Dù tôi có muốn thừa nhận hay không thì cuộc sống diễn ra trong lớp học của tôi vẫn là một trận chiến không ngưng nghỉ. Một cuộc chiến không chỉ đối với bọn trẻ mà còn đối với chính tôi. Để có thể đối mặt với bọn trẻ mỗi ngày, tôi đã khóa chặt mọi cảm xúc của mình trên nhiều mặt vì tôi nhận ra rằng nếu không làm vậy, tôi trở nên thiếu can đảm, dễ bàng hoàng và liên tục nản lòng đến nỗi không thể làm việc hiệu quả được. Ngày ngày tôi phải xua nỗi sợ hãi của chính mình vào những xó xỉnh nhỏ bé, nơi chúng vẫn lẩn khuất. Thường thì cách làm này cũng tỏ ra hiệu quả, nhưng thỉnh thoảng khi một đứa bé xuất hiện thì những bình an trong tôi lại dậy sóng. Hậu quả là tất cả những phân vân, giận dữ và lo âu được kìm nén bấy lâu trong tôi lại bùng nổ và tôi cảm nhận rất rõ cảm giác thất bại.
Mặc dù vậy, về cơ bản, tôi vẫn là người hay mơ mộng. Bất chấp những hành vi không thể hiểu nổi của bọn trẻ và sự yếu đuối của chính tôi, bất chấp những cảm giác nản lòng và nghi ngờ bản thân, một ước mơ – nói thật là hiếm khi được nhận ra – vẫn chắp cánh bay cao, ước mơ rằng một ngày nào đó mọi thứ sẽ đổi thay. Là một người mơ mộng, giấc mơ đó của tôi rất khó tan biến.
Lần này cũng không phải ngoại lệ. Nước mắt chỉ chảy một lúc rồi thôi, tôi thiếp đi. Sau đó, tôi bình thản ngồi dậy ăn bánh mì kẹp với cá ngừ và xem bộ phim Star Trek(3). Tôi chưa bao giờ xem ti vi nhiều đến thế và cũng chưa từng xem Star Trek kể từ lần đầu tiên nó xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Nhưng giờ đây, nhiều năm sau lần phát sóng đầu tiên, nó được chiếu lại trên nhiều đài cùng một lúc vào sáu giờ hàng ngày. Hồi đầu năm học, khi khả năng thích nghi của bọn trẻ tiến triển rất chậm và nỗi chán nản của tôi dâng cao, tôi bắt đầu xem chương trình chiếu phim này trong khi ăn tối và dần dần nó trở thành một thông lệ. Nó như dấu mốc chia một ngày của tôi tách bạch thành thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi. Khoảng thời gian một tiếng ấy chính là thời gian phục hồi của tôi khi tôi tạm gác lại mọi khó khăn và giận dữ đã xảy ra ở trường. Ngài Spock vô cảm tuyệt đối trở thành chỗ dựa tinh thần cho tôi sau giờ làm việc.
Nhờ đó mà khi Chad ghé qua lúc bảy giờ, tôi đã kịp cân bằng trở lại. Tôi và Chad vẫn thường xuyên gặp nhau suốt mười tám tháng nay. Lúc đầu nó giống như một kiểu hẹn hò kinh điển: những buổi ăn tối, xem phim, khiêu vũ và trò chuyện vô tư không dứt. Tuy nhiên, không ai trong chúng tôi thích hợp với kiểu hẹn hò như thế. Thế là chúng tôi chuyển sang mối quan hệ bạn bè thân thiết, thoải mái. Chad là một thành viên mới vào nghề trong một công ty luật ở khu trung tâm và dành phần lớn thời gian làm luật sư do tòa chỉ định để bào chữa cho những kẻ đua xe và những kẻ chẳng-bao-giờ- làm-gì-tốt bị bắt giữ. Kết quả là lý lịch về quá trình làm việc của anh không có gì nổi bật vì ít khi nào anh thắng kiện. Thế là chúng tôi thường dành những buổi chiều bên nhau để chia sẻ sự xót thương của mình dành cho học sinh của tôi và thân chủ của anh. Cũng có một hai lần chúng tôi nhắc đến hôn nhân nhưng chỉ dừng lại ở đó. Cả hai chúng tôi đều là những người thích độc thân và hài lòng với tình trạng hiện tại.
Chad đến mang theo một lít kem sô-cô-la Baskin-Robbins. Trong lúc trộn kem với nước trái cây, tôi kể anh nghe về Sheila. Tôi khẳng định chắc chắn với Chad là tôi đã gặp đối thủ rồi. Đứa nhóc đó là một con thú hoang và tôi không nghĩ mình là người có thể thuần hóa được con bé. Tôi mong bệnh viện hãy đi vào hoạt động càng sớm càng tốt.
Chad cười nhã nhặn và gợi ý tôi thử gọi điện cho giáo viên trước đây của con bé xem sao. Sau cuộc vui cuồng nhiệt với mấy ly kem, khi tôi đã cảm thấy no đủ và sáng suốt hơn một chút về mọi việc, tôi dò danh bạ điện thoại để tìm số điện thoại cô Barthuly.
- Ôi lạy Chúa! - Cô Barthuly thốt lên khi tôi tự giới thiệu mình là ai và tại sao tôi gọi đến. - Tôi tưởng họ đã tống con bé vào tù vĩnh viễn luôn rồi chứ.
Tôi giải thích rằng bệnh viện tiểu bang chưa đi vào hoạt động và hỏi xem cô đã xoay xở thế nào khi Sheila còn học với cô. Tôi nghe thấy cô khẽ đằng hắng, nhưng âm thanh khe khẽ đó thể hiện nỗi bất lực mơ hồ.
- Tôi chưa từng gặp đứa nhỏ nào như thế. Tàn phá, ôi lạy Chúa, mỗi lần tôi rời mắt khỏi con bé là nó lại phá hủy một thứ gì đó. Bài tập của nó, của các bạn, bảng thông báo, bảng dán hình, bất kỳ thứ gì. Có lần con bé lấy tất cả áo khoác của các bạn và nhét vào bồn cầu trong nhà vệ sinh nữ. Ngập cả một tầng hầm.
Cô thở hắt ra.
- Tôi đã thử mọi cách để chặn con bé lại. Con bé luôn tiêu hủy bài tập của nó trước khi cô kịp nhìn qua nó. Tôi đã bọc nhựa vở bài tập lại để con bé không thể xé bỏ được. Cô biết nó làm gì không? Nó nhét cuốn tập vào hệ thống làm mát và làm nghẽn máy điều hòa. Và thế là chúng tôi phải trải qua ba ngày không có máy thông gió khi nhiệt độ ở mức 340C.
Cô Barthuly bắt đầu kể hết chuyện này đến chuyện khác. Lúc đầu cô nói rất nhanh như thể cô chưa từng có cơ hội nào tốt đến thế để kể về những huyên náo và hỗn loạn mà cô đã gặp trong ba tháng đầu năm học. Nhưng sau đó giọng cô trầm xuống, thể hiện rõ sự mỏi mệt. Bất chấp tất cả, cô đã từng yêu thương Sheila, từng bị thu hút bởi sức hút khó hiểu cũng đã hấp dẫn tôi. Con bé trông có vẻ rất mỏng manh nhưng cũng rất gai góc. Cô đã từng muốn làm điều gì đó đúng đắn cho Sheila. Nhưng cô làm gì cũng không thể giúp được. Sheila không chịu nói chuyện với cô. Con bé không muốn ai đụng chạm, cũng chẳng muốn được giúp đỡ hay yêu thương. Ngay từ đầu cô Barthuly đã cố cư xử tốt với con bé. Cô cố gắng tạo ảnh hưởng đến đứa trẻ khó ưa này, cho con bé tham gia vào những hoạt động đặc biệt, chú ý quan tâm đến em nhiều hơn. Các chuyên gia tâm thần học của trường đã đặt ra những chương trình quản lý hành vi để thưởng cho những hành vi tốt của Sheila. Nhưng có vẻ như Sheila vui thích với việc chống lại những gì họ muốn em làm. Cô Barthuly tin rằng Sheila đã chủ ý phá hoại chương trình, bằng chứng là con bé đã cố tình không làm cả những việc mà trước đó nó vẫn làm rất tốt, chỉ vì những việc đó được liệt kê trong danh sách những việc làm được thưởng.
Kế đến, cô Barthuly cố gắng khống chế những hành vi tiêu cực lạ lùng của con bé. Cô tước bỏ một số quyền lợi của con bé, phạt con bé trong góc và cuối cùng phải đưa Sheila đến phòng hiệu trưởng vì tội nghịch nước. Dù vậy, Sheila vẫn tiếp tục khủng bố lớp học, tấn công các bạn khác, phá hủy mọi thứ và nhất quyết không chịu học. Cuối cùng, cô Barthuly đành bỏ cuộc. Đứa trẻ này làm mất quá nhiều thời gian của những đứa khác. Thế là Sheila bị bỏ mặc và dấu hiệu yên bình lần đầu tiên xuất hiện trong lớp. Được làm những gì mình thích, Sheila dành cả ngày lang thang quanh lớp học hay lật xem mấy trang tạp chí. Nếu bị ngăn cản, Sheila sẽ hét lên và xé nát tờ tạp chí để trả đũa hay phá hủy bất kỳ thứ gì trong tầm tay. Tuy vậy, khi được hoàn toàn ở một mình, con bé khá dễ chịu và sẽ không làm phiền mọi người nếu họ cũng đừng đả động gì đến nó. Con bé vẫn không bao giờ lên tiếng, không làm bài tập, cũng không tham gia vào hoạt động nào trong lớp. Sau đó thì sự kiện tháng Mười một xảy ra và con bé được đưa khỏi trường ngay lập tức để trấn an những lo sợ của các bậc phụ huynh.
Giọng nói bên kia đầu dây nghe ảo nảo và bi quan. Cô Barthuly rất tiếc vì chẳng làm được gì nhiều. Không ai biết liệu Sheila có biết bảng chữ cái và mấy con số cơ bản nhất hay không. Không ai có thể hiểu chút gì về việc học cũng như cảm xúc của con bé. Cô Barthuly thừa nhận, con bé gần như là đứa bất trị nhất mà cô từng gặp. Những gì có thể làm cho Sheila đều vượt quá khả năng kiên nhẫn, năng lực và thời gian của cô. Cô chúc tôi may mắn và nói thêm rằng cô hy vọng bệnh viện tiểu bang sẽ sớm mở cửa tiếp nhận con bé. Rồi cô cúp máy.
Những thông tin ấy lại dấy lên nỗi muộn phiền trong tôi vì tôi không biết rồi đây mình có thể làm gì với con bé. Với nhóm học trò của mình, tôi biết tôi sẽ không có cơ hội để dành nhiều thời gian quan tâm đến con bé hơn như cô Barthuly đã làm. Tôi trao đổi vấn đề ấy với Chad và thấy rằng tôi không thể làm gì khác ngoài việc cứ chờ xem sao.
Sáng hôm sau, trước giờ vào học, tôi và Anton ngồi bàn kế hoạch cho những hoạt động trong ngày. Rõ ràng là không thể để những việc xảy ra ngày hôm trước lặp lại. Mấy đứa trẻ khác sẽ không thể chịu nổi những trải nghiệm như thế. Một vài sự cố cũng tốt cho lớp học vì chúng dạy bọn trẻ cách phản ứng khi mọi việc diễn ra không như mong đợi, tuy nhiên chúng tôi không thể để cho những chuyện tương tự như vậy xảy ra mãi được.
Mười lăm phút trước khi giờ học bắt đầu, cô nhân viên xã hội đến, kéo theo Sheila phía sau. Cô giải thích rằng tuyến xe buýt duy nhất họ có thể đón để đến nhà Sheila là chuyến xe của trường trung học. Vì vậy, hàng ngày Sheila sẽ đến trường sớm hơn nửa tiếng và buổi chiều sau khi tan trường, con bé phải ở lại đợi hai tiếng mới có chuyến xe buýt về nhà. Tôi hoảng hồn. Trước hết, tôi cảm thấy Sheila không thích hợp đi xe buýt với một đám học sinh trung học. Tôi nghĩ con bé không thể đi trên bất kỳ chuyến xe buýt nào cho yên lành. Kế đến, tôi phải làm gì với con bé trong hai giờ sau khi tan học? Chỉ riêng ý nghĩ đó cũng khiến tôi nôn nao khó chịu.
Cô nhân viên xã hội mỉm cười bâng quơ. Chúng tôi sẽ phải làm như thế vì không có bất kỳ chế độ đặc biệt nào cho trường hợp này. Cách đơn giản nhất là thu xếp cho con bé ở lại trường. Những tuyến xe buýt về ngoại ô khác cũng đến trễ tương đương và những học sinh khác cũng phải chờ đâu đó trong trường. Sheila có thể cùng chờ với chúng. Cô giao lại cánh tay buông thõng của Sheila cho tôi rồi quay đi.
Tôi nhìn xuống Sheila và cảm thấy tất cả những lo âu từ ngày hôm trước ùa về. Con bé đang xem xét tôi, đôi mắt mở to cảnh giác, thái độ thù ghét ẩn đi bớt so với hôm trước. Tôi mỉm cười yếu ớt:
- Chào con, Sheila. Cô rất vui khi hôm nay con lại đến với lớp mình.
Chỉ còn lại vài phút ngắn ngủi trước khi bọn trẻ đến đông đủ, tôi đưa Sheila đến một chiếc bàn và kéo ghế cho con bé. Con bé đi theo tôi từ cửa lớp mà không hề kháng cự. Tôi ngồi xuống bên con bé và nói:
- Con nè, chúng ta hãy trao đổi một chút về những gì sẽ diễn ra hôm nay để không phải trải qua một ngày như hôm qua nữa nhé! Cô thấy hôm qua không vui lắm, mà cô nghĩ là con cũng cảm thấy vậy.
Đôi mày con bé nhíu lại trong một biểu hiện thắc mắc như thể nó không hiểu tôi đang định làm gì.
- Cô không biết khi học ở những ngôi trường khác thì con thế nào, nhưng cô muốn con biết những gì sẽ diễn ra ở đây. Hôm qua, cô nghĩ là các cô đã làm con sợ một chút vì con không biết ai trong các cô và có thể những gì các cô muốn không được rõ ràng. Cho nên giờ cô sẽ nói cho con biết.
Con bé lại bắt đầu ngồi thu lu trên ghế, gối co đến tận cằm và tay vòng ôm chặt hai chân. Tôi nhận thấy con bé vẫn mặc chiếc quần yếm cũ sờn và chiếc áo thun cũ. Cả áo và quần đều chưa được giặt và con bé vẫn bốc cái mùi khủng khiếp ấy.
- Cô sẽ không làm con đau. Cô không làm đau đứa trẻ nào ở đây. Cả chú Anton hay chị Whitney hay bất kỳ ai cũng vậy. Con không phải sợ ai trong các cô chú.
Con bé ngậm ngón tay cái vào miệng. Trông nó có vẻ sợ tôi. Và lúc này đây tôi thấy nó thật nhỏ bé, mong manh, yếu ớt; điều này khiến tôi cảm thấy hết sức khó khăn khi nhớ lại hình ảnh của nó ngày hôm qua. Vẻ bạo dạn mạnh mẽ đã biến mất, ít ra là tạm thời. Nhưng ánh mắt con bé vẫn không chút e dè khi dõi theo tôi.
- Con có muốn ngồi vào lòng cô khi cô nói chuyện với con không?
Con bé lắc đầu rất khẽ, rất khó nhận thấy.
- Được thôi, vậy thì kế hoạch là thế này. Khi lớp chúng ta làm gì, cô muốn con tham gia cùng cô và các bạn. Tất cả những gì con phải làm chỉ là ngồi với cô và các bạn. Chú Anton hay chị Whitney hoặc cô sẽ giúp con hiểu những gì đang diễn ra đến khi nào con làm quen với những việc đó.
Tôi tiến tới giải thích thời gian biểu trong ngày cho con bé. Tôi nói con bé không cần phải tham gia nếu nó không muốn hay chưa muốn. Nhưng rồi nó sẽ phải tham gia cùng các bạn và không có lựa chọn nào khác. Hoặc con bé tự làm hoặc một người trong chúng tôi sẽ giúp nó.
Cuối cùng, tôi nói thêm:
- Và thỉnh thoảng, nếu mọi việc xảy ra ngoài tầm kiểm soát, cô sẽ đưa con đến góc phòng yên tĩnh đằng kia.
Tôi chỉ tay về phía chiếc ghế trong góc phòng.
- Con đến đó và ngồi cho đến khi nào cô trò mình cảm thấy con đã có thể tự chủ trở lại. Con chỉ cần ngồi thôi. Con hiểu rõ không?
Cho dù hiểu, con bé cũng không cho tôi biết. Ngay lúc đó những đứa trẻ khác đến. Tôi đứng dậy và vỗ nhẹ vào lưng con bé trước khi ra đón mấy đứa kia. Con bé không né tránh sự đụng chạm của tôi nhưng sau đó con bé cũng phớt lờ, xem như tôi chưa từng chạm vào nó.
Đến giờ trò chuyện buổi sáng, Sheila vẫn ngồi trên ghế. Tôi chỉ xuống sàn nhà cạnh tôi:
- Sheila, qua đây nào, chúng ta phải trò chuyện buổi sáng đây.
Con bé không nhúc nhích. Tôi lặp lại lần nữa. Con bé vẫn ngồi bất động thu mình trên ghế. Tôi có thể cảm thấy ngực mình thắt lại vì lo. Con bé dò xét tôi, ngón tay ngậm trong miệng, mắt mở to. Tôi nhìn sang Anton, anh đang ổn định chỗ ngồi cho Freddie.
- Anton, anh giúp Sheila cùng tham gia với chúng ta được không?
Khi Anton tiến về phía Sheila, con bé như bừng tỉnh và phóng ào khỏi ghế. Con bé điên cuồng lao như bay ra phía cửa, va mạnh vào đó khi chốt cửa không bật ra.
Peter thốt lên lo lắng:
- Cô Torey, cô bảo bạn ấy dừng lại đi.
Khi Anton đuổi theo con bé, mấy đứa khác cứ giương mắt nhìn theo. Ánh mắt con bé lại dài dại như con thú hoang bị dồn vào đường cùng và nó cứ lao đi điên cuồng để tránh không bị bắt lại. Nhưng căn phòng quá nhỏ nên mọi nỗ lực của con bé đều không đem lại hiệu quả. Con bé cố ngăn cản Anton bằng cách hất đổ sách khỏi kệ nhưng chỉ giây lát sau anh đã dồn con bé vào góc xa của một chiếc bàn. Họ nhử qua nhử lại, rồi đột nhiên Anton đẩy chiếc bàn về phía con bé, ép con bé vào tường vừa đủ lâu và bất ngờ phóng đến để tóm lấy cánh tay nó.
Lần đầu tiên con bé gây ra tiếng động. Nó phát ra một tiếng thét làm kinh động tất cả chúng tôi. Susannah bắt đầu khóc còn những đứa khác chỉ im lặng nép mình vào nhau, khuôn mặt lộ rõ sự khiếp hãi khi nhìn Anton đánh vật với Sheila và lôi em trở ra giữa phòng. Tôi vẫn ngồi yên và chỉ tay về phía chỗ ngồi mà trước đó tôi đã ra dấu cho Anton. Tôi đón lấy cánh tay con bé và đặt nó ngồi vào vị trí. Con bé vẫn tiếp tục thét to, một tiếng thét khàn cả giọng, không kèm theo nước mắt, nhưng lúc này con bé đã ngồi yên, không còn vùng vẫy nữa.
Tôi lên tiếng với sự hào hứng giả tạo:
- Nào, ai có chủ đề nào?
William lên tiếng, cố gắng để tiếng nói của mình không bị tiếng thét của Sheila át đi.
- Dạ con có. Lớp mình sẽ lúc nào cũng như thế này ạ? Bạn ấy sẽ luôn như vậy sao?
Đôi mắt đen của thằng bé ngân ngấn nỗi sợ hãi. Những đứa khác cũng dõi theo tôi lo lắng. Và đây không phải là lần đầu tiên tôi nhận ra công việc đòi hỏi tôi phải biết lừa bịp như thế nào, vì thành thật mà nói tôi cũng hoảng sợ không kém gì các em. Chúng tôi đã ở bên nhau được bốn tháng, đã tìm hiểu được những khác biệt, những khó khăn của nhau. Tôi biết Sheila sẽ trở thành hiểm họa đối với chúng tôi, ngay cả khi con bé im lặng và tỏ ra hợp tác, đơn giản vì con bé là người mới đến và luôn thách thức khả năng giữ nề nếp vốn mong manh của chúng tôi.
Thế là chủ đề của chúng tôi ngày hôm đó là về Sheila. Tôi cố hết sức giải thích rằng Sheila vẫn đang thích nghi và cũng như tất cả chúng tôi, em đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Con bé chỉ cần chúng tôi kiên nhẫn và thông cảm.
Sheila không hoàn toàn làm ngơ khi chúng tôi trao đổi về nó. Tiếng thét của nó giảm dần thành tiếng la rời rạc, chỉ vang lên khi chúng tôi dừng trò chuyện quá lâu hay khi có ai nhìn sang nó và bị nó bắt gặp. Ngoài ra, con bé hoàn toàn im lặng. Tôi để bọn trẻ đặt câu hỏi và thể hiện nỗi sợ hãi của chúng. Rồi tôi cố gắng trả lời chúng thật chân thành. Ngoại trừ Peter, mấy đứa còn lại đều tinh ý không chỉ trích quá gay gắt khi có mặt Sheila. Peter thì ngược lại. Cũng như hôm trước khi than phiền về mùi của con bé, hôm nay thằng bé giận dữ tuyên bố rằng nó muốn cô bạn gái này ra khỏi lớp. Con bé làm hỏng mọi thứ. Tôi không cố bảo vệ Sheila khỏi những lời nhận xét của Peter vì tôi biết đằng nào thì sau đó thằng bé cũng sẽ lại nói thế về cô bạn của mình. Đó là tất cả vấn đề của Peter, và vì thế tôi muốn có mặt mỗi khi thằng bé đưa ra bất kỳ lời nhận xét nào.
Chúng tôi chuyển sang bàn về những phương cách khác nhau để xử lý những bất tiện mà mình gặp phải, trong khi đó thì Sheila có vẻ đang dần thích nghi với những gì đang diễn ra. Tyler gợi ý đưa con bé sang góc phòng để bảo vệ cho lỗ tai chúng tôi. Sarah chọn cách nghỉ giải lao mỗi khi Sheila gây náo động. Còn Guillermo, đứa có vẻ đặc biệt cao thượng, nghĩ bọn trẻ nên thay phiên ngồi bên Sheila và làm bạn với con bé mỗi khi con bé hét lên để nó không phải cô đơn. Tôi ngờ rằng cậu bé đang phản ánh cảm xúc của chính mình hơn là của Sheila.
Cuối cùng chúng tôi quyết định rằng mỗi khi Sheila hét lên hay làm bất kỳ điều gì khiến Anton hay tôi phải chú ý và ảnh hưởng đến lớp học, những đứa khác sẽ chăm chú làm việc của mình và những đứa có trách nhiệm sẽ chú ý trông chừng Max, Freddie và Susannah. Tôi thông báo với cả lớp là đến cuối tuần cả lớp sẽ được thưởng nếu mọi người hợp tác tốt. Sau khi trao đổi ngắn gọn, chúng tôi quyết định sẽ làm kem vào thứ Sáu nếu mọi việc tốt đẹp. Quả thật bọn trẻ có rất nhiều ý tưởng.
Tyler gợi ý:
- Nếu cô bận với Sheila và Freddie bắt đầu khóc, con sẽ đọc truyện cho bạn ấy nghe.
- Chúng ta có thể tự hát lên. - Guillermo nói thêm. - Con sẽ nắm tay bạn Susannah lại để bạn ấy không bỏ chạy và làm tổn thương mình.
Tôi mỉm cười:
- Các con ai cũng có những ý tưởng rất hay. Cô biết chắc là mọi việc sẽ diễn ra ổn thỏa thôi. Vậy nên các con hãy nghĩ xem các con muốn ăn loại kem nào vào thứ Sáu nhé!
Tôi nhìn xuống Sheila, con bé vẫn đang gầm gừ giận dữ. Tay tôi vẫn đang nắm lấy quai đeo chiếc quần yếm của con bé, còn nó thì vẫn ngồi im, tỏ ra bình thản.
- Con có thích ăn kem không? Con bé khẽ nheo mắt lại.
- Cô nghĩ là con sẽ thích, phải không? Con có thích ăn kem không?
Con bé thận trọng gật đầu.
Sheila đã hợp tác hơn khi chịu di chuyển đến chỗ ngồi trong giờ học toán. Con bé leo lên một chiếc ghế và thu mình lại, dõi theo tôi ngờ vực khi thấy tôi đến bên từng đứa một. Thời gian còn lại của buổi sáng trôi qua mà không có sự kiện nào đặc biệt.
Tôi không dám để bữa trưa diễn ra như hôm qua nữa, không chỉ vì tôi không muốn lặp lại một buổi chiều thảm khốc mà còn vì mấy cô bảo mẫu nói rằng họ dứt khoát không trông con bé đến khi nào nó trở nên bình thường hơn. Cho nên tôi lấy phần cơm trưa của mình và ăn cùng bọn trẻ.
Tôi ngồi kế bên Sheila, con bé ngồi cách tôi một khoảng nhỏ trên chiếc ghế dài trong nhà ăn. Khi Anton đến và ngồi xuống phía bên kia, con bé liền nhích lại gần phía tôi. Con bé nuốt gọn bữa trưa chỉ trong vài phút bằng cách tọng hết chỗ thức ăn vào mồm và nhai lấy nhai để. Tác phong của con bé hết sức tệ, nhưng nó biết cách sử dụng nĩa, tốt hơn nhiều so với khả năng xoay xở của vài đứa khác.
Sau bữa trưa, tôi hộ tống con bé trở về phòng học. Tôi về bàn ngồi và chấm bài trong khi bọn trẻ chơi đùa. Sheila trở về chỗ ngồi của mình trên ghế, lại đưa ngón tay lên mút và nhìn tôi không chớp mắt.
Suốt buổi chiều hôm đó, con bé di chuyển theo đúng yêu cầu, mặc dù nếu được lựa chọn thì con bé sẽ luôn quay về chiếc ghế bên bàn và ngồi thu lu ở đó. Có vẻ như con bé đã ngoan ngoãn đáng kể so với hôm trước. Trông nó thật ủ rũ nhưng tôi cũng không cố gắng tìm hiểu. Dường như con bé sợ tôi quá mức, tôi cũng không hiểu tại sao nên tôi cũng không muốn tăng thêm nỗi sợ của nó bằng cách buộc nó chấp nhận tôi.
Dường như bọn trẻ hơi thất vọng vì không có chuyện gì gay go xảy ra. Sau khi làm bài tập cuối ngày xong, Peter đến bên tôi và hỏi liệu chúng tôi có còn được ăn kem không nếu Sheila không cư xử kỳ lạ nữa. Tôi bật cười và đảm bảo với thằng bé rằng từ giờ đến thứ Sáu nếu không có vấn đề gì phát sinh, chắc chắn sẽ có kem.
Buổi chiều, bọn trẻ lục đục ra về, chỉ còn Sheila, Anton và tôi ở lại. Thông thường, thời gian hai tiếng sau khi tan học là khoảng thời gian tôi chuẩn bị cho buổi học ngày hôm sau, nhưng tôi nghĩ ít ra trong vài ngày đầu, tôi nên dùng thời gian đó để có thể quen hơn với Sheila. Con bé vẫn ngồi thu lu trên ghế, thậm chí không hề nhúc nhích khi mấy đứa khác mặc áo khoác vào và chuẩn bị ra về.
Tôi đến bên bàn và ngồi xuống đối diện với con bé. Con bé nhìn tôi dò xét, đôi mắt cảnh giác.
- Hôm nay con rất ngoan, nhóc tì ạ. Cô rất thích như thế.
Con bé quay mặt đi.
Tôi nhìn con bé. Đằng sau lớp bụi bặm và nhếch nhác là một đứa bé xinh xắn. Thân hình con bé thẳng và cân đối. Tôi muốn được ôm con bé vào lòng, ôm ấp để xoa dịu phần nào nỗi đau hiện rõ trong đôi mắt nó. Nhưng chúng tôi vẫn ngồi cách nhau một cái bàn, khoảng cách gần như cả một vũ trụ. Khi tôi ngồi gần như thế, con bé thậm chí không dám nhìn vào mắt tôi.
Tôi nhẹ nhàng hỏi:
- Cô có làm con sợ không, Sheila? Nếu có thì không phải cô muốn vậy đâu. Chắc là con sợ lắm khi phải đến một ngôi trường mới, với những người mà con không hề quen biết. Cô biết như thế rất đáng sợ. Điều đó cũng làm cô sợ nữa.
Con bé đưa bàn tay lên che một bên má như để tôi không thấy được nó nữa.
- Con có muốn cô đọc truyện cho con nghe hay làm gì đó trong khi chúng ta chờ xe buýt không?
Con bé lắc đầu.
- Được thôi. À, giờ cô sẽ qua bàn bên kia để lên kế hoạch cho ngày mai. Nếu con đổi ý, cô sẽ rất vui khi đọc truyện cho con nghe. Hay con có thể chơi đồ chơi hay làm bất cứ việc gì con thích.
Tôi đứng dậy rời khỏi bàn.
Ngay khi tôi vừa ngồi xuống bàn bên kia, con bé bỏ tay xuống và quay sang nhìn tôi chăm chú, theo dõi tôi trong khi tôi viết. Đôi lần tôi ngước lên nhưng không thấy chút phản ứng nào từ cái nhìn bất động ấy.