T
rong những giấc mơ bần thần, dạo này tôi hay thấy nội, hồng hào, miệng cười rất duyên, mặc quần cộc, ở trần, bụng to phúc hậu. Ông từ miền xa xăm nào đó, chợt về; tôi thì mừng quýnh quíu, chạy lại ôm cái bụng tròn vo của ông, vừa cười vừa khóc vừa nói, tiếng nói trong như tuổi thơ, lời lẽ cũng trong như tuổi thơ. Tôi không nhớ mình nói gì, vì sao mình khóc, vì sao mình cười; chỉ nhớ cái bụng tròn ấm của ông khi mình dụi mặt nhòe nước vào đấy.
Nội hơn cả một người ruột thịt. Nội trước tiên là… ông nội. Ở khoảng giữa, nội là xe tăng, nội là cánh cung, nội là nồi thuốc ngải, nội là chiếc đèn trung thu, nội là cây gãi lưng, nội là cây ống hút bằng trúc cắm vô trái dừa nước, nội là sức mạnh cho cánh tay tôi cú đấm thẳng vào mặt một thằng bạn mất dạy… Nói chung, nội là nguyên tuổi thơ rực rỡ và cuối cùng, nội là bậc khai sáng của tôi.
Với người khác, nội là một thợ mộc khéo tay và sáng tạo. Ngoài tủ bàn ghế thông thường, ông còn làm cái vỏ cho chiếc đồng hồ con ngựa, ông làm khuôn bún, làm khung cửi dệt vải, làm ná bắn tên, ông khắc đầu nai để gắn cặp sừng đẹp đẽ vào; và dĩ nhiên, ông làm bao nhiêu thứ đồ chơi cho anh em tôi. Với uy tín và bản lĩnh tay nghề của mình, ông được giao phần điêu khắc cái đầu rồng của chiếc xe rồng lộng lẫy, chuyên dùng đưa quan tài từ nhà xuống nghĩa địa. Cái xe rồng mấy chục năm trời nằm bên hông thánh thất Cao Đài, chở bao nhiêu phận người đầy nước mắt về nơi cát bụi bất kể tôn giáo của người nằm trên đó. Cái đầu rồng là niềm hãnh diện của anh em tôi với lũ bạn trong xóm, mặc dù, chưa bao giờ tôi dám đến gần nó, chạm vào nó. Chỉ nhớ nó lộng lẫy, oai phong và… rất nhiều màu.
Bà tôi mất sau ông hai mươi năm. Hai mươi năm ấy, công việc lớn lao nhất của bà là từ chối những tên săn đồ gỗ quý. Suốt một đời thợ mộc, ngoài hàng trăm thứ linh tinh khác, ông đóng khoảng 20 cái tủ thờ, mỗi cái là một tuyệt tác. Sau khi ông mất, những cái tủ thờ kia đã là đồ cổ đâu, nhưng thương lái mỗi lần đến nhà lại nâng giá nó lên vài mươi triệu. Họ nói nó quý vì tinh xảo trong từng mũi chạm, quý vì ông tôi không dùng một cây đinh nào, quý vì ông chọn hoa vân gỗ đúng chỗ,… Không thể biết được tác phẩm đầu tiên của ông là gì, nhưng tác phẩm cuối cùng chính là hai cái… quan tài, một cái chạm rồng, một cái chạm phụng. Ông nằm trong cái chạm rồng khi tôi 15 tuổi. Hai mươi năm sau, bà tôi nằm trong cái chạm phụng. Hôm đám tang bà, ông anh tếu táo của tôi phát biểu một điều ai cũng biết mà không gọi tên ra được: “Công nhận bà nội hạnh phúc thiệt, được ‘ảnh’ chu toàn che chở cho tới giờ phút cuối cùng luôn!”. Về sau, tôi ngẫm nghĩ hoài, trên thế gian này, có mấy người phụ nữ được như bà tôi nhỉ, được nằm trong chiếc áo quan do chính tay chồng mình đóng. Có thể mua được quan tài nạm kim cương nhưng chắc khó có người thứ hai có được cái quan tài tình yêu như bà. Nghĩ đến đây, tôi thường… hối hận, giá mà mình lấy một người… thợ làm quan tài.
Tôi nói nhiều về ông tôi và sự thành công không hào nhoáng trong nghề nghiệp của người. Vì ông choán một phần rất lớn trong ký ức tôi. Ông gần gũi và nhẹ nhàng, hài hước mà sâu sắc. Tôi nhớ cứ mỗi tháng, ông lại chọn một ngày để nghỉ ngơi. Ngày đó thường là chủ nhật, bà sẽ nấu một món đặc biệt nào đó, cả nhà cùng quây quần khi ba mẹ tôi không đến trường. Tôi nói nghỉ ngơi không có nghĩa là ông sẽ nằm lắc lư trên võng, nhìn giàn hoa giấy trên đầu đang rụng tơi bời (việc lắc lư như thế là đặc ân ông dành riêng cho tôi khi đã học bài xong). Ông nghỉ ngơi có nghĩa là ông không lục đục với cây với gỗ, mà ông bê thùng đồ nghề ra, ngồi mài từng cái cưa, cái đục, cái bào, cái khoan, sửa con cóc dây nhớt để làm dấu… Ông lọ mọ từ sáng đến xế với niềm thư thái khoan hòa.
Tôi yêu ông những lúc này nhất, tôi lăng xăng xung quanh nghe ông kể chuyện hoặc nghe ông ư ử hát. Ông hát rất tệ nhưng giọng lại ấm lạ lùng. Ông nói, mình làm việc suốt ngày với chúng (ý ông là đám đồ nghề cưa, đục ấy), mình phải thương yêu chúng thì chúng mới thương mình. Ông thương chúng thì ông nâng niu tắm rửa cho chúng, nhưng tôi bé con không thể hiểu một đồ vật thì thương yêu con người bằng cách nào; ông nói, thì nó sẽ không làm mình chảy máu! Ông còn nháy mắt ra vẻ bí mật, chúng còn tặng quà cho con nữa đó. Tôi hỏi đâu đâu thì ông chỉ chiếc xe đẩy hình con dế đập cánh kêu tít tít mà ông làm cho tôi rồi giấu trên giàn gỗ và nói là quà của chúng.
Ông nói giản đơn quy luật của trái tim. Yêu thương sẽ được đắp bồi yêu thương, cả với những thứ vô tri như cưa bào đục gỗ. Quy luật ấy đúng, nhưng không phải là không có ngoại lệ.Không phải là không có ngoại lệ. Chắc chắn như thế!
Bởi vậy nên mấy ngày nay, khi vết thương cứ mãi không lành, tôi hay mơ thấy ông!