M
ột cái phòng ngủ, giường ngủ để trang bị cho một giấc ngủ êm ái bình thường là điều dễ dàng. Giường chiếu gối chăn, đi một vòng siêu thị là đủ êm đủ ấm. Mà, không có tiền đi siêu thị thì với chiếu cói và gối gòn trái, giấc ngủ cũng ngon lành chẳng khác gối đầu trên mây. Điều khó hơn cả, ấy là người đủ thương để ngủ cùng mình. Và hôn nhân, với rất nhiều người, ấy là một hợp đồng ngủ chung dài hạn!
Nói hôn nhân là một hợp đồng ngủ chung dài hạn, người viết không có ý đề cập đến chuyện tình dục. Tình dục và hôn nhân, lần này xin tạm không bàn đến. Hôn nhân thường được định nghĩa bằng vô số phạm trù, kiểu cách nhưng ở tầng nghĩa sơ đẳng, dễ hiểu nhất, thì hôn nhân chính là chọn người ngủ chung đến trăm năm. Sau bao nhiêu năm ngủ với mẹ, ngủ một mình, rồi hôn nhân đến, giấc ngủ của ta bất ngờ có thêm một người bạn đồng hành. Người ấy sẽ từng đêm thở cùng mình, ngáy rền vang bên tai mình và thỉnh thoảng, có khi còn đạp mình rớt khỏi giường trong một cơn mơ mang tính chất… kungfu!
Nếu đủ yêu nhau, chúng ta sẽ “chịu đựng” được hết những thói tật kỳ cục trong nết ngủ của đối phương. Nếu đủ yêu nhau, chúng ta sẽ dần dần sửa mình để mỗi ngày mỗi hòa hợp. Chứ hai cá thể độc lập, không thể nào một sớm một chiều lại hợp rơ hoàn toàn từ nết ăn đến nết ngủ.
Một bữa chuyện vui, bạn thầm thì vào tai hắn: hai đứa tụi nó ngủ chung rồi đó! Tưởng đâu hắn giật mình vì tin sốt dẻo “tụi nó” ăn cơm trước kẻng, ai dè hắn tỉnh bơ: có gì đâu, tụi nó ngủ chung thì quá an toàn, chừng nào tụi nó “thức chung” mới ghê!
“Thức chung” quả thực rất ghê! Và hôn nhân, đúng là chẳng phải chỉ dừng lại ở chuyện ngủ chung. Mà hôn nhân bền hay không chính ở chỗ “thức chung”. Ngẫm cũng thú vị khi phân tích “bừa” từ ngữ, “thức” cũng có thể là “nhận thức, ý thức”. “Thức chung” là hiểu - nhận thức giống nhau, ý thức giống nhau. Giống nhau để chung nhau một con đường. Có lần bạn nghe em gái tâm sự, nó vừa chia tay chồng dọn ra ngoài ở một mình, hỏi lý do thì nó nói là dài, tóm gọn lại thì em thấy đường đời dài quá, mà ít thứ cùng nhau nên em không tiếp tục nữa! Em nói nhẹ mà bạn nghe nặng lòng vô phương, rồi thấy buồn quá đỗi. Không trách người đàn ông của em, cũng chẳng trách em thiếu bền chí, mà chỉ thấy thương cho cả hai.
Bạn thương lây qua tình yêu của mình. Bạn nhớ người ấy từng ước, chỉ một lần được thức dậy cùng nhau! Thức dậy cùng nhau, cụ thể và không thể hiểu khác, không thể diễn dịch thành “thức chung” như bạn đã từng. Phải có ngủ cùng nhau thì mới thức dậy cùng nhau. Chuyện tưởng giản đơn vì bạn đang có một tình yêu đẹp, đến với nhau rồi thức dậy cùng nhau thì có khó gì. Nhưng sau cái lần người ấy nói lên ước mơ của mình như thế, một giấc ngủ dài vĩnh viễn đã kéo anh đi. Thức dậy cùng nhau, với bạn bây giờ, chỉ còn trông chờ vào kiếp khác.
Giờ thì về quê, bạn không còn chỗ ngủ riêng của mình ngày xưa nữa. Hai mươi năm rồi, nhà đã có thêm những thành viên mới nên ba bạn phải “quy hoạch chỉnh đốn” lại kiến trúc nội thất. Bạn không buồn, không vui với chuyện này. Khi hiểu rằng cuộc sống phải chảy trôi, phải thay đổi mới là cuộc sống thì trong bạn, dường như những sầu muộn, chạnh lòng theo kiểu hoài cổ tiếc nhớ không còn xuất hiện nữa.
Khi không biết ngày mai mình còn được sống nữa hay không, bạn chợt giật mình, cái giây phút hiện tại này đây mới chính là giây phút mình cần yêu hơn bao giờ hết. Nhiều khi bạn ngồi nhìn ngắm xung quanh, cửa nhà chật chội đồ dùng, còn người thân của bạn đang một mắt xem tivi, một mắt nhắm ngủ. Tình huống bình thường đến tầm thường ấy lại khiến bạn thấy thương đến trào nước mắt. Tất cả sẽ biến thành quá khứ, cả giấc mơ đêm qua cũng thuộc về quá khứ. Và chính những suy nghĩ lúc này, yêu thương lúc này cũng sẽ thành quá khứ nốt. Mà con người kỳ lắm, con người thường lấy quá khứ để nuôi tương lai và quên mất vế thứ hai, là quá khứ từ đâu mà có? Chẳng phải từ chính giây phút này?
Cho nên bây giờ, mỗi lần về quê là mỗi lần bạn tranh thủ ngủ cùng mẹ, cùng ba, cùng em, cùng cháu. Cuộc đời tưởng dài, coi vậy mà cũng ít có dịp để ngủ cùng nhau, thức dậy cùng nhau, dù yêu thương lúc nào cũng sẵn.