Sáu sai lầm về tiền bạc mà nhà đầu tư thường mắc phải và cách phòng tránh
“Vấn đề chính của nhà đầu tư, đồng thời cũng là kẻ địch đáng gờm nhất, chính là bản thân anh ta.”
- BENJAMIN GRAHAM, tác giả của The Intelligent Investor kiêm cố vấn của Warren Buffett
Chúc mừng bạn! Bạn đã được giới thiệu về các quy tắc cũng như cẩm nang thực hành đầu tư và giờ đây đã nắm được những kiến thức cần thiết để trở nên thật sự vững vàng.
Bạn đã học được những điều cần lưu ý, bạn đã biết những thông tin có thể giải phóng bạn khỏi nỗi sợ về những đợt điều chỉnh giá cũng như những lần sụp đổ không thể tránh khỏi của thị trường, và bạn được trang bị những chiến lược giành chiến thắng của các nhà đầu tư xuất sắc nhất hành tinh này. Bạn cũng tiếp thu những kiến thức vô giá về các loại phí và làm thế nào để tìm được một cố vấn tài chính thật sự có năng lực và hiệu quả. Tất cả những điều này mang lại cho bạn một lợi thế đáng kinh ngạc, nâng cao đáng kể khả năng duy trì sự sáng suốt ngay cả khi đối mặt với sự không chắc chắn. Bạn đã nhìn thấy con đường hướng thẳng tới tự do tài chính!
Nhưng bạn có biết điều gì có thể đảo lộn toàn bộ hành trình này không?
Tôi sẽ cho bạn một manh mối: điều đó không tới từ bên ngoài. Đó chính là bản thân bạn! Đúng vậy. Mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe tài chính của bạn chính là bộ não của bạn. Tôi không có ý xúc phạm bạn. Chỉ là bộ não con người được thiết kế một cách hoàn hảo để ra những quyết định ngu ngốc về chuyện đầu tư. Bạn có thể làm mọi thứ đúng cách - đầu tư vào các quỹ chỉ số chi phí thấp, tối thiểu hóa các loại phí và thuế, cũng như đa dạng hóa danh mục đầu tư một cách khôn ngoan. Nhưng nếu không làm chủ được tâm lý của mình, có thể bạn sẽ trở thành nạn nhân của một hình thức tự hủy hoại bản thân về mặt tài chính.
Trên thực tế, chuyện này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tài chính cá nhân. Trong mọi khía cạnh của cuộc sống - dù là hẹn hò, hôn nhân, nuôi dạy con cái, công việc, sức khỏe, thể hình, tài chính hay bất kỳ khía cạnh nào khác - chúng ta có khuynh hướng trở thành kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình. Vấn đề là bộ não của chúng ta được thiết lập theo cách tránh nỗi đau và tìm kiếm niềm vui. Về mặt bản năng, chúng ta khao khát bất cứ điều gì có thể làm chúng ta thành công ngay lập tức. Tất nhiên, đó không phải là công thức tốt nhất để ra những quyết định thông minh.
Trên thực tế, bộ não của chúng ta đặc biệt rất dễ đưa ra những quyết định tồi khi chúng ta xử lý các vấn đề liên quan tới tiền bạc.
Như chúng ta sẽ thảo luận trong chương này, tâm trí chúng ta có một loạt những định kiến - hoặc các điểm mù - khiến ta cực kỳ khó đầu tư một cách sáng suốt. Đó không phải là lỗi của chúng ta. Đó là một phần của việc làm người. Sự thật là những định kiến đó “được” tích hợp sẵn trong tâm trí bạn, giống như một đoạn mã lỗi trong chương trình máy tính vậy.
Trong chương này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những hiểu biết sâu và các công cụ then chốt mà bạn có thể sử dụng để giải phóng bản thân khỏi những khuynh hướng tâm lý tự nhiên, thứ có thể làm nhiều người đi chệch hướng trên hành trình đến với tự do tài chính.
Hãy để tôi cho bạn một ví dụ về chướng ngại tâm lý phổ biến mà chúng ta đều có khả năng gặp phải. Các nhà khoa học thần kinh đã phát hiện ra rằng những phần não chịu trách nhiệm xử lý cảm giác mất mát về tài chính cũng là những phần phản ứng với các mối đe dọa mang tính sinh tử. Hãy dành một chút thời gian để nghĩ xem điều này có ý nghĩa gì. Hãy tưởng tượng bạn là một người săn bắn hái lượm đang tìm thức ăn trong rừng thì đột nhiên phải đối mặt với một con hổ răng kiếm hung hãn. Não bạn chuyển sang trạng thái cảnh giác cao độ, phát ra tín hiệu khẩn cấp đề nghị bạn chiến đấu, đứng im hoặc bỏ chạy để bảo toàn tính mạng. Có thể bạn sẽ chộp lấy hòn đá hoặc một vũ khí nào đó gần nhất để chiến đấu với con mãnh thú, hoặc bạn bỏ chạy và ẩn náu trong hang động âm u nào đó.
Bây giờ hãy tưởng tượng bạn đang ở năm 2008 và là một nhà đầu tư dành một phần lớn trong khoản tiền tiết kiệm cả đời mình để đầu tư vào chứng khoán. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động mạnh đến thị trường chứng khoán, các khoản đầu tư của bạn gặp khó khăn và bộ não của bạn bắt đầu nhìn nhận một thực tế là bạn đang mất cả núi tiền. Đối với bộ não của bạn, tình trạng tài chính đó hệt như một con hổ răng kiếm đang gầm gừ muốn biến bạn thành bữa tối ngon miệng của nó.
Vậy điều gì đang xảy ra? Báo động đỏ! Cơ chế sinh tồn nguyên thủy trong não bắt đầu gửi đi thông điệp rằng bạn đang gặp nguy hiểm đến tính mạng. Về mặt lý trí, có thể bạn biết rằng động thái thông minh nhất khi thị trường sụp đổ là mua thêm cổ phiếu trong khi chúng đang bị bán đổ bán tháo. Nhưng bộ não của bạn lại bảo bạn phải bán hết mọi thứ đi và ôm đống tiền mặt trốn xuống gầm giường của bạn (tiện hơn so với việc chui vào một hang động) cho đến khi mối đe dọa không còn nữa. Thảo nào hầu hết các nhà đầu tư đều đưa ra quyết định sai lầm! Đó là một tác dụng phụ đáng tiếc của bản năng sinh tồn trong mỗi con người chúng ta. Chúng ta có khuynh hướng hoảng sợ bởi bộ não của chúng ta tin rằng sụp đổ tài chính đồng nghĩa với cái chết không thể tránh khỏi.
Không những vậy, chúng ta không tin vào những gì đang diễn ra trong thực tế, mà tin vào những niềm tin mà mình có về thực tế đang diễn ra.
Niềm tin là thứ đưa ra các mệnh lệnh trực tiếp đến hệ thần kinh của chúng ta. Niềm tin không là gì ngoài cảm giác về sự chắc chắn tuyệt đối đang chi phối hành vi của chúng ta. Nếu được sử dụng một cách hiệu quả, niềm tin là nguồn lực mạnh mẽ nhất để tạo ra những điều tốt đẹp, nhưng niềm tin cũng có thể hạn chế các lựa chọn và hành động của chúng ta. Vậy giải pháp là gì? Làm thế nào chúng ta có thể vượt qua bản năng sinh tồn trong bộ não và hệ thống niềm tin của chúng ta trong hàng triệu năm qua để có thể đứng vững khi đối mặt với một thị trường lao dốc (hoặc một con hổ đói)?
Nghe có vẻ quá đơn giản, nhưng tất cả những gì chúng ta thật sự cần là một hệ thống giải pháp - một hệ thống đơn giản bao gồm các chốt kiểm tra và cân bằng - để trung hòa hoặc giảm thiểu tác hại của bản năng phòng vệ bị lỗi của chúng ta. Bạn sẽ cần một bảng liệt kê các mục cần thực hiện (checklist), vì chỉ biết thôi là chưa đủ. Bạn cần có năng lực để hành động trong mọi lúc.
Hãy nghĩ đến ngành hàng không, nơi hậu quả do lỗi con người gây ra là vô cùng thảm khốc. Đối với các hãng hàng không, họ bắt buộc phải tuân thủ quy trình trong mọi chuyến bay. Vì vậy, họ giảm thiểu rủi ro bằng cách áp dụng một loạt các giải pháp có hệ thống và một loạt checklist xuyên suốt chuyến bay. Hãy quan sát công việc của cơ phó, người thực hiện một loạt các thao tác kiểm tra và cân bằng để đảm bảo sự an toàn của chuyến bay, phòng khi cơ trưởng có sai sót. Cơ phó không chỉ ở đó để điều khiển máy bay khi cơ trưởng cần nghỉ ngơi, mà còn là người có tiếng nói trong mọi quyết định có thể phát sinh trong chuyến bay. Thêm vào đó, bất kể đã bay bao nhiêu ngàn giờ, cả cơ trưởng và cơ phó phải liên tục bám sát những checklist chi tiết để giữ an toàn cho chuyến bay và hạ cánh đúng điểm đến đã định.
Trong đầu tư, sai lầm của con người có thể không gây ra hậu quả đe dọa tới tính mạng, nhưng các sai lầm tài chính vẫn có thể là một thảm họa. Hãy hỏi những người đã mất nhà cửa trong cuộc khủng hoảng tài chính, không thể chi trả cho việc học hành của con cái, hoặc không đủ khả năng tài chính để nghỉ hưu. Đây là lý do chúng ta cũng cần các hệ thống, quy tắc và quy trình được thiết kế đơn giản để bảo vệ chúng ta khỏi sai lầm của chính mình.
BIẾT VIỆC CẦN LÀM, LÀM VIỆC MÌNH BIẾT
Các nhà đầu tư xuất sắc nhất luôn nhận thức được nhu cầu phải có các hệ thống đơn giản, bởi họ biết dù có thừa tài năng, họ vẫn có thể dễ dàng phạm phải những sai lầm có thể khiến họ hối hận cả đời! Họ nhận ra biết việc cần làm thôi là chưa đủ. Bạn còn cần phải làm việc mình biết nữa. Đó là lúc các hệ thống phát huy hiệu quả.
Một trong những trọng tâm của tôi trong hơn 20 năm làm cố vấn đầu tư cho Paul Tudor Jones là liên tục cập nhật và cải tiến các hệ thống mà anh ấy dùng để đánh giá và ra quyết định đầu tư. Trên thực tế, khi tôi gặp Paul lần đầu tiên, anh ấy vừa hoàn thành một trong những giao dịch đầu tư vĩ đại nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán, tận dụng hoàn toàn lợi thế của thị trường vào Ngày Thứ Hai Đen Tối năm 1987 - một dịp hiếm hoi khi thị trường sụt giảm 22% chỉ trong một ngày. Paul đã giúp các nhà đầu tư của mình thu về khoản lợi nhuận 200%, một con số gần như không tưởng. Nhưng sau thành công đáng kinh ngạc này, anh ấy đã trở nên tự tin thái quá - một thiên kiến phổ biến mà bạn sẽ được tìm hiểu kỹ hơn trong chương này. Kết quả là gì? Anh ấy trở nên ít nghiêm khắc hơn trong việc tuân thủ các quy tắc sống còn mà mình đã tích lũy trong nhiều năm để trở thành một nhà đầu tư hiệu quả nhất có thể.
Với mục tiêu khắc phục thiên kiến này, tôi bắt đầu tìm hiểu xem hành vi đầu tư của Paul đã thay đổi như thế nào. Tôi đã phỏng vấn các đồng nghiệp và đối tác của anh (bao gồm một số các nhà đầu tư vĩ đại nhất lịch sử như Stanley Druckenmiller), xem những đoạn video quay cảnh anh ấy đang thực hiện giao dịch trong những giai đoạn huy hoàng nhất. Dựa trên những hiểu biết sâu sắc này, tôi đã làm việc với Paul để tạo ra một checklist - một bộ tiêu chí đơn giản mà anh ấy có thể sử dụng để kiểm tra và cân bằng trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào.
Ví dụ, một trong những tiêu chí chúng tôi tạo ra là trước khi thực hiện bất kỳ khoản đầu tư (hoặc giao dịch) nào, Paul phải hết lòng tin rằng đó là một giao dịch khó - tức là một giao dịch mà không phải ai cũng làm được. Thứ hai, Paul phải tập thói quen đảm bảo khoản đầu tư đó có tỷ lệ rủi ro thấp/phần thưởng cao. Để xác định điều này, anh ấy phải tự hỏi: “Đây là một vụ đầu tư ba-ăn-một? Hay năm-ăn-một? Tôi có thể nhận được phần thưởng lớn với rủi ro thấp không? Kịch bản tốt nhất và xấu nhất là gì?”. Thứ ba, anh ấy phải ngồi xuống và tự hỏi bản thân: “Đâu là ngưỡng quyết định của các nhà đầu tư khác? Khi nào giá sẽ xuống thấp hay cao đến mức họ sẽ tháo chạy?”. Sau đó, anh ấy phải sử dụng các thông tin chi tiết này để xác định điểm gia nhập thị trường của riêng mình, tức mức giá mục tiêu để anh ấy thực hiện vụ đầu tư. Và cuối cùng, anh ấy phải thiết lập đường lui cho chính mình nếu các dự phóng của anh hóa ra không chính xác.
Mô thức chung ở đây là gì? Bộ tiêu chí của Paul được liên kết bởi những câu hỏi mà anh ấy sử dụng để kiểm tra niềm tin của mình và đánh giá tình hình một cách khách quan hơn.
Và mặc dù các câu hỏi này tạo thành một checklist tuyệt vời cho Paul, chính tinh thần kỷ luật bản thân của anh ấy là thứ làm cho toàn bộ chuyện này có hiệu quả. Suy cho cùng, một hệ thống chỉ có hiệu quả nếu bạn sử dụng nó! Để đảm bảo điều này, tôi đã đề nghị Paul thông báo với mọi thành viên trong đội ngũ giao dịch của anh ấy rằng họ sẽ không thực hiện bất kỳ khoản đầu tư nào trước khi trả lời được những câu hỏi mà chúng tôi đã đặt ra ở trên: “Đây có phải là một giao dịch khó hay không? Nó có thật sự mang lại tỷ lệ phần thưởng lớn hơn nhiều so với rủi ro không? Xác suất năm-ăn-một hay ba-ăn-một? Điểm gia nhập là gì? Điểm dừng ở đâu?”.
Không dừng lại ở đó, họ cũng được hướng dẫn không xử lý bất kỳ lệnh giao dịch nào sau tiếng cồng khai mạc. Nói cách khác, họ không được phép giao dịch vào giữa ngày làm việc. Tại sao? Bởi vì Paul nhận thấy những quyết định giao dịch được anh đưa ra trong khoảng thời gian đó thường chỉ là phản ứng nhất thời với thị trường - mua giá cao và bán giá thấp, không phát huy được lợi thế của bản thân và biếu không cho người khác những giao dịch tốt hơn.
Như bạn có thể thấy, những nhà đầu tư vĩ đại như Paul đều hiểu một sự thật căn bản: tâm lý học có thể giúp bạn bay cao nhưng cũng có thể bẻ gãy đôi cánh của bạn, vì vậy bạn cần có một hệ thống hiệu quả giúp bạn không bị chệch khỏi mục tiêu. Trong chương này, chúng ta sẽ cùng nhau tạo một checklist đơn giản với sáu đề mục giúp phòng ngừa rủi ro và đảm bảo thành công tài chính dài hạn của bạn.
80% TÂM LÝ HỌC VÀ 20% CƠ HỌC
Trong suốt 40 năm, tôi đã nghiên cứu những người thành công nhất trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm đầu tư, kinh doanh, giáo dục, thể thao, y học và giải trí. Cuối cùng, tôi phát hiện được một quy tắc lặp đi lặp lại, đó là công thức thành công gồm có 80% tâm lý học và 20% cơ học.
Tâm lý đầu tư là một đề tài vô cùng phong phú và phức tạp. Trên thực tế, có một môn học gọi là “tài chính hành vi” chuyên khám phá những thiên kiến nhận thức và cảm xúc khiến các nhà đầu tư hành động phi lý trí. Các thiên kiến này thường khiến người ta phạm phải nhiều sai lầm đắt giá trong đầu tư, chẳng hạn như cố chọn thời điểm đúng của thị trường hay đầu tư mà thiếu kiến thức về tác động thật sự của các loại phí, hoặc không đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Mục tiêu của chúng tôi là làm cho mọi thứ trở nên dễ hiểu! Trong chương này, chúng tôi sẽ giải thích những gì bạn thật sự cần biết về một trong những cạm bẫy tâm lý lớn nhất và cách tránh bị mắc kẹt bởi những sai lầm đầu tư phổ biến mà bộ não của bạn có thể khiến bạn phạm phải.
Ray Dalio từng chia sẻ với tôi: “Nếu biết các giới hạn của mình, bạn có thể thích nghi và thành công. Nếu không, bạn sẽ bị tổn hại”. Bằng cách tạo ra các giải pháp mang tính hệ thống, bạn có thể giải phóng bản thân khỏi những thiên kiến của tâm trí mình và nắm quyền kiểm soát như một trong những nhà đầu tư xuất sắc nhất trên hành tinh này.
Sai lầm #1: Tìm kiếm thông tin xác nhận niềm tin của bản thân
Tại sao các nhà đầu tư xuất sắc nhất lại hoan nghênh những ý kiến đối lập với ý kiến của họ
Trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 giữa Donald Trump và Hillary Clinton, có thể bạn bỗng thấy đôi khi mình có những “cuộc tranh luận chính trị” sôi nổi với bạn bè. Nhưng bạn đã bao giờ cảm thấy đó không hoàn toàn là một cuộc tranh luận mà thật ra mọi người đều đã đưa ra quyết định trong đầu họ rồi không? Những người yêu Trump và ghét Hillary, hoặc ngược lại, cảm thấy có niềm tin mạnh mẽ đến mức dường như không gì có thể thay đổi ý kiến của họ!
Điều này được phóng đại hơn bởi cách chúng ta sử dụng phương tiện truyền thông ngày nay. Nhiều người có khuynh hướng chọn những kênh truyền hình ủng hộ một quan điểm nào đó, chẳng hạn như MSNBC hoặc Fox News; và tin tức chúng ta đọc được sàng lọc nhiều hơn bao giờ hết bởi Facebook và các tổ chức khác. Kết quả là gì? Dường như mỗi người đang ở trong một căn phòng vọng âm, rất khó nghe được gì khác ngoài tiếng nói của những người có cùng quan điểm với mình.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cho chúng ta một ví dụ hoàn hảo về “thiên kiến xác nhận”, tức là khuynh hướng tìm kiếm và coi trọng những thông tin xác nhận định kiến và niềm tin của chính mình. Khuynh hướng này cũng khiến chúng ta tránh né, đánh giá thấp hoặc gạt bỏ bất kỳ thông tin nào mâu thuẫn với niềm tin của bản thân.
Đối với các nhà đầu tư, thiên kiến xác nhận là một khuynh hướng rất nguy hiểm.
Giả sử bạn yêu thích một cổ phiếu hoặc một quỹ nào đó có hiệu quả đầu tư cực tốt trong danh mục của bạn trong năm qua. Bộ não của bạn có khuynh hướng tìm kiếm và tin vào những thông tin ủng hộ quyết định của bạn trong việc sở hữu cổ phiếu hoặc quỹ đó. Dù sao thì tâm trí của chúng ta cũng rất thích bằng chứng - đặc biệt là bằng chứng về việc chúng ta đã thành công, thông minh và đúng đắn như thế nào!
Các nhà đầu tư thường đọc các bản tin và các thông báo củng cố niềm tin của họ về những cổ phiếu mà họ đang sở hữu. Hoặc họ bơm thêm sự quyết đoán của mình bằng cách đọc các bài phân tích tích cực về lĩnh vực tăng trưởng nóng đang mang lại cho họ những khoản lợi nhuận lớn. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu tình hình thay đổi và những cổ phiếu hoặc lĩnh vực có mức tăng trưởng nhanh đó bắt đầu sụp đổ? Chúng ta sẵn sàng đến mức nào trong việc thay đổi quan điểm và thừa nhận mình đã sai lầm?
Bạn có đủ linh hoạt để thay đổi cách tiếp cận của mình không, hay tâm trí của bạn bị khóa chặt vào một niềm tin nào đó?
Peter Mallouk đã chứng kiến hiện tượng này ở một khách hàng mới của anh, người từng kiếm được cả gia tài nhờ đầu tư vào cổ phiếu công nghệ sinh học, một sản phẩm có giá tăng vọt với tốc độ siêu tên lửa trong hơn một thập niên. Vị khách hàng đó từng đầu tư gần 10 triệu đô-la cho đúng một loại cổ phiếu này. Peter và đội ngũ của anh tại Creative Planning đã vạch ra một kế hoạch hiệu quả để đa dạng hóa đầu tư cho vị khách hàng này, nhằm giúp cô ấy giảm rủi ro khi dồn hết tài sản vào một loại cổ phiếu. Ban đầu, cô ấy đồng ý nhưng sau đó lại đổi ý với lý do cô ấy “biết rõ” loại cổ phiếu yêu quý của mình và “hiểu” tại sao nó sẽ tiếp tục tăng nữa. Cô ấy nói với Peter: “Tôi không quan tâm đến những gì anh nói. Cổ phiếu này là thứ đã đưa tôi đến đây đấy!”.
Trong bốn tháng tiếp theo, nhóm của Peter cố gắng thuyết phục vị khách hàng này bắt đầu quá trình đa dạng hóa đầu tư. Nhưng cô ấy vẫn không đồng ý. Trong giai đoạn đó, giá cổ phiếu công nghệ sinh học giảm một nửa, khiến cô mất 5 triệu đô-la. Cô ấy buồn đến mức quyết định đầu tư thêm vào đó và khăng khăng đợi nó tăng giá trở lại. Nhưng cổ phiếu đó đã không hồi phục. Nếu cô ấy nghe theo lời khuyên được cân nhắc kỹ lưỡng của Peter và đội ngũ của anh, mặc dù nó mâu thuẫn với niềm tin của cô, có lẽ giờ đây cô ấy đã đi đúng hướng trên hành trình đạt được tự do tài chính toàn diện.
Trên thực tế, đây cũng là ví dụ về một khuynh hướng cảm xúc khác, đó là “hiệu ứng sở hữu”. Theo hiệu ứng này, các nhà đầu tư có khuynh hướng định giá cao thứ mà họ sở hữu, bất kể giá trị khách quan của nó! Điều này khiến họ khó phân bổ đầu tư và mua một sản phẩm giá trị hơn. Thật ra, chỉ tập trung vào một khoản đầu tư không bao giờ là một quyết định khôn ngoan. Như người ta hay nói, yêu là mù quáng! Hãy tỉnh táo để vững bước trên hành trình tài chính của mình.
Giải pháp: Hãy đặt những câu hỏi tốt hơn và tìm những người có năng lực nhưng không đồng tình với quan điểm của bạn.
Các nhà đầu tư giỏi nhất đều biết họ dễ bị ảnh hưởng bởi thiên kiến xác nhận nên họ làm mọi cách để chống lại khuynh hướng này. Giải pháp là hãy tích cực tìm kiếm những ý kiến chất lượng nhưng khác với ý kiến của bạn. Tất nhiên, không phải ý kiến trái chiều nào cũng đáng để lắng nghe, mà đó phải là ý kiến của người có kỹ năng, thành tích và sự khôn ngoan để đưa ra một quan điểm đáng tham khảo.
Không ai hiểu điều này hơn Warren Buffett. Ông thường xuyên trao đổi với Charlie Munger, người đồng sự 93 tuổi của ông, đồng thời cũng là một nhà tư tưởng lỗi lạc nổi tiếng rất thẳng thắn. Trong báo cáo thường niên năm 2014, Buffett nhắc lại rằng Munger đã một tay thuyết phục ông thay đổi chiến lược đầu tư, khiến ông tin rằng có một cách tiếp cận thông minh hơn: “Hãy bỏ công thức mua công ty trung bình với giá tốt đi; thay vào đó, hãy mua công ty tốt với mức giá hợp lý”.
Nói cách khác, Warren Buffett - nhà đầu tư vĩ đại nhất trong lịch sử - thừa nhận rằng thành công của ông là do ông sẵn sàng làm theo lời khuyên của người đồng sự lâu năm, người có “logic không thể bác bỏ”. Đó là hiệu quả của việc chống lại thiên kiến xác nhận!
Ray Dalio cũng thường xuyên tìm kiếm góc nhìn khác biệt. Ông nói với tôi: “Rất khó để lúc nào cũng đưa ra quyết định đúng trên thị trường. Vì thế, tôi đã tìm một phương pháp hiệu quả hơn, đó là tìm những người có ý kiến trái chiều với tôi và tìm hiểu xem lý lẽ của họ là gì... Những ý kiến trái chiều chất lượng như vậy thật sự rất hữu ích”. Theo Ray, câu hỏi cốt lõi chúng ta cần đặt ra là “Tôi không biết điều gì?”.
Bạn có thể hưởng lợi rất nhiều trong tư cách nhà đầu tư bằng cách tìm những người mà bạn tôn trọng (lý tưởng là một cố vấn tài chính xuất sắc với bề dày thành tích đáng nể) và hỏi họ những câu hỏi giúp bạn phát hiện những điều mình không biết. Mỗi khi có ý định thực hiện một vụ đầu tư lớn, tôi thường nói chuyện với những người bạn có cách nghĩ khác tôi, trong đó có anh bạn thông thái kiêm doanh nhân thiên tài Peter Guber. Những lúc đó, tôi thường trình bày điều mình tin rồi hỏi anh ấy: “Tôi có nhận định sai điều gì không? Có khía cạnh nào tôi chưa nhìn thấy không? Kịch bản xấu là gì? Tôi không lường trước được điều gì? Và tôi nên học hỏi ai khác để làm sâu sắc hiểu biết của mình?”. Những câu hỏi như thế giúp bảo vệ tôi khỏi những rủi ro mà thiên kiến xác nhận có thể gây ra.
Sai lầm #2: Tâm lý cho rằng các sự kiện mới diễn ra chính là xu hướng lâu dài
Lý do khiến đa số các nhà đầu tư mua cổ phiếu không thích hợp vào thời điểm không thích hợp
Một trong những sai lầm đầu tư phổ biến và nguy hiểm nhất là cho rằng xu hướng hiện tại sẽ tiếp tục kéo dài. Và khi mọi chuyện không diễn ra như kỳ vọng của mình, đa số nhà đầu tư thường phản ứng quá mức và do đó làm đảo ngược chính xu hướng mà trước đó họ cho là không có gì có thể thay đổi được.
Một ví dụ hoàn hảo về hiện tượng này đã xảy ra vào đêm bầu cử năm 2016. Theo nhận định của đa số người Mỹ, Hillary Clinton, người đang dẫn trước tại thời điểm đó, được kỳ vọng sẽ có chiến thắng áp đảo - hoặc ít nhất với một khoảng cách “đáng kể”. Vào buổi trưa ngày bầu cử, bà đạt cơ hội chiến thắng là 61%. Nhưng đến gần tám giờ tối, tình thế hoàn toàn đảo ngược, cơ hội chiến thắng của Trump tăng lên 90%. Khi kết quả bầu cử trở nên rõ ràng, các nhà đầu tư hoảng sợ vì kỳ vọng của họ về tương lai đột ngột bị đảo lộn. Thị trường phản ứng dữ dội và chỉ số Dow giảm hơn 900 điểm.
Trớ trêu thay, ngày hôm sau, thị trường chuyển biến theo hướng ngược lại, chỉ số Dow tăng 316 điểm khi các nhà đầu tư bắt đầu điều chỉnh để thích ứng với tình hình thực tế. Nước Mỹ đã chứng kiến các cuộc tuần hành ủng hộ Trump kéo dài trong nhiều tuần. Khi tôi đang viết những dòng này vào tháng Mười Hai năm 2016, chỉ số S&P 500 vừa đạt mức cao nhất mọi thời đại trong ngày thứ ba liên tiếp, còn chỉ số Công nghiệp Dow Jones đã đạt mức cao lần thứ 11 trong mọi thời đại trong một tháng và thị trường đã tăng 6% trong bảy tuần liền kể từ cuộc bầu cử!
Bạn nghĩ các nhà đầu tư cảm thấy thế nào vào lúc này? Họ cảm thấy khá phấn khởi. Khi bạn đọc tin thị trường đang “trên đà phát triển mạnh”, thật khó mà ngăn cảm giác vui mừng ra mặt! Có thể bạn sẽ xem qua danh mục đầu tư của mình và nhận thấy đó là mức tăng cao nhất từng có. Cuộc sống mới ngọt ngào làm sao!
Hãy cứ vui đi! Tôi không biết thị trường sẽ đi về đâu và những nhà đầu tư vĩ đại nhất trên thế giới cũng sẽ nói với bạn rằng không ai có thể biết được điều đó! Nhưng tôi biết nhiều người có thể bị cuốn theo cảm xúc vui mừng vào những lúc như thế này. Sự kết hợp của cảm giác phấn chấn cùng với niềm tin sẵn có khiến họ bắt đầu tự thuyết phục bản thân rằng rồi chuyện tốt đẹp sẽ tiếp diễn mãi! Tương tự, khi thị trường lao dốc, họ bắt đầu tin rằng nó sẽ không bao giờ phục hồi. Warren Buffett từng nói: “Các nhà đầu tư đem những gì họ vừa nhìn thấy ở hiện tại phóng chiếu vào tương lai. Đó là thói quen không thể thay đổi của họ”.
Lời giải thích cho điều này là gì? Thật ra có hẳn một thuật ngữ để mô tả mô thức tâm lý này, và đó chính là “thiên kiến do tác động gần đây”. Thiên kiến này cho thấy những trải nghiệm của chúng ta trong quá khứ gần có ảnh hưởng rất lớn đến cách chúng ta đánh giá khả năng một điều gì đó có thể xảy ra trong tương lai. Khi đang ở giữa giai đoạn thị trường giá lên, các tế bào thần kinh trong não giúp bạn nhớ rằng những trải nghiệm gần đây đều rất tích cực, và điều này khiến bạn kỳ vọng xu hướng tích cực đó sẽ duy trì mãi!
Tại sao đây lại là vấn đề? Bởi vì như bạn đã biết, các mùa tài chính có thể đột ngột thay đổi khi thị trường giá lên nhường chỗ cho thị trường giá xuống và ngược lại. Bạn không muốn trở thành một người mà sau một thời gian dài chịu đựng mùa hè đổ lửa liền kết luận rằng trời sẽ không bao giờ mưa nữa.
“Những kẻ chạy theo trào lưu và ý kiến của số đông thường không thể tạo ra những điều vĩ đại.”
- JACK KEROUAC
Cách nay không lâu, tôi đã phỏng vấn nhà kinh tế học nổi tiếng Harry Markowitz, người được trao Giải Nobel Kinh tế vì đã phát triển “thuyết danh mục đầu tư hiện đại” - cơ sở cho những gì chúng ta biết ngày nay về cách phân bổ tài sản để giảm thiểu rủi ro. Harry là một thiên tài trong lĩnh vực tài chính. Ở tuổi 89, ông đã nhìn thấy gần như mọi thứ trên đời, vì vậy tôi rất háo hức được nói chuyện với ông về những sai lầm đầu tư phổ biến nhất mà chúng ta cần tránh.
Đây là những lời ông chia sẻ với tôi: “Sai lầm lớn nhất mà nhà đầu tư nhỏ thường mắc phải là mua cổ phiếu khi thị trường đang tăng giá với mặc định rằng nó sẽ tiếp tục tăng, và bán ra khi thị trường đi xuống với mặc định rằng nó sẽ còn đi xuống nữa”.
Trên thực tế, đây là một phần của một mô thức tư duy lớn hơn, một niềm tin cho rằng xu hướng đầu tư hiện thời chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì. Các nhà đầu tư liên tục rơi vào bẫy mua những thứ đang “nóng” - bất kể đó là một cổ phiếu tăng vọt như Tesla Motors hoặc một quỹ tương hỗ năm sao mới nhất - và bỏ qua những thứ còn lại. Diễn đạt theo cách của Harry: “Cứ thứ gì đang tăng là họ nhào vô mua!”. Mọi người cho rằng những ngôi sao băng này sẽ tiếp tục cháy sáng mãi. Nhưng như chúng tôi đã cảnh báo ở Chương 3, người chiến thắng ngày hôm nay có khả năng trở thành người thua cuộc vào ngày mai. Có thể bạn còn nhớ từng có một nghiên cứu xem xét 248 quỹ cổ phiếu nhận được kênh tài chính Morningstar đánh giá năm sao, và 10 năm sau đó, chỉ có bốn trong số đó còn giữ được thứ hạng!
Mặc dù vậy, các nhà môi giới vẫn thường xuyên giới thiệu cho khách hàng những quỹ có hiệu quả đầu tư xuất sắc trong năm trước đó, để rồi chứng kiến chúng mang lại hiệu quả thảm hại trong năm kế tiếp. Các nhà đầu tư thường bước vào khi bữa tiệc sắp tàn. Họ bỏ lỡ toàn bộ lợi nhuận và gánh đủ tất cả các khoản lỗ. David Swensen đã diễn tả điều này một cách rất súc tích: “Người ta có khuynh hướng mua các quỹ hoạt động tốt. Họ đuổi theo lợi nhuận, và sau đó, khi quỹ hoạt động kém, họ bán chúng đi. Vì vậy họ mua giá cao và bán giá thấp. Đó là cách kiếm tiền rất dở”.
Giải pháp: Đừng bán tháo.
Hãy tái cân bằng danh mục đầu tư của bạn.
Những gì các nhà đầu tư xuất sắc nhất trên thế giới làm là lập ra một danh sách các quy tắc đơn giản để hướng dẫn họ, nhờ đó khi cảm xúc có vẻ lấn át lý trí, họ vẫn có thể theo đuổi và giữ vững mục tiêu dài hạn của mình. Có thể bạn sẽ muốn lập ra danh sách các quy tắc của riêng bạn - một checklist để đảm bảo bạn làm đúng những việc cần làm trong chuyến bay đầu tư - trong đó chỉ rõ nơi bạn muốn đến, những thứ bạn phải đề phòng và cách bạn điều hướng hành trình để về đích một cách an toàn trong vai trò nhà đầu tư. Hãy chia sẻ kế hoạch “chuyến bay” của bạn với người mà bạn tin tưởng - lý tưởng là một cố vấn tài chính dày dạn kinh nghiệm. Anh ấy hoặc cô ấy có thể giúp bạn bám sát kế hoạch bằng cách đảm bảo rằng bạn không để bản năng sinh tồn thôi thúc mình đưa ra những quyết định vi phạm các quy tắc do chính bạn đặt ra. Họ có vai trò giống như một cơ phó trên chuyến bay, liên tục xác nhận rằng máy bay của bạn sẽ không đâm sầm vào vách núi!
Một phần quan trọng của các quy tắc này là quyết định trước cách bạn sẽ đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng cách phân bổ một tỷ lệ cụ thể vào cổ phiếu, trái phiếu và các khoản đầu tư thay thế khác. Tỷ lệ phân bổ đầu tư của bạn sẽ như thế nào? Nếu bạn không xác định trước tỷ lệ này, hoàn cảnh sẽ thay đổi và tâm trạng của bạn cũng đổi thay theo. Bạn sẽ có khuynh hướng phản ứng với hoàn cảnh trước mắt thay vì kiên định với một tỷ lệ phân bổ tài sản lý tưởng cho bạn về lâu về dài. Như tôi đã chia sẻ trước đó, một trong những giải pháp giúp bạn vượt qua cái bẫy cảm tính này là hãy tái cân bằng danh mục đầu tư của bạn mỗi năm một lần.
Thường xuyên tái cân bằng danh mục đầu tư là như thế nào? Harry Markowitz cho tôi một ví dụ rất rõ ràng nhất về điều này. Ban đầu, cô ấy phân bổ 60% danh mục đầu tư của mình cho cổ phiếu và 40% cho trái phiếu. Nếu thị trường chứng khoán tăng vọt, có thể danh mục của cô ấy sẽ có 70% cổ phiếu và 30% trái phiếu. Khi chuyện đó xảy ra, cô ấy sẽ tự động bán cổ phiếu và mua trái phiếu, nhờ đó khôi phục danh mục đầu tư của cô ấy về tỷ lệ phân bổ tài sản ban đầu. Theo như Harry nói, vẻ đẹp của việc tái cân bằng danh mục đầu tư là nó buộc bạn phải “mua thấp và bán cao” một cách hiệu quả.
Sai lầm #3: Tự tin thái quá
Đánh giá quá cao năng lực và kiến thức của bản thân là công thức gây ra thảm họa.
Xin thứ lỗi cho tôi vì đề cập đến vấn đề riêng tư ở đây, nhưng cho phép tôi hỏi bạn ba câu này: Bạn có phải là một tài xế trên mức trung bình? Bạn có phải là một người yêu trên mức trung bình? Và bạn có đẹp hơn mức trung bình? Đừng lo! Bạn có thể giữ câu trả lời cho riêng mình!
Lý do tôi hỏi bạn những câu hỏi hơi mang tính cá nhân này là để nêu ra một luận điểm cơ bản và có thể cực kỳ quan trọng đối với tương lai tài chính của bạn: con người có khuynh hướng tin rằng họ tốt hơn (hoặc thông minh hơn) so với thực tế, và đây là một khuynh hướng nguy hiểm. Thiên kiến tâm lý này được gọi là “tự tin thái quá”. Nói một cách đơn giản, chúng ta luôn đánh giá quá cao năng lực, sự hiểu biết và triển vọng của bản thân.
Có rất nhiều nghiên cứu đã mô tả một số hiệu ứng phi lý một cách kỳ lạ của tâm lý tự tin thái quá. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy 93% học viên lái xe tự tin rằng khả năng lái xe của họ trên mức trung bình. Trong một nghiên cứu khác, 94% giáo sư đại học tự hào rằng thuở xưa họ có thứ hạng trên mức trung bình trong lớp học. Thậm chí một phát hiện còn cho thấy 79% sinh viên tin rằng tính cách của họ tốt hơn hầu hết những người khác, mặc dù thực tế là 60% trong số họ thừa nhận họ từng gian lận trong thi cử. Mỗi người chúng ta đều cho rằng mình thuộc nhóm thiểu số những người có đạo đức, những người tự tin khẳng định “Tôi không bao giờ làm việc đáng chê trách đó”.
Tất cả những điều này làm tôi nhớ đến Lake Wobegon, một thị trấn hư cấu thuộc Minnesota trong tác phẩm của Garrison Keillor, “nơi tất cả phụ nữ đều mạnh mẽ, tất cả đàn ông đều điển trai và tất cả trẻ em đều giỏi giang hơn mức bình thường”.
Vậy tại sao các nhà đầu tư cá nhân trở nên tự tin quá mức? Trong nhiều trường hợp, một “chuyên gia” thuyết phục những nhà đầu tư này rằng có một vụ đầu tư mới hấp dẫn đang gây “sốt” ngoài kia, và họ để sự nhiệt tình của vị “chuyên gia” ấy trở thành sự tự tin không có gì bảo chứng của họ. Nói cách khác, tài nghệ bán hàng của người này đã đưa tới niềm tin sai lệch của người kia.
Một số người cực kỳ thành công trong việc điều hành doanh nghiệp hoặc quản lý cuộc sống cá nhân của họ, vì vậy họ cho rằng mình cũng sẽ thành công khi làm nhà đầu tư. Nhưng như bạn đã biết, đầu tư là một lĩnh vực phức tạp và nhiều thử thách hơn những gì chúng ta nghĩ ban đầu.
Có nhóm người nào dễ bị tự tin thái quá hơn không? Hai vị giáo sư tài chính Brad Barber và Terrance Odean đã xem xét các khoản đầu tư cổ phiếu của hơn 35.000 hộ gia đình trong vòng năm năm. Họ phát hiện ra rằng đàn ông đặc biệt tự tin thái quá trong đầu tư! Trên thực tế, nam giới giao dịch nhiều hơn phụ nữ 45% và bị mất trung bình 2,65% lợi nhuận ròng một năm! Khi bạn cộng mức giảm này với các chi phí bổ sung do phí giao dịch và thuế cao, bạn có thể thấy rằng giao dịch quá mức là một thảm họa thật sự.
Nhưng có một dạng tự tin thái quá khác còn khiến bạn trả giá đắt hơn nữa, đó là niềm tin nguy hại rằng bạn (hoặc bất kỳ ngôi sao truyền hình, nhà chiến lược thị trường hay người viết blog nào) có thể dự đoán chính xác tương lai của thị trường chứng khoán, trái phiếu, vàng, dầu hoặc bất kỳ lớp tài sản nào khác. Howard Marks từng nói với tôi: “Nếu anh không thể đoán trước được tương lai, điều quan trọng là anh phải thừa nhận điều đó. Còn nếu anh vẫn cố dự đoán bất chấp sự thật, đó là tự sát”.
Giải pháp: Hãy thực tế và trung thực.
Một trong những phương thuốc hiệu quả nhất để hóa giải sự tự tin thái quá là đứng trước gương và tự hỏi: “Tôi có thật sự có lợi thế để trở thành nhà đầu tư đánh bại thị trường?”. Trừ khi bạn có một công thức bí mật nào đó - ví dụ như kỹ năng thu thập và phân tích thông tin thượng thừa giúp tạo nên danh tiếng của các nhà đầu tư vĩ đại như Howard Marks, Warren Buffett hay Ray Dalio - nếu không, bạn không có bất kỳ lý do hợp lý nào để tin mình có thể đánh bại các chỉ số thị trường trong dài hạn.
Vậy bạn nên làm gì? Dễ thôi! Hãy làm những gì Howard, Warren, Jack Bogle, David Swensen và các nhà đầu tư vĩ đại khác khuyên các nhà đầu tư phổ thông nên làm: đầu tư vào danh mục của các quỹ chỉ số chi phí thấp và duy trì chúng theo thời gian. Điều này sẽ mang lại cho bạn lợi nhuận từ thị trường và tránh được gánh nặng mà các nhà đầu tư linh hoạt phải chịu: phí quản lý cắt cổ, phí giao dịch cao và mức thuế cao. “Nếu bạn không thể gia tăng giá trị, nếu bạn không thể tạo ra lợi nhuận cao với rủi ro thấp, điều tốt nhất bạn nên làm là tối thiểu hóa chi phí”, theo Howard. Nói cách khác, bạn chỉ cần đầu tư vào một quỹ chỉ số.
Quỹ chỉ số cũng cho bạn sự đa dạng hóa trên diện rộng, một liều thuốc hiệu quả khác để chống lại sự tự tin quá mức. Suy cho cùng, đa dạng hóa đầu tư đồng nghĩa với việc thừa nhận bạn không biết loại tài sản, cổ phiếu, trái phiếu hoặc quốc gia nào sẽ là lựa chọn tốt nhất. Vì vậy, bạn sở hữu một chút của tất cả mọi thứ!
Đây là một nghịch lý lớn: bằng cách thừa nhận với bản thân rằng bạn không có lợi thế đặc biệt, bạn đang cho mình một lợi thế to lớn! Tại sao? Bởi vì bạn sẽ làm tốt hơn nhiều so với những nhà đầu tư tự tin thái quá khác, những người tự huyễn hoặc bản thân khi tin rằng họ có thể chiến thắng thị trường. Trong đầu tư, tự lừa dối bản thân có thể là cái giá đắt nhất!
Sai lầm #4: Tham lam, máu cờ bạc và tâm lý thắng nhanh
Chiến thắng chỉ thuộc về những người giữ được tốc độ ổn định và về đích an toàn.
Năm 19 tuổi, tôi thuê một căn nhà trong một khu cao cấp bên bờ Thái Bình Dương ở Marina del Rey, California. Một ngày nọ, tôi đang mang quần áo đến tiệm giặt khô gần nhà thì thấy một chiếc Rolls-Royce Corniche mui trần dừng bên đường và một người phụ nữ kiêu sa bước ra. Tôi không thể không chú ý! Chúng tôi bắt đầu trò chuyện trong khi cô ấy lấy quần áo. Tôi hỏi cô ấy và gia đình làm nghề gì. Cô ấy nói rằng chồng cô ấy đầu tư cổ phiếu penny45 và mọi thứ đang rất tốt đẹp. Tôi đáp lại: “Tôi có thể thấy điều đó. Cô có bí quyết gì có thể chia sẻ cho tôi không?”.
45 Một loại cổ phiếu được giao dịch với giá trị rất thấp, có thể dưới 5 đô-la.
“Thật ra, hiện đang có một loại cổ phiếu phi thường”, cô ấy nói và cho tôi tên của một cổ phiếu đang rất được chuộng - và để tôi nói cho bạn biết, nó giống như một món quà từ thượng đế vậy! Một tin tức rất đáng tin được tiết lộ bởi chính người trong cuộc! Vì vậy, tôi đã lấy 3.000 đô-la, một số tiền tương đương ba triệu đô-la đối với tôi lúc bấy giờ, và dồn hết vào cổ phiếu đó. Bạn đoán xem chuyện gì đã xảy ra? Tôi lỗ sạch số tiền đó! Tôi thấy mình như một gã ngốc vậy.
Từ bài học thương đau đó, tôi nhận ra rằng lòng tham và sự thiếu kiên nhẫn là những yếu tố nguy hiểm trong đầu tư. Tất cả chúng ta đều có khuynh hướng muốn đạt kết quả lớn nhất và tốt nhất càng nhanh càng tốt, thay vì tập trung vào từng thay đổi nhỏ và tích lũy dần theo thời gian. Cách tốt nhất để giành chiến thắng trong cuộc chơi đầu tư là đạt được lợi nhuận bền vững trong dài hạn. Nhưng suy nghĩ đánh nhanh thắng nhanh thật đầy sức cám dỗ, nhất là khi bạn nghĩ người khác đang làm giàu nhanh hơn bạn!
Vấn đề là bạn thường đánh hụt khi cố đánh nhanh thắng nhanh, và điều đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Như chúng ta đã thảo luận ở Chương 5, các nhà đầu tư giỏi nhất luôn kiên định với suy nghĩ không để mất tiền. Bạn còn nhớ bài toán của chúng ta chứ? Khi bạn lỗ 50% trong một khoản đầu tư, bạn phải kiếm được 100% lợi nhuận mới có thể trở về điểm bắt đầu - và điều đó dễ khiến bạn mất cả thập niên.
Thật không may, máu cờ bạc luôn có trong mỗi người chúng ta. Ngành công nghiệp cờ bạc biết rõ điều này và khéo léo khai thác tâm lý cũng như sinh lý của chúng ta: khi chiến thắng, cơ thể chúng ta giải phóng endorphin, một chất hóa học làm chúng ta cảm thấy hưng phấn và không muốn dừng lại; khi thua, chúng ta cũng không muốn dừng lại vì chúng ta thèm muốn có lại lượng endorphin đó và tránh cảm giác mất mát. Các sòng bạc biết cách thao túng chúng ta bằng cách bơm bổ sung oxy vào khán phòng để chúng ta tỉnh táo và cung cấp cho chúng ta đồ ăn thức uống miễn phí để giảm ức chế! Chúng ta càng chơi nhiều, họ càng thắng nhiều.
Wall Street cũng không khác gì một sòng bạc! Các nhà môi giới thích khách hàng giao dịch nhiều vì như vậy họ sẽ thu được nhiều phí. Họ cố gắng thu hút và giữ chân bạn bằng các quảng cáo về chính sách giao dịch miễn phí hoặc chi phí thấp, đồng thời cung cấp “thông tin chi tiết” về thị trường để giúp bạn chọn được các khoản đầu tư lãi to. Đúng vậy! Bạn có nghĩ rằng thật trùng hợp khi nền tảng giao dịch trực tuyến của bạn có giao diện và âm thanh giống như một sòng bạc, với màu xanh lá cây và màu đỏ, nút cuộn màn hình, những hình ảnh nhấp nháy cùng tiếng âm báo réo rắt không? Tất cả đều được thiết kế để phóng thích “nhà đầu cơ” bên trong bạn!
Các phương tiện truyền thông tài chính càng làm cho chúng ta có cảm giác thị trường là một sòng bạc khổng lồ - một môi trường hấp dẫn dành cho những kẻ có máu cờ bạc thích làm giàu nhanh! Chúng ta rất dễ bị đắm chìm trong môi trường đó, và đó là lý do tại sao rất nhiều người bị thua sạch do đặt cược vào các cổ phiếu nóng nhất, các giao dịch quyền chọn và liên tục mua vào bán ra trên thị trường. Các hoạt động này đều được thôi thúc bởi tâm lý muốn trúng giải độc đắc của con bạc!
Điều bạn cần hiểu rõ là có một sự khác biệt rất lớn giữa đầu cơ ngắn hạn và đầu tư dài hạn. Kẻ đầu cơ cầm chắc thất bại, trong khi những nhà đầu tư có kỷ luật - những người trụ vững trên thị trường qua mọi biến động - mới là người chiến thắng, nhờ sức mạnh của lãi kép theo thời gian. Wall Street thắng bằng cách thúc đẩy bạn chủ động giao dịch nhiều hơn, còn bạn giành chiến thắng bằng cách kiên nhẫn ở lại trong cuộc chơi suốt nhiều thập niên. Như Warren Buffett nói: “Thị trường chứng khoán là một công cụ để chuyển tiền từ người mất kiên nhẫn sang người kiên nhẫn”.
Giải pháp: Hãy hiểu đầu tư là một cuộc thi marathon, không phải cuộc đua nước rút.
Vì vậy, câu hỏi lớn mà bạn cần đặt ra là “Về mặt thực tiễn, làm thế nào bạn có thể khiến nhà đầu cơ bên trong bạn im lặng và buộc mình phải là một nhà đầu tư kiên nhẫn, dài hạn?”.
Có một người luôn trăn trở với câu hỏi này, đó là Guy Spier, một nhà đầu tư có tiếng. Guy bắt đầu tham dự các sự kiện của tôi từ khoảng 20 năm trước và anh ấy từng nói nhờ tôi truyền cảm hứng nên anh ấy mới có thể noi gương các nhà đầu tư vĩ đại nhất. Guy đã học theo mô hình đầu tư dài hạn của Warren Buffett. Vào năm 2008, Guy và một nhà quản lý quỹ phòng hộ khác đã chi 650.100 đô-la cho một tổ chức từ thiện để đổi lấy cơ hội ăn trưa với Warren Buffett!
Theo Guy, một trong những rào cản lớn nhất trên con đường dẫn đến thành công đối với hầu hết các nhà đầu tư là họ bị phân tâm bởi những cám dỗ ngắn hạn trên Wall Street. Điều này khiến họ khó duy trì các khoản đầu tư của mình trong thời gian dài và khai thác sức mạnh tuyệt vời của lãi kép. Ví dụ, họ thường xuyên kiểm tra hiệu quả đầu tư của mình và lắng nghe các chuyên gia trên truyền hình và các “chuyên gia” thị trường đưa ra những dự đoán vô ích. “Khi ôm máy tính kiểm tra giá cổ phiếu hoặc các quỹ mỗi ngày, bạn đang bón kẹo ngọt cho bộ não và làm cho nó quen dần với endorphin. Bạn phải biết đây là hành vi gây nghiện và bạn cần dừng lại ngay lập tức. Hãy tránh xa những viên kẹo ấy ra!”, Guy chia sẻ.
Lời khuyên của Guy là chỉ nên kiểm tra danh mục đầu tư của mình mỗi năm một lần. Anh ấy đề nghị bạn dừng hẳn việc theo dõi các kênh tài chính và bỏ qua tất cả nghiên cứu do các công ty ở Wall Street thực hiện. Bạn phải biết động cơ của họ là để bán hàng chứ không phải để chia sẻ kiến thức! “Phần lớn nội dung về thị trường chứng khoán được phân tích và truyền thông là để thúc đẩy hoạt động giao dịch, để kích động chúng ta, vì ai đó ngoài kia đang kiếm được bộn tiền nhờ chính sự kích động đó của chúng ta. Nếu các kênh thông tin thúc giục bạn hành động nhanh, hãy tắt nó đi!”
Thay vào đó, Guy khuyên bạn nên lập “một chế độ tiếp nhận thông tin lành mạnh hơn” bằng cách tìm hiểu những chiến lược khôn ngoan của các nhà đầu tư siêu kiên nhẫn như Warren Buffett và Jack Bogle. Kết quả là gì? “Bạn đang nuôi dưỡng tâm trí mình bằng những suy nghĩ có thể giúp bạn tư duy và hành động vì mục tiêu dài hạn.”
Sai lầm #5: Chỉ hoạt động trong môi trường quen thuộc
Có cả một thế giới rộng lớn ngoài kia, nhưng tại sao nhiều nhà đầu tư lại chỉ chọn những môi trường quá quen thuộc?
Khuynh hướng tự nhiên của con người là ở trong vùng an toàn của mình. Nếu sống ở Mỹ, bạn có nhiều khả năng sẽ thèm một chiếc hamburger với khoai tây chiên hơn là một bữa tiệc gồm gan ngỗng, khoai tây phô mai, hoặc escargot kiểu Pháp. Tương tự, bạn có thể yêu thích một cửa hàng tạp hóa, trạm xăng hoặc quán cà phê mà bạn thường ghé thay vì khám phá những nơi xa hơn.
Trong đầu tư, mọi người cũng có khuynh hướng gắn bó với những gì họ biết rõ nhất, quen thuộc nhất. Đây được gọi là “thiên kiến gần nhà”. Đó là một định kiến tâm lý khiến mọi người đầu tư không cân xứng vào thị trường của đất nước họ - và đôi khi đầu tư quá nhiều vào cổ phiếu của công ty cũng như ngành nghề của chính họ.
Đối với tổ tiên sống trong hang động của chúng ta, thiên kiến gần nhà là một chiến lược sinh tồn khôn ngoan. Nếu bạn mạo hiểm đi quá xa môi trường sống quen thuộc của mình, ai biết được những hiểm họa nào đang rình rập? Nhưng trong thời đại chúng ta, đầu tư trên phạm vi toàn cầu thật sự làm giảm rủi ro tổng thể. Đó là bởi vì các thị trường khác nhau có sự liên đới không hoàn toàn với nhau, có nghĩa là chúng không chuyển động theo cùng một nhịp.
Bạn không muốn bị lệ thuộc quá mức vào bất kỳ quốc gia nào - ngay cả khi đó là nơi bạn sống - bởi vì bạn không bao giờ biết khi nào nó gặp thử thách. Vào cuối những năm 1980, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn dành 98% danh mục đầu tư của họ cho cổ phiếu trong nước. Khuynh hướng này từng giúp họ kiếm được lợi nhuận hậu hĩnh vào phần lớn thập niên 80 của thế kỷ trước, khi thị trường chứng khoán Nhật Bản dường như dẫn đầu thế giới. Sau đó, vào năm 1989, nó sụp đổ và cho tới hôm nay vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn. Một cái giá quá đắt cho niềm tin “đầu tư gần nhà là an toàn nhất!”.
Một báo cáo Morningstar cho thấy trung bình các nhà đầu tư Mỹ trong quỹ tương hỗ có gần 3/4 (khoảng 73%) tổng vốn chủ sở hữu đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ chỉ chiếm một nửa (49%) thị trường chứng khoán toàn cầu. Nói cách khác, người Mỹ chiếm đáng kể thị trường Mỹ, và điều này khiến họ giảm đầu tư vào các thị trường nước ngoài như Vương quốc Anh, Đức, Trung Quốc và Ấn Độ.
Trên thực tế, không chỉ các nhà đầu tư Mỹ nghi ngờ phần còn lại của thế giới! Richard Thaler và Cass Sunstein, những chuyên gia hàng đầu về kinh tế học hành vi, đã viết rằng các nhà đầu tư Thụy Điển có trung bình 48% số tiền của họ trong cổ phiếu Thụy Điển - mặc dù thực tế là Thụy Điển chỉ chiếm khoảng 1% GDP toàn cầu. Họ chia sẻ: “Các nhà đầu tư Mỹ hoặc Nhật Bản sẽ đầu tư khoảng 1% tài sản của mình vào chứng khoán Thụy Điển. Vậy các nhà đầu tư Thụy Điển đầu tư gấp 48 lần như thế có hợp lý không? Tất nhiên là không!”.
Giải pháp: Hãy mở rộng chân trời của bạn.
Điều này thật sự rất đơn giản. Như chúng tôi đã nói trong các chương trước, bạn cần đa dạng hóa trong phạm vi rộng, không chỉ ở các loại tài sản khác nhau mà còn ở các quốc gia khác nhau. Vì thế, bạn cần thảo luận với cố vấn tài chính của mình về việc phân bổ tài sản của bạn trên phạm vi toàn cầu. Khi bạn đã quyết định tỷ lệ phần trăm thích hợp để đầu tư trong nước và nước ngoài, bạn nên viết ra những con số này trong checklist về các tiêu chí thành công của bạn. Điều quan trọng là bạn phải viết xuống lý do tại sao bạn cần sở hữu những khoản đầu tư đó. Bằng cách đó, bạn có thể nhớ lại những lý do này bất cứ khi nào một phần nào đó trong danh mục đầu tư của bạn hoạt động kém hiệu quả.
Những chuyên gia tư vấn hiệu quả nhất có thể giúp bạn giữ vững quan điểm để tránh rơi vào cái bẫy của việc chạy theo trào lưu. Harry Markowitz, người có hiểu biết sâu sắc về lịch sử chứng khoán, nói với tôi: “Gần đây chúng ta có một khoảng thời gian dài thị trường chứng khoán Mỹ hoạt động tốt hơn thị trường châu Âu... Còn các thị trường mới nổi thì đang rơi rụng. Nhưng những chuyện như thế này cứ đến rồi đi mãi thôi”.
Bằng cách đa dạng hóa đầu tư trên phạm vi quốc tế, bạn không chỉ giảm thiểu rủi ro tổng thể mà còn có thể tăng lợi nhuận. Bạn có nhớ trong “thập niên mất mát” từ năm 2000 đến 2009, S&P 500 chỉ mang lại lợi nhuận 1,4% một năm, bao gồm cả cổ tức không? Trong thời gian đó, cổ phiếu quốc tế tăng trung bình 3,9% một năm, trong khi cổ phiếu thị trường mới nổi đạt mức lợi nhuận 16,2% một năm. Vì vậy, đối với các nhà đầu tư đa dạng hóa trên phạm vi toàn cầu, những năm mất mát chỉ là một cú xóc nảy trên hành trình của họ.
Sai lầm #6: Suy nghĩ tiêu cực và nỗi lo mất mát
Bộ não của bạn muốn bạn phải sợ hãi trong thời kỳ hỗn loạn. Đừng nghe theo nó!
Con người có khuynh hướng nhớ lại những trải nghiệm tiêu cực một cách sống động hơn những điều tốt đẹp. Điều này được gọi là “thiên kiến tiêu cực”. Vào thời tiền sử, thiên kiến này rất hữu ích. Nó đã giúp con người nhớ rằng lửa có thể làm ta bị tổn thương, một số loại dâu rừng có thể có độc và thật ngu ngốc khi đánh nhau với một tay thợ săn cao lớn gấp đôi bạn. Nhắc lại kinh nghiệm tiêu cực cũng có thể khá hữu ích trong thời hiện đại: có thể bạn đã quên hôm đó là kỷ niệm ngày cưới nên bị vợ mình cho ngủ ngoài phòng khách, và từ đó về sau bạn không bao giờ phạm phải sai lầm đó nữa!
Nhưng thiên kiến tiêu cực tác động đến cách chúng ta đầu tư như thế nào? Cảm ơn bạn đã đặt ra câu hỏi này! Bạn biết đấy, các đợt điều chỉnh giá và thị trường giá xuống thường xuyên xảy ra. Hãy nhớ là các đợt điều chỉnh đã xảy ra trung bình mỗi năm một lần kể từ năm 1900, còn thị trường giá xuống xảy ra một lần trong mỗi ba đến năm năm. Nếu từng trải qua thị trường giá xuống 2008-2009, hẳn bạn biết rõ nó đau đớn đến mức nào. Nếu, như nhiều nhà đầu tư khác, bạn sở hữu các quỹ hoặc các cổ phiếu bị giảm giá 1/3 hoặc một nửa (hoặc hơn), bạn sẽ không bao giờ quên những trải nghiệm khủng khiếp đó!
Bây giờ, bạn và tôi đã biết rằng các nhà đầu tư giỏi nhất đều thích các đợt điều chỉnh giá và thị trường giá xuống bởi vì đó là khi mọi thứ được bán tháo với giá rẻ. Bây giờ, tôi chắc bạn còn nhớ, Warren Buffett khuyên “hãy tham lam khi người khác sợ hãi”, và Sir John Templeton đã tạo lập khối tài sản lớn của mình vào chính “thời điểm bi quan cực đại” đó. Tới đây, tôi đoán rằng lý trí của bạn biết rằng sự sụp đổ của thị trường là một cơ hội tuyệt vời để xây dựng sự giàu có lâu dài, chứ không phải là điều gì đáng sợ! Nhưng thiên kiến tiêu cực khiến những nhà đầu tư bình thường khó hành động theo hiểu biết này.
Tại sao? Bởi vì giữa sự hỗn loạn của thị trường, bộ não của chúng ta liên tục dội bom chúng ta bằng những ký ức về những trải nghiệm tiêu cực đó. Trên thực tế, có một phần của não - hạch hạnh nhân - hoạt động như một hệ thống báo động sinh học, trút vào cơ thể những tín hiệu sợ hãi khi chúng ta mất tiền! Ngay cả một điều chỉnh nhỏ của thị trường cũng có thể kích hoạt ký ức tiêu cực của chúng ta, khiến nhiều nhà đầu tư phản ứng thái quá vì họ sợ đợt điều chỉnh giá có thể biến thành cơn sụp đổ. Trong thị trường giá xuống, phản xạ sợ hãi này của công chúng trở nên quá mức, khiến cho các nhà đầu tư lo lắng rằng thị trường sẽ không bao giờ phục hồi!
Tồi tệ hơn nữa, các nhà tâm lý học Daniel Kahneman và Amos Tversky cũng chứng minh rằng tổn thất tài chính gây ra đau đớn với cường độ gấp đôi so với niềm vui mà họ nhận được từ lợi nhuận tài chính. Thuật ngữ được sử dụng để mô tả hiện tượng tinh thần này là hiệu ứng “nỗi lo mất mát”.
Vấn đề nằm ở chỗ việc mất tiền khiến các nhà đầu tư đau đớn đến mức họ có khuynh hướng hành động phi lý trí chỉ để tránh khả năng này! Ví dụ, khi thị trường lao dốc, nhiều người bán tháo các khoản đầu tư bị vùi dập của họ và chuyển hết thành tiền mặt vào sai thời điểm - thay vì chộp lấy cơ hội chứng khoán giảm giá chỉ xuất hiện một lần trong đời.
Một lý do tại sao các nhà đầu tư giỏi nhất thành công đến vậy là họ vượt qua khuynh hướng sợ hãi tự nhiên này trong các thời kỳ thị trường rối loạn. Lấy Howard Marks làm ví dụ, trong 15 tuần cuối năm 2008, khi thị trường tài chính bùng nổ trở lại, nhóm của anh ấy tại Oaktree Capital Management đã tung ra 500 triệu đô-la trong vòng một tuần trong áp lực nợ nần cao độ. Đúng vậy! Họ đã đầu tư nửa tỷ đô-la trong một tuần vào quãng thời gian thị trường có 15 tuần liên tiếp u ám mà nhiều người nghĩ rằng tận thế đến nơi! Howard nói với tôi: “Rõ ràng là người ta đang tự hại mình bằng cách bán tháo. Nói chung, đây là thời điểm rất tốt để mua vào”.
Bằng cách bình tĩnh tập trung vào cơ hội săn giá hời này, Howard và đồng đội đã kiếm được hàng tỷ đô-la lợi nhuận ngay khi mùa đông kết thúc và mùa xuân bắt đầu. Điều này đã không bao giờ có thể xảy ra nếu họ không chống lại được nỗi sợ hãi!
Giải pháp: Chuẩn bị là chiếc chìa khóa vàng mở ra cánh cửa thành công.
“Nếu không chuẩn bị gì cả, bạn đang sẵn sàng để thất bại.”
- BENJAMIN FRANKLIN
Đầu tiên, điều quan trọng là bạn cần có sự tự nhận thức. Một khi biết mình dễ bị thương tổn nặng nề bởi thiên kiến tiêu cực và nỗi lo mất mát, chúng ta có thể chống lại những khuynh hướng tâm lý ấy. Rốt cuộc, bạn không thể thay đổi điều gì nếu bạn không nhận thức được nó! Nhưng bạn có thể thực hiện những biện pháp cụ thể nào để nỗi sợ hãi không đánh gục bạn ngay cả trong những lúc hỗn loạn nhất?
Như chúng tôi đề cập ở Chương 6, Peter Mallouk đã rất thành công trong việc giúp khách hàng của mình vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Anh ấy đã giúp khách hàng nhận thức trước về những rủi ro và mất mát của thị trường giá xuống để khi chuyện đó thật sự xảy ra, họ sẽ không cảm thấy bất ngờ hoặc sợ hãi. Anh ấy giải thích cách từng lớp tài sản hoạt động như thế nào trong các thị trường giá xuống trước đó, cho nên họ được chuẩn bị tinh thần kỹ lưỡng cho những gì có thể xảy ra.
Họ cũng biết trước rằng Peter dự định biến tình trạng hỗn loạn này thành lợi thế bằng cách bán các khoản đầu tư “bình ổn” như trái phiếu và dùng tiền thu được để mua thêm cổ phiếu với giá hời. “Chúng tôi vạch ra một quá trình ứng phó rõ ràng và đáng tin cậy, vì vậy họ biết chính xác những gì họ có thể mong đợi. Điều này giảm đáng kể cảm giác không chắc chắn của họ”, Peter nói. Nói cách khác, cách tốt nhất để xử lý tình trạng hỗn loạn của thị trường - và những nỗi sợ hãi mà tình trạng đó có thể gây ra - là chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón nhận nó.
Như chúng tôi đã nhiều lần đề cập, một cách quan trọng để chuẩn bị sẵn sàng là phân bổ tài sản đúng cách. Việc viết ra lý do tại sao bạn đầu tư vào một loại tài sản nào đó trong danh mục đầu tư của bạn cũng rất hữu ích, vì chắc chắn sẽ có lúc loại tài sản ấy hoạt động kém hiệu quả, đôi khi là trong nhiều năm. Nhiều nhà đầu tư mất niềm tin vì họ quá tập trung vào ngắn hạn. Khi tình hình trở nên khó khăn, bạn sẽ có thể xem lại những điều bạn đã ghi xuống để nhắc nhở bản thân rằng tại sao bạn sở hữu từng nhóm tài sản và cách chúng phục vụ các mục tiêu dài hạn của bạn như thế nào.
Quy trình đơn giản này có thể giúp bạn giảm bớt sự nóng vội và cảm tính trong quá trình đầu tư. Miễn là nhu cầu của bạn không thay đổi và tài sản của bạn vẫn phù hợp với mục tiêu của mình, bạn có thể ngồi yên và chờ đợi các khoản đầu tư chứng minh giá trị của chúng.
Có một chuyên gia tư vấn có thể ngồi xuống nói chuyện với bạn về những nỗi bất an và các mối lo ngại của bạn trong giai đoạn khó khăn cũng là một cách hữu ích. Họ sẽ nhắc nhở bạn rằng chiến lược mà bạn đã vạch ra trong lúc bạn bình tĩnh và lý trí vẫn còn giá trị sử dụng. Việc này giống như lái máy bay xuyên qua một cơn bão. Hầu hết các phi công đều ổn dù họ bay một mình, nhưng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi bạn biết rằng có một cơ phó giàu kinh nghiệm đang ở ngay bên cạnh! Hãy nhớ rằng ngay cả Warren Buffett cũng có một chuyên gia tư vấn để đồng hành với mình.
LÀM CHỦ TÂM TRÍ
Giờ đây, khi đã cảnh giác trước những mô thức tâm lý có hại nói trên, bạn có thể đề phòng chúng. Trong hành trình làm người, chúng ta không tránh được va vấp vào lúc này hoặc lúc khác. Suy cho cùng, những thiên kiến mà chúng ta thảo luận trong chương này là một phần của bản năng sinh tồn, nên chúng ta không thể loại bỏ chúng hoàn toàn. Nhưng như Guy Spier nói, “Trọng tâm không phải là cố gắng đạt điểm tuyệt đối. Ngay cả những cải thiện nhỏ trong hành vi của chúng ta cũng có thể mang lại những phần thưởng to lớn”.
Tại sao? Bởi vì đầu tư là một trò chơi tích tiểu thành đại. Nếu lợi nhuận của bạn được cải thiện 2% hoặc 3% mỗi năm, kết quả tích lũy trong nhiều thập niên là rất đáng kinh ngạc, nhờ sức mạnh của lãi kép. Các giải pháp hệ thống mà chúng ta đã thảo luận trong chương này sẽ theo bạn suốt chặng đường dài và giúp bạn tránh - hoặc giảm thiểu - những sai lầm đắt giá nhất mà phần lớn các nhà đầu tư thường mắc phải. Ví dụ, các quy tắc đơn giản này sẽ giúp bạn dễ thực hiện các khoản đầu tư dài hạn hơn, giao dịch ít hơn, giảm được phí đầu tư và chi phí giao dịch, cởi mở hơn với các quan điểm trái chiều, giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hóa trên phạm vi toàn cầu và kiểm soát nỗi sợ khi đối mặt với thị trường giá xuống. Bạn có trở nên hoàn hảo không? Không! Nhưng bạn có thể làm tốt hơn không? Có! Bạn chắc chắn sẽ đầu tư có hiệu quả hơn, và sự khác biệt này có thể mang lại cho bạn hàng triệu đô-la suốt cả đời!
Bây giờ bạn đã hiểu về cả hành vi và tâm lý đầu tư. Bạn đã biết những gì cần thiết để làm chủ tâm trí để bạn có thể đầu tư thành công về lâu dài. Tri thức bạn vừa thu được là vô giá, và nó có thể giúp bạn và gia đình của bạn đạt được tự do tài chính hoàn toàn. Vì thế hãy chuyển sang chương cuối cùng của chúng ta và học cách tạo ra sự giàu có đích thực và lâu dài!