Quan điểm của tôi được định hình dựa trên kinh nghiệm cá nhân, một người từng tư vấn, lo cho các cháu đi du học và tìm việc làm (con tôi năm tới mới vào đại học nên chưa kịp nghĩ đến chuyện về hay ở). Mặt khác, quan điểm đó cũng định hình từ kinh nghiệm của một người làm kinh doanh, đã từng tuyển, đào tạo và sử dụng hơn 10 sinh viên du học về nước trong những năm 2012 – 2014.
Tôi sẽ nói về hai khía cạnh: cung – cầu (nguồn cung sinh viên Việt Nam ở nước ngoài) và nhu cầu thị trường lao động ở các nước đó sau khi các em tốt nghiệp.
Trước tiên, về nguồn cung là du học sinh, tôi xin nói thẳng, du học sinh cũng có rất nhiều đối tượng:
1. Đối tượng được học bổng “chính hiệu”: Nghĩa là học bổng hoặc trợ giúp tài chính thực sự do học xuất sắc chứ không phải là các “chiêu bài” marketing của các trường từ Anh, Mỹ, Úc hoặc Singapore “dụ” sinh viên Việt Nam bằng học bổng vài chục phần trăm chỉ có giá trị 1 năm, rồi năm sau thu đủ. Với các sinh viên thực sự có tài này, cho đến trước khủng hoảng tài chính giai đoạn 2009, tìm việc “tử tế” ở nước ngoài không khó. Nói việc “tử tế” nghĩa là tôi loại các công việc làm theo kiểu “chui lủi”, không giấy phép lao động như phục vụ bàn, làm móng...
2. Đối tượng du học tự túc: Đối tượng này ngày càng nhiều, đủ các mức trình độ và khá phức tạp:
• Các em mà gia đình thực sự hiểu biết, bố mẹ và con cái cùng chuẩn bị chu đáo cho việc du học. Dù có thể học không thật xuất sắc như các sinh viên trên nhưng nếu cần cù chịu khó để đảm bảo việc học hành, cơ hội các em xin được việc ở nước ngoài trước những năm 2009 là nhiều. Và vì vậy, nếu ai lưu ý một chút sẽ nhận thấy trước năm 2007 – 2008, sinh viên Việt Nam ở lại nước ngoài làm việc khá nhiều.
• Các em được chiều chuộng (gia đình thường là khá giả), ở trong nước thì “vừa học, vừa chơi” và học ở mức trung bình làng nhàng. Ra nước ngoài, các em này “chơi nhiều hơn học”: chơi điện tử, đánh bài, ngủ (thường là “thức khuya ngủ trễ”)... Với các em này, được tấm bằng “thật” để về nước là may lắm rồi chứ tôi biết nhiều em còn thuê in bằng giả để về lừa bố mẹ. Của đáng tội, các ông bố bà mẹ lứa tuổi tôi, ai mà không biết ngoại ngữ, dễ bị các “du học sinh” này “làm xiếc” lắm. Tôi đã từng phỏng vấn một em, bố mẹ rất giàu, sang học ở Anh 4 năm. Khi phỏng vấn, tôi hơi nghi nghi là cậu chàng này chưa thể tốt nghiệp nên truy tới số. Sau cùng, cậu bé chân thành tâm sự: “Trường cháu bọn sinh viên Việt Nam học dốt lắm cô ạ. Bọn cháu chơi bài thâu đêm rồi ngủ đến chiều, chẳng đi học. Trường họ kệ, miễn là bố mẹ trả đủ tiền”. Khi được hỏi: “Vậy làm sao bọn cháu tốt nghiệp?” thì cậu bé cười ngượng ngập: “Bọn cháu đâu có tốt nghiệp”. “Ơ, thế bố mẹ không mắng à?”. “Nói thật với cô, bọn cháu tìm được một chỗ in bằng giả bên đó, họ in y như bằng thật. Đem về cho bố mẹ xem, thế là xong”. “Thế bây giờ bố mẹ cháu vẫn nghĩ là cháu tốt nghiệp đại học ở Anh rồi à?”. Cậu bé gật đầu ngượng ngập, rồi năn nỉ: “Cô đừng mách bố mẹ cháu. Cô nhận thì cháu làm gì cũng được. Bố mẹ cháu bảo phải đi làm ở đâu đó đi để đỡ lang bang, cháu không cần lương cao đâu”. Thế là tôi nhận cậu ta về làm công việc giao nhận hàng, cậu ta làm tốt, lại vui tính và thật thà (chỉ không thật thà với bố mẹ). Cậu bé khoe chỉ riêng ở trường đó, quãng vài chục sinh viên Việt Nam tốt nghiệp với “tấm bằng” tự thuê in này mà chắc ít bố mẹ biết. Đối tượng du học sinh này thì làm sao mà tìm được việc làm ở nước ngoài đây? Họ cũng chẳng phải là “nhân tài”, đơn giản là bố mẹ “bắt” đi du học để “tạm trốn” những xô bồ của xã hội, sợ bị bạn bè rủ rê rồi hư hỏng.
• Các em gia đình không thật khá giả, học xong, tốt nghiệp dạng làng nhàng, có tìm được những việc cũng làng nhàng đủ sống chui nhủi, không có giấy phép lao động. Muốn ở lại, các em gái chỉ có cách lấy chồng bản địa, các em trai thì khó lấy gái bản địa, nhưng có thể làm “hôn nhân giả” để ở lại. Hôn nhân giả khá thịnh hành ở Mỹ, chỉ khoảng 35.000 – 45.000USD là có ngay một anh chồng hoặc cô vợ giả để xin thẻ xanh và nhập quốc tịch.
3. Tôi đoán (đoán thôi nhé), đối tượng học hành chỉ chiếm tối đa 20 – 30%. Hai đối tượng dưới gộp lại lớn hơn nhiều. Vậy tại sao xã hội cứ lầm tưởng tất cả du học sinh là “nhân tài”? Vì thường xuyên, báo chí cứ “giật tít” về những trường hợp sinh viên xuất sắc được học bổng mà chẳng ai đi sâu vào mọi “ngõ ngách” của cuộc sống và học hành của số đông du học sinh. Nói về các “chủng loại” học bổng, mới đây thôi, tôi lên Facebook và thấy một cô gái “tự quảng bá” từng là sinh viên được học bổng Asean ở Singapore, rồi học bổng đại học và thạc sĩ trường Top ở Mỹ, hiện là giáo viên dạy “văn học Anh” tại trường tiếng Anh nâng cao nào đó. Trong khi đó, trường đại học của cô bé xếp hạng 78/81 trong bảng xếp hạng của một vùng. Tôi cười nghiêng ngả trước khả năng tự “quảng bá” thương hiệu của lớp trẻ bây giờ. Hay thật, chắc chắn rất nhiều bố mẹ đang lầm tưởng cô bé là “nhân tài” về để phục vụ đất nước và sẵn sàng năn nỉ, “thuê” cô tư vấn cho con đi du học. Nếu lỡ thuê cô bé này, chắc con sẽ vào được các trường “top lộn ngược mất!”. Nói thật, kể cả các trường hợp báo chí đăng um sùm nhưng không đưa ra tận mắt cái giấy báo học bổng loại gì, bao nhiêu tiền mỗi năm cho những khoản nào, tôi đều thấy chưa “tâm phục khẩu phục”. Lại còn có anh chàng khoe là học thạc sĩ ở một trường thuộc Top đầu ở Mỹ (Princeton). Khi bị truy hỏi kỹ hơn, thì chàng ấp úng nói là học ở một trường nằm trong thành phố có cùng tên với trường nổi tiếng kia. Vì vậy, lời khuyên QUAN TRỌNG cho các bậc phụ huynh trước khi giao sự nghiệp học hành của con cho ai đó, hãy yêu cầu họ đưa đủ bằng cấp, giấy tờ chứng minh những gì họ quảng cáo nhé!
Sẽ không đầy đủ khi bàn về việc du học sinh “về hay ở” nếu thiếu sự nhìn nhận, đánh giá thị trường lao động ở nước ngoài, những nơi sinh viên Việt Nam hy vọng hoặc ở lại làm việc.
Trước năm 2006 – 2007, sinh viên du học tại Singapore, nhất là các em đi theo dạng học bổng của các trường Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Đại học quốc gia Singapore (NUS) và Đại học quản lý Singapore (SMU), tìm việc rất dễ. Một số sinh viên tốt nghiệp tại Anh, Úc, Mỹ cũng nhào về làm việc tại đây.
Cũng thời gian đó, tìm việc ở Mỹ và châu Âu chưa khó, lượng sinh viên học xong ở lại khá nhiều. Hầu như ai có điều kiện xin được việc làm để nhập quốc tịch là ở lại. Kinh tế bùng nổ, các ngân hàng, quỹ đầu tư... thiếu nhân lực, sinh viên các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng học giỏi, ra trường chừng vài tháng là tìm được việc với mức lương rất hợp lý, không những đủ tiêu xài mà còn có thể trả nợ vay lúc đi học hoặc giúp đỡ gia đình.
Còn các em học tầm tầm, không tìm được công việc cố định cũng có vẻ được thoải mái ở lại để làm các công việc tạp nham, kiếm đủ tiền để sống qua ngày. Có những đứa bạn của cháu tôi tốt nghiệp ở Mỹ đã gần 10 năm cho đến nay vẫn lang thang chưa có công việc ổn định mà chỉ chờ cho đủ 10 năm để Chính phủ Mỹ cho nhập quốc tịch theo diện “giải quyết hậu quả” của nhập cư trái phép. Lại có những cháu, học xong khóa này, lập tức đăng ký học tiếp khóa khác để kéo dài visa, ở lại thêm càng lâu càng tốt. Bố mẹ cạn kiệt tiền, gào thét kêu gọi dọa dẫm đủ kiểu, chúng cũng không về; thế là bố mẹ lại chắt bóp gửi tiền cho con “Học, học nữa, học mãi”. Đối tượng này đông lắm, mà tôi đoán là chỉ khi bố mẹ cắt hẳn nguồn cung thì chúng mới buộc phải về. Vì hai chữ sĩ diện, bố mẹ luôn khoe với mọi người: “Cháu nó ở lại làm việc cho công ty này, công ty kia”, nghe oai lắm.
Từ năm 2008 – 2009 đến nay, hầu như chỉ sinh viên học giỏi của các ngành Công nghệ thông tin mới có thể tìm được việc ở nước ngoài. Các ngành “hot” trước đó, sinh viên ra trường lũ lượt trở về. Sự trở về xảy ra chủ yếu là do không tìm được việc chứ chẳng phải vì cái gì cao xa. Hãy nhìn thẳng vào sự thật, đừng “thi vị hóa, lý tưởng hóa” mọi hành động của con người.
Hãy nhớ, ở Việt Nam những năm 2006 và 2007, cả đất nước như “lên đồng” với giấc mơ sau một đêm đổi đời. Nào công ty chứng khoán, nào đầu tư bất động sản, nào ngân hàng mời gọi... Nhiều sinh viên đã tốt nghiệp, đang làm việc ở nước ngoài cũng nhao về nước tìm cơ hội. Dạo ấy, đâu có nhiều người bàn luận về việc “về hay ở”, nơi nào có nhu cầu, lại có cơ hội làm việc để kiếm tiền thì nguồn “cung” đổ về cũng là đúng quy luật. Vào cái lúc cơ hội kiếm tiền cứ bày ra mời gọi, về đến nơi là được các công ty nước ngoài tuyển liền, chẳng mấy người quan tâm đến lý do trở về là gì: tìm việc lương cao, cưới vợ lấy chồng, phụng dưỡng bố mẹ... Đúng là “nhất cử lưỡng tiện”! Thời kỳ đó, kinh tế dường như đi lên, nhiều gia đình dư giả hơn, lượng du học sinh tăng vọt, để đến năm 2012 – 2013 thì các em đổ về khá nhiều (gần như tắt hẳn hy vọng kiếm việc ở các nước tiên tiến, nhất là khi sức học làng nhàng).
Cuối năm 2012, tôi phấn khởi lên lịch tuyển một lực lượng hùng hậu 10 em tốt nghiệp ở nước ngoài nhằm đào tạo “thế hệ sau” cho công ty. Chúng tôi còn bàn luận rôm rả: chắc chỉ đến khi ở các nước họ chê thế này thì mình mới tuyển được số đi du học về. Sau những ngày dài phỏng vấn, tôi chợt nhận ra vài điều:
• Chất lượng không ổn: Có nhiều em học 4 năm ở Anh, Mỹ, Úc mà tiếng Anh nghe, nói quá lủng củng, viết thì dở tệ. Cái chúng tôi cần là những người làm các công việc cụ thể chứ không phải cán bộ “vạch chính sách”, còn các em không có thực tế, rất ảo tưởng về bản thân với tấm bằng ở nước ngoài.
• Hầu hết số này là du học tự túc, gia đình khá chiều chuộng, bố mẹ cũng ảo tưởng con mình “rất giỏi giang” còn các em không có nhu cầu cấp thiết là phải đi làm để kiếm sống.
Rồi công ty cũng tuyển đủ 10 em theo kế hoạch, căng cán bộ ra đào tạo các công việc cụ thể mà các em chưa từng biết, chưa từng làm. Chỉ sau hơn 2 tháng, ba em xin nghỉ. Sau khi tìm hiểu lý do, tôi “sốc” thật sự và cảm thấy mình bị lừa: Một cô gái đi theo diện học bổng hẳn hoi, đang chờ visa để sang sống với chồng tại Anh nên “lấp chỗ trống thời gian” bằng cách xin việc làm tạm, vừa có lương thử việc, vừa được đào tạo; một chàng trai bảnh bao, đang chờ bố là quan chức trong một Tổng công ty nhà nước bố trí công việc cũng “lấp ngày dài” ở chỗ chúng tôi để được đào tạo có lương; cô thứ ba đang chờ trở lại Úc học tiếp, đồng thời lấy chồng. Vậy là tỉ lệ 30%. Sành sỏi trong việc tuyển chọn như tôi bị cú “nốc ao” đau điếng mà chẳng biết kêu ai.
Công ty vẫn kiên trì đào tạo tiếp những em còn lại. Thời gian đầu, các em tiếp thu khá nhanh, nhanh hơn số em học trong nước được tuyển cùng đợt. Nhưng chỉ sau 6 tháng, các em học trong nước bắt đầu tiến kịp, sau đó thì vượt lên: làm việc chăm chỉ hơn, thái độ tốt hơn, hòa đồng hơn, đặc biệt là không bị ảo tưởng “bằng cấp lấp lánh”. Vì học ở nước ngoài nên các em luôn yêu cầu mức lương cao, khiến lãnh đạo “bí”. Làm việc không tốt bằng, lương lại cao hơn, vô tình tạo nên sự bất công bằng trong công ty. Cho đến giờ, chỉ còn một em trụ lại và làm việc khá ổn.
Vậy nên, một lời khuyên tôi xin dành cho các bạn du học sinh: trở về hay ở lại đều phải tìm việc để tự lo cho cuộc sống. Nếu có điều kiện ở lại một cách đàng hoàng, tìm được công việc hợp với sở thích và có tương lai (chứ không phải cảnh chui rúc) thì cứ ở lại. Trở về mà bị “ám ảnh” mình đang “hi sinh” để cống hiến cho đất nước có lẽ sẽ làm cho những bạn học ở Việt Nam áy náy và tủi thân. Các bạn cũng nên bỏ cái sĩ diện “hão” để chấp nhận một thực tế “phũ phàng”: sẽ khó hoặc gần như không tìm được việc làm nếu không học giỏi và có khả năng thực sự. Còn nếu các bạn chấp nhận cả đời ăn Mc.Donald, chạy bàn ngày 12 tiếng để chờ 10 năm xét nhập quốc tịch thì đó cũng là lựa chọn của chính mình.
Với các bậc phụ huynh có hoặc sắp có con du học, xin đừng tạo ảo tưởng, đừng quá tự hào vì tấm bằng của Anh, Mỹ, Úc. Hãy xác định cho con mục đích của việc học là để sau khi tốt nghiệp là làm việc, hầu hết các công việc là những việc cụ thể chứ không “cao vời” như các em tưởng tượng: Ai làm nhóm ngành kinh doanh thì phải lăn lộn ngoài đường để gặp khách hàng, ai làm nhóm ngành điều hành thì phải chi tiết từng công việc để không bỏ sót bất cứ công đoạn nào... Và một điều cơ bản nữa là tấm bằng nước ngoài không đảm bảo mức lương cao hơn các bạn học trong nước nếu con bạn không có khả năng đặc biệt hơn.