Theo quan điểm của tôi, việc “trồng người” là trách nhiệm của toàn xã hội.
Trong bài viết này, tôi sẽ nêu vai trò của gia đình.
Từ thời điểm trẻ được sinh ra cho đến khi bắt đầu đi học, vai trò của gia đình là quan trọng nhất. Không ai có thể tác động đến các bé, nếu gia đình không cho phép. Như tôi quan sát, ở Việt Nam, ít ai coi trọng việc giáo dục con cái ngay từ thời điểm bé được sinh ra đến 3 tuổi – nhưng đó chính là giai đoạn “bản lề” trong việc định hình tính cách của một con người. Trong giai đoạn này, mọi điều diễn ra xung quanh được các bé chụp ảnh và tiếp nhận không điều kiện. Giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi, các em đã bắt đầu biết suy nghĩ, đánh giá sự việc, khả năng tiếp thu kiến thức và kỹ năng có ý thức được định hình, từ từ thay thế cho sự tiếp thu vô thức.
Tương tự như vai trò của Bộ Giáo dục đang làm là đặt bài toán “vĩ mô” cho giáo dục của đất nước, từng gia đình cũng phải đặt bài toán về giáo dục con cái, tốt nhất là trước khi các cháu được sinh ra. Mục đích của bài toán là thống nhất được quan điểm chủ đạo giữa các thành viên trong gia đình về các vấn đề cơ bản, liên quan đến việc nuôi và dạy con. Trên cơ sở quan điểm chủ đạo này, sẽ phải lập ra một kế hoạch chi tiết cho việc thực hiện, chia ra các giai đoạn từ khi đứa trẻ được sinh ra, cho đến khi trưởng thành (18 tuổi theo tiêu chuẩn các nước phương Tây, còn ở Việt Nam hiện đang trễ hơn nhiều).
Trong phần này, tôi xin được nêu cách xác định quan điểm nuôi dạy con:
Bố mẹ phải xác định muốn con trở thành người thế nào, nói rõ hơn là xác định mục đích bố mẹ muốn đạt được về việc nuôi dạy con.
1. Về đạo đức và cá tính: Ví dụ, lúc sắp sinh con, tôi xác định các cá tính TÔI MUỐN con tôi sẽ có, đó là:
Danh sách này của tôi kéo dài độ 10 dòng, có thể được bổ sung hoặc lược bớt theo thời gian.
2. Về trí tuệ: Những điều tôi muốn con phải có:
3. Về học vấn: Bố mẹ muốn con học thế nào, học cái gì và mong đợi kết quả ra sao? Tôi muốn con tôi:
4. Về cuộc sống: Bố mẹ muốn cho con sau này có cuộc sống ra sao?
• Thành đạt: Cụ thể ta hiểu thành đạt là thế nào. Ví dụ, rất nhiều ông bố bà mẹ Việt Nam muốn con học giỏi để sau này tìm được việc làm lương cao, giàu có và coi đó là điều kiện tiên quyết để được coi là thành đạt. Riêng tôi, tôi muốn con học để trang bị cho bản thân những kiến thức có ích (cho mình và cho xã hội). Tôi mong con sử dụng những kiến thức đó để nuôi sống mình và gia đình, giúp đỡ mọi người và góp phần cống hiến cho xã hội.
• Hạnh phúc: Bố mẹ hiểu thế nào là hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống thì mới có thể giúp con trở thành người như thế.
5. Về ăn uống:
Hầu hết các ông bố bà mẹ đều muốn con lớn lên khỏe mạnh về thể lực, thông minh về trí tuệ, tôi cũng vậy. Nhưng vấn đề là không phải ai cũng có hiểu biết đúng, có kiến thức đầy đủ về dinh dưỡng và hiểu rõ thế nào là lối sống lành mạnh. Hiện nay, sách, tài liệu về dinh dưỡng trẻ em, trong đó các quan niệm có thể trái chiều, thậm chí đối nghịch nhau, làm cho các bậc bố mẹ bị “rối mù”. Riêng về ăn uống và chế độ dinh dưỡng từ lúc con mới sinh, tôi mắc khá nhiều sai lầm, tuy không để lại hậu quả trầm trọng, nhưng cũng gây một số tác động tai hại về sức khỏe lâu dài của con. Tôi đang cố gắng cùng con khắc phục những hậu quả đó.
Tóm lại, nếu ai thực tâm muốn nuôi dạy con và kiểm soát được quá trình đó, thì phải làm bài tập của mình trước: xác định mục đích và quan điểm nuôi dạy con.
Tôi vẫn hay trăn trở cái gì đang xảy ra với nền giáo dục Việt Nam? Các bậc phụ huynh thì nghĩ trách nhiệm gia đình là chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng, còn việc học hành là trách nhiệm của xã hội, cụ thể là của Bộ Giáo dục. Tôi thì nghĩ:
Trong một bài viết, anh Lương Hoài Nam1 đã nói về thực trạng nền giáo dục “ảo và dối trá” của Việt Nam. Vậy cái gì gây nên tình trạng này?
1 Nguyên giám đốc hãng hàng không Jestar Pacific Airlines và Giám đốc điều hành Air Mekong (BT).
Nếu mổ xẻ thật sâu về quá khứ, thì nguồn gốc của tình trạng này bắt nguồn từ một số truyền thống trước đây được coi là tốt đẹp của dân tộc ta:
• Quá coi trọng sự học, mà về bản chất là học gạo, học lý thuyết, học để mong được làm thầy, để đứng trên đầu thiên hạ. Truyền thống thi cử để được làm quan bắt nguồn từ bao đời nay trở thành “lý tưởng” trong cuộc sống của nhiều thế hệ. Những người thế hệ tôi hoặc sau đó một chút, không thể quên những tác phẩm như Lều chõng, Sống mòn và cũng thuộc lòng những lời nói được truyền từ đời này sang đời khác: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, hoặc đưa hình ảnh mẫu mực của sự tự hào khi người vợ có chồng đỗ đạt làm quan “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau”... Ở một xã hội mà vai trò các thầy đồ được đề cao quá đáng, mặc dù họ không làm được việc gì cho ra cơm ra gạo, để cho vợ tất bật, tần tảo kiếm miếng ăn nuôi cả nhà, hàng ngày cơm bưng nước rót hầu hạ. Còn việc của các thầy là chỉ ngồi “rung đùi” đọc sách “thánh hiền”?
• Xã hội quá coi trọng nề nếp phong kiến: Tôi trung phải phụng sự vua, con cái phải tuyệt đối nghe lời bố mẹ, học trò luôn nghe lời thầy cô giáo, bất kể đúng sai.
Những quan niệm đó đã ăn sâu vào suy nghĩ của mọi tầng lớp dân cư trong xã hội : khi mà đa số đều muốn con mình được “ngồi ghế trên” trong “canh bạc” cuộc đời.
Còn nhớ, lúc tôi tầm 11 hay 12 tuổi, chị gái tôi (lúc đó khoảng 25 tuổi), từng ao ước: “Ước gì sau này cái Hà lấy được thằng nào làm to, để cho bố mẹ và chị được đi nhờ ô tô cho oai”. Đang nằm đọc sách, tôi ngồi bật dậy: “Em chẳng cần lấy ai để đi ô tô. Nếu đi ô tô, thì đó là ô tô của em”.
Cả một xã hội với đa số suy nghĩ như vậy mà có nền giáo dục lành mạnh mới là sự làm ta phải ngạc nhiên.
Nhưng ngạc nhiên hơn là lớp bố mẹ trẻ của ngày hôm nay (đang ở lứa tuổi dưới 40), cũng tự nguyện chấp nhận hệ tư tưởng đó và tiếp tục “nhồi nhét” cho thế hệ sau bằng chính những lý luận tương tự. Dĩ nhiên, theo quy luật cung – cầu, thì “Thượng đế là khách hàng” muốn gì, sẽ có ngay các “nhà cung ứng” sẵn sàng bán những sản phẩm, dịch vụ đó. Tôi đã nghe những ông bố bà mẹ ca cẩm về việc con bị ép học quá tải ở trường Việt Nam, chuyển con sang học trường quốc tế. Rồi một năm sau, nhiều người trong số đó lại than phiền: con học trường quốc tế nhàn quá, chẳng thấy có bài tập về nhà? Thế là những ông bố bà mẹ này lại hí hoáy đi tìm giáo viên để “nhồi” thêm cho con vào buổi chiều và tối để cho “yên tâm”???
Với các gia đình mà bố mẹ có chủ ý đẻ con ra để sau này có người “trả công sinh thành” và “báo hiếu”, tôi xin không có ý kiến. Họ có mục đích rõ ràng của họ: đẻ con ra để sau này có người phụng dưỡng suốt đời, hoặc để cưới vợ về làm người giúp việc. Với các ông bố bà mẹ này, nuôi dạy sao cho con phải phụ thuộc vào mình, cả về tình cảm lẫn vật chất, là mục đích rõ ràng. Họ có thể sử dụng tình thương và của cải vật chất để ràng buộc con cái trong mớ bòng bong của đạo đức và lễ nghĩa, luôn muốn con cái ở bên cạnh để “mua vui” cho bố mẹ, nấp dưới danh nghĩa “báo hiếu”. Nhiều người cố tưởng tượng rằng con cái cũng lấy việc báo hiếu suốt đời là niềm vui và niềm hạnh phúc vô tận của chúng.
Tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn trẻ và không còn trẻ lắm, những người thật sự yêu thương con vì bản thân chúng, thực lòng muốn con hạnh phúc, thành đạt, có trách nhiệm với bản thân và gia đình riêng của chúng sau này nhưng chưa biết phải làm gì. Các bạn hãy biết rằng: tiền bạc cần cho cuộc sống, nhưng không bao giờ được là mục đích chính hoặc duy nhất. Nếu quá nghèo, sẽ không có hạnh phúc. Nhưng cũng rất ít người giàu được biết đến niềm hạnh phúc thực sự. Con bạn có thể không giàu có, nhưng sẽ không bao giờ nghèo, nếu chúng được dạy dỗ để có lòng tự trọng, biết suy nghĩ và suy nghĩ có logic bằng chính cái đầu của mình, biết dùng bàn tay và khối óc làm việc một cách cần cù, trung thực. Liệu bao nhiêu tiền để bạn coi là mình giàu, nếu đồng tiền được chi cho những bữa tiệc tùng với rượu ngoại chất đống, mỗi chai giá hàng chục triệu? Biết bao nhiêu là đủ, nếu vài chục cái túi, vài trăm đôi giày, rồi váy áo hàng hiệu chất đầy nhà?
Điều đầu tiên và cơ bản trước khi quyết định dạy con thế nào, hai vợ chồng bạn phải xác định rõ ràng về tư tưởng và tâm lý của chính mình: đừng dồn mọi mong ước về tương lai của con vào hai chữ THÀNH ĐẠT (mà ý nghĩa thực sự là kiếm được nhiều tiền). Hãy cho con nếm trải (và qua đó, dạy chúng) những niềm vui khác trong cuộc sống. Hãy nén những bực bội của một ngày làm việc, ngồi cạnh con, bình tĩnh, vui vẻ giúp chúng giải một bài toán khó (tôi nhắc lại là phải vui vẻ, chứ thường thì các bậc phụ huynh quát tháo con om sòm khi kèm chúng học), hoặc cùng đọc một cuốn truyện hay. Đã bao giờ bạn bật nhạc lên, rồi cả nhà ôm nhau nhảy múa, hát hò vui vẻ? Mỗi ngày hãy dành ít nhất một tiếng để trở lại, hòa vào với tuổi thơ của con – rồi chính bạn cũng sẽ thấy quên bớt mệt mỏi – đó có phải là hạnh phúc? Tôi tin cái hạnh phúc, niềm vui đơn sơ đó sẽ theo con bạn suốt cuộc đời, sẽ cho chúng hiểu rằng: không chỉ có tiền mới có niềm vui và hạnh phúc. Và niềm vui đó sẽ được chúng truyền cho con cái chúng, từ đời này sang đời khác. Sự thay đổi tích cực của xã hội cũng bắt nguồn từ đây.
Tôi thấy rất nhiều người kêu ca về việc dạy và học thêm: ai bắt được con bạn học thêm, nếu không phải là chính bạn? Nếu ai cũng dành thời gian học cùng con (có sách giáo khoa mà) và từ chối cho con đi học thêm thì thầy cô giáo cũng không thể ép, chẳng lẽ lại đi “trù úm” và cho điểm kém tất cả học sinh trong lớp? Chính thầy cô cũng phải bảo vệ thành tích của mình nên sẽ chẳng dám làm vậy. Chỉ vì đông phụ huynh đồng ý cho con đi học thêm, thầy cô giáo mới dám ép uổng “thiểu số”. Vậy chính các bạn vì lười dành thời gian cho con, vì thiếu kiên trì, vì tâm lý “bỏ tiền mua tiên cũng được nữa là mua kiến thức”, và một số người vì muốn “dĩ hòa vi quý”, mọi người sao tôi vậy, cho khỏi mất lòng thầy cô giáo, cho các phụ huynh khác không chê bai mình “keo kiệt” đã, nhắm mắt mặc ‘thế sự xoay vần” với việc học hành, nuôi dạy con cái của chính mình.
Vậy thì xin đừng ngồi đó mà kêu trời kêu đất, hãy tự cứu lấy con của mình, trước khi nhờ ai đó cứu. Nếu số đông chúng ta xác định: TRỒNG NGƯỜI – TRƯỚC TIÊN LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA GIA ĐÌNH, CỦA BỐ MẸ, chắc chắn quy luật thị trường sẽ đào thải những gì không phù hợp, chắc chắn sẽ ra đời những tổ chức giáo dục lấy học sinh làm trung tâm: dạy các em thành người, chứ không phải thành cái máy kiếm tiền, dạy các em biết phân biệt thế nào là đúng sai, phải trái; biết tìm kiếm hạnh phúc và niềm vui chân chính cho mình, cho gia đình và xã hội.
Để các ông bố bà mẹ dễ thực hiện, tôi xin chia sẻ chi tiết hơn cách khắc phục như sau:
1. Sự đàn áp: Nếu bố mẹ không muốn là những “kẻ đàn áp” thì trước tiên, phải xác định rõ mình muốn con trở thành người như thế nào trong tương lai, rồi thống nhất thành những giá trị cốt lõi của gia đình, sau đó đưa ra các bước cụ thể để các thành viên trong gia đình phải tuân thủ thì mới có thể thực hiện được một cách lâu dài và nhất quán. Ví dụ:
Về đạo đức: Tôi muốn con gái thành người trung thực, có bản lĩnh, tôn trọng người xung quanh, biết phân tích và phân biệt đúng – sai trong mỗi trường hợp để quyết định hành động cá nhân. Con phải là người tự lập, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Con cũng phải hiểu giá trị của tri thức và kiến thức do học vấn mang lại, hiểu giá trị của lao động, giá trị của đồng tiền – biết cách sử dụng đồng tiền để đem lại cho cuộc sống những điều tốt đẹp.
Về sinh hoạt: Tôi muốn con thành cô gái giản dị, coi trọng các giá trị thực chất thay vì sự phô trương bên ngoài. Mặt khác, con nên là người dễ tính và biết hòa đồng trong sinh hoạt. Điều rất quan trọng là tôi muốn con luôn sống chân thật và có nguyên tắc…
Tôi xác định trẻ con sinh ra không tự biết mọi điều và cũng không thể nhớ “nằm lòng” những bài giảng đạo đức của người lớn. Vậy thì nếu bạn muốn con làm gì, cư xử ra sao, hãy nói rõ với con một cách nhẹ nhàng và điều rất quan trọng là giải thích thật rõ tại sao bạn lại yêu cầu chúng làm vậy. Việc nêu rõ yêu cầu và lý do của yêu cầu đó phải được nhắc đi nhắc lại một cách kiên trì với thái độ vui vẻ và đúng lúc. Ví dụ cháu có ông bà nội hoặc ngoại khó tính, thay vì bắt cháu phải nghe lời ông bà, phải yêu ông bà, bạn nên thủ thỉ với con: “Mẹ biết ông (bà) khó tính, nhưng mẹ con mình phải tìm cách giải quyết vấn đề đó. Con muốn được ông bà đối xử thế nào?”. Sau đó, bạn cùng con liệt kê ra những gì mà con bạn coi là vô lý, giải thích cho con những gì đúng và những gì chưa đúng trong quan điểm của ông bà, bàn với con hướng giải quyết. Bằng cách này, bạn sẽ dạy con được rất nhiều điều: khả năng phân tích và phân biệt đúng, sai, cách xử lý vấn đề… Sau đó, hãy có những buổi làm việc rất nhẹ nhàng, nhưng cương quyết với các cụ về việc nuôi dạy con cái.
Bạn phải cương quyết sửa thói quen càu nhàu, quát tháo, lấy chuyện nọ xọ chuyện kia, ép buộc con một cách vô lý. Để làm được vậy, mỗi khi có gì đó không vừa ý với con, bạn hãy tự nghĩ: việc con làm có gì sai không, có gì vi phạm các quan điểm đã được nói rõ từ trước về đạo đức, sinh hoạt hay chỉ bất chợt là “sự ngứa mắt” của cá nhân bạn tại thời điểm đó? Nếu không nhất quán, mà luôn “ra chỉ thị” cho con một cách ngẫu hứng, bạn sẽ ở tư thế dùng quyền của bố mẹ để “đàn áp” con, bắt con làm theo. Thay vì ra rả suốt ngày bắt con học, bạn hãy cùng con bàn bạc và lên lịch (học, chơi, các sinh hoạt khác…) từng ngày trong tuần, giúp con kiểm soát việc thực hiện lịch đó. Và điều quan trọng nhất: hãy công bằng khi cư xử với con.
2. Tạo khoảng cách: Trong cuộc sống hiện đại, các bậc bố mẹ trẻ Việt Nam chưa được chuẩn bị tâm lý đủ để có trách nhiệm với việc sinh con, mà thường là đẻ con vì ông bà giục, vì thấy mọi người đều làm vậy… Rồi cuộc sống bộn bề với bao lo nghĩ và ý thích cá nhân làm họ quá bận bịu mà quên rằng: điều con cần nhất là thời gian và sự chia sẻ, hướng dẫn, dìu dắt đúng lúc và hợp lý của bố mẹ. Vậy thì trước tiên, hãy xác định rõ: có con là ý muốn của hai vợ chồng và chỉ nên thực hiện ý muốn đó khi mình có thời gian dành cho việc nuôi dạy con (bao gồm cả thời gian đọc và học cách nuôi dạy). Hãy dành thời gian đọc cho con nghe từ ngày đầu tiên ở bệnh viện phụ sản về thay vì chỉ tập trung vào việc nhồi nhét cho con ăn uống thật nhiều. Khi đọc, hãy đọc thật chậm, phát âm đúng và chỉ tay vào dưới từng từ mà bạn đọc. Con có nhìn vào đó hay không, không quan trọng. Khi con lớn lên một chút, hãy cùng chúng ca hát, chơi đùa, nhảy múa. Hãy tâm sự với con những suy nghĩ, niềm vui và nỗi buồn của bạn, bằng những từ ngữ dễ hiểu nhất. Hãy nhớ lại “thời thơ ấu” của chính bạn, để hiểu tâm tư, ước vọng, suy nghĩ của con.
3. Tỏ ra tự phụ: Như trên đã trình bày, nếu bạn cùng gia đình xác định rõ những nguyên tắc về đạo đức và nhất quán làm theo những nguyên tắc cơ bản đó, bạn sẽ không gặp phải vấn đề này. Trừ khi các ông bố bà mẹ nhầm lẫn về đạo đức, nhầm tưởng khoe khoang là biểu hiện của thành đạt, coi thường người khác mới chứng tỏ mình “quan trọng và hơn người”, thì con cái thành như thế là chọn lựa của chính họ, họ không thể trách ai.
4. Luôn độc đoán: Lại trở về điều 1 – “sự đàn áp”. Khi không định ra nguyên tắc và không công bằng trong cư xử với con, bạn sẽ thành kẻ độc đoán, coi mình luôn đúng và con phải nghe theo trong mọi trường hợp. Bạn đã thành kẻ đàn áp rồi.
5. Dễ dãi đáp ứng các yêu cầu của con: Nếu bạn đặt ra một số quy định về các việc không được làm (ví dụ: không phá đồ đạc, không đánh người khác…), hãy đảm bảo là bạn kiểm soát được việc thực hiện. Trẻ rất tinh, chúng quan sát và biết cái gì làm cho bố mẹ sợ, để rồi dùng cách đó như một “vũ khí” kiểm soát mọi người, hoặc đạt được điều chúng muốn. Ngay từ lần đầu khi chúng ăn vạ, hãy rất nhẹ nhàng và cương quyết với chúng. Không dỗ, không an ủi, hãy nói rõ: “Con làm vậy không được gì đâu, đừng gây sức ép với bố mẹ”. Hãy bế con vào một phòng trống, để con ở đó và nói rõ: “Khi nào con chấm dứt việc la hét, khóc lóc, mẹ sẽ vào đón con ra”. Nếu bạn nhẹ nhàng nhưng cương quyết, con sẽ không bao giờ dám có thái độ ăn vạ.
6. Mua chuộc con bằng quà cáp, lời hứa: Ở đây, có mấy vấn đề: dạy con có trách nhiệm với bản thân, giúp con hiểu rõ nguyên nhân, hậu quả các hành động của mình. Các ông bố bà mẹ Việt Nam hay nghĩ hộ, làm hộ con mọi thứ sẽ làm cho chúng hiểu những việc đó là việc của bố mẹ chứ không phải việc của chúng. Ví dụ, thay vì nói học cho tương lai của chính con, bố mẹ lại nói học giỏi để bố mẹ vui lòng… Mọi việc sẽ có xu hướng “rối lên như canh hẹ” nếu ta không xác định rõ đó là việc của ai, ai phải chịu trách nhiệm, ai là người hướng dẫn, động viên và giúp đỡ. Hãy giải thích rõ lý do, dạy con cách làm và chuyển giao “quyền và trách nhiệm” cho con khi chúng đủ “kỹ năng” về trí tuệ, tâm lý và sức khỏe để làm những việc đó. Bố mẹ hãy “lùi lại” để làm vai trò động viên, khuyến khích, nâng đỡ khi chúng sai lầm. Nếu bạn đã hứa điều gì, hãy cố thực hiện bằng được. Vì bất cứ lý do gì khiến bạn không thực hiện được lời hứa, hãy xin lỗi con và giải thích cặn kẽ lý do vì sao bạn thất hứa.
Vấn đề tiếp theo:
1. Làm sao cho con trở thành người tự tin, kiên trì và quyết tâm
2. Làm sao kiểm soát và giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử (xem TV, chơi điện tử trên máy tính hoặc điện thoại)?
Tôi sẽ lấy ví dụ cụ thể của chủ đề 1: Bạn muốn con lớn lên trở thành người tự tin, kiên trì và quyết tâm. Trước tiên, hãy tự đánh giá mình một cách rất trung thực: mình có phải là người có những cá tính đó không?
• Nếu bạn là người có những cá tính đó tốt quá. Nhưng từ trước đến nay, bạn chỉ tự tin, kiên trì và quyết tâm khi thực hiện những công việc của chính bản thân mình, vậy làm sao để dạy cho trẻ điều đó? Hãy nhớ rằng: bạn càng bắt đầu sớm, mọi việc càng dễ dàng.
Một nhà giáo dục phương Tây đã viết: Một nguyên tắc quan trọng, đề nghị các bậc bố mẹ hãy thuộc nằm lòng, đó là không bao giờ được nói KHÔNG với những việc làm hay hành động của trẻ, nếu như hành động đó không làm hại chính con hoặc người khác. Bé thích nghịch nước, hãy đưa vào lịch mỗi ngày cho bé nghịch nước 15 phút, nhân đó dặn bé: “Nghịch nước xong phải lau khô người, không nên mặc quần áo ướt, sẽ dễ bị cảm”. Khi buộc lòng nói KHÔNG với trẻ, bạn phải giải thích cặn kẽ và rõ ràng với chúng là TẠI SAO KHÔNG ĐƯỢC LÀM VIỆC ĐÓ. Đừng bao giờ nói rằng: vì mẹ là mẹ, nên có quyền cấm con.
Tôi có dịp tiếp xúc với nhiều đứa con của bạn bè thân thiết. Khi còn bé, chúng ngây thơ, láu lỉnh, nhanh nhẹn và thông minh. Sau vài năm gặp lại, nhiều cháu làm tôi thực sự ngạc nhiên: cháu rụt rè, sợ sệt, có hỏi đến chỉ ậm ừ hoặc cúi đầu. Sao vậy nhỉ? Thì ra vì quan niệm của các bậc cha mẹ: chúng lớn rồi, phải gò ép và rèn kỹ, không chúng sẽ hư. Vậy là bố mẹ cố gắng quan sát chúng mọi lúc mọi nơi, thậm chí rình mò con, để biết chúng có làm gì dại dột, có chơi với bạn xấu, có bị bạn lừa, thậm chí xem trộm nhật ký, email của con. Bằng cách đó, không những các bạn đang làm mất sự tự tin của con, mà còn làm mất lòng tin của chúng vào bố mẹ.
Cũng xin nhắc các bậc bố mẹ một xu hướng ngược lại, gây tác hại không kém: đó là việc luôn coi con cái là thần đồng, suốt ngày khen ngợi bất cứ lời nói và việc làm gì của chúng rồi liên hệ với mầm mống của thiên tài sau này. Thời gian qua, ta cũng gặp không ít các cháu ở lứa tuổi mười tám đôi mươi, tự cho mình là thần đồng, cái gì cũng nghĩ là mình biết. Thường các cháu này trở nên rất hiếu danh, muốn nổi tiếng “xổi” bằng bất cứ giá nào. Còn các bậc bố mẹ thì luôn tự hào, cổ vũ cho sự hiếu danh, coi đó là sự thành công.
Làm thế nào để kiểm soát và giới hạn thời gian xem TV và chơi game? Khi con còn bé, bố mẹ muốn rảnh rang làm việc này việc khác, để chúng khỏi quấy, để mình có thời gian xem TV và chat với bạn bè, cách tiện nhất là cho chúng ngồi trước màn hình hoặc đưa cho con cái điện thoại cầm tay. Chính bạn là người khiến con bị “nghiện” mà! Nếu hễ về đến nhà là bạn bật TV, con chắc chắn sẽ nghiện TV. Ngay khi sinh con gái, tôi đã đề ra một nguyên tắc trong gia đình: không được bật TV khi có mặt bé ở đó. Đến nay, con tôi chẳng hề màng đến TV, cũng chẳng bao giờ chơi game. Còn khi lớn hơn, tôi có một nguyên tắc: hễ con gái về nhà trong các kỳ nghỉ, đúng 10 giờ tối đi ngủ và không được đem máy tính vào phòng ngủ. Hãy cùng con lập lịch cho mỗi ngày trong tuần và chỉ dành tối đa 30 phút/ngày cho việc xem TV hoặc chơi điện tử. Việc này yêu cầu các bậc cha mẹ phải thật cương quyết để nói KHÔNG khi con mè nheo đòi nhiều thời gian hơn.
Mọi việc phụ thuộc vào chính bố mẹ, những người đầu tiên đặt nền tảng cho các cá tính và thói quen tốt cũng như xấu của con mình.