Ngày tám tháng Giêng, con bé xuất hiện. Từ lúc tôi đồng ý nhận con bé cho đến buổi sáng con bé đến lớp, tôi không hề nghe tin tức gì, không nhận được hồ sơ nào, cũng không có được thông tin cơ bản nào. Tất cả những gì tôi biết được là những điều tôi đã đọc trong mẩu tin ngắn chỉ có 2 đoạn nằm dưới mục tranh vẽ trên trang sáu từ một tháng rưỡi trước. Nhưng tôi nghĩ điều đó không quan trọng, vì dù sao thì tôi cũng không thể chuẩn bị đầy đủ để đón nhận những gì sắp xảy đến.
Thầy Ed Somers đưa con bé đến. Thầy nắm chặt cổ tay con bé và kéo nó đi theo sau. Thầy Collins cũng đến dãy nhà phụ cùng thầy Ed. Thầy Ed nói với con bé:
- Đây là cô giáo mới của con. Và đây sẽ là lớp học mới của con.
Chúng tôi nhìn nhau. Tên con bé là Sheila. Con bé gần được sáu tuổi rưỡi, một bé gái nhỏ nhắn với mái tóc rối bù, ánh mắt thù địch và cơ thể bốc mùi kinh khủng. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy nó quá nhỏ. Tôi cứ nghĩ con bé phải lớn hơn. Có lẽ nó chỉ cao bằng một đứa bé ba tuổi. Con bé mặc chiếc quần yếm bằng vải bông cũ sờn và một chiếc áo thun sọc dành cho bé trai đã bạc màu, trông hệt như mấy đứa bé xuất hiện trong những chương trình tuyên truyền Hãy cứu lấy trẻ em.
- Chào con, cô tên là Torey.
Tôi nói bằng giọng thân thiện nhất và đưa tay nắm lấy tay con bé. Nhưng con bé không phản ứng gì cả. Cuối cùng tôi đành đón lấy cánh tay buông thõng của nó từ Ed.
- Đây là chị Sarah. Chị là người tiếp đón học sinh của lớp mình. Chị ấy sẽ chỉ con mọi thứ chung quanh.
Sarah đưa tay ra nhưng Sheila vẫn dửng dưng bất động, ánh mắt nhìn thẳng vào từng người chúng tôi. Sarah nắm lấy cổ tay con bé:
- Lại đây nào, nhóc. Tôi lên tiếng:
- Cô bé tên Sheila.
Nhưng Sheila phản ứng đầy giận dữ trước những cử chỉ thân mật ấy và giật mạnh tay lại, bước lùi ra sau. Con bé xoay người bỏ chạy nhưng thật may mắn, thầy Collins đang đứng ngay cửa ra vào và con bé lao thẳng vào người ông. Tôi tóm lấy cánh tay và lôi con bé trở lại phòng học.
Thầy Ed nói với vẻ lấy làm tiếc:
- Chúng tôi sẽ để cho cô trò làm quen với nhau.
Tôi đã để hồ sơ của con bé trong văn phòng cho cô.
Ngay khi thầy Ed và thầy Collins đi khỏi, Anton lập tức đóng cửa lại và khóa trái. Tôi lôi Sheila đến chỗ ngồi của tôi, nơi chúng tôi vẫn tụ tập cùng nhau để trò chuyện mỗi buổi sáng rồi đặt con bé xuống sàn nhà ngay phía trước tôi. Mấy đứa khác thận trọng tiến về phía chúng tôi. Giờ đây chúng tôi có mười hai người.
Chúng tôi luôn bắt đầu buổi sáng với màn "trò chuyện". Trường chúng tôi thường tổ chức tuyên thệ trước cờ và hát quốc ca trước giờ học, nhưng tôi cảm thấy chủ nghĩa yêu nước không phải là một chủ đề thích hợp với những đứa trẻ thậm chí không thể bộc lộ những nhu cầu cơ bản của mình. Thế nên tôi đã thu xếp và tổ chức những buổi trò chuyện gần gũi hơn. Bọn trẻ đều xuất thân từ những gia đình phức tạp và bị tan vỡ nên mỗi buổi sáng chúng tôi cần làm gì đó để hòa hợp với nhau dễ dàng hơn sau một đêm chia cách. Tôi cũng muốn làm gì đó để khuyến khích sự trao đổi và phát triển kỹ năng nghe hiểu của chúng. Trước tiên chúng tôi tiến hành tuyên thệ và tôi tận dụng điều đó rất hiệu quả bằng cách cho một đứa chịu trách nhiệm dẫn đầu, nghĩa là buộc cậu nhóc phải học thuộc lời tuyên thệ. Ngay cả việc học thuộc này cũng rất có ích vì nó sắp xếp từ ngữ theo một trật tự nhất định và có nghĩa. Sau đó tôi bắt đầu trò chuyện theo một "chủ đề". Chúng tôi thường thảo luận về những chủ đề có liên quan đến cảm xúc, chẳng hạn như nói về những điều khiến chúng ta vui vẻ, thoải mái, hay những chủ đề giúp bọn trẻ cùng nhau trao đổi cách giải quyết một vấn đề nào đó, chẳng hạn như ta sẽ làm gì khi thấy một người tự làm mình tổn thương. Những chủ đề gần gũi như vậy khiến mọi người dễ dàng tham gia vào câu chuyện hơn. Lúc đầu, tôi phải đưa ra chủ đề nhưng sau một hai tháng, bọn trẻ bắt đầu đề nghị những chủ đề chúng thích và lâu lắm rồi tôi không còn phải mở đầu buổi trò chuyện nữa.
Sau khi trò chuyện theo chủ đề, tôi dành cho mỗi đứa một khoảng thời gian để kể về những gì xảy ra với chúng sau giờ tan học vào ngày hôm trước. Hai cách thảo luận này vào buổi trò chuyện mỗi sáng ngày càng sống động hơn, ngay đến Susannah thỉnh thoảng cũng nói những câu có nghĩa. Bọn trẻ đều có rất nhiều điều muốn nói và nhiều hôm tôi phải khó khăn lắm mới chấm dứt được hoạt động này. Sau đó, tôi vạch ra một thời gian biểu trong ngày và chúng tôi kết thúc bằng một bài hát. Tôi có một kho những bài hát vui nhộn có thể hát ngẫu hứng chứ không cần thuộc giai điệu và tôi thường kéo tụi nhóc nhảy nhót theo tôi. Bọn trẻ rất thích như vậy và khi kết thúc, tất cả chúng tôi đều cười lăn ra, ngay cả trong những ngày chúng tôi không mấy vui vẻ khi đến lớp.
Sáng hôm nay, tôi cũng tập họp bọn trẻ lại:
- Các con, đây là bạn Sheila, bạn ấy sẽ vào học lớp chúng ta.
Peter ngờ vực:
- Vậy là sao? Cô đâu có nói chúng ta sẽ có thêm một bạn gái đâu.
- Có mà Peter. Con có nhớ thứ Sáu tuần trước chúng ta đã chuẩn bị những gì sẽ giới thiệu với Sheila để bạn ấy biết chúng ta rất vui khi có bạn ấy tham gia vào lớp học không? Con có nhớ chúng ta đã làm gì không?
Peter trả lời:
- Con không vui khi bạn ấy tham gia vào lớp học. Con chỉ thích lớp chúng ta như bây giờ thôi.
Rồi cậu bé đưa tay lên bịt tai để không nghe tôi nói và bắt đầu lắc lư thân người.
Tôi khẽ vỗ nhẹ vai Sheila, con bé giật mạnh vai tránh đi.
- Cô nghĩ là các con cần phải làm quen. Nào, ai có chủ đề gì nào?
Tất cả ngồi vây quanh tôi trên sàn nhà. Không đứa nào lên tiếng.
- Không ai có chủ đề nào hả? Nếu vậy, cô có một chủ đề này: các con sẽ cảm thấy như thế nào khi các con vừa vào lớp và các con không biết ai, hay khi các con muốn tham gia vào một nhóm mà không ai muốn con tham gia? Việc đó sẽ mang lại cảm giác như thế nào?
Guillermo trả lời:
- Tệ lắm. Có lần con đã bị như vậy và con cảm thấy rất tệ.
Tôi gặng hỏi:
- Con có thể kể cho mọi người nghe không? Đột nhiên Peter đứng bật dậy:
- Cô ơi, bạn ấy hôi quá. Cậu bé lùi ra xa Sheila.
- Bạn ấy hôi khủng khiếp và con không muốn bạn ấy ngồi chung với chúng ta. Bạn ấy sẽ làm con hôi rình cho xem.
Sheila lườm cậu bé nhưng không hề lên tiếng hay nhúc nhích. Con bé co người lại, ngồi thành một đống nhỏ, đôi tay quấn chặt quanh đầu gối.
Sarah cũng đứng lên tiến lại chỗ Peter mới ngồi xuống.
- Cô Torey, nó hôi thật. Nghe như mùi nước tiểu ấy.
Cư xử lịch thiệp chắc chắn không phải là sở trường của chúng tôi. Tôi không hề ngạc nhiên vì sự thiếu tế nhị ấy, nhưng cũng như mọi khi, tôi cảm thấy xuống tinh thần ghê gớm. Không thể buộc chúng không được nói ra những nhận xét hết sức ngây thơ về thế giới chung quanh. Mỗi khi tiến thêm một bước trong việc dạy chúng cách cư xử lịch sự, tôi phải lùi lại hai bước và lệch đi sáu bước.
- Peter, con sẽ cảm thấy thế nào nếu có người nói con hôi rình?
Peter trả đũa:
- Nhưng mà bạn ấy hôi thật mà!
- Cô không hỏi chuyện đó. Cô hỏi con cảm thấy thế nào nếu có ai nói con như vậy?
- Chắc chắn là con không muốn mọi người phải bỏ chạy ra khỏi lớp vì con hôi quá.
- Đó cũng không phải điều cô hỏi con. Tyler nhanh nhảu quỳ lên:
- Con sẽ cảm thấy bị tổn thương.
Bất kỳ dấu hiệu của sự giận dữ hay bất đồng ý kiến nào cũng khiến Tyler sợ chết khiếp và khiến con bé trở nên hết sức nhún nhường, hòa hoãn, hành động ra vẻ rất già dặn so với tuổi lên tám và tỏ vẻ ủi an những ai đang bất đồng ý kiến.
Tôi hỏi Sarah:
- Còn con thì sao, Sarah? Con sẽ cảm thấy thế nào?
Sarah nhìn xuống mấy đầu ngón tay của mình, e dè không nhìn thẳng vào tôi.
- Con sẽ cảm thấy không tốt lắm.
- Cô nghĩ sẽ không ai cảm thấy thích như thế. Vậy có cách nào khác để giải quyết vấn đề này không nào?
William đề nghị:
- Cô có thể nói riêng với bạn ấy rằng bạn ấy hôi quá. Như vậy bạn ấy sẽ không bị xấu hổ.
Guillermo thêm vào:
- Cô có thể nói bạn ấy không cần phải xấu hổ. Peter nói:
- Tất cả chúng ta có thể bịt mũi lại.
Cậu bé không hoàn toàn chấp nhận rằng cư xử như vừa rồi là không phải phép.
William nói:
- Làm vậy không được đâu Peter. Lúc đó cậu không thể thở được.
- Được chứ. Cậu có thể thở bằng miệng mà! Tôi bật cười:
- Nào, mọi người hãy thử làm theo đề nghị của
Peter xem. Peter, con cũng làm đi.
Tất cả bọn trẻ ngoại trừ Sheila đều bịt mũi lại và thở bằng miệng. Tôi giục Sheila làm theo, nhưng con bé kiên quyết không nhúc nhích. Đến một lúc, tất cả chúng tôi – kể cả Freddie và Max – đều bật cười vì vẻ mặt ngộ nghĩnh của mọi người. Tất cả, ngoại trừ Sheila. Tôi bắt đầu lo rằng con bé sẽ xem việc này như một trò cười nhắm vào mình và vội vã giải thích rằng không phải như thế. Con bé làm ngơ tôi, thậm chí không nhìn tôi. Tôi nói với còn bé rằng đây là cách chúng ta giải quyết vấn đề.
Cuối cùng tôi hỏi con bé:
- Con cảm thấy việc này thế nào?
Một khoảng yên lặng kéo dài chứa đựng sự chờ đợi của tất cả chúng tôi. Mấy đứa trẻ khác bắt đầu cảm thấy mất kiên nhẫn.
Guillermo hỏi:
- Bạn ấy không nói chuyện ạ? Sarah gợi ý:
- Lúc trước tớ cũng không nói chuyện, nhớ không? Hồi tớ lên cơn giận dữ, tớ cũng không nói chuyện với ai cả.
Rồi con bé nhìn sang Sheila:
- Sheila này, tớ cũng từng không nói chuyện. Thế nên tớ rất hiểu cảm giác đó.
- Nào các con, cô nghĩ là chúng ta tập trung vào Sheila bấy nhiêu là đủ rồi. Chúng ta hãy dành cho bạn ấy một chút thời gian để làm quen, được không nào?
Chúng tôi lại tiếp tục buổi trò chuyện sáng đang dở dang và kết thúc bằng giai điệu sôi nổi của bài "You are my sunshine". Freddie vỗ tay đầy hoan hỉ, Guillermo giơ tay bắt nhịp cho mọi người, Peter cố gắng hát to hết sức mình còn tôi điều khiển Tyler như điều khiển một con búp bê. Nhưng Sheila chỉ ngồi đó, gương mặt lạnh băng, cơ thể nhỏ bé ngồi một đống ngay giữa những người đang nhảy múa.
Sau buổi trò chuyện, chúng tôi tản ra để làm bài tập toán. Anton đưa bọn trẻ về góc nhà còn tôi dắt Sheila đi nhìn quanh căn phòng. Nói cho đúng ra, tôi không giới thiệu gì với con bé cả. Tôi phải bế con bé lên và bồng đi khắp phòng vì nó chẳng thèm nhúc nhích lấy một chút. Tôi cảm thấy thật may mắn khi không dạy lớp dành cho thanh thiếu niên. Đến khi tôi bồng con bé đến nơi tôi muốn nó xem, con bé lại lấy tay che mặt lại, không chịu nhìn. Mặc kệ, tôi vẫn cứ kéo con bé đi vòng quanh, buộc con bé phải trở thành một thành viên của lớp. Tôi chỉ con bé chỗ dành riêng cho nó và nơi nó treo áo. Tôi giới thiệu con bé với chú kỳ đà Charles, chú rắn Benny và chú thỏ Onions. Tôi còn nói là thỏ Onions sẽ cắn nếu con bé làm phiền nó quá. Tôi chỉ con bé những cây con mà chúng tôi đã trồng trước lễ Giáng sinh - tôi đã phải đến trường trong những ngày nghỉ để tưới nước cho chúng, những quyển truyện mà chúng tôi sẽ đọc trước giờ ăn trưa hàng ngày và cả đống bát đĩa chúng tôi vẫn dùng vào những buổi nấu ăn chiều thứ Tư. Tôi chỉ con bé xem hồ cá và đồ chơi của chúng tôi. Tôi bồng con bé cao lên để ngắm nhìn phong cảnh bên ngoài từ ô cửa sổ duy nhất trong phòng. Để hoàn thành tất cả những việc đó, tôi phải kéo lê con bé khắp nơi và liến thoắng chuyện trò như thể con bé rất thích thú lắng nghe những điều tôi nói. Nhưng dù con bé có thích chăng nữa, nó cũng không thể hiện cho tôi biết. Con bé vẫn chỉ là một khối nặng bất động trong tay tôi, co quắp và căng thẳng tựa vào người tôi. Và con bé hôi như một cái nhà xí bốc mùi vào một chiều tháng Bảy oi nồng.
Cuối cùng, tôi đặt Sheila vào chiếc ghế cạnh bàn và lấy bài tập toán ra. Việc này đánh thức phản ứng đầu tiên của con bé. Con bé tóm lấy tờ giấy, vo tròn lại rồi ném về phía tôi. Tôi lấy ra một tờ khác. Con bé lại tóm lấy, vo tròn, ném về phía tôi. Tôi lại lấy một tờ nữa. Tờ giấy lại bay vào mặt tôi. Tôi biết tôi sẽ hết giấy trước khi con bé mệt mỏi hay chán ngấy trò này. Thế là tôi bồng nó đặt vào lòng mình, một tay ôm quanh thân hình mảnh dẻ của nó để nó không thể vói tay ra. Tôi lại đặt một bài tập toán xuống. Chỉ là phép cộng đơn giản: hai cộng một, một cộng bốn, chẳng có gì quá khó. Tôi dùng tay còn lại lấy một khay đầy những khối vuông đổ ra bàn.
Tôi giảng giải:
- Được rồi, giờ chúng ta làm toán nào. Trước tiên: hai cộng một.
Tôi đưa con bé hai khối vuông và thêm vào một khối thứ ba.
- Vậy là bao nhiêu? Chúng ta đếm xem nào.
Con bé quay mặt sang chỗ khác, người căng cứng lại trong lòng tôi.
- Con biết đếm không, Sheila? Không có phản ứng.
- Nào, để cô giúp con nhé! Một, hai, ba… Hai cộng một là ba.
Tôi cầm viết chì lên:
- Đây này, chúng ta sẽ điền vào giấy.
Mỗi cử động là một cuộc đấu tranh. Tôi phải lôi một tay con bé ra, duỗi mấy ngón tay nó ra rồi đặt viết chì vào đó. Nhưng rồi những ngón tay đang nắm rất chặt ấy đột nhiên mất hết sức lực, buông lỏng và cây viết chì tuột ra, rơi xuống sàn. Ngay lúc tôi cúi xuống để nhặt cây viết chì thì con bé đã dùng một tay còn tự do để tóm lấy hai khối vuông ném đi thật mạnh. Tôi tóm lấy bàn tay, nhét cây viết chì vào đó lần nữa và cố gắng nắm tay con bé lại quanh cây viết, đồng thời vẫn giữ nó trong tay tôi để con bé không thả cây viết rớt xuống lần nữa. Tuy nhiên con bé đã đẩy tôi vào tình thế rất bất lợi: tôi thuận tay trái và đã buộc phải dùng tay đó để giữ chặt con bé trong lòng mình. Khi phải dùng tay không thuận để thực hiện những cử động phức tạp kia, tôi không thể làm nhanh. Thậm chí có lẽ ngay cả tay trái của tôi cũng sẽ không đủ nhanh. Con bé rất giỏi trong cuộc chiến nho nhỏ này và cây viết chì lại rơi xuống. Sau một hồi cố gắng nữa, tôi đành bỏ cuộc.
- Rõ ràng con chưa muốn học toán. Được rồi, con có thể ngồi đây. Cô muốn con biết rằng mọi người ở đây đều phải làm việc của mình và phải cố hết sức. Nhưng chúng ta sẽ không ép buộc gì cả. Nếu con muốn ngồi, con cứ ngồi.
Tôi lôi con bé vào góc phòng, nơi tôi vẫn
thường cách ly bọn trẻ khi chúng quá phấn khích và cần lấy lại tự chủ hay khi chúng tỏ ra thật thê thảm để đòi hỏi được chú ý đến. Tôi kéo ghế lại và đặt Sheila vào đó. Rồi tôi quay lại với mấy đứa khác.
Một lúc sau, tôi nhìn lên:
- Sheila, nếu con muốn tham gia cùng các bạn, con có thể qua đây.
Con bé ngồi yên, mặt quay vào tường và không hề nhúc nhích. Tôi cứ để con bé ngồi đó. Một lát sau, tôi lại hỏi dò lần nữa. Rồi lát sau lại hỏi nữa. Rõ ràng con bé không muốn làm theo những gì tôi nói. Tôi bước đến, khiêng chiếc ghế đặt vào giữa phòng. Rồi tôi lại quay lại với mấy đứa khác. Nếu con bé muốn ngồi, cứ ngồi. Tuy vậy, tôi sẽ không để con bé tự cô lập mình. Nếu con bé muốn ngồi, nó sẽ ngồi ngay giữa chúng tôi.
Buổi sáng của chúng tôi vẫn diễn ra như lệ thường. Sheila không tham gia vào bất cứ hoạt động nào. Khi đã ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế gỗ nhỏ xíu ấy, con bé không hề nhúc nhích mà chỉ co người, gập đầu gối lại đến tận cằm rồi vòng tay quanh đó. Có một lần con bé leo xuống ghế để đi vệ sinh nhưng nhanh chóng quay lại chỗ ngồi của mình và lại tiếp tục ngồi co ro như thế. Ngay cả trong giờ giải lao con bé cũng ngồi như thế, chỉ khác là ngồi trên sàn xi măng lạnh ngắt. Tôi chưa từng gặp một đứa bé nào bất động đến mức đó. Thế nhưng đôi mắt con bé lại luôn dõi theo tôi. Ánh mắt đong đầy những ủ ê, giận dữ và cay đắng dường như không bao giờ rời khỏi tôi.
Đến giờ ăn, Anton giúp bọn trẻ chuẩn bị di chuyển qua dãy nhà phụ để đến căng tin. Sheila cũng bị lôi vào hàng nhưng tôi đã đến bên con bé, nắm lấy cánh tay mảnh khảnh của nó và kéo ra khỏi hàng. Chúng tôi chờ cho đến khi mọi người đi khỏi. Tôi nhìn con bé, và nó cũng ngước mắt nhìn tôi. Tôi tin rằng trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, tôi đã thấy những cảm xúc không phải thù ghét thoáng qua đôi mắt ấy, một cảm xúc không phải giận dữ. Sợ hãi chăng?
- Lại đây với cô nào.
Tôi lôi con bé đến bàn và đặt nó ngồi trên ghế đối diện với tôi.
- Cô trò mình cần nói chuyện thẳng thắn với nhau.
Con bé trừng mắt nhìn tôi, đôi vai nhỏ xíu co lại dưới lớp áo cũ sờn.
- Trong căn phòng này, chúng ta không có nhiều quy định lắm. Thật ra chỉ có hai quy định, ngoại trừ những quy định đặc biệt vào những thời điểm nhất định. Nhưng nói chung chỉ có hai quy định thôi. Một là con không được làm tổn thương ai ở đây. Bất kỳ ai. Và kể cả chính con nữa. Hai là con phải luôn cố gắng hết sức làm tốt nhiệm vụ của mình. Đó là quy định mà cô nghĩ là con chưa hiểu rõ.
Con bé khẽ cúi đầu nhưng vẫn nhìn chằm chằm vào tôi. Đôi chân con bé co lại, và một lần nữa, con bé lại bắt đầu ngồi co rúm người.
- Con biết không, một trong những việc con phải làm ở đây là trò chuyện. Cô biết là khi con không quen làm việc đó, nó sẽ rất khó khăn. Nhưng ở đây con phải trò chuyện, đó là một phần nhiệm vụ con cần phải làm thật tốt. Lần đầu tiên luôn là lần khó khăn nhất, thậm chí đôi khi nó khiến con muốn khóc. Không sao, việc đó là bình thường ở đây. Nhưng con phải nói chuyện. Không sớm thì muộn rồi con cũng phải nói. Nếu con chịu nói chuyện sớm thì tốt hơn.
Tôi nhìn con bé, cố giữ ánh mắt thản nhiên như nó.
- Con hiểu cô nói gì không?
Mặt con bé đanh lại giận dữ. Tôi cảm thấy lo sợ về những gì có thể xảy ra nếu những hận thù chất chứa trong con bé bộc phát ra, nhưng tôi cố gắng ghìm nỗi sợ đó lại, không để nó hiện lên trong mắt tôi. Con bé có năng khiếu đọc ánh mắt rất giỏi.
Tôi luôn cảm thấy việc đặt ra những kỳ vọng cho học trò của mình là một việc hết sức cần thiết. Một số đồng nghiệp tỏ ra nghi ngờ sự thẳng thắn mà tôi đối với học trò của mình. Họ muốn bảo vệ cái tôi yếu đuối của chúng. Tôi không đồng ý. Mặc dù tất cả chúng đều là những sinh linh nhỏ bé bị chà đạp nhưng không đứa nào yếu đuối. Hoàn toàn ngược lại là khác. Thực tế là chúng đã sống sót đến ngày hôm nay sau những gì đã phải trải qua chính là minh chứng cho sức mạnh của chúng. Tuy vậy, bọn trẻ đều có cuộc đời sóng gió và chính sự rối loạn của chúng mang đến rắc rối cho người khác. Tôi cảm thấy mình không có quyền khiến mọi thứ thêm phức tạp bằng cách bắt bọn trẻ phải đoán xem tôi mong muốn điều gì ở chúng. Tôi nhận thấy việc thiết lập lộ trình là một phương pháp hữu dụng và hiệu quả với tất cả các em vì nó xóa bỏ sự mơ hồ trong mối quan hệ của chúng tôi. Rõ ràng bọn trẻ đã cho thấy là mình không thể xoay xở tốt nếu không được giúp đỡ, nếu không chúng đã không phải vào lớp tôi. Ngay khi bọn trẻ có thể tự xoay xở, tôi sẽ bắt đầu quá trình truyền sức mạnh cho chúng. Nhưng trong giai đoạn đầu, tôi muốn bọn trẻ hiểu rõ tôi mong đợi điều gì ở chúng.
Tôi và Sheila ngồi im lặng bất động trong khi con bé sắp xếp lại những thông tin vừa nghe. Tôi không đủ nhẫn nại để cứ ngồi nhìn con bé mãi, mà thật ra tôi cũng cảm thấy không cần thiết phải làm thế. Thế là một lúc sau, tôi đứng lên và đi lấy xấp bài tập toán.
Bỗng con bé lên tiếng:
- Cô không thể bắt con nói.
Tôi vẫn tiếp tục lục lọi trong mớ bài tập để tìm cây viết đỏ. Ba phần tư bí quyết của một giáo viên giỏi là canh đúng thời điểm.
- Con vừa nói là cô không thể bắt con nói. Không thể, không cách nào cô làm được vậy.
Tôi nhìn con bé.
- Cô không thể bắt con nói. Tôi mỉm cười:
- Đúng vậy, cô không thể. Nhưng con sẽ nói. Đó là một trong những nhiệm vụ của con ở đây.
- Con không thích cô.
- Con không cần phải thích cô.
- Con ghét cô.
Tôi không trả lời. Đó là một trong những câu nói mà tôi thấy tốt nhất là không nên trả lời. Thế là tôi tiếp tục tìm cây viết, thầm thắc mắc không biết lần này đứa nào đã cầm đi mất.
- Cô không thể bắt con làm bất cứ điều gì ở đây hết! Cô không thể bắt con nói.
- Có lẽ là không.
Tôi đặt mấy tờ bài tập trở lại vào rổ bài và bước đến bên con bé:
- Chúng ta đi ăn trưa chứ?
Tôi giơ tay ra cho con bé. Dường như một phần giận dữ trong con bé đã tan biến, thay vào đó là một cảm xúc rất khó nhận ra. Tôi không cần giục thêm lần nào nữa, con bé leo xuống ghế và đi theo tôi, cẩn thận tránh không chạm vào tôi.