Học bài học “buông tay” không hề dễ đâu các bạn ạ! Cũng chỉ mới vài năm gần đây, tôi mới “thực sự thấm thía” là mình đã đến lúc phải buông tay với nhiều điều trong quá khứ, nhiều việc dở dang không thể hoàn thành để “thật sự sống” cuộc sống của mình.
Nhưng thành công hơn cả là tôi đã kịp buông tay đúng lúc để con gái tôi có thể tự lực và mạnh mẽ làm quen với cuộc sống. Con tôi có thể đã hơi phải “với tay”, nhưng những cái với không quá tầm luôn quyết định thành bại trong tương lai một con người.
Nhớ con gái...
Ngồi bên bờ biển, tôi lại nghĩ về con gái. Chỉ còn vài ngày nữa con tròn 17 tuổi. Cuộc đời đang mở rộng trước mắt con với bao điều tốt đẹp nhưng cũng nhiều thử thách. Con ơi, hãy sống hết mình, trước tiên là cho con, kế tiếp là cho những người mà con yêu quý và những người bất hạnh hơn khi họ cần con giúp đỡ. Đừng chần chừ, đừng tiếc nuối những gì đã qua, cũng đừng so sánh với những ai hơn mình. Hãy luôn nghĩ mình là người may mắn nhất, hạnh phúc nhất, là cô gái duyên dáng và xinh đẹp, chắc chắn những điều đó sẽ đến với con.
Con còn nhớ không, hè năm 2005, mới hơn 7 tuổi, con dứt khoát xin mẹ cho đi trại hè ở Anh. Mẹ lo lắng, băn khoăn nhưng không tìm ra lý do gì để nói KHÔNG với con. Mẹ đành viện lý do là thỉnh thoảng con vẫn “dấm đài”, sang đó phải ở chung sẽ bị các bạn chê cười. Con nói: “Mẹ đừng lo, con có cách rồi”. Vậy là mẹ đành đăng ký cho con đi ba tuần. Đem con đến trường ở một tỉnh xa tắp cách London 5 tiếng đi ô tô, mẹ giật mình khi thấy con thua các bạn nhỏ nhất tới 6 tuổi. Nhưng con điềm nhiên nói với mẹ: “Mẹ không được nói với anh chị nào là con mới 7 tuổi nhé”. Rời trường về lại London, ruột mẹ như lửa đốt. Sóng điện thoại khu con ở kém, trong 3 tuần mẹ không thể nói chuyện được với con. Gần 3 tuần sau, mẹ trở lại, con gầy đi một chút và tỏ ra chững chạc hơn nhiều. Mẹ thì thầm hỏi: “Con có ‘dấm đài’ lần nào không?” Con tự hào lắc đầu. Mẹ hỏi: “Con làm gì?”. Con điềm nhiên kể: “Cứ sau khi ăn tối (lúc 6 giờ), con không uống tí nước nào nữa thì trong bụng làm gì còn nước để đái dầm?”. Ôi con gái mẹ! Ngay lúc đó, con hỏi: “Mẹ ơi, mẹ cho con sang Anh học từ năm sau nhé? Trường bên này tốt hơn nhiều!” Mẹ giật mình thảng thốt, không tin vào tai mình nữa. Sau một năm, con chỉ mới có hơn 8 tuổi, làm sao mẹ dám cho con đi học một mình?
Con không bỏ cuộc, ngày nào cũng tìm cách thuyết phục mẹ. Lại một lần nữa, mẹ không tìm ra được bất cứ lý do nào để nói KHÔNG với con. Vậy là tháng 2 năm 2006, hai mẹ con bay sang Anh để trường Badminton phỏng vấn. Mẹ thầm cầu khẩn họ đừng nhận nhưng tự biết đó chỉ là “giấc mơ” của mẹ mà thôi. Tất nhiên là họ nhận. Mẹ lại cắn chặt răng, tự an ủi: “Con đã lớn, không được lấy đi cơ hội của con”.
Tháng 8 năm 2006, mẹ vừa chuẩn bị cho con đi, vừa chuẩn bị chuyển nhà. Mẹ biết con muốn được ở thử nhà mới trước khi đi. Một buổi tối, khi mẹ mệt mỏi từ công ty về, con rủ mẹ ra bàn ngồi, rồi nghiêm túc nói: “Mẹ ơi, con rất muốn chuyển về nhà mới. Nhưng mẹ vất vả và căng thẳng quá. Nếu quá sức, để con đi rồi chuyển cũng được mẹ ạ. Còn một điều nữa con muốn nói với mẹ: Mẹ không được khỏe (hồi đó áp huyết tôi rất thấp, lượng virus B trong gan đang tăng ầm ầm nên rất hay mệt), con lại đi xa, con lo lắm. Mẹ phải tự chăm sóc sức khỏe cho mẹ thì con mới yên tâm. Con đã dặn chú Hải (là anh chàng bồ của tôi) là phải dành nhiều thời gian để chăm sóc mẹ”. Tôi ngồi lặng ngắt vì sợ hễ nói gì sẽ òa lên khóc mất. Trời ơi, cô con gái nhỏ bé chưa đầy 9 tuổi của tôi hay là mẹ tôi đây? Thật ra, trước đó từ lâu, con đã luôn coi tôi như em bé. Hễ đi đâu, con quan sát mẹ rất kỹ. Thấy tôi có vẻ mệt, con sán lại xoa tay, sờ đầu, hỏi dồn dập: “Mẹ lại mệt à? Mẹ có mệt lắm không? Có cố chịu được đến lúc về nhà không? Lúc đó con sẽ bóp đầu và đấm lưng cho mẹ”. Nhưng cô con gái chưa đầy 9 tuổi nói với mẹ như ngày hôm đó thì chính tôi cũng bất ngờ. Sau một hồi trấn tĩnh, cố nuốt nước mắt, đồng thời cố nhịn để khỏi phá lên cười, tôi nói: “Con cứ yên tâm, bà cụ non của mẹ ạ! Mẹ sẽ cố gắng luôn khỏe mạnh để con không bao giờ phải lo lắng cho mẹ, để con có thể đi bất cứ nơi đâu và thanh thản sống cuộc sống của mình”.
Đó cũng là động lực giúp tôi luôn cố gắng sống khỏe, sống vui và sống tốt. Vì ở bất cứ nơi đâu, đôi mắt nhỏ của con gái luôn dõi theo tôi với sự quan tâm và yêu thương tha thiết. Khi tôi làm được việc gì tốt, người đầu tiên tôi khoe chính là con gái, người đầu tiên vỗ tay hoan hô và khen ngợi cũng như động viên mẹ hết lời cũng chính là con gái.
Con gái yêu ơi, cứ yên lòng sống cuộc sống của mình, con nhé!