Trước năm 1954, trừ những xóm lao động, còn lại các gia đình sống trong nội thành không quá chật chội. Ngày 10-10-1954, cán bộ, đoàn thể và hàng vạn bộ đội về tiếp quản Thủ đô, người đông lên, thiếu chỗ ở và thế là có chủ trương làm nhà tạm cho cán bộ. Năm 1956, những ngôi nhà cấp bốn diện tích chừng 10-15m mét vuông xây tường đơn, lợp ngói được dựng lên nhanh chóng cùng bếp, bể nước, vệ sinh thùng dùng chung ở bờ sông Hồng. Khái niệm nhà tập thể, khu tập thể ra đời từ đây. Bên cạnh nhà tập thể của khối cơ quan Trung ương, hai khu tập thể với năm bẩy chục dãy dành cho những người lao động Hà Nội đã được xây dựng tại ngõ Mai Hương (quận Hai Bà Trưng) và An Dương (quận Ba Đình). Cả hai khu này đều bị ném bom khi Mỹ đánh phá miền Bắc bằng không quân năm 1972. Những dãy nhà đổ nát được các tỉnh xung quanh giúp đỡ dựng lại bằng tre nứa, mái lợp lá cọ.
Ban đầu số nhân khẩu ít nên sinh hoạt khá quy củ, nề nếp, rồi người đông lên khi nhiều hộ đưa cha mẹ, anh em từ quê ra, lại không căn dặn về nếp sống văn minh đô thị, khiến khu tập thể dần trở nên nhếch nhác. Mùa hè, nước máy ri rỉ như bò đái, vì ai cũng muốn nhanh nên đẻ ra thói gian lận khi xếp hàng dẫn đến cãi cọ, mâu thuẫn.
Câu "cha chung không ai khóc" là vô cùng đúng đối với nhà tập thể. Nhà tập thể theo mô hình chủ nghĩa xã hội đầu tiên ở Hà Nội có lẽ là khu Nguyễn Công Trứ, vốn trước đó là nghĩa địa Tây được di dời vào năm 1958-1959. Hai dãy cao 4 tầng từ phố Nguyễn Công Trứ kéo đến chợ Trời nhanh chóng mọc lên ra dáng một kiểu kiến trúc mới. Một đơn nguyên có hai cầu thang và mỗi tầng có hai bếp, nhà tắm chung cho các hộ được xây từ năm 1960-1965. Diện tích một phòng là 23,8 mét vuông nên chỉ có cán bộ trung cấp có gia đình mới được chia nguyên căn, còn cán bộ cấp thấp hơn sống độc thân thì hai đến ba người ở một phòng và tỷ lệ ở chung là 51%. Có người lấy vợ phải ngăn bằng cót, thật bất tiện trong sinh hoạt vợ chồng son. Ngay cả nhà nguyên căn cũng vẫn phải làm gác xép, do chiều cao thấp, gác xép chỉ cách trần chừng nửa mét nên không thể ngồi thẳng lưng. Vợ chồng mâu thuẫn chỉ nằm cãi nhau, ai nóng nẩy ngồi dậy lập tức biêu đầu. Thực ra thì người ta đã định xây nhà tập thể cao tầng, mỗi tầng chia thành từng phòng từ năm 1950 khi mà dân Hà Nội đi tản cư về với hai bàn tay trắng không thể thuê hay mua một chỗ ở dù là con con. Cả thành phố có 13.191 căn nhà thì tới 3655 căn bị hư hỏng sau khi Trung đoàn Thủ đô và quân đội Pháp đánh nhau từ cuối tháng 12-1946 đến tháng 2-1947. Năm 1949, dân Hà Nội đi tản cư rục rịch kéo về với hai bàn tay trắng, trước đó cuộc chiến giữa quân Pháp và Trung đoàn Thủ đô cuối năm 1946 đầu 1947 làm nhà cửa nhiều phố đổ nát nay lại thêm dân cư từ các vùng quê vào Hà Nội tránh đánh nhau khiến nhu cầu nhà ở tăng vọt, giá thuê nhà tăng lên rất cao. Trong công văn ngày 23-6-1952 trình thị trưởng Thẩm Hoàng Tín, kỹ sư công chính Phạm Đình Biểu đã nêu ra giải pháp làm thử nhà 5 tầng và cứ hai hay ba buồng chung một bếp, nhà tắm để giảm giá thành. Theo ông Phạm Đình Biểu thì kiểu nhà này sẽ rất nhiều người mua vì đỡ cho họ tiền đất , tuy nhiên thì Trưởng ty Địa chính và Công thổ Vũ Huy Nghiêm đã "bác" giải pháp này với lý do "dân trí Việt Nam còn thấp, ý thức của dân chưa cao, ở chung sẽ xảy ra nhiều bất cập."
Ở khu Nguyễn Công Trứ, người ta thấy rõ kiến trúc chịu ảnh hưởng nặng nề của mô hình phát triển xã hội. Đây là sự thay đổi lần thứ tư về nhà ở Hà Nội, từ nhà lá, sang nhà ống, đến nhà có kiến trúc Pháp. Tiếp theo là xây thí điểm khu Kim Liên bằng phương lắp ghép tấm nhỏ. Chỉ trong vòng 2 năm rưỡi đã đưa vào sử dụng được 22 dãy 4 tầng với diện tích xây dựng là 17.350 mét vuông. Nhà có hành lang ở giữa hoặc một phía. Chỉ cán bộ cấp vụ, cục mới được chia căn hộ hai phòng, còn cán bộ cấp phòng chỉ được 1 phòng ở, bếp và nhà vệ sinh dùng chung nhau. Diện tích mỗi phòng rộng 18-24 mét vuông. Vì dùng chung khu phụ dẫn đến điều kiện vệ sinh kém, mức độ ô nhiễm ở lối vào luôn gia tăng.
Từ năm 1970 đến 1975 và nhiều năm tiếp theo, mẫu nhà ở lắp ghép tấm lớn được đưa vào xây dựng ở các tiểu khu Khương Thượng, Trung Tự, Giảng Võ, Vĩnh Hồ, Thành Công,… Căn hộ đã được tổ chức hợp lý hơn với diện tích phòng ở tương đối thích hợp (thường có 2 phòng với tổng diện tích từ 24 đến 28 mét vuông), có bếp và nhà vệ sinh. Tuy nhiên nhà có người qua đời thì thật khó để đưa quan tài vào trong, nên phần lớn phải để quan tài ở sân chung tầng một. Mặt khác, vì có hành lang chạy dọc bên các căn hộ nên chưa bảo đảm điều kiện yên tĩnh, cách ly, muốn vào nhà nọ phải đi qua trước mặt nhà kia. Sau này mới có thêm mẫu nhà đơn nguyên với 4 căn hộ một cầu thang được xây dựng ở khu Bách Khoa. Lúc bấy giờ, do yêu cầu ưu tiên là xây gấp để giải quyết chỗ ở cho cán bộ, công nhân viên song lại theo đúng phương châm "thích dụng, tiết kiệm, vững chắc, hợp với mỹ quan trong điều kiện có thể", cho nên yêu cầu về thẩm mỹ chưa được chú ý. Những khối nhà lắp ghép tập thể giống hệt nhau về bố cục, không gian của quần thể đơn điệu thường chỉ dùng kiểu sắp xếp song song, chạy dọc theo các đường trục. Và điều dễ nhận thấy là đầu tư xây dựng không đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đầy đủ cũng như chất lượng xây dựng, chất lượng vật liệu và trang thiết bị đều rất kém nên chóng hư hỏng và xuống cấp. Xây dựng kiến trúc dường như cũng nhất quán triệt để nguyên tắc công bằng, nên diện tích các căn phòng đều bằng nhau. Ông Trần Hoàn khi còn là Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, được một căn hộ ở khu Trung Tự, làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa vẫn còn ở đây một thời gian.
Ở khu B Kim Liên, thì hai hộ chung một bếp và nhà vệ sinh. Vì thời đó đun bằng mùn cưa, dăm bào hay củi nên người ta thiết kế ống khói từ tầng một lên nóc. Đến đầu 1970 mới thay củi bằng dầu hỏa. Vệ sinh chung quá bất tiện vì đi vệ sinh đâu có giờ nào, nó thích ra thì phải cho nó ra và lúc ấy mà có người thật phiền toái. Nhà không có người còn đi vào bô nhưng có con cái thì ông bố cứ đi ra đi vào đánh tiếng. Nhưng cái bếp chung lại có cái hay. Nhà này ăn gì nhà kia biết và ngược lại nhà kia ăn gì nhà này cũng biết. Nếu ăn ngon liên tục có thể bị hàng xóm báo cáo cho tổ chức cơ quan. Như thế bị ghi một dấu hỏi nên không ai dám nhận quà biếu hay tham nhũng? Nhà hẹp nên mua cái gì cũng phải nhỏ nhỏ, xinh xinh, cánh thợ mộc Hưng Yên đã nghĩ ra đóng bộ ghế có thể kéo ra làm thành gường ngủ. Còn gường bạt thì hầu như nhà nào cũng có. Sau năm 1975, nhiều người đi miền Nam mua được xe máy, đi thì sướng nhưng đêm về muộn thật phiền toái. Không biết gửi ở đâu, vì không ai làm dịch vụ cho gửi xe, dắt lên thì nặng, cho nổ máy hàng xóm phê bình, thế nên có đi đâu cũng mau chóng về sớm. Năm 1987, ban quản lý cũng nới lỏng qui chế, các hộ bắt đầu chia chác khu phụ, nhà lấy bếp, nhà lấy khu vệ sinh, mở hai cửa ra vào riêng chấm dứt tình trạng chung đụng, nguồn gốc gây ra rắc rối. Ở các khu lắp ghép tuy riêng nhưng do quá chật, nhà đông người phải chia bữa cơm vốn là cơ hội gặp nhau duy nhất trong ngày của các thành viên trong nhà ra làm hai, ba lần ăn. Rồi nhà tầng một lấn ra đất công đằng trước, phía sau. Nhà tầng trên không có đất thì lấn ra không gian bằng các lồng sắt mà người ta gọi là chuồng cọp. Ai cũng biết nguy hiểm, song mặc. Thời kỳ khó khăn, nhiều nhà dồn chỗ ở để nuôi lợn. Lợn ốm lo hơn người ốm. Mùi phân nồng nặc căn phòng nhưng lâu cũng quen. Những thứ lợn thải ra, cám ăn không hết tống cả xuống ống thoát nước. Cống tắc, chẳng sao, tập thể mà!
Bây giờ các khu tập thể vẫn tồn tại. Khu Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Kim Liên B,... có dự án xây tập thể kiểu mới nhưng chuyện không dễ dàng. Nguy hiểm, sập xệ, nhếch nhác nhưng giá một căn ở khu những khu này không rẻ chút nào.