Tôi đọc và nghe nhiều về việc học bổng tại Mỹ. Nhưng chỉ sau chuyến đi tham quan 8 trường đại học, tôi mới đủ tự tin để bàn về vấn đề này. Tuy nhiên, có rất nhiều khái niệm tôi vẫn chưa hiểu hết và tôi sẽ “thú nhận” khi nói đến điều đó.
Vậy học bổng (theo khái niệm tại các trường đại học Mỹ) – được hiểu thế nào? Có hai khái niệm được nhiều trường dùng chung, nhiều trường tách riêng, như sau:
1. Học bổng (Scholarship và Financial aid) nhiều lúc được hiểu là trợ giúp tài chính cho bất cứ sinh viên nào đủ tiêu chuẩn nhập học. Vì vậy, các trường mạnh về tài chính vì có quỹ trợ giúp lớn (Endowment), thường xuyên thông báo trên website là họ có cách tuyển sinh “need blind”, tức là nhắm mắt chọn theo tiêu chí mà không để ý đến khả năng tài chính của sinh viên được nhận. Sau khi được nhận rồi, các gia đình sẽ phải kê khai thu nhập (có những tiêu chuẩn rất cụ thể) và trường sẽ tìm mọi nguồn trợ giúp (kể cả bảo lãnh cho vay) để sinh viên có thể theo học. Cơ hội này dành ưu tiên rất cao cho các sinh viên Mỹ. Họ có trợ giúp từ Chính phủ, từ các nguồn từ thiện... với các khái niệm như “grant”, tài trợ không phải hoàn lại, và nhiều thứ rối rắm khác.
2. Còn học bổng vì thành tích học tập (Merit Scholarship) có ở nhiều trường nhưng hầu như không có tại các trường trong Top 50 (của bảng xếp hạng toàn quốc).
Ví dụ, trong các trường đại học Top 50, tôi chỉ mới thấy University of Southern California là có dạng học bổng này; còn trong bảng của Liberal Aid, tôi thấy có Claremont McKenna (xếp thứ 9) là có. Tất nhiên, các trường thứ hạng dưới hơn hoặc nằm trong các bảng xếp hạng theo vùng, sẽ có nhiều học bổng này hơn.
Sinh viên Việt Nam nếu muốn tìm Merit Scholarship, có thể sử dụng Google với từ khóa “US universities with merit scholarship”, sau đó vào website từng trường để xem điều kiện cụ thể. Thường thì họ lấy tiêu chí là điểm SAT/ACT và GPA, công bố rõ phải đạt tối thiểu bao nhiêu. Với SAT, họ không quan tâm thi mấy lần mà chỉ chọn điểm cao nhất của từng môn trong các đợt thi rồi cộng lại với nhau. Ví dụ lần 1 được 650, 600, 700; lần 2 được 620, 550, 720 – thì họ sẽ lấy điểm cao nhất là 650, 600, 720. Nhiều trường chỉ cần 2 điểm đầu là Math và Critical Reading. Một số trường thứ hạng dưới 200 có tiêu chuẩn cho học bổng, học phí là SAT có 2 môn đầu 1350 hoặc 1400 và GPA 3.6 trở lên (đó chỉ là những trường tôi đã có dịp vào website chứ không phải điều kiện chung của tất cả các trường).
Nếu sinh viên Việt Nam muốn xin trợ giúp tài chính (scholarship, financial aid, grant...), hãy xem kỹ xem sinh viên ngoại quốc có được hưởng loại này không và thời gian chậm nhất để nộp hồ sơ xin trợ giúp tài chính là khi nào.
Từ lâu, tôi đã ngờ ngợ việc các trường dùng Merit Scholarship để thu hút những học sinh “con nhà khá giả học giỏi” và cạnh tranh với các trường xếp hạng cao hơn, ví dụ như các trường thứ hạng 20 – 100, để cạnh tranh với Stanford, Havard. Tôi khẳng định được “sự ngờ ngợ” này khi nghe nói chuyện tại trường Pomona, trường đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng các trường Liberal Art Colleges. Họ khẳng định không có học bổng Merit Scholarship vì họ không cần thu hút học sinh bằng tiền. Họ mạnh và có đủ nguồn tài trợ 100% mức cần thiết cho tất cả sinh viên Mỹ được xét là đạt tiêu chuẩn nhập học Pomona. Còn sinh viên ngoại quốc, nếu muốn xin trợ giúp tài chính, xin xếp hàng ở sau sinh viên Mỹ. Vì vậy, trường này chỉ có duy nhất 1 sinh viên Việt Nam đang theo học.
Theo tôi, với khoảng 4000 – 5000 trường đại học đủ các loại tại Mỹ, việc cạnh tranh để “tranh giành sinh viên nhập học” rất “khốc liệt”. Do vậy, lời khuyên cụ thể của tôi là:
1. Chuẩn bị sớm, kể cả về học, thi SAT và khả năng tài chính, nếu định hướng đi học ở Mỹ.
2. Các trường trong Top 100: Thường họ chỉ cho tối đa là 50% trợ giúp tài chính cho phần tiền học, tức là vẫn còn phải chuẩn bị quãng 45.000USD/năm
3. Với các gia đình tài chính hạn hẹp, con lại học không thật suất sắc, gia đình sẽ buộc phải bỏ công tìm các trường xếp hạng dưới 100, thậm chí dưới 200 hoặc 300, để có cơ hội nhận học bổng hoặc trợ giúp ở mức cao.
4. Nếu gia đình có đủ điều kiện về tài chính, nên cho con em vào các trường đúng với khả năng của con, đồng thời xem xét theo đúng nguyện vọng của con. Khi có đủ tiền, cha mẹ đừng nên cố tiết kiệm để dành mà bắt con mình phải vất vả tìm học bổng, hoặc xin trợ giúp tài chính, để rồi vào những trường thấp hơn khả năng của chúng rất nhiều. Quá trình tìm học bổng hoặc trợ giúp tài chính nhiều khi làm cả gia đình phải trả giá cao hơn là số tiền xin được: công sức, tiền của và nhiều khi cả là nước mắt.