Dạy con quan niệm và lập kế hoạch cũng như chi tiêu tiền từ sớm là cách hiệu quả nhất giúp con thành công VỀ TÀI CHÍNH trong tương lai. Bạn có thể tận dụng mọi cơ hội trong cuộc sống hàng ngày để giúp con hiểu về giá trị và học cách sử dụng đồng tiền.
TỪ 1 ĐẾN 3 TUỔI: Ở lứa tuổi này, trẻ chưa có khái niệm gì về đồng tiền. Bạn hãy cho trẻ làm quen với tiền thông qua các trò chơi đơn giản. Ví dụ, hãy cùng chúng chơi các trò chơi mua, bán hàng (hàng có thể là bất cứ vật dụng gì trong gia đình: cốc chén, quần áo...). Hãy cho chúng làm quen với các đồng tiền có giá trị nhỏ trước, 1.000, 2.000, tối đa là 10.000 đồng. Bạn và con hãy thay đổi vị trí giữa người mua và người bán. Bạn đừng quên làm bảng giá rồi dán hoặc treo lên các vật dụng, để chúng quen dần với khái niệm giá cả. Bằng cách này, bạn sẽ dạy cho trẻ những khái niệm cơ bản và đơn giản nhất về thương mại.
Khi trẻ hỏi mẹ lấy (hoặc nhặt) được tiền ở đâu, bạn hãy giải thích: “Ai cũng phải làm việc thì mới kiếm được tiền. Bố mẹ phải đi làm việc cả ngày thì mới có tiền mua thức ăn và quần áo cho cả nhà. Ai lười biếng không làm việc thì sẽ không có tiền mua đồ ăn và quần áo”. Nếu có khi nào đó, vì bận công việc đột xuất mà lỡ hẹn với trẻ, bạn hãy giải thích: “Bố (mẹ) có công việc đột xuất nên lỡ hẹn với con (có thể giải thích rất đơn giản là công việc gì, ví dụ khách hàng khiếu nại, phải gặp họ để xin lỗi..., nếu họ không mua hàng nữa thì công ty sẽ bị mất tiền, bố mẹ có thể bị giảm lương...).
Có một chi tiết cần lưu ý bạn nên chia sẻ với con về công việc và những khó khăn trong công việc, bằng một giọng bình thường để trẻ hiểu đó là điều bình thường ai cũng phải chấp nhận trong cuộc sống. Qua đó, bạn giúp chúng hiểu về giá trị của lao động với kết quả là tiền để lo cho cuộc sống. Nhiều bậc phụ huynh hay kêu ca, phàn nàn phải làm việc quần quật, vất vả, muốn cho con hiểu là con phải có nghĩa vụ ngoan ngoãn, học giỏi để đền đáp. Tôi đã chứng kiến việc đứa trẻ làm điều gì đó không vừa ý mẹ, mẹ nó bèn rít lên: “Trời ơi, sao thân tôi khổ thế này? Đi làm quần quật cả ngày, để cho nó ăn sung mặc sướng, mà nó thế này đấy hả!”. Tôi không tán thành với cách tiếp cận này, nó rất có thể gây hiệu ứng ngược với đứa trẻ: chúng có thể trở thành người có suy nghĩ tiêu cực, hay than vãn, thậm chí căm ghét việc phải phụ thuộc vào bố mẹ.
TỪ 3 ĐẾN 5 TUỔI: Bạn hãy dẫn trẻ đi siêu thị, nhờ chúng giúp bạn chọn đồ cần mua. Trước khi đi, hãy ngồi cùng trẻ khoảng 10 phút, liệt kê các món đồ cần thiết phải mua. Bằng cách đó, bạn sẽ cho trẻ khái niệm về lập kế hoạch chi tiêu. Trẻ sẽ rất tự hào khi được giúp bố mẹ việc gì đó. Đến siêu thị, hãy dành thời gian giải thích với trẻ về giá trị của món đồ và giá cả của từng món. Ví dụ, có 2 món đồ cùng tác dụng nhưng giá khác nhau: hãy giải thích tại sao giá lại khác nhau, giá trị thật sự của món đồ là gì, bàn với trẻ về giá trị sử dụng của từng món, lý do mua và sự cần thiết mua món giá cao (hoặc giá thấp) trước khi quyết định mua. Dần dần trẻ sẽ nhận ra có những món đồ đắt tiền nhưng rất ít giá trị sử dụng, tức là giá quá đắt so với giá trị món đồ mang lại cho ta. Bạn cũng giúp trẻ phân biệt rõ hai xu hướng (đều không tốt): Thích mua đồ giá rẻ và thấy rẻ hoặc giảm giá là mua mà không tính toán là món đồ đó có cần thiết không; mua đồ đắt tiền (sau này sẽ tiến tới đồ hiệu) với suy nghĩ: món đồ làm nên giá trị con người. Cả hai xu hướng đó đều có thể gây hại cho trẻ trong cuộc sống sau này.
Vào tuổi này, bạn có thể bắt đầu cho con một món tiền nhỏ tiêu vặt mỗi tuần và dạy chúng cách sử dụng. Nếu chúng thích món đồ gì, bạn khuyên chúng “bỏ ống” khoản tiền này để khi đủ sẽ mua.
Việc trẻ đi siêu thị cùng và giúp bố mẹ mua đồ cần thiết cho cuộc sống gia đình sẽ có ích hơn rất nhiều so với việc cho chúng chơi các trò chơi đắt tiền, rồi kết thúc bằng các bữa ăn nhanh cũng đắt tiền tại các trung tâm thương mại.
TỪ 6 ĐẾN 10 TUỔI: Bắt đầu từ lứa tuổi này, bạn có thể dạy cho trẻ rằng: trong cuộc sống, chúng sẽ buộc phải có lựa chọn, chứ không thể mua mọi thứ mình thích. Khi trò chuyện về tiền, bạn nên giải thích: “Tiền là thứ có giới hạn và điều rất quan trọng là phải có kế hoạch, rồi lựa chọn cẩn thận khi mua hoặc chi tiêu bất cứ khoản nào. Con chỉ có khoản tiền đó, nếu tiêu hết, con sẽ không còn tiền cho những việc cần thiết nữa”. Lúc con gái còn bé, tôi tận dụng mọi cơ hội hợp lý để giải thích cho con rằng: “Đồng tiền được đánh đổi bằng mồ hôi, sức lao động, thời gian. Nếu biết cách sử dụng nó, đồng tiền sẽ giúp mẹ, con, những người thân thiết và nhiều người khác có cuộc sống tốt hơn. Giá trị của đồng tiền là ở đó chứ không phải việc cứ kiếm được rồi đem cất. Vì vậy, phải lập kế hoạch hợp lý giữa tiền kiếm được và mức chi tiêu, phân biệt thật rõ những nhu cầu cần thiết, các khoản tiết kiệm cho tương lai và chi tiêu cho tiện ích cuộc sống”. Với tôi và con gái, nhu cầu thiết yếu luôn là: ăn, mặc, ở, học hành, đi du lịch ở mức hợp lý so với thu nhập và mua sách. Chỉ riêng với sách tôi không đặt giới hạn, còn tất cả các khoản khác đều phải có kế hoạch.
Bạn hãy mua cho con 3 cái hộp đựng tiền với 3 mục đích: Tiền chi tiêu, tiền để dành và tiền giúp mọi người.
Mỗi tuần hoặc mỗi tháng, bạn hãy cho con một khoản tiền (tùy theo khả năng tài chính của gia đình nhưng không nên quá 500.000/tháng cho trẻ dưới 10 tuổi). Bạn hãy dạy chúng cách chia khoản tiền đó làm 3 phần, ví dụ, 40% để chi tiêu, 30% để dành, 30% để mua quà sinh nhật cho người thân, bạn bè, giúp người nghèo... Sau một vài tháng, nếu cần, bạn có thể thảo luận để giúp con thay đổi tỉ lệ cho phù hợp.
Bạn cũng nên bàn, giải thích (hoặc cùng con ra các quyết định) khi đi mua đồ. Ví dụ, nếu bạn quyết định mua 1 kg gạo bán lẻ, thay vì được đóng trong túi nilon đã rút chân không, bạn nên giải thích với con: “Mẹ mua gạo bán lẻ, chứ không mua gạo hút chân không trong túi đóng sẵn vì mẹ nghĩ chất lượng nó giống nhau, ăn ngon như nhau, nhưng giá rẻ hơn tới 20% – quy ra là ... đồng”. Bạn cũng có thể yêu cầu con chọn hộ trái cây trong siêu thị, sau khi đã cùng chúng vạch ra một số tiêu chí: kích thước, độ chín, so sánh và dự đoán về chất lượng...
Khi đi cùng con trong siêu thị, bạn cũng nên đặt các câu hỏi theo kiểu: “Nhà mình có thực sự cần thứ này không con nhỉ? Nếu mua nó, mình sẽ dùng được bao lâu? Giá cái này có vẻ đắt, hay mình để thời gian tìm hiểu thêm xem có nơi khác bán giá rẻ hơn không...”
NHƯNG CÓ MỘT ĐIỀU CÁC BẬC BỐ MẸ PHẢI HẾT SỨC LƯU Ý: Ranh giới giữa khái niệm “chi tiêu hợp lý và có kế hoạch” với “keo kiệt”, coi đồng tiền là “của để dành” rất mong manh. Chúng ta dạy trẻ giá trị của đồng tiền để chúng biết cách lập kế hoạch chi tiêu hợp lý trong tương lai chứ không dạy chúng tiết kiệm bằng cách, cứ có tiền là phải để dành (thậm chí để từ đời này sang đời khác, bố mẹ có tiền phải để dành hết cho con). Đồng tiền chỉ có giá trị khi được chi tiêu đúng mức, đúng thời điểm và phục vụ cho cuộc sống, làm cho cuộc sống tốt đẹp và ý nghĩa hơn. Cái khó là chúng ta vừa dạy chúng biết chi tiêu hợp lý, đồng thời không được để chúng nhầm lẫn giữa tiết kiệm và keo kiệt (theo kiểu lão Grande1 coi việc đếm tiền là mục đích và niềm vui của cuộc sống). Tôi lo ngại khi thấy ở Việt Nam hiện nay có 3 xu hướng sử dụng tiền không lành mạnh, đối nghịch nhau:
1 Nhân vật tư sản keo kiệt, bủn xỉn trong tác phẩm Ơgiêni Grăngđê của Ban zăc.
1. Xu hướng càng có nhiều tiền càng tốt, tiền không bao giờ đủ: Người sống theo xu hướng này luôn phấp phỏng, lo sợ thiếu tiền. Có những gia đình đã rất giàu có vẫn cứ muốn con cái phải học ngành gì để sau này kiếm được thật nhiều tiền. Tôi đã tiếp xúc với con cái rất nhiều gia đình khá giả bị bố mẹ ép học những gì được cho là sau này sẽ “có giá”, ép làm những việc các em không hề thích làm. Mọi ước mơ đều bị vùi dập phía sau cái tương lai giàu có được bố mẹ định sẵn. Thật bất hạnh cho những đứa con được sinh ra trong các gia đình giàu có kiểu này! Lại có những gia đình, bố mẹ luôn coi mình phải có trách nhiệm với con cái cho đến hết đời nên cật lực kiếm tiền, xiết chặt mọi chi tiêu, để rồi còn có tiền cưới vợ cho con, mua nhà cửa, xe cộ cho chúng, rồi tiếp tục cho tiền để chúng nuôi con của chúng nữa. Vậy là bố mẹ, tuy có “của ăn của để”, nhưng biến tất cả thành “của để dành” cho con cháu.
Những bậc phụ huynh này có biết rằng đồng tiền của họ không đem lại hạnh phúc cho con cái mà nhiều khi là nỗi khổ tâm, mang đến bất hạnh cho cuộc đời chúng. Vì vậy, chúng ta nên chia thu nhập ra làm 3 – 5 phần theo tỉ lệ % để khi thu nhập bị giảm hoặc tăng lên, khoản tiền cho mỗi nhu cầu cũng giảm hoặc tăng theo tỉ lệ tương ứng chứ không bị dồn vào một thứ hoặc cứ tăng lên bao nhiêu lại dồn vào để dành hết.
2. Xu hướng sợ con biết gia đình có tiền sẽ ỷ lại, lười biếng và không biết tiết kiệm. Do vậy, bố mẹ luôn tìm cách nói dối con, than thở là không có tiền. Khi con có nhu cầu gì, việc đầu tiên là bố mẹ nói: “Bố mẹ không có tiền” hoặc tệ hơn là nhiếc móc, dằn vặt chúng, nói chúng không biết thương bố mẹ. Tình thương yêu bố mẹ ở đây sẽ được trẻ hiểu là phải biết để dành tiền bằng mọi giá, không được chi tiêu cho bất cứ nhu cầu gì, kể cả những nhu cầu chính đáng. Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình kiểu này sẽ dễ trở thành người ham tiền, keo kiệt, coi đồng tiền cao hơn tất cả các giá trị khác. Chúng sẽ dễ trở thành nô lệ của đồng tiền, không bao giờ hiểu giá trị sử dụng của tiền và không dám sử dụng đồng tiền để phục vụ cho cuộc sống lành mạnh.
3. Xu hướng chi tiêu bạt mạng, khoe khoang sự giàu sang, coi việc mình có nhiều đồ sang, hàng hiệu là thước đo của sự thành đạt. Một người có thể thành đạt về mặt tài chính nhưng chưa chắc đã thành đạt trong cuộc sống, cũng không chắc đã có hạnh phúc. Của cải KHÔNG PHẢI là thước đo trí tuệ, tri thức và tư cách con người. Việc cho con xài những đồ hiệu đắt tiền để khoe của chính là đang tước đi của chúng tuổi thơ trong sáng và lành mạnh. Phía trong bộ quần áo đẹp, có thể là một trái tim và cái đầu trống rỗng.
Như vậy kiếm tiền đã khó, sử dụng đồng tiền một cách tốt nhất cho mình và mọi người có khi còn khó hơn nhiều, không hề dễ dàng như câu nói xưa của các cụ: “Có tiền mua tiên cũng được”.
Trước tiên, xin kể về việc tôi đã học được gì từ mẹ. Tôi còn nhớ, khi còn bé tí, mẹ tôi chưa đi làm mà ở nhà may quần áo phạm nhân (quần áo kẻ sọc để cho phạm nhân mặc trong tù). Tôi không đi học mẫu giáo, cũng chẳng qua vỡ lòng, chỉ suốt ngày quanh quẩn bên mẹ. Bây giờ nghĩ lại, tôi mới hiểu là bố mẹ đã tự dạy tôi đọc, viết, làm toán cho đến lúc tôi đủ 7 tuổi vào học lớp 1 (Các cụ đã thực hiện home schooling – giáo dục tại nhà – với anh em tôi từ hồi đó đấy).
Mẹ tôi vốn không được học chữ nhiều, chỉ đủ để đọc một cách chầm chậm. Chẳng bao giờ tôi thấy mẹ viết mà toàn lẩm bẩm tính toán, rồi xòe tay đếm đếm, mặt mũi đăm chiêu. Mẹ tính toán về thu nhập và các khoản tiền phải chi trong ngày, trong tuần, trong tháng; không viết ra thế mà mẹ nhớ hết mới tài chứ! Lúc đó tôi chẳng hiểu gì lắm, nhưng cũng bắt chước mẹ để giả vờ lẩm nhẩm tính toán nguồn thu nhập và dự kiến các khoản phải chi. Cái thói quen đó thấm vào tôi từ những năm tháng còn là cái đuôi của mẹ.
Khi có con, cũng lặp lại như vậy, tôi hay ngồi tính toán khi con quanh quẩn bên cạnh. Khác với mẹ hồi xưa, tôi lấy giấy bút ra cộng cộng trừ trừ, rồi ghi chép lại. Cũng như tôi hồi bé, con bắt chước lấy giấy vẽ nghệch ngoạc rồi lẩm bẩm theo. Khi thấy con có vẻ hứng thú, tôi vừa làm vừa giải thích cho con, chẳng biết bé có hiểu không nhưng chắc cũng thấm dần đôi chút.
Khi con biết đi, hễ cần mua bán gì ở siêu thị, tôi hay đem con đi theo. Trước khi đi, tôi thường lấy giấy bút liệt kê các thứ cần mua cho cả nhà và cho từng người, trong đó có con. Rồi tôi giải thích cho con là tại sao cần mua những thứ đó. Khi ra đến siêu thị, tôi chọn hàng khá kỹ, so chỉ số, các tiêu chí khác nhau, đánh giá thực sự giá trị từng loại. Ví dụ, khi mua dầu olive để ăn, bao giờ tôi cũng so các loại sản phẩm cùng hãng, với chai khác nhau. Tôi giải thích với con mình nhà nhiều người, mua chai to bao giờ giá cho một đơn vị cũng rẻ hơn. Khi mua thực phẩm chức năng, tôi để ý rất kỹ đến nồng độ các thành phần trong từng viên. Ví dụ, cùng 1 loại vitamin tổng hợp, cùng số lượng viên, cùng giá, tôi sẽ chọn loại với nồng độ của các thành phần cơ bản cao hơn: Vitamin A 25.000 IU thay vì loại kia chỉ 10.000 IU vitamin C, 1.000 mg thay vì loại kia chỉ 200 mg… Tôi luôn chỉ cho con cách đưa cách sản phẩm khác loại về cùng đơn vị để có thể so sánh.
Khi con thích mua cái gì, tôi đều cùng con bàn kỹ xem mua cái đó để làm gì, dùng được bao lâu, giá trị nó ra sao. Chỉ riêng đối với sách, tôi không có giới hạn, con muốn mua bao nhiêu thì mua. Đồng thời với việc dạy con cách tính toán và so sánh, tôi cũng nói chuyện với con về một số nguyên tắc:
• Tiết kiệm nhưng không keo kiệt. Đồng tiền được làm ra không phải để cất đi mà phải bắt nó phục vụ cho cuộc sống của mình. Tiết kiệm nghĩa là chi tiêu hợp lý, đúng với mức mình kiếm được chứ không phải đem toàn bộ tiền cất vào tủ để dành.
• Các chi tiêu cho cuộc sống vật chất phục vụ sức khỏe và phát triển trí tuệ phải luôn được ưu tiên hàng đầu. Với đồ ăn thức uống, tôi không khuyến khích cháu mua giá rẻ mà so sánh để tìm được sản phẩm hợp lý nhất cho cùng một chất lượng.
Khi con được 7 tuổi, mỗi tháng, tôi bắt đầu cho con một khoản tiền để tự mua những gì mình thích. Nếu tôi nhớ không nhầm là 200.000 VND/tháng. Cũng giống tôi, khi mua gì, con lập kế hoạch, ghi ra, rồi mới mua. Hiện nay, cứ định kỳ lúc chuyển mùa, con lên mạng để đặt quần áo online. Tôi quan sát thấy con hí hoay chọn kỹ lắm. Nhiều lúc, tôi còn được mời tư vấn theo kiểu: “Mẹ ơi, cái váy này giá 12 USD, có đáng để mua không hả mẹ?”. Nhưng khi cần giúp đỡ bạn bè hoặc người kém may mắn hơn, con gái rất hào phóng. Tôi thật sự thấy yên tâm khi con biết cách chi tiêu để phục vụ cho cuộc sống lành mạnh, không vung phí, nhưng khi có nhu cầu hợp lý là sẵn sàng tiêu.
Còn nhớ, năm con học lớp 3, trường tổ chức đi chơi Mũi Né. Trong lúc đi chơi, một bạn vay con 20.000 đồng. Sau 1 tuần, con kể với tôi là bạn quên hay sao ấy, không trả con. Tôi hỏi kỹ về hoàn cảnh nhà bạn. Khi biết là nhà bạn đó khá giả, tôi khuyên con: “Vậy thì con nên nhắc bạn, để bạn trả. Đó là cách để giúp bạn sau này phải có trách nhiệm với việc vay tiền người khác”. Cũng tận dụng cơ hội đó, tôi khuyên con:
• Nếu mình vay ai, phải nhớ để trả cho đúng hẹn. Đó là điều rất quan trọng để người khác đánh giá về tư cách của mình.
• Nếu ai vay tiền con mà không trả, con nên tìm hiểu xem hoàn cảnh họ thế nào, có gì khó khăn khiến họ không trả được. Nếu họ có tiền mà không trả thì đừng bao giờ cho vay và cũng đừng nên thân với họ nữa. Nhưng nếu vì có rủi ro gì đó xảy ra và họ chưa thể trả nổi, con nên thông cảm, nếu có thể thì cho họ lời khuyên, giúp đỡ thêm để họ vượt qua khó khăn.
Tôi cũng nói rõ với con: Mình không thể cho người khác cái mà mình không có. Do vậy, ưu tiên đầu tiên là con phải có trách nhiệm về tài chính với bản thân, với gia đình riêng của mình trước khi có thể giúp đỡ được người khác về tiền bạc một cách hiệu quả.