CHƯƠNG 19
Thấm thoát chỉ còn ba tuần nữa là năm học kết thúc. Đầu óc tôi quay cuồng với những việc còn tồn đọng. Thời gian này tôi cũng bắt đầu chuẩn bị cho những kế hoạch sắp tới của mình. Những buổi tối nhàn nhã của tôi giờ đây lại tất bật với việc gói ghém đồ đạc và thu dọn rác rến tích tụ lại trong suốt mấy năm qua.
Tôi vẫn chưa nói cho bọn trẻ biết về việc lớp học sẽ bị giải tán. Nhưng vài đứa đã biết rằng chúng sẽ quay về với môi trường học tập bình thường vào năm tới. William sẽ vào học lớp năm, một lớp học bình thường, nhưng sẽ được quan tâm đặc biệt hơn một chút. Trong ba tháng qua thằng bé đã học môn tập đọc và toán với một lớp bốn ở khu nhà chính của trường. Tyler cũng sẽ theo học một chương trình mới. Con bé sẽ vẫn theo học một lớp dành cho học sinh đặc biệt khác, nhưng nó sẽ có cơ hội tiếp xúc gần hơn với cuộc sống của một học sinh bình thường.
Chúng tôi vẫn chưa quyết định sẽ giải quyết trường hợp của Sarah thế nào. Mặc dù trong lớp tôi con bé học rất tốt, nhưng nó vẫn khá nhút nhát nếu học trong một lớp nhiều học sinh hơn. Tôi nghĩ rằng con bé cần học trong lớp dành cho trẻ đặc biệt ít nhất là một năm nữa, nhưng hầu như nó cũng đã sẵn sàng để hòa nhập vào một lớp học bình thường. Còn Peter, tôi sợ rằng nó sẽ không bao giờ thoát khỏi môi trường dành cho trẻ đặc biệt được. Cách cư xử của thằng bé ngày một đáng lo, như thể thần kinh của nó đang ngày càng sa sút. Nó quá bạo lực, thường phá phách, những hành động của nó quá bốc đồng nên tôi không nghĩ là nó có thể theo học bất kỳ một lớp bình thường nào. Gia đình của Guillermo đang có kế hoạch chuyển đi. Còn Max, Freddie và Susannah đều sẽ tiếp tục một chương trình giáo dục đặc biệt khác. Freddie sẽ được đưa vào một lớp dành cho trẻ thiểu năng ở mức độ trầm trọng, và giáo viên mới của thằng bé hy vọng rằng mọi chuyện sẽ không quá khó khăn. Cô ấy đã ghé qua lớp tôi vài lần để quan sát cách cư xử của thằng bé như thế nào. Max cũng có những biểu hiện rất tốt. Nó đã dùng những câu nói bình thường nhiều hơn và ít nói lắp hơn. Cả nó và Susannah sẽ theo học một chương trình đặc biệt dành cho trẻ bị chứng tự kỷ.
Thế còn Sheila? Ôi Sheila! Tôi vẫn chưa cho con bé biết việc lớp học này sắp bị giải tán. Tôi đã cố tình trì hoãn việc này, bởi tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi nó biết chuyện. Nói ngắn gọn là tôi sợ. Con bé đã tiến bộ rất nhiều. Nó không còn là đứa bé đầy sợ hãi khi bị lôi vào lớp tôi hồi tháng
Giêng; cũng đã khác xa con bé lúc nào cũng bám lấy thắt lưng tôi, dựa dẫm tôi hồi tháng Hai. Jimmie đã hoàn toàn chìm vào quên lãng, và hầu như con bé cũng không còn nhắc đến việc nó đã bị bỏ lại trên đường cao tốc nữa. Nhưng nó vẫn rất dễ bị tổn thương. Và riêng tôi, tôi không nghĩ con bé cần theo học một lớp dành cho trẻ em đặc biệt nữa. Thực ra, tôi còn sợ nó sẽ bị lờ đi trong một lớp như thế, bởi vì nó rất nhanh mồm nhanh miệng và có thể tự chăm sóc bản thân mình. Tôi sợ rằng giờ đây nếu cho con bé vào một lớp dành cho trẻ em đặc biệt, nó sẽ lại có những cách cư xử tiêu cực chỉ để lôi kéo sự chú ý của mọi người. Tôi nghĩ con bé chỉ cần một ai đó thật sự quan tâm đến nó. Tôi đã nghĩ đến việc đề nghị Ed cho con bé được lên thẳng lớp ba, mặc dù nó chưa đủ tuổi, để phù hợp sức học của con bé hơn cũng như tạo điều kiện cho nó thiết lập mối quan hệ xã hội với những đứa trẻ khác. Mặc dù có một số vấn đề về rối loạn cảm xúc, nhưng trông con bé vẫn già dặn hơn so với tuổi thực của nó. Ngoài ra, tôi còn có một người bạn thân dạy lớp ba ở một ngôi trường phía bên kia thành phố. Nếu được, quận sẽ cho xe buýt đưa đón con bé đến đó. Nơi đó gần trại tập trung của dân nhập cư hơn so với trường của tôi, và việc con bé học trong một lớp học bình thường sẽ ít tốn kém hơn rất nhiều so với một lớp đặc biệt. Tôi biết rằng Sandy sẽ chăm sóc tốt Sheila giúp tôi. Tôi cần sự bảo đảm đó.
Nhằm giúp Sheila dần làm quen với cuộc sống của một học sinh bình thường, tôi quyết định cho con bé theo học môn toán trong một lớp hai ở trường tôi. Trước đó tôi từng tiếp xúc nhiều với cô Nancy Ginsberg. Cô là một người phụ nữ dễ mến, lịch thiệp, và là một trong những người đầu tiên mời tôi và lớp của tôi tham gia chung với lớp của cô trong các hoạt động ngoại khóa. Thế là một buổi chiều nọ, tôi đến phòng giáo viên gặp cô và hỏi xem liệu cô có sẵn sàng nhận Sheila vào học trong giờ Toán không. Tôi giải thích rằng Sheila có trình độ vượt hơn mức toán lớp hai rất nhiều, và tôi muốn cô cho con bé tham gia vào giờ toán lớp cô mỗi ngày để nó có thể dần thích ứng khi phải học trong một lớp dành cho học sinh bình thường. Toán là môn nó học vững nhất, cho nên có vẻ như đó là môn tốt nhất để bắt đầu quá trình thích nghi này. Nancy đã đồng ý.
- Con đoán xem sắp có chuyện gì xảy ra nào?
– Tôi hỏi Sheila khi chúng tôi đang cất đồ chơi đi sau giờ giải lao.
- Gì cơ?
- Từ giờ trở đi sẽ có một chuyện rất tuyệt. Mỗi ngày con sẽ học một hoặc hai tiết trong một lớp học bình thường.
Con bé vội nhìn lên.
- Sao cơ?
- Cô đã nói chuyện với cô Ginsberg và cô ấy nói con có thể đến học tiết Toán trong lớp của cô ấy mỗi ngày.
- Giống như William ấy ạ?
- Đúng rồi.
Con bé chồm người qua bộ lắp ráp mà nó đang chuẩn bị cất đi.
- Con không muốn thế.
- Con chỉ chưa quen với chuyện này thôi. Rồi con sẽ thích mà. Con cứ nghĩ đi, đó là một lớp bình thường. Mà con có nhớ có lần con đã nói với cô là con muốn học trong một lớp bình thường không? Bây giờ con sẽ được như thế.
- Con không đi đâu.
- Tại sao lại không?
- Chỗ này thì là lớp của con. Con không đi học trong lớp của ai khác hết.
- Chỉ môn toán thôi mà. Mũi con bé nhăn lại.
- Nhưng đó là tiết học yêu thích của con ở đây. Thật không công bằng khi cô bắt con bỏ tiết học yêu thích của con ở đây.
- Con cũng có thể học toán ở đây nữa, nếu con muốn. Nhưng con sẽ học toán cả trong lớp của cô Ginsberg nữa, bắt đầu từ thứ Hai này.
- Không.
Sheila không hề thích thú với cái ý tưởng này chút nào. Với mỗi lý do tôi đưa ra, nó đều có một lý do bác lại. Suốt thời gian còn lại của ngày hôm đó, con bé hết giận dỗi rồi lại la hét, không để cho tôi đề cập đến bất cứ chủ đề nào khác. Đến chiều thì tôi chịu hết nổi và kiên quyết nói rằng tôi đã nghe con bé nói đủ lý do rồi. Nó sẽ phải đi, nó còn hai ngày nữa để chuẩn bị sẵn sàng và tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để cho sự thay đổi này dễ dàng hơn, nhưng nó sẽ phải đi.
Sheila giận dữ dậm chân thình thịch, nó còn chạy đến lay mạnh mấy cái thanh sắt trong chuồng của con Onions. Khi nghe tiếng lanh canh không dứt, tôi bước vội đến và lôi nó ra một cái bàn, cho nó lựa chọn giữa việc cư xử đàng hoàng hơn hoặc phải ngồi im trong góc lớp. Thế là Sheila đứng bật dậy, đùng đùng bước về phía góc lớp. Nó đập cái ghế xuống đất thật mạnh và ngồi xuống.
Tôi để nó ngồi đó, rồi quay lại để giúp William làm bài tập vẽ. Sheila ngồi đó suốt cả buổi chiều, mặc cho Anton và tôi đã bảo là nó có thể đi chỗ khác chơi nếu đã bình tĩnh lại.
Vì tôi thấy rõ ràng là con bé muốn chọc giận tôi, nên sau khi tan học, tôi để nó lại với Anton và xuống phòng giáo viên để soạn giáo án. Tôi cũng hiểu rõ ràng một khi Sheila bắt đầu có thái độ khó chịu, thì tốt nhất là hãy để con bé một mình. Khoảng trước năm giờ, tôi quay lại, thấy con bé đang nằm ườn trên một cái gối và đọc sách.
- Con giận dỗi xong chưa? - Tôi hỏi.
Nó gật đầu tỉnh bơ, mắt vẫn không rời quyển sách.
- Cô sẽ hối tiếc vì đã bắt con đi.
- Con nói vậy là sao đây?
- Con thì sẽ không ngoan nếu con phải đi. Con sẽ hư và cô ấy sẽ phải trả con về đây. Lúc đó thì cô sẽ không bắt con đi được nữa.
- Sheila! – Tôi cáu tiết. – Con hãy nghĩ lại về chuyện này một chút đi. Đó không phải là chuyện con muốn làm.
- Có, con muốn làm thế. - Con bé đáp, vẫn không chịu nhìn lên.
Tôi liếc đồng hồ. Sắp đến giờ con bé phải về. Tôi rất ghét mỗi khi nó cư xử thế này. Tôi bước đến chỗ nó đang ngồi, quỳ xuống cạnh nó.
- Có chuyện gì vậy, cưng? Tại sao con không muốn đi? Cô nghĩ con sẽ thích khi được học trong một lớp học bình thường mà.
Con bé nhún vai.
Tôi nhấc quyển sách ra khỏi tay nó để buộc nó phải nhìn tôi.
- Sheil, cô muốn nghe ý kiến của con. Con biết cô không thể gửi con vào lớp đó nếu con lại gây rắc rối. Con đã bắt bí được cô chỗ đó, bởi vì cô không muốn cô Ginsberg gặp rắc rối. Nhưng con không thể nào làm vậy được.
- Con sẽ làm vậy mà.
- Sheil…
Cuối cùng nó cũng nhìn thẳng vào mắt tôi, đôi mắt xanh biếc của nó đã rơm rớm.
- Sao cô lại không muốn có con trong lớp này nữa vậy?
- Cô chưa bao giờ nói thế cả. Cô muốn có con trong lớp này. Dĩ nhiên là cô muốn có con trong lớp này rồi. Nhưng cô muốn con biết được điều gì xảy ra trong một lớp học bình thường, để sau này con có thể hòa nhập vào một lớp như thế.
- Con biết một lớp học bình thường là thế nào rồi. Con đã ở đó trước khi đến đây mà. Con muốn được ở trong cái lớp điên khùng này.
Đồng hồ điểm năm giờ.
- Sheila, nghe này, chúng ta không còn thời gian nữa. Con sẽ phải chạy đi đón xe buýt kẻo nhỡ mất. Cô sẽ nói thêm với con về việc này vào sáng mai.
Sheila không chịu bàn bạc thêm về việc này nữa, và con bé đã làm đúng những gì nó nói. Sáng thứ Hai, tôi gửi nó sang lớp cô Ginsberg để nó học ba mươi lăm phút toán. Chỉ sau mười lăm phút đầu tiên Anton đã phải vào lôi nó ra. Con bé đã xé vụn mấy tờ giấy, ném bút chì đi lung tung và ngáng chân mấy đứa học sinh lớp hai ngờ nghệch đến tội nghiệp to gấp đôi nó. Anton lôi con bé ra lúc nó đang vùng vẫy và la hét. Nhưng ngay khi Anton
lôi nó về lớp tôi, nó lập tức ngừng quấy phá. Một nụ cười thỏa mãn nở trên môi nó. Tôi ngồi phịch xuống một cái ghế bên cạnh Max và che mắt lại khi Anton đưa con bé đến chỗ góc lớp và bắt nó ngồi yên đó.
Tôi giận run. Nhưng tôi biết giờ không phải thời điểm để trách mắng nó. Khi đã bình tĩnh lại, tôi bảo nó có thể ra khỏi chỗ góc lớp và tham gia cùng chúng tôi, rồi tôi tiếp tục làm việc theo thời gian biểu bình thường của lớp.
Sau khi có những hành động coi thường tôi như vậy, Sheila cũng tỏ ra hoảng sợ. Suốt ngày hôm đó con bé cứ nhìn tôi, lẽo đẽo theo tôi để đảm bảo rằng tôi không ghét bỏ nó. Ngoài ra, việc tôi không hề trách mắng gì nó về chuyện nó đã gây ra ở lớp cô Ginsberg khiến nó thêm hoang mang. Một lần nó hỏi tôi khi nào thì tôi sẽ nổi giận với nó. Tôi mỉm cười. Vì không muốn nó nghĩ rằng sự thờ ơ đột ngột của tôi là một dấu hiệu khác cho thấy tôi muốn từ bỏ nó, thế nên tôi bảo nó rằng chúng tôi sẽ nói về vấn đề này sau khi có nhiều thời gian hơn. Nhưng cả ngày hôm ấy nó vẫn đứng ngồi không yên, lẽo đẽo đi theo tôi như một cái bóng, nhưng vẫn giữ khoảng cách.
Sau giờ tan học, tôi đưa bọn trẻ ra trạm xe buýt. Khi quay lại lớp học, tôi thấy Sheila đang đứng dựa vào một bức tường cạnh chỗ để chuồng thú, mắt nó mở to và đầy sợ hãi. Tôi hất đầu về phía một cái bàn.
- Đến đây nào cưng. Cô nghĩ đã đến lúc chúng ta nói chuyện rồi.
Con bé lưỡng lự bước đến, ngồi trên một cái ghế ở đối diện tôi. Mặt nó lộ rõ vẻ lo lắng, mắt nó vẫn mở to.
- Cô giận con à?
- Về chuyện sáng nay ư? Chắc chắn là sáng nay cô có giận, nhưng bây giờ thì không. Cô chỉ muốn biết có chuyện gì đang xảy ra với con. Cô thực sự không hiểu tại sao con lại không muốn đi. Tuần trước con đã không chịu nói chuyện với cô về việc này. Thế nên cô muốn biết tại sao. Con thường có những lý do thỏa đáng để giải thích những điều con làm; cô tin là con có lý do chính đáng.
Nó nhìn tôi chăm chăm.
- Sao nào?
- Đây thì là lớp của con. – Con bé đáp, dùng từ "thì" theo một cách gần như đã trở thành bản năng của nó.
- Đúng vậy. Cô không muốn loại con ra khỏi đây. Đó chỉ là ba mươi lăm phút trong cả một ngày dài mà thôi. Ngoài ra, cô thấy đã đến lúc con bắt đầu nghĩ đến một lớp học bình thường cho năm tới rồi đó.
- Con không học lớp học bình thường nào cả. Đây thì là lớp của con.
Tôi nhìn nó một lúc lâu.
- Sheil, đã tháng Năm rồi. Chỉ còn vài tuần nữa là năm học kết thúc. Cô thấy đã đến lúc suy nghĩ cho năm học tới rồi.
- Con sẽ ở đây vào năm tới.
Tim tôi thắt lại. Tôi khẽ đáp lời nó:
- Không.
Mắt nó như tóe lửa.
- Con sẽ ở đây vào năm tới! Con sẽ là đứa trẻ hư nhất trên đời này. Con sẽ làm những điều khủng khiếp và sau đó họ sẽ để cho cô giữ con. Họ sẽ không để cho cô đuổi con đi đâu.
- Ôi trời ơi, Sheil… - Tôi rền rĩ.
- Con sẽ không đi đâu hết. Con sẽ lại hư hỏng cho coi.
- Chuyện này không phải như thế đâu, cưng ơi. Cô không đuổi con đi đâu cả. Lạy Chúa, Sheila, nghe cô nói được không?
Con bé lấy tay bịt chặt hai tai lại.
Nó nhướn đôi mắt bừng bừng lửa giận nhìn tôi. Ánh mắt đầy phẫn nộ và tổn thương. Cái tia sáng của sự trả thù đang lấp lóe trong đó.
- Năm sau lớp học này sẽ không còn ở đây nữa.
– Tôi nói khẽ đến mức dường như không thành riếng. Vậy mà con bé vẫn nghe được, dù nó đang bịt chặt tai lại.
Như bị một đợt sóng tràn qua, vẻ mặt giận dữ của nó biến mất, nó buông tay ra. Cơn giận đã bị rút đi hết, giờ trông nó tái mét.
- Ý cô là sao? Thế nó dời đi đâu?
- Lớp học này sẽ không còn ở đây nữa. Hội đồng nhà trường đã quyết định rằng họ không cần nó nữa. Mọi người có thể chuyển sang những lớp học khác.
- Không cần nó nữa? – Con bé thét lên. – Dĩ nhiên là họ cần nó! Con cần nó! Con vẫn còn khùng điên mà. Con cần một lớp học dành cho trẻ bị khùng điên. Peter cũng vậy. Và Max. Và Susie nữa. Tụi con vẫn là những đứa trẻ điên khùng mà.
- Không, Sheil ạ, con không điên. Cô cũng không biết hồi trước con có bị không nữa hay chỉ giả vờ thôi. Nhưng mà con không có điên. Đã đến lúc thôi không nghĩ như thế nữa rồi đấy.
- Vậy thì con sẽ phát điên. Con sẽ lại làm thật nhiều chuyện tồi tệ. Con sẽ không đi đâu cả.
- Sheil, cả cô cũng không ở đây nữa. Mặt nó đông cứng lại.
- Cô sẽ chuyển đi vào tháng Sáu. Sau khi năm học này kết thúc, cô sẽ đi. Thật khó để cô có thể nói chuyện này với con, vì cô biết chúng ta đã trở thành những người bạn tốt của nhau. Nhưng đã đến lúc rồi. Cô vẫn yêu con, không bớt đi một chút nào cả. Và không phải cô đi vì bất cứ điều gì con đã làm hay không làm. Đó là một quyết định của riêng cô. Một quyết định của người lớn.
Con bé vẫn đau đáu nhìn tôi. Nó chống cùi chỏ trên mặt bàn, hai bàn tay nhỏ xíu của nó đan vào nhau; nó nghiêng đầu tì má lên đôi bàn tay bé nhỏ ấy. Đôi mắt xanh thẳm của nó nhìn tôi đờ đẫn.
- Chuyện gì cũng kết thúc cả, Sheil ạ. Chúng ta đã có những khoảng thời gian thật tuyệt với nhau, và cô sẽ không đổi chúng lấy bất cứ thứ gì trên đời này. Con đã thay đổi rất nhiều, và cô cũng vậy, thật đấy. Chúng ta đã cùng nhau trưởng thành, và bây giờ là lúc để xem sự trưởng thành ấy tốt đẹp như thế nào. Cô nghĩ chúng ta đã sẵn sàng. Con cũng vậy. Cô nghĩ con đã sẵn sàng để tự mình thử làm việc đó. Con đã đủ lông đủ cánh rồi.
Những giọt nước mắt bỗng dâng lên mắt con bé và trào ra ngoài, lăn nhanh trên hai gò má bầu bĩnh của nó rồi chảy xuống cằm nó. Nhưng nó vẫn ngồi bất động và không chớp mắt, mặt vẫn tì vào tay. Tôi không còn biết phải nói thêm nữa. Tôi thường quên mất là con bé chỉ mới sáu tuổi. Thậm chí đến tháng Bảy này nó mới được bảy tuổi. Tôi đã quên mất, vì đôi mắt của nó trông mới già dặn làm sao.
Nó từ từ đặt tay lên bàn và gục xuống. Nó ngồi đó một lúc, vẫn không gạt những giọt nước mắt đang rơi lã chã. Tuyệt nhiên không nghe một tiếng khóc nào. Sau đó nó đứng dậy, quay lưng đi về góc phòng và ngồi xuống giữa đống gối ngổn ngang trên sàn nhà. Con bé thừ người ra, lấy tay che mặt lại. Vẫn không có tiếng khóc nào.
Tôi ngồi đó trong im lặng, cảm nhận được sâu sắc nỗi đau của con bé, mà tôi nghĩ cũng là nỗi đau của chính tôi. Phải chăng tôi đã dính vào chuyện này quá sâu? Cho dù con bé thật sự có tiến bộ, nhưng phải chăng tôi đã để nó quá phụ thuộc vào tôi? Liệu có tốt hơn không khi cứ để con bé như lúc tôi vừa biết nó hồi tháng Giêng, chỉ đơn giản là dạy dỗ nó một cách bình thường, thay vì tập cho nó quen với những thử thách hàng ngày của việc yêu thương một ai đó? So với tất cả đồng nghiệp của mình, tôi luôn là kẻ không tuân theo nguyên tắc. Tôi thuộc dạng thà-yêu-thương-rồi-mất-mát, một khái niệm không phổ biến lắm trong lĩnh vực giáo dục. Tôi từng kinh qua nhiều khóa học dành cho giáo viên, và các chuyên gia đều nhấn mạnh rằng đừng để mình dính quá sâu vào bất kỳ trường hợp nào. Tôi không thể làm như thế được. Tôi không thể giảng dạy hiệu quả nếu không dính vào quá sâu, và trong tim mình tôi biết rằng bởi vì tôi thuộc tuýp người thà-yêu-thương-rồi-mất-mát như thế, cho nên khi mọi chuyện kết thúc tôi có thể ra đi. Chuyện đó luôn rất đau đớn. Càng yêu thương một đứa trẻ bao nhiêu, thì tôi càng đau đớn bấy nhiêu. Nhưng khi đến lúc chúng tôi buộc phải chia tay nhau, hay tôi thực sự phải đầu hàng trước một trường hợp nào đó sau khi đã cố gắng hết sức, tôi sẽ ra đi. Tôi có thể làm được như thế, bởi vì tôi luôn mang theo những kỷ niệm vô giá về những điều mà chúng tôi đã có, tin rằng con người không thể cho nhau cái gì tuyệt vời hơn là những kỷ niệm đẹp. Tôi không thể làm được gì hơn để đảm bảo Sheila sẽ có được hạnh phúc, ngay cả khi tôi có ở bên Sheila trong suốt quãng đời học sinh còn lại của con bé. Chỉ có nó mới có thể làm được điều đó. Tất cả những gì tôi có thể cho nó là tình yêu và thời gian của tôi. Khi đến lúc phải kết thúc, thì cuộc chia tay này chỉ có thể đau đớn đến thế là cùng. Cuối cùng thì những nỗ lực của tôi sẽ chỉ còn là những kỷ niệm.
Vậy mà khi nhìn con bé, tôi vẫn lo rằng chúng tôi đã không có đủ thời gian để làm lành những vết thương của nó, rằng nó vẫn chưa đủ mạnh mẽ để chịu đựng được cách giáo dục đầy đau đớn của tôi. Dù tôi có nghĩ rằng cách làm của mình là đúng đắn, thì có thể tôi đã không công bằng với con bé khi không cho nó bất kỳ lựa chọn nào khác. Nhưng tôi phải làm gì đây? Tim tôi đau nhói khi nghĩ rằng rốt cuộc thì người ta đã sai lầm khi giao cho tôi đứa trẻ này, đứa trẻ mà tôi đã làm nó tổn thương thay vì giúp đỡ nó.
Tôi chậm rãi đứng dậy và đến chỗ con bé. Nó vẫn không phát ra âm thanh nào, ngoại trừ những tiếng nức nở.
- Đi đi. – Nó nói khẽ khàng nhưng quả quyết qua hai bàn tay đang che mặt.
- Tại sao? Vì con đang khóc ư?
Nó bỏ tay xuống và thoáng nhìn tôi.
- Không. – Nó ngừng lại. – Bởi vì con không biết phải làm gì.
Tôi ngồi đối diện nó, lấy một cái gối và tựa lưng vào. Lần đầu tiên tôi không muốn vòng tay ôm nó để dỗ dành cho nó vơi bớt nỗi đau. Thái độ chững chạc của nó trở nên hữu hình đến mức nó giống như một cái áo khoác đang choàng lên người con bé. Lúc đó chúng tôi ngang nhau, không có người lớn, không có trẻ con. Tôi không còn là người thông thái hơn, khôn lanh hơn, mạnh mẽ hơn nữa. Về bản chất chúng tôi đã ngang nhau.
- Sao cô không ở lại để làm con vui? - Cuối cùng nó hỏi.
- Bởi vì cô không phải là người có thể làm con vui. Mà là chính con. Cô chỉ ở đây để cho con biết có người quan tâm đến con khi con tốt hay con xấu. Rằng có người quan tâm đến những chuyện xảy ra với con. Và dù cô có ở đâu đi chăng nữa, cô sẽ luôn quan tâm đến con.
- Cô cũng giống mẹ con mà thôi. – Nó nói. Giọng của nó rất nhẹ nhàng và không có vẻ gì là buộc tội cả, như thể nó đã hiểu được mọi chuyện xảy ra thế nào và tại sao lại như thế.
- Không, cô không giống, Sheil ạ. - Tôi nhìn nó.
– Hoặc cũng có thể là cô giống bà ấy. Có thể lúc mẹ con để con lại, bà ấy cũng cảm thấy khó khăn như cô lúc này. Có thể bà ấy cũng đã rất đau đớn.
- Bà ấy chưa bao giờ thực sự yêu con. Bà ấy yêu em trai của con hơn. Bà ấy bỏ con lại trên đường cao tốc như một con chó vậy. Cứ như là con chẳng liên quan gì đến bà ấy vậy.
- Cô không biết nữa. Cô không biết bất cứ điều gì về mẹ con, cô cũng không biết lý do vì sao bà ấy lại làm điều đó với con. Sheila à, thật sự là con cũng không hiểu được đâu. Con chỉ biết là chuyện này khiến con có cảm giác thế nào. Nhưng con phải hiểu mẹ con và cô khác nhau. Cô không phải là mẹ con. Dù con có muốn như thế thì cô cũng không phải bà ấy.
Những giọt nước mắt lại tuôn trào. Con bé bâng quơ nghịch cái cạp quần mình.
- Con biết.
- Cô biết là con biết. Nhưng cô cũng biết là con đã mơ như thế. Cô nghĩ có những lúc cô cũng đã mơ như thế. Nhưng chuyện đó cũng chỉ là ước mơ của chúng ta thôi. Cô là cô giáo của con, và khi năm học kết thúc, cô chỉ còn là bạn của con mà thôi. Nhưng cô sẽ là bạn con. Chỉ cần con vẫn muốn cô là bạn con, thì cô sẽ luôn là thế.
Con bé nhìn lên.
- Điều con không hiểu được đó là tại sao những điều tốt đẹp luôn phải kết thúc.
- Chuyện gì rồi cũng phải kết thúc thôi.
- Một số thứ thì không. Những chuyện xấu xa không kết thúc. Chúng không bao giờ biến mất cả.
- Có, chúng sẽ biến mất. Nếu con để chúng biến mất, chúng sẽ biến mất. Dĩ nhiên là thỉnh thoảng nó không nhanh như chúng ta muốn, nhưng rồi chúng sẽ kết thúc. Điều không bao giờ kết thúc là cách chúng ta cảm nhận về nhau. Thậm chí khi con đã lớn và ở một nơi nào đó cách xa nơi đây, con vẫn có thể nhớ về những quãng thời gian tuyệt vời mà chúng ta đã có khi ở bên nhau. Thậm chí khi con đang gặp rất nhiều chuyện tồi tệ và có vẻ như chúng sẽ không bao giờ thay đổi, thì con vẫn có thể nhớ đến cô. Và cô sẽ luôn nhớ đến con.
Bỗng con bé mỉm cười, chỉ là một nụ cười nhẹ, và rất buồn bã.
- Đó là bởi vì chúng ta đã cảm hóa nhau. Cô nhớ cuốn sách đó không? Cô có nhớ hoàng tử bé đã tức giận như thế nào vì cậu ấy đã phải vượt qua tất cả những rắc rối như thế để cảm hóa con cáo, và bây giờ con cáo lại khóc bởi vì cậu ta phải đi không?
Con bé cười khi tự ngẫm lại những luồng ký ức đang diễn ra trong đầu nó, hầu như không còn biết đến sự hiện diện của tôi nữa. Nước mắt trên má nó đã khô.
- Và con cáo đó đã nói rằng dù sao đi nữa thì chuyện này cũng rất tuyệt, vì nó sẽ luôn nhớ đến những cánh đồng lúa mì. Cô có nhớ không?
Tôi gật đầu.
- Chúng ta đã cảm hóa nhau, có phải không?
- Chắc chắn rồi.
- Khi cảm hóa ai đó, cô phải khóc, có phải không? Trong quyển sách đó họ cứ khóc suốt, mà con thì chưa bao giờ biết chính xác tại sao lại như thế. Con luôn nghĩ rằng người ta chỉ khóc khi bị ai đánh.
Tôi lại gật đầu.
- Rất có thể con sẽ phải khóc khi để ai đó cảm hóa mình. Có vẻ như đó là một phần của việc bị cảm hóa.
Sheila mím chặt môi lại và gạt những giọt nước mắt cuối cùng trên mặt mình.
- Chuyện đó vẫn vô cùng đau đớn, có phải không?
- Phải, chắc chắn là nó vô cùng đau đớn chứ.