CHƯƠNG 20
Sáng hôm sau Sheila quay lại lớp học của cô Ginsberg và vượt qua được ba mươi lăm phút ở đó mà không gây ra nhiều rắc rối lắm. Những vấn đề của chúng tôi vẫn chưa thể giải quyết được. Mặc dù Sheila biết rằng năm học sắp kết thúc và chúng tôi sẽ không còn được ở bên nhau nữa, thế nhưng con bé cũng không thể chấp nhận được điều này với một thái độ tích cực. Tôi cũng không nghĩ con bé sẽ khá hơn trong hai tuần còn lại của năm học. Vì tâm trạng con bé cứ dao động giữa việc giận dữ với tôi và sợ tôi sẽ nổi giận với nó nên hành động của nó càng lúc càng trở nên khó đoán. Con bé không thể phân biệt được rõ ràng điều xảy ra giữa tôi và nó hoàn toàn khác điều đã xảy ra giữa nó và mẹ nó. Chúng tôi phải nói chuyện về điều này rất nhiều lần, rất chi tiết, rất rõ ràng. Nó vin vào cuốn Hoàng tử bé như một bằng chứng văn chương cho thấy người ta rồi sẽ chia tay nhau, và họ thấy thật đau đớn, và họ đã khóc, nhưng họ vẫn yêu thương nhau. Con bé không rời quyển sách, nó mang theo quyển sách mọi lúc mọi nơi, và nó có thể trích dẫn nhiều đoạn trong đó mà không cần mở sách ra. Bởi vì đó là điều đã được nói trong một quyển sách, nên có vẻ như nó có hiệu lực với con bé hơn những lời nói của tôi nhiều.
Có một điều chắc chắn là con bé đã biết khóc. Trong hầu hết những ngày tiếp theo, ngày nào tôi cũng thấy nó khóc hoặc sắp khóc. Một thời gian ngắn sau đó thì hai mắt nó gần giống như cái vòi nước bị rò vậy; những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má nó ngay cả khi nó đang cười hay đang chơi đùa. Khi tôi hỏi đến, con bé thường cũng không biết vì sao nó lại như vậy. Tôi cứ để nó như thế và cũng không lo lắng gì lắm. Đã lâu rồi con bé mới khóc được, và tôi tin rằng nó phải làm quen với việc khóc, phải hiểu được ý nghĩa của hành động thể hiện cảm xúc, và nếu việc khóc như thế giúp con bé chuẩn bị cho những điều đang chờ đón nó phía trước, thì thật tốt biết mấy. Nhưng rồi những giọt nước mắt cũng dần biến mất.
Đằng sau tất cả những biểu hiện đó, cái bản chất vui vẻ và can đảm tuyệt vời của con bé vẫn luôn lấp lóa đâu đó. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhất của nó. Tất cả những chuyện đã xảy ra trong cuộc đời nó không phải là chủ quan, và con bé không có lựa chọn nào khác ngoài việc để chúng xảy ra và cố gắng vượt qua mọi chuyện. Nó biết sự chia tay này đang tới gần, và nó phải đấu tranh vô cùng vất vả để tự kiểm soát được bản thân mình. Khi tôi quan sát nó đương đầu với những giọt nước mắt, tay ôm quyển Hoàng tử bé nhàu nát ghì vào ngực và không ngừng tra vấn tôi với những câu hỏi về những chuyện đang xảy ra và tại sao chúng lại xảy ra như thế, tôi biết con bé sẽ vượt qua được. Con bé thật mạnh mẽ; có thể là mạnh mẽ hơn cả tôi. Trong quá trình tiếp xúc với những đứa trẻ bị rối loạn về cảm xúc, tôi vô cùng ấn tượng trước sự kiên cường của chúng. Dù phải hứng chịu nhiều định kiến, nhưng chúng không hề mong manh yếu đuối. Khi được trao cho những lợi khí mà rất nhiều người chúng ta xem thường, được yêu thương và giúp đỡ, được tin tưởng, được thừa nhận giá trị bản thân, bọn trẻ này không chỉ vượt qua được khó khăn mà còn trở thành những người chiến thắng. Điều này thể hiện rất rõ nơi Sheila. Con bé sẽ không bao giờ bỏ cuộc.
Sinh nhật của tôi rơi vào khoảng thời gian cuối cùng của năm học, giữa tất cả những ngổn ngang của công việc và cảm xúc. Ở lớp chúng tôi, chúng tôi rất xem trọng những ngày sinh nhật, phần vì hầu hết bọn trẻ không được ăn mừng ngày này ở bất kỳ nơi nào khác, phần vì tôi rất thích tiệc tùng. Tôi muốn bọn trẻ cùng ăn mừng sinh nhật của Anton, Whitney và cả của tôi nữa. Tôi không muốn giả vờ rằng việc đó không quan trọng, thế nên vào sinh nhật của mình, tôi mang đến lớp một cái bánh màu vàng rất lớn hình con voi và kem chocolate.
Thế nhưng ngày hôm ấy diễn ra không mấy tốt đẹp. Thật ra cũng không có chuyện gì đặc biệt kinh khủng xảy ra cả, chỉ là có những chuyện phiền phức nho nhỏ mà bọn trẻ vẫn thường gây ra. Peter đã dính vào một vụ đánh nhau trên xe buýt và vào lớp với một cái mũi đầy máu và một thái độ hằn học. Trong giờ giải lao Sarah đã nổi giận với Sheila, và sau đó đến lượt Sheila lại nổi sùng lên với Tyler khiến con bé khóc lóc ầm ĩ. Rồi sau đó Sheila đá cát vào Sarah, Sarah khóc. Cái góc lớp trở thành một nơi ra vào tấp nập suốt cả ngày hôm ấy. Dù vậy, mãi đến chiều tôi mới thật sự mất kiên nhẫn. Khi Whitney xuống phòng giáo viên để lấy kem, cô phát hiện ra rằng một trong những lớp năm của trường đã nghĩ nhầm rằng chỗ kem ấy là của chúng, thế là chúng lấy chỗ kem đó đi mất. Tuy thế tôi vẫn bày bánh ra. Trong lúc chúng tôi chuẩn bị đồ ăn, Peter và William rượt đuổi nhau chạy lăng quăng trong phòng. Chúng còn ném qua ném lại mấy khối đồ chơi. Tôi đã bảo chúng ngừng lại nhưng chúng không chịu nghe. Một đứa khác kéo tay tôi, và trong một thoáng tôi đã bị phân tâm. Rồi Rầm. William đã ném một khối đồ chơi vào Peter, và khi thằng bé lùi lại để bắt, nó đã va vào Sheila đang ngồi trên sàn nhà. Nó ngã nhào lên người con bé và cả hai đứng bật dậy rồi lao vào tẩn nhau. Trước khi tôi kịp nhìn thấy thì Sheila đã vơ lấy một khối đồ chơi khác và ném về phía Peter. Thằng nhóc nhặt một cái ghế lên và giận dữ ném trả lại con bé. Cái ghế va vào cái bàn, rồi sau đó là Max, và cuối cùng là cái bánh. Con voi màu vàng của tôi vỡ tung tóe.
- Được rồi, bọn nhóc này, thế là đủ rồi đấy! – Tôi thét lên. – Từng người một hãy ngồi xuống ghế của mình và úp mặt xuống bàn!
- Nhưng đó đâu phải là lỗi của con. – Guillermo phản đối. – Con đâu có làm gì đâu.
- Tất cả mọi người.
Tất cả, ngay cả Max và Freddie, mỗi đứa đều tự tìm cho mình một cái ghế và ngồi úp mặt xuống bàn. Tất cả, trừ Sheila.
- Đó đâu phải lỗi của con, mà tại thằng Peter ngu xuẩn này ngã lên người con đấy chứ.
- Hãy ngồi vào một cái ghế và úp mặt xuống như mọi người đi. Cô chịu đựng mấy đứa đủ lắm rồi. Suốt cả ngày nay tụi con chẳng biết làm gì khác ngoài cãi nhau. Thì đây, hậu quả của việc đó đây. Hãy ngồi vào ghế và úp mặt xuống bàn.
Sheila vẫn ngồi lì trên sàn.
- Sheila, đứng dậy!
Con bé thở dài một tiếng rõ to, rồi lấy một cái ghế ra. Nó đặt cái ghế kế bên chỗ của Tyler và ngồi vào, rồi úp mặt xuống.
Tôi nhìn chúng. Thật là một lũ nhóc nhếch nhác. Whitney và Anton đang thu dọn chỗ bánh rớt trên thảm trải sàn. Anton đảo mắt ngán ngẩm khi tôi bước đến chỗ anh. Tôi mỉm cười mệt mỏi. Lúc đó tôi thật sự muốn òa lên khóc. Tôi muốn khóc không vì lý do gì cụ thể cả, mà chỉ bởi vì hôm nay tôi muốn có một ngày đặc biệt nhưng lại nhận được một ngày bình thường như bao ngày khác. Và tôi muốn khóc vì tiếc cái bánh màu vàng hình con voi mà tôi đã tốn rất nhiều thời gian để làm, giờ nó chỉ còn là một đống bầy nhầy trên sàn nhà.
Khi tôi quay lại quan sát bọn trẻ, tôi thấy Peter đang nhìn lén xung quanh qua kẽ hở trên hai cánh tay đã vòng lại của nó. Tôi chỉ tay về phía thằng bé và trừng mắt nhìn nó. Nó lại che mặt lại. Tôi nhìn đồng hồ và quan sát bọn trẻ thêm một lúc nữa.
- Được rồi, tất cả nghe đây, nếu có thể cư xử như người bình thường thì các con có thể ngồi dậy. Chỉ còn mười phút nữa là hết giờ học. Giờ các con hãy phụ nhặt chỗ bánh này lên và tìm một việc gì đó im lặng mà làm. Tốt hơn là đừng để cô nghe thấy một tiếng cãi vã nào nữa.
Sheila vẫn ngồi úp mặt xuống bàn.
- Sheil, con có thể ngồi dậy.
Con bé vẫn không nhúc nhích, đầu gục lên hai cánh tay. Tôi ngồi xuống một cái ghế cạnh nó.
- Cô không giận tụi con lắm đâu. Con có thể đứng dậy và đi chơi được rồi.
- Ứ ừ. - Con bé đáp. – Đây là món quà sinh nhật của con dành cho cô. Con sẽ không gây thêm rắc rối nào trong ngày hôm nay nữa đâu.
Sau khi tan học, Whitney đưa Sheila ra xe buýt còn Anton và tôi xuống phòng giáo viên. Tôi ngồi trên một cái ghế êm ái, đầu ngả về phía sau, chân gác lên mặt bàn, tay tì lên mặt, che kín mắt.
- Thật là một ngày kinh khủng. – Tôi nói. Không nghe tiếng Anton đáp, tôi nhỏm dậy và mở mắt ra. Anh đã đi đâu mất. Thậm chí tôi còn không nghe thấy tiếng anh đi. Ôi, cũng chả sao, tôi nhủ thầm rồi dựa người vào ghế. Tôi gần như ngủ thiếp đi.
- Tor?
Tôi nhìn lên. Anton đã quay lại và đang đứng cạnh chỗ tôi.
- Chúc mừng sinh nhật. – Anh vừa nói vừa đưa cho tôi một cái phong bì khá dày.
- Này, anh không nên làm thế này đâu. Chúng ta đã thỏa thuận rồi mà.
Anh cười:
- Hãy mở nó ra đã.
Bên trong là một tấm thiệp hoạt hình trông rất vui nhộn có in hình một con rắn lục. Ngoài ra còn có một tờ giấy được gấp làm đôi.
- Cái gì vậy? - Tôi hỏi anh.
- Quà của tôi dành cho cô.
Tôi mở tờ giấy ra xem. Đó là bản sao của một lá thư.
Kính gửi ông Antonio Ramirez:
Trường đại học cộng đồng hạt Cherokee xin trân trọng thông báo rằng ông đã được chọn là một trong những người nhận được học bổng Dalton E. Fellows.
Xin chúc mừng. Chúng tôi rất mong được gặp ông trong chương trình đào tạo của trường mình vào mùa thu này.
Tôi nhìn anh. Dù rất cố gắng, nhưng anh vẫn không thể giấu nổi nụ cười của mình. Nụ cười của anh thật rạng rỡ. Tôi muốn chúc mừng anh. Muốn nói với anh rằng tờ giấy này làm tôi vui mừng như thế nào. Nhưng tôi chẳng nói được gì cả. Chúng tôi chỉ nhìn nhau. Và mỉm cười.
Tôi đã gọi cho Ed để bàn về việc sẽ sắp xếp như thế nào cho Sheila trong thời gian tới, và chúng tôi quyết định tổ chức một cuộc họp nhóm. Tôi vẫn muốn giao Sheila cho bạn tôi, cô Sandy McGuire ở trường tiểu học Jefferson. Sandy là một giáo viên trẻ tuổi và rất sâu sắc mà tôi có thể tin tưởng. Chúng tôi đã nhiều lần nói chuyện với nhau về Sheila từ hồi tôi vừa mới nảy ra cái suy nghĩ là đưa Sheila hòa nhập vào môi trường học tập bình thường.
Ban đầu Ed không hưởng ứng kế hoạch này cho lắm. Ông ấy không thích để trẻ con học vượt lớp. Hơn nữa, Sheila khá nhỏ bé so với tuổi của nó. Hầu hết những đứa trẻ khoảng tám, chín tuổi đều cao hơn nó gần nửa cái đầu. Chúng tôi đã tự vấn lương tâm mình rất nhiều. Con bé có học lực vượt hơn trình độ lớp hai ít nhất là hai lớp, nhưng nó lại nhỏ hơn những học sinh lớp hai nhiều. Với trường hợp của con bé thì không có cách giải quyết nào hoàn hảo cả. Tôi muốn giao nó cho một giáo viên mà tôi có thể tin tưởng là sẽ tiếp tục giúp đỡ nó về mặt phát triển tình cảm thay vì chỉ lo về vóc dáng hay chỉ số IQ của nó. Rõ ràng là con bé trội hẳn về mặt học vấn so với bọn trẻ đồng lứa, cho nên chẳng có lý gì khi tạo cho nó cơ hội để nó lại tiếp tục gây rắc rối. Tôi sợ với đầu óc đi mây về gió của mình thì Sheila sẽ trở nên quá rảnh rang khi học lớp hai, điều này sẽ khiến nó tìm việc gì đó để làm và sẽ lại gây rắc rối. Cuối cùng, chúng tôi nhất trí sẽ thử xếp Sheila vào lớp của Sandy. Con bé cũng sẽ có thêm hai tiếng đồng hồ mỗi ngày theo học một lớp đặc biệt để được đáp ứng những nhu cầu về tình cảm cũng như tình trạng học vấn phát triển sớm của nó.
Khi chỉ còn một tuần nữa là năm học kết thúc, tôi bảo Sheila rằng năm sau nó sẽ học ở trường Jefferson. Tôi nói với nó rằng tôi biết giáo viên năm tới của nó rất rõ, và chúng tôi đã là bạn bè của nhau trong một thời gian dài. Tôi hỏi Sheila lúc nào đó có muốn ghé ngang lớp cô Sandy để thăm cô không. Có vẻ như Sheila không thể chấp nhận được tất cả những chuyện này cùng một lúc, thế nên con bé tuyên bố chắc nịch rằng nó không bao giờ muốn gặp Sandy, dù là bây giờ hay sau này cũng thế. Nhưng sau đó, khi bọn trẻ biết về việc này và tất cả đều rất phấn khởi vì Sheila sẽ được học vượt một lớp, Sheila quyết định rằng nó sẽ không thấy phiền lắm nếu phải đi gặp Sandy.
Vào chiều thứ Tư, ngay sau khi chuông báo tan học vang lên, tôi chở Sheila đến trường tiểu học Jefferson ở phía bên kia thành phố. Vì biết còn hơn nửa tiếng nữa lớp Sandy mới tan học, nên tôi đã ghé cửa hàng Baskin-Robbins để mua mấy cây kem ốc quế. Sheila ăn một cây kem vị cam thảo. Sai lầm của tôi là đã không mang theo một miếng khăn giấy nào cả.
Khi chúng tôi đến trường Jefferson, trông Sheila như thể nó đã thay đổi sắc tộc vậy. Trên khắp má và cằm nó đều dính kem màu đen, trên tóc và trên áo nó cũng thế. Tôi ngạc nhiên nhìn nó, bởi vì mới mười lăm phút trước nó vẫn còn sạch sẽ. Không có một miếng khăn giấy nào, tôi đành lấy tay chùi cho nó. Chúng tôi bước vào trường, Sheila bám chặt lấy tôi.
Sandy bật cười khi nhìn thấy Sheila. Cũng không trách cô ấy được. Trông con bé như một đứa trẻ bốn tuổi với đống kem dính bê bết trên người, và sự sợ hãi của con bé làm cho nó trông như một đứa lang thang không nhà cửa. Nó bám chặt lấy chân tôi.
- Chà, nhóc, trông con thì có thể đoán chắc là con vừa xơi món gì ngon lắm. – Sandy mỉm cười và hỏi. – Món gì thế?
Sheila nhìn vào đôi mắt to của cô ấy.
- Kem. – Nó thì thầm đáp.
Tôi tự hỏi không biết lúc ấy Sandy đang nghĩ gì. Tôi đã thuyết phục được cô ấy nhận Sheila chủ yếu là nhờ đã kể cho cô ấy nghe về khả năng thiên bẩm và cách nói chuyện rất thông minh của con bé. Thế nhưng lúc đó Sheila chẳng có vẻ gì là thông minh xuất chúng như thế một chút nào.
Lẽ ra tôi nên tin tưởng ở Sandy nhiều hơn. Cô ấy mang lại mấy cái ghế, mời chúng tôi ngồi và tiếp tục hỏi về tất cả những chi tiết liên quan đến niềm đam mê đối với món kem của Sheila. Sau đó cô ấy dẫn chúng tôi đi tham quan lớp học. Đó là một lớp học bình thường như bao lớp học khác. Jefferson là một ngôi trường cổ xưa, bề thế, được xây bằng gạch, với những phòng học rộng rãi. Căn phòng có thể chứa hết hai mươi bảy cái bàn mà vẫn còn dư diện tích. Lớp của Sandy khá bừa bộn. Những chồng sách bài tập nằm chất đống trên một góc bàn, mấy miếng giấy làm bài vứt ngổn ngang trên lối đi. Tôi đã mang tiếng là không được ngăn nắp, gọn gàng, nhưng sự bừa bộn của Sandy còn hơn cả tôi. Ở góc phòng còn có một tủ sách chật cứng và một cái chuồng nuôi chuột nhảy.
Sheila dần trở nên thoải mái hơn và hoạt bát trở lại. Chính những quyển sách đó đã thu hút con bé và cuối cùng đã chế ngự được sự nhút nhát của nó. Chẳng lâu sau đó, con bé đã dám đi một mình, cẩn thận xem xét từng ngóc ngách của căn phòng. Sandy nhìn tôi cười vui vẻ khi chúng tôi im lặng quan sát Sheila. Con bé sẽ làm được.
Sheila đang đứng nhón gót để nhìn những bìa sách bài tập, rồi nó lấy một quyển ở trên cùng xuống và mở ra xem. Con bé cầm quyển sách bước lại chỗ tôi và nói:
- Quyển này khác với những quyển sách bài tập của cô, Torey ơi.
- Đó sẽ là loại sách bài tập mà con sẽ dùng ở đây.
Con bé tiếp tục xem xét quyển sách. Sau đó nó quay sang Sandy.
- Con không thích làm bài tập lắm. Sandy mím môi và khẽ gật đầu.
- Cô cũng nghe nhiều học sinh khác nói như vậy. Làm bài tập cũng không vui gì lắm, phải không nào?
Sheila nhìn Sandy một lát.
- Dù sao con cũng sẽ làm. Torey đã bắt con làm thế. Lúc trước con không có làm, nhưng mà bây giờ thì con làm. Cuốn này thì trông không đến nỗi tệ lắm. Chắc chắn con sẽ làm cuốn này.
Con bé kiểm tra cuốn sách cẩn thận.
- Bạn này làm sai rồi. Nhìn nè, có một dấu gạch đỏ trong đây. – Nó đưa cho tôi xem.
- Đôi khi người ta cũng làm sai. – Sandy nói. Tôi khẽ ra hiệu cho cô ấy biết việc Sheila không thích bị chỉnh những lỗi sai của nó. Đó sẽ là một trong những việc cần làm trong năm học sắp tới: làm sao để Sheila bớt căng thẳng về những sai lầm của nó hơn.
- Cô làm gì với những bạn ấy? - Sheila hỏi.
- Khi các bạn ấy mắc lỗi hả? – Sandy đáp. - Ồ, cô chỉ đề nghị các bạn ấy làm lại thôi. Nếu các bạn ấy không hiểu, cô sẽ giúp các bạn ấy. Ai cũng có lúc phạm sai lầm mà. Chuyện đó đâu có gì nghiêm trọng.
- Cô có đánh đòn trẻ con không? Sandy cười và lắc đầu.
- Không, chắc chắn là không rồi. Sheila nhìn tôi và gật đầu.
- Torey cũng không có như thế.
Chúng tôi ở lại với Sandy gần bốn mươi lăm phút. Sheila ngày càng trở nên dạn dĩ với những câu hỏi của nó. Cuối cùng, tôi bảo có lẽ chúng tôi nên về để bắt kịp xe buýt cho Sheila. Khi chúng tôi bước ra cửa, Sandy nói rằng hôm nào đó trước khi năm học kết thúc, Sheila nên ghé qua để xem học sinh lớp ba học như thế nào. Tôi cảm ơn cô ấy vì đã dành thời gian cho chúng tôi. Rồi chúng tôi đi ra chỗ đậu xe.
Trên đường quay về, hầu như Sheila chỉ im lặng. Mãi đến lúc tôi rẽ vào bãi đỗ xe, Sheila mới quay sang tôi.
- Cô ấy không đến nỗi tệ lắm, con cho là như thế.
- Tốt. Cô rất vui khi thấy con thích cô ấy. Chúng tôi ra khỏi xe. Sheila nắm lấy tay tôi khi chúng tôi bước về phía khu nhà chính.
- Tor, cô có nghĩ thỉnh thoảng con có thể ghé thăm lớp của cô Sandy không?
- Con muốn thế hả?
- Con thực sự không thấy phiền gì hết.
Tôi gật đầu, rồi với tay hái một đóa hoa sơn thù du từ một cành cây đang chìa xuống trước cổng trường. Tôi gài đóa hoa lên tóc con bé.
- Được rồi, Sheil, cô nghĩ chúng ta có thể sắp xếp việc đó cho con.
Vào ngày thứ Hai của tuần cuối cùng, Anton lái xe chở Sheila đến lớp của Sandy. Con bé đã quyết định ở lại đó suốt cả ngày, dù tôi đã bảo nó chỉ nên ở đó trong buổi sáng thôi. Nhưng con bé muốn ăn trong tiệm bán đồ ăn của trường, tự trả tiền cho bữa trưa của nó và có thể tự chọn những món ăn mà nó muốn như những đứa trẻ khác. Ở trường của tôi thì lớp tôi là lớp cuối cùng ăn trưa, và khay thức ăn của bọn trẻ đã được chuẩn bị và bày ra sẵn trên bàn. Sheila muốn xem làm một đứa trẻ bình thường là như thế nào. Tim tôi đập hơi nhanh một chút khi nhìn con bé đi cùng với Anton, bàn tay nhỏ bé của nó nằm gọn trong tay anh. Hôm ấy nó mặc cái váy màu đỏ, trắng và xanh mà Chad đã mua cho nó, thay vì mặc cái quần jeans và áo thun mà tôi đã mua bằng số tiền cha nó đưa cho tôi. Con bé nhờ tôi cột tóc đuôi ngựa, và cột bằng một cái dây nơ mà nó đã tìm thấy trong hộp đựng đồ cột tóc. Nhìn con bé đi bên cạnh Anton, trông nó mới bé bỏng và mỏng manh làm sao.
Chiều hôm đó, Sheila quay về với một tâm trạng hài lòng. Ngày hôm ấy đã trôi qua mà không có trục trặc gì, và nó mỉm cười đầy tự hào khi kể tôi nghe việc nó đã mang khay đựng bữa trưa của mình mà không làm đổ cái gì hết. Còn có một bạn tên là Maria học trên nó một lớp, bạn ấy có mái tóc đen dài nhất, óng mượt nhất, đẹp nhất mà nó từng thấy, và bạn ấy đã chừa chỗ cho nó ngồi bên cạnh để cùng ăn chung. Cũng có một số khó khăn. Nó đã đi lạc sau khi đi vệ sinh xong. Nghe giọng con bé kể lại chuyện đó, tôi đoán rằng nó đã rất sợ hãi khi bị lạc ở một nơi xa lạ như thế. Nhưng cuối cùng nó đã tìm được đường quay về. Và, nó mỉm cười đầy tự hào, nó không để cho ai biết là nó bị lạc cả. Vào giờ giải lao nó phát hiện ra rằng khi mặc váy thì sẽ rất bất tiện khi chơi đùa. Con bé đã vấp ngã khi đang chạy và đã bị trầy đầu gối. Nó vén váy lên để cho tôi xem. Những vết trầy không rõ lắm, nhưng chúng làm nó khá đau, con bé nói như thế. Nhưng nó không khóc. Sandy đã nhìn thấy và đã dỗ nó. Con bé cười rạng rỡ và kể tôi nghe rằng khi Sandy ôm nó, nó thấy cô rất thơm. Cô còn thổi vào đầu gối nó cho đến khi nó cảm thấy đỡ hơn. Nói chung, hôm ấy là một ngày rất thành công. Sheila khẳng định rằng nó sẽ ổn thôi khi học trong lớp đó. Ngoài ra nó còn hy vọng Maria sẽ bị lưu ban để năm sau hai đứa có thể làm bạn với nhau. Tôi vội nói với nó rằng Maria và nó vẫn có thể là bạn của nhau mà không cần phải mong Maria gặp một chuyện xui xẻo như thế. Lần đầu tiên Sheila không có cái nhìn quá khắt khe về việc không được học trong lớp của tôi nữa; thậm chí con bé còn không nhắc đến việc đó. Thay vào đó, nó hầu như chỉ nói những câu đại loại như "Năm sau, cô McGuire nói là con có thể…" hay "Cô McGuire sẽ để cho con… khi con học trong lớp của cô ấy". Đó là một khoảnh khắc ngọt ngào mà buồn bã đối với tôi, bởi tôi biết mình đã bị bỏ lại đằng sau.
Ngày bế giảng, chúng tôi tổ chức một chuyến dã ngoại. Một số phụ huynh đã tham gia cùng chúng tôi tại một công viên cách trường vài dãy phố. Chúng tôi mang theo đồ ăn trưa và nguyên liệu để làm kem nước quả, còn những bậc phụ huynh thì lo phần bánh nướng và những thứ đồ cần thiết khác. Công viên ấy rất rộng, đã khá cũ và hơi ngổn ngang. Ở đó có một sở thú nhỏ và một cái ao khá rộng để thả vịt. Ngoài ra còn có những vườn hoa rực rỡ khoe sắc trong ánh mặt trời ấm áp của tháng Sáu. Bọn trẻ ríu rít túa ra khắp mọi hướng cùng với cha mẹ của mình.
Cha của Sheila không đến; chúng tôi cũng không thực sự mong ông ấy sẽ đến. Nhưng lúc sáng khi Sheila đến lớp, con bé đã thật rạng rỡ trong bộ quần áo tắm nắng màu cam và trắng. Con bé có vẻ bối rối vì mặc đồ "hở hang" như vậy và cứ che chắn cơ thể mình trong suốt nửa tiếng đồng hồ đầu tiên nó đi với chúng tôi. Anton khen màu trắng đi với màu cam như thế là rất đẹp, anh còn đùa với con bé rằng nếu có cơ hội thì anh sẽ ăn trộm bộ đồ đó. Điều này làm con bé cảm thấy thoải mái hơn, nó khúc khích cười khi nghĩ đến cảnh Anton mặc bộ đồ tắm nắng của nó. Trong lúc chúng tôi đợi những học sinh khác đến, con bé đã nhảy múa vòng quanh lớp cho chúng tôi xem. Tối hôm trước, cha con bé đã mua cho nó bộ đồ tắm nắng này ở cửa hàng giảm giá, và đó là món đồ mới đầu tiên ông mua cho nó trong suốt mấy năm qua. Con bé phấn khích đến nỗi không thể ngồi yên được. Trên đường đến công viên nó cứ nhảy chân sáo trên vỉa hè, mái tóc vàng của nó bay chấp chới trong gió.
Khi đã đến công viên, con bé vẫn nhảy nhót đầy hân hoan. Sau khi dùng bữa trưa, Anton, Whitney và tôi ngồi ở chỗ ao vịt quan sát con bé dưới ánh mặt trời ấm áp. Con bé cách chúng tôi chừng mười mét, tung tăng ở cái lối đi rải đầy sỏi quanh ao. Dường như nó đang lắng nghe giai điệu từ tâm hồn mình, nó cứ nhảy nhót như một chú chim non. Những người đi chung lối với nó phải tránh nó ra, mặt họ lộ vẻ thích thú khi nhìn con bé. Một bước nhảy, một cú xoay người, rồi sau đó là vài cú nhún nhảy theo nhịp điệu. Mái tóc nó như tỏa ra một vầng sáng lấp lánh màu bạch kim. Nó hoàn toàn không nhận thấy sự hiện diện của những người cũng đi chung đường với mình, cũng không để ý đến những đứa trẻ khác, đến Anton, Whitney và tôi, mà chỉ nhảy múa để thỏa mãn một giấc mơ nào đó của tâm hồn mình. Dường như ai cũng cảm thấy một sự hấp dẫn khó lý giải. Anton im lặng ngắm nhìn con bé. Whitney thì gật gù như thể đang bắt nhịp với điệu nhạc mà không ai trong chúng tôi nghe được.
Anton quay sang tôi.
- Con bé trông như một thiên thần vậy, phải không? Cứ như thể nếu cô chớp mắt quá mạnh, nó sẽ biến mất.
Tôi gật đầu.
- Nó tự do. – Whitney khẽ nói. Thật sự là như vậy.
Ngày hôm ấy trôi qua thật nhanh. Chúng tôi gói ghém đồ đạc và quay trở lại lớp học để phát cho bọn trẻ những thứ giấy tờ cuối cùng và nói lời tạm biệt nhau. Căn phòng chật chội lót ván gỗ giờ gần như trống trơn. Những bức tranh, những mẩu chuyện kể đã được gỡ xuống khỏi tường. Mấy con thú nuôi đã được mang về căn hộ của tôi. Những cái bảng tên đã được tháo ra khỏi tủ đựng đồ cá nhân.
Sheila cuối cùng cũng nhận thức được những gì đang xảy ra, và tâm trạng hân hoan trước đó của con bé biến mất. Khi chúng tôi đã phát cho bọn trẻ tất cả những thứ giấy tờ cần thiết xong, tôi thấy Sheila chui vào góc lớp. Cái góc quen thuộc của nó giờ trống trơn, không ghế, không gối, cũng không chuồng thú. Con bé ngồi xổm trên sàn nhà. Tất cả những đứa trẻ khác đều đang nói chuyện huyên thuyên, háo hức với kỳ nghỉ hè sắp đến và những thay đổi của chúng trong năm học kế tiếp. Khi Anton bắt nhịp cho chúng hát, tôi tách ra để đến bên cạnh Sheila.
Những giọt nước mắt đang lặng lẽ chảy dài trên hai gò má lúc này đã rám nắng của nó. Không có khăn giấy, nó lấy tóc chùi mặt. Đôi mắt con bé tràn ngập sự đau đớn và buồn bã.
- Con không muốn đi. - Nó rên rỉ. - Con không muốn chuyện này kết thúc. Con muốn quay lại, Torey ơi.
- Cưng ơi, dĩ nhiên là con muốn thế rồi. – Tôi ôm nó vào lòng. – Nhưng bây giờ thì con cảm thấy thế thôi. Chỉ một lúc nữa thôi là con sẽ có cả một mùa hè đang chào đón mình, và sau đó con sẽ được lên lớp ba, là một đứa trẻ bình thường. Bây giờ thì mọi chuyện chỉ hơi khó khăn một chút, thế thôi.
- Con không muốn đi, Torey ơi. Và con không muốn cô đi.
Tôi vuốt tóc nó.
- Con có nhớ không, cô đã nói là cô sẽ viết thư cho con. Chúng ta sẽ vẫn biết điều gì đang xảy ra với người kia. Chúng ta sẽ không thật sự bị chia cắt đâu. Rồi con xem.
- Không, con không muốn thế. Con muốn ở lại.
Con bé phải khó khăn lắm mới giữ được bình tĩnh, và cơ thể gầy gò của nó run rẩy trong vòng tay tôi.
- Con sẽ hư. Con sẽ không ngoan chút nào trong lớp học của cô McGuire và sau đó cô sẽ phải quay lại.
- Này, cô không muốn nghe con nói như thế. Đó là cách nói của Sheila hồi trước.
- Con sẽ không ngoan. Con sẽ không ngoan. Và cô sẽ không thể bắt con ngoan được.
- Không, Sheil, cô không thể làm thế được. Đó là quyết định của con. Nhưng con biết như thế cũng chẳng thay đổi được gì cả đâu. Nó sẽ không làm cho năm học này quay trở lại, hay lớp học này quay lại. Hay cô. Cô cũng phải đi học, như cô đã nói với con đấy. Những gì con làm với bản thân mình là quyết định của riêng con. Nhưng nó sẽ không làm cho năm học này trở lại được.
Con bé nhìn chằm chằm xuống sàn nhà, môi dưới trề ra.
Tôi mỉm cười.
- Con có nhớ không, con đã cảm hóa cô. Con có trách nhiệm với cô. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ quên rằng chúng ta yêu thương nhau. Điều đó có nghĩa là chắc chắn ngay bây giờ chúng ta sẽ khóc một chút. Nhưng không lâu sau chúng ta sẽ chỉ nhớ rằng mình đã hạnh phúc thế nào khi ở bên nhau mà thôi.
Con bé lắc đầu.
- Con sẽ không bao giờ hạnh phúc.
Ngay lúc đó thì chuông báo tan học vang lên, và căn phòng như vỡ tung với những tiếng la hét. Tôi đứng dậy và đi về phía bọn trẻ. Sheila cũng lưỡng lự bước theo tôi. Giờ chia tay đã đến. Tyler và William đang ngân ngấn nước mắt. Peter thì nhảy tưng tưng vì sướng quá. Tất cả chúng tôi ôm nhau, hôn nhau và rồi bọn trẻ ra về, trong tiết trời tháng Sáu ấm áp.
Sheila sẽ đón chiếc xe buýt của trường phổ thông để quay về trại tập trung dành cho dân nhập cư. Vào ngày bế giảng năm học này, chuyến xe buýt của nó sẽ khởi hành sau xe buýt của trường tiểu học một thời gian ngắn. Tôi biết rằng sau khi nói lời tạm biệt với Anton và Whitney rồi thu dọn đồ đạc của mình, con bé chỉ có đủ thời gian để đi bộ qua hai dãy phố để đến được trạm xe buýt.
Việc chia tay với Anton rất khó khăn với con bé. Ban đầu nó lấy tay che mặt và thậm chí không chịu nhìn anh. Anh vẫn vỗ về cho nó mỉm cười, nói một câu gì đó bằng tiếng Tây Ban Nha mà tôi không hiểu nhưng Sheila lại hiểu. Anh nhắc nó rằng họ vẫn sẽ gặp nhau ở trại tập trung. Anh hứa sẽ đón nó sang chơi với hai đứa con trai nhỏ của anh. Cuối cùng tôi phải đưa ra một tối hậu thư. Tôi sẽ tiễn nó ra chỗ xe buýt, nhưng con bé phải đi ngay. Thế là nó quay sang Anton rồi ôm chầm lấy anh, hai cánh tay nhỏ bé của nó ghì siết anh thật chặt. Rồi nó vẫy tay chào Whitney và nắm tay tôi. Khi đã ra đến cửa, nó ngừng lại, rồi chạy ào đến ôm Anton một lần nữa. Nó hôn lên má anh rồi chạy lại chỗ tôi. Những giọt nước mắt của nó tuôn rơi khi nó nhặt nhạnh mấy thứ đồ đạc của mình: vài món giấy tờ và cuốn Hoàng tử bé nhàu nhĩ, một ký ức hữu hình để nhắc lại những điều đã qua. Chúng tôi bước xuống những bậc cấp rồi đi trên vỉa hè về phía trường phổ thông.
Suốt quãng đường đi con bé không nói câu nào. Tôi cũng thế. Giữa chúng tôi không cần nói gì nữa. Những câu nói ra có thể làm hỏng những điều mà chúng tôi đã có với nhau. Xe buýt đang đợi, nhưng đám học sinh vẫn chưa lên xe. Người tài xế vẫy tay với chúng tôi. Sheila chạy lại để cất đồ đạc của nó lên. Sau đó nó lại ra khỏi xe, quay lại chỗ tôi đứng.
Con bé nhìn tôi, lấy tay che mắt cho khỏi chói. Tôi nhìn nó, cảm thấy như thời gian là vô tận trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, dưới ánh mặt trời chói chang.
- Tạm biệt cô. – Nó nói thật khẽ.
Tôi quỳ xuống, ôm chặt lấy nó. Tôi có thể nghe thấy tiếng tim mình đang đập, cổ họng tôi nghẹn lại không nói được thành lời. Rồi tôi đứng dậy, và nó chạy ù đến chỗ xe buýt. Con bé chuẩn bị bước lên xe, nhưng khi đang bước lên thì nó ngừng lại. Những học sinh khác đang vào xe, và nó phải chờ đến lượt mình. Nó quay lại nhìn tôi, rồi đột ngột chạy lại chỗ tôi một lần nữa.
- Con không có ý như thế. - Nó nói mà không kịp thở. - Con không có ý làm như thế khi con nói là con sẽ hư. Con sẽ là một đứa bé ngoan. – Nó nghiêm nghị nhìn tôi. – Vì cô.
Tôi lắc đầu.
- Không, không phải vì cô. Con sẽ ngoan, vì chính bản thân con.
Con bé khẽ cười, một nụ cười gượng gạo. Rồi tích tắc, nó lại chạy về phía xe buýt, vội vàng bước lên xe, len lỏi giữa những đứa học sinh lớn hơn. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, tôi nhìn thấy gương mặt nó qua ô cửa kính, nó đang áp chặt mặt vào lớp kính, hai bàn tay bấu vào thành kính. Người tài xế đóng cửa xe lại. Chiếc xe bắt đầu lăn bánh.
- Tạm biệt. – Tôi thấy con bé nhép miệng, cái môi nó hình như đang trề ra, mũi vẫn đang bẹt vào cửa kính xe. Tôi không biết nó có đang khóc hay không. Chiếc xe buýt rẽ ra đường lớn. Một bàn tay nhỏ bé vẫy tôi, ban đầu còn hối hả, nhưng sau chậm dần rồi ngưng hẳn. Tôi giơ tay lên và mỉm cười. Chiếc xe buýt dần biến mất khỏi tầm mắt.
- Tạm biệt. – Tôi nói, những từ ngữ như quện vào với nhau trong họng tôi và phát ra không thành tiếng. Rồi tôi xoay người bước đi.