Tôi mang một chiếc đồng hồ loại tốt, được lắp ráp chuẩn mực để đảm bảo luôn chạy đúng giờ. Nếu tôi tháo rời từng bộ phận của chiếc đồng hồ và đặt hết linh kiện vào một cái nón và xóc lên, thì tôi có dùng cả quãng đời còn lại cũng không thể nào ráp lại những phần ấy thành một chiếc máy đo thời gian chính xác như cái đang phục vụ tôi bây giờ. Nguyên nhân chính là do đằng sau một chiếc đồng hồ là một kế hoạch được tổ chức, sắp xếp cẩn thận trước khi những bộ phận được lắp ráp với nhau thành một chỉnh thể thống nhất. Chiếc đồng hồ của tôi có thể cho biết thời gian một cách chính xác, vì người chế tạo ra nó là người hiểu biết rất rõ về loại thiết bị này và biết cách sắp xếp những bộ phận lại với nhau theo một kế hoạch được định sẵn.
Tôi có vinh dự được tiếp xúc và phân tích hàng ngàn người khác nhau, có những người nổi tiếng trên toàn nước Mỹ về độ giàu có và thành công, nhưng cũng có những người hoàn toàn thất bại. Trong mọi trường hợp, tôi phát hiện ra rằng những người giàu có là những người luôn tuân theo một kế hoạch nhất định, còn những người thất bại là những người không chịu tuân theo bất kỳ kế hoạch nào cả. Từ sự quan sát này, tôi đúc kết được rằng mỗi thành công hay thất bại đều có nguyên nhân của nó. Sau khi nghiên cứu rất nhiều trường hợp, tôi thấy rằng có khoảng 17 nguyên tắc có thể giúp cho con người thành công, sự kết hợp của vài nguyên tắc trong số đó luôn được áp dụng bởi những người thành công, trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Một trong những nguyên tắc thành công quan trọng nhất trong số đó lại trở thành nguyên tắc bị con người ngày nay thờ ơ nhất. Đó là nguyên tắc được biết đến với tên gọi Nguyên tắc Vàng, từng được hàng nghìn học giả giảng dạy và tuyên truyền, nhưng người nghe vẫn chưa ấn tượng nhiều về tính thực tiễn của nó.
Nguyên tắc đơn giản này có thể được hiểu là bất kể chúng ta đang làm gì với người khác, cho người khác, cũng là ta đang làm với chính mình, cho chính mình. Hiểu được tính độc đáo này và Nguyên tắc Vàng sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn khác.
Tôi sẽ không thuyết giảng cho các bạn về Nguyên tắc Vàng, nhưng tôi sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin trực tiếp và đáng tin cậy về cách mà nguyên tắc này hoạt động. Để mang đến cho các bạn thông tin trực tiếp, tôi phải dùng chính bản thân mình làm ví dụ, bởi tôi chỉ có thể chắc chắn hoàn toàn về những động cơ và cảm xúc của bản thân mình - những động cơ và cảm xúc thực sự của người khác tất yếu phải dựa trên quan sát.
Điều mà tôi nêu ra ở đây không liên quan gì đến các vấn đề đạo đức cả. Nó cũng không liên quan đến những chuyện tương lai xa vời. Nó giải quyết những vấn đề bây giờ và tại đây. Nó đưa ra những giải pháp cho các vấn đề mà con người đang phải đối mặt ngày này qua ngày khác. Ngoài ra, nó cung cấp cho mỗi cá nhân những con đường dẫn đến hạnh phúc, bởi một lý do tốt đẹp là một người thành công bằng nguyên tắc này sẽ không khiến người khác phải thất bại.
Tôi bị thôi thúc viết ra những lời thú nhận này là bởi cuộc chiến tranh vô nghĩa giữa giới tư bản và tầng lớp lao động. Nó vô nghĩa vì cả hai phía đều chắc chắn sẽ không giành được chiến thắng, bởi cuộc sống có một quy luật, cũng bất biến như luật hấp dẫn, đó là người nào làm hại người hàng xóm của mình thì cũng sẽ làm hại chính bản thân mình. Bạn đã bao giờ nghĩ về điều này chưa?
Cùng tôi nhìn lại những năm đã trôi qua quá nhanh, và chúng ta hãy phân tích một số kết quả của việc áp dụng Nguyên tắc Vàng.
Khi Chiến tranh Thế giới chấm dứt, Arthur Nash, một thương nhân may mặc ở Cincinnati nhận thấy công việc kinh doanh của mình đang gặp vấn đề. Ông ấy thiếu nguồn vốn hoạt động. Công việc kinh doanh của Arthur đã sa sút đến nỗi chi phí bỏ ra còn nhiều hơn cả lợi nhuận mà ông kiếm được.
Ông ấy không thể huy động đủ nguồn vốn cho công việc kinh doanh của mình, mọi thứ khác cũng đều thất bại (chú ý quan sát cụm từ “mọi thứ khác cũng đều thất bại”). Trong lúc tuyệt vọng nhất, Arthur Nash quyết định thử nghiệm Nguyên tắc Vàng như một phương sách cuối cùng.
Tập hợp những nhân viên của mình lại, Arthur Nash nói cho họ nghe về tình thế khó khăn mà công ty đang lâm vào.
Ông nói rằng chỉ còn có một phần ngàn cơ hội để cứu được công việc kinh doanh, và với sự hợp tác của họ, ông ấy có thể nắm lấy cơ hội đó. Arthur Nash đề nghị những người nhân viên của mình trở thành “ đối tác” của ông và ông sẽ chia sẻ một phần lợi nhuận với họ. Đổi lại, ông ấy yêu cầu họ quên đi thời gian, những tiện ích cá nhân và đặt mọi thứ họ có vào công việc kinh doanh. “Nếu phương cách này không thể cứu chúng ta, thì sẽ không còn điều gì khác có thể làm chuyện này.
Nhưng tôi tin rằng nếu chúng ta đồng tâm hiệp lực, chúng ta chắc chắn sẽ chiến thắng”.
Những nhân viên của Arthur Nash cũng tin tưởng vào điều này. Họ cùng tham gia với tất cả trí óc, con tim và công sức.
Không chỉ vậy, họ còn đi những đôi tất cũ, thay đổi chỗ ở để tiết kiệm từng đồng tiền và dồn tất cả những gì họ có vào công việc kinh doanh. Điều đó cũng giúp ích rất nhiều, nhưng thứ có giá trị nhất chính là tinh thần mà họ đặt và o công việc, một tinh thần khát khao chân thành mong muốn việc kinh doanh tiến triển. Và việc kinh doanh thật sự đã đi lên. Thực tế, nó phát triển thịnh vượng hơn trước rất nhiều.
Tôi vinh dự là người đầu tiên viết về câu chuyện của họ và đăng trên tạp chí. Và cho dù các bạn có tin hay không, người đàn ông tên Arthur Nash và những nhân viên của mình – những người không làm gì hơn ngoài việc tuân theo Nguyên tắc Vàng – đã được lên trang nhất của các tờ báo và chiếm vị trí trang trọng trên những tờ tạp chí hàng đầu cả nước. Cho dù bỏ ra hàng triệu đô la, người ta chưa chắc có thể nào được lên trang nhất của những tạp chí như thế .
Khi Arthur Nash qua đời một vài năm sau đó, ông ấy đã là một người giàu có và công việc kinh doanh may mặc của ông cũng trở nên vô cùng thịnh vượng với mức lợi nhuận ít nơi nào có được. Đó chính là “một người đàn ông làm gì cho nhân viên của mình, thì cũng chính là đang làm cho bản thân ông ta”.
Không ai là người sáng chế ra Nguyên tắc Vàng, vì thế bất cứ ai muốn đều có thể áp dụng nó vào công việc. Đó là một trong những nguyên tắc mà không có người chủ lao động, nhân viên hoặc hàng xóm nào cảm thấy phiền lòng. Có lẽ điểm yếu lớn nhất của nguyên tắc này là nó quá sẵn có. Có lẽ, nếu có một điều luật được ban hành cấm mọi người sử dụng Nguyên tắc Vàng, không chừng mọi người sẽ lén lút áp dụng nó cũng nên.
Cách đây một vài năm, Henry Ford đã khiến cả ngành công nghiệp thế giới phải ngạc nhiên khi ông tuyên bố sẽ trả lương cho nhân viên của mình ít nhất là 5 đô la mỗi ngày, bất kể họ giữ vị trí gì trong công ty. Mọi người đều có cách nghĩ riêng về chính sách mới của Henry Ford, nhưng hầu như không ai nhìn thấy trước được những hiệu quả tích cực mà chính sách này mang lại cho những nhân viên và công việc kinh doanh của hãng Ford. Những đối thủ của Ford trong ngành ô tô đã thét lên “phản loạn”. Họ đoan chắc kế hoạch có phần ngông cuồng của Henry Ford sẽ khiến ông và những ai làm theo sớm muộn gì cũng sẽ phá sản. Tất cả đều sai lầm! Không những không bị phá sản mà quyết định này của Henry Ford còn là một trong những quyết định khôn ngoan nhất của ông. Chúng ta hãy cùng nhau tóm tắt những lợi ích mà chính sách này đã mang lại cho Henry Ford. Đầu tiên, nó cho phép ông chọn lựa lao động, vì mọi người đều muốn làm việc cho một người tình nguyện trả lương cao như vậy. Nó còn giúp cắt giảm bớt chi phí hoạt động của công ty khi mỗi nhân viên tự trở thành người giám sát của chính họ. Khi nhận được mức lương cao như vậy, không có nhân viên nào dám trốn việc hoặc làm việc hời hợt vì họ sẽ có nguy cơ bị thay thế bởi những người làm việc chăm chỉ và hiệu quả hơn. Không dừng lại ở đó, chính sách này còn đảm bảo cho công việc kinh doanh của hãng Ford không bị dính vào những bê bối lao động trong suốt hơn 20 năm, bởi không có liên đoàn lao động nào có cớ để làm khó một người chủ “rộng rãi” như Henry Ford.
Có lẽ Ford không có ý định điều hành công việc kinh doanh theo Nguyên tắc Vàng khi ông tự nguyện tăng lương, nhưng hiệu quả mang lại là như nhau. Chúng ta chỉ tính đến hành động thực tế mà thôi. Trong những chuyến đi của mình, tôi nhìn thấy một khẩu hiệu ngắn ngủi, giản đơn nhưng gây ấn tượng với tôi hơn mọi khẩu hiệu nào khác mà tôi từng biết. Nó ghi rằng: “Hành động, chứ không phải lời nói”.
Nguyên tắc Vàng, khi được đưa vào hoạt động thực tiễn, nó sẽ tương đương với nguyên tắc làm việc nhiều hơn và hiệu quả hơn so với mức được trả. Ngoài ra, nguyên tắc tuyệt vời này còn mang lại một lợi ích to lớn khác nữa, đó là những người lãnh đạo có thể áp dụng nguyên tắc này để tạo ấn tượng tốt với những người đi theo họ.
Tôi đã có một khám phá đầy kinh ngạc về sức mạnh của Nguyên tắc Vàng, thứ mà tôi chưa từng được biết đến hay nghe thấy trước đây, đó là, khi một người gặp khó khăn thì cách tốt nhất để anh ta có thể vượt qua khó khăn đó là tìm một vài người khác cũng đang gặp phải hoàn cảnh khó khăn tương tự và giúp đỡ họ. Khi làm như vậy, anh ta sẽ thấy được, với rất ít ngoại lệ, rằng khi giúp đỡ người hàng xóm thì anh ta cũng đang giúp cho chính mình. “Hãy giúp đỡ người anh em trên chiếc thuyền của ngươi! Chính ngươi cũng sẽ tới được bờ”(41).
(41) Một câu cách ngôn trong Hindu giáo.
Những người sống và làm việc theo Nguyên tắc Vàng tự họ có khả năng thu hút và làm vui lòng người khác, cũng như không gặp bất cứ khó khăn gì trong việc có được sự hợp tác tự nguyện của họ. Cách đây không lâu, tôi được Herman Schatzman thuộc Công ty Western Union Telegraph mời đồng hành với ông trong một ngày. Trong chuyến đi bằng ô tô này, Herman Schatzman đã tình nguyện đưa tôi đến gặp rất nhiều người, trong những hoàn cảnh khác nhau. Tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy mọi người đều cực kỳ lịch sự và nhã nhặn với ông. Vì thế, tôi bắt đầu phân tích Herman Schatzman để tìm hiểu xem tại sao ông ấy được nhiều người quý mến như thế.
Trong chuyến đi, ông ấy đưa tôi đến một công trình tư nhân, do một viên cảnh sát canh giữ cửa ra vào. Trước khi đợi viên cảnh sát cất lời, Schatzman nói: “Chúng tôi rất muốn được tham quan tòa nhà; các anh có thể vui lòng mở cửa cho chúng tôi được không?”.
Người cảnh sát quay lại và bắt đầu mở cánh cổng. Nhưng sau đó anh ta chần chừ, nhìn xung quanh và hỏi: “Các ông muốn vào đây gặp ai? Các ông biết là nơi này không tiếp khách tham quan chứ?”. Ngay sau đó, ông Schatzman trả lời:
“Tôi muốn dẫn bạn của tôi tham quan tòa nhà tuyệt đẹp này”.
Không nói một lời nào nữa, người cảnh sát mở cánh cổng và chúng tôi được phép bước vào trong. Trong lúc ra về, tôi nhận thấy người cảnh sát nhìn chúng tôi với ánh mắt vô cùng buồn cười bởi vì anh ta không hiểu tại sao bản thân lại vi phạm luật lệ và cho phép chúng tôi đi vào. Tôi cũng không hiểu tại sao người cảnh sát đó lại cho chúng tôi vào trong một cách dễ dàng như thế. Trước khi trời tối, tôi đã hiểu được nguyên nhân tại sao.
Sau đó không lâu, xe của chúng tôi bị thủng lốp ngay tại giao lộ Newark tấp nập của bang New Jersey. Còn tồi tệ hơn, sự cố xảy ra ngay trước cửa của một cơ sở kinh doanh tư nhân và chặn ngay lối ra vào của cơ sở này. Cách đó không xa, một cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ hướng dẫn xe cộ qua lại. Khi anh cảnh sát nhìn thấy chiếc xe của chúng tôi, anh ta bước đến và nhìn vào chiếc lốp bị thủng. Ngay trước khi anh ta bảo chúng tôi rời khỏi đây thì ông Schatzman cất lời kèm theo một nụ cười toét tới mang tai: “Bị thủng lốp xe ngay tại một con phố đông đúc như thế này, chẳng phải cũng may mắn lắm sao?”. Ngay lập tức, vị cảnh sát thay đổi nét mặt từ cau có sang vui vẻ và nói: “Anh nói thế đấy nhé, anh bạn!”. Sau đó, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy vị cảnh sát này tự nguyện hướng dẫn dòng xe cộ xung quanh chúng tôi và chỉ đường cho chúng tôi đến garage gần nhất. Mất cả tiếng đồng hồ chúng tôi mới ra khỏi nơi hỗn loạn đó, nhưng vị cảnh sát vẫn không nói một lời than trách nào. Sau khi xe chúng tôi được thay chiếc lốp mới và có thể khởi hành trở lại, vị cảnh sát bước đến chúng tôi, cười một cách rộng lượng và cầu chúc cho chúng tôi được bình an trên đường đi.
Gần cuối ngày, khi xe chúng tôi sắp đi ngang qua một giao lộ, ông Schatzman đã quyết định nhấn ga đi thẳng dù chỉ còn vài giây nữa là đèn đỏ. Khi chúng tôi đi qua được một nửa giao lộ, một viên cảnh sát thổi còi ra lệnh cho chúng tôi dừng xe lại. Và ngay sau đó, một viên cảnh sát khác to cao vạm vỡ tiến đến chúng tôi với một điệu bộ kiểu như “À, lần này thì ông bắt được bọn mày rồi nhé!”. Và một lần nữa, ông Schatzman nhanh như chớp giành được quyền nói trước: “Không hiểu tại sao tôi lại ngốc đến nỗi không nhìn lên cột đèn đó. Lúc tôi nhìn lên đèn giao thông trước đó vài giây thì nó vẫn còn là màu xanh mà”. Người cảnh sát nhìn chúng tôi một vài giây sau đó mỉm cười và ra hiệu cho chúng tôi lùi lại vạch đèn đỏ mà không nói một lời nào.
Suốt cả ngày hôm đó, tôi đã quan sát thấy Schatzman đối xử vô cùng lịch sự và nhã nhặn với những người lái xe taxi, cảnh sát và những người khác, từ đó tôi đã khám phá ra được một bí mật. Rất đơn giản, ông Schatzman thật sự yêu mến những người đó, mà thật ra, ông yêu mến tất cả mọi người.
Ông không chỉ thể hiện sự yêu mến qua hành động, mà còn qua suy nghĩ của mình. Những lúc tôi phân tích và chỉ trích một số người mà tôi cho rằng hành động của họ không phù hợp, ông Schatzman luôn chỉ cho tôi thấy một số điểm tốt của họ mà tôi đã vô tình hay cố ý phớt lờ đi.
Thật sự, đối với người khác, Schatzman luôn luôn có cách nhìn, cách suy nghĩ mang tính tích cực và xây dựng. Sau đó, những người này sẽ nhận thấy dòng suy nghĩ tốt đẹp từ ông và họ cũng sẵn sàng đáp lại ông bằng những ý nghĩ và hành động tích cực. Và đây là một trong những đặc điểm lạ lùng không thể đo lường được của bản chất con người: Mọi người cư xử hướng về chúng ta, cả trong suy nghĩ lẫn hành động thực tiễn, đều tương ứng với ý nghĩ của chúng ta. Không chỉ con người mà ngay cả động vật cũng không nằm ngoài quy luật này. Một chú chó sẽ nhận biết ngay lập tức một người nào đó không yêu thích chó, và nó sẽ thể hiện sự không yêu thích lại với người đó. Ý nghĩ có khả năng truyền từ não bộ người này sang não bộ người khác. Khi tôi rong ruổi khắp các nẻo đường với ông Schatzman suốt cả ngày hôm đó, tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người chủ lao động và nhân viên đều yêu thương nhau và không nói xấu nhau sau lưng.
Thật sự, chỉ cần tinh thần yêu thương đó là đủ để có thể giải quyết mọi bất đồng, xung đột lao động giữa người chủ lao động và người làm thuê của đất nước này. Không chỉ vậy, tinh thần này còn có thể mang lại sự yên bình và sự cân bằng trong tâm trí con người, cũng như loại trừ những cảm xúc xấu như ghen ghét, đố kỵ khỏi tâm trí.
Trước khi kết thúc chuyến du hành với ông Schatzman, tôi tự hỏi bản thân tại sao không có nhà giáo dục hay giáo viên nào đề cập đến việc dạy dỗ những học sinh, sinh viên về tính lương thiện của con người, cho dù nền giáo dục của chúng ta đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể! Hơn nữa, tôi cũng không thể hiểu tại sao những nhà lãnh đạo tư bản và những nhà lãnh đạo các liên đoàn lao động lại không bao giờ khám phá ra được những phúc lành to lớn cho họ và những người ủng hộ họ, bằng cách suy nghĩ và đánh giá người khác dựa trên cơ sở tình yêu thương.
Tôi sợ rằng một trong những điểm yếu lớn nhất của chúng ta chính là xu hướng xem xét mọi thứ, mọi vật bên ngoài mà lại quên xem xét chính tâm trí của mình khi tìm kiếm nguyên nhân thất bại trong cuộc sống. Và tôi biết chắc chắn rằng, địa vị của chúng ta trong xã hội, về mặt tài chính hay tinh thần đều phụ thuộc vào những ý nghĩ nổi trội đang chiếm giữ tâm trí chúng ta.