Thực tế là tất cả các nhà cung cấp sản phẩm cho trẻ em đều nói rằng nhạc cổ điển giúp trẻ phát triển trí não", Martha nói. Chồng cô, anh Harold, thêm vào: "Chúng tôi muốn đảm bảo cho con có mọi lợi thế trong cuộc sống. Nếu có thể giúp con phát triển trí não ngay bây giờ để sau này có thể tiến xa, tiến nhanh hơn mọi người trong cuộc sống vốn dĩ đầy phức tạp thì chúng tôi sẽ làm ngay lập tức".
Với suy nghĩ ấy, ngay sau khi bé Brenda chào đời, Harold và Martha Goodwin đã biết khá nhiều về mối liên hệ giữa trí não và âm nhạc. Một lần, Martha tình cờ tìm được cuốn băng video có tựa đề Những thiên tài nhí: Mozart và những người bạn, trong đó, hai nhân vật hoạt hình chính là hai thiên tài nhí giải thích vì sao chúng thông minh đến thế. Nhân vật bé Harrison nói: "Người ta đã chứng minh rằng một số loại nhạc cổ điển giúp trẻ phát triển trí não nhanh hơn. Đó là sự thật. Âm nhạc có thể giúp con bạn thông minh hơn!". Còn nhân vật cô bé tên Sasha thì cho biết đến 3 tuổi, não của một đứa trẻ sẽ phát triển toàn diện, vì vậy, mọi thứ trẻ nhìn thấy, nghe thấy trước đó đều ảnh hưởng đến sự phát triển của não. Xem xong cuốn video ấy, vợ chồng nhà Goodwin càng tin rằng họ phải là những "kỹ sư" xây dựng trí não cho con.
Khi sắp sinh bé thứ hai, Harold và Martha cùng ngồi trên ghế sofa, áp chiếc máy phát cầm tay vào bụng Martha để em bé nghe những bản nhạc êm dịu, cổ điển. của nhạc sĩ - nhà giáo dục học Don Campbell. Họ đã sử dụng nửa tá đĩa nhạc cổ điển được quảng cáo là dành riêng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trong đó có các sản phẩm của Don Campbell như Hiệu quả Mozart cho trẻ: Thư giãn, mơ mộng và vẽ. Đôi vợ chồng này cũng rất lo lắng cho đứa con đầu, bé Brenda, vì lúc mang thai bé, họ chưa biết những việc cần làm cho con trong giai đoạn này.
Trong sản phẩm của mình, nhà giáo dục học Don Campbell đặt vấn đề: "Liệu âm nhạc có giúp con bạn thông minh?". Rồi chính ông trả lời rằng: "Chắc chắn âm nhạc có thể giúp gia tăng số lượng điểm kết nối giữa các dây thần kinh trong não bộ của bé, từ đó kích thích phát triển những kỹ năng trò chuyện của bé.". Ông cũng khẳng định: "Một nghiên cứu gần đây cho thấy trẻ sẽ phát triển khả năng theo dõi hình ảnh, tương tác giữa mắt và tay và những hành vi tích cực khác nhanh hơn nếu người mẹ tham gia các buổi huấn luyện tiền sản bằng âm nhạc". Thế thì chẳng trách gia đình Goodwin luôn tin rằng muốn cho con phát triển trí não tốt hơn thì phải nhất định cho con nghe nhạc Mozart!
Nhưng liệu việc nghe nhạc Mozart có thật sự giúp trẻ thông minh hơn? Liệu đó có thật sự là tiền đề để trẻ đạt chỉ số thông minh IQ cao hơn sau này? Khoa học đã chứng minh rõ ràng: KHÔNG HỀ! Nghe nhạc cổ điển sớm không hề giúp trẻ thông minh hơn chút nào. Thế thì tại sao lại có người nghĩ ngược lại? Thật ra, đằng sau đó là cả một câu chuyện thú vị.
Lịch sử của "Hiệu ứng Mozart" bắt nguồn từ một nghiên cứu do giáo sư Francis Rauscher và các cộng sự tại Đại học Wisconsin's Oshkosh công bố vào năm 1993. Nghiên cứu này cho thấy sau 10 phút nghe một bản nhạc của Mozart, các sinh viên sẽ làm bài trắc nghiệm chỉ số thông minh (IQ) tốt hơn. Giáo sư Rauscher mời 79 sinh viên tham gia thí nghiệm này. Bà cho các sinh viên nghe nhạc Mozart trước khi bắt đầu làm một phần nhỏ bài trắc nghiệm trí thông minh Stanford-Binet.
Hãy hình dung, trên tờ giấy trắc nghiệm là hình vẽ tờ tiền đô la. Trong hình thứ hai, tờ tiền được gấp đôi lại và trông như hình vuông. Trong hình thứ ba, người ta gấp đôi hai góc dưới của tờ tiền và bây giờ trông nó giống phần cuối của một chiếc cà vạt. Bài trắc nghiệm yêu cầu bạn tưởng tượng xem tờ tiền sẽ trông thế nào nếu gấp nó thêm một lần nữa, và có 5 gợi ý trả lời. Đây chính là bài trắc nghiệm kiểm tra "khả năng tư duy cùng thị giác". Giáo sư Rauscher nhận thấy các sinh viên đã đạt điểm cao hơn (9 - 10 điểm) sau khi được nghe một bản xô-nát của Mozart trong vòng 8 phút 24 giây. Hiệu quả đó chỉ kéo dài trong khoảng 10 - 15 phút. Rõ ràng, nghe nhạc Mozart giúp tăng khả năng tư duy để làm bài kiểm tra trí tuệ trong vòng 10 phút.
Giáo sư Rauscher rất thận trọng để không bóp méo những gì phát hiện được. Thế nhưng giới truyền thông lại chộp ngay kết quả đó, "hô biến" ra cụm từ "Hiệu ứng Mozart’’ và từ đó phổ biến cho công chúng công thức "thông-minh- trong-nháy-mắt". Giáo sư Rauscher đã lặp lại thí nghiệm này nhiều lần và mỗi lần như thế thì nhóm người được nghe nhạc Mozart đều tỏ ra vượt trội hơn nhóm còn lại.
Quả là một câu chuyện hấp dẫn! Thế nhưng vào năm 1999, các kết quả nghiên cứu này chính thức bị bác bỏ. Những cây bút tường thuật của hai tờ báo khoa học hàng đầu là Nature và Psychological Science đã không thể sử dụng các kết quả của giáo sư Rauscher bởi nghe nhạc Mozart (vốn ngược với việc không nghe gì hoặc nghe loại nhạc không giai điệu, lặp lại nhiều lần của Philip Glass) chỉ có thể ảnh hưởng đến tâm trạng người nghe chứ không thể tác động đến chỉ số thông minh nói chung.
Trên một tờ báo uy tín, giáo sư Lois Hetland (thuộc nhóm nghiên cứu Proịect Zero, trường Đại học Harvard) đã tiến hành 67 cuộc thí nghiệm với 4.564 người. Bà nhận ra rằng quả có "Hiệu ứng Mozart" trong thời gian ngắn với một số khả năng nhất định (chẳng hạn như ở bài trắc nghiệm tờ tiền gấp đôi ở trên). Tuy nhiên, bà kết luận rằng: "Hiệu ứng ngắn hạn làm tăng khả năng tư duy về mặt không gian, thời gian ở người lớn do âm nhạc không có nghĩa là những trẻ được nghe nhạc cổ điển sẽ thông minh hơn, học tốt hơn và có khả năng tư duy lâu hơn".
Vậy làm thế nào chỉ từ một kết luận rất khiêm nhường về hiệu quả nghe nhạc Mozart lại có thể khiến nhiều người tin rằng mọi đứa trẻ cần được nghe nhạc cổ điển để phát triển trí não tốt hơn? Trong thực tế, đây chỉ là một trong rất nhiều chuyện hoang đường xung quanh việc làm thế nào để phát triển trí não tốt hơn vốn đã ăn sâu vào tư tưởng xã hội.
KHI CHẲNG MAY CHA MẸ TIN VÀO ĐIỀU HUYỄN HOẶC
Có hai điều về việc phát triển trí não liên quan đến việc nuôi dưỡng con cái mà nhiều người đã và đang tin tưởng. Thứ nhất, cha mẹ chính là người kiến tạo não bộ cho con, chịu trách nhiệm việc phát triển trí não và năng lực của trẻ. Những bậc phụ huynh tin rằng mình có thể tác động đến quá trình phát triển trí não của con - điều mà trong thực tế là được lập trình qua hàng triệu năm tiến hóa, nay có thể đạt được chỉ trong một thế hệ bằng những bài học đặc biệt cho trẻ. Cứ như thể não của trẻ là cục đất sét để chúng ta tha hồ nhào nặn, trong khi rõ ràng đó là một cơ quan đầu não, là tác phẩm siêu phàm của tạo hóa. Chính những điều huyễn hoặc này đã thuyết phục nhiều người tin rằng phụ huynh là người duy nhất chịu trách nhiệm việc trẻ có thông minh hay không.
Điều huyễn hoặc thứ hai là các bậc cha mẹ hoàn toàn tin tưởng rằng: nghiên cứu khoa học chính là cuốn cãm nang giúp chúng ta tạo nên những bộ não thông minh hơn. Sống ở những đất nước lúc nào cũng háo hức với khoa học, chúng ta thường chỉ dựa trên một số ít các bằng chứng về sự hoạt động của não để rồi từ đó dùng chúng để suy diễn, giải thích vô số khía cạnh khác về hành vi của con người. Và thật phi lý khi áp dụng rộng rãi, tràn lan các kết quả nghiên cứu rất hạn chế đó.
Có lẽ ai cũng từng nghe vài điều về bộ não. Chẳng hạn như chuyện não trái phát triển hơn não phải hay ngược lại. Vài thập kỷ trước, khoa học bắt đầu khám phá ra rằng để thực hiện một số chức năng nhất định, bộ não phải sử dụng phần não bên trái hoặc bên phải. Song, khi nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học lại thấy rằng ngay cả khi bộ não chỉ sử dụng một bán cầu não nhất định để thực hiện một số chức năng nào đó thì nó vẫn phụ thuộc vào nửa còn lại. Chúng ta không thể chỉ-thuận-não-trái hay chỉ-thuận-não- phải mà phải là cả hai, bởi tất cả mọi điều bạn làm đều cần đến sự hoạt động của cả hai bán cầu não.
Làm sao chúng ta biết được điều đó? Kết quả nghiên cứu sâu nhất về hai bán cầu não chỉ ra cách con người học ngôn ngữ. Ngay từ khi sinh ra, hai bán cầu não đã bắt đầu phân chia chức năng cụ thể: trẻ con sử dụng não trái nhiều hơn não phải khi lắng nghe âm thanh. Tuy vậy, nếu não trái dường như chuyên dùng để giúp trẻ học văn phạm và nói lưu loát thì việc hiểu được các hình ảnh ẩn dụ hay yếu tố hài hước lại liên quan đến não phải. Vậy mà trong thực tế, các bác sĩ lại dựa trên điều này để tuyên bố rằng não trái tư duy "phần logic" còn não phải chuyên về "sáng tạo".
Những bậc cha mẹ chu đáo đã tin rằng, theo các bằng chứng tìm được từ những nghiên cứu sâu rộng và mới nhất, họ nên cho con nghe nhạc ngay từ những năm đầu đời "vàng ngọc" để giúp bé có nền tảng phát triển tốt nhất. Và nếu không làm thế thì họ sẽ hạn chế khả năng phát triển trí tuệ của đứa con yêu.
Vợ chồng Harold và Martha hết mực tin những điều này. Họ đọc rất kỹ thông tin trên bao bì các món đồ chơi và cực kỳ bận rộn chăm lo cho con giữa một xã hội ngày càng bị ảnh hưởng bởi những lời quảng cáo phóng đại!
NGUỒN GỐC CỦA SỰ CƯỜNG ĐIỆU
Trẻ em khó có một tuổi thơ thoải mái, thong dong khi tất cả những người quan trọng xung quanh đều quá chú trọng về việc phát triển não bộ cho trẻ. Năm 1996, tại một hội nghị ở Nhà Trắng với chủ đề Nghiên cứu và Phát triển trong giai đoạn đấu của trẻ em, bà Hillary Clinton nêu ra góc nhìn mới về mức độ phát triển của não bộ: "Những trải nghiệm đầu đời của trẻ; những mối quan hệ giữa trẻ với cha mẹ và người chăm sóc, người nuôi dạy; những hình ảnh, âm thanh lẫn mùi hương, cảm xúc mà trẻ tiếp nhận; những thử thách chúng phải đối diện. sẽ quyết định sự vận động, phát triển não bộ của trẻ".
Các quan chức cảm thấy phải có trách nhiệm ủng hộ các chiến dịch hỗ trợ giáo dục. Thế là họ tập hợp ngay các nhà khoa học đang nghiên cứu về "những cánh cửa cơ hội" trong "giai đoạn vàng" để nhanh chóng phát triển trí não của trẻ. Tại một hội nghị khác diễn ra ở Nhà Trắng với chủ đề Những trải nghiệm đấu đời của trẻ, Tiến sĩ Harry Chugani của Đại học Michigan, người đã công bố một số nghiên cứu ban đầu về việc phát triển trí não sử dụng phương pháp scan chụp sự phóng thích positron, đã trình bày với vẻ cấp thiết rằng: "Trong những năm đầu đời, mỗi chúng ta có cơ hội duy nhất để quyết định mức độ phát triển của não". Ông mô tả một số "giai đoạn nòng cốt" và một số thời điểm não bộ cần được kích thích để phát triển. "Hai năm đầu đời là giai đoạn vàng để phát triển thị lực. Sẽ quá muộn nếu một đứa trẻ mắc bệnh đục thủy tinh thể trầm trọng mà không được xử lý ngay trong độ tuổi này. Phần vỏ não tác động đến thị lực sẽ đảm nhận nhiệm vụ khác và trẻ sẽ bị mù, dù cho sau này trẻ có được phẫu thuật đi chăng nữa".
Tiến sĩ Chugani tuyên bố: "Những mối liên hệ được vận dụng hàng ngày khi đạt đến ngưỡng nào đó sẽ trở nên 'nhuần nhuyễn', ngược lại, những mối liên hệ ít sử dụng sẽ dễ bị tổn thương hơn. Chính vì vậy, những năm đầu đời là cơ hội duy nhất để quyết định mức độ phát triển của não trẻ.". Ông vẽ ra hình ảnh những phụ huynh vĩ đại có thể nhào nặn trí não cho con trẻ để nhấn mạnh rằng nhiều kỹ năng của trẻ sẽ được tôi luyện bởi việc thực hành trong các giai đoạn phát triển cơ bản.
Nhưng chẳng phải chỉ có mỗi quan chức mới tìm kiếm các bằng chứng khoa học về việc giáo dục trẻ mà ngay cả các bậc phụ huynh hiểu vấn đề sai lệch cũng thế. Các chuyên viên tiếp thị sản phẩm trẻ em cũng đã đánh hơi được cơ hội tốt từ điều này và từ rất sớm, họ vây bủa phụ huynh bằng các nội dung quảng cáo khiến phụ huynh cảm thấy cần phải kiểm soát sự phát triển trí não của con cái. "Làm thế nào để giúp bé thông minh?" là tít nổi bật trên trang bìa mới đây của tạp chí Parents, trong đó có thông điệp "5 phút tăng cường trí não mà mọi trẻ em đều cần".
Dĩ nhiên, động cơ của tạp chí là thu hút sự chú ý của người đọc càng nhiều càng tốt và khiến họ tin rằng thông tin ấy hoàn toàn chính xác. Một khi những kết quả nghiên cứu được công bố rộng rãi trên các tạp chí thì phần lớn công chúng sẽ tin rằng những năm đầu đời có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển trí não của trẻ. Và càng tin như thế thì công chúng càng mua và đón đọc tạp chí đó nhiều hơn.
Một bài báo trên tạp chí Newsweek đã so sánh những tế bào thần kinh trong não một đứa bé với các con chip trong máy tính: một số hoạt động hết cỡ trong khi số khác lại không hề được khai thác sử dụng. Bài báo viết về những tế bào "thất nghiệp" này như sau: "Nếu được sử dụng, các tế bào thần kinh sẽ có cơ hội hòa nhập vào sự vận động chung của não bộ thông qua việc liên kết với các tế bào thần kinh khác; còn bằng không, chúng có thể sẽ chết đi. Chính những trải nghiệm trong thời thơ ấu sẽ quyết định tế bào thần kinh nào được sử dụng, sẽ tác động đến tốc độ, mức độ hoạt động và phát triển của não chẳng khác gì bàn phím quyết định việc vận hành của máy tính. Bạn sử dụng phím nào khi thao tác trên máy cũng tương tự như việc 'lập trình' những gì cho các trải nghiệm đầu đời của trẻ, quyết định mức độ thông minh của trẻ khi lớn lên.".
Những thông điệp như vậy càng khiến phụ huynh bị áp lực gấp bội. Theo lẽ tự nhiên, họ sẽ cảm thấy nặng nề vì nhận thức được vai trò "lập trình viên" của mình trong giai đoạn phát triển trí não quan trọng này của con cái. Họ biết phải làm gì với "hệ thống phức tạp và dễ tổn thương" ấy? Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi thị trường sản phẩm dành cho các bậc phụ huynh lại vui vẻ có ngay câu trả lời cho câu hỏi "nghiêm trọng" này! Hầu như mọi sản phẩm cho trẻ em đều nhằm để phát triển trí não trẻ, từ các mẫu đồ chơi, trò chơi điện tử đến các lớp học thể dục và năng khiếu, trang thiết bị học tập; từ những cuốn sách, băng đĩa kể chuyện đến các loại thực phẩm.
Thật ra, nếu tỉnh táo xem xét những kết quả nghiên cứu, các bậc phụ huynh không cần phải vất vả đến thế. Hàng triệu năm tiến hóa của loài người đã khiến trẻ con thích tự khám phá bản thân, đó cũng là "món quà" mà tạo hóa trao tặng cho chúng ta để sinh tồn trong thế giới này. Loài người đã khám phá ra vô số điều thú vị và vẫn đang tiếp tục phát hiện thêm nhiều điều mới mẻ về giai đoạn đầu đời của mình, trong đó có việc không cần thiết phải nuôi dạy trẻ một cách thúc épỉ
Trừ khi bạn sống ở nơi cực kỳ khắc nghiệt hay cô lập, còn thì môi trường tự nhiên xung quanh chính là nơi để trẻ con phát triển trí não. Những đứa trẻ được bố mẹ thương yêu, cùng vui đùa và được hướng dẫn khám phá thế giới. sẽ luôn khỏe mạnh, cân bằng đời sống tình cảm và phát triển tâm lý tốt.
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các kết quả nghiên cứu khoa học để hiểu vì sao bạn hoàn toàn có thể thư giãn, thoải mái vui đùa với con, phó thác việc phát triển trí não của con cho "Tạo hóa". Càng đọc kỹ quyển sách này, bạn sẽ càng thấy không cần chi tiêu những đồng tiền bạn vất vả làm ra để đầu tư vào "sự nghiệp giáo dục" con trẻ.
Những kích thích bổ sung từ bên ngoài không phải lúc nào cũng có lợi. Từ thực tế chăm sóc trẻ sơ sinh, chúng tôi rút ra nhận xét: "Nhiều hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn". Trong khi mọi người ngày càng tin rằng chúng ta nên kích thích trẻ phát triển nhanh hơn và chẳng bao giờ là sớm để làm điều đó nên các phòng chăm sóc trẻ sơ sinh trong bệnh viện thường thắp sáng phòng trẻ và mở nhạc êm dịu. Song, sau đó các nhà khoa học phát hiện ra rằng âm thanh và ánh sáng thật ra lại góp phần khiến trẻ hiếu động thái quá và kém chú ý. Vì vậy, hiện nay, các phòng chăm sóc trẻ sơ sinh được giảm bớt ánh sáng để tạo ra không gian ấm áp và tối như trong bụng mẹ.
MÔÌ TRƯỜNG THUẬN LỢÌ VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NÃO
Những người làm tiếp thị đã dựa trên cơ sở nào để thúc đẩy công chúng "tạo mọi thuận lợi" cho trẻ phát triển với những sản phẩm mang tính giáo dục? Nghiên cứu trên não của động vật - trước hết là ở chuột - cho thấy, môi trường thuận lợi sẽ tạo nên những bộ não to hơn. Thế nhưng, như chúng ta thấy, kết quả nghiên cứu này đã bị hiểu sai lệch đi, dẫn đến suy nghĩ là chúng ta nhất thiết phải tạo môi trường thuận lợi để não phát triển.
Cách Làm Cho Chuột Thông Minh Hơn & Liệu Có Áp Dụng Được Với Trẻ Em?
Cách tốt nhất để hiểu thế nào là một môi trường thuận lợi là xem xét những gì cố giáo sư Donald Hebb ở Đại học McGill tại Montreal, Canada đã làm. Cách đây khoảng 50 năm, ông mang vài con chuột về nhà cho các con nuôi chơi. Nhà ông rộng rãi nên những con chuột được tung tăng khắp nơi. Sau đó, ông mang lũ chuột trở lại phòng thí nghiệm để mọi người tham quan và rồi chợt khám phá ra rằng, khi được thả chạy trong các mê cung, chúng chạy nhanh hơn, ít sai sót hơn so với những con chuột chỉ sống trong phòng thí nghiệm. Và những con chuột này được xem là sống trong "môi trường thuận lợi".
Vào những năm 60 của thế kỷ 20, Mark R. Rosenzweig, giáo sư tâm lý học Đại học California tại Berkeley, công bố những kết quả nghiên cứu cho thấy những con chuột được nuôi dưỡng trong môi trường thuận lợi có bộ não nặng hơn, vỏ não dày hơn tại một số vùng nhất định so với những con chuột được nuôi lẻ loi trong lồng.
Vào những năm 70, giáo sư William Greenough thuộc khoa Tâm lý học Đại học Illinois tại Urbana-Champaign, đã tiếp tục nghiên cứu những khía cạnh khác biệt của môi trường sống có thể tác động đến hành vi và sự phát triển của não. Ông đã tạo ra ba điều kiện sống khác nhau: một con chuột sống lẻ loi, bị giam cầm trong lồng nhỏ; một con chuột sống trong lồng lớn với một số con chuột khác; và một con chuột sống cùng các con chuột khác trong thế giới phong phú, vui nhộn chẳng khác gì Disneyland thu nhỏ với vô số đồ chơi, thanh trượt, bánh xe.
Chắc bạn cũng đoán được những con chuột sống trong thế giới Disneyland đó học cách chạy trong mê cung nhanh chóng, chính xác hơn.
Nghiên cứu của Rosenzweig là một trong những bằng chứng cốt lõi khiến nhiều người điên cuồng tìm cách làm cho não của trẻ to hơn. Người ta cứ nghĩ rằng nếu những con chuột sống trong môi trường thuận lợi sẽ chạy nhảy nhanh hơn, chính xác hơn những con chuột bị giam hãm trong lồng thì trẻ em cũng thế. Nếu trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường cực kỳ thuận lợi, chắc chắn trẻ sẽ vượt xa các trẻ lớn lên trong môi trường bình thường. Tuy vậy, có hai điểm khiến cho sự so sánh này không chính xác.
Thứ nhất, đời sống của trẻ nói chung không hề giống những con chuột cô độc, lớn lên trong những cái chuồng bé tí và nhàm chán (ngoại trừ những trẻ em có hoàn cảnh sống cực kỳ tệ hại). Nghĩa là, người ta không nuôi trẻ trong tủ kính mà trong một môi trường mở tự nhiên, nơi trẻ có thể tiếp xúc đồ chơi và mọi người xung quanh.
Thứ hai, sự khác biệt giữa môi trường sống thuận lợi và môi trường sống nghèo nàn ở chuột hoàn toàn khác với khoảng cách giữa một môi trường sống bình thường và môi trường sống thuận lợi ở trẻ. Trong thực tế, trẻ con lại có thể hưởng lợi nhiều hơn từ một môi trường sống tự nhiên so với môi trường thuận lợi.
Tuy không được giới báo chí tốn nhiều giấy mực bằng những khám phá trước đây nhưng giáo sư Rosenweig đã thực hiện được một cuộc quan sát hữu ích hơn: Đó là những con chuột sống trong môi trường tự nhiên lại có bộ não phát triển tốt hơn cả! Chúng được kích thích bởi âm thanh, cảnh quan và mùi hương của thế giới xung quanh. Chúng được tiếp cận với loài mối, nhện và mèo. Chúng sống thành từng bầy, chọn con đầu đàn và chọn cả bạn tình, đối diện với những con bọ, rận và hoàn toàn có thể nô đùa tùy thích. Nói cách khác, môi trường sống tự nhiên chính là những yếu tố cần thiết nhất trên thế giới này cho sự phát triển bộ não của chúng, thậm chí còn tốt hơn cả "thế giới Disneyland thu nhỏ" mà các nhà nghiên cứu đã dày công tạo dựng cho chúng trong chuồng.
Giáo sư Huttenlocher viết: "Trong giai đoạn 5-10 tuổi, trẻ có khuynh hướng học âm nhạc hay ngoại ngữ hiệu quả hơn bởi đây là lúc trẻ thích nghi linh hoạt nhất". Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta phải cuống cuồng dạy trẻ học ngoại ngữ, âm nhạc. ngay từ khi chúng còn nằm trong nôi.
Còn có một tranh cãi khác quyết liệt hơn chống lại việc phải dạy cho trẻ nhiều thứ ngay từ những năm đầu đời, khởi nguồn từ một vấn đề liên quan đến hệ thần kinh được gọi là "chật não"5.
"Chật não" nghĩa là gì? "Chật não" là cụm từ chỉ tình trạng lượng thông tin phải cạnh tranh nhau trong não. Hãy tưởng tượng, bạn đang phải xếp hàng mua vé xem phim và có đến hai hàng người như thế. Hàng của bạn đông người hơn nên bạn phải chờ lâu hơn. Tình trạng "chật não" cũng tương tự vậy. Giáo sư Huttenlocher nói: "Chúng ta phải cân nhắc việc quá tham lam nhồi nhét thông tin và chương trình học cho trẻ trong những năm đầu đời có thể sẽ dẫn đến tình trạng 'chật não' và tiết giảm diện tích lẫn số lượng một số vùng não nhất định có thể cần thiết cho sự sáng tạo khi trẻ đến tuổi thiếu niên và trưởng thành". Học quá nhiều trong những năm đầu đời có thể gây hại hơn là có lợi cho chỉ số thông minh sau này của trẻ. Giáo sư Huttenlocher nhìn nhận: "Chẳng phải ngẫu nhiên mà hồi bé, Albert Einstein có thành tích học tập chỉ trên trung bình", bởi điều đó giúp ông tránh khỏi tình trạng bị "chật não".
Đến đây, chúng tôi hy vọng đã thuyết phục được bạn tiết giảm mong muốn làm mọi cách để con mình có bộ não lớn hơn những trẻ khác bằng cách bắt ép trẻ học tập cật lực, chơi thật nhiều những món đồ chơi trí tuệ.
BA NĂM ĐẦU ĐỜI VÀ THUYẾT "GIAI ĐOẠN VÀNG"
Ai cũng biết những năm đầu đời có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển não bộ của trẻ. Do đó, "Giai đoạn vàng" có lẽ là giả thuyết được bàn cãi nhiều nhất.
Theo giáo sư tâm lý học Edward Zigler và các cộng sự của ông tại Đại học Yale thì: ".Ẩn ý của các phương tiện đại chúng về tầm quan trọng của 'giai đoạn vàng' đối với việc học hỏi của trẻ trong những năm đầu đời đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng và cảm thấy rằng mình cần dạy cho con trẻ học làm toán, chơi nhạc, sử dụng ngoại ngữ. ngay từ khi trẻ đi mẫu giáo hay còn nằm trong nôi".
Khái niệm "giai đoạn vàng" xuất phát từ góc độ sinh học. Đó là quãng thời gian những khía cạnh quan trọng có liên quan đến sự phát triển của trẻ diễn ra với điểm khởi đầu và kết thúc rõ rệt. Để minh họa khái niệm này, chúng ta hãy thử xem xét tình trạng bi kịch của những phụ nữ mang thai phải dùng đến thuốc thalidomide vào những năm đầu của thập kỷ 60 để chống buồn nôn vào buổi sáng. Nếu dùng thuốc vào ngày thứ 26 sau khi đậu thai, sự phát triển phần cánh tay của bào thai sẽ bị ảnh hưởng và đứa trẻ khi sinh ra có thể bị cụt tay. Nếu người mẹ dùng thuốc trễ 2 ngày, bào thai có thể sẽ phát triển cánh tay nhưng tối đa chỉ được đến phần khuỷu. Và đứa trẻ đó sẽ chẳng bao giờ có thể có một cánh tay hoàn thiện khi "giai đoạn vàng" đã vụt qua. Đối với chu trình phát triển của con người, tổn hại ở giai đoạn vàng thường để lại hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn việc dùng thuốc khi mang thai có thể hủy hoại bào thai, để lại những ảnh hưởng mà sau này trẻ không bao giờ có thể khắc phục.
Những giai đoạn cực quan trọng đó rồi sẽ chấm dứt theo quá trình phát triển sinh học của một con người. Tuy nhiên, cũng có ý kiến tranh cãi rằng những "giai đoạn vàng" tác động đến sự phát triển tâm lý cũng quan trọng không kém. Hãy xem trường hợp bi đát của "tù nhân trong nôi" Genie, đăng trên báo Los Angeles Times ngày 17 tháng 11 năm 1970.
Đó là câu chuyện kinh khủng về một cô bé 13 tuổi bị giam giữ trong gian phòng ngủ chật hẹp từ khi em mới được 20 tháng. Cô bé bị cột chặt vào một cái bô trong căn phòng bé nhỏ và bố mẹ chỉ mở cửa khi cho em ăn. Khi người mẹ gần như mù lòa của em do sơ suất đã dẫn nhầm em đến trung tâm bảo trợ xã hội, mọi người mới biết đến cô bé nhỏ thó, yếu ớt, bị suy dinh dưỡng trầm trọng này. Dù sau đó được chăm sóc cẩn thận nhưng đến 4 năm sau, khả năng ngôn ngữ của Genie vẫn còn hạn chế. Cô bé tích lũy được vốn từ của một đứa bé lên 5 nhưng gần như không bao giờ có thể sử dụng văn phạm chính xác.
Genie là điển hình tiêu biểu cho tình trạng bị tước đoạt điều kiện sống tự nhiên. Trường hợp của em cho thấy nếu bỏ lỡ cơ hội tiếp cận ngôn ngữ trong giai đoạn thiết yếu để học ngôn ngữ, chúng ta sẽ không bao giờ có thể lấy lại quãng thời gian đó và phát triển các kỹ năng ngôn ngữ cần có.
Giáo sư Elissa Newport, giảng viên Đại học Rochester tại New York, đã nghiên cứu năng lực của những người sử dụng ngôn ngữ ký hiệu tại Mỹ. Một vài người trong số họ được cha mẹ dạy ngôn ngữ này ngay từ bé. Số khác thì mãi đến năm 12-13 tuổi mới được học ngôn ngữ này ở trường. Bà khám phá ra rằng, những đứa bé khi lớn mới được học ngôn ngữ này luôn thua kém những trẻ được học từ nhỏ và cho dù sử dụng ngôn ngữ này đến 30 năm nữa thì kết quả vẫn chênh lệch như thế.
Còn với các kỹ năng khác, Tiến sĩ Irving Sigel, nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu giáo dục ở Princeton, bang New Jersey, viết: "... Sẽ mất rất nhiều thời gian để dạy trẻ các khái niệm và kỹ năng ngay từ những năm đầu đời, dù chỉ là học vẹt. Đơn giản vì trẻ rất khó học khi học mà không hiểu do thiếu trải nghiệm". Nói cách khác, việc bắt trẻ ghi nhớ chân dung và tên của những nhà soạn nhạc là điều vô ích với trẻ dưới 5 tuổi, bởi những thông tin đó không hề liên quan hay có ích gì với thế giới chung quanh của trẻ. Ngay cả các tranh ảnh trực quan với các tên gọi hay con số sặc sỡ cũng không hề giúp trẻ tăng cường năng lực nếu chúng không liên quan đến những gì trẻ trải nghiệm mỗi ngày.
Không hề có bằng chứng nào cho thấy những trải nghiệm trong các năm đầu đời sẽ giúp cải thiện não của trẻ.
Thế thì, liệu có phải 3 năm đầu đời là "thời điểm vàng" để trẻ học hỏi? Liệu 3 năm đó có đại diện cho giai đoạn phát triển chính yếu của não và giúp trẻ trở thành thiên tài? Câu trả lời đơn giản là không! Nếu được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi trường bình thường, nghĩa là giữa cộng đồng, giữa những người luôn yêu thương, trò chuyện với trẻ - não của trẻ sẽ tự phát triển bình thường. Cha mẹ không phải là những nhà điêu khắc để tạc nên những bộ não như ý cho trẻ.
Hãy thư giãn một chút! Ngay cả những hành vi cơ bản như học ngôn ngữ cũng có thể được thực hiện khi con bạn đã lớn. Nếu bạn thuê một vú em nói tiếng Anh cho đứa con 2 tuổi hay 5 tuổi thì sau này cháu vẫn sẽ phải học tiếng Anh và trong thực tế, cháu không hề bị thua thiệt khi phải học tiếng Anh ở tuổi lên 8, lên 9.
Giả thuyết phải cho trẻ học mọi thứ trong 3 năm đầu đời là hoàn toàn sai. Thực vậy, đó là điều mà Tiến sĩ John Bruer, giám đốc tổ chức James Mc-Donnell tại St. Louis, bang Missouri, gọi là Huyền thoại về 3 năm đấu đời. Trong quyển sách cùng tên, ông cho rằng chúng ta không tạo ra những điều kiện thuận lợi thì não vẫn có thể phát triển được.
Ông còn đề nghị không nên dùng khái niệm "giai đoạn vàng" để thanh minh cho việc nhất định phải tạo ra môi trường tốt hơn để kích thích não phát triển tốt hơn. Chúng ta không phải là những "kiến trúc sư tạo não", do vậy không cần "khảo sát" xem cần phải cung cấp cho não những gì để não phát triển tốt nhất. May thay, hàng triệu năm tiến hóa đã thúc đẩy bộ não con người phát triển.
GÓC RÈN LUYỆN TẠI NHÀ
Khi đã biết những dữ liệu khoa học về sự phát triển của não trẻ em, bạn cần lưu ý một số điểm như sau: một là, bạn phải luôn cảnh giác với những gì mà giới truyền thông vẫn đang quảng cáo ầm ĩ; hai là bạn phải học cách nhìn thế giới khác đi và kích thích não bé phát triển một cách tự nhiên hơn.
Thận trọng khi mua sắm! Bạn đừng để bị lôi cuốn bởi những thông điệp kiểu như tăng cường phát triển trí não cho bé ghi trên các dụng cụ tranh ảnh trực quan được bày bán la liệt trong các siêu thị, nhà sách. Cũng như tình dục là yếu tố luôn được khai thác khi quảng cáo sản phẩm cho người lớn, phát triển trí não là yếu tố hàng đầu mà các nhà tiếp thị luôn xoáy vào khi muốn bán hàng hóa cho các bậc phụ huynh. Hãy nhớ rằng, không hề có bằng chứng nào cho thấy những chương trình, phương pháp hay kỹ thuật giáo dục cụ thể nào có thể tác động đến sự phát triển của não.
Ví dụ, nếu bạn thích nhạc Mozart thì chẳng hại gì khi con bạn cũng nghe loại nhạc đó. Nhưng có thể bạn chỉ cần hát ru con hay mở các loại nhạc khác. Bản thân âm nhạc đã rất kỳ diệu rồi! Các nghiên cứu cho thấy nghe nhạc Mozart, Madonna hay Mama Cass không hề giúp con bạn trở thành thiên tài toán học hay kỹ sư xây dựng, thậm chí không thể góp phần giúp cháu thông minh hơn.
Nghĩ khác đi. Con bạn sẽ học hỏi được nhiều điều hơn nếu bạn dành thời gian chơi đùa với cháu thay vì mua cho cháu những món đồ chơi đắt tiền, "hiện đại nhất" với hy vọng giúp con phát triển trí não. Vậy chơi đùa với trẻ như thế nào để đạt hiệu quả nhất? Hãy quan sát chính đứa con của bạn. Khi biết trẻ thích cái gì, bạn sẽ bắt đầu có cái nhìn tổng quan, nắm bắt được các cơ hội tự nhiên kích thích trẻ phát triển mọi lúc, mọi nơi. Khi đó, chính bạn cũng có thể tạo ra các cơ hội để có môi trường phát triển phong phú hơn cho trẻ.
Chuyển từ các chương trình người lớn sang các chương trình bổ ích cho trẻ nhỏ. Bạn thích xem phim trên HBO nhưng các kênh như Disney Chanel, Disney Junior6 lại có những bài học bổ ích mà con bạn say mê. Những bộ phim hoạt hình thường được xây dựng dựa trên những điều trẻ con yêu thích và chưa bao giờ ngừng hấp dẫn các khán giả nhí.
Nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy những bộ phim hoạt hình thường có những mô típ lặp đi lặp lại, kiểu Tom & Jerry thì lại hao hao như Hãy đợi đấy!. Nhàm chán ư? Nhưng những nhà làm phim lại nhận ra trẻ con thích điều đó.
Dù người lớn thường chán ngấy việc tối nào cũng phải kể lại câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ cho con nghe (mấy ai trong chúng ta chẳng từng ngủ gục khi đang kể dở câu chuyện!), thế nhưng trẻ lại cứ thích nghe mỗi một câu chuyện ấy từ tối này sang tối khác, bởi mỗi lần như vậy, trẻ lại tìm thấy một điểm mới mẻ nào đó và cảm thấy sung sướng khi biết trước một số tình tiết nào đó. Một nghiên cứu gần đây còn cho thấy việc trẻ xem các chương trình giáo dục trên ti vi trong một thời lượng nhất định (1 tiếng/ngày) sẽ rất có ích cho kỹ năng đọc và đếm số của trẻ khi trẻ đến tuổi đi học.
Nhiệm vụ của phụ huynh đơn giản là cùng xem với con các chương trình giáo dục trên ti vi để quan sát xem con thích gì. Nghiên cứu cho thấy trẻ sẽ tiếp thu được nhiều điều lợi ích hơn khi có người lớn cùng xem ti vi. Hãy tìm xem con bạn thích điểm nào ở chương trình đó rồi dùng đó làm cơ sở để phát huy niềm yêu thích của trẻ. Chẳng hạn, bạn có thể mua cho con những quyển sách cùng đề tài hoặc trò chuyện với con về chính đề tài đó.
Chuyển từ học thuộc lòng sang học theo ngữ cảnh.
Nếu thật sự muốn phát huy khả năng học hỏi và tăng cường phát triển trí não ở trẻ trong độ tuổi từ sơ sinh đến mẫu giáo, chúng ta phải giúp trẻ học thông qua ngữ cảnh chứ không phải bằng tranh ảnh trực quan. Học thuộc lòng không hề có tác dụng nhưng lại thường bị hiểu lầm là cách học tốt nhất.
Tôi chợt nhớ đến một ví dụ về một "thiên tài nhí". Cháu được mẹ ca tụng là đứa trẻ cực kỳ thông minh vì chỉ mới 3 tuổi đã đọc được rất nhiều chữ. Thế là người ta đưa cháu đến gặp tôi để cháu phô diễn tài năng, bởi tôi là nhà tâm lý học đang sống ở gần đó. Đến nơi, người mẹ giở quyển Đọc và Đánh vấn, chỉ cho cháu đọc từng từ trong đó (ví dụ như các từ: quyển sách, giày, ly.). Kết thúc màn trình diễn ấy, tôi vỗ tay hoan hô. Sau đó, tôi đưa cho cháu một quyển truyện kể quen thuộc với trẻ nhỏ, chỉ vào vài từ và bảo cháu phát âm cho tôi nghe. Bé không làm được!
Về lý thuyết, nếu thật sự biết đọc, trẻ sẽ đọc được bất kỳ từ mới nào, ngay cả từ vô nghĩa thì trẻ cũng phải đọc được vì đã biết cách đọc từng chữ cái, từng âm và cách kết hợp chúng. Thế nhưng đứa bé đã vô cùng bối rối, đứng như trời trồng nhìn các từ mới này và màn phô diễn chấm dứt tại đây! Cậu bé chỉ mới học thuộc lòng mặt chữ, chính xác hơn là hình dáng của chữ, chứ chưa thật sự biết phát âm, biết đọc.
Bạn chẳng cần dạy con biết đọc trước khi đến tuổi đi học. Nhưng nếu cháu thắc mắc và yêu cầu bạn đọc cho cháu nghe một chữ nào đó trên bảng hiệu ngoài phố hay trên hộp bánh chẳng hạn, thì bạn đã ngầm ý dạy cho cháu thấy việc học đọc rất vui và hữu ích. Đây chính là học theo ngữ cảnh. Cách học kia chỉ đơn thuần là "học thuộc lòng" mặt chữ và trẻ không hề hứng thú khi "trình diễn" trước mặt người khác. Chính vì vậy mà một số sản phẩm trên thị trường rơi vào tình trạng tạo cho trẻ nhiều cơ hội để phô diễn nhưng lại không giúp trẻ có cơ hội học hỏi thật sự. Học hỏi chỉ thú vị và có ích khi diễn ra trong ngữ cảnh cụ thể.
Cả thế giới sinh động ở ngay trong mảnh sân sau nhà.
Còn gì thú vị bằng được du lịch đến những địa điểm mới lạ hoặc các công viên hoành tráng! Nhưng thật ra không nhất thiết phải đến những nơi đó mới có thể giúp não bé phát triển. Bạn hoàn toàn có thể tìm thấy vô số yếu tố kích thích não trẻ phát triển ngay trên mảnh sân phía sau nhà! Chẳng hạn, bạn cùng bé ngắm những ngọn cỏ đung đưa theo gió, xem kiến làm tổ và mọi đời sống bầy đàn khác ngay trong lòng đất. Bộ phim hài nổi tiếng "Cưng ơi, anh đã thu nhỏ các con" (Honey, I Shrunk the Kids) khắc họa thế giới trẻ thơ thú vị chưa từng được khám phá và ngoài sức tưởng tượng của người lớn. Trong mắt trẻ con, cái sân sau nhà là cả một thế giới nhộn nhịp, đầy những bài học về khoa học, tự nhiên, màu sắc...
Khi vui chơi với đứa con bé bỏng 4-5 tuổi ở mảnh sân sau nhà, bạn có thể kích thích tính sáng tạo của bé bằng cách hỏi xem nếu bé chỉ to bằng con kiến thì mọi việc sẽ thế nào? Khi đó, bé sẽ nhìn thấy cái gì khác đi? Bé sẽ nghe được những âm thanh gì? Bé sẽ sợ những gì? Trẻ con thường thích tưởng tượng những nỗi sợ mà người khác vẫn gặp để cảm thấy mình không bị lẻ loi.
Nhân tiện, bạn hãy hỏi xem bé có nghe được giai điệu nào của mảnh sân không. Giai điệu ấy có phải được tạo nên từ các hòn đá và thanh que? Từ tiếng lá rì rào hay tiếng mưa rơi? Hãy trải một tấm chăn lên cỏ và nằm xuống, nhắm mắt lại. Bạn nghe được những gì? Bạn có nghe tiếng lá xào xạc trong gió? Tiếng ong vo ve? Tiếng ôtô rít bánh? Tiếng sấm đổ dồn? Tiếng gà ò ó o hay tiếng chim hót? Ngay cả trẻ 2 tuổi cũng thích trò chơi này.
Các con vật trong mảnh sân sau nhà bạn sống ở đâu? Hãy khám phá nhà của từng loài. Trong quyển sách thú vị A House is a House for Me của tác giả Mary Anne Hoberman, bà đề nghị chúng ta hãy nghĩ về ngôi nhà của một chú ong và một con chim. Những con vật này xây nhà như thế nào? Liệu đứa con 4 hoặc 5 tuổi của bạn có thể xây một "cái tổ" cho riêng mình không? Liệu cháu có thích kể cho bạn nghe điều thú vị nào đó đã nhìn thấy để bạn ghi chép lại cho cháu không? Trẻ con thường thích kể chuyện để người lớn ghi lại. Chẳng hạn, hãy chơi trò "cùng tưởng tượng một câu chuyện về chú kiến Irving và việc chú kết bạn với kiến Libby trong rừng". Sẽ có hàng giờ thú vị với những trò chơi và câu chuyện hấp dẫn diễn ra ngay trên mảnh sân sau nhà bạn, không quan trọng mảnh sân to hay nhỏ. Và hãy tưởng tượng xem, nếu đó là một sở thú hay một bảo tàng thật sự thì mọi thứ càng tuyệt vời hơn biết bao nhiêu!
Hãy chọn những sân chơi thay vì trung tâm thương mại. Dĩ nhiên, chúng ta thích đến trung tâm mua sắm hơn nhưng trong mắt trẻ con, đó chỉ là nơi ồn ào, ngồn ngộn hàng hóa. Hãy tưởng tượng, bạn là một đứa trẻ, sẽ ra sao nếu bạn đứng ở nơi đông đúc, người lớn hối hả đi lại giữa không gian ồn ào, đủ màu sắc và ít ai quan tâm đến bạn? Nói như vậy không có nghĩa là bạn nên từ bỏ thú vui mua sắm. Song, chúng ta thường không nhận ra những gì có thể làm với những món đồ quen thuộc chung quanh. Chẳng hạn, dọc đường đến trung tâm mua sắm bạn thường làm gì? Thật ra, đây là thời gian hay nhất để bạn mở nhạc thiếu nhi cho cháu nghe hoặc hai mẹ con cùng hát. Khi cháu lớn hơn một chút, trên đường đi, bạn có thể chơi trò "Phát hiện". Chẳng hạn, bạn và cháu thay nhau phát hiện những vật hay người mới xuất hiện trên đường. "Con phát hiện. một con chó!", "Mẹ phát hiện một. chú cảnh sát!",. Tất nhiên, bạn nên khéo léo giới hạn phạm vi "phát hiện" của bản thân trong những đối tượng quen thuộc, có liên quan đến cuộc sống hằng ngày và vừa sức với khả năng khám phá của bé. Đừng nên tham lam "phát hiện" nhiều thứ quá khó với lứa tuổi của trẻ nhỏ.
Ở nhà, chỉ với một quả bóng, bạn đã có thể cùng con chơi trò lăn bóng hết sức sinh động và bổ ích trên sàn nhà. Phải làm sao để lăn bóng đến gần người khác? Lực dùng bao nhiêu thì vừa đủ? Phải đẩy một góc thế nào? Quả bóng có đụng phải những vật khác trên đường lăn không? Đây chính là cách học tốt nhất về các kỹ năng khéo léo, kết hợp rèn luyện thể chất và kỹ năng tính toán miễn phí. Chi phí cho việc học này bằng đúng số tiền mua quả bóng!
Nhưng trước khi bỏ tiền ra mua quả bóng đó, bạn hãy nghĩ xem liệu còn có vật nào trong nhà có thể kích thích con bạn phát triển tốt như thế không? Chỉ gian bếp thôi đã có hàng tá chậu, chảo, thau nồi bằng nhựa. Kết hợp thêm cái muỗng gỗ là có thể tạo thành dàn nhạc! Những chiếc rổ to đựng quần áo giặt hoặc các thùng giấy to đựng đồ gia dụng là các món đồ chơi tuyệt vời để trẻ leo ra, leo vào. Trẻ con đặc biệt thích ẩn nấp dưới gầm bàn, sau cánh cửa tủ. Những pháo đài dựng bằng chăn mền chiếu gối mắc ngang các chiếc ghế cũng có thể khiến trẻ say mê hàng giờ khi chơi trò tưởng tượng đó là nhà của ông bà. Chỉ cần bỏ thêm vào đó vài con thú nhồi bông, cái gối hay quyển sách là bạn đã có căn nhà hay một phòng học tưởng tượng! Và tại sao trẻ con luôn thích lục tung ngăn kéo? Đơn giản vì chúng muốn biết có cái gì bên trong mà thôi! Hãy dành riêng ra một ngăn tủ thấp nhất rồi lấp kín nó với những món đồ chơi thú vị, đầy bất ngờ (chẳng hạn những con thú nhồi bông, sách, xe hơi đồ chơi, ảnh cả nhà.) và thi thoảng thay những đồ vật mới để trẻ thỏa sức khám phá!
Đừng bao giờ xem thường những vật bình thường bởi trong mắt trẻ, đôi khi chúng lại rất phi thường. Và chính những trải nghiệm vừa vui vừa không tốn kém như thế sẽ giúp trẻ phát triển trí não và giúp bạn loại bỏ mối lo âu không biết phải làm gì để nuôi dạy con yêu một cách tốt nhất.