Còn nhớ, tháng 5 năm 2014, công nhân Bình Dương bị kích động, lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc đặt dàn khoan tại vùng biển thuộc lãnh thổ Việt Nam, để phá hoại và hôi của. Tôi biết sự việc xảy ra vào lúc quãng một giờ trưa, nhờ đọc mấy bài viết của Hoàng Huy qua Facebook. Vào đúng thời điểm đó, tôi chợt nhận ra sức lan tỏa của công cụ mạng xã hội này. Tôi tự đặt câu hỏi cho mình: “Cái gì đang làm cho một số người trong lớp trẻ bị tha hóa về đạo đức, để có thể có những hành động ‘làm nhục quốc thể’ như vậy?”. Đây không còn là hiện tượng đơn lẻ, các trường hợp cá biệt, mà đã thành phổ biến trong cuộc sống xã hội. Nếu chúng ta không tìm ra được nguyên nhân và giải quyết vấn đề một cách dứt điểm, hiện tượng này sẽ đe dọa sự tồn vong lâu dài của đất nước.
Lúc đó, tôi thấy mình thật bất lực và muốn phải làm điều gì đó ngay lập tức, miễn là giúp ích được một cách thiết thực cho việc giáo dục lớp trẻ, tương lai của đất nước.
Và từ ngày đó, tôi bắt đầu viết với hy vọng những bài viết có thể giúp cho các ông bố bà mẹ hiện tại và tương lai, những người không muốn nhìn thấy con mình lớn lên sẽ trở thành những phần tử tiêu cực.
Theo quan điểm cá nhân tôi, mọi việc đều có nguyên nhân từ giáo dục.
Những bài viết của tôi sẽ không bàn nhiều về hệ thống giáo dục của xã hội, mà muốn đi sâu vào bàn luận về một nền giáo dục rất cơ bản mà vô cùng quan trọng đối với sự hình thành nhân cách, trí tuệ, sức khỏe của con người: đó là giáo dục trong gia đình, đặc biệt là trong sáu năm đầu tiên của mỗi cuộc đời con người.
Từ lâu nay, dường như chúng ta muốn khoán trắng việc giáo dục con cái cho xã hội, mà cụ thể là cho hệ thống các trường: nhà trẻ, mẫu giáo, phổ thông. Và như một hệ quả tất yếu: khi con cái hư hoặc học kém, các ông bố bà mẹ sẽ có cớ để quy toàn bộ trách nhiệm cho Bộ Giáo dục. Tôi không hề có ý bênh hoặc thanh minh hộ Bộ Giáo dục mặc dù hệ thống giáo dục của Việt Nam còn nhiều hạn chế so với thế giới và cần phải cải tổ càng sớm càng tốt. Còn cải tổ theo mô hình nào, định hướng ra sao, xin nhường lời cho những người có chuyên môn sâu về lĩnh vực đó.
Ở đây, tôi chỉ muốn phân tích và chia sẻ quan điểm của cá nhân tôi về “nền giáo dục trong gia đình”, cái nôi cho mọi sự phát triển tương lai của một đứa trẻ.
Các cụ ta hay nói: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, phải nói ngay rằng: tôi không hề đồng tình với quan điểm này. Trong các nhà máy, khi sản xuất bất cứ sản phẩm gì, người ta đều có khâu “kiểm soát chất lượng đầu ra”. Các công ty, nếu muốn chứng tỏ chất lượng, sẽ tìm mọi cách có chứng chỉ ISO để chứng minh: tôi có quy trình làm việc và có khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm. Vậy đối với con người – là sản phẩm quý nhất, quan trọng nhất cho sự trường tồn của một xã hội, một đất nước – chúng ta đã có những quy trình gì để nuôi dạy và có các biện pháp gì để đảm bảo các em lớn lên không trở thành “phế phẩm”, nghĩa là què quặt về tâm hồn, thể chất hoặc trí tuệ? Các ông bố bà mẹ, vì bận bịu với việc kiếm tiền hoặc các nhu cầu cá nhân khác, thường khoán trắng việc nuôi dạy con cho bà nội hoặc ngoại với cái tặc lưỡi: “Cứ nuôi trẻ con là phải các cụ. Các cụ mới có kinh nghiệm”. Tôi chỉ tin vào kinh nghiệm khi kinh nghiệm đã được nghiên cứu, đúc kết từ thực tế và phải được in ra rõ ràng thành những trang sách, chứ cứ truyền miệng theo kiểu: “Bé không chịu ăn thì cứ phải ép và nhét vào mồm, rồi bịt mũi lại, nó ắt phải nuốt” thì không bao giờ tôi chấp nhận.
Tôi sẽ chia sẻ làm sao để mình tạo thành con người tương lai với chất lượng mình muốn, từ đứa trẻ vừa chào đời đang nằm khóc oe oe kia, cho đến các cô cậu tuổi teen sắp vào đời, thường làm đau đầu bố mẹ vì những “dở dở ương ương” của cái tuổi ở ngưỡng cửa vào đời?
Theo nhiều sách về nuôi dạy trẻ tôi đã được đọc, sáu năm đầu của cuộc đời là quãng thời gian quan trọng nhất cho sự nghiệp “trồng người”. Ai tận dụng được sáu năm đó một cách tối đa, là đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của việc dạy con. Hầu như các cá tính cơ bản của con người được hình thành trong sáu năm “bản lề” đầu tiên. Từ khi sinh ra cho đến 3 tuổi, trẻ thẩm thấu mọi thông tin xung quanh như một miếng bọt biển khô. Trong giai đoạn này, mọi thứ được tiếp nhận hầu như không có giới hạn và không điều kiện. Đây chính là lý do của hiện tượng: khi thấy con có tính gì đó không tốt, các ông bố bà mẹ thường hay than phiền: “Trời sinh ra cái tính ấy, chứ tôi có dạy nó thế đâu”. Ta cứ coi một đứa trẻ 3 tuổi chưa biết gì, nên tự do thể hiện, dọa dẫm, coi nó như đồ chơi, mà không biết rằng điều đó không hề có lợi cho sự phát triển của trẻ.
Tôi sẽ đi vào chi tiết cụ thể của việc dạy trẻ cho từng giai đoạn trong sự phát triển, kể từ ngày đầu tiên bé được sinh ra. Đối với mỗi giai đoạn, tôi cũng cố gắng đi vào chi tiết của việc luyện các kỹ năng, dạy thói quen tốt, cũng như đưa ra các biện pháp cụ thể và đơn giản để dạy các cháu về đạo đức. Xin nhắc lại: những kinh nghiệm tôi chia sẻ là dựa trên các tiêu chí riêng tôi lựa chọn. Mỗi gia đình đều phải có những lựa chọn của mình mới có thể đưa ra phương pháp phù hợp. Điều rất quan trọng trong việc giáo dục trí tuệ nằm ở việc dạy các cháu bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết từ ngày đầu tiên. Bốn kỹ năng này luôn bổ sung cho nhau, không thể tách rời.
Tôi mong ước mọi đứa trẻ sinh ra trên mảnh đất này đều có cái may mắn như con gái tôi: được nuôi dạy theo những kiến thức xác thực từ khi mới chào đời, được yêu thương và tôn trọng như một cá nhân đặc biệt, được khuyến khích để lớn lên một cách tự lập, có chính kiến và có quyền tham gia (khi còn nhỏ) và quyết định (khi đã lớn hơn) về những vấn đề liên quan đến bản thân.
Rồi một ngày, tôi vừa tiễn con lên sân bay tới Anh, ngồi hí hoáy trên mạng, vừa nhớ con da diết. Chợt nhớ con hay nói với tôi rằng: “Các bạn đều nói là con may mắn lắm, khi có mẹ là mẹ”. Còn tôi thì muốn nói với con: “Mẹ may mắn lắm, khi có con là con, con gái yêu của mẹ”.
Con gái tôi hay thật. Chưa đến 8 tuổi, sau khi đi trại hè ba tuần ở Anh về, con rất nghiêm túc nói với mẹ: “Con thấy trường ở Anh tốt hơn ở Việt Nam nhiều, con muốn sang đó học từ năm sau, mẹ ạ”. Sau vài tháng thảo luận, phân tích thiệt hơn đủ kiểu, tôi không đủ lý lẽ để giữ con lại. Vậy thì tìm trường cho nó thôi. Chưa đến 9 tuổi, tôi đem con sang trường nội trú mà lòng xót xa. Tôi không lo lắng, vì biết con rất tự lập, nhưng ... trái tim người mẹ. Vậy mà đến nay cũng đã hơn 7 năm rồi.
Hình như tôi hơi khác người, thường thì người ta nghĩ: con cái phải biết ơn sinh thành của bố mẹ. Còn tôi, tôi biết ơn con gái đã cho tôi cơ hội được làm mẹ, được có những niềm vui vô tận khi nhìn thấy con lớn lên. Tôi luôn dạy con cố gắng là chính bản thân mình, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải ngẩng cao đầu, vượt qua mọi hoàn cảnh. Và con đã làm được như vậy. Con đã vượt qua 7 năm xa nhà, để học không thua kém ai, để được tất cả bạn bè và thầy cô giáo thương yêu, nể phục.
Tôi mong con gái lớn lên trở thành một người vui vẻ, hạnh phúc, hài lòng với những lựa chọn của chính bản thân mình. Tôi mong con luôn được vây quanh bởi những người yêu thương và chân thành với mình. Con có thành đạt về sự nghiệp hay không, tôi không quan tâm nhiều. Hạnh phúc trong tương lai của con chính là sự thành công lớn nhất của người mẹ.
Và tôi cũng mong sao mọi trẻ em Việt Nam đều được nuôi dạy để khi lớn lên thành những công dân có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, có khả năng phân biệt rõ ràng đúng sai, phải trái, được quyết định tương lai của bản thân khi trưởng thành.
Xin tặng những bài viết này cho các ông bố, bà mẹ hiện tại hoặc tương lai, cho những bậc ông bà thuộc thế hệ tôi, đang giúp con nuôi dưỡng và chăm bẵm cháu chắt. Dù nó có ích cho chỉ một vài người, thì với tôi, đó cũng đã là niềm vui lớn.
Tôi xin dành nhuận bút của cuốn sách (và toàn bộ các cuốn khác trong tương lai – nếu tôi còn sức và khả năng viết) để tặng cho chương trình “Ngàn Máy Tính – Triệu Ước Mơ” – nhằm trang bị máy tính cho các trường học ở vùng xa – giúp các em tiếp cận với những nguồn thông tin bổ ích.
Cám ơn các em ở TransViet đã giúp tôi tập hợp những bài viết lẻ tẻ thành một quyển sách. Cám ơn Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng giám đốc của Thái Hà Books đã gặp gỡ, thuyết phục và động viên để tôi có can đảm gật đầu đồng ý in cuốn sách này.