B
ốn tuổi thì tôi có em, thằng em tội nghiệp bú sữa mẹ vỏn vẹn ba tháng thì dứt hẳn để chuyển qua bú... nước cơm. Ngày đó tôi chỉ biết hai từ “nám phổi” khi nghe nói về căn bệnh của mẹ, và vì không biết gì thêm nên không hề cảm thấy lo sợ.
Nám phổi là cách nói né của mẹ về căn bệnh lao phổi của mình, nói để tự làm nhẹ lòng, để người ngoài đỡ lo ngại. Ông ngoại kể thời gian đó hằng đêm, ngoại chỉ thấp thỏm nằm chờ nghe tiếng xe của ba cùng một tin báo xấu. Nhưng diệu kỳ là ba không phải chạy xe qua báo tin gì cho ngoại, mẹ đã vượt qua được cuộc chia ly đau đớn nhất đời người trước sự ngạc nhiên của họ hàng, làng xóm.
Người duy nhất không ngạc nhiên là ba, bởi ba chính là người đã chăm sóc mẹ bằng một tình yêu thần diệu mà mạnh mẽ. Những năm đó đã có chương trình điều trị lao miễn phí, nhưng không mấy người biết. Dưới sự chăm sóc và kiến thức rành rẽ của ba về bệnh lao, cơ thể còm cõi của mẹ dần hồi phục. Chỉ có điều tuổi thơ của chúng tôi từ đó mất hẳn những cái hôn của mẹ.
Em tôi lớn lên, nhiều lần lẫm chẫm đến đòi hôn mẹ thì mẹ cũng ngoảnh mặt quay đi. Còn những lúc yêu con quá, không chịu được nữa, mẹ lại vội vàng vùi mặt hôn vào gáy, vào nách, vào bụng các con mà thôi.
Bàn tay mẹ nuôi nấng chúng tôi thành người và dĩ nhiên, không hề vì thiếu những nụ hôn mà “mối tình” của chúng tôi và mẹ nhạt màu. Chúng tôi vẫn thương mẹ bằng tình cảm trong trẻo trẻ con của mình. Mẹ thì đã yêu chúng tôi gấp nhiều lần hơn để “bù lỗ” cho sự vắng mặt của những nụ hôn. Em tôi không được ngủ với mẹ khi mới ba tháng tuổi. Có lẽ sự hành hạ của bệnh tật không làm khổ mẹ nhiều bằng điều này.
Hằng đêm, khi chị em tôi còn lơ mơ cạnh người cha đã ngủ vùi mệt mỏi vì bao nhiêu thứ phải cáng đáng trong nhà, mẹ lại ngồi cạnh giường, vén màn rồi phe phẩy quạt mo cau cho cả ba cha con. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán ba dịu đi, còn chúng tôi khi được mẹ xoa lưng, cảm giác êm ái, nhẹ nhàng như thể được nằm trên một tấm nệm bông.
Những ngày đầu tiên tôi vào đại học xa nhà, trong cơn ngủ mơ cứ chập chờn nhớ bàn tay xoa xoa của mẹ, vào lưng, vào má,... Những khi về thăm nhà, tôi xí phần ngủ chung với mẹ. Giữa đêm, thỉnh thoảng trở mình, tôi cảm thấy hơi ấm bàn tay mẹ áp vào đôi má tôi đầy yêu thương.
Mẹ nói bà ngoại mất khi mẹ mới hai tuổi, mẹ lớn lên trong sự bảo bọc của ông ngoại và các dì. Vật chất đủ đầy, được ăn học đàng hoàng, nhưng khoảng trống mất mẹ là quá lớn, không gì có thể bù đắp được. Vì vậy, mẹ không muốn các con của mẹ thiếu thốn điều gì. Sau đợt điều trị lao nặng nề đó, mẹ không thể đứng lớp nữa, nhà trường chuyển mẹ sang làm thủ thư. Bàn tay mẹ quay sang làm lụng đủ thứ để phụ ba nuôi lớn hai chị em tôi, từ chuyện vất vả như nuôi heo đến việc tỉ mỉ, miệt mài như thêu áo, may gia công,...
Bàn tay mẹ chai sần lúc nào không hay, với những đường gân xanh chạy rối rắm; đổi lại là những bữa cơm thêm miếng thịt, miếng trứng cho chúng tôi.
Giờ đây, mỗi sáng, thằng con trai bảy tuổi của tôi hôn mẹ một cái, rồi mẹ hôn lại con một cái thật dài, chúng tôi như được “tiếp nhiên liệu” cho một ngày học hành, làm việc tiêu tốn nhiều năng lượng. Buổi tối, hai mẹ con phải hôn nhau, quấn nhau chặt cứng một hồi rồi mới thỏa lòng đi vào giấc ngủ.
Những khi được hôn con thỏa thích, tôi lại thương và nhớ mẹ biết bao. Hẳn là ngày xưa mẹ cũng thèm ôm chặt mà hít một hơi thật dài cái mùi thơm tho con trẻ của chúng tôi lắm. Chỉ bàn tay thôi, bàn tay vo gạo nấu cơm, bàn tay may áo gia công... đã thay những chiếc hôn vỗ về, tắm mát suốt thời ấu thơ của hai chị em tôi.
Thương mẹ và thương nụ hôn bàn tay từ người.