Trong lịch sử, những quy định của các triều vua Lê với Luật Hồng Đức và nhà Nguyễn với Hoàng Việt luật lệ tuy có khác nhau nhưng các điều khoản quy định đối với phụ nữ có chồng và chưa chồng khá giống nhau. Cùng với luật lệ, quan niệm "tam tòng" của Nho giáo áp cho phụ nữ rất bất công, khi chưa lấy chồng ở nhà hầu hạ cha mẹ (Tại gia tòng phụ), lấy chồng phải một lòng vì chồng (Xuất giá tòng phu) và khi chồng chết ở vậy nuôi con (Phu tử tòng tử ). Con trai có "giá" hơn con gái "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Dưới triều Nguyễn, con gái không thể kết hôn nếu không có sự đồng ý của cha mẹ. Song hôn nhân là hoàn toàn tự do đối với người chồng và người này có thể bán cả vợ mình. Điều này không hiếm, cũng có khi người chồng gửi trả vợ về nhà bố mẹ đẻ bằng cách tuân thủ một vài thể thức. Nhưng ngược lại, người vợ không thể bỏ chồng nếu anh ta không đồng ý, chế độ đa thê được dung thứ.
Sông bao nhiêu nước cũng vừa.
Trai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng.
Hay:
Trai năm thê bẩy thiếp.
Gái chính chuyên chỉ có một chồng.
Chế độ đa thê, quan niệm đạo đức nghiệt ngã với phụ nữ nên xã hội phong kiến Việt Nam không có gái lầu xanh theo nghĩa đàn ông ngủ với cô gái và trả tiền, cho đến 1883, năm Pháp chiếm trọn Hà Nội. Chữ kỹ nữ trong tiếng Hán chỉ người con gái làm nghề xướng ca, múa hát nhưng khi đọc Nôm thì thành chữ đĩ. Chữ điếm nghĩa là cái kho, nhà chứa đồ và đĩ điếm là từ ghép Hán - Việt có nghĩa là nhà chứa hay ổ mại dâm, dân gian gọi tắt là gái điếm. Chuyện nàng Kiều vào lầu xanh của Tú Bà trong Truyện Kiều do Nguyễn Du dựa theo Đoạn trường tân thanh của Trung Quốc. Cho đến nay vẫn có hai giả thuyết về gái mại dâm. Giả thuyết thứ nhất cho rằng nó có xuất xứ từ thú vui thưởng thức âm nhạc của những gia đình giầu có thời cổ đại ở Trung Quốc, họ nuôi ca nữ trong nhà nên đã hình thành tầng lớp kỹ nữ gọi là kỹ gia. Theo thời gian, các kỹ gia này trở thành món hàng kinh doanh. Giả thuyết thứ hai mại dâm xuất phát từ nghi lễ tôn giáo khi nữ giáo sỹ hiến thân cho thượng đế hoặc nữ dâm thần giao hợp với người đàn ông đi đường để tế lễ
Chưa chồng hay góa chồng mà có chửa, triều đình không định ra các khung hình phạt mà trao quyền cho kỳ mục trong làng quyết định mức phạt tiền tùy theo tài sản của cha mẹ kẻ phạm tội. Mức phạt thường lên tới một nửa tài sản nếu cô gái đó còn sống chung với cha mẹ, "Con dại, cái mang" là thế. Về phần cô gái, sau khi sinh con được một tháng sẽ bị đánh roi mây ở nơi công cộng. Phụ nữ không có quyền chọn chồng mà "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", bởi thế ca dao có câu:
Thân em như hạt mưa sa.
Hạt rơi giếng ngọc hạt sa ngoài đồng.
Cãi chồng hay để con đói không phải là tội mà bị đánh giá về đạo đức, nhưng lang loàn, dâm phụ lại là tội nặng. Thời Lê, tội ngoại tình bị xử rất nặng, có thể bị lưu đày tới tận viễn biên. Luật pháp cho phép người đàn ông đứng đắn bắt quả tang vợ mình đang ngoại tình có quyền giết chết vợ cũng như người tình của cô ta. Anh ta được quyền tự tay ban hành hình phạt đẫm máu này, nếu kêu lên quan, người vợ có thể bị "voi giày, ngựa xéo". Người đàn bà ngoại tình bị trói vào cột, sau đó những con voi đã được huấn luyện dùng vòi cuốn cô ta tung lên trời, chiếc ngà sẽ xuyên qua cơ thể cô. Tiếp đó, xác cô bị voi quăng ra bên ngoài và lúc này là công việc của chú ngựa chiến to khỏe giày xéo lên cơ thể. Sự cám dỗ về tình cảm hay xác thịt thì cũng đều bị trả bằng cái chết dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên luật pháp luôn đòi hỏi các bằng chứng phạm tội mà thường là không dễ viện dẫn được. Thời Nguyễn, luật lệ quy định, nếu một đôi trai gái gian dâm, cả hai sẽ bị trói dính vào nhau, sau đó bị đặt trên võng hay chõng phủ kín vải đưa đến nơi xét xử. Khi đã có đủ nhân chứng, viên quan sẽ chặt đầu hai người.
Với gái có chồng là vậy nhưng những quy định cho gái chưa chồng lại khá cởi mở. Phụ nữ chưa chồng được tự do nên dễ dàng tìm đến đàn ông để làm lẽ, mong tìm một nơi nương tựa, mặc dầu người chồng không chịu trách nhiệm nuôi họ. Vì thế một thời, đàn ông có hai hay ba vợ là không hiếm. Nhận định về phụ nữ xứ Đàng ngoài, trong cuốn Lịch sử tự nhiên dân sự và chính trị xứ Đàng ngoài (Histoire naturelle,civile et politicque du Tonquin,tom 1,Paris 1778) tác giả Richard viết: "... Khí hậu quá nóng cũng có thể kích thích người ta mạnh mẽ hơn và việc phụ nữ ăn trầu không chỉ làm bền răng, tiêu hóa tốt mà nó còn làm cho miệng thơm hơn, môi hồng hơn, điều này đã hấp dẫn cánh đàn ông". Những nhận định dựa trên cơ sở có tính khoa học của Richard có thể cho phép đi đến kết luận ban đầu: phụ nữ Đàng ngoài khá mạnh mẽ trong ham muốn tình dục. Richard viết tiếp: "Việc dung thứ cho đàn ông có thể có thiếp lại là cơ hội cho các cô chưa chồng...", vì thế "Họ buông thả mình cho những người ngoại quốc với cái giá rất xoàng xĩnh và sau đó kịp thời kết hôn với người ngoại quốc kia. Người ta đã tìm kiếm họ cho những chuyện đó. Họ được lựa chọn chồng theo ý muốn. Đây là quyền hạn mà người phụ nữ Trung Hoa không có được". Nhận định của Richard chưa đủ cơ sở để khẳng định gái điếm xuất hiện từ thế kỷ XVIII vì sau khi có quan hệ với đàn ông ngoại quốc, họ đã "kịp thời kết hôn". Những người đàn ông ngoại mà Richard nói đến không phải là đàn ông phương Tây mà là đàn ông Trung Quốc. Sự mạnh mẽ trong ham muốn tình dục quá mức của một số phụ nữ là có lẽ là nguyên nhân nhưng nó chưa đủ chứng cứ để khẳng định trước khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội năm 1883 thì mảnh đất này đã có gái mại dâm. Song kết hợp với nạn đói diễn ra rộng khắp, cướp bóc hoành hành trong thành phố, buôn bán bị ngưng trệ vào năm 1883 khiến nhiều gia đình lâm vào túng đói đã gia tăng động cơ của một số chị em phụ nữ vượt qua rào cản đạo đức truyền thống để "cứu nhà và cứu mình". Động cơ ấy lại gặp sự khát thèm phụ nữ bản xứ của rất nhiều binh lính và sỹ quan trong 40.000 quân Pháp đang có mặt tại Hà Nội vào tháng 7-1885.Tất cả những yếu tố đó dẫn đến Hà Nội có gái điếm nhưng thật khó chính xác về thời gian, song có thể gái điếm xuất hiện từ khi người Pháp chiếm Hà Nội .
Và gái điếm trở thành chuyện có thực trong đời sống nên Nguyễn Khuyến mới có bài Đĩ cầu Nôm
Thiên hạ bao giờ cho hết đĩ?
Trời sinh ra cũng để mà chơi!
Dễ mấy khi làm đĩ gặp thời
Chơi thủng trống long dùi âu mới thích
Đĩ bao tử càng chơi càng lịch
Tha hồ cho khúc khích chị em cười
Người ba đấng, của ba loài
Nếu những như ai thì đĩ mốc
Đĩ mà có tàn, có tán, có hương án, có bàn độc
Khá khen thay làm đĩ có tông
Khắp giang hồ chẳng chốn nào không
Suốt Nam Bắc Tây Đông đều biết tiếng
Đĩ mười phương chơi cho đủ chín,
Còn một phương để nhịn lấy chồng
Chém cha cái kiếp đào hồng
Bạn với kẻ anh hùng cho đứng số
Vợ bợm, chồng quan, danh phận đó
Mai sau ngày giỗ có văn nôm.
Cha đời con đĩ cầu Nôm.
Có người cho rằng bài thơ ám chỉ cô Trần Thị Lan quê gốc Hà Nam. Người chồng đầu tiên của cô là người Hoa tên Hồng (vì thế cô mới có tên là Hồng) ở Hải Phòng, làm ăn thua lỗ, anh ta bỏ về Trung Quốc, rồi qua mối mai cô lấy người chồng thứ hai là viên quan tư tên là Coroibies. Nhẽ ra phải cô là Tư Coroibies nhưng thế gian lại không như vậy mà cứ réo cô bằng cái tên của anh chồng cũ rồi ghép thêm chữ Tư, vẫn theo phong tục Việt Nam nhưng có thâm ý trong đó. Lại có người nhận định Đĩ cầu Nôm xỉ vả các cô làm đĩ vì chính các cô đã làm đồi phong, bại tục. Ngoài Đĩ cầu Nôm, người ta cũng lan truyền câu chuyện hư hư, thực thực là hôm cô Tư Hồng mở tiệc, Nguyễn Khuyến cho người mang đến mừng ba chữ "chi chi giã" để đề vào bức hoành và một câu đối Nôm:
Có tàn, có tán, có hương án thờ vua, danh giá lẫy lừng hăm sáu tỉnh
Nào biển, nào cờ, nào sắc phong cho cô chị em hồ dễ mấy lăm người
Quan khách đến rất đông, nghe nói có văn thơ của Nguyễn Khuyến lại càng tò mò đến xem nhưng chẳng hiểu gì. Chỉ có ông đốc học hiểu được ý của cụ Tam Nguyên Yên Đổ, ba chữ "chi chi giã" chẳng có nghĩa gì nhưng đọc lái thành câu chửi "cha cha đĩ". Còn đôi câu đối cũng là dựa vào câu tục ngữ để chửi xỏ Tư Hồng "Làm đĩ có tàn, có tán, có hương án thờ vua". Hôm đó cụ đốc học cũng có đôi câu đối Nôm
Ngũ phẩm sắc phong hàm cụ lớn
Ngàn năm công đức của bà to
Câu hàm cụ lớn vừa đối với của kia của bà nhưng nếu đọc lái thì ra một ý khác.
Từ khi có gái điếm, bệnh tật lây lan theo đường tình dục đã phát sinh. Vì thế chính quyền thành phố cho thành lập Nhà Lục xì (Dispensaire municipal) để chữa bệnh cho các cô gái điếm vào năm 1886. Để quản lý gái điếm, ngày 28-2-1888, chính quyền thành phố lập ra cơ quan phụ trách vấn đề gái mại dâm (Service des moeurs). Ngoài lên danh sách các gái điếm chuyên nghiệp, nhà chứa, cơ quan này có quyền đưa các cô đi kiểm tra bệnh tật định kỳ. Nhà Lục xì ban đầu đặt ở phố Hàng Cân, đến năm 1902 chuyển xuống cuối phố Huế, nằm ngay gần ô Cầu Dền. Nhà khá rộng, có sân, có phòng khám, khu điều trị nội trú cho người mắc hoa liễu. Đặc biệt Nhà Lục xì có phòng riêng điều trị cho các gái điếm người Nhật. Theo hồ sơ 3260 (Phông Tòa thị chính Hà Nội - Cục lưu trữ quốc gia), năm 1912 có ba chủ chứa người Nhật nuôi 66 cô gái trưởng thành làm điếm, trong đó có cô Oki-Kou xinh đẹp làm mê hồn lính Pháp. Cô này xuất thân trong gia đình nghèo khó quê ở Nagasaki.
Số lượng gái điếm tăng nhanh nên cảnh sát Pháp quản lý không xuể, họ cũng không biết hết mánh khóe, rồi lại có cảnh sát tha hóa (không ăn chặn tiền mà đòi ngủ với họ) nên ngày 18-5-1915, cảnh sát thành phố quy định, cứ một cảnh sát Pháp có thêm năm cảnh sát bản xứ để cai quản vài trăm gái nhà thổ có môn bài và năm đến sáu nghìn gái làm tiền lậu thuế. Năm 1918, do nhu cầu mở trường học ở phía nam, chính quyền lấy Nhà lục xì xây trường Trần Văn Khánh (sau này là nơi làm việc của Phòng giáo dục quận Hai Bà Trưng), và đã chuyển cơ sở này về phía sau Tòa đốc lý (nay là Sở Thương mại) và trụ ở đây 8 năm. Năm 1926, Nhà Lục xì ở phố Rodier (phố Triệu Quốc Đạt) mới xây xong, phụ trách là bác sỹ người Pháp. Ở đây có y tá nữ do Nha y tế Đông Dương biệt phái sang. Việc quản lý và cai quản bệnh nhân bị giữ lại sau khi khám do một nữ tu sỹ người Âu đảm nhiệm và hai nữ tu sỹ Việt Nam giúp việc.
Những năm 1920, các xóm nhà thổ ở những phố nhỏ như: Đình Ngang, Yên Thái, Ngọc Hà, Yên Ninh, Gầm cầu… xuất hiện. Tìm đến chủ yếu là lính Tây nên nghề mối lái lấy Tây ra đời. Trong luận án về gái mại dâm ở Hà Nội của bác sỹ Joyeux (Lepéril Vénnérien et la prostitution à Hanoi 1938), thì "Năm 1929 số gái mại dâm trong thành phố ước khoảng 3000 người. 25 nhà thổ có môn bài, 158 người có thẻ hành nghề và trong số đó luôn luôn một nửa bị giữ lại để điều trị. Số bị cảnh sát Kiểm tục bắt năm 1929 là 178 người, tuy nhiên có nhiều cô đã đút lót để khỏi vào Nhà Lục xì. Năm 1930, ngõ Tạm Thương, Yên Thái có 6 nhà thổ có môn bài đó là nhà số 2 có 7 cô, nhà số 1 có 4 cô, nhà số 17 có 11 cô, nhà số 21 có 3 cô và nhà 23 có 7 cô. Yên Thái là ngõ tập trung nhiều nhà thổ trong đó 12 nhà thổ không có môn bài, đó là những nhà chứa rẻ tiền khách là lính Tây trong thành, người lao động xa gia đình". Đêm đêm, lính Tây làm huyên náo khiến các gia đình gần đó phải đóng cửa đi ngủ rất sớm. Sở dĩ Yên Thái lắm nhà thổ vì cảnh sát đuổi hết ở phố Hàng Mành nên họ phải rút vào ngõ này. Từ năm 1920-1930 ở một đoạn của phố Ngọc Hà có chừng 30 chục nóc nhà mà người hàng phố gọi là xóm "me Tây". Sở dĩ gọi như vậy vì các cô sinh sống trong xóm lấy chồng Tây và thay chồng như thay áo. Có người lấy theo thời hạn đóng quân của lính Âu, Phi. Xóm cũng có các cô làm nghề mại dâm thuê nhà lấy chỗ tiếp khách. Phố cũng có một "nhà săm" cho khách chơi thuê trong chốc lát. Cũng theo tài liệu của bác sỹ Joyeux, "Hàng tuần có hai ngày khám cho gái mại dâm, mỗi lần trung bình khoảng 200 người. Phần lớn các cô đều xuất xứ ở các vùng quê nghèo khó, bị cò mồi đưa ra thành phố nói là tìm việc làm nhưng bọn họ tìm cách ấn các cô vào nhà chứa để nhận lấy món tiền lớn từ chủ. Họ buộc phải bán dâm ở đó. Có cô may mắn gặp khách chơi chuộc ra, song có cô bỏ trốn bị bắt lại phải tiếp khách không công mà không dám báo cảnh sát".
Ngoài các nhà thổ, nhà cho thuê theo giờ xuất hiện (nhà săm -chambre). Để ngăn chặn, chính quyền thành lập Cảnh sát Kiểm tục (Agent de moeurs) và lập ra đội cảnh sát toàn con gái có tên là "Đội con gái" để ngăn chặn gái điếm hành nghề lén lút và kiểm tra, phạt các gái làm tiền đứng đường. Nạn đĩ điếm trở thành vấn đề xã hội nhức nhối vì không chỉ gây bệnh tật mà còn là một nguyên nhân làm băng hoại đạo đức truyền thống. Bởi vậy đĩ điếm là đề tài hàng ngày của báo chí và phóng sự Lục xì của Vũ Trọng Phụng ra mắt bạn đọc năm 1937 đã gây tiếng vang trong xã hội. Dựa trên những tư liệu do bác sỹ Loyeux cung cấp cộng với thu lượm từ thực tế, Lục xì đưa ra những con số khiến xã hội thời đó phải giật mình. Thành phố chưa đầy 18 vạn dân nhưng có tới 5000 gái điếm chiếm 3% dân số. Trong khi đó Nhà Lục xì chỉ có khả năng khám và chữa cho 200 cô. Lục xì cũng chỉ ra sự lúng túng, bất lực của nhà chức trách, 5000 giá mại dâm nhưng chỉ có một thanh tra, năm đến sáu thầy đội và "Đội con gái" quản lý 16 nhà thổ chung, 15 nhà thổ riêng, 337 nhà săm. Vũ Trọng Phụng dẫn lời bác sỹ Loyeux gọi họ là "Cảnh sát phường chèo". Phóng sự cũng công bố hậu quả do mại dâm "Năm 1934 tới 74% binh lính Pháp ở Bắc Kỳ mắc bệnh hoa liễu... Chỉ cần ra khỏi nhà độ mươi thước, xa vợ con độ mươi phút, một người đàn ông lương thiện, một người cha đáng kính có thể dễ dàng sa bẫy bọn ma cô bởi những lời đường mật, mồi chài của chúng... gái điếm trở thành quốc nạn". Nguyên nhân của "quốc nạn" có nhiều, do nghèo đói, do mạnh mẽ trong tính dục, do muốn tìm đến sự khác lạ... Tuy nhiên do đói nghèo, lại không có việc làm là nguyên nhân chính đã đẩy họ đến con đường "bán trôn nuôi miệng". Không chỉ có gái điếm người Việt Nam mà gái điếm là người Nhật để đáp ứng cho một bộ phận đàn ông Nhật sống ở Hà Nội và binh lính Nhật khi họ vào Việt Nam năm 1941. Số nhà 27 phố Hàng Chiếu cũng là nhà chứa gái điếm Tầu, bao gồm các cô từ Trung Quốc sang và sống tại Hà Nội.
Truyện ngắn Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng cũng gây chú ý ngay từ tên truyện. Song Người ngựa, ngựa người của nhà văn Nguyễn Công Hoan mới là lời tố cáo chế độ mạnh mẽ. Một cô gái điếm hết thời trước giao thừa muốn kiếm tiền ăn tết gặp một người đàn ông kéo xe tay cũng đang mong kiếm chuyến khách cuối cùng lo tết cho con. Anh phu xe đưa cô ta hết phố này phố khác tìm khách, dù nhiều lúc muốn qụy nhưng trong bụng anh vẫn hy vọng sắp có mấy hào. Cuối cùng cô gái điếm lừa anh trốn ra cửa sau khi vờ vào nhà người quen... Cái nhìn của Nguyễn Công Hoan đầy thông cảm bởi họ cũng chỉ là nạn nhân của một xã hội hoang loạn. Nhà thơ Xuân Diệu có bài thơ Lời kỹ nữ với những câu rất cảm động về tâm trạng người kỹ nữ:
Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa
Vội vàng chi, trăng sáng quá, khách ơi
Đêm nay rằm: yến tiệc sáng trên trời
Khách không ở, lòng em cô độc quá
Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả
Tay em đây mời khách ngả đầu say
Đây rượu nồng. Và hồn của em đây
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử
Chớ đạp hồn em !
Trăng từ viễn xứ
Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn
Gió theo trăng từ biển thổi qua non
Buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn
Lòng kỹ nữ cũng sầu như biển lớn
Chớ để riêng em phải gặp lòng em
Tay ái ân du khách hãy làm rèm
Tóc xanh tốt em xin nguyền dệt võng
Đẩy hộ hồn em triền miên trên sóng
Trôi phiêu lưu không vọng bến hay gành
Vì mình em không được quấn chân anh
Tóc không phải những dây tình vướng víu
Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương dạ
Người giai nhân: bến đợi dưới cây già,
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt
Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt.
Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi
Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi
Gỡ tay vướng để theo lời gió nước
Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt
Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi
Du khách đi
Du khách đã đi rồi
Năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, mại dâm bị cấm nhưng sau khi Pháp tái chiếm Hà Nội đầu năm 1947 thì các cô trở lại nghề. Trong cuốn "Lịch sử truyền thồng Công an quận Hoàn Kiếm 1945-2004", sau 1954 "Hà Nội có hơn 50 nhà chứa và cô đầu với hàng vạn gái điếm". Chính quyền mới không chấp nhận bán dâm là một nghề mà cho đó là tệ nạn xã hội phải dẹp bỏ; đàn bà hành nghề, tổ chức nhà chứa bị coi là phạm pháp, bị phạt tù. Nhưng cuộc sống lại khác, vẫn còn mại dâm, chỉ có điều họ hành nghề lén lút, năm 1962 thành phố đã đưa 425 gái điếm đi cải tạo và đưa 519 lượt gái điếm đi tù.
Thời Pháp thuộc, đĩ điếm còn gọi là đượi hay gái ăn sương nhưng những năm 1960 người ta lại gọi là phò, phạch, bớp... Những từ đĩ, điếm, đượi, ăn sương còn có thể cắt nghĩa được nhưng phò, phạch, bớp thì không biết dân chơi căn cứ vào cái gì. Thời bao cấp, phò trà trộn với khách chờ tầu ở ga Hàng Cỏ, thế nên có câu:
Hôm qua tôi đi ra ga
Tôi gặp con phò nó mặc áo hoa...
Không chỉ ga Hàng Cỏ, phò còn mồi chài các bác nhà quê máu gái ở bến xe Kim Liên, bến Nứa, Kim Mã. Bọn họ cũng kiếm khách trong công viên Thống Nhất, vườn hoa Paster, Canh Nông, quanh hồ Gươm... Họ đánh tín hiệu bằng cách cứ loanh quanh hay vờ đi đi, lại lại. Vì thế thấy trai gái ôm nhau trong công viên, không biết yêu thật yêu giả, công an tách hai người ra hai chỗ để hỏi tên tuổi, địa chỉ, nếu không khớp nghĩa là cô gái đó là phò và lập tức cô này sẽ bị bắt đưa về đồn. "Dân chơi" thời bao cấp kể rằng ở phố Hàng Buồm có một cô gái gốc Hoa tên là Vinh. Cô này làm "phò" nên bị công an đưa đi cải tạo và khi ra trại, đầu cô trọc lốc nên có biệt hiệu là Vinh "trọc". Vinh "trọc" cao ráo, da trắng trẻo và dễ nhìn nên lắm anh "săn". Vào một đêm tháng 4-1978, trước khi cùng gia đình lên tầu hỏa về Trung Quốc, Vinh đã "chiều" tất cả những đám đàn ông cô quen mà không lấy một xu coi như đó là kỷ niệm những năm tháng sống ở Việt Nam.
Đi tìm "phò" thời bao cấp chủ yếu là thanh niên, vì không "vòm" (tiếng lóng của dân chơi) riêng nên họ thường đưa các cô ra bờ đê, ngõ tối hay công viên. Kẻ bán dâm lẫn người đi mua dâm đều không có kiến thức về phòng bệnh hoa liễu nên thanh niên bị giang mai hay "nổ ống khói" (bị bệnh lậu) khá nhiều. Và họ không dám đến bệnh viện vì không những không được chữa trị mà còn bị y tá, bác sỹ sỉ vả nên chỉ tìm đến các điểm tiêm lậu của các y tá cao tuổi. Căn cứ vào lời kể, y tá sẽ tiêm kháng sinh gì và mỗi mũi tiêm giá 7 đồng (mức lương trung bình của cán bộ, công nhân viên chỉ khoảng 40 đồng/tháng). Kẻ bị bệnh không dám cò kè giá tiêm dù biết là quá đắt, nếu cò kè lập tức họ sẽ đuổi ngay ra khỏi nhà. Ấy thế mà khỏi bệnh lại nhơn nhơn đi tìm "phò". Thời bao cấp bệnh viện nhà nước hiếm thuốc nhưng đến "chợ thuốc" Ngõ Gạch hỏi loại gì cũng có, kể cả các loại kháng sinh của Pháp. Có một câu chuyện do công an quận Hoàn Kiếm cung cấp tài liệu, chuyện là... vào một ngày cuối tháng 8-2000, mùa thu thường ít mưa song tối hôm ấy mưa không lớn nhưng dai, không gian hồ Gươm chìm trong nước, người đi bộ thưa thớt. Các đôi tình nhân không thể hú hí trên ghế đá đành chui vào quán cà phê hay nhà nghỉ. Đường Lê Thái Tổ thưa thớt xe cộ qua lại. Đối diện với số nhà 16 Lê Thái Tổ, một đôi tình nhân chùm áo mưa say sưa quấn nhau dưới gốc cây xà cừ. Bỗng đôi trai gái nghe tiếng tũm rất to và chàng trai nhận ra có người lao xuống nước bơi sang Tháp Rùa. Rồi họ không để ý nữa mà tập trung vào "chuyên môn". Thế nhưng linh tính cho họ thấy có điều gì đó không ổn, chàng trai chở người yêu ra công an quận Hoàn Kiếm báo sự việc. Một đội phó đội điều tra cùng hai chiến sỹ phóng xe máy đến đền Ngọc Sơn mượn thuyền chèo ra tháp. Cỏ lâu không cắt cao ngang đầu người, các chiến sỹ vạch tìm nhưng không thấy gì. Đẩy nắp gỗ bằng lim nặng trịch lên tầng ba thì thấy một cô gái thân hình gầy đét không mảnh vải che thân nằm bất động. Mắt cô nhắm nghiền, bên cạnh là chiếc bát và hai vỉ thuốc ngủ seduxen (tầng này có đặt ban thờ, ngày rằm và mồng 1 âm lịch vẫn có người của cơ quan quản lý xẩm tối đi thuyền ra thắp hương). Trong lúc một chiến sỹ công an rút điện thoại di động gọi xe cấp cứu thì hai người kia mặc quần áo cho cô gái rồi vội vã đưa xuống thuyền. Họ chèo nhanh vào bờ phía Lê Thái Tổ, chỗ xe cấp cứu đã chờ sẵn. Chiếc xe hú còi chạy thẳng vào bệnh viện Việt Đức. Sau khi được rửa ruột, cô gái dần tỉnh lại. Bác sĩ trực tiếp phụ trách ca cấp cứu ngạc nhiên vì hiếm người uống hai vỉ seduxen mà cứu được. Chờ cho cô gái tỉnh hẳn, một chiến sỹ lấy lời khai. Cô gái quê ở vùng núi cao thuộc tỉnh Hòa Bình. Nhà chỉ có vạt nương trồng sắn, trồng ngô nên bữa đói bữa no. Có người mách, cô ra thị xã (nay là thành phố) làm nhân viên chạy bàn cho một quán ăn. Hết đói nhưng làm quần quật suốt ngày mà cuối tháng chủ chỉ trả nửa lương còn giữ lại một nửa, nếu tự ý bỏ việc thì mất luôn. Một hôm chủ sai cô mang đồ nhậu đến nhà nghỉ cách quán không xa. Đến nơi, cô để đồ nhậu trên bàn rồi đi ra nhưng cánh cửa phòng đã đóng chặt. Một người đàn ông trung niên vừa dụ dỗ,vừa dọa và hứa cho tiền, cuối cùng cô chấp nhận. Năm ấy cô 17 tuổi. Sau đó người đàn ông thường xuyên chạy xe lên thị xã và ngủ qua đêm với cô. Một ngày, chủ quán bảo cô không chạy bàn nữa để chuyên phục vụ khách có "nhu cầu". Cô không chịu, chủ quán dọa về quê mách bố mẹ, thế là cô miễn cưỡng chấp nhận. Từ năm 1996, cô trở thành cave chuyên nghiệp. Vì trẻ trung lại có da, có thịt nên khách thường nhắm cô. Cô học được nhiều ở khách qua những câu chuyện không đầu không cuối nên khôn dần. Cô phải chiều hết cuộc vui của đám đàn ông này đến đám đàn ông khác. Chịu đựng quá nhiều những tấm thân hộ pháp khiến cô hao gầy. Rồi cô bị khách chê. Buồn chán, cô theo một anh chàng lái xe tải quen về Hà Nội. Nhờ có thông tin "ngành dọc", cô xin làm nhân viên một quán karaoke ở phố Thái Hà, nhưng khách chê cô gầy. Và thế là chán chường, cô ra hồ Gươm... Nếu không có đôi tình nhân báo công an Hoàn Kiếm thì thế nào cũng có bài báo nhiều kỳ với các tít giật gân "Bí mật cái chết của cô ca ve ở Tháp Rùa".
Mại dâm hiện nay quá nhiều, có ở khắp nơi, từ miền núi ra biển, hoạt động ngấm ngầm mà công khai, lén lút mà lộ liễu, thiên biến vạn hóa. Thời thế đổi thay, mại dâm cũng đổi thay, nay lại có thêm cả mại dâm nam. Người ta biết cả và có công an, cán bộ kiếm tiền bằng cách bao che, báo trước thời gian truy quét. Có cơ quan quản lý gái mại dâm nhưng không bao giờ có con số chính thức, không biết bệnh tật thế nào, lây lan ra sao... Từng có những ý kiến công khai nên cho họ hành nghề công khai, có đăng ký để có thể kiểm soát bệnh tật nhưng cơ quan quản lý biết đó là lựa chọn đỡ gây ra cái xấu nhất trong các cách, nhưng thật khó vì truyền thống đạo đức Việt Nam không chấp nhận.