoạn mà Creative Planning chuyên tâm hướng dẫn khách hàng đến nơi an toàn, đặt họ vào những vị thế sao cho họ không chỉ sống sót sau cơn khủng hoảng mà còn được hưởng lợi rất nhiều từ sự phục hồi sau đó.
Tony đề nghị tôi chia sẻ câu chuyện này với các bạn vì nó minh họa cho bài học trọng tâm của quyển sách này: thị trường giá xuống là thời điểm tốt nhất hoặc tệ nhất, tùy vào quyết định của bạn. Nếu bạn đưa ra quyết định sai, như hầu hết mọi người đã làm trong năm 2008 và 2009, đó có thể là một thảm họa tài chính khiến bạn bị thụt lùi nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập niên. Nhưng nếu bạn đưa ra quyết định đúng, như công ty và khách hàng của chúng tôi đã làm, thì bạn không có gì phải sợ hãi. Bạn thậm chí còn học được cách chào đón các thị trường giá xuống vì những cơ hội mà chúng tạo ra cho những tay săn hàng giá hời.
Vậy con tàu của chúng tôi đã vượt qua cơn bão như thế nào trong khi nhiều chiếc tàu khác bị chìm sâu xuống đáy biển? Trước hết, con tàu của chúng tôi được trang bị tốt hơn! Rất lâu trước khi có biến động thị trường, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng với tâm lý bầu trời không bao giờ trong xanh mãi, bão tố là điều không thể tránh khỏi. Không ai trong chúng ta biết khi nào thị trường giá xuống sẽ đến, nó tồi tệ đến mức nào hoặc sẽ kéo dài bao lâu. Nhưng như bạn đã đọc trong Chương 2, thị trường giá xuống xảy ra trung bình mỗi ba năm một lần trong 115 năm qua. Đó không phải là lý do để trốn tránh trong nỗi kinh hoàng, mà là lý do để đảm bảo con tàu của bạn an toàn và có thể vượt trùng khơi, bất kể điều kiện thời tiết như thế nào.
Như chúng ta sẽ thảo luận chi tiết trong chương này, có hai cách chủ yếu để chuẩn bị cho sự hỗn loạn của thị trường. Thứ nhất, bạn cần phân bổ tài sản hợp lý - một thuật ngữ nói về tỷ lệ các loại tài sản trong danh mục đầu tư của bạn, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản và các khoản đầu tư khác. Thứ hai, bạn cần tự định vị một cách thận trọng (với một phần thu nhập dự phòng riêng cho những ngày dông bão) để không bị buộc phải bán tháo khi giá cổ phiếu đang xuống thấp. Sự cân đối tài chính đó có tác dụng tương đương với việc bạn được trang bị dây an toàn, phao cứu sinh và lương thực đầy đủ trước khi giương buồm ra khơi. Theo nhận định của tôi, 90% cơ hội sống sót qua thị trường giá xuống là nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Vậy 10% còn lại là gì? Đó chính là cách bạn phản ứng về mặt cảm xúc khi đang ở giữa cơn bão. Nhiều người tin rằng họ sẽ có một trái tim lạnh và một cái đầu nóng giữa dông bão. Nhưng có thể bạn đã tự mình trải nghiệm điều này rồi: tâm lý chúng ta sẽ cực kỳ căng thẳng khi thị trường sụp đổ và sự hoảng loạn lan rộng. Đó là lý do bạn cần đồng hành với một chuyên gia tư vấn tài chính giàu kinh nghiệm chinh chiến. Họ mang lại cho bạn sự ổn định về cảm xúc, giúp bạn giữ bình tĩnh để không bị dao động vào thời điểm tồi tệ nhất và nhảy thẳng từ mạn tàu xuống biển giữa cơn dông gió!
Một lợi thế mà khách hàng của chúng tôi có là chúng tôi đã dành nhiều thời gian hướng dẫn họ trước, để họ không bị sốc khi thị trường biến động. Họ hiểu tại sao họ sở hữu những gì họ mua và biết rõ những khoản đầu tư này sẽ ra sao khi thị trường đổ vỡ. Chuyện này giống như việc được bác sĩ cảnh báo rằng một loại thuốc mà bạn sắp dùng có thể gây chóng mặt và buồn nôn; bạn không vui khi rủi ro này trở thành sự thật, nhưng bạn sẽ ứng phó tốt hơn nhiều so với khi không được báo trước!
Mặc dù vậy, một số khách hàng cần được trấn an rất nhiều. Họ không ngừng hỏi: “Chẳng phải đây là lúc chúng ta nên bán hết cổ phiếu và chuyển sang cầm tiền mặt hay sao? Lần sụp đổ này khác những lần trước mà đúng không?”. Điều này làm tôi nhớ tới nhận định nổi tiếng của Sir John Templeton: “Bốn từ đắt giá nhất trong đầu tư là lần này sẽ khác”. Ở giữa một thị trường suy thoái, người ta luôn nghĩ lần này sẽ khác! Bị dập tả tơi bởi đủ loại tin xấu trên các phương tiện truyền thông mỗi ngày, họ bắt đầu tự hỏi liệu thị trường có bao giờ phục hồi hay không - hay là thứ gì đó đã hỏng tới mức không thể sửa chữa được nữa.
James không bao giờ rời khỏi chiếc giường của mình vì anh không thấy gì ngoài những hiểm họa trong thế giới tài chính.
Tôi liên tục nhắc nhở khách hàng của mình rằng mọi thị trường giá xuống trong lịch sử Mỹ cuối cùng đều tăng giá trở lại, bất kể tin tức có ảm đạm như thế nào vào thời điểm đó. Hãy nhớ lại đủ loại tai họa và khủng hoảng của thế kỷ 20: đại dịch cúm năm 1918 giết chết 50 triệu người trên toàn cầu; sự sụp đổ của Wall Street năm 1929, tiếp theo là Đại suy thoái; hai cuộc chiến tranh thế giới; nhiều cuộc xung đột đẫm máu khác, từ Chiến tranh Việt Nam đến Cuộc chiến Vùng Vịnh; vụ bê bối Watergate dẫn đến việc Tổng thống Nixon từ chức; vô số đợt suy thoái kinh tế và các cơn hoảng loạn thị trường... Vậy giá thị trường chứng khoán trong thế kỷ hỗn loạn đó đã diễn biến như thế nào? Trong giai đoạn đó, chỉ số Dow Jones đã tăng từ 66 lên 11.497 điểm.
Đây là một bài học được đúc kết từ hơn một thế kỷ lịch sử đầu tư và bạn cần ghi nhớ: thị trường ngắn hạn có thể trông rất ảm đạm, nhưng về dài hạn thì thị trường luôn phục hồi. Tại sao bạn lại đánh cược ngược lại mô hình hồi phục lâu dài này? Góc nhìn được minh chứng qua lịch sử này mang lại cho tôi sự yên tâm không gì có thể lay chuyển được và tôi hy vọng nó sẽ giúp bạn tập trung vào phần thưởng của mình, bất chấp những đợt điều chỉnh giá và sự lao dốc mà chúng ta gặp phải trong những năm tới hay nhiều thập niên tới.
Các nhà đầu tư giỏi nhất đều biết cảnh ảm đạm không bao giờ kéo dài. Ví dụ, Templeton đã kiếm được khối tài sản đầu tiên của mình bằng cách đầu tư vào các cổ phiếu Mỹ giá rẻ như bèo trong những ngày đen tối của Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Về sau, ông ấy giải thích rằng mình thích đầu tư vào những “thời điểm bi quan nhất” khi những món hời được tìm thấy ở khắp mọi nơi. Tương tự, Warren Buffett đã đầu tư mạnh mẽ vào năm 1974 khi thị trường sụp đổ bởi lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập và vụ Watergate. Trong khi những người khác chìm trong tuyệt vọng, ông ấy rất lạc quan chia sẻ với Forbes: “Bây giờ là lúc để đầu tư và làm giàu”.
Về mặt tâm lý, không dễ mua cổ phiếu khi sự bi quan đang hiện diện rộng khắp. Nhưng phần thưởng thường đến nhanh một cách ngoạn mục. S&P 500 chạm đáy vào tháng Mười năm 1974 và sau đó tăng 38% trong 12 tháng tiếp theo. Vào tháng Tám năm 1982, với mức lạm phát ngoài tầm kiểm soát và lãi suất ở mức gần 20%, S&P 500 chạm đáy một lần nữa - nhưng tăng vọt 59% trong 12 tháng tiếp theo. Bạn có thể tưởng tượng các nhà đầu tư cảm thấy như thế nào nếu họ hoảng loạn và bán tháo trong giai đoạn thị trường giá xuống đó không? Họ không chỉ mắc sai lầm tai hại khi cắt lỗ mà còn bỏ lỡ những cơ hội tăng mạnh khi thị trường hồi sinh. Đó là cái giá của nỗi sợ hãi.
Khi thị trường giá xuống kéo đến một lần nữa vào năm 2008, tôi quyết tận dụng tối đa cơ hội này. Tôi không biết khi nào thị trường sẽ phục hồi, nhưng tôi chắc chắn nó sẽ phục hồi. Ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, tôi đã viết cho khách hàng của chúng tôi như sau: “Đơn giản là chưa từng có tiền lệ nào trong lịch sử về mức định giá thấp như thế này… Chỉ có hai kết cục khả dĩ cho câu chuyện này: sự kết thúc của nước Mỹ mà chúng ta luôn biết, hoặc sự hồi phục của thị trường. Và lần nào các nhà đầu tư đặt cược vào vế đầu thì họ cũng đều thua”.
Trong suốt thời gian thị trường sụp đổ, chúng tôi tiếp tục thay mặt khách hàng đầu tư mạnh vào thị trường chứng khoán. Chúng tôi đã thu được lợi nhuận từ các loại tài sản mạnh như trái phiếu và đầu tư lại số tiền thu được vào các loại tài sản yếu hơn như cổ phiếu có mức vốn hóa nhỏ42 và cổ phiếu vốn hóa lớn43, cổ phiếu quốc tế và cổ phiếu các thị trường mới nổi. Thay vì đặt cược vào các công ty riêng lẻ, chúng tôi mua quỹ chỉ số và nhờ vậy, chúng tôi ngay lập tức đa dạng hóa được danh mục đầu tư (với chi phí thấp) trong phạm vi những thị trường được định giá quá thấp này.
42 Tại Hoa Kỳ, đó là các công ty có mức vốn hóa nhỏ, từ 300 triệu - 2 tỷ đô-la Mỹ, được niêm yết công khai trên các thị trường chứng khoán.
43 Các công ty có mức vốn hóa lớn, thường hơn 10 tỷ đô-la Mỹ, được niêm yết công khai trên các thị trường chứng khoán.
Chuyện này có hiệu quả ra sao? Sau khi chạm đáy vào tháng Ba năm 2009, S&P 500 đã tăng 69,5% chỉ trong vòng 12 tháng. Trong 5 năm, chỉ số này đã tăng 178%, minh chứng cho niềm tin của chúng tôi rằng thị trường giá xuống là món quà cuối cùng dành cho các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn. Khi tôi đang viết những dòng này, thị trường đã tăng 266% kể từ mức thấp nhất vào năm 2009.
Như bạn có thể tưởng tượng, khách hàng của chúng tôi đã vô cùng phấn khích. Tôi tự hào khi nói rằng họ đã rất vững vàng vượt qua cơn bão và gần như không ai “bỏ tàu”. Kết quả là họ đã thu lợi rất lớn khi thị trường phục hồi sau đó. Theo tôi nhớ thì chỉ có hai khách hàng bỏ cuộc. Một trong hai người đến với chúng tôi ngay trước khi khủng hoảng xảy ra với một danh mục đầu tư toàn là bất động sản. Chúng tôi đã giúp anh ấy đa dạng hóa và giữ lại được một khoản kha khá khi thị trường bất động sản sụp đổ. Nhưng anh ấy đã không thể đương đầu với sự điên loạn của thị trường chứng khoán. Anh ấy hoảng loạn và chuyển toàn bộ tài sản thành tiền mặt.
Tôi gọi cho anh ấy một năm sau đó để xem tình hình anh ấy thế nào. Đến lúc đó, thị trường đã tăng đột biến, nhưng anh ấy vẫn giữ tiền mặt và đứng bên lề cuộc chơi - anh ấy quá lo lắng nên không thể ra quyết định đầu tư. Tôi chỉ biết là anh ấy vẫn đang chờ đợi và đã bỏ lỡ toàn bộ thị trường giá lên trong bảy năm qua. Như Tony đã nói, bạn phải trả một cái giá khá đắt cho sự chắc chắn.
Còn đối với vị khách hàng thứ hai rời khỏi Creative Planning trong thời gian đó, lý do là vì ông ấy quá kinh hãi bởi hàng loạt tin tức báo động trên các phương tiện truyền thông. Ông nghe một chuyên gia tuyên bố rằng thị trường sẽ sụt giảm 90% hoặc đồng đô-la sẽ sụp đổ, hoặc nước Mỹ sẽ tuyên bố phá sản. Những cảnh báo này khiến ông ấy hoảng sợ. Tồi tệ hơn nữa, con gái của ông đã bồi thêm vào nỗi sợ hãi này. Cô ấy làm việc cho Goldman Sachs, nơi có những đồng nghiệp tài năng. Một đồng nghiệp thuyết phục cô ấy rằng hệ thống tài chính sẽ sụp đổ và vàng là lựa chọn an toàn duy nhất. Ông ấy đã nghe lời con gái, rút tiền mặt từ cổ phiếu tại thời điểm tồi tệ nhất và bị lỗ một khoản lớn. Khi tôi nói chuyện với ông ấy vài tháng sau đó, giá cổ phiếu đã tăng chóng mặt, nhưng ông ấy sợ rằng đã quá muộn để trở lại đường đua. Ông ấy hoàn toàn rời khỏi cuộc chơi.
Tôi cũng không vui khi kể lại chuyện này, nhưng cả hai vị khách hàng cũ của chúng tôi đều phải chịu thiệt hại tài chính vĩnh viễn vì những quyết định vội vã của họ khi đối mặt với thị trường giá xuống. Nguyên nhân? Cảm xúc của họ đã lấn át lý trí. Ở phần tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét cách tránh một số tâm lý sai lầm phổ biến nhất khiến các nhà đầu tư vấp ngã. Nhưng trước tiên, hãy tập trung vào chủ đề không kém phần quan trọng này: chuẩn bị sẵn sàng đón nhận thị trường giá xuống kế tiếp bằng cách xây dựng một danh mục đầu tư đa dạng có thể giảm rủi ro và nâng cao lợi nhuận cho bạn. Điều này sẽ giúp bạn tạo ra sự giàu có ngày càng tăng trong bất kỳ môi trường nào và giúp bạn ngon giấc hằng đêm!
Công thức thành công
Harry Markowitz, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, có một tuyên bố nổi tiếng rằng đa dạng hóa là “bữa ăn miễn phí duy nhất” trong đầu tư. Nếu vậy, nguyên liệu tạo nên bữa ăn đó là gì? Chúng ta sẽ điểm qua những thành phần đó ngay bây giờ bằng cách xem xét cổ phiếu, trái phiếu và các khoản đầu tư có thể thay thế. Sau đó, chúng ta sẽ thảo luận về cách kết hợp những thứ này với nhau để tạo ra một danh mục đầu tư đa dạng. Nhưng trước khi đạt được điều đó, chúng ta cần phải làm rõ tại sao một danh mục đầu tư nên bao gồm nhiều loại tài sản.
Hãy bắt đầu bằng một thí nghiệm đơn giản về tư duy con người. Hãy tưởng tượng tôi có một nhóm khách tại nhà. Tôi cược họ mỗi người một đô-la nếu dám băng qua bên kia đường. Thời ấy, tôi đang sống trên một con đường ngoại ô yên tĩnh ít xe cộ qua lại. Vì vậy, đề nghị của tôi nghe có vẻ rất dễ thực hiện. Nhưng giả sử tôi lặp lại lời đề nghị và lần này tôi cho họ hai lựa chọn: hoặc họ băng qua đường trước nhà tôi với giá một đô-la, hoặc họ băng qua đường cao tốc bốn làn xe cũng với giá một đô-la. Sẽ không có ai đồng ý băng qua đường cao tốc đúng không?
Nhưng nếu tôi đặt giải thưởng 1.000 đô-la hoặc 10.000 đô-la thì sao? Một lúc nào đó, tôi sẽ đạt đến một con số đủ hấp dẫn để lôi kéo ai đó băng qua đường cao tốc!
Những gì tôi vừa minh họa là mối quan hệ giữa rủi ro và phần thưởng. Trong cả hai trường hợp, khách hàng đều có nguy cơ bị thương - và khi nguy cơ đó tăng lên, phần thưởng phải tăng lên tương xứng để được xem là một thỏa thuận công bằng. Phần thưởng thêm vào mà bạn nhận được khi chấp nhận rủi ro bổ sung đó được gọi là phần bù rủi ro. Khi các chuyên gia xác định tỷ lệ phân bổ tài sản của bạn, họ sẽ đánh giá phần bù rủi ro cho mỗi tài sản. Tài sản càng rủi ro thì tỷ suất sinh lợi càng lớn.
Trong vai trò một cố vấn tài chính, tôi xây dựng danh mục đầu tư của khách hàng bằng cách kết hợp các lớp tài sản, mỗi lớp có các đặc điểm rủi ro khác nhau và tỷ suất sinh lợi khác nhau. Mục tiêu là gì? Đó là để đạt được lợi nhuận bạn muốn trong sự cân bằng với mức độ rủi ro mà bạn có thể thoải mái chấp nhận. Vẻ đẹp của sự đa dạng hóa là nó cho phép bạn đạt được lợi nhuận cao hơn mà không cần đối mặt với quá nhiều rủi ro. Tại sao lại như vậy? Bởi vì các loại tài sản khác nhau thường không chuyển biến theo cùng một nhịp. Năm 2008, S&P 500 giảm 38% trong khi trái phiếu đầu tư tăng 24%44. Nếu bạn sở hữu cổ phiếu và trái phiếu, bạn sẽ có ít rủi ro hơn - và đạt được lợi nhuận tốt hơn - so với chỉ sở hữu cổ phiếu.
44 Theo Báo cáo 2008 của Bloomberg Barclays US Aggregate Bond Index.
Bây giờ, hãy xem xét các lớp tài sản chính mà chúng ta có thể kết hợp lại với nhau để giúp bạn đến được miền đất hứa!
Cổ phiếu
Khi mua một cổ phiếu, bạn không mua một tờ vé số. Bạn đang trở thành chủ sở hữu một phần của một doanh nghiệp đang hoạt động. Giá trị cổ phiếu của bạn sẽ tăng lên hoặc giảm xuống dựa trên vận may của công ty. Nhiều cổ phiếu cũng trả cổ tức, tức là khoản lợi nhuận được chia hằng quý cho các cổ đông. Bằng cách đầu tư vào cổ phiếu, bạn đang chuyển từ việc làm người tiêu dùng sang làm người sở hữu. Nếu mua iPhone, bạn là người tiêu dùng các sản phẩm của Apple; nếu mua cổ phiếu của Apple, bạn là một trong những chủ sở hữu của tập đoàn đó - và bạn có quyền hưởng phần trăm trên thu nhập tương lai của nó.
Bạn có thể kỳ vọng thu được gì với tư cách là một nhà đầu tư cổ phiếu? Đó là chuyện không thể dự đoán được, nhưng chúng ta có thể xem những gì đã xảy ra trong quá khứ như một hướng dẫn (rất) sơ bộ. Trong lịch sử, thị trường chứng khoán mang lại lợi tức trung bình từ 9% đến 10% một năm trong hơn một thế kỷ. Nhưng những con số này rất giả tạo vì giá cổ phiếu có thể biến động dữ dội. Không có gì lạ khi thị trường giảm 20% đến 50% sau mỗi vài năm. Trung bình, thị trường sẽ tụt giá mỗi bốn năm một lần. Bạn cần nhận ra thực tế này để không bị sốc khi giá chứng khoán bổ nhào - và nhờ vậy bạn sẽ tránh được rủi ro quá mức. Đồng thời, bạn cũng cần nhớ là trong mỗi bốn năm thì có ba năm thị trường tạo thu nhập tốt.
Trong ngắn hạn, thị trường rất khó đoán, mặc cho những tuyên bố của các “chuyên gia”, những người ra vẻ biết chuyện gì đang xảy ra! Vào tháng Một năm 2016, chỉ số S&P 500 bất ngờ giảm 11%, sau đó nó làm một cú đảo chiều ngoạn mục và tăng vọt một cách bất ngờ hệt như lúc nó giảm.
Tại sao? Howard Marks, một trong những nhà đầu tư được nể trọng nhất của Mỹ, đã thẳng thắn chia sẻ với Tony: “Không có lý do nào hoàn toàn phù hợp để giải thích tại sao S&P 500 suy giảm như vậy. Tương tự, cũng không có lý do nào phù hợp để giải thích cho sự hồi phục của nó”.
Nhưng trong dài hạn, không thước đo nào phản ánh sự tăng trưởng kinh tế tốt hơn thị trường chứng khoán. Theo thời gian, nền kinh tế và dân số phát triển, người lao động làm việc với năng suất cao hơn. “Cơn triều dâng” này của nền kinh tế làm cho doanh nghiệp đạt lợi nhuận nhiều hơn, và đó là động lực làm cổ phiếu tăng giá. Điều này lý giải tại sao thị trường tăng vọt trong suốt thế kỷ 20 bất chấp các cuộc chiến tranh, suy thoái và khủng hoảng. Bây giờ bạn có thấy tại sao chúng ta nên đầu tư dài hạn vào thị trường chứng khoán hay chưa?
Không ai hiểu điều này hơn Warren Buffett. Vào tháng Mười năm 2008, ông đã viết một bài báo cho tờ New York Times để khuyến khích mọi người mua cổ phiếu Mỹ vì chúng đang giảm giá, cho dù thị trường khi đó đang là “một mớ hỗn độn” và “các tiêu đề báo chí sẽ vẫn rất đáng sợ”. Ông ấy viết: “Hãy nhớ lại giai đoạn Chiến tranh thế giới lần thứ hai mới bùng nổ, khi mọi thứ trở nên tồi tệ với Mỹ tại chiến trường châu Âu và Thái Bình Dương. Thị trường chạm đáy vào tháng Tư năm 1942, ngay trước khi thời cơ đến với quân Đồng minh. Một lần nữa, vào đầu những năm 1980, thời điểm để mua chứng khoán là khi lạm phát hoành hành và nền kinh tế suy thoái thảm hại. Nói ngắn gọn, các tin tức xấu là bạn tốt nhất của nhà đầu tư. Nó giúp nhà đầu tư có thể mua một phần tương lai của nước Mỹ với mức giá hời. Xét trong dài hạn, thị trường chứng khoán sẽ mang lại những tin tức tốt lành”.
Tôi đề nghị bạn ghi nhớ dòng này: “Xét trong dài hạn, thị trường chứng khoán sẽ mang lại những tin tức tốt lành”. Nếu bạn thật sự hiểu điều này, nó sẽ giúp bạn kiên nhẫn, không dao động và cuối cùng sẽ trở nên giàu có.
Vậy cổ phiếu phù hợp với danh mục đầu tư của bạn như thế nào? Nếu bạn tin nền kinh tế và các doanh nghiệp sẽ hoạt động tốt hơn trong 10 năm tới, vậy thì sẽ hợp lý nếu bạn phân bổ một phần lớn trong danh mục đầu tư của mình vào thị trường chứng khoán. Xét trong giai đoạn 10 năm, thị trường chứng khoán hầu như luôn tăng. Tuy nhiên, không ai có thể chắc chắn 100% điều đó. Một nghiên cứu của công ty quản lý tài sản BlackRock cho thấy thị trường trung bình giảm 1% mỗi năm từ năm 1929 đến năm 1938. Tin tốt là gì? BlackRock lưu ý rằng chuỗi 10 năm thua lỗ này được theo sau bởi hai khoảng thời gian 10 năm liên tiếp tăng mạnh khi thị trường liên tục có đồ thị đi lên.
Tất nhiên, thử thách ở đây là liệu bạn có thể trụ lại thị trường đủ lâu để hưởng lợi từ nó hay không. Chắc chắn bạn sẽ muốn tránh bị buộc phải bán tháo trong một thị trường giá xuống kéo dài. Làm sao để tránh được kết cục không mong muốn đó? Trước tiên, đừng chi tiêu quá mức thu nhập hoặc gánh quá nhiều nợ, vì cả hai tình huống đó đều đặt bạn vào vị trí dễ bị tổn hại. Hãy cố gắng giữ một vùng đệm tài chính để bạn không bao giờ phải huy động tiền mặt bằng cách bán tháo cổ phiếu khi thị trường đang lao dốc. Một cách để xây dựng và duy trì lớp đệm đó là đầu tư vào trái phiếu.
Trái phiếu
Khi mua trái phiếu, bạn đang cho chính phủ, công ty hoặc một pháp nhân nào đó vay tiền. Ngành dịch vụ tài chính thích làm cho chuyện này có vẻ phức tạp, nhưng thật ra nó khá đơn giản. Trái phiếu là các khoản cho vay. Khi bạn cho chính phủ vay tiền, đó gọi là trái phiếu kho bạc. Khi bạn cho một thành phố hoặc tiểu bang vay tiền, đó gọi là trái phiếu đô thị. Khi bạn cho một công ty như Microsoft vay tiền, đó gọi là trái phiếu doanh nghiệp. Khi bạn cho một công ty có mức độ đáng tin cậy kém hơn vay tiền và họ phải trả lãi suất cao hơn để thu hút các nhà đầu tư, đó gọi là trái phiếu lợi tức cao, cũng còn được gọi là trái phiếu rủi ro cao. Có vậy thôi! Bạn vừa hoàn thành khóa học căn bản về trái phiếu rồi đấy!
Bạn có thể kiếm được bao nhiêu khi là người cho vay? Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu cho chính phủ của đất nước có nền kinh tế phát triển ổn định vay tiền, bạn thường không kiếm được lợi nhuận cao vì có rất ít rủi ro. Nếu bạn cho chính phủ Venezuela hay Zimbabwe (nơi tỷ lệ lạm phát có thể lên tới 700% trong năm nay) vay tiền, mức độ rủi ro sẽ cao hơn nhiều nên lãi suất cũng cần phải cao hơn. Một lần nữa, tất cả đều là sự đánh đổi giữa rủi ro và phần thưởng. Chính phủ Mỹ có thể đang yêu cầu bạn băng qua một con đường nông thôn vắng bóng xe cộ trong một ngày nắng ấm; chính phủ Venezuela thì đề nghị bạn bịt mắt vượt qua một con đường đông nghẹt xe cộ vào một đêm dông bão.
Xác suất một công ty phá sản và mất khả năng chi trả cho các trái chủ cao hơn xác suất chính phủ Mỹ vỡ nợ. Vì vậy, để bán được trái phiếu, các công ty phải đưa ra tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Tương tự, một công ty công nghệ non trẻ muốn vay tiền phải trả lãi cao hơn các tên tuổi khổng lồ như Microsoft.
Một yếu tố quan trọng khác là thời hạn của khoản vay. Chính phủ Mỹ hiện đang trả mức lãi khoảng 1,8% một năm cho trái phiếu có thời hạn 10 năm. Nếu bạn cho chính phủ vay trong 30 năm, bạn sẽ kiếm được khoảng 2,4% một năm. Lý do đơn giản khiến bạn nhận được mức lãi suất cao hơn khi cho vay với thời hạn dài hơn nằm ở chỗ bạn phải chịu rủi ro lớn hơn.
Tại sao người ta muốn sở hữu trái phiếu? Trái phiếu là sự khởi đầu an toàn hơn nhiều so với cổ phiếu. Đó là bởi vì người vay bắt buộc phải trả nợ cho bạn theo lãi suất đã hứa. Nếu bạn giữ trái phiếu đến ngày đáo hạn, bạn sẽ nhận lại toàn bộ vốn gốc cộng với lãi - trừ khi công ty phát hành trái phiếu phá sản. Xét dưới góc độ một lớp tài sản, trái phiếu có 85% khả năng mang lại cho bạn mức lợi nhuận tích cực mỗi năm.
Vậy trái phiếu có ý nghĩa gì trong danh mục đầu tư của bạn? Các nhà đầu tư bảo thủ, những người đã nghỉ hưu hoặc không thể chịu đựng được sự biến động của cổ phiếu có thể chọn đầu tư một phần đáng kể tài sản của họ vào trái phiếu. Các nhà đầu tư ít bảo thủ hơn có thể đặt một phần nhỏ tài sản của họ vào trái phiếu chất lượng cao để đáp ứng bất kỳ nhu cầu tài chính nào có thể phát sinh trong vòng hai đến bảy năm tới. Các nhà đầu tư mạnh mẽ hơn có thể giữ một phần tiền của họ trong trái phiếu làm nguồn “dự trữ” mà họ có thể sử dụng khi thị trường chứng khoán tiếp tục xuống giá. Đây chính xác là những gì Creative Planning đã làm trong cuộc khủng hoảng tài chính gần nhất: chúng tôi đã bán một số trái phiếu của khách hàng và đầu tư số tiền thu được vào thị trường chứng khoán, bắt được những cổ phiếu tốt với mức giá hời trăm-năm-mới-có-một-lần.
Tuy nhiên, thật khó mà nhiệt tình với các loại trái phiếu trong môi trường kinh tế kỳ lạ ngày nay. Các khoản lợi nhuận thu được vô cùng thấp, vì vậy bạn chỉ kiếm được một khoản thu nhập rất nhỏ để bù đắp cho rủi ro mà bạn phải gánh. Đầu tư vào Kho bạc Hoa Kỳ cũng không hấp dẫn, bởi gần đây họ đưa ra mức lãi suất thấp nhất từ trước đến nay. Ở nước ngoài, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn: chính phủ Ý gần đây bán trái phiếu kỳ hạn 50 năm với lãi suất 2,8%/năm. Đúng thế đấy! Nếu bạn cho họ mượn tiền trong nửa thế kỷ, bạn có thể “may mắn” kiếm được 2,8% một năm - nếu đất nước có nền kinh tế dễ bị tác động này không gặp phải khó khăn nào đáng kể. Đây là một trong những vụ đánh cược tồi tệ nhất mà tôi từng thấy.
Thử thách ở đây là ngày nay bạn không kiếm được gì nếu cứ giữ tiền mặt. Tệ hơn nữa, do lạm phát nên số tiền mặt bạn giữ sẽ mất giá dần dần. Cho nên, dù sao thì trái phiếu cũng mang lại cho bạn một khoản thu nhập. Theo tôi, trái phiếu hiện đang là món đồ sạch nhất trong đống quần áo dơ cần đem giặt của chúng ta.
Các khoản đầu tư khác
Bất kỳ khoản đầu tư nào ngoài cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt đều được định nghĩa là các khoản đầu tư khác, hoặc các khoản đầu tư thay thế. Khoản này có thể bao gồm những tài sản khác lạ như bộ sưu tập tranh Pablo Picasso, hầm chứa đầy rượu quý hiếm, những chiếc ô-tô cổ trong nhà xe có gắn máy điều hòa nhiệt độ của bạn, những món trang sức vô giá và trang trại rộng cả ngàn héc-ta. Nhưng trong phạm vi quyển sách này, chúng tôi sẽ tập trung vào một vài các lựa chọn thay thế phổ biến nhất mà đa số độc giả đều có thể tiếp cận được.
Đầu tiên, tôi cần cảnh báo với các bạn là nhiều khoản đầu tư thay thế không có tính thanh khoản (nói cách khác là khó bán), không có tính hiệu quả về thuế và có chi phí cao. Điều đó có nghĩa là chúng có hai thuộc tính hấp dẫn: chúng có thể (thỉnh thoảng) tạo ra lợi nhuận khủng; và chúng có thể không liên quan đến thị trường cổ phiếu và trái phiếu, tức là chúng chỉ giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư và giảm rủi ro tổng thể cho bạn. Ví dụ, nếu thị trường chứng khoán giảm 50%, bạn không bị giảm 50% giá trị ròng, bởi vì bạn không đặt toàn bộ trứng trong cùng một giỏ. Bất kỳ thách thức nào bạn phải đối mặt đều nhỏ hơn nhiều.
Hãy xem xét năm lựa chọn thay thế dưới đây, bắt đầu với ba lựa chọn mà tôi thích nhất, tiếp theo là hai lựa chọn mà tôi không mấy ưa chuộng.
• Quỹ tín thác đầu tư bất động sản (Real Estate Investment Trusts, viết tắt là REIT). Tôi chắc bạn có biết những người kiếm lợi nhuận tốt bằng cách đầu tư trực tiếp vào bất động sản nhà ở. Nhưng hầu hết chúng ta không đủ khả năng để đa dạng hóa bằng cách sở hữu một loạt các ngôi nhà hoặc căn hộ. Đó là một trong những lý do tại sao tôi thích đầu tư vào các quỹ tín thác đầu tư bất động sản được giao dịch công khai. Họ đề nghị bạn một chiến lược đầu tư không phức tạp, chi phí thấp giúp bạn đa dạng hóa trên diện rộng, cả trên mặt địa lý lẫn loại hình tài sản. Ví dụ, bạn có thể dành một lát nhỏ của REIT để đầu tư vào các tài sản như tòa nhà chung cư, tháp văn phòng, cơ sở lưu trú cao cấp, trung tâm y tế hoặc trung tâm mua sắm. Bạn được hưởng lợi từ mọi đợt tăng giá của các tài sản cơ bản này trong khi vẫn nhận được một nguồn thu nhập ổn định.
• Quỹ đầu tư tư nhân. Các công ty tư nhân thường dùng vốn góp để mua toàn bộ hoặc một phần của một công ty đang hoạt động nào đó. Sau đó, họ có thể gia tăng giá trị công ty ấy bằng cách tái cấu trúc, cắt giảm chi phí và tối ưu hóa tính hiệu quả về thuế. Cuối cùng, họ sẽ tìm cách bán lại công ty với giá cao hơn. Ưu điểm của mô hình này là một quỹ đầu tư tư nhân nếu được điều hành tốt có thể tạo ra lợi nhuận vượt trội, đồng thời giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư của bạn bằng cách hoạt động trên thị trường tư nhân. Nhược điểm là các quỹ này không có tính thanh khoản như cổ phiếu, trong khi rủi ro cao và thu phí cũng cao. Tại Creative Planning, chúng tôi có thể tận dụng các mối quan hệ của mình và 22 tỷ đô-la tài sản để tiếp cận các quỹ do một trong mười công ty cổ phần tư nhân hàng đầu nước Mỹ quản lý. Khoản đầu tư tối thiểu của họ thường là 10 triệu đô-la, nhưng khách hàng do chúng tôi giới thiệu có thể đầu tư với số tiền tối thiểu 1 triệu đô-la. Như bạn có thể thấy, lựa chọn này không dành cho tất cả mọi người, tuy nhiên, những quỹ được quản lý tốt nhất cũng có thể mang lại lợi nhuận xứng đáng với mức phí cao mà bạn đã chịu.
• Đối tác giao dịch hạn chế (Master Limited Partnerships, viết tắt là MLP). Tôi là một người hâm mộ trung thành của MLP, một mô hình đầu tư dưới dạng hợp tác thương mại công khai và thường tập trung vào cơ sở hạ tầng năng lượng như đường ống dẫn dầu hoặc khí. Sự hấp dẫn của mô hình đầu tư này là gì? Như Tony đã đề cập trong chương trước, đôi khi chúng tôi đề xuất các MLP vì chúng mang lại thu nhập tốt xét trên phương diện thuế. Chúng không có ý nghĩa đối với nhiều nhà đầu tư (đặc biệt nếu bạn còn trẻ hoặc có tiền trong quỹ hưu trí cá nhân), nhưng chúng rất phù hợp cho những nhà đầu tư trên 50 tuổi và có một tài khoản bị đánh thuế cao.
• Vàng. Một số người có niềm tin gần như tuyệt đối rằng vàng là lá chắn hoàn hảo chống lại sự hỗn loạn của nền kinh tế. Họ lập luận rằng vàng là một loại tiền tệ chân chính nếu nền kinh tế gặp khủng hoảng, lạm phát tăng cao hoặc đồng đô-la sụp đổ. Quan điểm của tôi là gì? Đó là vàng không tạo ra thu nhập và không phải là một loại tài nguyên thiết yếu. Warren Buffett từng nói: “Vàng được chúng ta đào lên khỏi mặt đất ở châu Phi hoặc một nơi nào đó. Sau đó chúng ta nấu chảy nó, rồi đào một cái hố mới, chôn nó xuống và trả tiền cho vài người đứng xung quanh bảo vệ nó. Vàng không có tiện ích gì cả. Nếu có ai đó nhìn thấy cảnh này từ sao Hỏa, chắc họ phải vò đầu bứt tai vì không thể hiểu nổi!”. Mặc dù vậy, giá vàng vẫn thỉnh thoảng tăng vọt và người ta kéo nhau mua vàng tích trữ! Khi nhìn lại lịch sử tài chính, bạn sẽ thấy cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa năng lượng và bất động sản hoạt động có hiệu quả hơn vàng rất nhiều. Vì vậy, tôi không bao giờ có mặt trong nhóm những người chọn đầu tư vào vàng.
• Các quỹ phòng hộ. Tại Creative Planning, chúng tôi không đưa các quỹ phòng hộ vào danh mục đầu tư. Tại sao? Vì có một vài trong số các quỹ này hoạt động hiệu quả suốt nhiều năm, nhưng đó chỉ là thiểu số - và thường thì những quỹ hiệu quả nhất trong đó không đón nhận các nhà đầu tư mới. Vấn đề là khi bắt đầu tham gia vào các quỹ phòng hộ, nhà đầu tư phải chịu một bất lợi lớn trong mọi khía cạnh tài chính: phí, thuế, quản trị rủi ro, sự minh bạch và tính thanh khoản. Hầu hết các quỹ phòng hộ tính phí 2% một năm, không có ngoại lệ, cộng với 20% lợi nhuận cho nhà đầu tư của họ. Đổi lại bạn nhận được gì? Từ năm 2009 đến 2015, quỹ phòng hộ thông thường không theo kịp chỉ số S&P 500 trong sáu năm liên tiếp. Năm 2014, quỹ hưu trí lớn nhất nước Mỹ, tức Hệ thống Hưu trí dành cho người lao động California (CalPERS), đã hoàn toàn bỏ qua các quỹ phòng hộ. Theo như tôi thấy, các quỹ phòng hộ được tạo ra là dành cho những kẻ hút máu hoặc các nhà đầu cơ thích đánh những canh bạc lớn. Chúng làm giàu cho ai đó chứ không phải cho bạn hay tôi.
PHÂN BỔ TÀI SẢN THEO NHU CẦU CÁ NHÂN
Bây giờ bạn đã biết những nguyên liệu có thể sử dụng, nhưng bạn nên kết hợp chúng như thế nào để tạo ra bữa ăn hoàn hảo? Sự thật là không có một công thức nào phù hợp cho tất cả mọi người. Vậy mà nhiều chuyên gia tư vấn tài chính sử dụng phương pháp rập khuôn để phân bổ tài sản, làm ngơ trước những khác biệt quan trọng trong nhu cầu của khách hàng. Điều đó giống như bạn phục vụ món bít-tết cho người ăn chay hoặc món rau trộn cho người ăn thịt vậy.
Một phương pháp phổ biến - nhưng sai lầm - là sử dụng số tuổi của một người để xác định tỷ lệ trái phiếu trong danh mục đầu tư của họ. Ví dụ, nếu bạn 55 tuổi, bạn nên phân bổ 55% tài sản của mình vào trái phiếu. Với tôi, đó là một phương pháp đơn giản hóa tới mức khùng điên. Trên thực tế, loại tài sản bạn sở hữu nên phù hợp với những mục tiêu cá nhân mà bạn cần hoàn thành. Suy cho cùng, một người mẹ đơn thân 55 tuổi đang tiết kiệm học phí đại học cho con có những ưu tiên hoàn toàn khác một doanh nhân 55 tuổi vừa nhượng lại cơ sở kinh doanh với giá hàng triệu đô-la và muốn xây dựng một quỹ từ thiện. Thật vô lý khi đánh đồng nhu cầu của họ chỉ vì họ có cùng độ tuổi!
Một cách phân bổ tài sản phổ biến khác là dựa trên khả năng chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư. Với tư cách là khách hàng, bạn trả lời một loạt các câu hỏi khảo sát để xác định xem bạn là nhà đầu tư táo bạo hay bảo thủ. Sau đó, các chuyên gia tư vấn sẽ đưa cho bạn một danh mục đầu tư được soạn theo mô hình có sẵn và được cho là phù hợp với mức độ rủi ro mà bạn chấp nhận. Theo tôi, cách này cũng sai lầm không kém vì nó bỏ qua nhu cầu của bạn. Lỡ như bạn không thích mạo hiểm nhưng lại không có khả năng nghỉ hưu theo dự tính nếu không đầu tư mạnh vào cổ phiếu thì sao? Một danh mục đầu tư ít rủi ro với toàn trái phiếu sẽ chỉ khiến bạn thất vọng hoàn toàn.
Vậy bạn nên giải quyết bài toán phân bổ tài sản như thế nào? Theo quan điểm của tôi, câu hỏi mà bạn và cố vấn tài chính của bạn phải trả lời là “Những lớp tài sản nào có thể đưa bạn đi từ vị trí hiện tại tới nơi bạn muốn đến với xác suất thành công cao nhất?”. Nói cách khác, danh mục đầu tư của bạn phải được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tế và cụ thể của bạn.
Chuyên gia tư vấn của bạn nên bắt đầu bằng cách lập một bức tranh rõ ràng về tình hình hiện tại của bạn (điểm xuất phát của bạn), bạn sẵn sàng và có thể tiết kiệm được bao nhiêu, số tiền bạn cần và khi nào bạn cần nó (đích đến). Một khi các nhu cầu này được xác định rõ ràng, cố vấn của bạn cần đưa ra một giải pháp đã được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của bạn để giúp bạn hiện thực hóa các mục tiêu. Bạn có thể tự mình tìm ra tất cả những điều này mà không cần thuê một chuyên gia không? Chắc chắn là có thể. Nhưng rủi ro sẽ cao và bạn không muốn làm cho tình hình trở nên tồi tệ. Vì vậy, có lẽ nhận sự giúp đỡ từ chuyên gia là hợp lý, trừ khi bạn đặc biệt có hiểu biết về những vấn đề này.
Trong mọi trường hợp, giả sử bạn cần lợi nhuận trung bình hằng năm là 7% trong 15 năm tiếp theo để có thể nghỉ hưu sớm. Cố vấn của bạn có thể kết luận rằng bạn nên đầu tư 75% danh mục đầu tư của bạn vào cổ phiếu và 25% vào trái phiếu. Không quan trọng vấn đề bạn 50 hay 60 tuổi. Hãy nhớ là cách phân bổ tài sản của bạn phụ thuộc vào nhu cầu chứ không phải độ tuổi của bạn. Khi cố vấn của bạn đã có sự phân bổ phù hợp để đáp ứng những nhu cầu đó, các bạn nên thảo luận xem bạn có thể chịu được những biến động mà bạn có thể gặp phải hay không. Nếu câu trả lời là không thể, bạn có thể hạ mục tiêu của mình xuống, sau đó cố vấn của bạn có thể dựa vào đó để đưa ra sự phân bổ phù hợp để giúp bạn đạt được mục tiêu đã được điều chỉnh này.
Một chuyên gia tư vấn giỏi sẽ điều chỉnh danh mục đầu tư sao cho phù hợp nhất với tình hình tài chính của bạn. Giả sử bạn làm việc cho một công ty dầu mỏ và phần lớn tài sản của bạn nằm trong cổ phiếu của công ty. Cố vấn của bạn sẽ điều chỉnh sự phân bổ tài sản cho phù hợp để đảm bảo rằng các khoản đầu tư khác của bạn không khiến bạn tập trung quá nhiều tài sản vào lĩnh vực năng lượng.
Một ưu tiên khác là lập một kế hoạch tùy chỉnh nhằm giảm thiểu các nghĩa vụ thuế của bạn. Giả sử bạn cho một chuyên gia tư vấn mới xem danh mục đầu tư hiện có của mình. Sự phân bổ tài sản của bạn rõ ràng là không ổn, vì vậy vị cố vấn mới đề xuất một “cuộc đại tu”. Trong một thế giới hoàn hảo, vị cố vấn đó có thể đúng. Nhưng sẽ ra sao nếu các khoản đầu tư của bạn đang hoạt động tốt và việc bán chúng sẽ khiến bạn phải trả một khoản thuế lớn trên số tiền thu được? Một chuyên gia tư vấn dày dặn kinh nghiệm trước tiên sẽ đánh giá tác động của thuế khi bán những tài sản này. Kết quả là bạn có thể chuyển đổi đầu tư chậm hơn - ví dụ như dành ra một khoản tiền phụ trội hằng tháng để từ từ phân bổ tài sản của bạn theo hướng mới.
Điều cốt lõi là bạn nên có một chuyên gia tư vấn có năng lực để điều chỉnh danh mục đầu tư của bạn sao cho phù hợp với nhu cầu cụ thể của bạn. Một cách phân bổ tài sản rập khuôn có thể gây ra thảm họa. Nó giống như việc bạn đi khám bệnh và bác sĩ kê cho bạn “phương thuốc điều trị viêm khớp tốt nhất thế giới” nhưng vấn đề là bạn bị cảm cúm chứ không phải bị viêm khớp!
BẢY NGUYÊN TẮC CẦN NHỚ KHI XÂY DỰNG DANH MỤC ĐẦU TƯ
Trước khi chúng ta kết thúc chương này, tôi muốn tóm tắt vài hướng dẫn quan trọng mà bạn cần ghi nhớ khi xây dựng (hoặc tái xây dựng) danh mục đầu tư. Đây là những nguyên tắc mà chúng tôi thực hiện tại Creative Planning và tôi tin chúng sẽ giúp bạn vượt qua mọi loại thời tiết của thị trường!
Phân bổ tài sản quyết định lợi tức. Hãy bắt đầu với một hiểu biết cơ bản, đó là sự phân bổ tài sản sẽ góp phần quyết định tỷ suất lợi nhuận đầu tư của bạn. Vì vậy, sự cân bằng giữa cổ phiếu, trái phiếu và các lựa chọn đầu tư khác là quan trọng nhất trong số các quyết định đầu tư mà bạn cần thực hiện. Dù bạn chọn loại kết hợp nào, hãy đảm bảo bạn đa dạng hóa ở phạm vi toàn cầu và trên nhiều loại tài sản khác nhau. Hãy tưởng tượng bạn là một nhà đầu tư Nhật Bản đã vung tất cả tiền của bạn vào cổ phiếu trong nước: thị trường tài chính Nhật Bản vẫn đang sụt giảm so với đỉnh cao điên rồ mà nó đạt được vào năm 1989. Bài học ở đây là đừng bao giờ đặt cược tương lai của bạn vào một quốc gia duy nhất hay một lớp tài sản duy nhất.
Sử dụng quỹ chỉ số làm trụ cột trong danh mục đầu tư của bạn. Tại Creative Planning, chúng tôi sử dụng phương pháp “Trụ cột và Khám phá”. Thành phần trụ cột trong danh mục đầu tư của khách hàng của chúng tôi được đầu tư vào các loại chứng khoán Mỹ và quốc tế. Chúng tôi sử dụng các quỹ chỉ số vì chúng cung cấp các khoản đầu tư đa dạng hóa rộng rãi mà vẫn có lợi về thuế, chi phí thấp và đánh bại hầu như tất cả các quỹ được quản lý linh hoạt trong thời gian dài. Để đa dạng hóa tối đa, chúng tôi tiếp cận với các cổ phiếu thuộc mọi quy mô: vốn hóa lớn, vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Bằng cách đa dạng hóa trên phạm vi rộng, bạn bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro khi mà một phần của thị trường (ví dụ, cổ phiếu công nghệ hoặc cổ phiếu ngân hàng) bị nghiền nát. Bằng cách đầu tư theo chỉ số, bạn được hưởng lợi ích lâu dài theo đồ thị đi lên của thị trường mà không để cho các loại chi phí và thuế ăn mòn lợi nhuận của bạn. Đối với các phần khác trong danh mục đầu tư, có nhiều tùy chọn phức tạp hơn để xem xét, nhưng chúng ta sẽ thảo luận ở phần sau.
Luôn có nguồn thu nhập dự phòng. Bạn không bao giờ muốn đặt mình vào vị thế buộc phải bán tháo các khoản đầu tư trên thị trường chứng khoán vào thời điểm tồi tệ nhất. Vì vậy, nếu có thể, hãy duy trì một vùng đệm tài chính, tức là một nguồn thu nhập dự phòng. Chúng tôi đảm bảo rằng khách hàng của chúng tôi có một khoản thu nhập tương đối từ các khoản đầu tư như trái phiếu, REIT, MLP và cổ phiếu có trả cổ tức. Chúng tôi cũng đa dạng hóa trong chính các loại tài sản này. Ví dụ, chúng tôi đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu đô thị và trái phiếu công ty. Nếu cổ phiếu sụp đổ, chúng tôi có thể bán một số khoản đầu tư tạo ra thu nhập đó (lý tưởng là trái phiếu, vì chúng có tính thanh khoản tốt) và sử dụng số tiền thu được để đầu tư vào thị trường cổ phiếu với giá thấp. Điều này mang lại cho chúng tôi một vị thế vững chắc giúp chúng tôi có thể xem thị trường giá xuống như một người bạn hơn là một kẻ thù đáng sợ.
Quy tắc con số 7. Lý tưởng nhất là chúng tôi muốn khách hàng của mình đầu tư một khoản tiền tương đương thu nhập của bảy năm vào các hạng mục đầu tư khác với các khoản đầu tư tạo lợi nhuận như trái phiếu và MLP. Nếu cổ phiếu giảm giá, chúng ta có thể khai thác các tài sản tạo ra thu nhập này để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn của khách hàng. Nhưng nếu bạn không đủ khả năng để dành ra nhiều năm thu nhập như vậy thì sao? Hãy bắt đầu với một mục tiêu có thể đạt được và từ từ nâng mức độ lên. Ví dụ, có thể mục tiêu ban đầu của bạn là tiết kiệm ba hoặc sáu tháng thu nhập và cứ tiếp tục làm vậy trong nhiều năm để hoàn thành mục tiêu dành ra bảy năm thu nhập. Nếu điều đó nghe có vẻ bất khả thi, hãy nghe câu chuyện về Theodore Johnson, một nhân viên của công ty chuyển phát nhanh UPS, người chưa bao giờ kiếm được nhiều hơn 14.000 đô-la một năm. Johnson đã tiết kiệm 20% tiền lương của mình và toàn bộ tiền thưởng để đầu tư vào cổ phiếu của UPS. Khi bước sang tuổi 90, ông đã tích lũy được 70 triệu đô-la! Bài học rút ra: đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh tuyệt vời của sự tiết kiệm có kỷ luật kết hợp với sức mạnh của lãi kép trong dài hạn.
Khám phá. Các khoản đầu tư trụ cột của khách hàng vào các quỹ chỉ số chỉ đơn giản là phù hợp với lợi nhuận của thị trường. Nhưng khám phá các chiến lược khác để tìm cơ hội đánh bại thị trường cũng là điều nên làm. Ví dụ, một nhà đầu tư giàu có có thể thêm vào danh mục của mình các khoản đầu tư rủi-ro-cao-lợi-nhuận-lớn vào quỹ đầu tư tư nhân. Bạn cũng có thể quyết định dành một phần nhỏ trong danh mục của mình cho công ty Berkshire Hathaway của Warren Buffett, vì bạn nghĩ một nhà đầu tư lớn như ông ấy hẳn sẽ mang lại lợi thế nào đó cho danh mục đầu tư của bạn.
Tái cân bằng. Tôi rất tin vào phương pháp “tái cân bằng”, tức là bạn phải thường xuyên đưa danh mục đầu tư của mình trở về trạng thái phân bổ tài sản ban đầu - có thể là mỗi năm một lần chẳng hạn. Tại Creative Planning, chúng tôi tận dụng mọi cơ hội để mua vào thay vì đợi đến cuối quý hoặc cuối năm. Phương pháp tái cân bằng hoạt động như sau: hãy tưởng tượng bạn bắt đầu với 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu; sau đó thị trường chứng khoán lao dốc, vì vậy bạn thấy mình nên đầu tư 45% vào cổ phiếu và 55% vào trái phiếu. Khi đó, bạn sẽ tái cân bằng danh mục bằng cách bán trái phiếu và mua cổ phiếu. Giáo sư Burton Malkiel của Đại học Princeton có lần đã nói với Tony rằng các nhà đầu tư không thành công có xu hướng “mua những thứ đã tăng giá và bán thứ đã giảm giá”. Lợi ích của hành động tái cân bằng là “khiến bạn làm điều ngược lại”, tức là buộc bạn phải mua tài sản khi chúng không được ưa chuộng và bị định giá thấp. Bạn sẽ thu được lợi nhuận cao khi giá của chúng phục hồi.
VÀI LỜI CUỐI CHƯƠNG
Những lời khuyên trong chương này có thể giúp bạn vượt qua mọi cơn bão tài chính. Đúng là sẽ có những khoảng thời gian hỗn loạn khi các dòng tít giật gân xuất hiện đầy trên mặt báo. Nhưng bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi biết danh mục đầu tư của bạn đã được đa dạng hóa một cách hợp lý nên nó có thể chống đỡ bất kỳ cơn hỗn loạn nào của thị trường. Trong Chương 2, bạn đã biết không nên sợ những đợt điều chỉnh giá của thị trường, và tôi hy vọng giờ đây bạn không còn sợ thị trường giá xuống nữa. Trên thực tế, thị trường giá xuống mang lại cho bạn cơ hội tốt nhất để mua những món hời trong đời. Vì vậy, bạn có thể vươn đến một cấp độ thịnh vượng hoàn toàn mới. Thị trường giá xuống là một món quà - và nó thường xuất hiện trung bình mỗi ba năm một lần! Đó không phải chỉ là những giai đoạn để cố gắng sinh tồn, mà còn là thời điểm để phát triển vượt trội.
Nhưng như bạn và tôi đều biết, luôn có khoảng cách lớn giữa lý thuyết và thực hành. Hãy nhớ lại trường hợp vị khách hàng cũ của tôi, người đã bán tháo toàn bộ chứng khoán mà mình nắm giữ thành tiền mặt và đánh cược tất cả vào vàng trong thị trường giá xuống vừa qua. Nỗi sợ đã khiến ông ấy từ bỏ một kế hoạch được xây dựng tỉ mỉ mà lẽ ra đã có thể mang đến cho ông ấy một tương lai tự do tài chính toàn diện. Vậy làm thế nào để đảm bảo cảm xúc cá nhân của bạn sẽ không vượt ra ngoài tầm kiểm soát và đánh văng bạn ra khỏi đường đua?
Chương tiếp theo tập trung vào cách nắm vững tâm lý học về sự giàu có để bạn không mắc phải những sai lầm tài chính phổ biến. Bạn sẽ khám phá ra rằng chỉ có một rào cản thật sự ngáng đường bạn trên hành trình đạt được thành công tài chính, và đó chính là bạn! Một khi bạn biết cách dàn xếp với kẻ địch bên trong mình, không có điều gì có thể cản bước tiến của bạn.