Một thời ngành giáo dục đưa thơ của các nhà thơ nổi tiếng vào sách giáo khoa, thơ Tố Hữu, Huy Cận, Sóng Hồng... tôi nhớ là có thơ của Xuân Diệu nhưng không nhớ cụ thể bài nào, và dĩ nhiên đám học trò phải học thuộc lòng. Lên đến cấp III, nghe người lớn trong lúc trà dư tửu hậu bàn tán chuyện ông Xuân Diệu đồng tính luyến ái. Cũng chỉ biết vậy thôi
Đầu những năm 1980, tôi hay đến quán nước chè chén của bà Mai (vợ giáo sư Hoàng Như Mai) ở góc ngã tư phố Quang Trung-Nguyễn Du. Nghỉ hưu bà bán hàng nước trước là vui sau là thêm thắt đồng mắm đồng muối vì thời kỳ đó cuộc sống vô cùng khó khăn. Bà tế nhị, nói chuyện hóm hỉnh, biết nhiều chuyện, nhất là chuyện giới văn nghệ. Khách của quán bà không chỉ sinh viên, nhiều hôm tôi gặp cả nhà thơ Phùng Quán, kịch sỹ Phan Tại và có lần gặp cả vợ nhà văn Tô Hoài. Họ đến uống chén nước, nói chuyện một thời vì thế tôi cũng hóng hớt được dăm ba câu chuyện hậu trường giới văn nghệ trong đó có chuyện đám cưới của Xuân Diệu với đạo diễn Bạch Diệp (sau đó bà được phong NSND, bà mới mất gần đây). Lại biết thêm trước năm 1945, Xuân Diệu và Huy Cận đã bị giới văn nghệ nghi ngờ "đồng tính luyến ái" bởi cả hai ra Hà Nội thuê nhà ở chung tại phố Hàng Than, sau chuyển về Hàng Bông, xuất bản thơ chung.
Hồi còn bé, tôi đã được nghe người lớn nói đến những từ như "ông đồng, bà cốt" hay "đồng bóng" nhưng chẳng hiểu gì. Nhưng con trai mà ỏn ẻn, thích chơi với con gái, đan len nhoay nhoáy thì chính chúng tôi gọi tên bao giờ cũng kèm thêm chữ gái đằng sau, ví dụ như Thắng gái, Hải gái. Nếu con gái mà tính cách mạnh mẽ, dọa ma không sợ, mười mấy tuổi mà vẫn mặc quần đùi đi xếp hàng mua gạo thì chúng tôi gọi tên nhưng kèm sau đó thêm từ đàn ông. Hồi tôi học cấp III Đoàn Kết lớp tôi có bạn tên Thúy, nghịch như con trai nên cả lớp tôi gọi là Thúy đàn ông.
Tá túc quán bà Mai nên chiều nào tôi cũng thấy một "cô gái" mặc áo cánh đen bó sát người, quần lụa, môi son, má phấn đi xe Peugeot mầu xanh, đạp nhẹ nhàng, từ từ và dường như không bao giờ để ý đến ai. Mọi người trong quán bảo đó là "Tuấn đồng cô". Tuấn thích mọi người gọi bằng cô và rất ghét ai gọi là anh Tuấn. Sở dĩ Tuấn hay đi qua phố Quang Trung vì nhà ở phố Quang Trung, góc ngã ba phố Quang Trung-Hồ Xuân Hưong. Đó là biệt thự cao ba tầng, tầng một mặt phố Hồ Xuân Hương (đối diện với tòa soạn báo Tiền Phong) là đồn công an, còn nhà Tuấn đi cổng phố Quang Trung, bên ngoài có bụi tre đi vào bên trong là khoảng sân khá rộng. Tuấn sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, cha là nhà tư sản Đức Minh (tên thật là Bùi Đình Thản) có tiếng ở Hà Nội. Ông là người lịch thiệp, hiểu biết sâu rộng về văn hóa Việt Nam. Ông cũng từng được "phân công" làm cửa hàng trưởng Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền khi nhà nước thực hiện chủ trương công tư hợp doanh năm 1960. Ông nổi tiếng trong giới mỹ thuật nói riêng và trong giới văn nghệ nói chung bởi ông có bộ sưu tập tranh có một không hai. Bộ sưu tập có hơn 1000 tranh lớn bé của các họa sỹ tên tuổi Trường Mỹ thuật Đông Dương như: Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái,Dương Bich Liên... Sau này ông có ý tặng cho nhà nước chỉ với một yêu cầu bảo tàng đó mang tên ông, tuy nhiên mong muốn ấy không thành... Đọc cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX của cụ Nguyễn Văn Uẩn, tôi biết thêm ông Đức Minh là con cụ Cửu Nghi, một nhà tư sản giầu có đầu thế kỷ XX. Con gái cụ Cửu Nghi lấy con trai nhà tư sản Bạch Thái Bưởi, đám cưới diễn ra đầu năm 1930 và đón dâu bằng máy bay. Không chỉ gặp Tuấn ở phố Quang Trung mà thi thoảng tôi còn gặp ở Bờ Hồ hay phố Bà Triệu, cách đạp xe vẫn điệu đàng, nắn nót. Có lần tôi gặp Tuấn ăn cơm ở tiệm Quế ở đầu phố Đinh Liệt. Một anh học cùng đại học sư phạm với Tuấn kể rằng, năm 1971, Tuấn học khoa Pháp năm thứ nhất nhưng cứ đến môn thể dục là xà đơn, xà kép thì thầy miễn cho và đề nghị chuyển sang học may vá, đan len cùng các bạn nữ. Nhưng đến hơn chục năm nay, tôi không gặp Tuấn ngoài đường dù phố xá kèn cựa đông đúc nhưng dáng đạp xe từ từ, chậm chạp, thời gian không có ý nghĩa gì rất dễ nhận ra.
Cũng trong những năm 1970, Hà Nội còn có một anh chàng khác tên là Phương và ngay từ những năm đó anh ta có biệt danh là "Phương đồng cô". Phương là rể phố Nhà Chung (cùng phố với nhà văn Nguyễn Việt Hà). Khoảng 1976, Phương bán bánh dầy giò rong, giọng rao dẻo quẹo, chửi như hát, dáng vẻ trông giống như người lên đồng nên người hàng phố đặt cho cái tên "Phương đồng cô". Bán bánh giầy giò rong mấy năm thì Phương chuyển sang bán bún mọc, ban đầu ở phố Tố Tịch, sau chuyển về Báo Khánh rồi phố Hàng Hành. Người ta bảo bị đồng cô nên trời cho lộc, Phương mắng khách xơi xơi nhưng nhưng luôn đông khách từ lúc mới mở hàng. Bẵng một thời gian không thấy quan bán hàng, thiên hạ đoán già đoán non Phương vỡ nợ đã bỏ trốn, chuyện đó diễn ra trước khi đổi tiền năm 1985. Sau đó có tin Phương cùng vợ và mấy cô con gái vượt biên sang Hồng Công. Bây giờ Phương cùng gia đình định cư ở Bỉ.
Vào khoảng năm 1987, 1988, quanh hồ Thuyền Quang xuất hiện khoảng chục cô, môi son, má phấn, quần lụa, áo cánh đi đi lại lại, chuyện trò eo éo nên đám thanh niên gọi là chợ đồng tính. Trong đó có một cô tên cúng cơm là Giang, nhà đâu ở khu Lĩnh Nam hay Mai Động, đổi tên thành Mai. Mai buôn bán làm ăn rất giỏi. Khoảng năm 1999, 2000 ở một phố cổ, có quán bar có tên là G.C, mọi người đoán già đoán non G.C là viết tắt của gay club. Buổi tối quán rất đông khách toàn đàn ông và hầu hết là người nước ngoài với những hành vi không lộ liễu nhưng cũng đủ cơ sở cho người ta nghi ngờ.
Vào thư viện tìm đọc báo xuất bản tại Hà Nội trước 1954, tất cả những báo mà tôi đọc không thấy viết về đồng tình luyến ái. Phải chăng Tuấn chính là "bóng lộ" đầu tiên ở Hà Nội?