CHƯƠNG 18
Tôi quyết định hoạt động quan trọng cuối cùng trước khi kết thúc năm học là lớp tôi sẽ tổ chức một chương trình để mừng Ngày của Mẹ. Một trong những bi kịch lớn nhất trong ngành giáo dục đặc biệt đó là những đứa trẻ đặc biệt hầu như không bao giờ được tham gia vào các hoạt động vui chơi truyền thống dành cho trẻ em bình thường. Với những đứa trẻ đặc biệt, chỉ cần lây lất qua ngày đã là một thành quả đáng kể đối với chúng rồi. Tôi ghét điều này. Chỉ "lây lất qua ngày" là một cuộc sống không đáng sống. Chúng ta đều biết rằng người ta muốn ăn một cái bánh đơn giản vì lớp kem phủ trên bánh chứ không hẳn do chính cái bánh đó. Thế nên tôi cố gắng bù đắp sự thiếu hụt này bằng cách tạo ra một số hoạt động phổ biến trong chương trình học của trẻ em bình thường cho lớp của mình.
Nghĩ ra một chương trình để những đứa trẻ như Susannah, Freddie và Max có thể tham gia là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Nhưng với sự giúp đỡ của những người bạn chuyên tham gia các hoạt động xã hội của cha mẹ tôi, chúng tôi đã chọn được vài bài hát, một hai bài thơ, và một vở kịch về rất nhiều loại hoa và nấm vẫn thường nở rộ vào mùa xuân.
Bọn trẻ rất háo hức với sự kiện này, chỉ có Peter là tỏ ra không mặn mà lắm vì nó muốn thực hiện một vở kịch khác mà theo nó là hấp dẫn hơn. Hầu hết bọn trẻ đều đã xem bộ phim Phù thủy xứ Oz được chiếu đi chiếu lại trên ti-vi hàng năm, và cứ khăng khăng đòi chúng tôi phải tập vở này. Tôi giải thích rằng chỉ với năm diễn viên có thể tin tưởng được, lại thêm chuyện chỉ có Sheila là có thể đọc thuần thục, thì việc này hơi khó thực hiện. Peter kiên quyết bảo rằng nó sẽ không đóng vai bất cứ đóa hoa nào cả, và thay vào đó nó muốn đóng vai Người Thiếc. Sarah đồng ý. Bọn trẻ đã từng đóng vở Phù thủy xứ Oz ngoài sân chơi rồi, và con bé nghĩ vở kịch đã thành công tốt đẹp. Cuối cùng tôi đành đầu hàng, bảo rằng nếu Peter và Sarah có thể phát triển một kịch bản trong đó bao gồm vai diễn cho Freddie và cả những đứa khác nữa, kể cả Guillermo, thì tôi sẽ để chúng diễn vở này.
Thế là chúng tôi bắt đầu tập. Thật ra chúng tôi đã tập những bài hát từ hồi tháng Tư, nhưng mãi đến khi Sheila quay trở lại trường học vào tháng Năm thì mới có sự thay đổi kịch bản từ phía Peter. Như vậy rõ ràng là vở kịch mừng Ngày của Mẹ của chúng tôi sẽ được diễn hơi muộn một chút. Tôi thường xuyên cảm thấy mình phải biết ơn Sheila vì cái trí nhớ tuyệt vời của con bé. Nó có một giọng hát khá ổn và có thể nhớ được bất cứ phần việc nào mà nó được giao. Thế nên tôi giao cho nó rất nhiều nội dung của chương trình, và cho cả Max nữa, bởi chính sự khiếm khuyết của thằng bé đã giúp nó có khả năng lặp lại rất nhiều lần những câu hát hay câu thoại, mặc dù nhiều lúc người ta không yêu cầu nó làm thế.
Tôi hỏi Sheila xem liệu con bé có muốn cha nó đến xem không. Phụ huynh của rất nhiều học sinh khác sẽ đến, vì mặc dù vở kịch này là để mừng Ngày của Mẹ, nhưng đây là một cơ hội hiếm hoi để các bậc cha mẹ có thể nhìn thấy con mình tham gia vào một hoạt động vui vẻ và sôi nổi của trường. Bên cạnh đó, tôi muốn gia đình của tất cả các học sinh đều có thể tham gia vào bất cứ hoạt động nào của trường. Thế nên tôi hỏi Sheila về cha nó, và tôi biết rằng nếu con bé muốn ông có mặt, thì chúng tôi sẽ phải có những sự sắp xếp đặc biệt để ông ta có thể tham gia.
Con bé nhăn mặt một lát để suy nghĩ:
- Ông ấy sẽ không đến đâu.
- Nếu ông ấy muốn đến dự thì chú Anton có thể đi đón ông ấy. Chỉ cần chúng ta biết trước thì việc này không khó lắm đâu.
- Dù có như thế thì con nghĩ ổng cũng không đến đâu. Ông ấy không có thích mấy thứ của trường học lắm.
- Nhưng cha con có thể thấy con diễn kịch và nghe con hát. Cô tin là cha con sẽ tự hào lắm khi thấy con làm tất cả những chuyện đó.
Tôi ngồi xuống một cái ghế nhỏ để có thể nói chuyện dễ hơn với nó.
- Con biết không, Sheil, con đã thực sự tiến bộ rất nhiều so với hồi con mới đến đây hồi tháng Giêng. Cứ như con đã trở thành một đứa trẻ hoàn toàn khác vậy. Con không còn gặp nhiều rắc rối như hồi trước nữa.
Con bé gật đầu một cách dứt khoát:
- Hồi đó lúc nào con cũng đập phá đồ đạc. Nhưng mà bây giờ thì con không có như thế nữa. Và con từng không có nói chuyện khi con tức giận. Con từng là một đứa trẻ hư.
- Con đã tiến bộ nhiều lắm, cưng à. Và con biết gì không? Cô tin chắc là cha của con sẽ muốn thấy con đã làm tốt như thế nào. Cô nghĩ ông ấy hẳn sẽ rất tự hào về con, bởi cô nghĩ ông ấy chưa nhận thấy được rằng con quan trọng như thế nào trong lớp học này.
Sheila lại ngẫm nghĩ một thoáng trước khi quan sát tôi với đôi mắt linh lợi của nó.
- Cũng có thể ông ấy sẽ đến. Tôi gật đầu.
- Có thể ông ấy sẽ đến.
Buổi sáng hôm diễn ra chương trình, Chad đến lớp và mang theo một cái hộp rất to. Anton đang chuẩn bị đạo cụ, còn Sheila thì đang đánh răng. Nhìn thấy anh, tôi vô cùng ngạc nhiên.
- Anh đang làm gì ở đây vậy?
- Anh đến để gặp Sheila.
Sheila phấn khích nhảy xuống khỏi cái ghế nó đang đứng và chạy lại chỗ Chad.
- Nhổ kem đánh răng ra đã. – Chad dặn nó. Nó chạy vội trở lại chỗ bồn rửa mặt và vài giây sau đã quay lại, môi vẫn dính đầy kem đánh răng. – Chú nghe nói hôm nay con sẽ diễn một vở kịch đúng không?
- Đúng rồi! - Nó hét toáng lên, nhảy nhót xung quanh anh vì quá phấn khích. – Con sẽ đóng vai Dorothy và Torey sẽ tết bím cho con. Và con sẽ hát một bài hát và đọc một bài thơ, và cha con sẽ đến đây và xem con diễn!
Nói xong câu này thì nó hết hơi, và phải nói câu cuối thật nhanh.
- Chú sẽ đến xem chứ?
- Không. Nhưng chú có mang theo một món quà để chúc cho buổi diễn đầu tiên của con được may mắn.
Mắt Sheila mở to:
- Cho con sao?
- Phải, cho con.
Trong niềm hân hoan, con bé ôm lấy hai đầu gối của anh với một sự khoái trá đến mức Chad loạng choạng suýt ngã.
Tôi biết trong cái hộp ấy có gì – một chiếc đầm dài màu đỏ, trắng và xanh với viền đăng ten quanh đường xẻ phía trước. Cái đầm này rất đẹp và đắt tiền. Chad đã mua nó trong chuyến công tác đến New York mới đây. Tôi đã kể cho Chad nghe chuyện về cái đầm cũ, về cái cảm giác bị tổn thương của con bé khi nó thấy những chiếc đầm tương tự như vậy. Vì thế anh đã mua một cái đầm dài chứ không phải đầm ngắn. Hôm anh ghé qua để cho tôi xem cái đầm, mắt anh lấp lánh niềm vui hệt như một cậu bé. Tôi nhìn anh, có thể hình dung ra cảnh anh đứng trong những cửa hàng ở New York, thân hình to cao như một cầu thủ bóng bầu dục của anh lóng ngóng giữa những dãy móc nhỏ xíu treo những bộ đầm dành cho bé gái; tay anh huơ huơ để cố gắng miêu tả cho các nhân viên bán hàng hình dung được cô bé đặc biệt ở Iowa, và anh cần một cái đầm cũng phải thật đặc biệt cho cô bé ấy. Trông anh ngời lên sự tự tin vững chắc rằng mình đã tìm ra được điều mà Sheila luôn mơ ước. Anh tin nó sẽ xóa sạch vết tích kinh hoàng của chuyện xảy ra hồi tháng trước, giúp con bé tận hưởng được niềm hạnh phúc mầu nhiệm như lần kết thúc phiên tòa vừa rồi.
Sheila xé lớp giấy gói và mở nắp thùng ra. Con bé lưỡng lự một thoáng, nhìn vào lớp khăn giấy vẫn còn che một phần món quà đang nằm trong hộp. Nó chậm chạp cầm cái đầm lên. Mắt con bé mở to và tròn xoe. Chad quỳ xuống cạnh nó. Con bé quay sang nhìn anh.
Rồi nó thả chiếc đầm trở vào hộp, cúi đầu thì thầm bằng giọng khàn khàn:
- Con sẽ không mặc đầm nữa đâu.
Chad bối rối quay sang nhìn tôi, sự thất vọng hiện rõ trên gương mặt anh. Tôi bước đến và quỳ xuống cạnh hai chú cháu.
- Con không nghĩ lần này sẽ ổn sao? Nó lắc đầu.
Tôi nhìn Chad.
- Nếu được, em nghĩ anh cứ để em nói chuyện riêng với Sheila một lúc.
Tôi đứng dậy và bế Sheila ra chỗ để mấy cái chuồng thú. Tôi biết hẳn lúc này Chad đang cảm thấy vô cùng bối rối. Tôi cũng biết rằng Sheila đang rất đau khổ. Con bé rất yêu những thứ đẹp đẽ, và cái đầm mà Chad mua thật là tuyệt vời, nó còn đẹp hơn cái đầm đỏ trắng mà anh đã mua cho nó hồi tháng Ba nhiều. Tuy nhiên, những điều đã xảy ra với con bé vẫn còn quá mới mẻ, vết thương của nó vẫn chưa liền miệng.
Mặt con bé nhăn nhó khổ sở, mắt nó ngân ngấn nước. Nó lại ấn ngón tay vào hai bên thái dương để cố ngăn không cho những giọt nước mắt trào ra. Nhưng lần đầu tiên kể từ ngày vào lớp học của tôi, con bé không thể làm được điều này. Nước mắt lăn dài trên má con bé như những dòng suối nhỏ, và nó òa khóc nức nở.
Cuối cùng cũng đến lúc này. Điều mà tôi chờ đợi suốt những tháng qua, điều tôi biết sớm muộn gì cũng phải xảy ra, giờ đã xảy ra.
Tôi ngồi lặng im bên nó chừng vài phút. Tôi vẫn nghĩ rồi cũng sẽ có ngày này, nhưng khi nhìn thấy con bé thật sự khóc, tôi không khỏi ngạc nhiên, ngạc nhiên đến mức tôi chẳng biết làm gì ngoài việc cứ ngồi nhìn nó. Tôi kéo nó vào lòng, ôm nó thật chặt. Con bé bấu chặt lấy áo tôi, tôi có thể cảm nhận được cơn đau nhè nhẹ khi những ngón tay của nó bấu vào da thịt mình. Khi nó đã hoàn toàn mất kiểm soát và rõ ràng là sẽ không thể bình tĩnh trở lại, tôi bế nó lên rồi bước ra khỏi chỗ mấy cái chuồng thú. Tôi cần phải đi đâu đó, một nơi yên tĩnh để khi bọn trẻ đến chuẩn bị cho chương trình thì chúng tôi không bị làm phiền.
- Anh đã làm gì sai sao? – Chad lo lắng hỏi, gương mặt hiền lành của anh nhăn lại khổ sở. – Anh không có ý…
Tôi lắc đầu.
- Đừng lo. Anh cứ để cái đầm ở đó. Em sẽ sớm quay lại với anh, được chứ?
Rồi tôi quay sang Anton:
- Anh có thể lo liệu mọi thứ ở đây một lúc được không?
Nơi duy nhất hoàn toàn yên tĩnh mà tôi có thể nghĩ đến là nhà kho chứa sách. Tôi vừa bế Sheila vừa mang theo một cái ghế nhỏ dành cho trẻ con đến chỗ nhà kho. Tôi mở khóa bước vào và đóng chặt cửa lại. Tôi đặt cái ghế tựa vào một chồng sách và ngồi xuống, chỉnh lại tư thế cho Sheila để nó thoải mái hơn.
Con bé vẫn còn khóc nức nở, tuy không còn dữ dội như lúc đầu nữa. Nhưng nó vẫn khóc, khóc hoài, khóc mãi. Tôi chỉ biết ôm nó, đung đưa cái ghế để nó cảm thấy được vỗ về hơn. Ban đầu, tâm trí tôi vẫn còn suy nghĩ vơ vẩn, tự hỏi không biết làm sao mà Anton có thể xoay xở khi chỉ có mình anh với bọn trẻ, chúng đang vô cùng phấn khích với vở kịch. Rồi tôi nghĩ đến chương trình sắp diễn ra, không biết rồi nó sẽ thế nào khi Sheila đang ở trong tình trạng như thế này.
Cuối cùng Sheila cũng ngưng khóc. Giờ con bé chỉ còn phát ra những tiếng nấc run rẩy. Cơ thể nó nhũn ra vì mệt. Căn phòng nhỏ ấy thật ẩm ướt và nóng nực. Người cả hai chúng tôi đều ướt đẫm, cả mồ hôi, nước mắt và nước dãi hòa lại với nhau. Tôi vuốt mái tóc mềm mại của nó cho gọn gàng, tự hỏi điều gì đã xảy ra trong đầu nó khi chính món quà của Chad là cột mốc cuối cùng khiến nó bật khóc như thế này.
- Con cảm thấy khá hơn chút nào chưa? - Tôi nhẹ nhàng hỏi nó.
Con bé không trả lời mà dựa hẳn vào người tôi. Cơ thể nó run lên với những tiếng nấc nghẹn ngào.
- Con muốn nôn quá.
Tôi đứng bật dậy, bế thốc nó lên, chạy ào vào cái toa-lét ở góc phòng. Con bé trông mệt lả, mặt nó đỏ bừng và sưng vù, bước chân nó loạng choạng. Những vết kem đánh răng trắng nhờ nhờ vẫn còn hiện loáng thoáng trên cằm nó. Tôi bế nó lên.
- Thỉnh thoảng khi con khóc thật nhiều, thì con sẽ cảm thấy như vậy đó.
Con bé gật đầu:
- Con biết.
Giữa chúng tôi có một cái ghế, nhưng nó vẫn bám vào tôi, dựa hẳn vào cái áo ướt đẫm của tôi. Chúng tôi ngồi yên như thế một lúc, không nói gì cả.
- Con có thể nghe thấy tiếng tim cô đập ở đây nè. – Con bé khẽ khàng.
Tôi xoa nhẹ đầu nó.
- Con có nghĩ chúng ta nên quay trở lại lớp không? Chắc bây giờ đang là giữa tiết toán rồi.
- Không.
Sự im lặng lại bao trùm quanh chúng tôi. Hàng triệu suy nghĩ quay cuồng trong đầu tôi, không có suy nghĩ nào có thể diễn tả được thành lời cả.
- Tor?
- Sao cưng?
- Tại sao chú Chad lại mua cho con cái đầm đó?
Tôi giật mình. Phải chăng Sheila nghĩ rằng
Chad mua cho nó cái đầm với mục đích là làm cái trò gớm ghiếc kia như chú Jerry của nó sao? Nếu quả là như vậy thì cái suy nghĩ đó hẳn phải rất kinh khủng đối với con bé. Đó chỉ là suy đoán của tôi, nhưng nó khiến tôi quyết định sẽ không trả lời con bé rằng Chad làm như thế vì "tình yêu".
- Vì cô đã kể cho chú ấy nghe rằng cái đầm kia của con bị hư rồi. Chú ấy nghĩ có lẽ con sẽ thích một cái gì đó thật đẹp để mặc khi diễn kịch. – Tôi vừa nói vừa luồn ngón tay vào mái tóc mượt như lụa của con bé. – Cô đã quên không kể cho chú ấy nghe rằng con không mặc đầm nữa. Đó là lỗi của cô.
Con bé không trả lời.
- Con biết mà, đúng không? Con biết chú Chad sẽ không bao giờ làm những chuyện như chú Jerry của con đã làm với con. Chú ấy biết rằng không được làm như thế với những đứa bé gái. Chú ấy mang cái đầm đến không phải để làm tổn thương con. Chú ấy sẽ không bao giờ làm tổn thương con đâu.
- Con biết. Con không có ý khóc đâu.
- Ôi, cưng ơi, không sao đâu mà. Chú Chad biết mọi việc đã rất khó khăn đối với con. Không ai thấy phiền khi con khóc đâu. Đôi khi đó là cách duy nhất để làm mọi thứ dễ chịu hơn. Tất cả chúng ta đều biết như thế. Nên không ai thấy phiền gì khi con khóc đâu.
- Con muốn cái đầm đó. – Con bé khẽ nói, ngập ngừng. – Con rất thích nó. Con chỉ sợ, thế thôi. Và con không thể kiềm chế được mình.
- Được rồi. Không sao hết. Chú Chad hiểu những bé gái thì thế nào mà. Tất cả chúng ta đều hiểu mà.
- Con cũng không biết tại sao con lại khóc nữa. Con không biết chuyện gì đã xảy ra…
- Con đừng lo về việc này nữa.
Chúng tôi lại ngồi đấy, im lặng. Sau cùng, khi cảm thấy nó đã khá hơn, tôi khẽ nói:
- Sheil, mình phải quay về lớp. Tất cả các bạn đều đang trong lớp, và chỉ có một mình chú Anton ở đó thôi. Giờ cô có hai gợi ý này nè. Một là con có thể quay về cùng với cô, còn nếu con không muốn thế, thì con có thể vào phòng y tế và nằm nghỉ một chút.
- Con có phải về nhà vì đã bị nôn không?
- Không. Con không bị ốm hay gì hết. Con bé tuột khỏi lòng tôi.
- Con có thể nghỉ một chút được không? Con mệt quá.
Tôi giải thích với nhân viên trực phòng y tế rằng Sheila cần phải nằm nghỉ một chút, nhưng không cần phải về nhà, và tôi sẽ quay lại trong vòng nửa tiếng nữa khi gần đến giờ chơi. Cô ấy đưa cho chúng tôi một cái chăn. Tôi bế con bé và đặt nó lên giường, đắp chăn cho nó.
- Torey? – Con bé gọi khi tôi dém chăn cho nó.
– Cô có nghĩ là con vẫn có thể có cái đầm không? Con thực sự không phiền khi mặc nó đâu.
Tôi gật đầu và mỉm cười.
- Được chứ. Chú Chad đã để lại nó cho con mà. Tôi quay lại phòng y tế vào giờ ra chơi và thấy
Sheila đang ngủ. Nó ngủ suốt buổi sáng. Đến trưa, tôi quay lại một lần nữa để đánh thức nó dậy.
Cả L. Frank Baum và Judy Garland
(10) hẳn sẽ phải đội mồ sống dậy vào cái buổi chiều tháng Năm ấy. Ngoại trừ việc có cùng tên và các nhân vật với câu chuyện nổi tiếng của họ, thì vở kịch của bọn trẻ thật ra chẳng ăn nhập gì với quyển sách hay bộ phim này.
Sheila đóng vai Dorothy chủ yếu là vì con bé có khả năng suy nghĩ nhanh và chế ra lời thoại rất mau lẹ. Cả Tyler và Sarah đều muốn đóng vai này, và việc này dẫn đến một cuộc cãi vã không lấy gì làm hay ho lắm, đến mức suýt nữa thì nhóm sản xuất Sarah –Tyler đã phải rã đám. Nhưng có vẻ như Peter có toàn quyền phân vai cho vở kịch, và nó đã chọn Sheila. Tyler được giao cho một nhiệm vụ không mấy tốt đẹp là đóng vai tất cả những mụ phù thủy độc ác. Sarah thì biến thành con Bù nhìn. William đóng vai con sư tử hèn nhát, và Guiller đóng vai thầy phù thủy. Lạ lùng thay, Peter đã chọn Susannah đóng vai phù thủy Glenda tốt bụng, một vai cũng bị tranh giành rất nhiều. Lý do duy nhất giải thích cho lựa chọn này của thằng bé mà tôi có thể nghĩ đến đó là vì Susie quá xinh xắn nên con bé sẽ hóa thân thành một cô tiên rất dễ dàng mà thậm chí không cần mặc đồ hóa trang; nhưng Peter có những lý do của riêng mình mà nó không chịu tiết lộ. Freddie là Munchkin đơn độc và Max là một con khỉ cô đơn có cánh. Peter, dĩ nhiên, là Người Thiếc.
Chỉ có những bậc phụ huynh, giáo viên hay những người có một tình thương kỳ lạ đối với những đứa trẻ khôi-hài-một-cách-không-cố-ý này mới có thể nhận thức đúng giá trị của vở kịch Phù thủy xứ Oz của những học sinh lớp tôi. Sheila đã hoàn toàn bình phục sau những rắc rối ban sáng của mình và đã diện bộ váy mà Chad mang đến chứ nhất quyết không chịu mặc bộ đồ hóa trang mà Whitney đã làm cho nó. Con bé đã hoàn toàn tươi tỉnh trở lại sau hai tiếng đồng hồ nghỉ ngơi, và đang vừa nhảy nhót khắp nơi vừa huyên thuyên nói, hết đụng cái phông màn này lại va vào món đạo cụ khác. Còn Freddie thì không chịu nhúc nhích. Thằng bé chỉ ngồi yên một chỗ, trên đầu đội một cái mũ Munchkin kỳ dị, và thỉnh thoảng nó vẫy chào mẹ nó đang ngồi dưới hàng ghế khán giả. Có lần hai cẳng chân núc ních của nó đã gạt Sheila khiến con bé ngã nhào vào lòng nó. Cuối cùng Anton phải lôi nó ra khi vai diễn của nó trong vở kịch đã xong. Vai con sư tử hèn nhát là một vai đã được đo ni đóng giày cho William, và có lẽ bởi vì thằng bé biết rất rõ cảm giác sợ hãi là như thế nào, nó đã đóng vai đạt hơn hết thảy, thằng bé cứ run lẩy bẩy trên sân khấu suốt. Ngạc nhiên hơn cả là Susannah Joy đóng vai Glenda khá đạt. Con bé lướt đi trên sân khấu và nhún nhảy xung quanh, nó đang sống trên mây như thường lệ, tự lẩm bẩm nói một mình bằng một chất giọng có âm vực cao chót vót. Nhưng trong bối cảnh của vở kịch, việc này trông vô cùng tự nhiên.
Vấn đề lớn duy nhất trong suốt quá trình vở kịch diễn ra đó là khi Sheila trở nên vô cùng dài dòng trong những câu thoại của mình và thường cảm thấy có nhiệm vụ phải giải thích những phân đoạn của vở kịch phòng trường hợp khán giả không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Việc này khiến các diễn viên còn lại đứng ngây ra như phỗng, trong khi Sheila thì tỉnh bơ bắt đầu những tràng độc thoại dài đằng đẵng của mình. Cuối cùng, trong một lần con bé đang lảm nhảm nói như thế, Peter bước lên sân khấu và bảo nó hãy thôi đi.
Phần còn lại của chương trình rất tuyệt. Không ai quên lời thoại, bài thơ được đọc rất truyền cảm và bài hát thì được thể hiện với một niềm hân hoan cuồng nhiệt. Sau đó chúng tôi ăn bánh nướng và uống rượu punch, trong khi bọn trẻ cho cha mẹ chúng xem những thứ mà chúng đã làm ở trường.
Hôm ấy cha của Sheila đã tới xem. Ông vẫn mặc bộ quần áo nhàu nhĩ hôm nọ, cái bụng to tướng của ông khiến cái áo như muốn bục ra đến nơi, và người ông vẫn nồng nặc mùi nước hoa rẻ tiền. Ông cố gắng yên vị thân hình kềnh càng của mình trên một cái ghế bé tí. Suốt quãng thời gian chương trình diễn ra tôi cứ thầm cầu mong cái ghế ấy sẽ không gãy, vì nó cứ kêu cót két một cách đáng sợ mỗi lần ông cựa quậy. Lần đầu tiên tôi thấy ông cười với con gái mình khi con bé nhảy tưng tưng đến chỗ ông sau tiết mục biểu diễn của nó. Tôi nghĩ ông đã rất tử tế khi đến dự với tình trạng còn tỉnh táo, và trông ông cũng rất thích thú khi được tham gia cùng chúng tôi. Ông không nói lời nào về cái đầm mới của Sheila cả. Sau cùng, lúc buổi tiệc gần kết thúc, tôi đến chỗ ông và nói với ông rằng Chad đã mua cái đầm đó cho con bé. Ông nhìn con gái mình thật kỹ rồi quay sang tôi, đoạn lấy cái ví cũ sờn từ túi áo khoác ra.
- Tôi cũng chẳng có nhiều nhặn gì. – Ông khẽ nói. Tôi sợ đến cứng đờ cả người khi nghĩ rằng ông ta đang đề nghị được trả tiền cho cái đầm. Nhưng thực ra ông lại có ý khác. – Nếu tôi đưa cô ít tiền, cô sẽ đưa Sheila đi sắm vài bộ quần áo mặc hằng ngày hộ tôi chứ? Tôi biết con bé cần một cái gì đó để mặc và… ừ thì… phải có bàn tay phụ nữ lo những việc như thế…
Giọng của ông lạc đi, mắt ông nhìn sang chỗ khác:
- Nếu tôi giữ tiền… thì…cô biết đấy. Tôi không biết liệu… - Ông ngập ngừng. Trong tay ông là tờ mười đô-la nhăn nhúm.
Tôi gật đầu.
- Được, tuần sau tôi sẽ đưa cháu đi.
Ông mỉm cười với tôi, môi ông mím chặt vào nhau để nặn ra một nụ cười khó nhọc và buồn bã. Nói rồi ông quay lưng đi. Tôi nhìn theo, rồi nhìn xuống tờ tiền trong tay mình. Với số tiền này thì cũng không mua được gì nhiều. Nhưng ông ấy đã cố gắng, theo cách riêng của mình. Ông muốn đảm bảo số tiền đó sẽ được dùng để mua đồ cho con gái, chứ không phải là nướng vào vài chai bia. Tôi thấy mến người đàn ông này, và lòng tôi ngập tràn sự hối tiếc. Sheila không phải là nạn nhân duy nhất; cha con bé chắc chắn cũng cần và xứng đáng nhận được sự quan tâm giống như nó. Hẳn ông từng là một cậu bé mà nỗi đau và sự khổ nhục chưa lúc nào nguôi ngoai trong tim. Và bây giờ cậu bé ấy đã trở thành một người đàn ông. Giá như trên đời này có đủ người biết quan tâm, đủ người biết thương yêu người khác mà không toan tính, thì sẽ tốt biết mấy
- tôi buồn bã nghĩ.