Sau khi đưa Sheila đến phòng ăn, tôi về văn phòng nghỉ ngơi và xem hồ sơ của con bé. Tôi muốn biết người ta đã làm gì với đứa bé khó hiểu này. Khi quan sát con bé, rõ ràng nó không bị khiếm khuyết hay rối loạn lạ lùng nào như Max và Susannah. Ngược lại, con bé có thể kiểm soát hành vi của mình hết sức giỏi, giỏi hơn hầu hết những học trò trong lớp tôi. Ẩn sâu trong đôi mắt đầy thù hằn ấy, tôi nhìn thấy một cô bé tinh tế và có vẻ rất thông minh. Con bé đã phải loay hoay trong thế giới này bằng một nỗ lực hoàn toàn có ý thức. Và tôi muốn biết người ta đã từng thử những cách nào với nó.
Dù đã trải qua một hành trình dài trước khi đến tay tôi, nhưng xấp hồ sơ của con bé mỏng đến đáng ngạc nhiên. Hầu hết học sinh của tôi đều có những tập hồ sơ dày, đầy giấy tờ và những ý kiến dài dòng của hàng chục bác sĩ và chuyên gia rồi thẩm phán cùng nhân viên xã hội… Mỗi khi đọc một hồ sơ như thế, tôi lại nhận thấy rất rõ rằng họ chưa từng chăm sóc một đứa trẻ nào trong vài tiếng đồng hồ liền, chứ đừng nói là trong vài ngày. Ngôn từ trong đó rất uyên thâm mạch lạc, nhưng nó không giúp một giáo viên tuyệt vọng hay một phụ huynh đang lo sợ biết phải làm gì. Tôi chẳng tin tưởng những người đã viết ra những lời đó. Trong thực tế, mỗi một đứa trẻ đều rất khác nhau và phát triển theo một cách không thể đoán trước. Sẽ không một cuốn sách hay khóa học nào được thiết kế riêng cho trường hợp của Max hay của William hay của Peter.
Thế nhưng hồ sơ của Sheila lại rất mỏng, chỉ có vài mảnh giấy: một tờ tiểu sử gia đình, kết quả xét nghiệm và mẫu đơn của Sở Phúc lợi Đặc biệt. Tôi lướt qua báo cáo của Sở Lao động Xã hội về gia đình con bé. Cũng như nhiều học sinh khác trong lớp tôi, báo cáo này chứa đầy những chi tiết khủng khiếp đến nỗi dù đã có nhiều kinh nghiệm nhưng tôi gần như không thể hiểu hết. Sheila sống một mình với cha trong một lán trại tạm bợ ở khu trại của dân nhập cư. Trong nhà không có lò sưởi, không điện nước. Mẹ con bé đã bỏ rơi nó hai năm trước nhưng lại mang theo đứa em trai. Báo cáo cho biết hiện giờ mẹ con bé đang sống ở California mặc dù không ai biết chính xác nơi ở của cô. Người mẹ chỉ mười bốn tuổi khi Sheila chào đời, hai tháng sau một vụ cưỡng hôn, trong khi cha con bé lại đến ba mươi tuổi. Tôi khẽ lắc đầu không thể tin nổi. Đến nay người mẹ chắc cũng chỉ hai mươi tuổi, gần như chính cô vẫn còn là một đứa trẻ.
Trong những năm đầu đời của Sheila, phần lớn thời gian cha con bé phải ngồi tù vì tội hành hung người khác. Từ sau khi được thả ra vào hai năm rưỡi trước, ông lại phải nằm trong bệnh viện tiểu bang vì nghiện rượu và ma túy. Sheila được họ hàng và bạn bè của gia đình, hầu hết là từ bên mẹ con bé, thay nhau chăm sóc trước khi bị bỏ rơi bên đường, nơi người ta tìm thấy con bé đang bám vào dải phân cách trên xa lộ. Sheila, khi đó vừa lên bốn, được đưa đến trung tâm thanh thiếu niên và người ta thấy con bé bị xây xước khắp người; ngoài ra còn có nhiều chỗ xương gãy đã lành, hậu quả của việc bị hành hạ. Con bé được đưa về cho cha chăm sóc và một nhân viên bảo vệ trẻ em được giao nhiệm vụ theo dõi trường hợp của em.
Phán quyết của tòa án kèm trong hồ sơ nói rằng vị thẩm phán thấy tốt nhất là trả em về với gia đình thật sự của mình. Một bác sĩ được chỉ định của hạt ghi chú bên dưới rằng vóc người nhỏ bé của em có lẽ là hệ quả của tình trạng thiếu dinh dưỡng, ngoài ra con bé hoàn toàn là một bé gái da trắng khỏe mạnh có nhiều vết sẹo và xương gãy đã lành lặn. Bên dưới bản đánh giá đó còn có ghi chú của một chuyên gia tâm thần học đang làm cố vấn của hạt, phần ghi chú chỉ có vỏn vẹn một dòng: lệch lạc mãn tính thời niên thiếu. Tôi không nén được cười. Gã này đã đưa ra một kết luận thật là khôn khéo làm sao. Có ích cho chúng tôi làm sao. Phản ứng bình thường duy nhất đối với một tuổi thơ như của Sheila hẳn nhiên phải là lệch lạc mãn tính. Nếu ai có thể thích nghi với một cuộc sống tệ hại như thế, thì hẳn là người đó bị thần kinh.
Kết quả xét nghiệm thậm chí còn mù mờ hơn. Bên cạnh mỗi mục trong phần bạo hành chỉ là một chữ in đậm khiến người đọc nản lòng: bị từ chối. Phần nhận xét chung chỉ ghi rằng họ không thể kiểm tra con bé được và gạch dưới chi tiết đó đến hai lần.
Bảng câu hỏi của Sở Phúc lợi Đặc biệt chỉ có phần lý lịch nhân thân. Cha con bé đã điền phần nội dung vào nhưng ông lại ở tù trong suốt những năm tháng cay nghiệt đó. Con bé chào đời hoàn toàn bình thường tại một bệnh viện địa phương. Không có thông tin gì về sự phát triển giai đoạn đầu đời của con bé. Con bé đã chuyển đến ba ngôi trường khác nhau trong con đường học tập ngắn ngủi của mình, không tính đến ngôi trường hiện nay. Tất cả những lần chuyển trường đều là hệ quả của những hành vi thiếu kiểm soát của con bé. Báo cáo cho biết ở nhà con bé ăn ngủ bình thường, nhưng đêm nào con bé cũng tè dầm và luôn mút ngón tay. Con bé không chơi với ai trong đám trẻ là con của những lao động nhập cư ở khu trại, cũng không có quan hệ rõ ràng với một người lớn nào. Cha con bé ghi rằng nó thích một mình, luôn chống đối và thiếu thân thiện ngay cả với ông. Ở nhà thỉnh thoảng con bé cũng có lên tiếng, thường là khi nó giận dữ. Con bé không bao giờ khóc. Tôi dừng lại và đọc lại câu đó. Con bé không bao giờ khóc? Tôi không thể tin nổi một đứa bé sáu tuổi lại không khóc. Hẳn là ông muốn nói nó hiếm khi khóc. Chắc hẳn đó là sự nhầm lẫn.
Tôi đọc tiếp. Cha con bé cho rằng nó rất bướng bỉnh vì thế ông ta thường phải nghiêm khắc với nó, chủ yếu là bằng đòn roi hoặc bắt phạt. Ngoài vụ thiêu người kể trên, con bé còn bị khiển trách vì đốt lửa trong khu trại của dân nhập cư và bôi phân khắp nhà vệ sinh của một trạm xe buýt. Chỉ mới sáu tuổi rưỡi, Sheila đã phải đối mặt với cảnh sát ba lần.
Tôi nhìn chằm chằm vào xấp hồ sơ và những thông tin rời rạc trong đó. Con bé thường tỏ ra khó gần. Nó cũng không phải là một đứa dễ dạy dỗ. Nhưng như thế không có nghĩa là không thể tiếp cận nó. Trái với vẻ bề ngoài, thật ra Sheila có vẻ dễ tiếp cận hơn Susannah Joy hay Freddie bởi vì em không có dấu hiệu rối loạn chức năng nào như chậm phát triển hay thiểu năng trí tuệ hay những bí ẩn nào khác của trí óc. Từ những gì tôi thu thập được, Sheila là một đứa bé hoàn toàn bình thường trên phương diện đó. Điều đó càng khiến cho trận chiến trước mắt tôi trở nên gian nan hơn vì tôi biết nó hoàn toàn phụ thuộc vào chúng tôi. Chúng tôi không có những lời lẽ văn hoa bóng bẩy, cũng không thể viện ra những lý do tưởng chừng rất chính đáng như bệnh tâm thần hay tự kỷ hay tổn thương thần kinh nếu chúng tôi thất bại với trường hợp của Sheila. Chỉ có chính chúng tôi. Sâu thẳm bên trong đôi mắt thù hằn ấy là một bé gái bé bỏng đã học được rằng cuộc sống không phải là một cuộc vui cho bất kỳ ai và cách tốt nhất để không bị hắt hủi là tự biến mình thành càng khó ưa càng tốt. Khi đó con bé sẽ không bao giờ phải bất ngờ khi nhận ra mình không được yêu thương. Một sự thật quá rõ ràng.
Khi tôi đang xem hồ sơ thì Anton đến. Anh kéo ghế lại cạnh tôi và cầm lên đọc những hồ sơ tôi đã xem xong. Mặc dù khởi đầu của chúng tôi rất tệ nhưng tôi và Anton đã trở thành một nhóm rất ăn ý. Đối với bọn trẻ, anh chăm sóc rất chu đáo. Từ trước đến nay, Anton đã sống cả cuộc đời trên nông trường và hiện giờ vẫn sống với vợ và hai con trai trong một ngôi lều nhỏ ở khu trại của dân nhập cư nên anh hiểu rõ về thế giới mà bọn trẻ sinh sống hơn tôi nhiều. Tôi được đào tạo, có kinh nghiệm và kiến thức nhưng Anton lại có bản năng và sự từng trải. Có những khía cạnh trong cuộc sống của bọn trẻ mà có lẽ tôi không bao giờ hiểu được vì suốt cuộc đời mình, tôi chỉ sống trong những ngôi nhà ấm cúng và hoàn toàn không biết đến bạo lực, đói khát và côn trùng. Tôi không còn mong gì hơn thế. Là một người trưởng thành, tôi đã hiểu ra rằng có những người sống rất khác và sự khác biệt trong lối sống đó cũng là bình thường đối với họ. Tôi chấp nhận thực tế đó nhưng vẫn không thể hiểu rõ nó. Tôi không tin một người chưa từng trải qua cuộc sống thực tế như thế lại có thể hiểu được, nếu có ai khẳng định hiểu biết của mình kiểu đó thì hoặc anh ta đang tự lừa dối mình hoặc anh ta chỉ ba hoa khoác lác mà thôi. Nhưng Anton lại bổ khuyết cho điểm yếu của tôi và chúng tôi đã cùng nhau xây dựng mối quan hệ hỗ trợ khắng khít. Anh biết khi nào, đứa nào và cần làm gì để giúp đỡ bọn trẻ mà không cần tôi lên tiếng. Một điều hữu ích khác là Anton nói tiếng Tây Ban Nha, việc tôi không thể làm được. Nhờ đó, anh đã cứu tôi không biết bao nhiêu lần khi Guillermo thiếu hụt ngôn từ tiếng Anh vốn đã có hạn của nó. Lúc này Anton ngồi cạnh tôi, lặng im đọc hồ sơ của Sheila.
- Con bé dùng bữa trưa thế nào?
Anh gật đầu, mắt không rời xấp giấy tờ.
- Tốt. Con bé ăn như chưa bao giờ được thấy thức ăn. Mà có lẽ vậy thật. Và – ôi thôi – tác phong rất tệ! Nhưng con bé ngồi chung với bọn trẻ và không làm ồn.
- Anh có biết cha con bé ngoài khu trại không?
- Không. Họ ở bên kia khu trại, nơi người da trắng sống. Bọn nghiện ngập đều tụ tập ở đó. Chúng tôi không bao giờ đến đó.
Whitney bước vào và tựa người vào bàn. Cô là một thiếu nữ xinh xắn theo một cách rất khó mô tả: cao, mảnh khảnh, có đôi mắt màu hạt dẻ và mái tóc dài suôn mượt vàng óng ả. Dù Whitney là một học sinh ưu tú của ngôi trường cấp hai mà cô đang theo học, có xuất thân từ một trong những gia đình danh giá nhất trong cộng đồng nhưng cô lại vô cùng cả thẹn. Từ khi cô tham gia cùng chúng tôi vào mùa thu, cô luôn thực hiện tất cả công việc một cách hết sức lặng lẽ, không bao giờ nhìn vào mắt tôi, luôn cười gượng ngay cả khi mọi việc đang rối tung. Việc duy nhất khi cô mở miệng là để chê trách kết quả công việc của mình, để hạ thấp bản thân hay để xin lỗi vì đã làm hỏng mọi thứ. Không may là thời gian đầu, tất cả những điều đó dường như đều đúng. Whitney phạm mọi lỗi lầm kinh điển trong sách vở. Cô làm đổ gần hai lít sơn màu xanh vừa pha xong xuống sàn phòng tập. Cô bỏ quên Freddie trong nhà vệ sinh nam ở chợ. Cô để cửa phòng học khép hờ sau một buổi chiều tan học và thế là chú rắn Benny thoát ra và ghé thăm cô Anderson, một giáo viên lớp một. Đối với tôi, có thêm Whitney cũng như phải giám sát thêm một đứa trẻ nữa vậy. Nếu như tôi không quá khó khăn vào những tháng đầu tiên và rất cần có thêm người hỗ trợ, có lẽ tôi đã không đủ kiên nhẫn với cô. Vào những tuần đầu tiên ấy tôi luôn phải giải thích lại, luôn phải dọn dẹp, luôn mồm "không sao đâu, em đừng bận tâm" trong khi tôi không thật sự nghĩ vậy. Còn Whitney cứ khóc luôn.
Nhưng cũng như Anton, Whitney rất quan tâm đến bọn trẻ. Whitney đã cống hiến hết mình cho chúng tôi. Tôi biết cô bé thỉnh thoảng cúp học để ở lại với chúng tôi lâu hơn và thường ghé qua vào giờ cơm trưa hay sau khi tan học để giúp tôi. Cô mang những đồ chơi lúc nhỏ của mình đến cho bọn trẻ. Cô mang đến cho tôi những ý tưởng mà cô đọc thấy trong các tạp chí giáo dục cô thường đọc khi rảnh rỗi với ánh mắt khao khát, đau đáu mong chờ nhận thấy sự hài lòng của tôi. Whitney rất hiếm khi nói về cuộc sống riêng của mình. Tuy thế, trái với sự giàu có và danh tiếng của gia đình mình, Whitney – theo tôi nghĩ – không hơn gì các học trò của tôi trên một số phương diện. Vì vậy tôi cố chịu đựng sự vụng về hậu đậu của cô bé và cố gắng khiến cô cảm thấy mình là một phần quan trọng trong nhóm chúng tôi. Mà sự thật là vậy.
Whitney nhoài người trên bàn khiến tóc cô rũ lên trang giấy tôi đang đọc và hỏi:
- Chị đã đón cô bé mới đến chưa ạ?
- Rồi em.
Tôi trả lời và kể lại ngắn gọn những gì đã xảy ra vào buổi sáng. Ngay khi đó, tôi nghe thấy tiếng thét.
Tôi biết đó là học trò của mình. Không một đứa trẻ bình thường nào có thể có tiếng thét chất chứa nỗi tuyệt vọng bao trùm như thế. Tôi nhìn sang Anton, thầm hỏi anh chuyện gì đang xảy ra. Whitney chạy lại nhìn ra ngoài cửa văn phòng.
Tyler khóc lóc ầm ĩ lao vào. Con bé chỉ ra ngoài cửa nhưng lời nói bị tắc nghẹn bởi tiếng nấc. Rồi con bé xoay người lại chạy vụt đi.
Cả ba chúng tôi vội đuổi theo con bé về phía cánh cửa dẫn đến dãy nhà phụ. Thường thường, vào giờ trưa, những cô bảo mẫu sẽ chịu trách nhiệm về đám trẻ. Vào những tháng trời lạnh, toàn bộ bọn trẻ đều chơi trong phòng và các cô bảo mẫu chỉ cần đi lại trong phòng để giữ trật tự. Tôi vẫn luôn nói với họ rằng mấy đứa học trò của tôi phải luôn được chú ý theo dõi mọi lúc mọi nơi nhưng mấy cô bảo mẫu rất ghét phải trông nom phòng tôi và né tránh việc đó bằng cách tụ tập với nhau bên ngoài dãy nhà phụ và chỉ thỉnh thoảng dỏng tai theo dõi tình hình. Học trò của tôi dùng bữa trưa sau cùng, nghĩa là trên thực tế mấy cô bảo mẫu chỉ cần trông chừng chúng thêm khoảng hai mươi phút mà thôi. Nhưng họ vẫn không chịu và từ chối không ở lại trong phòng với bọn trẻ. Thường thì tôi vẫn mặc kệ mấy cô bảo mẫu vì tôi cũng đã cố hết sức để bọn trẻ hiểu rõ cách tự sinh hoạt khi không có tôi. Giờ ăn trưa chỉ là một bài kiểm tra hàng ngày những kỹ năng này mà thôi. Hơn nữa, cả tôi và Anton đều rất cần nửa giờ giải lao ấy. Tuy vậy đôi khi mọi việc cũng diễn ra ngoài ý muốn.
Vừa chạy, Tyler vừa thút thít kể với chúng tôi điều gì đó có liên quan đến cặp mắt và cô bạn mới đến. Tôi lao vào căn phòng hỗn loạn.
Sheila đang ngổ ngáo đứng trên một chiếc ghế cạnh hồ cá. Hình như con bé bắt từng con cá vàng lên và dùng bút chì chọc vào mắt chúng. Bảy tám con cá nằm giãy đành đạch dưới sàn nhà quanh chỗ chiếc ghế, cặp mắt đã bị phá hỏng. Sheila tóm chặt một con trong bàn tay phải và tay kia cầm cây viết chì đứng lầm lì đầy đe dọa. Một cô bảo mẫu đứng gần con bé, loay hoay quanh đó một cách căng thẳng nhưng sợ chết khiếp không dám thử vô hiệu hóa Sheila. Sarah khóc ré lên, Max lại bay lượn vòng vòng trong phòng, đôi tay vỗ loạn xạ và hét lên thất thanh.
- Bỏ nó xuống!
Tôi hét lên bằng ngữ điệu quyền uy nhất của mình. Sheila lườm tôi và khẽ lắc lư cây viết chì đầy ngụ ý. Tôi không hề nghi ngờ con bé sẽ đâm xuống nếu bị kích động. Ánh mắt con bé ánh lên vẻ hoang dại của một con thú bị dồn vào đường cùng. Mấy con cá vẫy đuôi trong tuyệt vọng, để lại những đốm máu li ti trên sàn ở những nơi mà hốc mắt trống rỗng của chúng va phải. Max nghiền nát một con trong lúc bay vòng vòng khắp phòng.
Bỗng nhiên một tiếng thét chói tai ré lên. Susannah vừa bước vào phòng. Con bé bị một dạng thần kinh là rất sợ máu, sợ bất kỳ chất lỏng màu đỏ nào và con bé sẽ la hét điên cuồng trong khi lao đầu chạy hoảng loạn nếu con bé nghĩ rằng mình thấy máu hay thậm chí chỉ cần bị ảo giác về máu. Lúc này đây, nhìn mấy con cá, con bé lao vọt ngang qua căn phòng. Anton vội đuổi theo con bé còn tôi nắm lấy khoảnh khắc bất ngờ ấy để tước vũ khí của Sheila – con bé không hề mất cảnh giác như tôi tưởng. Em đâm thẳng cây viết chì vào cánh tay tôi thật mạnh khiến nó ghim vào tay, đung đưa một lúc trước khi rơi xuống sàn. Tâm trí tôi đã bấn loạn quá mức đến nỗi không thật sự cảm thấy đau.
Freddie đã tham gia lượn vòng quanh phòng cùng Max. Tyler đang ré lên, Guillermo núp dưới gầm bàn, William đứng khóc trong một góc phòng. Whitney đang đuổi theo tóm lấy Max và Freddie khi chúng vừa loạng choạng đảo quanh phòng vừa la hét. Sự ồn ào thật không thể chịu nổi.
Chợt tiếng khóc của William vang lên:
- Cô Torey! Peter đang bị lên cơn co giật kìa! Tôi quay sang và thấy Peter đang nằm co quắp trên sàn nhà. Chuyển vội Sheila cho Whitney, tôi lao về phía Peter.
Sheila đá thật mạnh vào cẳng chân Whitney, vang lên một tiếng rõ to và con bé thoát được. Chỉ trong vài giây con bé đã lao ra khỏi cửa. Tôi nhoài người xuống sàn bên cạnh Peter, thằng bé vẫn còn quằn quại trong cơn co giật. Tôi có thể cảm nhận rất rõ áp lực về mọi việc đang xảy ra đè nặng lên mình. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng vài phút. Tất cả mọi người đều mất đi khả năng kiểm soát mong manh mà chúng tôi đã chiến đấu rất vất vả để có được. Tất cả bọn trẻ ngoại trừ Peter đều đang khóc. Sarah, Tyler và William ngồi túm tụm lại với nhau khóc thét trước thảm họa đang diễn ra. Guillermo sụt sùi khóc trong nơi ẩn náu dưới gầm bàn. Cậu bé giơ tay ôm đầu và khóc lóc đòi mẹ bằng tiếng Tây Ban Nha. Susannah vùng vẫy cuồng loạn trong tay Anton. Max và Freddie vẫn bay điên cuồng quanh phòng, lao cả vào đồ nội thất và những đứa khác rồi lại đứng lên tiếp tục bay. Peter nằm gục trong tay tôi. Tôi nhìn quanh. Whitney đã đuổi theo Sheila. Cô bảo mẫu đã bỏ đi từ đời nào. Chúng tôi rất lúng túng. Sau bao nhiêu tháng trời đằng đẵng tỉ mỉ nỗ lực, mọi thứ đang sụp đổ trước mắt chúng tôi.
Thầy Collins và thư ký trường xuất hiện trước cửa phòng. Nếu như bình thường có lẽ tôi đã sợ run lên khi để ông thấy cảnh tượng tan hoang trong lớp mình. Nhưng giờ đây mọi việc đã vượt quá tầm kiểm soát và tôi cần được giúp đỡ. Tôi phải thừa nhận điều đó. Sau tất cả những năm tháng làm việc cùng ông, tôi đã xoay xở rất tốt với những học trò ngớ ngẩn của mình và chúng tôi chưa bao giờ sơ sẩy. Nhưng giờ đây tôi đã thất bại. Đúng như ông vẫn luôn dự báo. Cuối cùng thì những học trò điên khùng của tôi cũng xổng chuồng. Tôi biết chắc ông đang tạ ơn Chúa vì đã đưa chúng tôi vào dãy nhà phụ, nơi không ai khác có thể thấy được.
Cô thư ký đưa Peter đến phòng y tế để đưa thằng bé về nhà vì nó luôn cần được ngủ sau một cơn động kinh mạnh. Thầy Collins giúp tôi tóm Freddie và Max lại và buộc chúng ngồi trên ghế. Tôi lôi Guillermo tội nghiệp ra khỏi gầm bàn và ôm chầm lấy thằng bé. Đối với một đứa không được tận mắt chứng kiến như thằng bé, thì những việc này nghe sẽ thế nào nhỉ… Anton vẫn đang cố xoa dịu Susannah Joy. Khi chúng tôi có thể kiểm soát lại được tình huống chút ít, Tyler và Sarah đã chịu ngồi vào góc trò chuyện và an ủi lẫn nhau. Nhưng William vẫn còn dính chặt ở chỗ cũ, run rẩy khóc thút thít. Thầy Collins đã cố gắng xoa dịu em, nhưng thầy không thể nào đến gần để ôm lấy thằng bé được. Chúng tôi cứ đạp phải và trượt chân trên xác mấy con cá vàng, khiến cho mấy cái vảy vàng vàng vương vãi khắp thảm. Cuối cùng tôi cũng gom được bọn trẻ lại với nhau và tiếng khóc đã chấm dứt. Whitney và Sheila vẫn chưa về nhưng tôi không cho phép mình nhớ đến điều đó trong giây phút hãi hùng ấy.
Thầy Collins tỏ ra rất lịch thiệp khi không hỏi xem chuyện gì đã xảy ra. Ông chỉ làm những gì tôi nhờ, gương mặt không biểu lộ chút gì. Khi tôi đã ổn định bọn trẻ lại, tôi ra cửa cảm ơn ông đã giúp đỡ và hỏi ông có thể đưa Mary – một cô bảo mẫu của trường từng là trợ thủ đắc lực của tôi năm trước – đến giúp tôi hay không. Tôi giải thích là mình vẫn còn thiếu một người và rằng buổi chiều sẽ rất vất vả. Thêm một người lớn nữa, tôi sẽ có thể chăm nom từng đứa nhiều hơn và cố gắng làm mọi việc ổn thỏa trở lại.
Khi Mary đến, cô đọc truyện cho chúng nghe, còn tôi đi tìm Sheila. Hiển nhiên khi con bé lao đi, nó đã bối rối trước vô số cửa và hành lang dẫn từ nơi chúng tôi sang tòa nhà chính của trường học. Whitney đã kịp khóa cửa ngoài trước khi Sheila tìm được đường ra và con bé bị kẹt, buộc phải chạy vào phòng thể dục. Whitney đứng trước cửa căn phòng rộng lớn với nhiều cửa thông còn Sheila ở tít đầu bên kia.
Whitney đứng giữ vị trí mà nước mắt ròng ròng. Tim tôi thắt lại khi trông thấy cô. Điều này quá sức chịu đựng của một cô bé mười bốn tuổi. Lẽ ra tôi không nên đặt cô vào tình huống này. Tuy vậy, tôi không còn biết bám víu vào bất kỳ phép mầu nào khác. Chỉ có hai người lớn, không đủ để xoay xở với quá nhiều trẻ bị rối loạn như thế này. Tôi đã tồn tại được đến nay nhờ may mắn, và giờ đây sự may mắn đó đã kết thúc.
Tôi bước vào phòng thể dục, khẽ vỗ vai động viên Whitney rồi tiến đến phía Sheila. Rõ ràng con bé không hề có ý định để bị bắt lại. Ánh mắt con bé hoang dại, gương mặt đau đáu nét kinh hoàng. Mỗi lần tôi tiến lại gần hơn, con bé lại lao đi một hướng khác. Tôi dịu dàng lên tiếng, cố lấy giọng điệu nhẹ nhàng vỗ về nhưng nó vẫn run run vì cơn giận của chính tôi. Tôi chầm chậm tiến từng bước lại gần. Không ăn thua. Con bé có thể tránh tôi mãi trong phòng tập thể dục rộng lớn này.
Tôi dừng lại, nhìn quanh, vắt óc tìm cách. Tôi phải bắt con bé lại. Đôi mắt con bé thể hiện sự hoảng loạn không thể kiểm soát nổi. Con bé không còn khả năng nhận thức được về tình hình hiện tại, và giờ đây nó chỉ phản ứng theo bản năng của thú vật. Đến mức này, con bé trở nên nguy hiểm đối với chính mình và đối với mọi người hơn rất nhiều so với lúc trong lớp học với mấy con cá.
Tôi không thể nghĩ được mình phải làm gì. Đầu tôi căng ra. Cánh tay tôi, chỗ bị cây viết chì cắm vào, đập từng nhịp nhức buốt. Máu thấm ướt cánh tay áo tôi. Nếu tôi huy động nhiều người cùng tiến lại con bé, chắc chắn sẽ càng khiến con bé hoảng loạn hơn. Nếu tôi dồn con bé vào góc, nó sẽ khiếp sợ. Con bé phải được giải tỏa và giành lại tự chủ. Như thế này quá nguy hiểm. Dù con bé nhỏ tuổi và thân hình bé choắt, nhưng kinh nghiệm cho tôi biết trong tình hình này, con bé đang là mối đe dọa rất lớn, nếu không phải đối với tôi thì cũng là đối với chính nó.
Tôi quay lại chỗ Whitney và bảo cô bé trở lại lớp học, nói với Anton cố gắng hết sức hợp tác với Mary để thu xếp bên đó. Sau đó tôi đóng cửa lối vào phòng thể dục lại. Tôi kéo tấm ngăn nặng nề chia phòng thể dục ra làm hai. Tôi không thể để Sheila chạy thoát lần nữa. Sau đó, chỉ còn lại hai chúng tôi ở nửa trong của phòng thể dục, tôi tiến gần con bé hơn một chút rồi ngồi xuống.
Chúng tôi phán đoán suy nghĩ của nhau. Nỗi sợ hãi cùng cực ẩn sâu trong mắt con bé. Tôi có thể thấy nó đang run rẩy.
- Cô sẽ không làm con đau đâu, Sheila. Cô sẽ không làm con đau. Cô chỉ muốn chờ đến khi con không sợ hãi nữa và khi đó chúng ta sẽ lại trở về lớp học. Cô không giận đâu. Và cô sẽ không làm con đau.
Nhiều phút trôi qua. Tôi len lén tiến tới, vẫn không đứng lên. Con bé nhìn tôi chằm chằm. Toàn thân con bé run lẩy bẩy và tôi có thể thấy đôi vai gầy nhẳng của nó run mạnh. Nhưng nó không hề nhúc nhích.
Tôi đã nổi giận với nó. Ôi Chúa toàn năng, tôi đã nổi giận. Khi thấy mấy con cá đáng yêu giãy giụa trên sàn, mắt bị moi ra, tôi đã giận tím gan. Tôi không chịu nổi sự thô bạo với súc vật. Nhưng lúc này cơn giận đã qua đi và khi tôi nhìn con bé, trong lòng tôi dâng lên một niềm thương vô bờ. Con bé đã hết sức ngoan cường. Sợ hãi, mệt mỏi và không thoải mái, con bé vẫn không đầu hàng. Hẳn nhiên thế giới của con bé rất không đáng tin và con bé đã đương đầu với nó theo cách duy nhất mà nó biết. Chúng tôi không biết nhau, không có gì đảm bảo tôi sẽ không làm đau con bé. Chẳng có lý do nào khiến con bé nên tin tưởng tôi và rõ ràng nó sẽ không làm vậy. Thật là một sinh linh bé nhỏ ngoan cường dám đối diện với tất cả chúng tôi, những người to lớn và mạnh khỏe, quyền uy hơn rất nhiều, nhìn thẳng vào chúng tôi mà không hề nao núng sợ hãi, không hề thốt ra một lời hay rơi một giọt nước mắt.
Tôi tiến lại gần hơn từng chút một. Chúng tôi đã ngồi trong tư thế đề phòng nhau như thế ít nhất là nửa tiếng. Lúc này tôi chỉ còn cách con bé không quá ba mét và con bé bắt đầu quan sát nhất cử nhất động của tôi một cách ngờ vực. Tôi ngừng di chuyển. Từ đầu đến cuối tôi vẫn luôn nói nhỏ nhẹ, vỗ về an ủi con bé rằng tôi sẽ không làm gì tổn hại đến nó, rằng chúng tôi sẽ cùng trở lại lớp học, sẽ không có chuyện gì xảy ra. Tôi cũng nói đến những việc khác, những thứ bọn trẻ thích làm trong lớp chúng tôi, những thứ nó sẽ làm cùng chúng tôi.
Những giây phút chậm chạp tưởng chừng như vô tận cứ thế trôi qua. Tôi bắt đầu cảm thấy nhức mỏi vì phải ngồi bất động quá lâu. Đôi chân con bé cũng run rẩy vì đứng quá lâu mà không thay đổi tư thế. Tình huống này trở thành cuộc thi sức chịu đựng. Thời gian vô tận như đang trải ra trên khoảng cách ba mét giữa hai chúng tôi.
Chúng tôi chờ đợi. Cơn cuồng nộ đã tan dần trong mắt em. Sự mệt mỏi đang xâm chiếm dần. Tôi tự hỏi không biết đã mấy giờ nhưng không dám đưa tay lên xem đồng hồ. Chúng tôi vẫn chờ đợi.
Phần trước chiếc quần yếm của con bé bỗng sẫm màu lại và một vũng nước tiểu lan dần dưới chân em. Con bé cúi xuống nhìn, lần đầu tiên rời mắt khỏi tôi. Con bé khẽ cắn nhẹ môi. Khi con bé ngẩng lên, nỗi sợ hãi về việc vừa xảy ra hiện ra rất rõ ràng.
Tôi lên tiếng:
- Sự cố vẫn thường xảy ra mà. Vì nãy giờ con không được đi vệ sinh đó, nên đây thật sự không phải là lỗi của con đâu.
Điều khiến tôi ngạc nhiên là sau thảm họa mà con bé đã gây ra trong lớp học, hành động này lại khiến em cảm thấy có lỗi.
Tôi thử đề nghị:
- Chúng ta có thể lau sạch chỗ đó. Cô có giẻ lau trong lớp để phòng khi những việc thế này xảy ra.
Con bé nhìn xuống lần nữa rồi lại nhìn tôi. Tôi vẫn im lặng. Con bé thận trọng lùi lại một bước để đánh giá tình hình tốt hơn. Rồi em cất giọng khàn khàn:
- Cô có phạt roi con không?
- Không, cô không phạt roi trẻ em. Trán con bé khẽ chau lại.
- Cô sẽ giúp con lau sạch chỗ này. Chúng ta sẽ không cho ai biết. Việc này sẽ là bí mật của riêng chúng ta, vì cô biết rằng đây chỉ là một tai nạn mà thôi.
- Con không cố tình.
- Cô biết.
- Cô sẽ phạt roi con phải không? Tôi bực bội trả lời:
- Không, Sheila, cô không phạt roi trẻ con. Cô đã nói với con rồi.
Con bé nhìn xuống chiếc quần yếm:
- Ba con, ổng luôn phạt roi rất ghê mỗi khi thấy con làm thế này.
Suốt thời gian trò chuyện, tôi vẫn giữ tư thế bất động tại chỗ, không dám nhúc nhích vì sợ phá vỡ mối liên kết mong manh này.
- Không sao đâu, con đừng sợ, chúng ta sẽ lo
chuyện đó. Mình vẫn còn thời gian trước khi ra về mà. Khi đó quần con đã khô rồi.
Con bé xoa mũi, nhìn vũng nước, rồi lại ngước nhìn tôi. Lần đầu tiên kể từ lúc đến đây, con bé tỏ ra phân vân. Tôi đứng lên thật chậm rãi. Con bé bước lùi một bước. Tôi giơ tay ra:
- Lại đây nào, chúng ta sẽ đi lấy đồ lau sạch chỗ đó. Con đừng lo.
Con bé phán đoán một lúc lâu rồi thận trọng tiến về phía tôi. Con bé làm ngơ cánh tay đang giơ ra của tôi nhưng chịu đi bên tôi hướng về phía lớp học.
Trong phòng, mọi thứ đã yên tĩnh trở lại. Anton và bọn trẻ đang cùng nhau hát. Whitney đang ôm Susannah và Mary đang dỗ dành Max. Mấy con cá chết đã được dọn đi. Tất cả mọi ánh mắt trong phòng đều quay lại nhìn chúng tôi nhưng tôi ra hiệu cho Anton cứ tiếp tục ca hát với bọn trẻ. Sheila đón lấy mấy cái giẻ lau và cái chậu từ tay tôi và chúng tôi quay lại phòng tập thể dục, lau sạch sàn nhà mà không nói tiếng nào. Sau đó con bé theo tôi quay về lớp học.
Thật ngạc nhiên, thời gian còn lại của buổi chiều trôi qua rất yên tĩnh. Dường như cảm xúc của bọn trẻ đã dịu lại. Sheila lại lui về chiếc ghế mà con bé đã gắn bó suốt buổi sáng, ngồi co ro một mình và mút ngón tay. Con bé không hề nhúc nhích suốt thời gian còn lại của buổi chiều. Dù vậy, nó có dõi theo chúng tôi. Tôi không thể đọc được điều gì trong ánh mắt con bé. Tôi lần lượt đến với từng đứa trẻ, bồng chúng lên vỗ về, trò chuyện với chúng, cố gắng xoa dịu những cảm xúc không thể diễn đạt thành lời. Cuối cùng tôi mới đến bên Sheila.
Tôi ngồi xuống sàn nhà bên cạnh chiếc ghế con bé đang ngồi và nhìn lên con bé. Con bé thận trọng dò xét tôi, miệng vẫn ngậm ngón tay. Dư âm của những gì đã xảy ra thể hiện rất rõ qua ánh mắt con bé. Anton đang tiếp tục những bài hát cuối cùng trước khi ra về và không ai chú ý đến chúng tôi. Tôi không muốn làm con bé lo sợ bằng cách tỏ ra quá thân mật nhưng lại muốn nó biết tôi quan tâm đến nó.
Tôi lên tiếng:
- Thật là một buổi chiều khó khăn, phải không con?
Con bé không có phản ứng nào ngoại trừ nhìn tôi chằm chằm. Từ vị trí này, tôi được hưởng toàn bộ mùi hương từ con bé.
- Cô tin rằng ngày mai sẽ tốt hơn. Ngày đầu tiên bao giờ cũng rất khó khăn mà.
Tôi cố gắng đọc ánh mắt con bé để tìm hiểu những gì đang diễn ra trong đầu nó. Thái độ thù địch đã biến mất, ít ra là trong lúc này. Nhưng ngoài ra tôi không nhìn thấy điều gì khác nữa.
- Quần của con khô chưa?
Con bé duỗi người đứng dậy, kiểm tra lại quần mình. Chúng gần như đã khô, dấu vết chỗ ẩm gần
như không phân biệt được với những vết bẩn khác. Con bé khẽ gật đầu.
- Như vậy đã đủ để con không gặp rắc rối chưa?
Lại một cái gật đầu rất khẽ, gần như không thể nhận ra.
- Cô cũng mong là vậy. Mọi người ai cũng bị sự cố mà. Mà việc này cũng không hẳn là lỗi của con. Chỉ vì con không được đi vệ sinh mà.
Tôi có mấy bộ quần áo để sẵn trong phòng vì những việc như thế này rất thường xảy ra trong lớp tôi. Tôi không nói điều đó vì sợ sẽ làm con bé hoảng sợ với sự thân mật quá mức, nhưng tôi muốn con bé hiểu những vấn đề như thế vẫn được chấp nhận ở đây.
Ngón tay con bé nhúc nhích trong miệng và nó quay đầu sang dõi theo Anton. Tôi ở bên con bé cho đến lúc tan trường.
Sau khi bọn trẻ ra về hết, tôi và Anton dọn dẹp căn phòng trong yên lặng. Không ai trong chúng tôi nhắc đến những gì đã xảy ra. Không ai nói tiếng nào. Dĩ nhiên đây không phải là một ngày tươi đẹp của chúng tôi. Khi về đến nhà, tôi rửa sạch vết thương do cây viết chì đâm vào và dán một miếng băng dính Band-Aid lên. Sau đó tôi lên giường nằm khóc.