“Hãy ra sân, chơi hết mình. Chúng ta là đội bóng xuất sắc hơn.”
Bóng đá dường như không phải là môn thể thao tập thể nếu xét ở một số khía cạnh nhất định nào đó. Chẳng hạn như khi mọi thứ không như mong muốn, có lẽ sẽ phải có ai đó nhận sự chỉ trích. Hãy lấy đội tuyển Anh làm ví dụ. Tại World Cup 1998, người phải nhận chỉ trích đó là tôi. Đến năm 2002, đến lượt David Seaman. Tại Euro 2000, Phil Neville trở thành tiêu điểm khi không thể đáp ứng kì vọng của công chúng. Đối với giới truyền thông và một bộ phận cổ động viên, sẽ luôn có người hùng và kẻ tội đồ. Tất nhiên, mỗi người đều có quyền nói lên quan điểm của mình về đội tuyển Anh, nhưng đôi khi tôi vẫn băn khoăn liệu họ có thực sự hiểu những gì mà họ nói hoặc viết về chúng tôi hay không. Các cầu thủ bóng đá có thể nói với mọi người rằng họ không đọc báo hoặc nghe đài nhưng với tôi, chúng tôi luôn biết khi nào mình đáng phải nhận những chỉ trích cho dù có mạnh mẽ đến đâu. Điều đó luôn đặt ra câu hỏi lớn với sự tự tin hoặc thái độ của chúng tôi.
Tất nhiên, việc công nhận sự đóng góp của một cá nhân nào đó hay chỉ trích họ không phải là điều chỉ xảy ra với bóng đá quốc tế. Có một câu chuyện xảy ra trong mùa hè năm 2002 khi United không thể hiện tốt phong độ của mình như thường lệ. Có rất nhiều lí do cho điều đó, những chấn thương, án treo giò và dường như cả đội đã đánh mất sự tập trung cũng như sự tự tin. Tôi cũng có vấn đề riêng của mình (tôi sẽ kể điều đó ở phần sau). Một vài người đã cho rằng phong độ nghèo nàn đó là do lỗi của Ryan Giggs. Không ai trong phòng thay đồ, từ cầu thủ cho đến nhân viên, nhìn nhận vấn đề theo cách đó. Nhưng một phần cổ động viên tại Old Trafford không vui với điều đó và tất nhiên, báo chí rồi truyền thông phải chọn ra ai đó để đổ lỗi. Điều đó thực sự khiến nhiều người, thậm chí chính Ryan, cũng sẽ bất ngờ khi anh là người phải nhận chỉ trích. Nhất là khi trước đó anh đã nhận được sự ủng hộ tuyệt vời của các cổ động viên United vì lòng trung thành và sự khích lệ đối với chàng cầu thủ lớn lên từ chính lò đào tạo của United.
Ngay khi mọi chuyện mỗi lúc một thổi phồng lên, hầu hết các fan của United đều đứng lên để bảo vệ Giggsy. Dù cho anh ấy không đạt phong độ cao, song không ai có chuyên môn về bóng đá lại dám nhận định anh ấy không phải là một cầu thủ ở đẳng cấp thế giới. Và hơn nữa, không ai yêu United lại nghi ngờ sự nghiệp tuyệt vời của anh ấy tại đây, bởi lẽ toàn đội đang không thể hiện được sức mạnh vốn có của mình. Rõ ràng, tôi không có quyền phán xét những nhận định của họ về United. Nhưng họ mới là những người thực sự trả lương cho các cầu thủ và tất cả mọi người làm việc tại Old Trafford. Các cầu thủ phải có trách nhiệm đáp ứng những kì vọng của các cổ động viên và đó là công việc của chúng tôi. Mặc dù họ đôi khi không hiểu việc chỉ trích một cầu thủ nào đó chỉ khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn với chính cầu thủ đó và đôi khi là cả toàn đội. Nhìn chung, cổ động viên của United luôn kiên nhẫn hơn hầu hết những fan hâm mộ của các đội bóng khác. Họ hiểu trận đấu, hiểu các cầu thủ. Những fan hâm mộ thực sự của United luôn hiểu rằng Giggsy sẽ trở lại với phong độ cao nhất như anh ấy đã làm trong suốt giai đoạn 6 tháng cuối cùng của mùa giải đó (mùa giải 2002/03) để giúp chúng tôi giành chức vô địch của giải Ngoại hạng Anh.
Chuyện tương tự cũng từng xảy ra với đội tuyển Anh, ít nhất kể từ lần đầu tôi được triệu tập, vẫn luôn có xu hướng dồn hết mọi thứ lên vai một ai đó khi cả đội thi đấu không đúng như kì vọng. Khi đại diện cho cả một quốc gia, chứ không chỉ một câu lạc bộ, nghĩa là sẽ có hàng triệu triệu cổ động viên theo dõi bạn qua ti vi theo từng đường bóng ở các giải đấu lớn. Điều này đồng nghĩa, trách nhiệm của chúng ta cũng sẽ nặng nề và lớn lao hơn. Tôi vẫn nhớ khi còn là cầu thủ trẻ có mặt để chuẩn bị cho một trận đấu nào đó của tuyển Anh, chúng tôi còn nửa đùa nửa thật về người có thể bị lôi ra chỉ trích nếu chúng tôi thua. Bây giờ, khi nghĩ lại, điều đó chẳng vui tẹo nào, dù việc một cầu thủ bị coi là “vật tế thần” sẽ giúp các cầu thủ khác tránh được chỉ trích, khiến cả đội đoàn kết hơn. Và có lẽ đến giờ điều đó vẫn đúng.
Luôn có những áp lực đè nặng lên vai của các tuyển thủ Anh, nhưng dù sao tôi cũng là một người yêu nước. Và cũng là một fan trung thành của đội tuyển. Tôi muốn cả đội thi đấu tốt khi đại diện cho đất nước. Nhưng tại World Cup và Euro, áp lực đôi khi khiến các cầu thủ ngại thử điều gì mới, không dám mạo hiểm với các tình huống bóng hay thậm chí là thể hiện bản thân. Đó là cảm giác sợ thất bại và ký ức về những gì đã xảy ra với tôi năm 1998 hay với Phil Neville tại Euro 2000 lại ùa về trong tâm trí. Nhưng hãy nhìn vào Brazil: họ không hề phản ứng trước những gì đã xảy ra. Tôi nhớ, trong trận tứ kết World Cup năm 2002, lúc chúng tôi đang dẫn trước 1-0, khi nhìn ra ngoài đường biên vẫn thấy Ronaldo đang cười đùa với trọng tài.
Tất nhiên, điều đó cũng có thể xuất phát từ việc không có một cầu thủ Brazil nào trở về quê hương để thi đấu trong mùa giải tiếp theo. Bởi lẽ họ chủ yếu thi đấu cho các câu lạc bộ nước ngoài. Có lẽ điều đó cũng khiến họ không cần phải lo lắng quá nhiều cho dù thất bại. Còn với các tuyển thủ Anh, họ luôn hiểu điều gì sẽ đến nếu phạm sai lầm và tôi tin rằng nỗi lo sợ đó có thể kìm hãm cả đội. Mặc dù vậy, những suy nghĩ đại loại như: “Họ sẽ nói gì, viết gì về tôi nếu tôi đá hỏng quả phạt đền trong trận đấu với Argentina?” luôn quanh quẩn trong tâm trí của tôi khi chúng tôi có dịp thi đấu ở sân nhà sau những gì đã xảy ra tại World Cup 2002. Tôi có thể đã sai. Trong những trận cầu thực sự lớn, tôi thường có cảm giác rằng nỗi sợ thất bại đôi khi khiến chúng tôi không thể thể hiện sức mạnh vốn có của toàn đội và màn trình diễn mà các cổ động viên muốn thấy.
Dù là vì lí do gì đi chăng nữa, Euro 2000 cũng đã không diễn ra như những gì chúng tôi mong muốn. Không chỉ mình Phil Neville phải nhận những lời chỉ trích mà cả Kevin Keegan cũng là người bị đổ lỗi. Nhưng với tinh thần mà Kevin đã tạo ra với toàn đội kể từ khi lên nắm ghế huấn luyện viên trưởng tuyển Anh, chúng tôi đều cảm thấy tất cả phải đoàn kết. Mặc dù vấp phải khó khăn ở vòng loại, chúng tôi vẫn có thể đi đến vòng chung kết với niềm hy vọng tạo nên bất ngờ. Trước khi đến Bỉ và Hà Lan, thời gian đóng quân tại Pháp thoải mái hơn hẳn so với thời kỳ ở dưới triều đại của Glenn Hoddle trước World Cup 2 năm về trước. Khi vòng chung kết khởi tranh, mọi người thực sự rất phấn khích hướng đến ngày khai màn.
Nếu nhìn vào khoảng 20 phút đầu tiên của trận đấu đầu tiên gặp Bồ Đào Nha tại Eindhoven, bạn sẽ thấy rằng chúng tôi thực sự đang ở đúng phong độ của mình với một tâm lí cực tốt. Họ là một đội bóng xuất sắc với các cầu thủ ở tầm cỡ thế giới như Luis Figo hay Rui Costa. Họ tạo ra áp lực lớn lên hàng thủ của chúng tôi, nhưng mỗi khi chúng tôi có cơ hội lên bóng, có cảm giác như chúng tôi cũng sắp sửa có được bàn thắng. Tôi đã thực hiện nhiều cú căng ngang vào vòng cấm. Paul Scholes thực hiện cú dứt điểm ở lần căng ngang đầu tiên, sau đó là Steve McManaman. Chúng tôi dẫn trước 2-0 trước cả khi có thời gian nghĩ xem cảm giác thi đấu trận này ra sao. Thực sự, chính chúng tôi cũng hoàn toàn bất ngờ với những gì đã diễn ra. Chúng tôi lẽ ra đã thắng trận đấu nhưng rồi Figo có pha đi bóng và tung cú dứt điểm từ xa ghi bàn cho Bồ Đào Nha và mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng. Họ có bàn thắng gỡ hòa ngay trước giờ nghỉ. Michael Owen phải rời sân vì chấn thương, rồi không lâu sau đến lượt Steve McManaman. Và người Bồ Đào Nha có bàn thắng ấn định chiến thắng 3-2 trong hiệp 2.
Đối với các fan trung lập, đó thực sự là một trận đấu tuyệt vời. Nhưng đối với chúng tôi và những cổ động viên của đội tuyển Anh, trận đấu kết thúc với kết quả tương đối thất vọng. Dù đã thi đấu rất tốt và có được 2 bàn thắng từ sớm, song chúng tôi lại để trận đấu tuột khỏi tầm kiểm soát trong hiệp 2. Thực tế là toàn đội đã thể hiện xuất sắc và chỉ chịu thất bại trước một đội bóng mạnh như Bồ Đào Nha. Nhưng dù có nghĩ vậy cũng không thể làm giảm bớt áp lực đè nặng lên vai chúng tôi. Mặc dù cá nhân tôi cảm thấy mình đã có một trận đấu tương đối tốt nhưng tôi vẫn khá thất vọng khi tiếng còi mãn cuộc cất lên. Thua 2-3 ở trận khai màn không phải là khởi đầu mà chúng tôi mong đợi. Trong những phút đầu tiên sau khi trận đấu kết thúc, tôi gần như lạc vào thế giới của riêng mình. Lẽ ra tôi nên ngẩng cao đầu, tự an ủi bản thân bởi lẽ sẽ có những rắc rối đang chờ đón khi tôi lết ra ngoài sân thi đấu.
Victoria đã di chuyển đến Hà Lan để theo dõi tôi thi đấu. Cô ấy muốn tới đây để động viên tinh thần tôi, nhưng tôi nhớ cảm giác lo lắng cho chuyến đi của cô ấy trước khi trận đấu bắt đầu. Chúng tôi được thông báo rằng gia đình của các cầu thủ sẽ được bố trí ngồi theo dõi trận đấu ở một nơi an toàn, kín đáo, nhưng quả thật điều đó đã không diễn ra. Tôi nhìn thấy cô ấy trong đám đông trên khán đài. Thực sự, ở dưới sân, tôi đã rất lo lắng cho sự an toàn của Victoria. Cô ấy ở đó cùng với bố và quả thật họ đã gặp phải rắc rối trước và sau trận đấu. Họ bị xô đẩy và xúc phạm bởi những người tự xưng là các cổ động viên của đội tuyển Anh. Sau trận đấu đó, có lẽ cô ấy sẽ không bao giờ tới sân nữa.
Và một trong số những kẻ ngu ngốc đó cũng đang chờ tôi rời khỏi sân. Khi tôi đang bước đi dọc theo đường hầm, sau khi chúng tôi bị các cổ động viên Anh la ó, khoảng 5 hoặc 6 tên ngồi ngay phía sau băng ghế dự bị bắt đầu la hét, chửi bới tôi và Victoria. Và rồi, điều kinh tởm hơn nữa là họ còn làm điều đó với cả Brooklyn. Nó thực sự khiến tôi cảm thấy phát ớn và chợt nghĩ không hiểu họ đang làm cái quái gì nữa. Tôi thực sự tức giận nhưng tôi vẫn mím chặt môi và bước tiếp. Tôi ra cử chỉ “ngón tay thối” hướng về phía họ và rồi bước thẳng vào phòng thay đồ.
Kể từ France 98, mọi người thường xuyên la mắng, chỉ trích tôi trong lẫn ngoài sân cỏ, nhiều đến nỗi mà tôi gần như phải học cách để sống chung với những thứ như thế. Nó thực sự khiến tôi tổn thương nhưng tôi nghĩ mình nên bỏ ngoài tai những điều như thế. Điều thực sự khiến tôi sốc là việc bị xúc phạm kể từ khi Victoria và tôi kết hôn và bắt đầu xây dựng hạnh phúc gia đình. Thay vì dành cho chúng tôi quyền riêng tư và sự tôn trọng, mọi thứ dường như trở nên tồi tệ hơn. Vậy đâu là lí do? Sự đố kị? Khinh thường? Hay họ không còn việc gì để làm? Tất cả những gì tôi biết là vào một buổi chiều tại Eindhoven, sau khi tôi đã thi đấu 90 phút cùng toàn đội và chúng tôi không có được kết quả tốt khiến các cổ động viên thất vọng. Những gì mà đám cổ động viên quá khích kia đã nói thực sự làm tổn thương tôi và khiến tôi ghê tởm. Tôi bị sốc nên tôi không thể làm gì khác ngoài việc phản ứng lại.
Khi tôi bước vào bên trong đường hầm cùng toàn đội, khoảnh khắc đó đã trôi qua. Tôi thật may mắn khi huấn luyện viên Kevin Keegan đi sau tôi chỉ một vài bước chân khi chúng tôi bước ra khỏi sân. Có lẽ ông ấy đã nghe thấy mọi thứ mà đám cổ động viên kia hướng về tôi. Ông ấy không hề bình luận gì về chúng mà cùng mọi người tiến thẳng vào phòng thay đồ. Điều quan trọng hơn là chúng tôi cùng nhau trao đổi về trận đấu vừa qua để rút kinh nghiệm và sẵn sàng thi đấu cho trận đấu tiếp theo gặp đội tuyển Đức tại Charleroi. Tôi thay đồ rồi đi theo một số cầu thủ khác ra xe. Tôi gọi điện cho Victoria và cô ấy kể cho tôi những gì mà cô và Tony đã trải qua. Tôi không nghĩ mình có đủ thời gian để kể cho cô ấy những gì mà họ la hét về phía tôi thì Paul Ince lên xe và hỏi:
“Cậu chỉ ngón tay thối vào đám đông à?”
Tôi chỉ gật đầu.
“Người ta chụp hình rồi. Một tay phóng viên vừa mới bảo tôi rằng bức hình đó sẽ xuất hiện trên mặt báo vào ngày mai.”
Khi chúng tôi trở về khách sạn, Kevin cũng hiểu chuyện gì sắp xảy ra. Ông được hỏi về điều đó tại buổi họp báo sau trận. Chúng tôi ngồi ăn tối với nhau và ông ấy bảo tôi:
“Này, David, tôi đã nghe cả rồi. Cậu không phải lo lắng gì. Đừng để ý đến những lời trên báo. Tôi đã nghe chính xác những gì mà họ chửi bới hồi chiều. Đừng lo. Tôi sẽ ở bên cạnh cậu.”
Ông ấy đã nói lại chính xác mọi thứ cho bất cứ ai hỏi ông về lùm xùm đó. Ông nói với báo chí, có lẽ là vị đại diện của FA có quan tâm đến vấn đề này, rằng ông biết toàn bộ câu chuyện và sẽ hoàn toàn đứng bên cạnh tôi. Chính Kevin là người đã cho tôi biết những sự xúc phạm đó nghiêm trọng tới mức nào, và suy nghĩ của những người ngoài cuộc khi nghe được chúng. Trong tình huống như thế, không có sự ủng hộ nào khác tốt hơn là từ huấn luyện viên trưởng của đội. Kevin Keegan luôn sẵn sàng vai kề vai đứng cạnh, bảo vệ các cầu thủ. Đó cũng chính là những gì mà Alex Ferguson đã làm trong hoàn cảnh tương tự. Tôi nghĩ cả Kevin và Sir Alex đều hiểu các cầu thủ sẽ cảm thấy ý nghĩa như thế nào khi biết huấn luyện viên sẽ đứng lên bảo vệ họ khi phải đối mặt với giới truyền thông.
Tại Eindhoven, có lẽ việc Kevin bảo vệ tôi không phải chỉ vì tôi là một trong những cầu thủ của ông ấy. Thực tế, Kevin cũng rất sốc và buồn bã khi nghe thấy những lời mà đám đông trên khán đài nhắm đến tôi. Và khi nghe chúng, tôi dám chắc ông ấy không phải là người duy nhất có cảm giác đó. Một trong số những rắc rối lớn trên các mặt báo vào ngày hôm sau và tất nhiên có người nói vài thứ tương tự như những gì hướng vào tôi sau vụ lùm xùm tại Saint-Etienne: Anh ta là một gã ngu ngốc, thật xấu hổ và anh ta lẽ ra không nên thi đấu cho đội tuyển quốc gia một lần nào nữa. Nhưng lần này có một chút khác biệt. Tôi có một huấn luyện viên luôn đứng bên tôi và bảo vệ các học trò. Mọi người có ý nghĩ rằng tại sao tôi lại phản ứng theo cách đó. Tại Eindhoven, tôi không phải bị kích động bởi một tiền vệ người Argentina mà là chính những cổ động viên của đội tuyển Anh. Có lẽ mọi người bây giờ mới hiểu tại sao tôi lại phản ứng như vậy cho dù điều đó có thể là sai. Tôi đã bị kìm nén trong suốt 2 năm qua. Và rồi tôi đã bị chụp lại khoảnh khắc phản ứng đó (giơ ngón tay thối về phía các cổ động viên). Tôi nghĩ sẽ có những cây viết và những cổ động viên tin rằng những lùm xùm về tôi đã bị đẩy đi quá xa và tôi xứng đáng có được sự bảo vệ như Kevin đã dành cho tôi. Gần như, tôi có thể cảm nhận được sự thay đổi trong giới truyền thông và thái độ của xã hội về tôi.
Tôi biết, đôi khi trí nhớ của bạn chỉ là trò lừa bịp. Mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra nhanh chóng hay đột ngột như bạn nhớ chúng. Nhưng sau Eindhoven, tôi biết một sự thật rằng, mọi thứ gần như thay đổi chỉ sau một đêm. Những gì đã xảy ra khi chúng tôi xuất hiện để khởi động trước trận đấu với tuyển Đức sẽ khiến tôi không bao giờ quên. Sau khi bị truất quyền thi đấu ở trận gặp Argentina, các cổ động viên Anh không cần quá nhiều lí do để có thể quay sang phản ứng với tôi một cách dữ dội. Việc thi đấu cho United cũng không giúp ích được nhiều. Tất cả các cầu thủ của United phải quen với điều đó. Các cổ động viên thường la ó khi Gary hoặc Phil Neville được xướng tên. Sự xúc phạm mà chúng tôi phải nhận trong các trận đấu trên sân khách khi thi đấu cho câu lạc bộ cũng thường tiếp diễn khi chúng tôi thi đấu cho cả đội tuyển quốc gia. Nhưng tất cả những thứ đó đã thay đổi, ít nhất là với tôi, tại Charleroi. 5 ngày sau trận thua Bồ Đào Nha, chúng tôi sắp sửa thi đấu với đội tuyển Đức trên một sân vận động nhỏ xíu ở một thị trấn tại Bỉ. Tôi biết sẽ có vấn đề với cổ động viên ở các quảng trường chính, nhưng chúng tôi đã được tách khỏi họ và điều quan trọng là bầu không khí trong sân. Có cảm giác như các cổ động viên ngồi ngay sát mặt sân thi đấu. Những âm thanh cổ vũ quả thực rất tuyệt vời, hầu hết xuất phát từ các cổ động viên Anh. Sân vận động gần như chật kín khi chúng tôi bước ra khởi động trong khoảng 35 phút trước khi trận đấu bắt đầu. Đó quả thật là bầu không khí tuyệt vời với tôi và cả đội. Tôi đi bộ đến các chỗ các cổ động viên và lần đầu tiên nghe họ hát:
“Có một David Beckham. Và chỉ có duy nhất một David Beckham...”
Nó khiến tôi phải nổi da gà xúc động mỗi khi nhớ lại. Thời điểm đó, có lẽ tôi cũng không tin mình lại có thể nghe được những câu hát đó. Là một cổ động viên của đội tuyển Anh và là một cầu thủ Anh: các cổ động viên của tôi đang hát vang tên tôi và điều đó có ý nghĩa như cả thế giới đối với tôi. Giống như những cổ động viên tại Old Trafford đã cùng tôi vượt qua mọi rắc rối tại Saint-Etienne, những cổ động viên tại Charleroi cũng giúp tôi quên đi tất cả những gì đã xảy ra sau trận đấu với Bồ Đào Nha. Điều đó thực sự mang đến điều khác biệt khi tôi biết rằng các cổ động viên theo chân đội tuyển Anh đến các giải đấu lớn cũng luôn đứng sau cổ vũ cho tôi. Và cũng kể từ buổi chiều đó trở đi, tôi luôn tin thái độ dành cho tôi đã thay đổi. Tôi không thể hiểu hết sự ủng hộ của Kevin là quan trọng đến thế nào, nhưng tôi nghĩ rằng sự kiện tại Eindhoven ít nhất cũng đã giúp mọi người nhận ra tôi đã phải trải qua điều gì trong suốt 2 năm qua. Tôi cảm thấy trong lòng thật phấn khích khi quay trở lại phòng thay đồ để chuẩn bị cho trận đấu. Khi chúng tôi quay trở lại sân thi đấu, có cảm giác tôi đã vượt qua được bức tường, rào cản lớn nhất đối với đội tuyển Anh. Và thực tế, đó là những gì đã diễn ra trong trận đấu với đội tuyển Đức: một trận đấu khó khăn với chúng tôi. Hơn 90 phút đã qua quả thực khủng khiếp với một trận bóng. Nhưng nếu nhìn lại quá khứ, rằng chúng tôi chưa từng đánh bại họ trong các trận đấu kể từ năm 1966, kết quả của trận đấu như để bù đắp cho quãng thời gian đó. Chúng tôi giành chiến thắng đội tuyển Đức với tỉ số 1-0.
Tôi đã góp công vào cả hai bàn thắng trong trận đấu với Bồ Đào Nha và cảm thấy cực kì tự tin. Ngay sau hiệp 1 trận đấu tại Charleroi, chúng tôi có cơ hội từ chấm đá phạt. Quả đá phạt cách tương đối xa khung thành của đội tuyển Đức và chếch về phía cánh phải. Gary Neville chạy đến chỗ tôi chuẩn bị thực hiện cú đá phạt và nói:
“Đá nhanh đi. Chuyền đến đây nào.”
Gary vẫn thường xuất hiện trong các tình huống bóng như thế. Anh ấy muốn tham gia vào tình huống đó. Nhưng tôi không muốn đẩy bóng cho anh ấy rồi nhận lại để có một tình huống bóng sống. Tôi bảo với Gary:
“Gary. Chạy đi.”
Tôi không nghĩ anh ấy lấy làm vui vẻ khi tôi thường đưa bóng vào trong vòng cấm từ những pha đá phạt xa. Nhưng, tôi đã thực hiện một quả tạt vào khu vực cấm địa của tuyển Đức trong tình huống đó. Trái bóng đi đủ xoáy để vượt qua tầm kiểm soát của hai cầu thủ hậu vệ Đức và rồi Alan Shearer là người ập vào từ phía cột xa và tung cú đánh đầu. Bóng đi vào lưới và đó là bàn thắng ấn định tỉ số 1-0 của tuyển Anh. Trong lúc ăn mừng, Gary lao đến chỗ tôi và như hét vào tai tôi:
“Chuyền tốt lắm, Becks.”
Giống như những ý kiến của anh ấy, Gary thỉnh thoảng cũng khiến chúng tôi phải điên lên nhưng tôi nghĩ Gary luôn là cầu thủ xuất sắc khi tập luyện cũng như thi đấu. Anh ấy luôn có một thái độ nghiêm túc đối với mỗi trận đấu. Khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, tất cả chúng tôi cùng nhảy lên ăn mừng trong khi các cổ động viên trên khán đài như phát điên. Thực tế là chúng tôi đã đánh bại đội tuyển Đức và giành chiến thắng đầu tiên của giải đấu năm nay. Tôi vẫn nhớ Gary chạy lại chỗ tôi và nhắc:
“Chúng ta nên rời sân đi. Mọi thứ chưa xong đâu. Chúng ta vẫn chưa vượt qua vòng bảng đâu.”
Và quả thật anh ấy đã đúng. Chúng tôi vẫn còn một trận đấu với Romania. Chúng tôi chỉ cần một trận hòa là có thể giành tấm vé vào vòng trong, nhưng mọi người biết kết quả trận đấu ra sao rồi đấy. Romania là một đội bóng xuất sắc, được rèn giũa chiến thuật, cho dù Gheorghe Hagi bị treo giò nhưng họ vẫn có một trận đấu rất xuất sắc. Chúng tôi lẽ ra đã có cơ hội thoát khỏi việc bị loại ngay sau vòng bảng. Sau khi bị gỡ hòa, chúng tôi có bàn thắng dẫn trước 2-1. Lẽ ra chúng tôi cần phải duy trì tỉ số đó cho đến hết trận đấu. Nhưng kể từ khi tỉ số bị cân bằng 2-2, có cảm giác chúng tôi không còn niềm tin vào bản thân. Chúng tôi cố gắng duy trì kết quả này cho đến cuối trận đấu. Nhưng rồi một tình huống nhận định sai của trọng tài ở ngay những phút cuối trận đã đưa Romania vào tứ kết, chứ không phải chúng tôi.
Tôi đang đứng ở khu vực giữa sân khi Phil Neville thực hiện pha xoạc bóng và rồi trọng tài chỉ tay vào chấm phạt đền cho Romania. Cảm giác như tình huống đó không nên diễn ra khi chúng tôi đang thi đấu đến tận những phút cuối cùng. Nhưng tôi phải nhìn vào sự thật. Tôi cảm thấy thật tệ thay cho Phil. Cậu ấy đã có một trận đấu tốt buổi chiều hôm đó và một giải đấu tương đối thành công nếu không có tình huống đó. Khi hồi còi mãn cuộc cất lên, tôi thấy bản thân mình bắt đầu nghĩ về cậu ấy: Tôi biết chuyện gì sẽ xảy đến với cậu ấy, người ta sẽ nói gì về cậu ấy.
Mọi thứ đã kết thúc. Chúng tôi thua 2-3 trước Romania và chính thức bị loại. Tôi bước đến và khoác tay lên vai Phil. Tôi chẳng thể làm gì để khiến cậu ấy không phải nhận những lời chỉ trích vì chúng tôi đã thua Romania và bị loại khỏi giải đấu. Có lẽ những lời lẽ xúc phạm sẽ không cay nghiệt như tôi từng phải hứng chịu tại France 98 nhưng nó cũng quá đủ với một cầu thủ như cậu ấy. Với các cầu thủ Anh, mỗi khi bước vào những trận đấu lớn, có lẽ không ai là không băn khoăn nghi ngờ xem liệu mình có mắc sai lầm và để rồi phải nhận những lời chỉ trích sau đó hay không. Như tôi đã nói, để đội tuyển Anh có thể tiến xa ở những giải đấu lớn, chúng ta cần phải vượt qua cách nghĩ đó.
Vào buổi chiều hôm đó tại Charleroi, xung quanh các khán đài và phòng thay đồ, tất cả đều mất niềm tin vào đội bóng. Sau những thăng hoa ở trận thắng đội tuyển Đức cũng ở sân đấu này một vài ngày trước, khắp bốn phía khán đài lại thất vọng khi chứng kiến kết quả ở trận đấu với Romania. Chiến thắng vào thứ Bảy tuần trước đã khiến kì vọng của các cổ động viên, giới truyền thông và cả chính các cầu thủ tăng lên bất ngờ, nhưng chỉ sau một trận đấu, mọi thứ tan biến. Thật khó để chấp nhận sự thật này. Các cầu thủ, huấn luyện viên và các fan hâm mộ cố gắng để trở về thực tế rằng chúng tôi phải về nhà sớm.
Những phút trong phòng thay đồ sau đó hoặc ngày đầu tiên sau trận đấu tại Anh, mọi thứ gần như không để lại quá nhiều ấn tượng với tôi. Khi nghĩ lại, trong suốt thời gian đó, cũng giống như mùa giải năm 1999, các cầu thủ Bayern Munich chắc chắn cũng sẽ có những cảm giác đó sau khi biết United đã giành lại Cúp vô địch châu Âu từ tay họ. Quả thực, những cảm giác lúc đó không giống với việc đối thủ của bạn đã dẫn trước bạn đến 2 hoặc 3 quả và hoàn toàn nắm quyền chủ động trong trận đấu. Mọi thứ vẫn ở trước mặt chúng tôi khoảng một phút trước, nhưng ngay sau đó đã vụt mất lúc nào không ai hay biết. Mọi thứ xảy ra quá nhanh khiến chúng ta không có thời gian để kịp suy nghĩ về nó. Mọi người có thể nhận ra điều đó trên gương mặt của các cầu thủ Bayern Munich vào đêm mà United giành chức vô địch tại Barcelona. Tôi luôn dành sự tôn trọng cho họ: họ đã trở lại từ những nỗi thất vọng và nhanh chóng có được chức vô địch chỉ vài năm sau (Bayern giành Champions League vào mùa giải 2000/01). Phản ứng theo cách mà họ đã làm là điều mà các tuyển thủ Anh phải có sau Euro 2000.
Mặc dù vậy, chính các cầu thủ lại không phải nhận những chỉ trích từ nhiều phía khi chúng tôi quay trở lại Anh. Huấn luyện viên trưởng phải đối mặt với tất cả. Điều đó đã giúp giảm bớt áp lực đè lên vai của Phil Neville. Nhìn vào cách mà các đội bóng của Kevin từng dẫn dắt, trong đó có cả đội tuyển Anh, tôi nghĩ những kết quả đó sớm muộn gì cũng sẽ diễn ra. Cách chơi của đội tuyển Anh gần giống như cách mà Newcastle thi đấu khi Kevin còn đương nhiệm. Mọi người rất thích theo dõi đội bóng của ông thi đấu, nhưng khi những thứ không đạt kết quả tốt, người ta thường nói Kevin đã quá mạo hiểm và không có đủ thời gian để các cầu thủ tham gia phòng ngự. Mặc dù vậy, có lẽ tôi cũng không cần phải nói lại cách tôi đánh giá ông ấy trong vai trò của một huấn luyện viên trên sân cỏ và một người đàn ông ngoài đời thường nữa. Các cầu thủ đều biết và đều hiểu những gì đã xảy ra ở Bỉ là trách nhiệm chung của tất cả chúng tôi, cho dù bất cứ ai muốn chĩa mũi nhọn vào Kevin đi chăng nữa.
Trong bóng đá quốc tế, không có thời gian, cơ hội để làm lại và thử nghiệm những ý tưởng mới. Ngay khi giải đấu kết thúc, chúng ta sẽ phải bắt tay vào chiến dịch vòng loại của giải đấu tiếp theo. Mùa thu năm 2000, chúng tôi đã có trận đấu đầu tiên với mục tiêu tiến tới vòng chung kết World Cup 2002. Trong tất cả các đội, trận đấu đầu tiên của chúng tôi lại là cuộc chạm trán với đội tuyển Đức, nhưng lần này là tại Wembley. Sau khi bị đánh bại tại Charleroi, rất nhiều người theo dõi đều cho rằng thế hệ đội tuyển Đức năm đó là đội bóng Đức yếu nhất từ trước đến nay. Có lẽ họ cho rằng chúng tôi cần phải đánh bại họ thêm một lần nữa để khẳng định sức mạnh của mình. Bất chấp những gì đã diễn ra với chúng tôi vào mùa hè năm đó, những kì vọng đặt lên vai đội tuyển Anh ngay lập tức tăng lên nhanh chóng. Trận đấu giữa Anh và Đức vào tháng 10 cũng chính là trận đấu cuối cùng trước khi sân Wembley bị phá dỡ để được xây mới.
Có rất nhiều sự kiện, nhiều thứ để nhớ về lịch sử của sân đấu này. Đặc biệt là buổi chiều tuyệt vời nhất với tất cả người Anh vào năm 1966 khi đội tuyển Anh vượt qua chính đội tuyển Đức ở trận chung kết World Cup để giành chức vô địch thế giới đầu tiên trong lịch sử. Hôm đó, sân Wembley chật kín khán giả khi chúng tôi ra sân để khởi động. Có vẻ mọi người đến đây để tham dự một lễ hội, lễ hội bóng đá, chứ không phải xem một trận đấu tại vòng loại World Cup. Thực tế, đây lại là một trận đấu đáng thất vọng của tôi. Đội tuyển Đức có bàn thắng sớm từ một tình huống đá phạt khá tinh quái của Dietmar Hamann. Anh ấy thực hiện cú sút khi thủ môn David Seaman và các cầu thủ hậu vệ còn chưa sẵn sàng. Sau đó, họ có nhiều tình huống hãm thành về phía David Seaman nhưng không thành công. Cuối cùng, tôi phải rời sân sau một pha va chạm vào đầu gối ở những phút cuối trận.
Tôi tiến đến và ngồi vào băng ghế dự bị, ngước ra ngoài trời đang lất phất những hạt mưa và lắng nghe bầu không khí quanh Wembley dần trở nên chua chát hơn. Khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, chúng tôi nhận thất bại 0-1 ngay tại thánh địa Wembley cũ và lắng nghe những tiếng la ó từ phía các cổ động viên tuyển Anh. Để thua một trận đấu ngay tại Wembley và thua một đối thủ như đội tuyển Đức quả thật là một trong những kỉ niệm tồi tệ nhất mà tôi từng phải trải qua trong bóng đá. Tôi đi bộ dọc đường biên hướng về phòng thay đồ cũng chỉ ngay trước Kevin Keegan một vài bước chân. Tôi có thể nghe thấy những lời lẽ không hay ho hướng đến ông ấy từ các fan đứng phía trên khán đài gần đường chạy. Những chỉ trích nhằm về phía ông ấy không hề mang tính cá nhân. Thay vì thế, họ chỉ nói cho Kevin biết những gì mà họ đang nghĩ về ông khi ông nắm chiếc ghế của đội tuyển Anh. Có lẽ họ cũng không hề biết rằng những lời khó nghe đó lại hướng vào người đàn ông đã đạt được biết bao danh hiệu, giải thưởng trong 31 năm gắn bó với bóng đá. Cũng không mất quá lâu để mọi người quên rằng Kevin là sự lựa chọn đầu tiên cho chiếc ghế huấn luyện viên trưởng đội tuyển Anh kể từ khi Glenn Hoddle xin từ chức.
Tôi vẫn khá bất ngờ về những gì đã xảy ra khi chúng tôi bước vào phòng thay đồ. Kevin đã quyết định từ chức. Vì đã nghe được những gì mà các cổ động viên đã la ó trên sân, tôi hiểu tại sao Kevin đưa ra quyết định nhanh như vậy. Thậm chí, những gì đã xảy ra trong hàng giờ liền sau trận đấu với đội tuyển Đức vẫn là một cú sốc lớn. Chúng tôi vẫn không thay đồ. Có lẽ tất cả chúng tôi đều không thể tin được chuyện đã xảy ra. Kevin bước vào và đứng ở giữa phòng. Và rồi ông nói mình sẽ ra đi: “Tôi phải nói thật với các cậu. Và thành thật với chính mình. Tôi sẽ dừng lại. Các cậu chắc chắn sẽ có quãng thời gian thành công phía trước. Các cậu là những cầu thủ rất xuất sắc.”
Tôi biết đó chỉ là một quyết định tức thời bởi lẽ người trợ lí thân cận nhất của ông - Arthur Cox, người vốn hiểu và rất thân với Kevin - cũng chưa hề biết những gì sắp xảy ra. Chính Arthur là người đầu tiên lên tiếng sau khi Kevin dứt lời:
“Không, Kevin. Đừng làm thế!”
Arthur tiếp:
“Kevin, chúng tôi muốn ông làm huấn luyện viên trưởng tuyển Anh.”
Tất cả mọi thứ gần như sụp đổ. Thua trận và rồi chúng tôi lại mất cả Kevin Keegan.
Cá nhân tôi, tôi không không cảm thấy thất vọng. Tôi cũng chưa từng thốt ra bất cứ một lời nào không hay về một trong những huấn luyện viên xuất sắc nhất trong lịch sử mà tôi từng làm việc cùng. Chỉ có Kevin mới biết mình phải làm gì và ông đã ra quyết định đó. Đầu tiên, ông nói với chúng tôi, sau đó là Adam Crozier, cán bộ FA và rồi cuối cùng là báo chí. Tất cả những thứ tuyệt vời đã từng xảy ra tại Wembley, khoảng thời gian thành công mà chúng tôi đã từng có với Kevin sắp sửa kết thúc với những giọt mưa rơi ngoài sân, sự tức giận, nỗi buồn bã và rồi đội tuyển Anh sẽ lại tiếp tục cuộc hành trình để tìm ra một vị thuyền trưởng mới. Bây giờ khi ngẫm lại, đó quả thật là một buổi chiều buồn và tôi nghĩ: Tại sao chúng tôi lại không thay đổi quyết định và tổ chức thêm một trận đấu nữa ở đó trước khi phá nó? Lẽ ra nên cho Wembley một cơ hội nữa?
Với sự trì hoãn trong việc xây dựng sân vận động mới, suýt nữa chúng tôi đã có cơ hội để làm điều đó. Nhưng thay vì thế, chúng ta hãy hy vọng rằng trận thua trước Đức không phải là ký ức duy nhất về Wembley. Chúng ta vẫn có những ký ức thành công khác với những trận chung kết FA Cup và Euro 96 và cả chức vô địch World Cup năm 1966. Xét trên bình diện bóng đá, nếu như trước trận đấu tại Wembley vào tháng 10/2000 đó, có ai bảo rằng chúng tôi sẽ thua đội tuyển Đức vào chiều hôm đó và rồi đánh bại họ ở trận lượt về thì bất cứ ai trong số các cầu thủ chúng tôi cũng sẽ đồng tình. Và thực tế, chúng tôi đã từng đánh bại họ ngay tại Munich ở trận lượt về vài tháng sau đó. Mặc dù vậy, rất nhiều thứ đã xảy ra với đội tuyển Anh trước khi giấc mơ đó thành hiện thực.
Những tuyển thủ, thủ lĩnh và cả đội trưởng quan trọng như Alan Shearer và Tony Adams cũng sắp sửa đặt dấu chấm hết sự nghiệp tại đội tuyển Anh. Lúc ấy, Những chú sư tử Anh chỉ còn lại các cầu thủ trẻ, trong đó có thế hệ các cầu thủ United. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua hai giải đấu lớn, hai nỗi thất vọng lớn. Sau thế hệ của chúng tôi, có rất nhiều tài năng trẻ đang chờ cơ hội tại đội tuyển Anh. Khi Kevin rời đi, mọi người dường như đều đồng tình rằng cần làm mọi thứ để đưa đội tuyển Anh trở lại. Trước khi Sven-Goran Eriksson được bổ nhiệm, Howard Wilkinson sẽ phụ trách đội tuyển trong một vài trận đấu và rồi Peter Taylor đóng vai trò làm huấn luyện viên tạm quyền trong chuyến giao hữu làm khách trước Italia. Mọi người đều nói:
“Phải tạo ra sự thay đổi. Hãy sử dụng những cầu thủ trẻ.”
Có lẽ Peter hiểu ông ấy sẽ không thể có được chiếc ghế tại đội tuyển Anh trong lâu dài. Ông là người có cơ hội để mạnh dạn tạo ra những sự thay đổi lớn với đội tuyển Anh để biết mình cần phải làm gì cho dù kết quả có ra sao đi chăng nữa. Và rồi tất cả các cầu thủ trẻ được thử nghiệm. Tôi rất nhớ điều đó vì có lẽ Peter là người đầu tiên dám tung vào sân một thế hệ cầu thủ hoàn toàn mới. Điều đó không có nghĩa là ông loại bỏ tất cả các công thần, ông chỉ đơn giản là trao cơ hội cho nhiều cầu thủ trẻ hơn. Sven có ảnh hưởng rất lớn nhưng Peter đã bắt đầu công việc của mình. Thực sự, tôi nợ ông ấy rất nhiều. Peter Taylor đã trao cho tôi chiếc băng đội trưởng của đội tuyển Anh lần đầu tiên.
Trước đó, tôi mới chỉ từng làm đội trưởng duy nhất một lần trong đời. Trong suốt năm đầu tiên thi đấu tại sân Old Trafford, tôi từng làm đội trưởng của đội trẻ United giành chức vô địch tại Milk Cup ở Bắc Ireland. Việc thiếu kinh nghiệm chưa bao giờ khiến bất cứ ai phải dừng ước mơ. Khi lần đầu được ra mắt trong màu áo của đội tuyển Anh, tôi bắt đầu có tham vọng bước đến bước tiến tiếp theo. Đó là trở thành một trong những cầu thủ vĩ đại nhất của bóng đá Anh. Tôi luôn tin tưởng rằng chúng ta nên đặt bản thân vào một mục tiêu cao nhất. Tôi cũng đã có một buổi nói chuyện với Kevin Keegan sau khi Alan Shearer tuyên bố giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế. Tôi muốn huấn luyện viên trưởng đội tuyển Anh biết tôi có thể đảm nhiệm vị trí ấy. Kevin không hề trả lời có hoặc không. Nhưng ông ấy nghĩ rằng tôi sẽ trở thành thủ lĩnh của đội tuyển Anh một ngày không xa. Khi Kevin rời khỏi chiếc ghế của Tam sư, tôi nghĩ mọi người cũng đang bắt đầu nói về việc tôi có thể trở thành người đội trưởng tiếp theo. Mặc dù vậy, tôi vẫn phải khẳng định luôn có không ít người phản đối ý kiến đó. Nhưng chắc chắn tôi cũng không thể nào tự mình biến điều đó thành sự thực ngay lập tức được. Tôi sẽ phải chờ cùng với tất cả mọi người. Một đêm trước khi Peter Taylor công bố đội hình cho trận đấu giao hữu với Italia, Victoria đang ở xa và tôi đang ở nhà của Gary Neville. Điện thoại của tôi rung lên vào lúc 8 giờ sáng. Tôi không phải là người giỏi trong việc dậy sớm vì thế lúc đó, tôi cũng khá lơ mơ.
Tôi nhấc điện thoại lên và cố gắng cất lời:
“Xin chào.”
Giọng nói ở đầu dây bên kia thực sự khiến tôi tỉnh ngủ.
“Xin chào, David. Tôi là Peter Taylor.”
Tôi tỉnh ngủ và bật dậy khỏi giường.
“Ô. Xin chào. Ông có khỏe không.”
Ông ấy gọi đến không phải để nói chuyện. Tôi sẽ không bao giờ quên sau đó:
“Xin lỗi đã gọi cho cậu sớm thế này, nhưng tôi gọi cho cậu để nói về đội hình sắp tới. Tôi đã định triệu tập một số cầu thủ trẻ và một vài gương mặt mới. Tôi nghĩ cậu sẽ rất thích hợp để sắm vai đội trưởng của đội. Tôi chắc chắn là cậu cũng đã sẵn sàng với vai trò này. Tôi muốn cậu là người đầu tiên biết điều này.”
Tôi phải ngồi xuống để tự trấn tĩnh lại trong khoảng 5 phút. Nhiều lúc tôi cứ tưởng mình đang mơ ngủ. Nửa tỉnh nửa mê nghĩ ngợi xem có phải tôi vừa nghe được điều đó không. Tôi gần như chết lặng với những gì vừa nghe được qua cuộc điện thoại. Quá phấn khích, quá tự hào, và một chút khiêm tốn khi nghĩ về điều đó. Tôi lập tức gọi điện cho Victoria và rồi bố mẹ tôi. Và tôi vẫn không thể nào ngồi dậy được khi miên man trong suy nghĩ: Thật tuyệt vời! Nhưng tôi không muốn làm đội trưởng chỉ trong một trận đấu. Tôi muốn tiếp tục nhận trách nhiệm, nhiệm vụ đó nữa.
Rồi tôi cũng dần bình tĩnh trở lại. Tôi không lao ngay vào phòng của Gary, nhảy lên nhảy xuống giường của anh chàng để báo tin này. Thay vào đó, chúng tôi ăn sáng và tôi bình tĩnh kể lại chuyện đó với anh ấy một cách thật đơn giản:
“Này, Gaz. Tôi sẽ trở thành đội trưởng của đội tuyển Anh. Ném cho tôi gói ngũ cốc nào.”
Tôi phải thừa nhận là tôi luôn xem Gary là đội trưởng ở United hoặc tuyển Anh. Nhưng hóa ra, nó lại đến với tôi trước. Anh ấy cũng rất vui vẻ cho dù là nó đến với anh ấy hay với tôi. Quả là một tin tốt lành trước khi đánh xe đến sân tập. Tôi nghĩ thông tin đó đã đến Carrington trước khi tôi kịp đặt chân đến. Một vài cầu thủ của United cứ khăng khăng gắn tôi với cái tên “Đội trưởng” trong suốt cả buổi sáng. Tôi cũng không kể câu chuyện giữa tôi và Peter hồi sáng khi tôi đón nhận tin vui này. Tôi quan sát cách mọi người đón nhận tin này ra sao. Tôi biết tính cách của mình và tôi phải tự tìm nó theo cách riêng. Tôi nhận ra những tiếng la hét và chửi bới ngoài kia không dành cho mình. Tôi sắp sửa bước ra ngoài, thi đấu và tập luyện thật chăm chỉ, dẫn dắt các cầu thủ khác. Bước vào trận đấu trong vai trò đội trưởng, lần đầu tiên quả thật rất tuyệt vời. Tôi luôn đặt áp lực lên bản thân, không cho phép mình được thư giãn và tận hưởng giây phút này bởi vì tôi hiểu tôi không muốn đây là lần duy nhất. Tôi sẽ phải cố gắng để chắc rằng vị huấn luyện viên trưởng của tuyển Anh sau này sẽ đồng ý với quyết định của Peter Taylor. Tôi thực sự hạnh phúc khi Peter trao cho tôi tấm băng đội trưởng và cũng rất vui khi ông ấy chọn tôi vào đội hình chính. Tôi sẽ phải làm thủ lĩnh của một tập thể còn rất trẻ. Tôi cảm thấy mình có thêm trách nhiệm. Quả thật, đó không phải là điều tự nhiên khi những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm như Paul Ince, Tony Adams hay Alan Shearer vẫn còn đó. Một số người cũng cảm thấy lo lắng cho tôi với vai trò mới. Nhưng Peter đã nói rõ rằng ông ấy tin tưởng, điều này giúp tôi lấy lại sự tự tin. Cảm giác như các đồng đội của tôi cũng vậy. Xung quanh có đủ những cầu thủ trẻ để tôi cảm thấy như mình đủ chững chạc trong đội hình của tuyển Anh.
Cho dù đó chỉ là một trận giao hữu, cho dù khán giả đến sân không thực sự đông, song việc dẫn dắt các cầu thủ tuyển Anh bước ra sân Stadio Delle Alpi quả thật là một trong số những khoảnh khắc tự hào nhất trong sự nghiệp của tôi. Peter Taylor đã mạo hiểm với tôi và với toàn đội, nhưng tôi không nghĩ chúng tôi sẽ khiến ông ấy hay đất nước Anh phải thất vọng. Chúng tôi đã để thua đáng tiếc với tỉ số 1-0 trước một đội tuyển Italia quá mạnh. Chúng tôi hoàn toàn xứng đáng với một kết quả tốt hơn. Emile Heskey đã liên tiếp đe dọa hàng phòng ngự của họ bằng những pha hãm thành và chúng tôi tạo ra hàng tá cơ hội ghi bàn, nhưng thật tiếc, các cầu thủ lại không thể tận dụng chúng. Với riêng cá nhân tôi, tôi biết mình chưa bao giờ có cơ hội được thi đấu cho đội tuyển Anh với tư cách đó. Và cũng kể từ buổi tối hôm đó, mọi người thấy sự thay đổi ở tôi gần như ngay khi tôi đeo chiếc băng đội trưởng của Tam sư. Tôi biết họ có ý không hài lòng với tôi khi nói như thế.
Khi mới chỉ bước vào hiệp 2 của trận đấu khoảng 10 phút, tỉ số vẫn là 0-0. Chúng tôi tạo ra một vài cú sút trong khu vực cấm địa ngay đầu trận. Trong một tình huống, bóng được nhồi vào khu vực vòng cấm và bị cản phá khiến nó bay lên không trung. Và trái bóng bắt đầu rót đến vị trí của tôi. Tôi không biết ai đã lao vào cản phá nhưng tôi bất ngờ bị tác động khiến không thể nào nhận bóng và rồi bị xô ngã xuống sân. Đó là tình huống bóng trong vòng cấm của đội Italia và một vài cầu thủ Anh phản ứng để đòi một quả phạt. Thực tế, tôi bị tác động từ phía sau và ngã xuống. Khi tôi đứng dậy, Gattuso chợt lao về phía tôi và như thể muốn hét lên để phản ứng với tôi. Có lẽ anh ấy cho rằng tôi đã ngã xuống quá dễ dàng. Hoặc có lẽ anh ấy phản ứng như vậy để tránh gặp những rắc rối từ phía trọng tài. Dù sao tôi cũng không phản ứng lại và đã tránh đi chỗ khác nhưng anh ấy vẫn lao tới và kéo áo tôi lại. Tôi quay lại và nhìn thẳng vào anh ấy. Trong quá khứ, tôi cũng đã từng phản ứng lại và mắc một sai lầm. Lúc đó, tôi chỉ muốn tiếp tục trận đấu. Tôi hiểu mình đang là thủ lĩnh của đội tuyển Anh và vì thế tôi thấy tầm vóc của mình lớn hơn thế. Tôi chỉ muốn tách ra khỏi anh ấy và tránh khỏi những rắc rối. Gattuso ngay lập tức cũng quay trở lại với trận đấu. Một vài phút sau, anh ấy tiếp cận vòng cấm của chúng tôi và ghi bàn với một cú nã đại bác sấm sét từ cự li khoảng gần 30 mét. Đó cũng là bàn thắng ấn định chiến thắng cho đội tuyển Italia.
Peter Taylor đã làm rất tốt công việc của mình. Hôm đó, tân huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Anh cũng xuất hiện ở Turin. Sau những tranh cãi về huấn luyện viên ngoại, Sven-Goran Eriksson ngồi vào chiếc ghế nóng tại đội tuyển Anh vẫn tiếp tục diễn ra trong một vài tuần sau. Thậm chí nó còn xuất hiện ngay trong phòng thay đồ của đội tuyển Anh. Tôi hiểu mối quan tâm của mọi người. Tôi biết họ muốn một người Anh đứng lên nắm quyền chỉ huy Tam sư. Nhưng trong hoàn cảnh của chúng tôi khi ấy – thời điểm mà cả đất nước đang khát khao thành công, khát khao được chứng kiến đội tuyển quốc gia thi đấu một thứ bóng đá thuyết phục, chúng tôi cần một người giỏi nhất trong công việc này, bất chấp lí lịch của họ. Và Sven vẫn luôn là một trong những huấn luyện viên đáng kính nhất. Thật may mắn, không mất quá lâu để những tranh cãi về ông thầy người Thụy Điển lắng xuống. Những kết quả và quan trọng hơn là màn trình diễn của đội tuyển Anh đã khiến mọi người quên đi điều đó.
Trước khi Sven làm việc ở Anh, tôi chưa từng gặp ông ấy. Tôi nghĩ mình cũng chưa từng thi đấu với bất cứ đội bóng nào do ông dẫn dắt cả. Nhưng trong bóng đá, chúng ta có thể biết đến huấn luyện viên thông qua danh tiếng của họ. Hữu xạ tự nhiên hương! Những danh hiệu mà ông ấy đã giành được khiến chúng tôi phải tôn trọng và đặt niềm tin vào ông. Tôi là người được giới thiệu đầu tiên với huấn luyện viên Eriksson khi chúng tôi tập trung ở Villa Park để chuẩn bị cho trận đấu đầu tiên dưới triều đại của ông ấy. Đó là trận đấu giao hữu với đội tuyển Tây Ban Nha. Khi chúng tôi đến khách sạn của đội, tôi nhận được thông báo rằng ông ấy muốn gặp tôi.
Đó không chỉ là một cơ hội để nói lời chào với ông ấy mà còn là cơ hội để biết thêm về kế hoạch của ông ấy khi tiếp cận công việc tại đội tuyển Anh. Theo đó, Sven sẽ đi dự khán một số trận đấu trong nước. Có rất nhiều chuyện xung quanh ông ấy trước trận đấu đầu tiên cùng với đội tuyển Anh. Nhưng có một câu hỏi mà tôi vẫn rất băn khoăn là liệu ông ấy có tiếp tục lựa chọn tôi trong vai trò đội trưởng của tuyển Anh nữa hay không? Và rồi tôi đã có câu trả lời: Tôi sẽ tiếp tục làm thủ lĩnh của Tam sư. Trước đó, tôi đã thực sự lo lắng trong suốt một tuần trước khi tập trung cùng toàn đội. Nhưng thật may mắn, tôi đã được nghe những gì mà tôi vẫn khát khao:
“Cậu sẽ tiếp tục trong vai trò đội trưởng nhé. Tôi nghĩ cậu sẽ trở thành một người đội trưởng vĩ đại tại đội tuyển Anh. Cậu là một cầu thủ giỏi và các cầu thủ khác có thể noi gương. Bất cứ ai nghi ngờ về điều đó, cậu phải chứng minh họ sai.”
Ở buổi đầu gặp mặt, những gì ông ấy nói với tôi và cả đội rất đơn giản. Sven muốn đội tuyển Anh chơi thứ bóng đá hấp dẫn và thuyết phục. Nhưng ông ấy cũng muốn cả sự hiệu quả nữa. Những buổi tập của toàn đội diễn ra trong không khí vui vẻ, đặc biệt là bởi vì cả Steve McClaren, Peter Taylor và Sammy Lee đều nằm trong thành phần ban huấn luyện. Dường như vẫn không có gì gọi là cải cách: Sven vẫn bình tĩnh chuẩn bị để mọi người quen dần với những gì ông ấy muốn các cầu thủ thực hiện và hiểu hơn về triết lí của ông ấy để chắc chắn khi ông ấy làm điều đó, mọi cầu thủ đều đã từng nghe về nó. Sự hiện diện của Sven luôn nhận được sự tôn trọng và chú ý từ toàn đội. Các cầu thủ luôn hiểu rằng đội tuyển Anh đã có được một huấn luyện viên tài năng và hoàn toàn phù hợp với vị trí thuyền trưởng tại đây. Quy định hết sức rõ ràng và đơn giản, chúng tôi hay bất cứ ai trong đội đều không được phép vi phạm. Chúng tôi được đối xử như những người đàn ông, được dành sự tôn trọng và ngược lại, chúng tôi cũng được kì vọng sẽ làm hết trách nhiệm của mình. Tôi tin chắc đó là hướng tiếp cận mà mọi tuyển thủ Anh đều muốn.
Mặc dù đó chỉ là một trận giao hữu, nhưng cũng đã xuất hiện những tiếng la ó phản ứng trên sân Villa Park và rồi chúng tôi đã đánh bại Tây Ban Nha với tỉ số 3-0. Chúng tôi biết phép thử thực sự phải là trận đấu tiếp theo tại vòng loại World Cup. Sau khi để thua Đức và rồi một trận hòa ở Helsinki, trận đấu tiếp theo với Phần Lan tại Anfield sẽ là một thử thách thực sự: hoặc là một trận thắng hoặc là chúng tôi sẽ rơi vào vũng lầy thực sự. Nếu không có được 3 điểm, chúng tôi sẽ gặp vấn đề khi phải thi đấu play-off. Trận đấu đó là một thử thách thực sự, và chúng tôi cần phải cùng nhau đoàn kết để có được kết quả tốt nhất. Với cá nhân tôi, tư cách là một người đội trưởng, tôi thấy mình cần đưa ra một giải pháp nào đó.
Tại Villa Park, có lẽ bởi vì tôi chỉ thi đấu trong hiệp 1 trong trận đấu với Tây Ban Nha nên tôi không hài lòng với màn thể hiện của mình cho dù toàn đội đã thi đấu tốt. Tại Anfield, ngay trước giờ bóng lăn, mọi thứ có vẻ rất khác. Rủi ro cũng có vẻ cao hơi rất nhiều, không chỉ riêng tôi. Chúng tôi chỉ bắt đầu thi đấu các trận của đội tuyển Anh ở sân của các câu lạc bộ khác nhau sau khi sân Wembley chính thức được phá bỏ. Mọi người đều biết không khí thực sự rất tuyệt vời tại Anfield, nhưng không ai chắc rằng các cầu thủ của United như tôi sẽ được tiếp đón như thế nào trên sân nhà của Liverpool. Chúng tôi lẽ ra không nên lo lắng về điều đó. Cho dù họ là fan của Liverpool hay các fan từ khắp nơi trên đất nước thì những tiếng hô vang tên tôi trên sân ngay trước trận đấu khiến tôi phải dựng tóc gáy. Điều đó thực sự tuyệt vời với cá nhân tôi, nhưng quan trọng hơn, nó cho chúng tôi cảm giác rằng mọi người đang đồng hành cùng tuyển Anh và đồng hành cùng Sven.
Ngay khi bắt đầu, chúng tôi đã thi đấu rất hưng phấn và tạo ra rất nhiều cơ hội ăn bàn. Toàn đội như đang có một nguồn năng lượng dồi dào. Những đường chuyền diễn ra với độ chính xác cao. Mọi thứ thực sự tốt cho đến khi Phần Lan là đội ghi bàn mở tỉ số. Từ một tình huống phạt góc, cầu thủ đội khách đánh đầu. Bóng đập chân Gary Neville khiến thủ môn David Seaman không kịp phản ứng. Một bàn thắng may mắn! Và chúng tôi lại bị dẫn trước.
Nhưng rồi Michael Owen nhanh chóng có được bàn thắng gỡ hòa ngay trước khi hiệp 1 kết thúc sau cú căng ngang của Gary. Điều đó khiến chúng tôi bước vào giờ nghỉ với một chút niềm tin vào hiệp 2. Thế nhưng, với các cổ động viên, họ vẫn còn rất lo lắng. Và khi trở lại với hiệp 2 của trận đấu, chúng tôi đã có bàn thắng ấn định tỉ số chung cuộc 2-1. Ngay đầu hiệp 2, bóng được luân chuyển sang cánh trái trước khi trở về khu vực của tôi bên hành lang phải. Tôi có bóng ở mép ngoài bên phải khu vực 16m50. Tôi thực hiện pha đỡ bóng bước một gọn gàng rồi đưa bóng về trước cùng với đà di chuyển, sau đó dứt điểm. Một sự lựa chọn dễ dàng! Bóng khẽ chạm chân một cầu thủ hậu vệ trước khi vượt qua tầm với của thủ môn và găm thẳng vào góc xa. Đây cũng là bàn thắng đầu tiên của tôi cho đội tuyển Anh từ các tình huống bóng sống. Tôi lao về phía góc sân để ăn mừng bàn thắng. Người đầu tiên mà tôi nhìn thấy là Teddy Sheringham. Tôi ôm anh ấy để chia vui. Tôi nhảy lên lưng anh ấy để ăn mừng. Về cuối trận, David Seaman đã xuất sắc cản phá một số cơ hội của đội khách. Anh ấy luôn chứng tỏ được khả năng của mình trong những trận đấu lớn. Chúng tôi cũng tạo ra thêm một vài cơ hội nhưng không có bàn thắng nào được ghi. Và bàn thắng của tôi cũng là bàn ấn định tỉ số của trận đấu. Nó được ghi trên sân của Liverpool. Điều đó khiến tôi càng phấn khích hơn.
Chúng tôi phải đánh bại Phần Lan để tự tạo cơ hội cho chính mình. Chuyến làm khách với đội tuyển Đức tại Munich sẽ diễn ra sau đó 5 tháng và chúng tôi biết mình cần giữ được tinh thần chiến đấu như ở trận đấu vừa qua tại Anfield. Trước khi đến Đức, chúng tôi vẫn còn 2 chuyến làm khách với Hy Lạp và Albania cũng ở vòng loại và các trận đấu giao hữu nữa. Sven vẫn luôn tin tưởng vào lứa cầu thủ trẻ mà ông kế thừa từ Peter Taylor, một thế hệ trẻ với các cầu thủ chỉ ở độ tuổi đôi mươi. Sven cho chúng tôi thời gian để gắn kết và các trận đấu để dần xây dựng bộ khung vững chắc và cả sự tự tin. Trong những tháng đầu tiên của mùa giải, đôi lúc tôi có cảm giác sự phát triển của đội gắn liền với United - bởi vì bên cạnh tôi có Gary, Phil, Butty và Scholesy.
Thật khó để nói chính xác điều gì mang đến một tập thể thành công. Chắc chắn sẽ có các cầu thủ giỏi, huấn luyện viên tốt và sự quản lí xuất sắc. Mặc dù vậy, để biến các cá nhân thành một tập thể mạnh, cần nhiều yếu tố, nhất là ở cấp độ đội tuyển quốc gia khi mà các cầu thủ có thể đến từ khắp các câu lạc bộ trên cả nước. Sinh hoạt cùng nhau, thi đấu cùng nhau, chiến thắng và thất bại cùng nhau tạo nên sự khác biệt. Một huấn luyện viên trưởng của đội tuyển quốc gia phải cố gắng để khiến cho một tập thể luôn phát triển, cho dù những chấn thương, sự khác biệt ở câu lạc bộ và thời gian tập trung của đội tuyển Anh chỉ kéo dài vài ngày trước mỗi trận đấu. Các cầu thủ có thể đóng góp vào việc đó. Nhưng Sven xứng đáng với niềm tin của người hâm mộ, ít nhất là khi ông tạo ra một tinh thần đoàn kết giữa các cầu thủ trong đội hơn bất cứ đời huấn luyện viên nào trước đó mà tôi từng biết.
Nhiều lần trong quá khứ khi chúng tôi tập trung đội tuyển quốc gia, chúng tôi có thể biết ngay nhóm cầu thủ nào sẽ thân thiết với nhóm cầu thủ nào. Các nhóm trong đội được chia ra theo những cầu thủ trụ cột và những cầu thủ trẻ hơn; hoặc theo sự thù địch giữa các câu lạc bộ trong nước. Khi ấy chúng tôi cũng từng đối xử theo cách đó với những người khác trong đội. Các cầu thủ từ United vốn vẫn nổi tiếng là luôn biết giữ mình khi tập trung đội tuyển. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Có thể nói rằng có một sợi dây kết nối thực sự, sự tôn trọng lẫn nhau thực sự giữa những tuyển thủ Anh và điều đó đã tạo nên sự khác biệt khi chúng tôi cùng ra ngoài và thi đấu. Chúng tôi có thể cảm nhận được sự thay đổi đó ngay trong tháng đầu tiên mà Sven ngồi vào chiếc ghế nóng. Và cách mà huấn luyện viên trưởng mới của đội đối xử với các cầu thủ cũng là sự khác biệt lớn.
Tôi còn nhớ trận thắng với tỉ số 4-0 trước Mexico tại Pride Park trong khuôn khổ giao hữu giữa các trận đấu vòng loại World Cup vào đầu năm 2001. Có một khoảnh khắc đã nói lên tất cả về tinh thần đoàn kết của đội tuyển Anh. Nó khiến tôi có cảm giác chúng tôi có thể đến Munich và có một kết quả có lợi, từ đó có vé trực tiếp đến World Cup vào năm sau. Ngay từ đầu trận, một hậu vệ của Mexico đã có tình huống lao đến từ phía sau. Tình huống đó không quá nghiêm trọng khi tôi hơi đau và phải đi cà nhắc. Nhưng gần như ngay sau đó, Steven Gerrard vào bóng với hậu vệ đó như một cách trả đũa và khiến đối phương lăn lộn trên sân. Tất nhiên, Gerrard đã vào bóng đúng luật khi chân của cậu ấy chạm bóng trước hậu vệ người Mexico. Luôn dành sự quan tâm đến đồng đội chính là thái độ, tinh thần mà chúng ta có thể nhìn thấy ở mọi đội bóng chiến thắng và nhà vô địch.
Trở lại vòng loại World Cup, chúng tôi đánh bại Hy Lạp tại Athens và Albania tại Tirana. Hai chiến thắng này ít nhất đã giúp chúng tôi đảm bảo chắc chắn có được vị trí thứ 2 để tham gia vòng play-off tranh vé tới vòng chung kết World Cup vào mùa hè năm sau. Để có thể giành ngôi nhất bảng và có vé đến thẳng Nhật Bản và Hàn Quốc, chúng tôi biết mình phải giành được chiến thắng ở trận đấu tại Munich. Mặc dù mọi thứ đang diễn ra rất tốt đẹp dưới triều đại của Sven, song không nhiều người nghĩ chúng tôi lại có thể có cơ hội làm được điều đó. Chưa có ai từng đánh bại người Đức ngay tại sân nhà của họ. Và cho lần đầu tiên, có lẽ những sự kì vọng cũng không quá cao và điều đó khiến chúng tôi cởi bỏ bớt áp lực. Chúng tôi không phải lo lắng quá nhiều về việc sẽ khiến người hâm mộ thất vọng. Người duy nhất luôn luôn tin tưởng rằng chúng tôi có thể chiến thắng chính là huấn luyện viên trưởng. Sven không phải mẫu người thích “nổ” trước giới truyền thông, nhưng kể từ khi gánh trách nhiệm tại đội tuyển Anh, mỗi lần được hỏi về các trận đấu với đội tuyển Đức, ông luôn tự tin nghĩ rằng chúng tôi có đủ xuất sắc để đánh bại họ. Có lẽ sự tự tin của ông ấy trong suốt một tháng vừa qua và cho đến ngày diễn ra trận đấu vào 1/9/2001 đã len lỏi vào trong tâm trí của mỗi cầu thủ mà chúng tôi không hề nhận ra.
Cho dù lí do là gì đi chăng nữa, khi chúng tôi ngồi xuống và cùng nhau ăn tối tại khách sạn ở Munich vào buổi tối thứ Sáu trước trận đấu, tôi nhìn xung quanh và lắng nghe mọi cuộc trò chuyện và tự nhủ rằng liệu tôi có thể nhớ được mãi mãi rằng tôi đã từng sống trong một đội tuyển Anh với bầu không khí tích cực này. Tôi có những nghi ngờ của riêng tôi về trận đấu vào ngày hôm sau, nhưng chúng tôi vẫn sẽ ở đó để thi đấu cho dù tôi có sẵn sàng hay không. Sau giờ ăn, tôi quay trở lại phòng và nói chuyện với cậu bạn Dave Gardner. Anh ấy hỏi tôi nghĩ gì về việc chúng tôi có thể có vé đến thẳng World Cup. Một vài giờ sau, các cầu thủ còn lại đã thuyết phục tôi rằng:
“Tôi nghĩ chúng ta sẽ giành chiến thắng.”
Sự yên lặng giữa hai đầu dây điện thoại có thể khiến tôi hiểu ra ở quê nhà, mọi người cũng không có được tâm lí tự tin như chúng tôi. Nhưng tôi cũng không nói điều đó với Dave. Và tôi muốn một phần trong suy nghĩ của tôi sẽ xảy ra vào ngày hôm sau. Tôi thực sự lo lắng chấn thương háng mình gặp phải khi United thi đấu với Aston Villa tuần trước không kịp hồi phục. Nhưng hóa ra, nó lại không tồi tệ như tôi nghĩ. Tôi vẫn có thể tham gia các buổi tập của đội tuyển Anh cùng với các đồng đội cho dù tôi không thực sự sẵn sàng. Tôi sẽ có một tuần để hồi phục và hy vọng điều tốt đẹp nhất sẽ đến. Việc đóng vai trò là đội trưởng khiến quãng thời gian đó trở nên tồi tệ hơn: Tôi muốn mình tham gia cùng với toàn đội. Tôi chỉ có thể tập luyện cùng với toàn đội vào chiều hôm thứ Sáu ngay trước bữa ăn tối tại khách sạn. Tôi ra ngoài khoảng nửa tiếng cùng với Gary Lewin và Alan Smith – nhân viên y tế của đội tuyển Anh để kiểm tra thể trạng của tôi: chạy, chuyển hướng và sút bóng chết.
Cảm giác lúc đó thật khác lạ, thậm chí nó còn khó diễn tả hơn cả cảm giác hồi hộp khi có được một suất đá chính ở một trận đấu lớn. Tôi chỉ muốn thật cố gắng để có thể khiến mọi người tin tưởng rằng tôi có đủ sức khỏe thi đấu và sẽ không để mọi người thất vọng. Nhưng cùng thời điểm đó, tôi cũng không muốn bung hết sức trong màn kiểm tra, chỉ đơn giản là để tránh gặp phải vấn đề vào phút cuối và có thể phải bỏ lỡ cơ hội của mình. Nhưng dù sao, cả Gary và Alan đều vui mừng và báo cho tôi kết luận tích cực rằng tôi hoàn toàn có đủ sức khỏe để tập luyện và thi đấu cùng đội tuyển Anh. Và thật tuyệt khi các đồng đội còn lại cũng đều ở trạng thái tốt nhất. Tôi chỉ ước mình có cơ hội thi đấu với người Đức. Tôi ngóng chờ từng giây từng phút để vào sân thi đấu. Các đồng đội của tôi trông tự tin trong suốt bữa sáng và thậm chí là trong cả khoảng thời gian 30 phút trước giờ thi đấu trong phòng thay đồ, mọi người dường như thoải mái và rất bình tĩnh. Chúng tôi ra ngoài và khởi động. Mọi thứ vẫn rất ổn. Mọi thứ ngoại trừ chấn thương của tôi. Tôi biết mình khát khao được thi đấu đến nhường nào nhưng tôi phải làm những gì tốt nhất cho đội. Mặc dù vậy, một vài phút chạy khởi động và căng cơ đã tạo ra những sự khác biệt. Tôi trở lại với niềm tin rằng mình có thể làm được. Khi thời khắc quan trọng đã đến, trong khoảng một vài phút trước khi tiếng chuông reo lên báo hiệu chúng tôi phải ra sân thi đấu, Sven ngồi lại với mọi người. Những gì mà ông ấy nói thực sự rất đơn giản nhưng gắn chặt vào tâm trí và cảm xúc của mỗi cầu thủ:
“Hãy ra sân, và chiến đấu hết mình. Hãy tự tin: Họ là một đội bóng giỏi nhưng chúng ta còn xuất sắc hơn. Hãy thi đấu thật tốt và giành lấy 3 điểm.”
Sven luôn luôn kết thúc những lời dặn dò bằng cụm từ “giành ba điểm.” Tôi đứng dậy và dẫn đầu cả đội hình thi đấu bước ra ngoài đường hầm. Bác sĩ trị liệu nhắc tôi mặc quần giữ nhiệt bó sát để giữ ấm và hỗ trợ một chút cho chấn thương của tôi. Nhưng ngay khi đứng tại đường hầm, tôi biết mình đã mắc sai lầm khi đồng ý mặc nó. Tôi luôn cần phải thoải mái với trang phục: không chỉ với những đôi giày mà cả bộ đồ tôi mặc. Nếu bị phồng rộp thì tôi cũng không thể đeo thêm một đôi tất hoặc một miếng lót gót chân. Có lẽ những thứ đó cứ quanh đi quẩn lại trong đầu tôi, nhưng tôi hiểu nó sẽ mang đến những sự khác biệt thực sự với tôi. Mỗi khi chờ ra sân thi đấu ở những trận cầu lớn, tôi thường bị mắc vào những thứ như thế. Mặc dù vậy, lúc đó cũng không phải là thời điểm thích hợp để thay đổi.
Chúng tôi vào sân và bắt đầu thi đấu, nhưng chỉ sau ít phút, chúng tôi đã bị thủng lưới. Carsten Jancker là người ghi bàn cho đội tuyển Đức. Tôi thậm chí còn không có thời gian đủ lâu để dừng việc lo lắng về cảm giác không ổn. Chấn thương không ảnh hưởng đến tôi nhưng chiếc quần giữ nhiệt thì có. Tôi đi bộ dọc đường biên và rồi bóc chúng ra. Một vài tờ báo đã chụp được khoảnh khắc đó và ngay ngày hôm sau có bài viết cùng với bức hình và dòng tít về việc đội trưởng tuyển Anh thay đổi trận đấu bằng việc thay chiếc quần đang mặc. Việc cởi bỏ chúng ra khiến tôi thoải mái hơn trong khi di chuyển và có thể chạy dễ dàng hơn. Tôi cũng không hề có vấn đề gì với chấn thương của mình cho đến cuối trận.
Thông thường, việc để thua trước một bàn có lẽ là thứ tồi tệ nhất có thể xảy ra. Để cho đội tuyển Đức có một khởi đầu tốt và rồi không thể gỡ lại được chính là những gì đã diễn ra tại Wembley, phải chứ? Nhưng tại sân vận động Olympic, Munich, những suy nghĩ đó dường như không hề ảnh hưởng đến chúng tôi. Không ai hoảng hốt hay tỏ ra mất tập trung trên sân cả. Mọi thứ có vẻ giống với những gì đã diễn ra tại Stadio Delle Alpi với United, tối hôm đó, chúng tôi bị dẫn trước tới 2-0 trước Juventus nhưng rồi chúng tôi đã lội ngược dòng để thắng lại và vào đến trận chung kết cúp châu Âu. Michael Owen thực sự quyết tâm. Cậu ấy luôn rất bình tĩnh nhưng tôi có thể nhìn thấy ngọn lửa quyết tâm trong ánh mắt của cậu ấy trước giờ bóng lăn. Và khi chúng tôi đang bị dẫn trước, cậu ấy chợt hét lớn với tất cả mọi người:
“Cố lên. Chúng ta có thể thắng trận này. Chúng ta có thể đánh bại họ.”
Và chúng tôi biết cậu ấy đã đúng. Chỉ 5 phút sau, Michael ghi bàn thắng quân bình tỉ số. Và chúng tôi tiếp tục cố gắng quyết tâm thi đấu. Tôi nghĩ người Đức bị mất tinh thần sau bàn thua đó. Oliver Kahn, một trong số những thủ môn xuất sắc nhất đã phải trải qua một buổi tối thật tồi tệ. Hóa ra đó lại là một trận đấu mà mọi thứ chúng tôi muốn đều đã xảy ra. Steven Gerrard ghi bàn thắng ở ngay trước khi hiệp 1 kết thúc bằng một cú sút xa trời giáng từ cự ly khoảng hơn 20 mét. Đây cũng là bàn thắng đầu tiên của cậu ấy cho đội tuyển Anh. Bàn thắng đó khiến quãng thời gian sau đó trở nên thật tuyệt vời với chúng tôi. Nếu một trận đấu diễn ra quá căng thẳng thì việc dẫn trước giờ nghỉ sẽ giúp toàn đội có được lợi thế về mặt tâm lí. Cậu ấy đã bỏ lỡ nhiều trận đấu ở vòng loại trước đó vì chấn thương và ở chuyến làm khách đến nước Đức lần này, Steven đã kịp hồi phục. Nhờ thế, chúng tôi cũng có được sự cân bằng tốt hơn trong đội hình. Dù vẫn còn trẻ nhưng Steven chẳng khác nào một Roy Keane hay là Patrick Vieira: từ những cú tắc bóng cho đến việc chạy và chạy liên tục trên sân, vừa có thể chuyền chuẩn xác và cũng có thể ghi bàn ấn tượng. Cậu ấy gần như quán xuyến trọn vẹn khu vực giữa sân. Quả thật không phải ngẫu nhiên mà đội tuyển Anh hiếm khi để thua khi có Steven Gerrard trong đội hình.
Tôi không biết những đồng đội khác thì sao nhưng tôi càng lo lắng hơn khi bước vào hiệp 2 của trận đấu. Tôi còn nhớ khi bước vào phòng thay đồ với tỉ số là 2-1, và tôi cũng không biết mình sẽ nên tiếp cận 45 phút tiếp theo như thế nào. Sau hiệp 1, Sven luôn bảo mọi người bước vào và ổn định để trấn tĩnh lại trong khoảng 5 phút: ngồi xuống, tháo giày, uống nước và làm bất cứ thứ gì cần. Những cuộc nói chuyện giữa các cầu thủ rầm rì trong phòng:
“Chúng ta ra ngoài và bảo vệ kết quả 2-1 chứ? Hay tấn công và tìm kiếm bàn nữa cho chắc thắng?”
Tôi nghĩ tất cả chúng tôi đều biết không cần phải thay đổi gì cả. Đó cũng chính là những gì mà Sven đã nói với chúng tôi. Và kết quả là chúng tôi có thêm được bàn thắng và tin tưởng vào hàng phòng ngự hơn. Hiệp 2 diễn ra như một giấc mơ vậy. Michael ghi bàn thắng thứ hai chỉ sau vài phút kể từ khi giao bóng và rồi lập hattrick cho riêng mình. Sau đó, Scholesy có đường chuyền “dọn cỗ” để Emile ghi bàn. Tôi còn nhớ khi cú sút của Emile đi vào lưới, tôi nhanh chóng nhìn xung quanh và hướng ánh mắt vào băng ghế dự bị để chứng kiến phản ứng của mọi người: Tất cả mọi thứ giống y như mọi người trên khán đài và tôi đoán cũng giống như tất cả những ai đang xem qua màn ảnh nhỏ ti vi ở nhà. Các cầu thủ dự bị và thành viên ban huấn luyện, tất cả ùa ra ôm lấy nhau. Và chắc là tôi cũng có thể đọc được khẩu hình miệng của mọi người:
“NĂM – MỘT. Trước Tuyển ĐỨC, Tại ĐỨC. KHÔNG THỂ TIN NỔI!”
Lúc đó, trận đấu vẫn còn khoảng 5 phút. Quả thực, đó là 5 phút của thiên đường bóng đá. Tuy nhiên có một điều lạ là tôi đã tham gia vào quá trình lên bóng ở bàn thắng thứ 5 và thực tế tôi không tham gia nhiều vào các tình huống quyết định mỗi khi thi đấu cho đội tuyển Anh. Tôi đang thi đấu nhưng cũng cảm giác mình thấy hạnh phúc khi được theo dõi mọi thứ trên sân. Tôi là một phần của những tình huống đó nhưng tôi lại đang ngưỡng mộ những gì mà những người đồng đội bên cạnh tôi đang làm. Tất cả chúng tôi cần giữ được bóng. Điều đó khiến những người Đức bắt đầu ngày càng trở nên lo lắng và tức giận. Chúng tôi không phải là một đội bóng biểu diễn khi các cầu thủ không phải mẫu người thích gặm nhấm thất bại của người khác với những động tác kĩ thuật hay những cú lừa. Nhưng chúng tôi vẫn phải giữ bóng để khiến họ không thể chạm bóng, từ đó không có bất cứ cơ hội nào để ghi bàn. Cảm giác chúng tôi còn muốn đánh bại họ 10-1 chứ không phải chỉ là 5 bàn như hiện tại.
Ngay khi trọng tài nổi hồi còi mãn cuộc, trọng tài chính khi ấy là Pierluigi Collina xuất hiện và xin chiếc áo của tôi. Có lẽ ông ấy cũng hiểu mình cũng chính là một phần của lịch sử mà chúng tôi vừa tạo ra. Tôi nghĩ ông ấy là vị trọng tài xuất sắc nhất thế giới, vì vậy tôi cũng đủ vui. Sau cùng, không có một Người Đức nào trong hoàn cảnh đó có cảm xúc để đổi áo. Tôi nghĩ Collina cũng khá hài lòng khi tôi cũng đề nghị được đổi áo với ông ấy. Sau đó, tất cả những điều tôi muốn làm là òa vào lòng người hâm mộ của đội tuyển Anh. Hàng nghìn người đổ đến Munich và hiệp 2 của trận đấu có cảm giác như chúng tôi đang thi đấu trên sân nhà. Âm thanh thật tuyệt vời. Tôi luôn cho rằng các fan của đội tuyển Anh là tuyệt vời nhất thế giới. Các cổ động viên của chúng tôi sẽ luôn đồng hành và dành cho chúng tôi những sự ủng hộ tuyệt vời. Tôi chắc chắn một điều là mọi cổ động viên Anh bên trong sân vận động Olympic sẽ kể cho bạn những câu chuyện về hành trình tuyệt vời từ không nơi nào trong quá khứ và từ thất vọng của màn trình diễn kém cỏi của đội tuyển Anh. Tất cả trong số họ đều biết cảm giác thế nào khi thất bại trước một đối thủ nhiều duyên nợ như đội tuyển Đức và Argentina. Và họ xứng đáng với niềm vui của chiến thắng lịch sử 5-1 ngay tại sân Olympic mà chúng tôi đã viết lên. Với các cầu thủ, tối hôm đó chắc chắn sẽ là một trong những buổi tối tuyệt vời nhất trong cuộc đời họ.
Trở lại bên trong, tôi mới phát hiện ra mình gần như không thể nào nói được. Cổ họng của tôi cảm giác như bị ép hút đến khoảng 20 điếu xì gà trong khoảng một vài giờ qua. Tôi biết mình đã nói chuyện rất nhiều rồi thì hò hét rất nhiều trong suốt cả trận đấu. Tôi cũng tham gia hát hò với một vài cầu thủ trong phòng thay đồ nữa. Bầu không khí trong phòng thay đồ quả thật tuyệt vời. Chúng tôi quá tự hào, quá hạnh phúc nhưng tất cả chúng tôi đã thực hiện những màn nhảy múa bên ngoài sân rồi. Và bây giờ là lúc chúng tôi cần giữ được sự bình tĩnh. Một số cầu thủ được mát xa, những người khác được xông hơi trong phòng tắm và số còn lại như tôi chỉ ngồi nguyên tại chỗ và dần dần thay đồ, uống nước và thậm chí là “uống” những khoảnh khắc vào tâm trí để nhớ lâu hơn.
Không cần Sven phải nói nhưng tôi nghĩ mọi tuyển thủ Anh khi ấy đều đã bắt đầu nghĩ về trận đấu tiếp theo trong 4 ngày nữa trước Albania. Tất cả những điều kì diệu mà chúng tôi đã làm quả thật là tuyệt vời nhưng nó sẽ chẳng có ý nghĩ gì nữa nếu chúng tôi không thể giành chiến thắng ở trận đấu vào thứ Tư tuần tới ngay tại St James’ Park. Bạn có thể sống trong thế giới bóng đá trong vai của một cổ động viên hoặc một cầu thủ trong đêm mà tuyển Anh giành chiến thắng 5-1 trước người Đức. Nhưng qua từng trận đấu, hãy đặt lịch sử, chiến thắng sang một bên và đối thủ là ai có lẽ cũng không còn quan trọng nữa. Chỉ có chiến thắng là điều duy nhất. Như ông Eriksson từng nói: chỉ có 3 điểm.
Tôi ngồi một chỗ và dựa lưng vào bức tường phía sau. Tôi nghĩ lại những ký ức vào buổi chiều thứ Bảy mưa gió tại Wembley gần một năm về trước. Và với Kevin Keegan trong phòng thay đồ sau khi chúng tôi để thua với tỉ số 1-0 trước chính người Đức, ông ấy bảo chúng tôi rằng ông sẽ gánh trách nhiệm tại đội tuyển Anh cho đến khi ông ấy còn có thể. Tôi vẫn còn nhớ giới truyền thông và nhiều cổ động viên đã cho rằng hành trình đến World Cup đã khép lại ngay khi chúng còn chưa bắt đầu. Từ trong sâu thẳm trong tim, tôi biết tôi đã bị đẩy đến mức không thể đồng ý với những nhà tiên tri luôn bi quan. Việc để thua trước đội tuyển Đức chỉ là điều không may xảy ra. Với cá nhân tôi và với đội tuyển Anh, việc để mất Kevin mới chính là địa ngục, giống như ngày tận thế. Bây giờ, 11 tháng sau, chúng tôi vừa mới đánh bại đối thủ cũ của mình với tỉ số không tưởng.
Ai mà biết được điều gì sẽ xảy ra nếu Kevin quyết định tiếp tục gắn bó với đội tuyển Anh? Tôi luôn tin ông ấy trên cương vị huấn luyện viên trưởng. Hãy nhìn lại những gì mà ông ấy từng đạt được cùng với Manchester City trong vài năm qua. Tôi vẫn dành cho ông ấy sự tôn trọng bất tận bởi tính cách, phẩm chất của một người đàn ông đích thực. Mặc dù vậy, đôi khi diễn ra những sự thay đổi không phải bởi vì có ai đó muốn nó xảy ra mà là bởi vì điều đó là bắt buộc. Tôi thích được thi đấu cho đội tuyển Anh dưới thời Kevin. Một năm sau, tôi đang là đội trưởng dưới triều đại của huấn luyện viên Sven-Goran Eriksson. Huấn luyện viên trưởng mới mang đến thế hệ mới của các cầu thủ Anh và cho chúng tôi cơ hội phát triển và xây dựng thành một đội. Sven và Alex Ferguson rất khác nhau trong cách họ tiếp cận từng cá nhân cầu thủ. Nhưng cách họ cố gắng xây dựng một tập thể thành công thì giống hệt nhau. Đối với đội tuyển Anh, màn trình diễn và tỉ số tại Munich là tất cả những gì mà mọi người muốn thấy như để minh chứng cho một cuộc cách mạng của người Thụy Điển thực sự đã và đang diễn ra.