Nhiều bà mẹ hỏi: Có cách gì để con nghe lời, không bướng bỉnh, lì lợm? Làm sao khắc phục tình trạng bố mẹ nói cái gì con cũng cãi không chịu làm hoặc ì ra? Nhưng chưa ai hỏi tôi câu hỏi quan trọng nhất: nguyên nhân nào dẫn đến việc trẻ bướng bỉnh, lì lợm, không nghe lời?
Đó là vì các bậc bố mẹ đang lấy mình là chủ thể, muốn giải quyết cái ngọn – làm sao cho trẻ nghe lời, mà ít khi tự hỏi mình đã làm gì khiến con trở nên như vậy? Liên quan đến chủ đề này, nếu muốn thành công, chúng ta hãy sẵn sàng thay đổi quan niệm về giáo dục con cái.
Vốn là một nước phong kiến, thế hệ chúng tôi đều được dạy: con cái phải nghe lời bố mẹ. Người lớn tuổi hơn bao giờ cũng đúng. Chúng ta cũng thường dùng các biện pháp áp đặt, răn đe, cấm đoán để đối xử với con, mà ít khi nghĩ xem những tiêu chuẩn, nề nếp ta muốn áp đặt cho trẻ, bắt trẻ phải nghe theo có hợp lý, có giúp cho trẻ phát triển toàn diện hay chỉ vì ta là bố mẹ, ta có quyền thế và ta muốn thế? Có phải tình trạng ai có chức thì áp đặt cấp dưới, về nhà thì lấy quyền của bố mẹ để áp đặt con rất phổ biến ở Việt Nam? Đó cũng là một kiểu “ham quyền ham chức” của các bậc phụ huynh đấy.
Tôi không bao giờ dùng quyền lực người mẹ áp đặt con, kết quả là con không trở nên bướng bỉnh, lì lợm, hai mẹ con trở thành bạn bè, luôn ở cùng một bên “chiến tuyến” chứ không bao giờ đối đầu (tuy có thể khác nhau về quan điểm). Mẹ con tôi có thể rúc rích kể cho nhau nghe mọi chuyện và đến bây giờ, hai mẹ con ở bên nhau vẫn đùa nghịch như hai đứa trẻ thơ.
Ngay khi vừa sinh, tùy theo từng giai đoạn phát triển của trẻ, tôi đề ra những quy định phù hợp:
1. Từ khi mới sinh đến 7 – 8 tháng: Âu yếm con thường xuyên nhưng không bế nhiều và cương quyết không bế khi con dùng tiếng khóc để đòi bế. Bằng cách này, tôi dạy cho con được mấy bài học:
2. Từ 8 tháng (bé biết đi lúc 8 tháng) đến 1 năm: Tôi bắt đầu đề ra các quy định trong sinh hoạt: giờ ăn, giờ ngủ, giờ đọc sách và những điều cấm (bé không được làm). Tôi viết rõ những điều này lên một trang giấy, đọc cho bé nghe, giải thích rõ lý do của những điều cấm, hỏi bé có ý kiến gì không (dĩ nhiên là bé gật, vì thực sự những việc này đã thành nếp). Sau đó, tôi nói với bé: “Mẹ con mình ký thỏa thuận nhé”. Tôi lấy bút ký một bên, rồi bôi mực vào ngón tay trỏ của bé, “điểm chỉ” vào một bên. Bé khoái chí lắm, cười khanh khách. Tôi dán luôn thỏa thuận đó vào cửa tủ lạnh, rồi thỉnh thoảng đọc lại cho bé nghe. Ngoài những điều cấm, bé được tự do làm tất cả các việc khác phù hợp với lứa tuổi. Ví dụ, lúc đó, tôi chỉ có 2 điều cấm:
Tôi cũng họp cả nhà, giải thích rõ về thỏa thuận, để mọi người biết và tuân thủ trong cư xử với bé. Trong nhà tôi, không ai có thể can thiệp vào lịch sinh hoạt của con, cũng không ai có thể lên án là bé hư nếu bé không vi phạm vào điều cấm (tôi nghĩ pháp luật cũng nên thế – không cấm thì nghĩa là cho phép). Nếu có gì phát sinh ngoài những điều đã thỏa thuận, tôi đều bàn bạc với con, rồi bổ sung hoặc bớt điều cấm một cách hợp lý. Bằng cách đó, tôi dạy bé từ khi rất nhỏ về sự công bằng, sự bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình. Tôi luôn giải thích rất kỹ càng về nguyên nhân, hậu quả, lý do tại sao được làm cái này, không được làm cái kia. Vì vậy, con gái tôi có thói quen phân tích mọi việc xung quanh một cách thấu đáo, để rút ra kết luận cho mình. Có những lúc, bé cũng thử giới hạn bằng cách vi phạm thì tôi cương quyết áp dụng biện pháp để chấm dứt. Ví dụ có 1 lần, bé khóc để đòi cái gì đó, tôi nhẹ nhàng và bình thản nói: “Khóc là quyền của mỗi người, miễn là không làm ảnh hưởng đến người khác. Con đang làm ảnh hưởng đến người khác, vì con khóc to, mọi người đau đầu. Vậy từ nay, khi con muốn khóc, mẹ sẽ cho con vào phòng khách và đóng cửa lại để khỏi ảnh hưởng đến mọi người. Con cứ khóc thoải mái, bao giờ chán thì bảo mẹ là “Con khóc chán rồi”, mẹ sẽ mở cửa cho con ra nhé”. Tôi dẫn bé vào phòng khách, nhẹ nhàng khép chặt cửa lại, rồi làm tiếp việc của mình. Chỉ độ 1 phút sau, tiếng khóc im bặt. Sau 1 – 2 phút, tôi thấy con gọi to: “Mẹ ơi, chán, chán, con ra”. Vậy là xong, sự việc không hề lặp lại.
3. Tôi có nguyên tắc: Khi bé đã biết đi, tôi không bế nữa và cũng cho bạn bè luôn cái xe đẩy. Tôi giải thích rõ: chân là để mình đi, nếu mình không sử dụng để đi, nó sẽ yếu dần và mình đi không vững. Trước khi đưa bé đi đâu, tôi đều bàn kỹ với bé về kế hoạch và nói rất rõ là cần đi bộ bao nhiêu thời gian. Tôi thường dùng cách này: “Hôm nay mình đi chơi, con sẽ phải đi bộ 2 tiếng. Nếu lúc nào con mỏi chân, mình có thể ngồi nghỉ. Con cũng có lựa chọn nữa: nếu không muốn đi bộ, con ở nhà”. Tất nhiên là bé thích đi chơi. Có lần, bé kêu mỏi chân, đòi bế. Tôi thản nhiên: “Mẹ nói trước rồi, mình phải đi bộ 2 tiếng. Nếu con mỏi, mình ngồi nghỉ đến bao giờ hết mỏi sẽ đi tiếp”.
Vậy muốn trẻ nghe lời, chính người lớn phải biết rõ: ta muốn chúng nghe lời những việc gì? Nếu ta có quy định rõ ràng, đã được con đồng ý và cả nhà thống nhất, chúng sẽ tuân thủ. Tất nhiên, chúng sẽ ngó nghiêng để thử xem có “vượt rào” được không. Nếu tất cả người lớn trong nhà cương quyết, mọi việc sẽ vào nếp rất nhanh. Đôi khi, có những lần, bà thấy thương cháu quá, cứ thuyết phục tôi: “Nó còn bé, biết gì, con làm vậy tội nghiệp”. Nhưng đến bây giờ, ai cũng nói là con may mắn vì đã được tôi nuôi dạy như vậy. Con tôi luôn tự hào và hay khoe với bạn bè về điều đó.
Nếu ta ép buộc trẻ làm việc gì đó, nhưng lại không dành thời gian giải thích rõ lý do (nguyên nhân và hậu quả), sẽ có 3 tình huống xảy ra:
• Trẻ luôn nghe lời người lớn, làm theo chẳng cần suy nghĩ gì: bạn đang tạo nên những đứa trẻ thụ động, không có suy nghĩ riêng. Sau này, khi chúng lớn lên, sẽ có lúc bạn lại mắng chúng: “Sao mà mày ngu thế hả con? Ai bảo gì cũng nghe?”. Bạn đã dạy chúng thế mà!
• Trẻ buộc phải nghe và làm theo mà trong lòng ấm ức, thấy bố mẹ (người lớn) toàn là những người vô lý. Tình trạng này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả: khoảng cách giữa bố mẹ và con cái là “mênh mông biển rộng”. Nếu ức chế quá, chúng có thể bỏ nhà, đến với bất cứ ai tỏ ra thông cảm với chúng, thậm chí bị trầm cảm, bị thần kinh, có những em tuyệt vọng quá còn tìm cách tự tử.
Trẻ trở nên lì lợm, bướng bỉnh (lúc còn nhỏ), thậm chí bất cần đời (khi lớn hơn). Cái gì ta nói ra chúng cũng coi là vô lý, chẳng cần suy nghĩ là ta nói đúng hay sai. Nếu con đã như vậy, có cách như sau:
Chuẩn bị tâm lý là phải thay đổi cách cư xử với con.
Chuẩn bị cho một cuộc nói chuyện nghiêm túc với trẻ, nội dung sẽ là trẻ nghĩ sao về bạn, những cái gì của người lớn trong nhà làm cho trẻ cảm thấy không hài lòng, tại sao và quan trọng nhất là trẻ muốn được bố mẹ đối xử thế nào?
Tiến hành buổi nói chuyện, nghe trẻ thật chăm chú và điều rất quan trọng là phải kiểm soát được mình. Nếu trẻ có nói gì chạm tự ái cá nhân và bạn nổi xung lên, bạn sẽ mất luôn cơ hội, lần sau, có cậy răng chúng cũng chẳng nói nữa. Hãy nhận lỗi nếu trẻ nói ra và bạn thấy mình vô lý. Hãy giải thích lý do một cách chân thành, nếu trẻ không hiểu nguyên nhân buộc ta phải làm vậy.
Phải thống nhất được với trẻ một thỏa thuận, viết nó ra một cách rõ ràng (cần thì hai bên ký vào), rồi thực hiện. Nếu bạn vi phạm, bạn sẽ bị phạt. Nếu trẻ vi phạm, phải thật cương quyết với trẻ.
Các bạn thấy đấy: DẠY CON KHÔNG HỀ DỄ. Tôi đã từng tư vấn, thậm chí cùng tham gia với bạn bè, để giúp họ giải quyết vấn đề với con cái và tôi rút ra kết luận:
• Trong 100% trường hợp, bố mẹ phải thay đổi. Nếu bố mẹ không thay đổi, sẽ không có kết quả gì.
• Rất nhiều ông bố bà mẹ, về tâm lý thì nghĩ là sẵn sàng nghe con nói, nhưng khi nói chuyện (có tôi chứng kiến), thì lại nổi giận, mắng con sa sả – thất bại hoàn toàn. Có người ít tệ hơn thì thanh minh thanh nga, cốt là để chứng minh rằng mình không có lỗi. Sự chân thành bao giờ cũng thắng, nếu bạn loanh quanh “chối tội”, con sẽ nhận ra ngay.
• May mắn nhất là những ông bố bà mẹ sẵn sàng chấp nhận xin lỗi con và rất thật lòng muốn thay đổi vì tương lai của con và của chính mình. Hầu hết là tôi thành công với những ông bố bà mẹ này.
Để thực hiện được những điều trên, sự kiên trì và lòng yêu thương vô điều kiện với con là bí quyết cơ bản.
Tôi phải dặn thế, bởi vì điều quan trọng nhất là bố mẹ phải kiên trì. Sách dạy và mình thực hiện, nhưng nhiều lúc chờ 2 – 3 năm, chưa thấy mảy may kết quả, chính tôi cũng “phát sốt phát rét”, nghi ngờ không biết mình bỏ bao nhiêu công, rồi có kết quả gì không.
Trong năm đầu tiên, con gái tôi luôn vui vẻ và bạo dạn. Lúc con độ 11 tháng, lần đầu tôi dẫn con đi chơi Hồng Kông. Một hôm, đang ăn tối ở nhà hàng ngoài trời, con ăn xong trước nên muốn tự đi chơi quanh quẩn xung quanh. Vì con gái tôi lúc đó đã đi khá vững, tôi để con tự do đi lại trong khu vực đó, còn tôi vừa ăn vừa theo dõi. Cái làm tôi buồn cười là con gái lẫm chẫm đi đến từng bàn có khách ngồi, đứng ngẩng đầu nhe răng sún cười với người lạ. Bàn nào thấy con đến cũng vui vẻ chào hỏi, thậm chí bắt tay. Cứ xong bàn này, con gái lại đi sang bàn khác. Tại một bàn có hai cô gái trẻ ngồi, đang mải mê trò chuyện nên không nhìn thấy con. Con gái tôi bé lũn chũn, đứng ngửa cổ há mồm nhìn các cô một lúc. Thấy không xi nhê gì, nàng bèn dùng tay sờ nhẹ lên đùi một trong hai cô, làm cô ta giật bắn người. Vậy là cả hai cô rối rít chào hỏi, con lại cười nhe răng sún để đáp lại rồi mới vẫy tay chào và đi sang bàn khác. Ấy vậy mà chỉ sau ngày sinh nhật đầu tiên, con gái tôi đột nhiên trở nên rất nhút nhát. Lý do là ngày sinh nhật, khách khứa đến đông quá. Ai cũng xông ra bế ẵm, hôn hít. Con gái tôi sợ chết khiếp, chỉ sau vài lần bị vậy là khóc ré lên ôm chặt cổ mẹ, không thể gỡ ra được. Tôi vừa sốt ruột, vừa thương con, nhưng chẳng biết làm sao. Con thôi nôi, mọi người đến chia vui, chẳng lẽ bế con đi trốn? Sau chỉ hôm đó, cứ có tiếng chuông cửa reo là con gái hốt hoảng khóc ré lên, chạy ra ôm chặt lấy mẹ. Cũng vì vậy, để rèn luyện lại tính bạo dạn cho con, đúng 17 tháng, tôi đành cho con đi nhà trẻ. Xin người lớn đừng thể hiện tình yêu thương bằng cách cứ xấn ra ôm nghiến lấy trẻ con, sẽ làm cho chúng sợ hãi mà trở nên nhút nhát, rất khổ cho bố mẹ và ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ con.
Chỉ sau một ngày sinh nhật giông tố mà khi đi trẻ lúc 17 tháng, cứ đến trường là con im thin thít. Có lần cô giáo hiệu trưởng trường mẫu giáo Fundino (người Anh) đã gọi tôi để trao đổi là cháu chậm quá, cứ im thin thít, không biết thần kinh có bình thường không, chắc không thể cho cháu lên lớp sau 1 năm học. Tôi nghe mà vừa buồn vừa nản, nhưng cố trấn an mình: những gì tôi dạy ở nhà, con tiếp thu rất tốt, chỉ đến trường thì thụ động thôi. Vậy là một ngày sinh nhật mà làm ảnh hưởng đến tâm lý con gái tôi tới 3 – 4 năm trời.
Tự nhiên, gần 4 tuổi, đồng thời với lúc biết đọc, con làm các cô giáo ở trường ngạc nhiên hết sức: chỉ trong vòng 1 tuần, con nói rất nhiều, tham gia mọi hoạt động, trở thành cô bé đứng đầu trong lớp. Các cô quan sát vài ngày, quyết định đẩy con lên lớp cao nhất của trường mẫu giáo.
Trong sự phát triển từ lúc trẻ mới sinh ra, có mấy thời điểm rất nhạy cảm nhưng cực kỳ quan trọng, thậm chí có vai trò quan trọng quyết định sự phát triển tiếp theo: đó là giai đoạn 11 – 13 tháng (lúc trẻ bắt đầu biết đi và tập nói – đang muốn tự khẳng định mình), lúc 3 tuổi, lúc bắt đầu vào lớp 1, lúc 10 – 11 tuổi (giai đoạn chuyển từ trẻ con sang tuổi teen) và lúc 15 – 17 tuổi (sắp chuyển từ tuổi teen sang người lớn).
Bố mẹ phải đặc biệt chú ý đến các giai đoạn này trong sự phát triển của con.