Sáng thứ Bảy, tôi ngồi cùng các em đã “hơi sồn sồn” để chia sẻ kinh nghiệm lập kế hoạch trong cuộc sống, đặc biệt là nuôi dạy và chuẩn bị kế hoạch cho việc học hành của con. Có mấy câu chuyện vui vui, tôi xin kể ra xem có ích được cho ai không.
Tôi hỏi: “Ai cho chị một ví dụ về việc: bọn em cấm con điều gì”.
Một cô nhanh nhẩu: “Em cấm con (gần 2 tuổi) sờ vào thùng rác”. Tôi bèn hỏi tiếp: “Tại sao”,
Được trả lời: “Vì thùng rác bẩn”.
Hỏi: “Bẩn thì sao? Tại sao tay không được sờ vào chỗ bẩn?” Trả lời: “Vì sợ bé cho tay vào mồm”.
Khi mình hỏi: “Thế sao em không dạy bé là: Nếu sờ vào cái gì bẩn, thì phải rửa tay rồi mới được cho tay vào mồm?”.
Tất cả trố mắt nhìn mình, rồi cười phá lên, bàn tán xôn xao: Ờ, đơn giản thật. Nếu mình kiên trì giải thích cho các bé: “Sọt rác chứa các đồ đã bị thải, có nhiều giun, sán, virus, vi khuẩn. Nếu con sờ vào thì phải rửa tay xà phòng thật sạch rồi mới sờ lên mắt hoặc cho vào mồm, nếu không trứng giun chui vào bụng, nở ra con giun, rồi cắn con, làm con đau bụng”. Rồi lấy hình con giun cho con xem. Đó, vấn đề đơn giản hơn nhiều, đồng thời dạy bé được bao điều có ích.
Lại hỏi tiếp: “Ok, ai cũng dạy trẻ là trước khi ăn phải rửa tay. Thế trong khi ăn, nếu bé cứ vọc tay vào đồ ăn, rồi bôi lên mặt, bọn em nói gì?”.
Mọi người ồn ào, tranh nhau trả lời: “Đừng bôi đồ ăn lên mặt, bẩn lắm”.
Lại hỏi tiếp: “Sọt rác bẩn, vì sợ con cho tay vào mồm sau khi sờ vào nó. Vậy thức ăn để ăn, cũng bảo bẩn, nhưng lại bắt bé cho vào mồm, chứ không được bôi lên mặt cũng vì bẩn. Vậy bọn em nghĩ cái gì sẽ diễn ra trong đầu đứa trẻ, khi nó nghe những mệnh lệnh mâu thuẫn như vậy?”.
Cả lũ cười lăn lộn. Mình cũng cười khoái chí. Hay thật: Chúng ta đang làm gì với con đây? Vậy bé sẽ hiểu thế nào là bẩn và thế nào là sạch?
Bài học rút ra là gì? Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói với con, đặc biệt là nói từ “Không”. Đừng đưa ra các mệnh lệnh khác nhau, nhưng có thể vô tình mâu thuẫn, sẽ làm bé lẫn lộn về khái niệm, rồi không thể suy nghĩ rạch ròi về nguyên nhân và hậu quả. Hãy giải thích rõ ràng lý do, nếu cần cấm bé điều gì. Bằng cách này, bạn tập dần cho con suy nghĩ có logic một cách độc lập, chứ không làm theo mệnh lệnh một cách máy móc.
Trong ví dụ trên, giải thích với bé các khái niệm:
1. Bẩn: sờ vào thì phải rửa tay sạch trước khi chuyển sang làm việc khác, đặc biệt là không cho tay vào mồm trước khi rửa sạch.
2. Nguy hiểm: nghĩa là có thể gây đau. Ví dụ không được sờ vào những gì nóng (mặt bếp đang nóng, nước sôi, thức ăn nóng...), không phải vì nó bẩn, mà vì nguy hiểm, bé sẽ bị đau, thậm chí bỏng tay.
3. Đồ ăn là không bẩn (thì mình mới ăn). Bé muốn nghịch với đồ ăn, tốt quá. Nhưng vì đồ ăn có thể mặn và có mỡ nên sau khi ăn và nghịch xong, bé phải rửa cả mặt và tay cho sạch sẽ, nếu không, bé có thể bị ngứa.
Đừng bao giờ cấm điều gì nếu bạn không giải thích rõ được lý do hoặc tác hại của việc đó. Nếu không, bạn đang vô tình làm thui chột lòng ham thích khám phá, tiềm năng của sự sáng tạo trong tương lai của con mình.