Chẳng có gì ngạc nhiên khi ngày nay, nhiều bậc huynh và giáo viên cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức khi dạy dỗ trẻ. Chúng ta cứ bị cuốn vào những giả định của xã hội về phương thức nuôi dạy, giáo dục thế hệ tương lai. Trong chuyện học hành của con trẻ, ai cũng bảo cần thúc đáy trẻ "càng nhanh càng tốt". Mọi người cho rằng từng giây từng phút của trẻ đều cực kỳ quan trọng, rằng trẻ con như những tờ giấy trắng và người lớn phải là họa sĩ để vẽ lên đó những hình họa đặc sắc nhất. Những giả định đó và sự phát triển của trẻ hoàn toàn đi ngược lại các thông điệp rút ra từ các trường đại học, nơi các chuyên gia về sự phát triển của trẻ em đã miệt mài nghiên cứu về quá trình phát triển và học hỏi của trẻ. Quyển sách này sẽ cho bạn cái nhìn mới mẻ về sự phát triển của trẻ dưới góc độ khoa học, từ đó góp phần loại bỏ thực trạng "sống vội" của vô số trẻ em, phụ huynh và giáo viên.
Lần đầu tiên chúng tôi nghĩ đến việc viết quyển sách này là vào giữa những năm 1980, khi giáo sư David Elkind của Đại học Tufts đến Philadelphia để nói về quyển sách nổi tiếng của ông: The Hurried Child (tạm dịch: Đứa trẻ sống vội). Giáo sư Elkind đã đề cập đến vấn đề này từ rất lâu, trước khi "thập kỷ trí não" diễn ra - tức là giai đoạn các bậc phụ huynh được bảo phải đưa việc phát triển trí não của trẻ vào danh sách "những việc cần làm ngay".
Ông lo ngại khi thấy trẻ mẫu giáo bị "người lớn hóa" vì luôn phải mặc những bộ trang phục chỉnh tề, tham gia các hoạt động của người lớn như: học vi tính, nữ công gia chánh, tập đá bóng... Chỉ cần hai lần gõ phím tìm kiếm các thông tin nuôi dạy con cái trên Internet, những bậc phụ huynh sẽ đọc được ngay những lời cảnh báo của ông về vấn đề này. Lúc bấy giờ, tôi (Kathy) là giáo sư cấp dưới tại trường Haverford và đảm nhận nghiên cứu đề tài "Những đứa trẻ sống vội". Quả thật, tôi đã cực kỳ ấn tượng với giáo sư David Elkind khi đón tiếp, đồng hành cùng ông trong suốt chuyến thuyết trình.
Vào thời điểm đó, tôi cũng đang làm mẹ của hai đứa con nhỏ: bé Josh 4 tuổi và Benj mới lên 2. Vừa hiểu ra lý thuyết của giáo sư Elkind quả rất đúng đắn khi bảo rằng người lớn cần dành nhiều thời gian hơn cho trẻ và tạo điều kiện cho trẻ vui chơi nhiều hơn, tôi vừa cảm nhận rõ nỗi đau của một người mẹ "sống vội". Cứ mỗi lần nghe bạn bè mách bảo về một lớp học năng khiếu hay câu lạc bộ thể thao nào đó dành cho trẻ mẫu giáo, tôi lại thấp thỏm lo lắng con mình sẽ tụt lại phía sau trong một xã hội đang mang nặng căn bệnh thành tích.
Là một nhà tâm lý về sự phát triển của trẻ, tôi hiểu giáo sư Elkind đã nói đúng về thực trạng khốn khổ của các bậc phụ huynh và trẻ con trong xã hội hiện đại ngày nay. Ấy vậy mà tôi vẫn phải cố vận dụng tất cả hiểu biết của mình mới có thể cưỡng lại ý nghĩ thúc đẩy con phát triển thật nhanh, thật xa. Dựa trên những kiến thức về sự phát triển của trẻ, tôi cho phép các con thoải mái chơi đùa. Và 16 năm sau, tôi rất vui sướng khi thấy hai cậu con trai lớn của mình (hiện tôi có tất cả ba cậu con trai) đều trúng tuyển các trường đại học mà chúng mong muốn, đồng thời trở thành những công dân hết sức hạnh phúc, thông minh và sáng tạo.
Cùng thời điểm đó, tôi (Roberta) nuôi hai đứa con và đang là giáo sư ở Đại học Delaware. Jordy lúc đó lên 9 còn Allison mới lên 5. Tôi còn nhớ khi con trai tôi thất bại trong vòng phỏng vấn tuyển sinh vào một trường tư, tôi đã tự hỏi có phải tôi đã sai lầm khi không chịu dạy cháu biết đọc trước, dù lúc đó thằng bé mới lên 4! Tôi đã để mình bị văn hóa xã hội tác động quá nhiều, trong khi lẽ ra mình phải hiểu biết và chủ động hơn nhiều người bởi tôi là chuyên viên tâm lý về sự phát triển của trẻ. Và trong giai đoạn sau, tôi đã chống lại điều đó vì đã hiểu rằng, thúc ép trẻ chỉ càng phản tác dụng, khiến trẻ sợ hãi chuyện học hành. Nhưng điều đó không có nghĩa cứ "thả rong" trẻ ở nhà. Tôi và con đã cùng tham gia các lớp học nhạc và tôn giáo. Đồng thời, tôi cố gắng tạo cơ hội cho con thỏa thích vui chơi.
Khi các con tôi được chọn vào lớp khiêu vũ dành cho sinh viên tại một câu lạc bộ địa phương, tôi đã huýt sáo vui sướng. Thật không dễ từ chối lời mời hết sức hấp dẫn ấy! Nhiều con cái của bạn bè tôi cũng tham gia lớp này. Nhưng theo kinh nghiệm rút ra từ các con của mình (nay chúng đã 20 và 24 tuổi), tôi thấy bọn trẻ vẫn thích những khoảng thời gian được chơi đùa tại nhà với bố mẹ hay với bạn bè hơn. Mới đây, cô con gái của tôi e thẹn thú nhận rằng khi còn bé, cháu từng chơi trò dùng các ngón tay trên cùng một bàn tay đóng giả các thành viên trong một gia đình. Và cháu đặc biệt thích trò chơi đó. Còn cậu con trai của tôi thì lại thích cái cầu thang phụ cũ trong nhà trước khi sửa sang lại gian bếp, vì theo cháu, đó là nơi cực kỳ tuyệt vời để chơi trò trốn tìm. Và cả hai đứa con tôi đều nhớ đã từng biến một cái thùng giấy đựng đồ gia dụng thành thiên đường án náu.
Liệu các con tôi có thiếu sót vì đã không tham gia các lớp khiêu vũ đó và do vậy, sẽ mất đi cơ hội học cách giao tiếp với người khác phái? Hay liệu chúng có thiệt thòi trong giao tiếp xã hội vì không biết các điệu nhảy đó? Tôi không nghĩ vậy. Con trai tôi tốt nghiệp một trường đại học thuộc khối Ivy League1, đã và đang có những đóng góp nhất định cho xã hội trong vai trò thành viên chương trình Teach for America. Còn cô con gái hiện đang học năm cuối đại học mỹ thuật, cũng đã góp phần cống hiến cho xã hội thông qua các hoạt động tình nguyện tại một trung tâm chống tệ nạn cưỡng hiếp. Cả hai cháu đều biết quan tâm mọi người, sống vui vẻ và hữu ích.
Chúng tôi chia sẻ như vậy để các bạn thấy rằng, ngay cả chúng tôi - những người có chuyên môn về sự phát triển và trưởng thành của trẻ - cũng có những lúc bán tín bán nghi khi cố tìm cách cân bằng cuộc sống của chính mình và của con cái. Ngoài ra, các bạn cũng sẽ thấy rằng mình không phải là trường hợp ngoại lệ khi làm theo những gì "trái tim mách bảo", dám "nói không" với những hoạt động ngoại khóa mà hầu hết những đứa trẻ ngày nay đang phải tham gia. Cuối cùng, chúng tôi chia sẻ với bạn những điều này để khi con bạn lớn lên, ngoái nhìn lại quá khứ, chúng sẽ nói cho bạn biết rằng tuổi ấu thơ được thoải mái chơi đùa cùng bạn bè và gia đình có ý nghĩa quan trọng thế nào với sự phát triển của chúng và chúng đã hạnh phúc biết bao.
VÌ SAO BẠN NÊN ĐỌC QUYỂN SÁCH NÀY NGAY LÚC NÀY?
Quyển sách này chia sẻ đến các bậc cha mẹ, những người đảm nhận trọng trách nuôi dạy trẻ, và những người có nhiệm vụ đề ra các chính sách giáo dục một vấn đề rất đáng chú ý trong sự phát triển của trẻ. Bốn thập kỷ qua đã chứng kiến sự bùng nổ chưa từng có của những nghiên cứu khoa học về trẻ sơ sinh và trẻ chập chững biết đi, và chúng tôi hân hạnh được tham gia vào cuộc cách mạng này cùng những cộng sự trên khắp thế giới. Là những nhà khoa học với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, đồng thời cũng là những bậc làm cha làm mẹ, chúng tôi thật sự mong muốn giúp các bậc phụ huynh và con trẻ tận hưởng cuộc sống đích thực. Chúng tôi muốn bạn hiểu rõ quá trình phát triển của một đứa trẻ để từ đó có những lựa chọn khôn ngoan và có cơ sở khoa học. Và sau đó, bạn sẽ áp dụng những kiến thức này vào thực tiễn gia đình mình, vào trường học hay khi quyết định đưa ra một chính sách giáo dục nào đó.
Phần lớn những kết quả nghiên cứu về sự phát triển của trẻ mà các báo đài thường nhắc đến mới chỉ là hạt cát trong thế giới thật sự của khoa học. Tin tức và quảng cáo vẫn luôn nói với những bậc phụ huynh rằng đồ chơi giúp trẻ phát triển trí tuệ và mọi đứa trẻ đều là thần đồng toán học. Trong quyển sách này, chúng tôi sẽ thẳng thắn chia sẻ với bạn sự thật về sự phát triển của trẻ. Chúng tôi sẽ cho bạn thấy bản chất của quá trình học hỏi ở một đứa trẻ thật sự là thế nào, đồng thời giúp bạn chuyển từ việc đọc những bài báo nặng tính lý thuyết sang áp dụng những điều mà các nghiên cứu khoa học đã gợi ý. Với rất nhiều những "nội dung dễ học hỏi", giúp bạn có thể "phát hiện khả năng tiềm ẩn" của con trẻ, quyển sách này sẽ cho bạn thêm sức mạnh để cưỡng lại ý muốn ép con mình trở thành những thiên tài nhỏ, đồng thời giúp bạn trang bị những kỹ năng cần thiết để nuôi dạy và đóng góp cho xã hội những công dân thông minh, khỏe mạnh và hạnh phúc.
VÀI NÉT VỀ CÁC TÁC GIẢ
Kathy Hirsh-Pasek đạt danh hiệu giáo sư tại trường Đại học Pennsylvania, bang Philadelphia. Cô hiện là giáo sư của trường Đại học Temple ở Philadelphia và là giám đốc Phòng nghiên cứu trẻ sơ sinh của trường. Roberta Michnick Golinkoff đạt danh hiệu giáo sư tại trường Đại học Cornell ở Ithaca, New York và chịu trách nhiệm chỉ đạo dự án Ngôn ngữ trẻ sơ sinh tại Đại học Delaware ở Newark. Cả hai đều là những học giả được công nhận trên toàn thế giới và đã cộng tác nghiên cứu kể từ năm 1980. Ngoài việc luôn là người lắng nghe và là người tư vấn tốt nhất của nhau, họ đã viết và biên tập 10 quyển sách và hơn 80 bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Họ cũng đang cùng các đồng nghiệp khám phá những điều chưa biết về sự phát triển của con người.
Tại nhiều buổi họp mặt có nội dung chuyên sâu được tổ chức trên toàn thế giới, họ đã chia sẻ những quan điểm về các mặt khác nhau liên quan đến quá trình phát triển của một đứa trẻ. Khi được tài trợ bởi nguồn thuế của cộng đồng lẫn các khoản trợ cấp của liên bang, họ quyết định "đền đáp" và chia sẻ với các bậc phụ huynh và những người đang công tác trong lĩnh vực giáo dục trẻ những "trái ngọt" từ quá trình dày công nghiên cứu. Họ đã nghiên cứu xem làm thế nào trẻ em có thể học được một ngôn ngữ, vốn là một kỳ công ở lứa tuổi lên 3. Tác phám "How Babies Talk" (tạm dịch: Trẻ học nói như thế nào) của họ đã được dịch ra bốn thứ tiếng (có lẽ chính niềm hứng thú, lòng nhiệt huyết của họ với đề tài này đã khiến mọi người phải thích thú lây).
Như đã nói ở trên, rất dễ nhận thấy những bậc cha mẹ ngày nay lúc nào cũng tất bật, vội vàng như thể đang cố gắng tận dụng từng giây từng phút của quỹ thời gian hạn hẹp. Chính Kathy và Roberta cũng từng chịu đựng áp lực dồn dập ấy. Đôi khi chúng ta phạm sai lầm khi lập ra những kế hoạch quá sức và rồi nhận ra chính mình phải gánh chịu hậu quả. Vì sao? Vì bọn trẻ hết sức yếu ớt, mệt mỏi và căng thẳng. Nuôi dạy con là việc cực kỳ gian khó. So với trọng trách này thì nhiều người thấy đi làm kiếm tiền dễ dàng hơn rất nhiều! Và dù chưa bao giờ phải dùng đến các tranh ảnh trực quan để nuôi dạy 5 đứa con của mình, Kathy và Roberta vẫn là những bà mẹ rất thành công khi các con đều sống ngăn nắp, biết rõ các nguyên tắc đi vệ sinh, biết đọc, biết viết và rất hứng thú học hành.
Ngoài ra, còn phải kể đến sự tham gia của giáo sư Diane Eyer, một chuyên gia tâm lý công tác tại Đại học Temple, là tác giả của một số quyển sách viết về việc làm mẹ. Các tác phám "Motherguilt" (tạm dịch: Tội lỗi của người mẹ) và "Mother-Infant Bonding" (tạm dịch: Tình mẫu tử) của cô được các nhà phê bình của tờ New York Times đánh giá cao. Diane có những đóng góp hết sức quan trọng cho sự ra đời cuốn sách. Cô đã giúp Kathy và Roberta tập hợp một số công trình nghiên cứu (được chia sẻ với bạn đọc trong quyển sách này) và đảm bảo nội dung quyển sách thật dễ hiểu, lôi cuốn.
TIẾN LÊN CÙNG THẾ HỆ TƯƠNG LAI
Giáo sư Elkind và những chuyên gia khác đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Rất nhiều chuyên gia đã nói và viết về nỗi căng thẳng mà con trẻ và phụ huynh đang gánh chịu trong thế giới hối hả ngày nay. Quyển sách này không chỉ tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo ấy mà còn nhiều hơn thế: trao cho bạn phương thuốc trị những áp lực căng thẳng đó. Với những bằng chứng mà các nhà khoa học thu thập được về sự phát triển trí não và kỹ năng xã hội của trẻ, bạn sẽ hiểu được vì sao CHƠI = HỌC. Bạn sẽ có cách nhìn hoàn toàn mới mẻ, thú vị về các con của mình, biết trân trọng sâu sắc hơn những khả năng lẫn nhu cầu đích thực của chúng.
Xin nhấn mạnh, cuốn sách này không phải là cám nang nuôi dạy con. Bạn sẽ không tìm thấy các nội dung như làm thế nào để trẻ ợ, khi nào nên bắt đầu dạy trẻ đi vệ sinh, làm sao rèn cho trẻ tính kỷ luật trước khi trẻ đi học... Thay vào đó, quyển sách sẽ giúp bạn đủ kiến thức, đủ mạnh mẽ, tự tin cân bằng lại cuộc sống của bản thân và gia đình. Với góc nhìn thực tế (không gọt giũa như các phương tiện báo đài, quảng cáo vẫn thường làm), những thông tin bạn thu thập được từ quyển sách này chính là những kết quả nghiên cứu được chuyển trực tiếp từ phòng thí nghiệm đến phòng khách của nhà bạn hay các lớp học trong nhà trường. Khi hiểu rõ hơn những điều các chuyên gia nghiên cứu về sự phát triển của trẻ con thật sự muốn nói, bạn sẽ chủ động hơn khi đọc những bài viết liên quan đến chủ đề này. Và điều quan trọng nhất chính là bạn sẽ sẵn sàng tiến lên phía trước, tự tin đảm nhận trọng trách làm cha làm mẹ, dạy dỗ thế hệ tương lai.