Nếu các bạn đang đọc những dòng này thì chắc đã biết trang Facebook của chị Bích Hà. Cùng với hình ảnh bà mẹ lạc quan, yêu đời, bàn luận sôi nổi và nhiệt tình đưa các lời khuyên về giáo dục con cái – là tâm điểm của câu chuyện, cô bé Minh Thu (tên gọi khác là Minty), cũng được biết đến với những nhận xét trên Facebook:
“Mừng chị có người con gái thật tuyệt! Không uổng công Mẹ, phải không chị.”
“Chúc mừng chị và Minty, giỏi như Minty thì con em và mấy đứa bạn nó gọi là “Quái vật” đấy chị.”
“Chị ơi, Minh Thu giỏi quá. Nàng trưởng thành sớm... hiểu chuyện và rất tự hào về mẹ Hà... chị thật là hạnh phúc.”
Chính thống hơn là những nhận xét của giáo viên ở trường Cate, California – nơi cháu đang học năm cuối phổ thông trung học:
Toán nâng cao: Minty đặt ra chuẩn mực cao hiếm có cho học lực xuất sắc. Đơn giản là 100%. Tôi có nhiều học sinh điểm A; nhưng trong 29 năm dạy toán, chỉ có vài em liên tục đạt 100%. Bài làm thật mạch lạc, triệt để mà rất ngắn gọn và chính xác, làm tôi luôn có cảm giác đang đọc lời giải mẫu khi chấm bài của Minty.
Văn học: Câu chuyện của em thật gợi mở, thấm thía, bâng khuâng, chua xót, sâu sắc mà hài hước – tất cả các vị đều vừa đủ… Có tài thẩm thấu ngôn ngữ tuyệt vời, cùng với vốn từ sống đáng nể làm Minty luôn tìm được từ ngữ vừa vặn trong mọi tình huống. Như tôi luôn nhận xét, các bài luận của em thật thanh tú, tinh tế, ở tầm mức mà sinh viên tốt nghiệp đại học (từ những trường danh tiếng) mong muốn viết ra được.
Lịch sử: Mãi mà tôi không nghĩ ra Minty phải cố thêm thế nào cho môn Lịch sử Hoa Kỳ (nâng cao). Em thực sự đã là học sinh tuyệt đỉnh cho môn sử – ham hiểu biết, sẵn sàng học hỏi và khả năng nhận biết vấn đề là điều bất cứ giáo viên nào mong mỏi ở mỗi học sinh. Minty làm sử luận tuyệt vời – hết sức rõ ràng, chi tiết và tinh tế trong suy nghĩ; tinh thông trong phân tích các văn kiện lịch sử để nêu bật quan điểm của mình.
Nhạc jazz: Minty tiếp tục đẩy ban nhạc jazz đến thành công. Với kỹ năng nhạc cổ điển trên piano và viola tuyệt vời, Minty làm quen rất nhanh với jazz, học chuyển gam và đảo hợp âm thành thục để trở thành soloist cho mỗi bản nhạc.
Dàn đồng ca (Camerata): Chuẩn bị cho hai buổi biểu diễn, học sinh đang trở thành nghệ sỹ. Với giọng hát mượt mà, khả năng đọc nốt nhạc rất tốt để luôn thúc đẩy và tiếp sức cho cả bè, Minty là ngôi sao trong dàn. Mỗi ngày tôi đều trông ngóng Minty để được cảm nhận nhiệt tình, tài năng cùng lòng say sưa âm nhạc của em. Thật buồn khi nghĩ đến việc sắp phải xa nhóm học sinh này – giá mà có thể gói ghém chúng lại và giữ mãi bên mình.
Năm 14 tuổi, Minty học ở trường Wycombe Abbey bên Anh, chắc chân top 3, nhiều học kỳ đứng nhất khóa. Minh Thu tâm sự: “Con có điểm cao là nhờ chăm chỉ và học có phương pháp, chứ nói về trí tuệ trời phú thì trong top 3 có một bạn người gốc Phi, không phải học nhiều nhưng có trí nhớ siêu phàm và thông minh bẩm sinh không ai sánh được”.
Đã trúng tuyển sớm (early decision) vào trường Đại học Brown trong nhóm Ivy League tại Mỹ, con đường của Minh Thu đang rộng mở và tôi tin cháu sẽ thành công trong bất cứ lĩnh vực nào. Nền móng của thành công đó đã được chị Bích Hà xây trong 18 năm từ khi sinh con (thực ra trước đó cả năm). Thu miêu tả quá trình đó thế này, khi trả lời một câu hỏi của trường Brown:
Hỏi: Chúng ta đều tồn tại trong những cộng đồng khác nhau về số lượng thành viên, nguồn gốc và mục đích; hãy kể về một cộng đồng của bạn, tại sao nó quan trọng và ảnh hưởng tới bạn thế nào?
Đáp: Tôi là con một, trong gia đình của mẹ đơn thân, nhưng chẳng bao giờ cảm thấy cô đơn. Mẹ và tôi thành cộng đồng hai người vô cùng khăng khít. Bằng chính cách mình sống, mẹ dạy tôi lòng dũng cảm. Mẹ rèn cho tôi tinh thần bền bỉ không giới hạn, rằng trong khó khăn cần nghiến răng lại, ngẩng đầu lên mà tiến về phía trước; rằng tôi có thể thất bại tanh bành, nhưng hãy nhặt nhạnh từ hoang tàn để chắp lại con người mình. Mẹ và tôi cùng nhau cười và khóc; cùng nhau bàn cãi; cùng nhau chu du để khám phá những bí ẩn trên đời. Cùng nhau, chúng tôi biến cộng đồng nhỏ bé của hai người thành điều có nghĩa hơn bản thân cuộc đời.
Không ai sinh ra đã là cha mẹ, chị Bích Hà cũng vậy. Mà không biết thì phải học, thế là chị quyết tìm hiểu thấu đáo. Khi đó chưa có Internet và tài liệu còn hạn chế, chị Hà “ôm” rất nhiều sách tiếng Anh về nuôi dạy trẻ mỗi lần đi công tác nước ngoài.
Nhiều đến mức tôi thắc mắc sao có lắm sách đến thế về chủ đề này và sao phải đọc ngần ấy sách mới chuẩn bị được cho một đứa trẻ sắp chào đời? Tôi được chị giải thích rằng có nhiều quan điểm khác nhau trong nuôi dạy trẻ em, một cuốn sách có khi rất dày nhưng chỉ tìm được một vài điều bổ ích. Nhiều sách chỉ bàn luận chung chung nhưng không chỉ ra cụ thể mình phải làm gì. Do vậy, chị phải đọc tuốt, để rút ra cách ứng xử cụ thể cho những tình huống đa dạng và đủ nền kiến thức cho những khuynh hướng có thể phát triển khác nhau của con mình.
Nhiều người than phiền đi làm vất vả bao nhiêu cũng không khổ bằng trông và chơi với trẻ. Thế nhưng chị Bích Hà quyết định nghỉ việc, chuyên tâm nuôi con cho đến khi cháu 2 tuổi và bắt đầu đi nhà trẻ. Cả căn nhà biến thành trường mẫu giáo với thư viện, phòng soạn giáo án, phòng ăn, phòng ngủ, phòng chơi. Hiệu trưởng mầm non, kiêm cô nuôi dậy hổ, kiêm mẹ bỉm lên chương trình đến từng 15 phút, dịch hàng chục quyển sách ra tiếng Việt để đọc cho con, khi sách thiếu nhi hồi đó còn hiếm. Chị Hà cặm cụi tự chế rất nhiều đồ chơi, cùng ăn, cùng chơi, cùng sinh hoạt với con nhiều giờ mỗi ngày. Để thực hiện được triệt để kế hoạch của mình, chị thay đổi toàn bộ nếp sống trong gia đình. Giờ giấc sinh hoạt, chế độ ăn uống, bao giờ được xem TV, thậm chí quan niệm về lẽ công bằng, khi nào thì người lớn tuổi nhất trong nhà vẫn phải xin lỗi hay cám ơn – tất tật được sắp đặt để tạo ra môi trường vừa là nhà, vừa là trường thuận lợi nhất cho con gái.
Nếu một đứa trẻ 10 tháng đã tự xúc lấy mà ăn thì đến 3 tuổi đã có thể vì không thích cô giáo ở trường mẫu giáo Fundino mà quyết chuyển sang Kinderworld. Đến năm 8 tuổi, Minh Thu quyết định sang Anh học vì qua một kỳ đi trại hè thấy học bên đó tốt hơn. Năm 11 tuổi, Thu chọn Wycombe Abbey chứ không muốn vào Cheltenham Lady College vì đồng phục ở đó không đẹp, dù được học bổng. Tất nhiên đến năm 16 tuổi, Minh Thu đã hoàn toàn tự tin để so sánh các hệ thống giáo dục và chuyển trường từ London sang bờ Tây nước Mỹ, với lý do rất xác đáng: học kiểu Mỹ hợp với con hơn.
Vốn đầy nhiệt tình trao đổi với bất cứ ai quan tâm đến vấn đề nuôi dạy con cái, trong 2 năm gần đây được Facebook “tiếp sức”, chị Bích Hà càng hăng hái chia sẻ với cộng đồng. Những bài viết của chị rất súc tích và thực tiễn. Phần lý thuyết, được đúc kết từ hàng trăm cuốn sách và báo chí mà chị đã từng đọc, xuất hiện thấp thoáng đâu đó, nhưng phần lớn những điều chị chia sẻ đều hết sức dễ hiểu, được miêu tả thành những hành động cụ thể, dễ thực hiện và kèm minh họa bằng những ví dụ hàng ngày. Cứ như ta đang đọc cuốn cẩm nang hay sổ tay làm cha mẹ vậy.
Xin trân trọng giới thiệu những hun đúc của chị Bích Hà với những người sẽ hay đang làm cha mẹ, sẽ hay đang là ông bà, mong muốn cho con cháu mình trưởng thành một cách độc lập, tự do và trên tất cả, hạnh phúc. Có khó không? Khó lắm chứ. Nhưng cũng thật đơn giản, nếu chúng ta đủ kiên trì để tạo dựng tính cách cho con cháu, đủ dũng cảm để chúng tự quyết định cuộc đời mình và đủ phương pháp trong truyền tải tình thương yêu vô điều kiện để chúng luôn hướng về nhà.
Nguyễn Hải
Chủ tịch Hội đồng Quản trị
Công ty Du lịch TransViet