N
gay sau khi Sir Alex Ferguson ký vào bản hợp đồng mới vào năm 1999, ông ấy nói đây sẽ là bản hợp đồng cuối cùng của ông với United và mùa giải 2001/02 đó sẽ là mùa giải cuối ông gắn bó cùng United. Lí do của ông ấy đưa ra là ông ấy muốn nghỉ ngơi sau 21 năm làm huấn luyện viên tại Scotland và Old Trafford. Ông muốn đi du lịch và gặp gỡ gia đình. Có lẽ ông muốn dành nhiều thời gian hơn cho các cuộc đua ngựa. Tôi biết ông ấy dành đam mê cho chúng ngang với tình yêu dành cho bóng đá. Trong số những ngày cuối cùng với tư cách là một cầu thủ của United, tôi và mọi người từng được ông dẫn đến trường đua Chester. Hôm đó là một buổi chiều thật tuyệt vời. Mặc dù giai đoạn cuối tháng 4/2003, tôi đã bị đẩy ra rìa tại Old Trafford, nhưng sự đoàn kết đó sẽ mãi mãi lưu lại trong tôi. Đó thực sự là một gia đình United. Chúng tôi ra ngoài cùng với nhau. Huấn luyện viên và các cầu thủ đã có khoảng thời gian thực sự rất vui vẻ. Khi ông ấy lần đầu nói với mọi người về kế hoạch nghỉ hưu của mình, có cảm giác rằng vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước. Nhưng trong suốt năm 2001, mọi thứ bắt đầu dần trở thành hiện thực khi kế hoạch đó được mọi người nói đến trong các câu chuyện, đề cập đến nhiều hơn trong các bài báo. Còn có cả những câu chuyện về việc ông sẽ trở thành một đại sứ của câu lạc bộ trong tương lai gần. Cũng có cả những bài báo cho rằng mối quan hệ bất hòa với Ban lãnh đạo Manchester United là nguyên nhân dẫn đến việc ông giải nghệ. Họ còn cho rằng ông sẽ cắt đứt mọi mối quan hệ với sân Old Trafford. Các cầu thủ không hề biết bất cứ điều gì ngoài những điều được đăng tải tràn lan trên khắp các mặt báo. Mọi thứ chỉ mãi là tin đồn cho đến khi ông và các cầu thủ như chúng tôi ngồi lại và ông nói rằng mình sẽ giải nghệ vào tháng 5 tới (tức tháng 5/2001). Điều đó cũng có nghĩa là mùa giải 2000/01 sẽ là mùa giải cuối cùng của chúng tôi với ông. Khi bắt đầu tập luyện và thi đấu, chúng tôi có lẽ chưa bao giờ nghĩ đến hay bàn tán trong phòng thay đồ về việc ông ra đi. Chúng tôi chưa từng nghĩ về viễn cảnh cuộc sống tại United không có ông trên băng ghế huấn luyện. Tôi chắc rằng tôi không phải là người duy nhất có những khúc mắc với Sir Alex. Hay trong cuộc sống, bạn có thể không muốn làm việc cùng với ông ấy, nhưng tất cả các cầu thủ đều công nhận rằng gắn bó với ông ấy tức là chúng ta đang được song hành với người xuất sắc nhất thế giới.
Những ngày đầu cập bến Manchester United khi vẫn còn là một đứa nhóc lần đầu xa gia đình, Sir Alex đã biết tên tôi. Ông ấy biết cả gia đình tôi, từ bố mẹ cho đến chị gái. Ông biết mọi thứ về tôi. Và tôi luôn có cảm giác mình được chào đón đến với Manchester United. Mọi thứ khi ấy đơn giản như là việc tôi rời gia đình này để đến với một gia đình khác. Đó là điều rất tuyệt vời ở bất cứ huấn luyện viên nào để giúp các cầu thủ cảm nhận được rằng ông luôn quan tâm và luôn hiểu họ. Hãy lấy trường hợp của Ruud van Nistelrooy làm ví dụ. Sir Alex luôn giữ liên lạc với anh ấy khi anh gặp phải chấn thương nghiêm trọng. Ông giúp Ruud bớt lo lắng và tin tưởng vào việc sớm trở lại. Và cũng từ đó, các cầu thủ cũng sẽ dần cảm nhận được trách nhiệm của họ phải đáp lại sự tin tưởng và quan tâm của Sir Alex. Điều đó cũng lí giải vì sao Ruud thi đấu bùng nổ để giúp United giành chức vô địch Ngoại hạng Anh năm 2003 (mùa giải mà tiền đạo người Hà Lan giành Vua phá lưới với 25 bàn thắng).
Sir Alex luôn biết cách để làm các tân binh của đội bóng cảm nhận được tình yêu thương và có cảm giác câu lạc bộ như là ngôi nhà thứ hai của họ ngay từ ngày đầu. Thế nhưng khi mối quan hệ tốt đẹp giữa hai người đã được hình thành bền chặt thì khó có thể cảm nhận được khi nào ông ấy quay lưng lại. Sir Alex giống như một người cha luôn ở bên cạnh các cầu thủ để bảo vệ, cho bạn lời khuyên và lắng nghe khi bạn gặp khó khăn vì bạn là một phần của gia đình đó, một phần của câu lạc bộ. Với các ngôi sao trẻ, tiềm năng, ông luôn muốn tất cả cảm nhận được sự đặc biệt của câu lạc bộ đối với họ. Thế nhưng, có những cầu thủ như Dwight Yorke hay Jaap Stam, dù đã đóng góp những điều tuyệt vời cho United nhưng một ngày họ lại bất chợt nhận ra mình đã không còn có chỗ đứng ở ngôi nhà đó và không còn cách nào để tìm lại. Họ vẫn thường nói với ông ấy rằng họ không phù hợp với câu lạc bộ. Nhưng cuối cùng chính tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, cho dù khi bắt đầu mùa giải 2001/02, tôi chưa từng nghĩ về những điều như thế có thể xảy đến với mình.
Sir Alex nổi tiếng là người dễ nổi nóng. Những người bên ngoài phòng thay đồ của United sẽ không thể nào hiểu được phong cách làm việc với các cầu thủ của ông ấy truyền cảm hứng đến nhường nào. Họ sẽ không thể nào thấy ông ấy vui đùa, hay tươi cười với các cầu thủ. Khi mọi thứ đều ổn, ông sẽ rất vui vẻ bên các học trò. Nếu phòng thay đồ của United tưng bừng bao nhiêu sau mỗi chiến thắng lớn, thì ông ấy còn vui hơn thế rất nhiều. Ông ấy đã đúng trong việc giữ một khoảng cách với các cầu thủ trong phần lớn thời gian. Cho dù ân cần với các học trò, nhưng hiếm khi thấy ông ấy quá thân thiết hay gần gũi với người này hơn người kia trong một tập thể. Thậm chí nếu có, thì chỉ có mối quan hệ của ông ấy với một hoặc hai người như Cantona hay Roy Keane có sự khác biệt so với phần còn lại.
Huấn luyện viên trưởng luôn hiểu bóng đá theo cách rất khác so với mọi người. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cho dù đội bóng ở hoàn cảnh nào, dù là đang trong một mùa giải, hay là một trận đấu, các cầu thủ luôn có cảm giác rằng ông ấy luôn biết đội bóng cần làm gì. Ông luôn ý thức được mình có sức mạnh để thay đổi mọi thứ và không bao giờ sợ khi làm những điều đó, dù cho không đạt được điều gì, hay bất cứ ai nói điều gì đi chăng nữa. Tôi nghĩ mọi người cũng đã nghe đủ về biệt danh “Máy sấy tóc” của ông ấy. Đó là những gì đã diễn ra tại phòng thay đồ của United. Những người bên ngoài sân Old Trafford nên hiểu rằng bất cứ thứ gì Sir Alex làm là những điều tốt cho toàn đội trong từng thời điểm cụ thể. Đó là những gì mà chúng tôi, những người trong cuộc luôn hiểu rõ nhất.
Tôi vẫn còn nhớ về một trận đấu khá thú vị. Nó diễn ra vào một tuần trước khi tuyển Anh thi đấu với Hy Lạp vào năm 2001 trên sân White Hart Lane. Tôi thực sự rất nhớ buổi chiều hôm đó. Đó là lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình tôi ra sân với tư cách đội trưởng đội 1 của Manchester United. Và cách mà Sir Alex báo tin đó cho tôi thực sự là điển hình cho tính cách của ông ấy. Ông chỉ đơn giản là treo thẻ thi đấu của các cầu thủ trên tủ đồ của tôi trước bữa tối của đội tại khách sạn đêm hôm trước. Việc giữ thẻ thi đấu của các cầu thủ trong đội là công việc của một người đội trưởng. Tôi thậm chí còn không kịp quay lại hay phản ứng gì lúc đó thì ông ấy đã vội quay đi và đi ra đầu kia của căn phòng. Tôi rất tự hào, đặc biệt là khi tôi biết ông nội mình, người vẫn luôn theo dõi Spurs cũng sẽ có mặt ở đó cùng với bố mẹ tôi.
Việc được làm đội trưởng của United có lẽ cũng quá đủ để khiến tôi nhớ mãi ký ức về buổi chiều hôm ấy. Và đến giờ nó vẫn còn xuất hiện trong tâm trí tôi. Có lẽ chẳng ai như tôi cả, nhất là khi có rất nhiều thứ khác cũng đã diễn ra trong cùng buổi chiều ấy. Kết thúc hiệp 1 trận đấu, chúng tôi bị Tottenham dẫn trước tới 3 bàn. Có lẽ trong hoàn cảnh đó, người ta sẽ mong đợi huấn luyện viên trưởng của mình cố gắng tạo ra một sự thay đổi lớn nào đó ở nhân sự, hoặc cũng có thể là một cơn thịnh nộ nào đó. Nhưng trong buổi chiều ấy, Sir Alex bước vào phòng thay đồ và hoàn toàn bình tĩnh. Ông không hề la mắng hay chỉ trích bất cứ ai trong đội. Không có từ ngữ nóng nảy nào được thốt ra. Tôi ngồi bệt trên sàn và nghĩ về viễn cảnh rằng trận đấu coi như đã kết thúc với chúng tôi. Tôi nhìn xung quanh, mọi người đều cúi gằm xuống và có vẻ cùng chung suy nghĩ với tôi. Sir Alex bước vào và ngồi cạnh chiếc thùng đồ dụng cụ của đội và ông chỉ nói:
“Hãy rút ngắn tỉ số xuống nào!”
Ông biết các cầu thủ của mình thi đấu đủ tốt và trao cho chúng tôi sự tin tưởng để khiến chúng tôi phản ứng lại theo cách mà ông ấy muốn. Tôi chắc chắn không phải một mình đoán được suy nghĩ trong đầu ông ấy là: chúng tôi sẽ không thua Spurs theo cách này.
Chúng tôi trở lại sân để thi đấu hiệp 2 của trận đấu, Andy Cole sớm có được bàn thắng và chúng tôi lật lại thế cờ với chiến thắng 5-3 khi trận đấu kết thúc. Đó có lẽ là 45 phút thú vị nhất mà tôi từng được thi đấu. Điều quan trọng là Sir Alex đã rất lạnh lùng và trấn an chúng tôi trong giờ nghỉ, thay vì nóng nảy như mọi người vẫn nghĩ. Với tôi, có thể ông ấy là người đòi hỏi rất nhiều từ các cầu thủ, nhưng ông ấy luôn dành niềm tin cho chúng tôi hơn cả chính chúng tôi nghĩ về bản thân mình.
Như những gì tôi đã nói, Sir Alex luôn khiến các cầu thủ cảm thấy thật đặc biệt. Khi ông ấy nói với bạn rằng ông ấy hài lòng với những gì mà bạn làm trong một trận đấu hay trong một buổi tập, điều đó sẽ thực sự có giá trị. Tôi cũng không chắc về việc ông ấy nghĩ về tôi ra sao khi tôi được bầu làm đội trưởng của đội tuyển Anh. Thời điểm đó, ông không hề nói gì với tôi, mặc dù tôi có đọc được ở một vài tờ báo nào đó rằng: ông không thực sự nghĩ tôi phù hợp với vai trò đội trưởng và không nghĩ đó là một ý kiến hay. Nhưng trong suốt giai đoạn chiến dịch vòng loại World Cup, sau khi chúng tôi đánh bại Đức, ông ấy đã trực tiếp nói với tôi điều này:
“Cậu làm tôi khá bất ngờ đấy. Điều đó sẽ giúp cậu xuất sắc hơn. Có lẽ là trưởng thành hơn. Tôi chưa từng nghĩ cậu có thể làm tốt như thế trong vai trò một đội trưởng.”
Việc lắng nghe trực tiếp những điều đó từ Sir Alex có ý nghĩ rất lớn đối với tôi. Điều đó giống như việc tôi nhận được lời khen từ bố mẹ khi tôi còn bé. Cách ông ấy cư xử với các cầu thủ luôn giữ họ tập trung bằng việc dành cho họ lời khen khi cần thiết và sau đó là đưa họ trở lại với thực tế nếu ông ấy nghĩ họ đã vượt qua được bản thân. Khi tôi được triệu tập lên đội 1 thi đấu, số áo đấu của tôi là 24. Mùa giải sau đó tôi được trao chiếc áo số 10. Điều đó mang ý nghĩa lớn với tôi. Denis Law và Mark Hughes là những người mặc số áo đó trước tôi. Có lẽ lịch sử gắn liền với số áo huyền thoại đó là lí do giúp tôi ghi rất nhiều bàn thắng kể từ khi nhận số áo ấy. Tôi vẫn nhớ, vào mùa hè khi chúng tôi ký hợp đồng với Teddy Sheringham, Sir Alex đã gọi điện cho tôi khi tôi đang ở ngoài nghỉ dưỡng tại Malta. Ông ấy gọi cho tôi để trao đổi với tôi về việc lấy lại số áo đó. Không giải thích, không thay thế hay không có trao đổi nào cả. Tôi vẫn nhớ mình đã kể chuyện này cho Gary Neville:
“Ông ấy làm thế để làm gì? Tại sao ông ấy lại gọi cho tôi để bảo tôi điều đó? Ông ấy muốn phá hỏng kì nghỉ của tôi hay sao?”
Tôi thực sự rất thất vọng và cố gắng để hiểu xem tôi đã làm gì sai. Sau đó khoảng một tháng khi chúng tôi trở lại tập luyện trước mùa giải, ông ấy đã chuẩn bị cho tôi một chiếc áo khác: số 7. Sir Alex đã trao tôi số áo của Cantona. Vinh dự bất ngờ ấy khiến tôi ngừng tìm kiếm lí do.
Cũng như chuẩn bị cho cả đội trước mỗi trận đấu, Sir Alex luôn luôn cẩn thận chuẩn bị cho từng cá nhân. Trong phòng thay đồ, cho dù trước một trận đấu tại Champions League hay trước một trận giao hữu, ông ấy luôn muốn tôi hiểu được ông ấy đang kì vọng gì từ tôi. Và ông sẽ cho tôi thông tin hay lời khuyên mà tôi cần để tôi chiến đấu vì nó. Ông ấy luôn nói đến giá trị mà mỗi cầu thủ có thể đóng góp cho đội bóng. Cho đến mùa thu năm 2001, khi đã quen Sir Alex một thời gian dài, tôi thấy mình học hỏi ông ấy rất nhiều điều qua từng ngày. Hãy nhìn vào những kỉ lục của ông ấy tại United và trước đó là tại Aberdeen. Giống như bất cứ ai ở trong hay cả ngoài Old Trafford, tôi không ngừng suy nghĩ về việc liệu xem ai có thể thay thế Sir Alex.
Có những huấn luyện viên tuyệt vời như Martin O’Neill và Giovanni Trapattoni và thậm chí là Sven-Goran Eriksson đã được nhắc đến về công việc tại United. Tại Old Trafford, công việc này cần nhiều thứ hơn, chứ không chỉ là một bản CV phù hợp. Bất cứ huấn luyện viên mới nào cũng sẽ phải như Sir Alex - là một người đàn ông có một sứ mệnh của mình. Đó là lí do tại sao rất nhiều người ngưỡng mộ ông ấy đến thế. Nhưng thực tế, cho dù Sir Alex nói gì hay làm điều gì, tôi chỉ đơn giản là cống hiến cho câu lạc bộ, chứ không phải Alex Ferguson. Bất cứ ai quan tâm đến United, bất cứ ai thực sự hiểu bóng đá cũng đều nhận ra ông ấy là Manchester United. Thậm chí sau khi chúng tôi giành “cú ăn ba”, mặc dù ông ấy thừa nhận đó thực sự là một đỉnh cao với chúng tôi, nhưng ngay lập tức, ông đã nghĩ về tương lai, về việc chúng tôi cần tiếp tục và về trận đấu tiếp theo.
Khát khao mang những thành công về sân Old Trafford chính là động lực khiến mỗi người trong chúng tôi hướng về phía trước trong suốt 15 năm của thế hệ của tôi, anh em nhà Nevilles, Paul Scholes, Ryan Giggs và Nicky Butt. Mặc dù vậy, có cảm giác Sir Alex vẫn luôn căng thẳng hơn bất cứ ai. Ông không bao giờ ngồi yên một chỗ cả, luôn luôn sốt sắng cho những thử thách tiếp theo của toàn đội. Chính sự thúc giục của ông ấy có tính chất quyết định và vai trò quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác đối với những thành công của chúng tôi. Không cần rao giảng trên truyền thông, nhưng các cầu thủ luôn hiểu Sir Alex có giá trị quan trọng như thế nào đối với những thứ mà chúng tôi đã đạt được. Trong trường hợp của tôi, tôi hiểu ông ấy đã nhận ra rằng cho dù có chuyện gì xảy ra với cuộc sống của tôi đi chăng nữa, tôi cũng sẽ không bao giờ để United phải thất vọng vì thiếu cố gắng. Trên hết, tôi là một cầu thủ của Manchester United. Kể từ khi tôi đặt chân đến Old Trafford, điều đó cũng có ý nghĩa rất nhiều với Sir Alex.
Đầu mùa giải 2001/02, phong độ của chúng tôi lên xuống khá thất thường. Rất nhiều nhà phân tích cho rằng lí do cho việc này chính là tương lai bất định của huấn luyện viên trưởng. Có hàng tá những câu chuyện, lời đồn thổi rằng là Sir Alex tiếc vì đã thông báo việc mình giải nghệ sớm khiến chúng tôi không còn sợ ông ấy nữa. Thành thật mà nói, điều đó không hề đúng. Không ai trong số chúng tôi muốn ông ấy ra đi cả. Một khi chúng tôi đã bước vào tập luyện và thi đấu thì những suy nghĩ về tháng 5 sắp tới và việc huấn luyện viên trưởng ra đi thực sự không ảnh hưởng đến chúng tôi. Chúng tôi không thể nào lấy đó làm lời giải thích cho việc thất bại trong những trận đấu. Mối quan tâm duy nhất của tôi là về câu hỏi ai sẽ là người thay thế ông ấy. Tôi đang cố gắng để được gia hạn hợp đồng với United và tôi khá lo lắng rằng mối quan hệ của tôi với ông thầy mới có thể sẽ không tốt như những gì mà tôi đã từng có với Sir Alex. Và cũng vì tôi là một cổ động viên trung thành của United, Alex Ferguson là một trong những nguyên nhân chính khiến tôi rời London và kí hợp đồng với đội bóng chủ sân Old Trafford khi còn là một cậu bé. Những nghi ngờ về tương lai của Sir Alex cũng không thể nào ảnh hưởng đến cách chơi của United ở thời điểm đó và thậm chí là bây giờ.
Nếu toàn đội bất ổn, có lẽ sẽ có nhiều việc phải làm hơn khi United để mất Steve McClaren trên băng ghế huấn luyện sau mùa hè. Tôi đã từng nghĩ Steve có cơ hội cao để trở thành huấn luyện viên trưởng. Trong tháng 6/2001, ông ấy đã rời United để trở thành huấn luyện viên trưởng của Middlesbrough.
Với việc Sir Alex sẽ giải nghệ vào mùa hè năm sau, tôi không nghĩ Steve cần thêm một sự đảm bảo nào nữa để chắc chắn rằng ông sẽ thay thế Sir Alex. Có lẽ ông ấy chỉ muốn ông ấy có cơ hội đó. Tôi nghĩ đã có cuộc gặp gỡ nào đó đằng sau tất cả giữa ông ấy và câu lạc bộ và có lẽ mọi thứ đã sáng tỏ khi United không xem ông ấy là sự lựa chọn số 1 trên băng ghế chỉ đạo. Vì thế, khi Steve được đề nghị công việc tại Middlesbrough, có lẽ không ai bất ngờ khi ông ấy đã nhận nó. Tất cả chúng tôi đều mong muốn những điều tốt đẹp đến với ông ấy. Trong suốt mùa giải năm đó, Sir Alex tham gia vào những buổi tập luyện từ ngày này qua ngày khác. Trong năm 2001/02, không bận tâm suy nghĩ về việc nghỉ hưu, ông tham gia vào công tác huấn luyện nhiệt tình hơn tất cả các mùa khác. Mặc dù vậy, Steve ra đi là một mất mát cực lớn: những buổi tập với ông ấy thực sự rất thoải mái và thú vị về mặt chiến thuật. Ông ấy luôn biết cách để kết nối với các cầu thủ tốt hơn bất cứ ai mà tôi từng có dịp làm việc cùng. Trong một vài năm làm việc chung, ông đã đặt dấu ấn thực sự của mình tại Old Trafford giống như những gì tại đội tuyển Anh.
Tất nhiên, tôi vẫn có cơ hội được làm việc cùng với Steve ở cấp đội tuyển quốc gia, khi ông ấy làm việc tại đội tuyển Anh trong khi vẫn đảm đương công việc của Boro cho đến sau kì World Cup 2002. Chúng tôi đã làm việc cùng với nhau trong trận đấu của đội tuyển Anh gặp Đức tại Munich. Và 4 ngày sau đó, chúng tôi lại cùng nhau có mặt tại St James’ Park để đấu với Albania. Steve đã nói về việc sẽ cố gắng để giành được chiến thắng. Và Sven và chúng tôi đã làm được điều đó. Đêm thứ Tư là thời điểm để chúng tôi biến chiến thắng 5-1 trước Đức trở nên có ý nghĩa: giành được 3 điểm ở trận đấu cuối cùng và đi World Cup. Nhưng việc sẵn sàng cho điều đó không tạo ra sự khác biệt nào. Trận đấu với Albania trên sân nhà hóa ra lại là một trận đấu khó khăn hơn chúng tôi tưởng. Các cầu thủ có vẻ khá mệt mỏi. Bầu không khí lại xuất hiện sự kì vọng, đặc biệt là sau những gì đã xảy ra tại Munich. Mọi người bắt đầu có suy nghĩ rằng nếu chúng tôi có thể đánh bại Đức 5-1 trên sân khách thì chúng tôi có thể đánh bại bất cứ ai. Chúng tôi đã đánh bại Albania nhưng đó chỉ là một chiến thắng không thực sự thuyết phục. Họ đã không còn cơ hội đi tiếp tại vòng loại World Cup và chẳng còn gì để mất. Họ thi đấu quyết liệt và đôi công. Và họ rất thích điều đó. Chúng tôi gần như rơi vào tình trạng bế tắc. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng giành được chiến thắng 2-0 và có được 3 điểm.
Vì thế, mọi thứ đổ dồn vào trận đấu cuối cùng với Hy Lạp tại Old Trafford. Đánh bại Albania đồng nghĩa với việc chúng tôi bước vào trận đấu cuối cùng với tư cách đội đứng đầu bảng, bằng điểm với đội tuyển Đức nhưng hơn về hiệu số bàn thắng bại. Có lẽ mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu chúng tôi có thể thi đấu trận đấu cuối cùng với Hy Lạp ngay vào cuối tuần đó. Chúng tôi khá mệt mỏi và cũng tương đối thất vọng với phong độ của mình ở trận đấu với Albania. Nếu thi đấu với Hy Lạp ngay vào thứ Bảy, chúng tôi có thể sẽ thi đấu và đánh bại họ dễ dàng. Nhưng thay vì thế, chúng tôi phải chờ một tháng sau. Một tháng để mọi cầu thủ quay trở lại với việc giành chiến thắng cùng với câu lạc bộ. Một tháng cho những nghi ngờ về trận đấu có tính chất quyết định đến cơ hội của đội tuyển Anh tham dự World Cup vào mùa hè năm sau. Những tuần đó dường như kéo chúng tôi lại và khi đội hình tập trung trở lại, và những ngày tập luyện để xây dựng lại đội hình cũng trở lại.
Chúng tôi gặp nhau vào Chủ nhật và ở tại khách sạn Marriott tại ngoại ô Manchester. Cả trong lẫn ngoài khách sạn, mọi người đều nói chuyện về tầm quan trọng của trận đấu và về ý nghĩa của vòng loại World Cup. Liệu chúng tôi có phải giành chiến thắng? Liệu một trận hòa có đủ để đi tiếp? Còn về hiệu số bàn thắng thua thì sao? Chúng tôi gần như bị ngộp thở khi bị cuốn vào những câu chuyện đó. Nhưng điều quan trọng nhất là đánh bại Hy Lạp, đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ không cần phải quan tâm đến kết cục của trận đấu giữa Đức và Phần Lan. Chúng tôi cố gắng tập trung đến những thứ đó. Trong khi đó, giới truyền thông trong nước và các cổ động viên nước Anh thì lại nghĩ chúng tôi đã qua những giai đoạn khó khăn của vòng loại và giờ đây đang đứng trước một kho điểm trên sân nhà. Nhưng thực tế, chúng tôi đã có 5 ngày sống trong lo lắng và sợ hãi. Thứ Bảy đã đến và mọi thứ có vẻ căng thẳng hơn những gì chúng tôi tưởng tượng trước đó.
Tôi vẫn ở trong trạng thái căng thẳng đó như mọi người khác, cho dù so với các cầu thủ Anh khác tôi có một vài thứ lợi thế hơn giúp tôi vượt qua tình trạng đó. Đầu tiên, đây là trận đấu trên sân Old Trafford. Lần cuối tôi từng dự bị một trận đấu quốc tế tại đây là trận đấu gặp Nam Phi năm 1997. Bây giờ là 6/10/2001 và tôi đang là cầu thủ của United dẫn dắt cả đội tuyển Anh với vai trò một người đội trưởng. Có ai mà không muốn hướng đến những thời khắc như thế chứ? Thứ hai, chúng tôi sẽ thi đấu trong bộ trang phục màu trắng. Trong suốt cả tuần đó, người phụ trách trang phục của đội tuyển Anh đến gặp Sven để hỏi về vấn đề đó nếu có thể. Bộ trang phục màu trắng với kẻ đỏ. Màu đỏ của United kết hợp trong phiên bản của đội tuyển Anh hay thậm chí là màu sắc của Real Madrid là những thứ xuất hiện trong bộ trang phục ấy. Tôi rất thích mẫu áo đó. Và huấn luyện viên trưởng tuyển Anh đã đồng ý cho chúng tôi mặc nó trong trận đấu với Hy Lạp. Từ trang phục đến sân thi đấu đều ổn và điều mà tôi không biết trước có lẽ là việc tôi sẽ gặp một “thiên thần” bé nhỏ, Kirsty Howard trong đường hầm tại Old Trafford chiều hôm đó.
Lần đầu tiên tôi nghe về Kirsty Howard là từ bố tôi vào giữa tuần. Ông ấy đã gọi điện cho tôi để nói về cô bé ấy:
“David này, Kirsty rất đáng yêu, nhưng không được khỏe mạnh cho lắm. Nó sẽ đi ra sân cùng với con vào hôm thứ Bảy tới. Hãy chăm sóc cô bé nhé.”
Bố cũng tham gia sắp xếp cùng với FA và đó là lí do tại sao ông biết tất cả về Kirsty và quỹ từ thiện Francis House Children’s Hospice mà bé ấy đang tham gia gây quỹ. Khi chúng tôi đến sân Old Trafford vào chiều thứ Bảy, trước khi tôi bước vào phòng thay đồ, tôi đã xuống đường hầm để gặp cô bé. Kirsty đang chờ tôi cùng với mẹ và bố cùng một vài người từ quỹ từ thiện. Cô bé đứng kiên nhẫn cùng với một nụ cười thật đáng yêu. Tôi thấy Kirsty cười và chợt nhận ra bình oxy đằng sau. Tôi ngồi xuống và nói chuyện với cô bé trong một vài phút để hiểu hơn về những gì mà cô bé đang phải chống chọi. Đó là bệnh tim bẩm sinh và một vài cơ quan trong cơ thể không được tốt. Cô bé giải thích mình đang gây quỹ như thế nào cho những đứa trẻ khác tại bệnh viện nơi mình đang được chữa trị. Tôi hỏi cô bé về cảm giác và trước khi cô bé trả lời, ai đó đằng sau đó nói nhỏ:
“Cháu có muốn hôn chú ấy không?”
Lúc đầu, Kirsty có vẻ khá ngại ngùng nhưng cuối cùng cô bé cũng thơm vào má tôi một cái. Và đến lúc tôi phải đi. Tôi đứng dậy và nói:
“Chú sẽ gặp con trong một vài phút nữa. Khi chúng ta đi ra ngoài sân, được chứ?”
Kirsty ngoảnh lại nhìn tôi. Cô bé gật đầu, cười và rồi tôi bước vào phòng thay đồ. Mất khoảng một hoặc hai phút gì đó để tôi nhận ra bầu không khí khá lạ lẫm và tĩnh lặng trong đó. Không giống như tuyển Anh thường ngày. Không ai nói chuyện với ai. Sven nói:
“Các cậu phải nhớ chơi bóng thật nhanh.”
Tất nhiên, chúng tôi đã không thể làm được điều đó trong suốt cả buổi chiều hôm ấy. Chuông reo và chúng tôi bước ra ngoài. Trong đường hầm, tôi nắm tay Kirsty. Cô bé có bàn tay khá nhỏ, có lẽ chỉ nhỏ bằng một ngón tay của tôi. Cô bé dựa vào tôi và tôi hỏi bé xem nó có sợ không. Bé đáp:
“Không.”
Tôi nở nụ cười.
“Có khoảng 65.000 người bên ngoài sân đang chờ đợi chúng ta và hy vọng chúng ta sẽ có vé đến thẳng World Cup. Nếu con không sợ thì có lẽ con là người duy nhất ở đây làm được điều đó.”
“Không, con không sợ.”
Kirsty nhìn tôi và nở một nụ cười cho thấy rằng cô bé vẫn ổn. Chúng tôi cùng nhau bước ra sân trong tiếng vỗ tay reo hò của các cổ động viên. Ống kính máy quay hướng về cô bé Kirsty trong suốt dọc đường đi. Cô bé duyên dáng và đĩnh đạc hẳn ra khi xuất hiện cùng các cầu thủ. Có lẽ tôi chỉ ước chúng tôi có được tâm lí thoải mái như Kirsty, người “ngầu” nhất tại sân Old Trafford lúc bấy giờ. Cô bé thật tuyệt vời.
Kể từ buổi chiều hôm đó, Kirsty và tôi cũng như Victoria đã thực sự trở thành những người bạn. Chúng tôi giúp cô bé gây quỹ khi cần nhưng tôi không muốn ai nghĩ rằng mối quan hệ của chúng tôi chỉ xung quanh việc gây quỹ đó thôi. Kirsty rất thú vị với đầy năng lượng và sức sống. Khi ở cạnh cô bé, bạn sẽ luôn nghĩ rằng cô bé vẫn giống như mọi người và không bao giờ nghĩ cuộc sống của cô bé lại mỏng manh đến thế. Bỏ qua những ý nghĩ rằng cô bé bị khuyết tật, bạn có thể nhìn thấy nhân cách, quyết tâm đã tạo ra sự khác biệt đối với những người khác, đó là sự hạnh phúc trên khuôn mặt của cô bé. Cô bé là người dũng cảm nhất mà tôi từng biết. Tôi vẫn nhớ vào mùa hè năm 2002 khi Đại hội thể thao khối thịnh vượng chung diễn ra (Commonwealth Games) tại Manchester, khi tôi sải những bước chạy cùng với ngọn đuốc bên trong sân vận động, tôi đã gặp cô bé Kirsty trước khi cả hai cùng chào đón Nữ hoàng Anh. Trong suốt đường chạy, tôi chỉ sợ ngọn lửa trên ngọn đuốc sẽ tắt, hay chiếc quần thể thao của tôi bị tụt xuống. Nhưng ngay khi gặp cô bé Kirsty, mọi thứ lo lắng trong đầu tôi chợt biến mất. Bất chợt, đó là khoảnh khắc của hai chúng tôi trên sân vận động ấy: bạn có thể nhìn vào ánh mắt của cô bé và nhận lại là sự điềm tĩnh và đầy cảm hứng. Nụ cười của Kirsty có thể khiến bạn gần như ra khỏi thế giới của bạn và bước vào một chân trời mới của cô bé, nơi mà cô bé sẽ dẫn bạn đi với những bước đi của cô bé. Đội trưởng đội tuyển Anh ư? Nữ hoàng Anh ư? Cả hàng nghìn người đang theo dõi bạn trên khán đài? Rất hân hạnh được gặp tất cả, tôi là Kirsty Howard và tôi rất ổn.
Và đó là cách chúng tôi bước những bước đi đầy tự tin trên sân Old Trafford. Tôi đã lo lắng về những thứ đó suốt cả tuần. Bất ngờ, tôi chẳng còn nghĩ về trận đấu nữa, chẳng còn băn khoăn về cơ hội của chúng tôi hay khát khao mà chúng tôi đang có. Tôi chỉ muốn chắc chắn rằng Kirsty luôn ổn và đi bên cạnh tôi. Cô bé bắt tay với từng người mà cô bé gặp hôm đó. Cô bé gần như tỏa sáng. Việc gặp Kirsty vào thời điểm đầu buổi chiều vẫn luôn xuất hiện trong tâm trí của tôi cùng với việc ghi bàn thắng vào cuối trận đấu ngày hôm đó.
Cuối cùng, Kirsty cũng rời sân và trở lại vào bên trong và tôi luôn tự nhắc nhở bản thân rằng chúng tôi đang có một trận đấu quan trọng phía trước với nhiệm vụ phải thắng. Nhưng mọi thứ với Hy Lạp thật sự không dễ dàng gì với chúng tôi kể từ khi trận đấu được bắt đầu. Họ vẫn quyết tâm bước vào trận đấu này cho dù đã chính thức không còn cơ hội đi tiếp. Tôi vẫn còn nhớ một vài cầu thủ của họ đã nhảy vào tranh cãi với tôi sau những tình huống tranh chấp, dù không nói tiếng Hy Lạp, nhưng tôi vẫn hiểu những gì mà họ đang nói. Họ thi đấu khá tốt khiến chúng tôi gần như không thể phản ứng kịp. Các cầu thủ trên sân bắt đầu cảm thấy lo lắng và trên khán đài, đám đông các cổ động viên có lẽ cũng xôn xao về những diễn biến khó khăn trên sân. Trận đấu diễn ra khá cân bằng và chúng tôi cần một bàn thắng để có mặt ở World Cup 2002. Sau khoảng nửa giờ thi đấu, rắc rối bắt đầu xuất hiện khi chúng tôi không thể nào chọc thủng lưới đội khách Hy Lạp. Chỉ 10 phút sau, thảm họa thực sự ập đến khi Hy Lạp mở tỉ số. Sau bàn thua, chúng tôi gần như không thể tìm thấy được nhịp điệu để có thể trở lại trận đấu. Từ suy nghĩ phải giành được chiến thắng để chắc suất có mặt tại World Cup, chúng tôi rơi vào trạng thái nghĩ rằng cả đội sẽ cố gắng có được ít nhất một trận hòa để có cơ hội. Kết thúc hiệp 1, Sven vẫn có vẻ khá bình thản.
“Chúng ta cần đẩy cao nhịp độ của trận đấu. Chúng ta sẽ chờ bàn thắng đến. Chúng ta cần đoàn kết và cố gắng và điều đó sẽ khiến mọi thứ diễn ra.” Khởi đầu của hiệp thi đấu thứ 2 tốt hơn hiệp đầu tiên nhưng không quá nhiều. Không ai nói điều gì nhưng tôi luôn nghĩ trong đầu rằng tôi cần có bóng. Và rồi tôi nổi giận, nổi giận với chính mình, với các cầu thủ Hy Lạp và với hoàn cảnh khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải. Bầu không khí khá căng thẳng, sân đấu như nín lặng và chúng tôi trông khá mệt mỏi. Bạn phải cố gắng và tự làm điều gì đó. Không phải lúc để nghĩ về trách nhiệm trong vai trò của một người đội trưởng. Đơn giản là lúc để mạo hiểm. Nếu tôi không có bóng ở vị trí của mình, tôi quyết định thử và tiếp cận theo cách khác. Tôi vẫn nhớ Gary nói như hét vào mặt tôi:
“Cậu bị hớ bây giờ. Chúng ta phải giữ vững đội hình nếu không họ sẽ vượt qua chúng ta và tiếp tục ghi bàn nữa đấy.”
Trong nhiều trận đấu khác, Gary có thể đã đúng. Nhưng trong buổi chiều hôm đó với Hy Lạp, tôi đã quyết định không để ý đến lời nhắc nhở của Gary. Tôi cố gắng đi bóng và kiếm về một vài quả phạt ở vị trí tương đối nguy hiểm. Mặc dù vậy, đó là buổi chiều mà các cú đá phạt của tôi thường đi quá cao hoặc bay ra ngoài cho dù tôi có cố gắng đến đâu. Mọi thứ gần như rơi vào bế tắc cho đến khoảng 20 phút sau khi bước vào hiệp 2. Hy Lạp tấn công và suýt nữa có được bàn thắng thứ hai. Nếu điều đó xảy ra, mọi thứ sẽ kết thúc với chúng tôi. Nigel Martyn trong khung thành ném trái bóng cho tôi ở bên cánh trái. Tôi khá chắc chắn rằng Gary sẽ lại nghĩ: Cậu ta đang làm cái quái gì thế kia? Tôi vượt qua một hậu vệ của Hy Lạp trước khi bị người thứ hai phạm lỗi. Trọng tài cho chúng tôi hưởng quả đá phạt. Vị trí điểm đặt bóng chếch bên cánh trái và cách vòng cấm của Hy Lạp khoảng 10 mét. Quá xa để thực hiện một cú sút thẳng. Ngoài sân, Teddy Sheringham sắp sửa được tung vào sân thay cho Robbie Fowler. Trong khi đang chờ sự thay đổi người, tôi để ý thấy một tấm thẻ đỏ trên sân cạnh trái bóng. Tôi nhặt lên và ném nó đi. Tôi khá thất vọng khi đổ lỗi cho những rắc rối trên sân. Khi Teddy đi bộ qua vị trí của tôi, anh ấy nói:
“Hãy nhìn vào vị trí của tôi. Nhìn tôi nhé.”
Tôi biết anh ấy có ý gì. Chúng tôi đã thi đấu cùng nhau rất nhiều trận đấu trong màu áo của United. Tôi sẽ đưa trái bóng đến khoảng trống mà tôi biết anh ấy sẽ xuất hiện ở đó. Và tất cả những thứ anh ấy cần là chạm bóng: gần như anh ấy biết chính xác trái bóng sẽ bay về vị trí nào, ngoài tầm với của thủ môn và ở phía góc xa khung thành. Teddy chạm bóng và ghi bàn quân bình tỉ số đưa chúng tôi trở lại với con đường giành vé đến VCK World Cup. Nhưng chỉ trong khoảng một phút, gần như ngay sau khi chúng tôi kết thúc màn ăn mừng trên sân, Hy Lạp lại ghi bàn và vươn lên dẫn trước. Bàn thắng của Teddy được thực hiện ở phút 68 thì Hy Lạp đáp trả ở ngay phút 69. Tôi tự nghĩ trong đầu: Có lẽ hôm nay không phải là ngày của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ phải hướng đến vòng play-off để tranh vé tham dự World Cup.
Tôi gần như bị chững lại vào thời điểm đó. Tôi cũng có thể thấy các cầu thủ khác cũng gục xuống vì thất vọng, và có lẽ trong đầu họ cũng lóe lên những suy nghĩ như tôi. Tất nhiên, chúng tôi vẫn phải tiếp tục. Nhưng gần như tôi không thể nào nhìn thấy hy vọng rằng chúng tôi có thể ghi bàn được nữa. Một vài quả đá phạt khác được thực hiện nhưng đều đưa bóng đi sát sạt cột dọc. Có lẽ đó cũng là lí do tại sao tôi thường xuống thực hiện các tình huống đi bóng quanh khu vực vòng cấm. Sự thất vọng cũng đến từ việc chúng tôi có được những cơ hội từ những tình huống đá phạt. Có khoảng 7 đến 8 tình huống chúng tôi được hưởng những pha đá phạt nhưng không có một cú sút nào đi trúng đích. Khi đồng hồ điểm sang những phút cuối cùng, Nigel gần như không còn đủ thời gian để làm bất cứ điều gì ngoài việc đưa bóng thật nhanh lên tuyến trên bằng một cú phát bóng thật mạnh. Ở tuyến trên, Teddy là người nhận bóng. Anh ấy đã làm rất tốt. Không biết anh ấy có thực sự bị đẩy sau hay không nhưng cũng đã kiếm về cho chúng tôi một tình huống sút phạt. Vị trí điểm đá phạt chếch sang bên phía trái và cách vòng cấm địa của Hy Lạp chỉ khoảng gần 5 mét.
“Tôi sẽ thực hiện quả này,” tôi quả quyết.
Tôi đã bỏ lỡ một vài cú đá phạt trước đó nhưng có lẽ tôi sẽ không sút ra ngoài ở tình huống đá phạt gần như là cuối cùng này.
“Không được, Teddy. Vị trí này khá xa so với anh đấy.”
Tôi cũng không biết tại sao mình nói thế, trong khi nếu để ý lại thì cũng không xa lắm. Teddy cũng đứng trước quả phạt, ngước lên nhìn hàng rào và để tôi tiếp tục căn chỉnh trái bóng và thực hiện cú sút. Tôi hiểu đó sẽ là cơ hội cuối cùng cho tuyển Anh. Tôi cố gắng thật sự bình tĩnh bằng việc hít thở thật sâu trước khi đá phạt. Teddy di chuyển vào khu vực trong vòng cấm đối thủ như vẫn thường làm ở những quả đá phạt. Anh ấy đứng sau hàng rào và cố gắng che mắt thủ môn mà không phạm luật. Kịch bản là ngay khi anh ấy di chuyển đi tôi sẽ đưa trái bóng vào vị trí mà thủ môn vừa mới di chuyển ra khỏi đó. Nếu không có Teddy làm thế, có lẽ thủ môn của Hy Lạp sẽ kịp thời cản phá cú đá của tôi. Tôi chỉ tập trung vào việc thực hiện cú đá phạt đi trúng đích. Tôi chạy đà và tiến đến tung ra cú sút, dường như vào thời khắc tôi chạm bóng, tôi đã biết bóng sẽ đi vào lưới. Và quả thật, trái bóng bay vào lưới trước sự ngỡ ngàng của thủ môn Hy Lạp.
Có lẽ tất cả mọi người có mặt trên sân Old Trafford và theo dõi qua màn ảnh nhỏ buổi chiều hôm ấy đều nhớ tôi đã phấn khích ra sao sau bàn thắng ấy. Teddy chạy vào trong khung thành và lấy trái bóng ra khỏi lưới. Tôi lao về phía góc sân, ăn mừng cùng với Rio, Emile và Martin Keown và cũng chẳng nhớ gì đến việc chúng tôi phải ghi một bàn nữa để chiến thắng thì khi đó mới có vé đến thẳng World Cup. Lúc đó thực sự là một cảm xúc thật tuyệt vời. Martin là một cầu thủ chuyên nghiệp và là một gã hài hước. Tôi chưa từng nhìn thấy anh ấy như thế bao giờ cả. Thậm chí đến bây giờ tôi vẫn cười khúc khích mỗi khi nghĩ lại vẻ mặt của anh ấy, đôi mắt tỏ vẻ ngạc nhiên đến sửng sốt của anh ấy. Anh ấy kéo tôi lại, cười như phát điên và la hét:
“Tuyệt vời! Tuyệt vời! Cậu được đấy!”
Mặc dù vậy, bất chợt tôi nghĩ ra rằng mọi thứ vẫn chưa kết thúc. Chúng tôi có thể vẫn cần ghi thêm một bàn thắng nữa. Đức thi đấu với Phần Lan trên sân nhà vào cùng buổi chiều hôm ấy. Lúc đó, họ đang hòa nhau sau khi hiệp 1 kết thúc: Nếu hai trận đấu tại Manchester và Munich kết thúc với cùng tỉ số hòa, chúng tôi sẽ là đội nhất bảng và giành quyền đi tiếp. Ngay trong thời khắc ấy, tôi lập tức bình tĩnh trở lại và quay trở về đường biên giữa sân để gặp Steve McClaren đứng bên ngoài đường biên. Tôi hét lên với ông ấy:
“Tỉ số thế nào rồi?”
“Hòa 0-0.”
“Hết chưa?”
“Sắp rồi.”
Hy Lạp giao bóng trở lại và treo bóng thật sâu về phía khung thành của tuyển Anh. Tôi nhớ lại mình còn cầu nguyện cho chúng tôi không phải rơi vào thế bám đuổi một lần nữa. Khi trái bóng ra ngoài sân, tôi gọi Gary Neville: “Bây giờ thế nào? Nếu họ hòa, chúng ta có vé à?”
Gary cố gắng để hiểu những thứ tôi hỏi và gật đầu. Chúng tôi có được quả ném biên và Steven Gerrard chạy đến vội vàng lấy bóng. Có lẽ cậu ấy vẫn cứ nghĩ chúng tôi cần ghi thêm bàn thắng nữa nên lập tức ném trái bóng vào sân. Bóng đến chân tôi và đúng lúc đó, tiếng còi mãn cuộc vang lên. Tôi nhặt lấy trái bóng và đá thật mạnh lên trời với lực sút mạnh nhất có thể. Tất cả các cầu thủ Anh khác chạy về phía tôi. Ashley Cole đã được thay ra nhưng anh ấy vẫn lao ra từ băng ghế dự bị, sau đó là các cầu thủ còn lại trong đội. Tôi cảm thấy vô cùng tự hào, cú đá phạt của tôi đã đưa chúng tôi đến VCK World Cup. Chúng tôi biết mình đã làm được điều đó trước cả khi phát thanh viên trên đài PA thông báo:
“Và kết quả cuối cùng từ Đức là…”
Đột nhiên, sự yên lặng xuất hiện trên sân. Tôi thực sự có một chút nổi da gà khi nhớ về nó:
“… Đức 0 và Phần Lan 0.”
Những tiếng la hét bùng nổ từ khắp các khán đài của sân Old Trafford. Cảnh tượng mà tôi chưa từng chứng kiến. Những âm thanh ấy còn theo chúng tôi vào cả phòng thay đồ. Mọi thứ thật lạ lẫm: mọi người gần như phát điên, các thành viên ban huấn luyện và cả các cầu thủ dự bị nhảy nhót trên ghế. Sau khi bầu không khí tĩnh lặng trở lại bên dưới các khán đài, hầu hết các cầu thủ đều bình tĩnh hơn. Chúng tôi hiểu mình vẫn thi đấu chưa thực sự tốt. Sức nóng trên sân, những nỗ lực và cố gắng trong suốt buổi chiều hôm ấy đã khiến mọi người khá mệt mỏi. Tôi nghĩ đến những cú đá phạt mà tôi đã bỏ lỡ hơn là nhớ về pha ghi bàn. Chúng tôi trở ra ngoài sân trong tràng pháo tay rộn rã của các cổ động viên và điều đó khiến chúng tôi có cảm giác thật sự lâng lâng. Chúng tôi có thể tự hào và phấn khích vì sau tất cả chúng tôi đã có mặt ở VCK World Cup. Tôi chỉ tiếc một điều trong khoảnh khắc tại sân Old Trafford. Đó là việc Michael Owen phải ngồi ngoài với chấn thương dây chằng và chỉ theo dõi trận đấu qua ti vi. Chúng tôi lẽ ra nên có một động thái nào đó để tri ân anh ấy vì Owen cũng một phần tạo nên chiến tích này: cú hattrick của cậu ấy tại Munich thực sự rất, rất quan trọng với việc đưa tuyển Anh đến mục tiêu cuối cùng là VCK World Cup.
Khi chúng tôi ở bên ngoài phòng thay đồ tại sân Old Trafford, Victoria đã gọi đến. Vì thế khi vào phòng, tôi gọi điện lại ngay cho cô ấy. Thời điểm ấy, Victoria vẫn đang làm việc tại Italy, và tỏ ra khá buồn vì đã bỏ lỡ trận đấu. Có lẽ cô ấy cũng biết chuyện gì đã xảy ra trong trận đấu và muốn biết cảm xúc của tôi ra sao. Tim tôi đập thình thịch, và miệng tôi cũng bắt đầu khô lại. Mỗi khi định cất lời, giọng tôi lại ngập ngừng, đứt đoạn và không nói được gì cả. Victoria rất hiểu tôi. Chỉ một chút hơi thở gấp gáp cũng đủ khiến cô ấy hiểu cảm xúc của tôi lúc ấy là như thế nào ở bên kia đầu dây. Cô ấy có lẽ không hiểu quá nhiều về bóng đá nhưng Victoria luôn biết nó có ý nghĩa với mọi người như thế nào. Và cô ấy biết trận đấu với người Hy Lạp đó có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với cá nhân tôi.
Bố và mẹ sau đó cũng kể cho tôi biết các cổ động viên xung quanh nhà ăn mừng như thế nào: đó là lần mà không chỉ riêng tôi thấy khó cầm được nước mắt. Tôi thực sự rất hài lòng khi rất nhiều người quan trọng với tôi có mặt ở đó để theo dõi trận đấu trên sân Old Trafford vào buổi chiều hôm ấy. Cũng giống như bố mẹ tôi, tôi đã dành chỗ cho Tony và Jackie và Brooklyn, cũng như ca sĩ của nhóm nhạc R&B nước Mỹ, Usher. Họ đến đó với tư cách là những vị khách của tôi. Khi Sven lần đầu đảm nhiệm vị trí huấn luyện viên trưởng của tuyển Anh, ông ấy không hề thích việc mở nhạc trong phòng thay đồ trước mỗi trận đấu. Thực tế, ngay khi tới, ông đã yêu cầu dừng việc đó lại. Các cầu thủ đã trao đổi với ông ấy và rồi tôi nghĩ ông ấy cũng dần hiểu ra sự tích cực trong cách chuẩn bị đó của chúng tôi trước mỗi trận đấu. Và Usher, trong năm đó luôn là giọng ca được vang lên trong phòng thay đồ của tuyển Anh trước mỗi trận đấu. Anh ấy đã ra một album mới vào mùa hè 2001 có tên là “8701” và đã đến Anh để quảng bá cho album đó của mình. Anh ấy đã chủ động nhắn tin để thể hiện rằng muốn gặp tôi và nhân dịp đó, tôi đã mời anh ấy đến sân Old Trafford ở trận đấu với Hy Lạp. Tôi là một fan cứng của Usher, đến giờ vẫn vậy và tôi đã gặp anh ấy ở phòng chờ của các cầu thủ sau trận đấu:
“Này David, những thứ trên sân là những điều kì diệu nhất mà tôi từng thấy đấy.”
Tôi đã tặng anh ấy một chiếc áo đấu có chữ ký của tôi, chúng tôi cùng nhau chụp một bức ảnh và sau đó là bàn công việc. Nếu đến xem một trận đấu bóng đá, bạn chẳng thể theo dõi một trận đấu nào kịch tính hơn cuộc đối đầu của tuyển Anh với Hy Lạp. Gặp Kirsty, trận đấu, bàn thắng của tôi và được ở cùng với gia đình và sau đó là Usher: tất cả mọi thứ diễn ra gần như hoàn hảo. Có một trong những khoảnh khắc mà tôi còn nhớ mãi. Để đi đến phòng chờ của các cầu thủ, tôi sẽ phải đi bộ dọc sân thi đấu và đi qua nơi mà đường hầm cũ của sân Old Trafford từng được sử dụng. Khu vực báo chí cũng ở ngay đó, khu vực bên trái khi bạn đi lên cầu thang, có rất đông các nhà báo, phóng viên đang ngồi tác nghiệp. Khi tôi bước ngang qua đó, một vài người trong số họ chợt đứng dậy và bắt đầu vỗ tay tán thưởng tôi. Sau đó, tất cả mọi người ở đó cũng đứng cả dậy và dành tặng tôi những lời khen ngợi. Đó là những điều chưa từng xảy ra. Nghĩ lại sau France 98, tôi cũng chẳng bao giờ tưởng tượng những điều như thế có thể xảy ra với tôi. Tôi hy vọng họ có thể hiểu họ đã khiến tôi cảm thấy vui mừng như thế nào.
Thỉnh thoảng, báo chí nước Anh cũng tỏ ra hài lòng mặc dù không hơn Alex Ferguson là mấy. Khi chúng tôi trở lại Carrington, lời đầu tiên mà Sir Alex nói với tôi là:
“Hy vọng cậu sẽ chiến đấu với tinh thần máu lửa như thế khi trở lại United.”
Tôi thực sự bất ngờ bởi câu nói của Sir Alex, nhưng cũng có phần bị tổn thương vì câu nói đó. Tôi trở lại tập luyện với tinh thần cao nhất cũng giống như tất cả các cầu thủ Anh. Và cũng chính vì thế mà tôi rất nóng lòng được thi đấu ở trận đấu tiếp theo của câu lạc bộ. Tôi thích làm được những khoảnh khắc lớn nhưng tôi không nghĩ mình là kiểu người thích sống với những suy nghĩ, hào quang trong quá khứ. Tôi không đến tập luyện với ý nghĩ rằng ai đó sẽ vỗ vai tôi và dành những lời khen cho màn trình diễn của tôi hôm ấy. Tôi chỉ muốn xuất hiện để tập luyện ở United với một tinh thần tốt nhất. Tuy nhiên, Sir Alex có vẻ lại không nhìn nhận vấn đề theo cách đó. Ít nhất thì ông ấy cũng không gặp tôi theo cách như thế. Ông ấy đã nghĩ rằng tôi cần phải trở lại mặt đất.
Mùa giải năm ấy là một mùa giải tương đối kì lạ với Sir Alex. Có lẽ ông ấy ước rằng đã không nói với mọi người về kế hoạch nghỉ hưu của mình. Giống như tôi đã nói, tôi không nghĩ điều đó đã ảnh hưởng đến các cầu thủ tại United. Tuy vậy, nếu ông ấy đọc những tờ báo hằng ngày, có lẽ ông ấy sẽ tin vào điều đó. Tuy nhiên, sau đó, tôi cũng không hiểu điều gì đã khiến ông ấy đổi ý. Tôi chỉ nhớ những gì mà ông ấy đã nói với mọi người. Lúc đó là khoảng thời gian vào đầu tháng 2/2002. Chúng tôi đang ở trong phòng thay đồ tại Carrington sau một buổi tập sáng:
“Tôi sẽ tiếp tục ở lại.”
Mọi thứ chỉ đơn giản như thế. Tôi vẫn nhớ Gary Neville còn vỗ tay trong khi một hoặc hai cầu thủ khác thì nói đùa:
“Ôi không. Ông định đi đâu cơ mà?”
Tất cả chúng tôi đều vui mừng trước thông tin đó. Hơn ai hết tôi cũng cực kì vui vì thông tin trên, mặc dù, điều đó cũng đồng nghĩa với việc khả năng tôi phải chia tay câu lạc bộ cũng bắt đầu hiện ra. Kể từ đó, tôi cũng không thể lường trước được những gì sẽ xảy ra giữa tôi và ông ấy trong khoảng 17 tháng tiếp theo. Tôi vẫn nhớ hôm đó là giờ ăn trưa và tôi có chút cảm xúc xen lẫn giữa niềm tin và sự phấn khích khi nghe thông tin Sir Alex sẽ tiếp tục ở lại trên chiếc ghế huấn luyện viên trưởng của Manchester United. Alex Ferguson đã tạo nên chính tôi và tập thể câu lạc bộ. Tại sao tôi lại không vui khi biết tin ông ấy sẽ vẫn tiếp tục chứ?
Quyết định của ông ấy chắc chắn sẽ mang đến phần nào sự thăng hoa và chúng tôi đã có chuỗi trận thi đấu thành công thứ hai trong mùa giải 2001/02. Mặc dù vậy, nó không đủ để chúng tôi có thể giành chức vô địch trước một Arsenal đang bay cao với chuỗi 12 trận thắng cuối mùa và họ đã giành danh hiệu vô địch. Họ cũng giành luôn cả FA Cup: Middlesbrough và Steve McClaren đã đánh bại chúng tôi ở vòng 4. Cơ hội tốt nhất của chúng tôi là ở đấu trường châu Âu. Chúng tôi thi đấu với Deportivo La Coruna trong giai đoạn vòng bảng và để thua họ đến hai lần. Nhưng đến mùa xuân, chúng tôi đã hòa họ ở tứ kết và các kết quả trước đó không có ý nghĩa quá nhiều. Chúng tôi thi đấu với họ tại Tây Ban Nha trước và giành chiến thắng 2-0. Cả đội thi đấu khá tốt, đặc biệt khi Roy Keane phải rời sân sớm ngay sau hiệp 1 vì chấn thương dây chằng. Tôi đã ghi một trong số những bàn thắng yêu thích nhất của tôi cho United trong đêm đó. Tôi nhận bóng và từ một khoảng cách khoảng 27 mét, tôi đã tung một cú sút. Thủ môn có lẽ cũng không lường trước được điều đó và trái bóng bay qua đầu anh ta đi vào lưới.
Thực tế, tôi đã nhận phải chấn thương đầu tiên ở chân trái trên sân Riazor. Khi trận đấu chỉ còn khoảng 5 phút nữa là kết thúc và tôi có cơ hội nhận bóng ở đường biên. Vừa chạm bóng, Diego Tristan, tiền đạo của họ lao vào tranh cướp với pha bóng cao chân và đạp thẳng vào chân tôi. Mọi cầu thủ chuyên nghiệp đều hiểu pha bóng đó là nguy hiểm như thế nào. Và rồi cơn đau ập đến khiến tôi có cảm giác như anh ấy vừa mới đá gãy mắt cá của tôi. Sau đó, phần mắt cá của tôi xuất hiện vết xước và những vết bầm tím. Thậm chí khi tôi phải dùng nạng, cơn đau vẫn không hề thuyên giảm trong suốt quãng đường trở về nhà. Tôi vẫn nhớ có một vài bức hình xuất hiện trên khắp các mặt báo đặt ra câu hỏi về việc tôi có thể thi đấu tại World Cup hay không mà không hề đả động gì đến trận lượt về trên sân Old Trafford. Tôi có đi chụp chiếu theo như cảnh báo, nhưng mọi thứ có vẻ vẫn rất ổn trước trận đấu vào tuần sau, ít nhất là tôi nghĩ vậy.
Tôi rất háo hức được thi đấu ở trận lượt về: Luôn luôn rất thú vị khi đối đầu với Deportivo. Trong khoảng nửa giờ thi đấu đầu tiên, họ thực sự thể hiện sự cố gắng để có thể lội ngược dòng ở trận đấu này. Tuy nhiên, sau cùng, chúng tôi kết thúc với thắng lợi 3-2 và lọt vào đến vòng bán kết. Mặc dù vậy, khi cả đội đón nhận kết quả, tôi lại đang trên giường bệnh. Khi trận đấu mới chỉ diễn ra được trong khoảng 20 phút, tôi tham gia vào pha bóng tranh chấp được coi là 60/40 ở cự ly ưa thích khoảng 15 mét so với vòng cấm của đối thủ. Aldo Duscher đã quyết định tạo ra điều khác biệt: một tiền vệ người Argentina khác sẵn sàng để lại dấu ấn trong sự nghiệp của tôi. Tất cả những gì mà tôi nghĩ được lúc đó chỉ là giành chiến thắng trong tình huống tranh chấp và chẳng hề nghĩ ngợi gì về một cú vào bóng chết chóc. Tôi chạm bóng và đẩy trái bóng lên phía trước, nhưng Duscher cũng vừa chợt đến và cả hai chân của anh ấy với hàng đinh giày lao thẳng vào chân trái của tôi, thay vì trái bóng.
Tôi vẫn còn nhớ khi ấy mình nằm quằn quại trên sân, tay ôm cái chân bị chấn thương. Tôi cố gắng nhắc nhở bản thân phải đứng dậy nhưng cơn đau khiến tôi gần như mềm hẳn người đi. Tôi không thể nào đứng vững trên đôi chân của mình nữa. Họ đưa tôi ra ngoài đường biên. Khi ấy tôi đã nghĩ mình có thể trở lại sân để tiếp tục thi đấu: “Xịt cho tôi một ít thuốc giảm đau vào. Một chút nước nữa. Tôi sẽ ổn thôi!” Họ đã làm vậy nhưng khi tôi đứng lên, tôi cảm giác mình gần như không thể trụ vững. Chân tôi đau nhói và gần như không thể cử động. Cơn đau khiến tôi không thể chạm đôi chân xuống mặt đất. Bác sĩ của United dìu tôi. Anh ấy cởi đôi giày của tôi và kiểm tra xung quanh vị trí đang bị đau. Tôi có thể cảm nhận được phần xương của tôi gần như đang di chuyển. Tôi đã nói điều đó với bác sĩ trước khi ông ấy nói:
“Cảm giác phần xương đó bị gãy rồi thì phải.”
“Vâng. Tôi cũng nghĩ vậy.”
Ông ấy gật đầu và tôi bắt đầu nghĩ: Còn World Cup thì sao? Tôi thấy vô cùng hụt hẫng.
“Tôi không thể nào tin điều này lại đang xảy ra.”
Họ nhấc tôi nằm lên cáng và đưa tôi ra khỏi sân thi đấu để vào phòng thay đồ: Không có con đường nào khác ngoài việc phải đi qua dãy phóng viên. Tôi không thể nhớ nổi lần cuối mình phải rời sân vì chấn thương là bao giờ nữa. Trong suốt sự nghiệp, tôi thấy mình thật may mắn. Nhưng sao sự may mắn ấy lại kết thúc vào lúc này? Tôi ngước nhìn lên vị trí mà Victoria đang ngồi khi cô ấy đến sân Old Trafford. Cô ấy đang đứng, tay bế Brooklyn và đang bước xuống phía dưới. Khi tôi được đưa vào phòng điều trị, tôi đã nhờ một đồng đội đến đón cô ấy. Tôi biết cô ấy đang rất lo lắng cho tôi. Tôi sợ rằng cô ấy sẽ buồn hơn tôi nhưng Victoria thực sự mạnh mẽ trong suốt quãng thời gian ấy.
Cô ấy nói: “Đừng lo lắng gì cả. Mọi thứ rồi sẽ ổn cả thôi.”
Brooklyn cũng ở đó. Thằng bé có lẽ không hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa. “Tại sao bố không tiếp tục thi đấu nữa? Chuyện gì đang xảy ra với chân của bố thế,” có lẽ thằng bé cũng tự hỏi.
Tôi biết chúng tôi sẽ tới thẳng bệnh viện.
“Này, Brooklyn. Chúng ta sẽ vào trong xe cứu thương và tới bệnh viện nhé.”
Thằng bé mở to mắt: “Vậy ạ?”
Bác sĩ Noble, người thực hiện phẫu thuật cho United ở trong phòng điều trị cùng với chúng tôi. Tôi muốn biết: “Tôi phải ngồi ngoài lâu nhất là bao lâu?”
“Chúng ta sẽ biết ngay khi có phim chụp x-quang.”
Họ đưa tôi xuống xe cứu thương và đồng ý cho Victoria và Brooklyn đi cùng chúng tôi vào trong. Khi tất cả đã bước vào trong phòng, họ cố định tôi vào chiếc giường để chân tôi không thể di chuyển. Trên đường tới bệnh viện, tôi nhờ bác tài xế bật chiếc đèn cấp cứu cho Brooklyn. Ít nhất thì đó cũng là một buổi tối thật thú vị đối với thằng bé. Chắc hẳn người lái xe cứu thương đã phải chạy xe rất nhanh khi chúng tôi đi từ Manchester cho đến Royal Infirmary tại Whalley Range chỉ mất vỏn vẹn khoảng 5 phút.
Chỉ sau một lúc khi đến bệnh viện, chúng tôi đã có phim chụp x-quang của mình. Victoria tiến đến và cùng nhìn vào kết quả cùng với bác sĩ Noble và cô ấy đã nói với tôi những điều mà cô ấy nhìn thấy qua phim chụp.
“Tin xấu là anh đã bị gãy xương. Tin tốt là nếu mọi thứ diễn ra tốt thì anh vẫn có thể tham dự World Cup.”
Điều đầu tiên có vẻ không bất ngờ lắm, nhưng điều thứ hai là thứ mà tôi đang rất nóng lòng muốn lắng nghe, khoảnh khắc mà tôi được đích thân Duscher phân tích và làm rõ. Victoria cũng ở đó để bác sĩ Noble giải thích nhiều hơn về chấn thương của tôi. Tôi đã gãy xương đốt bàn chân thứ hai. Đây là phần xương nhỏ nằm giữa ngón chân và phần còn lại của bàn chân. Phần này có đủ thịt để tránh những tổn thương, nên chúng thực sự rất hiếm khi gặp vấn đề. Nhưng Gary Neville hay Danny Murphy đã từng bỏ lỡ World Cup vì những chấn thương tương tự. Bác sĩ đã xác nhận rằng ông ấy nghĩ tôi có đủ thời gian để hồi phục. Tôi đã tiếp tục điều đó trong vài tuần tới, ngay cả khi tôi nghi ngờ về việc sẵn sàng: không bao giờ bận tâm đến việc chữa lành xương, tôi biết tôi cần phải sung sức với đội tuyển Anh.
Sáng hôm sau, tôi không thể nào tin được vào những điều đã xảy ra khi tỉnh dậy. Tình hình chấn thương của tôi xuất hiện trên trang nhất của khắp các mặt báo. Sven là người đầu tiên gọi điện cho tôi: “Cậu vẫn ổn chứ?” và “Cậu sẽ đủ sức cho trận đấu sắp tới chứ?” Thật tuyệt vời khi nghe được những điều như vậy từ ông ấy. Sven nói với tôi rằng cho dù tôi có đủ sức để thi đấu hay không, ông ấy vẫn muốn tôi xuất hiện và tham gia World Cup. Sự ủng hộ của Sven và sau này đã thực sự tạo nên một điều khác biệt lớn đối với tôi. Tại bệnh viện, họ đặt chân tôi vào một cái nẹp. Dwight Yorke đón tôi bằng chiếc xe của anh ấy và đưa tôi đến sân tập tại Carrington. Đội ngũ y tế tại United tháo bột cho tôi và thay vào đó là chiếc nẹp cố định cổ chân bằng khí. Cái này là loại nẹp nhẹ hơn. Khi được bơm hơi đầy, nó có thể bảo vệ chân của tôi giống như nẹp bằng thạch cao. Nhưng khi tháo hơi đi, chiếc nẹp sẽ xẹp đi và phần cổ chân của tôi có thể cử động. Chỉ sau một, hai ngày phần mắt cá của tôi có vẻ teo đi phần nào. Chiếc nẹp khí giúp tôi không phải chịu các vấn đề phát sinh liên quan đến phần cơ khi điều trị chấn thương xương bàn chân. Sau khi tập thể dục xong, tôi có thể đeo lại chúng và khởi động lại bằng nạng. Một vài ngày sau, tôi đã ngồi với các bác sĩ và nói chuyện về những gì tôi cần làm để tạo cho mình cơ hội tốt nhất để sẵn sàng:
“Anh có bảo gì đi chăng nữa, tôi cũng sẽ làm theo.”
Tôi không muốn đến Nhật Bản chỉ để đóng vai trò cổ vũ cho đội bóng. Tôi biết vị trợ lí vật lí trị liệu của United sẽ hỗ trợ tôi tối đa để giúp tôi trở lại. Mặc dù vậy, việc thực tế nhất đối với tôi lúc này vẫn là để cho đôi chân nghỉ ngơi và tránh việc tăng cân, từ đó tôi có thể rút ngắn thời gian phần xương ở bàn chân hồi phục và lành lặn trở lại. Tôi luôn có mặt tại Carrington theo những chỉ dẫn của vị bác sĩ vật lí trị liệu. Đến tận bây giờ, khi tôi dính chấn thương, tôi vẫn luôn cố gắng nhất có thể để tự tạo ra cơ hội tốt hơn cho bản thân. Trong những ngày nghỉ, Terry Byrne vẫn đến nhà tôi và để mắt đến tôi trong khi tôi tiếp tục quá trình hồi phục. Tôi có thể chạy khi ở dưới nước và cố gắng để bàn chân không chạm đáy bể bơi. Tôi có thể tập luyện trong phòng tập gym. World Cup chính là động lực mà tôi cần, mặc dù tôi vẫn luôn lao vào guồng quay của các thiết bị, máy tập.
Thông thường, một cầu thủ sẽ thường bị bỏ lại một mình trong quá trình tự hồi phục từ ngày này qua ngày khác. Trong suốt quãng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5, có khoảng vài triệu cổ động viên của tuyển Anh đã từng thấy tôi và cũng có cùng sự lo lắng như tôi. Những lời chúc tốt đẹp của các fan gửi đến cho tôi cũng giúp đỡ tôi rất nhiều trong khoảng thời gian hồi phục đó. Gary Neville cũng luôn ở bên cạnh tôi. Anh ấy gọi điện cho tôi ngay khi rời sân Old Trafford sau trận đấu với La Coruna. Một vài đêm sau, khi tôi đang theo dõi trận đấu lượt đi trong khuôn khổ bán kết Champions League với Bayer Leverkusen trên ti vi, anh ấy cũng phải nhận một chấn thương tương tự như tôi. Khoảnh khắc mà Gary ngã xuống, tôi hiểu chuyện gì đã diễn ra. Tôi biết rằng nếu cơ hội đến World Cup của tôi khó khăn ra sao thì Gary gần như không có cơ hội. Thực sự khi ấy, Gary không có đủ thời gian để kịp hồi phục. Nếu là anh ấy, tôi sẽ rất thất vọng. Nhưng Gary vẫn luôn lạc quan trong cách suy nghĩ của anh ấy. Cho dù cảm xúc bên trong có ra sao đi nữa, anh ấy vẫn luôn cố gắng để trấn tĩnh lại và đón nhận nó. Anh ấy thực sự xứng đáng với thứ tốt đẹp hơn là phải nghỉ thi đấu tới 3 tháng vì chấn thương ở phần bàn chân. Chấn thương đó khiến anh ấy phải lên bàn mổ.
Tôi rất lo lắng cho giai đoạn mùa hè và thất vọng khi phải bỏ lỡ giai đoạn cuối của mùa giải cùng United. Bayer Leverkusen đã loại chúng tôi khỏi Champions League bằng bàn thắng trên sân khách. Tôi chắc chắn rằng United có cơ hội đánh bại được Real Madrid tại Hampden Park nếu chúng tôi có thể lọt vào đến trận đấu cuối cùng. Đó là quãng thời gian thất vọng với tôi và với cả câu lạc bộ, nhưng tôi hiểu, Sir Alex vẫn còn ở đó và United sẽ lại quyết tâm khẳng định mình ở mùa sau. Tôi chỉ không thể tin được rằng mình lại không phải là một phần trong những gì đã xảy ra với United cuối mùa đó. Tôi đang trong quá trình thương thảo hợp đồng mới với United. Tôi hiểu những gì tôi muốn và những gì câu lạc bộ muốn. Mặc dù vậy, bóng đá hiện đại ngày nay chưa bao giờ dễ dàng như thế. Quá trình đàm phán của tôi và đội bóng được báo chí săn đón trong khoảng hơn một năm và lúc ấy là thời điểm thích hợp để bắt đầu.
Tôi luôn thực sự nghiêm túc khi nghĩ về việc ký hợp đồng mới với câu lạc bộ mà tôi yêu thích. Đó chỉ đơn giản là vấn đề đưa mọi thứ đúng trình tự: một bản hợp đồng mới sẽ là sự cam kết giữa hai bên. Tôi cần biết rằng United vẫn tôn trọng giá trị của tôi và tôi cũng không nghĩ các giám đốc của United là Peter Kenyon và David Gill có vấn đề gì với điều đó cả. Họ chắc chắn sẽ làm tất cả để có thể giúp mọi thứ diễn ra êm xuôi. Tôi rất biết ơn họ vì điều đó. Và tôi cũng thực sự cảm thấy may mắn khi có một người đàn ông ngồi cạnh tôi trên bàn đàm phán khi ấy.
Tony Stephens là người đại diện của tôi từ 1995. Trong quá khứ, ông ấy từng là giám đốc điều hành tại Wembley và hiện đang làm việc trong vai trò của chuyên gia tư vấn về dự án xây sân vận động mới của Huddersfield, sân McAlpine khi lần đầu tôi biết ông ấy. Tôi vẫn còn nhớ một dịp: Tony, bố của Victoria mời một số cầu thủ của United gồm tôi, Gary, Phil và Ben Thornley đến tham dự buổi hòa nhạc của Bryan Adams. Chúng tôi kết thúc buổi tối tuyệt vời hôm đó khi bước lên sân khấu vẫy tay chào khán giả. Cũng trong buổi tối hôm đó, Tony còn có một việc khác quan trọng hơn. Đó là việc dàn xếp thương vụ chuyển nhượng của Alan Shearer từ Blackburn Rovers đến Newcastle United.
Tôi cũng không biết chắc thời gian và vị trí chúng tôi sẽ được giới thiệu. Mặc dù tôi vẫn nhớ chính xác những gì mà Tony nói lần đầu. Nó vẫn còn đọng lại trong tâm trí của tôi cho đến tận bây giờ:
“Bóng đá là thứ quan trọng nhất, David ạ. Đó là những điều mà con làm. Con phải chắc chắn rằng không có thứ gì có thể bước vào cuộc đời của con theo cách như thế nữa.”
Sau này, khi chúng tôi nói về việc ông ấy sẽ đại diện cho tôi, Tony đã mô tả công việc của ông ấy là đảm bảo cho tôi không phải bận tâm đến bất cứ điều gì khác ngoài việc tập luyện và thi đấu. Tuy nhiên, vấn đề thực sự mà tôi đang có mới thực sự là khó khăn. Ông ấy và huấn luyện viên trưởng của đội là Sir Alex lại không có được mối quan hệ “cơm lành canh ngọt”, hoặc ít nhất là Sir Alex không thực sự có thiện cảm với ông ấy. Tôi nhẽ ra nên biết mình sẽ phải nhận những chỉ trích từ Sir Alex khi kể về việc Tony sẽ là người đại diện cho tôi.
“Cậu cần người đại diện để làm gì? Chẳng phải quyền lợi của cậu ở câu lạc bộ vẫn được đảm bảo, chăm sóc hay sao?”
Tony cũng đã xác định khi làm việc với tôi thì ông ấy cũng hiểu Sir Alex cũng sẽ phải biết việc này. Ông ấy đã từng đi đến nhà của Sir Alex để nói chuyện trực tiếp. Có những câu chuyện kể rằng Sir Alex đuổi Tony ra ngoài. Tuy nhiên, có lẽ điều đó chẳng bao giờ xảy ra nhưng ông ấy vẫn thực sự bực mình khi nghe về những tin đồn đó.
Nghĩ lại khoảng thời gian gắn bó với Old Trafford trong quãng sự nghiệp của mình khi Sir Alex lo lắng hoặc tức giận về mình, tôi vẫn nhớ bối cảnh chúng tôi xảy ra mâu thuẫn. Mối quan hệ bắt đầu rạn nứt từ những chuyện khủng khiếp. Điều này có lẽ xuất hiện ở mọi câu lạc bộ bóng đá mọi lúc mà không cần phải nổi bần bật trên mặt báo. Tôi nghĩ chúng tôi nhẽ ra đã có thể làm dịu mọi chuyện và hàn gắn những sự khác biệt sớm hơn nếu Sir Alex và người đại diện của tôi chịu nhấc điện thoại lên và gọi cho nhau một cú điện thoại.
Mặc dù vậy, sự lạnh nhạt giữa Tony và Sir Alex không phải là thứ khiến quá trình đàm phán một bản hợp đồng mới của tôi tại Old Trafford bị trì hoãn. Vấn đề nằm ở giấy tờ, đặc biệt là vấn đề bản quyền hình ảnh của tôi. United muốn xây dựng điều khoản sao cho United có thể sử dụng gương mặt cũng như tên tuổi của tôi trong công cuộc thương mại của họ. Tôi nghĩ riêng điều này cũng mất đến cả chục cuộc gặp mặt giữa hai bên trước khi mọi thứ được hoàn thành. Tôi rất vui khi mình chỉ phải xuất hiện trong một số buổi họp quan trọng. Có lẽ mất khoảng 1 năm rưỡi để chốt được một bản hợp đồng phù hợp, cũng như đề cập đến tất cả những vấn đề chi tiết. Cùng lúc đó, mọi thứ trở nên sôi động hơn khi nhiều câu lạc bộ lớn ở châu Âu cũng đánh tiếng muốn có được chữ ký của tôi nếu mọi thứ diễn ra không thuận lợi tại Old Trafford. Nhưng tất cả điều đó giống như là mơ giữa ban ngày vậy. Tôi chưa bao giờ muốn làm điều gì khác ngoài việc ký hợp đồng với đội bóng mà tôi đã từng cống hiến và hết mực yêu quý. Tôi biết điều đó. Tony cũng hiểu điều đó và United cũng vậy.
Khi mùa giải 2001/02 dần kết thúc, chúng tôi ngày càng gần đến việc đạt được thỏa thuận với nhau. Tôi muốn mình có thể ký hợp đồng bên ngoài sân ngay trước một trận đấu tại Old Trafford. Sau tất cả, tôi muốn mọi người, các cổ động viên của United tận mắt chứng kiến thời khắc quan trọng đó, đặc biệt khi tôi không thể thi đấu kể từ trận đấu với Deportivo. Trận đấu cuối cùng trên sân nhà là trận đấu với Arsenal. Đó là đêm mà con tim tôi đã thổn thức và làm hết những điều có thể để giục giã Tony. Mọi thứ chỉ mất khoảng một vài phút cuối trận. Bước vào trận đấu, Arsenal vượt lên dẫn trước và giành chiến thắng 1-0 sau 90 phút thi đấu, đồng nghĩa với việc họ giành được chức vô địch Ngoại hạng và thực tế họ đã có được cú đúp danh hiệu mùa đó. Câu lạc bộ cũng đang không có được phong độ tốt thời điểm đó khi để thua ngay trên sân nhà. Mặc dù tôi vẫn nghĩ sự thất vọng đó sẽ thúc đẩy chúng tôi tiến lên vào mùa giải năm sau, buổi tối hôm đó không phải là thời điểm tốt để ăn mừng bản hợp đồng mới của tôi. Thay vì thế, mọi thứ phải hoãn lại và chờ cho đến Chủ nhật tuần sau khi chúng tôi tiếp đón Charlton. Mọi thứ thực sự hoàn hảo. Trước bầu không khí cuồng nhiệt của hơn 65.000 fan, huấn luyện viên trưởng và tôi bước ra sân sân và trao nhau một cái ôm thật chặt. Không còn nghi ngờ gì nữa, Old Trafford chính là nơi mà tôi thuộc về. Tôi biết tất cả mọi thứ xung quanh bản hợp đồng mới của tôi sẽ xảy ra, cho dù ai có nói gì đi chăng nữa nhưng việc đặt bút lên ký vào trang giấy đó vẫn thực sự là một thời khắc tuyệt vời với cá nhân tôi.
Tương lai của tôi đã được xác định. Tin vui thứ hai có lẽ là chấn thương của tôi đã hoàn toàn bình phục theo đánh giá của chuyên gia y tế. Thật bất ngờ mọi thứ trở nên rõ ràng. Tôi có thể tập trung để sẵn sàng thi đấu cho đội tuyển Anh và cho kì World Cup sắp sửa diễn ra trong khoảng một vài tuần tới. Chúng tôi có buổi chia tay tại căn nhà ở Sawbridgeworth vào hôm sau. Đến thứ Hai, chúng tôi sẽ lên đường sang Dubai để chuẩn bị cho giải đấu tại Nhật Bản. Ý tưởng được đưa ra là chúng tôi sẽ kết hợp tổ chức một bữa tiệc cho các tuyển thủ Anh với một sự kiện để gây quỹ cho quỹ từ thiện của chính phủ là NSPCC (Hiệp hội quốc gia phòng chống bạo hành trẻ em). Chúng tôi đã cố gắng bán bản quyền truyền hình buổi tối hôm đó cho ITV. Tất cả số tiền kiếm được sẽ chuyển tới NSPCC. Một số sự sắp xếp đã phải hủy bỏ vào phút chót. Tôi không biết ai là những người Sven sẽ mang tới World Cup, vì thế chúng tôi không thể chắc chắc cầu thủ nào sẽ được mời đến bữa tiệc hôm ấy cho đến khi đội hình được công bố. Trong khi đó, chúng tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời bên nhau với danh sách khách mời. Rất nhiều bạn bè trong giới bóng đá trong quá khứ, các ngôi sao từ các môn thể thao khác cùng với một số nhạc sĩ, diễn viên nổi tiếng.
Để giúp gây quỹ từ thiện cho NSPCC, chúng tôi đã đặt một vài chiếc bàn để đón khách cũng như nhận tiền ủng hộ. Chúng tôi đã liên lạc với người tài trợ của tôi, những người cùng làm việc với Victoria và các công ty được cho là có quan tâm đến sự kiện lần này. Tất cả họ đều đồng ý tham gia ngay lập tức. Mọi người đều biết đây sẽ là một sự kiện đặc biệt và họ cũng biết số tiền được sử dụng vào mục đích tốt. Victoria vẫn là người chịu trách nhiệm cho mọi thứ. Cô ấy chuẩn bị món quà cho buổi tiệc hôm ấy: từ cảnh quan bên ngoài cho đến kịch bản chương trình. Cô ấy luôn chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Tôi chỉ việc trở về nhà từ Manchester vào đêm hôm trước và một vài thứ có vẻ hơi vội vàng. Mặc dù vậy, tôi vẫn dành thời gian cho một người. Tôi đến gặp Tony để cảm ơn ông ấy vì tất cả những gì ông đã làm trong việc đàm phán hợp đồng mới của tôi được thực hiện trên sân Old Trafford 24 giờ trước đó. Hóa ra đó lại là một cảnh tượng đầy cảm xúc trong nhà bếp vào trưa hôm Chủ nhật. Tất nhiên, cả gia đình chúng tôi, những đứa trẻ của chúng tôi và của họ cũng nô đùa, chạy tới chạy lui trong những phút cuối của buổi tiệc và hành lí của chúng tôi cũng đã chất đầy để chuẩn bị cho chuyến đi tới Dubai vào hôm sau.
Cuối cùng, chúng tôi ăn mặc quần áo chỉnh tề và sẵn sàng. Chúng tôi chụp một vài bức ảnh và rồi tiến thẳng đến sân khấu lớn nơi mọi thứ diễn ra ở đó, ngay sau ngôi nhà. Để tới đó, chúng tôi sẽ phải đi bộ qua một khu vườn nhỏ khiến bạn cảm thấy như ở Nhật Bản. Chúng tôi đã trang trí theo chủ đề đó trong toàn bộ bữa tiệc. Ngoại trừ lâu đài bằng bóng: rất nhiều các cầu thủ đã mang trẻ nhỏ đến và vì thế chúng tôi đã thổi lên và trang trí bên cạnh khung rạp chính. Brooklyn đi bộ bên cạnh tôi. Chúng tôi ăn mặc cũng khá hợp: một bộ áo dài quá đầu gối theo phong cách Nhật Bản với một dây đai đỏ quấn quanh hông. Tôi không biết trông tôi thế nào nhưng trông thằng bé Brooklyn thật đáng yêu. Và chúng tôi đi đôi dép xỏ quai bởi vì chân trái của tôi khi ấy vẫn chưa thực sự thoải mái khi đeo giày. Tôi háo hức nhìn mọi thứ đang chờ chúng tôi khi đi qua rừng cây ấy.
Đèn lồng được thắp sáng dọc đường đi qua vườn cây. Có một vài vận động viên thể dục và nghệ sĩ nhào lộn bên ngoài chiếc bệ đầy hoa và giữa vườn cây. Cũng có cả những vũ công, chuyên gia hội họa. Bất ngờ xuất hiện ở khắp mọi nơi. Mis-Teeq, ca sĩ R&B Beverley Knight và cả nghệ sĩ Opera Russell Watson đều đang cất tiếng hát.
Phần không gian chính tổ chức bữa tối thực ra là hai rạp nhỏ kết hợp lại. Phần đầu tiên được trang trí giống như một vườn hoa cảnh. Có cả hàng nghìn loài hoa lan được di chuyển đến đây từ Nhật Bản và Indonesia và một cây cầu nhỏ bắc qua một phần hồ bơi bên dưới, bạn có thể đi bộ trên đó để có thể đến được phần không gian tổ chức chính. Trước khi bước qua cây cầu, bạn cũng sẽ đi qua hai khung rèm được trang trí ở hai đầu cầu. Cũng có cả những nghệ sĩ Nhật Bản đứng ra tiếp đón mọi người. Và rồi đến những chiếc bàn, Victoria cũng đứng ra quyết định mọi thứ từ khăn trải bàn cho đến bộ dao nĩa được bày trí trên bàn. Tất cả đều có màu đỏ, đen và trắng: một trong số những bối cảnh tuyệt đẹp nhất mà tôi từng được thấy trong đời.
Và rồi tôi cũng bắt đầu cảm thấy lo lắng khi nhìn xung quanh mọi người mà chúng tôi đã mời, một số người tôi thậm chí còn chưa từng gặp trước đó. Tôi đã mời Ray Winstone đến bởi vì anh ấy là một diễn viên lớn và tôi muốn có cơ hội gặp anh ấy. Tôi biết mình sẽ lại phải thực hiện một bài phát biểu lần thứ hai kể từ ngày cưới của chúng tôi. Tôi là đội trưởng đội tuyển Anh và tất cả mọi người đang ở tại nhà của tôi. Tôi không thể nào biến mất khỏi đó được dù điều gì xảy ra đi chăng nữa. Tôi biết mình phải làm gì trước nhất: gửi tặng Victoria một món quà để cảm ơn cô ấy vì đã chuẩn bị và sắp xếp buổi tối hôm ấy. Nhưng trước điều đó? Tôi nghĩ mình sẽ phải gửi một vài lời cảm ơn đến mọi người và sau đó là về NSPCC và UNICEF, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc mà Manchester United cũng tham gia. Tôi biết mình nên nói một vài điều về những đứa trẻ bị lạm dụng mà cần chúng ta gây quỹ để ủng hộ. Tôi thực sự lo lắng với những gì mà tôi sắp sửa chuẩn bị nói và tôi đã viết tất cả những thứ đó ra một tờ giấy nho nhỏ. Cuối cùng tôi đã phải tìm một góc nào đó riêng tư để tập luyện rồi học thuộc và nói mà không cần đến nó. Không lâu trước đêm tiệc đó, tôi đã đến thăm chỗ ở của những đứa trẻ tại miền Nam London. Tôi ngồi tại một căn phòng trước rất nhiều những đứa trẻ. Chúng có rất nhiều nỗi niềm cần chia sẻ. Chúng ta có thể cảm nhận được điều gì đó như sự khác biệt trong bầu không khí ấy: không chỉ với riêng tôi mà là với cả thế giới. Chúng là những đứa trẻ với những con chíp trên vai. Và những câu hỏi cũng hoàn toàn trực diện:
“Cô Posh thế nào?”
“Anh đi xe hiệu gì?”
“Anh có kiếm được nhiều tiền không?”
Họ dường như không hề lo lắng về phản ứng của mọi người xung quanh, tôi hay bất cứ ai cả. Tôi biết mình không thể nào nói mình không muốn trả lời câu hỏi của chúng. Tôi đã từng trải qua rất nhiều thứ nhưng may mắn chưa từng phải đối mặt với mại dâm, ma túy và tù tội. Ít nhất họ vẫn xứng đáng nhận được một chút ít thông tin từ tôi. Những người lớn đang nhìn vào tôi và xem điều tôi muốn làm.
“Không sao. Tôi không cần phải kiểm tra câu hỏi trước. Để các em hỏi gì tùy ý.”
Buổi chiều hôm đó hóa ra lại là một trong những thứ bổ ích nhất mà tôi đã từng trải qua ngoài bóng đá. Chắc chắn sẽ không có bất cứ nhà báo nào ở đó. Chỉ có tôi và lũ trẻ nói chuyện với nhau. Tôi khá thoải mái và chúng cũng thế. Sau một lúc, tôi nghĩ chúng tôi quyết định sẽ kết thúc những câu chuyện, những tiếng cười về bóng đá, cuộc đời tôi. Tôi không thể thay đổi những thứ đã xảy ra với họ nhưng điều đó đã tạo ra sự khác biệt với tôi. Ít nhất chúng tôi có thể kết nối với nhau. Dù sao đi chăng nữa, cách mà chúng đối đãi với tôi, dường như đã tạo ra sự khác biệt. Có lẽ việc kể những câu chuyện về buổi chiều hôm ấy tại khu trọ của những đứa trẻ thì thật lạ lẫm trong buổi tiệc tối. Nhưng có lẽ tôi cần phải giải thích vì sao tôi muốn tổ chức bữa tiệc ấy và tại sao tôi lại muốn mọi người thật hào phóng đối với phần bán đấu giá từ thiện. Ant và Dec là những người bán đấu giá và những vị khách của chúng tôi đã quyên góp tổng cộng 250.000 bảng Anh.
Chúng tôi đã có một buổi tối thật tuyệt vời. Victoria và tôi đã tuyên bố kết thúc buổi tiệc vào lúc khoảng nửa đêm. Một vài cầu thủ và những người khác đi cùng với gia đình đã về từ trước nhưng vẫn có một số vị khách còn tham dự cho đến khi chúng tôi đã chuẩn bị đi ngủ và sẵn sàng cho chuyến đi tới Dubai vào hôm sau. Có lẽ thời điểm ấy là tương đối muộn nhưng đó vẫn là thời gian dành cho Ray Winstone. Tôi nghe thấy tiếng ai đó trước cửa. Tôi bước xuống, mở cửa và rồi Ray đứng ngay ở đó. Chúng tôi đã bước đi dạo cùng nhau và lúc đó tôi mới hiểu anh ấy thoải mái ra sao. Anh ấy đến để nói lời cảm ơn, nhưng thay vì thế, khi bước lên anh ấy lại bị vấp và ngã ngay xuống dưới sảnh trước cửa. Những diễn viên luôn biết cách xuất hiện theo cách thật ấn tượng. Và như tôi nói, buổi tối hôm đó thực sự là khoảng thời gian tuyệt vời: một kỉ niệm đẹp cho tất cả chúng tôi trước khi đến Nhật Bản.
Tôi biết các nhân viên y tế của United không thực sự vui vẻ khi biết tin tôi sẽ lên đường đến Dubai cùng đội tuyển Anh để chuẩn bị cho VCK World Cup 2002. Tôi nghĩ Sir Alex cho rằng thời tiết của tuần đó khá dễ chịu và tôi có thể sẽ có cơ hội tốt để bình phục nếu như tôi ở lại Manchester và làm việc cùng với đội ngũ vật lí trị liệu tại Carrington. Tôi biết điều đó, thậm chí khi tôi tập trung thi đấu cho đội tuyển Anh, thì tôi vẫn là một chú “Quỷ đỏ” của United đích thực. Cho dù câu lạc bộ dùng quyền lực để ngăn cản việc tôi đã làm, tôi vẫn sẽ làm vậy mà không cần nghĩ quá lâu. Sven muốn tôi ở cùng với toàn đội trong khoảng 2 tuần cuối cùng trước khi bước vào trận đấu đầu tiên và Gary Lewin, bác sĩ vật lí trị liệu của đội tuyển Anh và bác sĩ Crane là hai người sẽ gắn bó với tôi. Họ là những người giỏi nhất về chuyên môn tại Anh. Ở một diễn biến khác, LĐBĐ Anh (FA) đã đề nghị mang theo đội ngũ y tế của United đi cùng với chúng tôi. Thành thật mà nói, đó có lẽ là những tranh cãi mà tôi muốn những người khác nghĩ đến. Tôi đã sẵn sàng để lên đường cùng đội tuyển Anh dù cho có bất cứ quyết định nào khác được thực hiện ngấm ngầm đằng sau. Và quyết định cuối cùng là tôi được đi.
Sáng sớm thứ Hai, ngày 13/5/2002: tôi vẫn đang nằm cạnh Victoria tại căn nhà ở Sawbridgeworth. Mọi thứ trong căn nhà thật yên tĩnh. Từ phía xa xa, tôi vẫn có thể nghe được những người cuối cùng dự bữa tiệc đêm qua bắt đầu về nhà và bước vào những chiếc xe đến đón. Tôi cúi xuống và chạm vào chân trái. Tôi cảm thấy hơi đau một chút bởi vì tôi và Victoria đã khiêu vũ một lúc sau bữa tối. Trong khoảng vài giờ, tôi rời nhà để đến sân bay. Tôi sẽ có 18 ngày phía trước. 18 ngày để chứng tỏ rằng mình vẫn ổn và sẵn sàng cho trận đấu với Thụy Điển ở bên kia bán cầu vào ngày 31/5. Tôi có một chút cảm giác ớn lạnh sâu tận đáy cột sống. Phấn khích ư? Hay sợ hãi? 4 năm trước, tôi cũng đã từng sẵn sàng để bước vào một kì World Cup như thế. Biết bao nhiêu thứ đã xảy ra kể từ đó. 1998 dường như đã là quá khứ quá xa: Argentina, một tấm thẻ đỏ và phần còn lại. Nhưng ở thời điểm hiện tại, thử thách tiếp theo của tôi ở một kì World Cup lại hiện ra chỉ trong nháy mắt. Cơ hội được tham gia một kì World Cup đúng là một giấc mơ và là một đặc ân với bất cứ ai. Mọi cầu thủ đều biết rằng trong tháng của giải đấu đó có thể thay đổi sự nghiệp, cuộc sống của họ mãi mãi. Với tôi, cuộc sống, sự nghiệp đã thay đổi rất nhiều kể từ đêm tại Saint- Etienne của Pháp 4 năm trước. Tôi nhắm mắt lại và chìm vào bóng tối. Điều gì đang chờ đợi tôi, đội tuyển Anh trong chiến dịch tại Nhật Bản sắp tới?