Năm 1890, Nhà máy bia Hommel bắt đầu xây dựng trên núi Voi đường Hoàng Hoa Thám (nay là Công ty bia Hà Nội), sau hai năm thì hoàn thành. Nhà máy có hơn 30 chục công nhân và công suất ban đầu là 150 lít/ngày. Loại nước uống "cay cay, khai khai" chủ yếu phục vụ công chức và đám binh lính, sỹ quan Pháp đóng ở Hà Nội. Trong cuốn hồi ký "Đông Dương ngày ấy 1898-1908", của Claude Bourrin, ông này kể rằng khi còn là viên chức ở Sở thuế Bắc Kỳ, đã thường xuyên đi xe máy đến đây uống bia vào buổi chiều cùng với nhóm kịch nói không chuyên của ông ta. Bia được đóng chai đậy nút li e để đảm bảo chất lượng, vì thế cứ chiều muộn, đám trẻ quanh vùng đi lượm nút chai quanh quầy gom lại rồi bán cho nhà máy. Đến năm 1911, nhà máy được mở rộng, trang bị thêm nhiều máy móc mới và thuê thêm công nhân. Có thêm hai hầm chứa bia thành phẩm chiều dài 30 mét, một tòa nhà cao đặt máy xay, chỗ ủ malt. Có ba bể ủ bia đang chế, mỗi bể dung tích 200 mét khối. Năm 1930 giám đốc nhà máy Papin là người Tiệp Khắc, giúp việc cho Papin có khoảng 5, 6 người Âu phụ trách bàn giấy, đốc công, một kỹ sư Việt Nam là Trần Văn Loan phụ trách kỹ thuật. Ông Loan du học ở Pháp học về công nghệ nấu bia. Sau khi nâng công suất, nhà máy có khoảng gần sáu chục công nhân, đa số là người làng Đại Yên, Liễu Giai, Vạn Phúc, Thụy Khuê, họ thay nhau làm ba ca một ngày. Khác với các nhà máy của chủ Pháp, Hommel không thu nạp Hoa kiều làm cai và cũng không có công nhân Hoa kiều. Sở dĩ chủ Pháp thường sử dụng Hoa kiều làm cai vì người Hoa khéo nịnh chủ, biết cách bắt nạt thợ Việt Nam, vốn là những người không có học. Phụ nữ thì làm công việc rửa chai theo kiểu thủ công, còn đàn ông làm thợ mộc đóng thùng gỗ đựng bia chai. Cũng vì công nhân là dân quanh vùng lại không có quản đốc Hoa kiều nên nghỉ trưa về nhà, đàn bà cũng mặt đỏ gay bởi họ uống bia... vụng.
Trước khi Hà Nội có nhà máy bia thì đàn ông Hà Nội uống rượu Kẻ Mơ, trước nữa uống rượu sen do dân làng Thụy Chương, một làng nằm bên Hồ Tây nấu. Thế kỷ XVIII và XIX, sỹ phu Bắc Hà ăn Tết "trùng cửu", trước Tết này là mùa thu nên hoa cúc nhiều và Kẻ Mơ đã chế ra thứ rượu cúc thơm nhẹ, uống vào thấy người bay bay, thế nên mới có "Thu ẩm hoàng cúc hoa". Sĩ phu còn dùng rượu này trong những ngày tết Nguyên đán. Đầu thế kỷ XVIII, một số quan lại trong triều làm nhiệm vụ thu thuế hay khám xét các tầu buôn nước ngoài được uống vang nho do người Bồ Đào Nha đưa từ Ma Cao sang Thăng Long hối lộ cho họ.
Thập niên 20, từ bến tầu điện Bờ Hồ (bến xe buýt Đinh Tiên Hoàng hiện nay) đến nhà Khai Trí Tiến Đức (hiện tại là 16 Lê Thái Tổ) có rất nhiều quán giải khát ven hồ. Người ta chăng dây thừng quanh các gốc cây, kê ít bàn nhỏ và ghế bán nước chanh chai, hoa quả, bánh gai, bánh quế, bánh xu xê, bánh cốm. Sau này có quán bán thêm bia chai Hommel, điều đó chứng tỏ người Hà Nội đã uống bia từ thập niên này. Năm 1934, ông Quang "mù", người đã sống nhiều năm tại Nhà thương làm phúc Hàng Bột quyết định ra ngoài sau khi học được nghề tẩm quất. Được bác sỹ Liêm nhà phố Quán Sứ tin tưởng nên Quang có "hợp đồng" đấm lưng tháng cho thân phụ ông Liêm. Nhiều lần Quang gọi cửa oang oang gây khó chịu cho hàng phố, bác sỹ Liêm sai gia nhân lấy nắp bia Hommel đập ra đục lỗ rồi xâu vào dây thép để mỗi lần đến Quang lắc xâu xèng là gia nhân ra mở cửa. Sau đó nó được người khiếm thị đi tẩm quất rong bắt chước thay cho tiếng rao. Hà Nội còn một nhà máy bia nữa là Zitech (nhãn hiệu đầu con gấu) ở phố Quán Thánh, khánh thành vào năm 1928 có công suất nhỏ hơn Hommel.
Đến năm 1935, các nhà máy bia ở Đông Dương hợp doanh lại thành Công ty Bia - Đá Đông Dương (Brasserie et glacière de I’Indochine - BGI). Lúc này, BGI có khoảng 300 công nhân và năm năm sau, năm 1940, công suất đã tăng lên khoảng 5 triệu lít/năm. Năm 1938, từng xảy ra một cuộc ẩu đả tại sàn nhẩy gần đền Trấn Vũ, một thanh niên bị thương nặng vì ăn cả chai bia vào đầu. Năm 1954, thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva rút khỏi miền Bắc, chủ nhà máy đã cho tháo dỡ, phá hỏng máy móc, thiết bị, đốt hết các tài liệu kỹ thuật quan trọng khiến nhà máy không thể hoạt động. Đầu năm 1957, theo chính sách phục hồi kinh tế của chế độ mới, Nhà máy Hommel được khôi phục, nhờ cố gắng của kỹ sư và công nhân cộng với sự giúp đỡ của hai chuyên gia Tiệp Khắc. Ngày 15-8-1958, bia chai đầu tiên mang nhãn hiệu Trúc Bạch đã xuất xưởng. Năm 1960, đến dự hội nghị tổng kết ngành Công nghiệp, Bác Hồ khen ngợi sản phẩm của ngành có chất lượng khá và Người chỉ đạo nên sản xuất một số sản phẩm để xuất khẩu. Thực hiện sự chỉ đạo này, Nhà máy Bia Hà Nội đã nghiên cứu và sản xuất sản phẩm mới, có chất lượng cao mang tên Hữu Nghị. Lô hàng đầu tiên đã đưa vào Sài Gòn và các tỉnh miền Nam qua ngả Campuchia để chứng minh nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa có thể sản xuất ra nhiều loại hàng hóa phục vụ nhân dân và xuất khẩu. Những ai từng uống bia Hữu Nghị chắc chắn không thể quên mùi thơm nhẹ quấn vào mũi cùng vị đậm đà làm nên nhãn hiệu độc đáo của bia Hà Nội. Vì thế bia Hữu Nghị đã có mặt trong những buổi tiếp khách quốc tế của Đảng và Chính phủ. Để phục vụ người lao động Thủ đô, nhà máy đã cho ra bia hơi, loại bia chưa thanh trùng chỉ cần đóng vào "bom" - tên gọi của dân gian chỉ thùng bia, tiêu thụ trong ngày. Đầu những năm 1960, số người biết uống bia cũng không nhiều nhưng do rượu bị cấm vì nấu rượu là vi phạm chính sách lương thực nên người ta quay ra uống bia. Tầm 9-10 giờ sáng, dân uống bia gồm cán bộ trốn việc, xã viên các hợp tác xã, người lao động tự do, công nhân làm ca chiều đã chờ sẵn ở các cửa hàng và khi nghe tiếng nổ phành phành của chiếc xe máy T200 (vì xe sơn mầu xanh nên còn có tên tục là Nhặng xanh, loại xe có thùng đằng sau) là tất cả đứng dậy lao vào xếp hàng. Dăm bác láu cá "dính máu ăn phần " lao vào lăn "bom" để được ưu tiên mua trước. Khi xăng dầu khan hiếm, ngành ăn uống mới thay bằng xích lô. Dân đạp xích lô bị coi là tầng lớp dưới đáy xã hội nhưng xích lô chở bia lại có giá. Họ được các cửa hàng ưu ái bán cho hàng can, vì thế các em phe bia luôn tìm cách ve vãn. Đình đám nhất trong làng chở bia thời bao cấp là cụ Phạm Quang Giáng và ông Đường. Gần 100 tuổi, cụ Giáng vẫn chở năm "bom" bia tênh tênh, còn ông Đường, từ anh đạp xích lô nay thành chủ nhà máy bia và sản xuất malt, nguyên liệu thiết yếu cho ngành công nghiệp này.
Việc bán hàng ở các quầy bia thì ở đâu cũng giống nhau. Thường thì sau khi "giải quyết" hết các xuất "ưu tiên" cho ông này, bà nọ, nhân viên mới khủng khỉnh bán vé. Giọng vô cùng cùng cửa quyền "Lộn xộn và mất trật tự là tôi không bán đâu nhé!". Ban đầu vé là đồng xèng hình vuông hoặc hình chữ nhật bằng tôn mỏng, đánh số. Sau chuyển sang vé in trên giấy như vé tầu điện. Vì người uống lúc nào cũng đông trong khi lượng bia có hạn nên để tránh chen ngang, các cửa hàng làm rào sắt hai bên y như chỗ xếp hàng mua vé tầu hỏa hay ô tô. Và cũng như mua thực phẩm, gạo, dầu..., ai có thẻ thương binh là được ưu tiên, tuy nhiên vì hiếm tiền lẻ nên ai có tiền lẻ được lên mua trước, vì thế mới có câu "Tiền lẻ hơn thẻ thương binh". Mua bia phải tranh giành và hò hét như đánh nhau thế nên có người ra vế đối "Mua cốc bia gào hụt hơi", khá nhiều người đối lại nhưng chỉnh nhất có lẽ là "Bán vại đá rao khản cổ".
Thời kỳ đầu, ngành ăn uống Hà Nội thống nhất sử dụng cốc men mầu da lươn dung tích 500 ml nên dân uống bia gọi là vại. Tuy nhiên do cốc vại nặng và chiếm nhiều diện tích trong khay bia, gây khó cho nhân viên bán hàng, nên từ năm 1971, ngành đổi sang sử dụng cốc thủy tinh và vẫn dung tích như cũ. Do chất lượng thủy tinh tồi, thành cốc đầy bọt khí và dễ vỡ khi va chạm mạnh. Dù nâng như nâng trứng nhưng không ít người đã không được uống mà phải đền cốc vỡ .
Các quán bia ở Cổ Tân (khu vực Công an phường Tràng Tiền và Quận đội Hoàn Kiếm hiện nay), Nguyễn Biểu, Cầu Giấy, Thủy Tạ, Mơ, Vọng, Hàng Bài... bao giờ cũng đông khách. Thập niên 70, mua bia bắt buộc phải mua kèm lạc rang ngọt (không phải lạc rang húng lìu), nộm đu đủ. Cửa hàng Cầu Giấy còn bán kèm rau muống ế do bên cửa hàng rau xanh chuyển sang, cứ một cốc kèm một mớ rau. Bia kèm rau muống dù sao cũng là chuyện hiếm nhưng bia kèm đầu sư tử thì không đâu trên thế giới có. Chuyện là tháng 10-1974, Bách hóa Quán Thánh bán đầu sư tử cho trẻ em vui chơi Trung thu nhưng bán không hết đã kết hợp với bia Nguyễn Biểu tiêu thụ nốt chỗ sư tử ế. Mua bốn cốc kèm một đầu sư tử loại nhỏ, sáu cốc kèm một đầu sư tử loại lớn. Thời đó chẳng ai nghĩ đó là độc quyền chỉ mong cửa hàng bán càng nhiều càng tốt nên dù ép thế nào cũng được miễn là có bia uống. Hôm đó quán bia giống như cơ sở sản xuất đồ chơi, chật ních đầu "sư tử" bầy các tư thế. Bên ngoài quán, dãy số chẵn phố Nguyễn Biểu có bà cụ bán vó bò loại mồi rẻ tiền - có tham ăn cũng không thể nuốt chửng, lúc nào cũng đông khách. Tương của cụ ngon đến mức hết vó bò người ta còn nì nèo mua tương để nhắm với bia.
Bên ngoài cửa hàng bia Cổ Tân cũng có người bán ốc bươu luộc, đậu rán chấm mắm tôm, nộm, mực nướng, bánh đa như các cửa hàng khác. Nhưng khác là ở đây có thơ về các bà bán hàng:
Nộm Thừa, đậu Thiếu, ốc Phân
Vắng ba bà ấy Cổ Tân rất buồn.
Nộm Thừa là bà bán nộm tên Thừa, đĩa nộm của bà này bao giờ cũng thừa tương ớt nhưng lại ít đu đủ. Đậu Thiếu là bà bán đậu rán chấm mắn tôm tên Thiếu, vì rán ít mỡ nên đậu của bà này bao giờ cũng xém đen như đậu nướng, còn ốc Phân là bà Phân bán ốc, vì bà luộc quá khéo khiến khi nhể bao giờ cũng kéo theo cả phần phân, ai ăn sạch thì cấu phần phân đi còn không thì xơi hết. Ba bà hút thuốc lá như ranh, nói tục như hát hay song lại sẵn sàng cho khách chịu, bao giờ có thì trả. Khi cửa hàng hết bia thì cũng là lúc các bà, các cô phe lôi bia ra bán. Ai cũng biết bia do nhân viên cửa hàng tuồn ra, hay do cánh xích lô chở bia quẳng ra. Nếu có bác nào bực tức ghi vào sổ góp ý thì bị chính cửa hàng trưởng xé đi còn báo công an mà không có chứng cứ sẽ mắc tội vu khống nên thôi là tốt hơn cả vì nó thế. Mà chẳng riêng bán cho phe, khối người có chức quyền cũng mua cửa hậu cả vài can. Chỉ có người lao động phải kiên nhẫn xếp hàng. Can bia của phe được bọc bằng quần áo cũ để giữ lạnh nhưng uống nhạt thoẹt do bị pha nước lã. Giá 5 hào một cốc, loại cốc chỉ có 330ml nhưng dân nghiện phải chấp nhận vì đang uống dở miệng. Khoảng tháng 8-1975, ngành ăn uống quyết định đổi cốc 500 ml sang cốc 330ml với lý do bia có hạn, chuyển sang cốc nhỏ để ai cũng được uống.
Buổi chiều, các quán đông hơn vì hết giờ làm việc. Uống bia "đi" nhiều nên đứng cách xa Cửa hàng Thủy Tạ năm mét vẫn còn ngửi thấy mùi khai. Tại một số phố, cứ chỗ nào có biển "Cấm đái bậy" thì dân uống bia xông vào, nín thở mà tồ. Thế nên mới có chuyện một bác dắt cháu đi uống bia, uống xong đèo cháu về nhưng trên đường mót quá dựng xe vào xả thì anh công an xuất hiện xé vé phạt 3 hào. Bác đưa 5 hào anh công an không có tiền trả lại, bác bảo: "Thôi để cháu tôi tè nốt đỡ phải trả lại", nói xong lôi cháu vào và tụt quần thằng bé ra. Năm 1974, có khách đã bê cả khay cốc nhân viên vừa gom quẳng xuống hồ Gươm. Người dám làm việc đó không say mà bực tức vì nhân viên bán cho người thân mấy can năm lít, trong khi anh chen chúc xếp hàng, chịu đựng đủ các thứ mùi mà chỉ bán cho một vé. Đám nhân viên xúm lại xỉa xói, yêu cầu phải đền nhưng anh này vẫn bình thản ngồi uống. Thế là họ gọi công an, anh công an trẻ măng bắt anh kia xuống hồ mò, nếu không sẽ xích tay đưa về đồn. Mất bảy lần ngụp lặn trong chất thải đen hôi anh ta mới tìm đủ số cốc và khay. Sau khi làm xong bổn phận, anh công an chui vào phía trong uống bia do cửa hàng khoản đãi.
Nghiện nhưng không phải ai cũng có tiền uống bia và vì thế có người đến bệnh viện Bạch Mai bán máu, lại có kẻ nghĩ ra trò phe vé. Họ đến các cửa hàng từ khi "chợ chưa họp", kiên nhẫn xếp hàng. Sau khi mua theo định xuất, họ nhanh chóng quay lại xếp hàng mua vé lần hai. Rồi họ bán lại vé cho những người đến muộn với giá cao hơn, và thế là có một hay hai cốc uống không mất tiền. Hiếm bia và không phải ai cũng sẵn tiền nhưng Hà Nội lại sẵn người nghiện, một ngày không có vài cốc họ cảm thấy như sống thừa. Uống nhiều thì đếm không xuể nhưng có một người rất nổi tiếng trong những năm 1970. Đó là ông Thông, làm bảo vệ ở Nhà máy xay Lương Yên. Mỗi lần uống chỉ 11 cốc và dù khó khăn thế nào ông cũng xoay đủ từng ấy. Hai tay, mỗi tay 5 cốc, miệng cắn một cốc và từ chỗ lấy bia ra đến bàn thì cốc trên miệng vừa hết mà bọt không hề dính vào ria. Năm 1981, cầm quyết định về hưu, ông than khóc trong phòng giám đốc. Hỏi chuyện gì, ông bảo về hưu lấy đâu tiền để uống đủ cữ. Anh giám đốc thương tình bảo sẽ cho vay tiền để mở quán bia. Ông quì xuống lạy ba lạy. Ông mở quán ở đê Trần Khát Chân, lãi lỗ không biết nhưng mỗi ngày đủ 11 cốc cho đến khi ông mất. Năm 1978, Nhà máy bia Hà Nội đầu tư nâng cấp nhà nấu và hệ thống làm lạnh theo công nghệ của Cộng hòa Dân chủ Đức nâng công suất lên 50 triệu lít/năm. Nhờ đó các điểm bán bia trong thành phố nhiều hơn và lượng bia cung cấp cũng dồi dào hơn. Cũng từ năm này, các quầy bia xuất hiện thịt chó chặt. Tầm hơn 8 giờ, những chiếc xe buýt Karosa dài ngoằng chạy từ Nhổn ra Lò Đúc toàn dân bán thịt chó. Chó nhuộm hoa hiên nhe răng rải từ đầu xe đến cuối xe chiếm hết lối đi. Khi xe buýt đỗ ở cuối phố Phan Chu Trinh, họ lấy xe đạp gửi theo tháng chở thúng thịt chó rồi tỏa đi các quán bia trong nội thành.
Giữa những năm 1980, biên giới Việt - Trung mở cửa thông thương, bia chai Trung Quốc nhãn hiệu Liquan tràn vào Việt Nam đã giảm bớt tình trạng khan bia và cũng làm cho các cửa hàng bia quốc doanh bớt kiêu căng. Rồi thực hiện đổi mới, bia nấu thủ công của tư nhân xuất hiện khiến số lượng các quán bia quốc doanh hẹp dần. Một số quán tư nhân đã trộn bia Liquan lẫn vào bia hơi Hà Nội bán cho khách. Khách sành mồm biết, nhưng đành chấp nhận.
Phục viên, Lê Quang Bình - bộ đội ở chiến trường Campuchia sau khi phục viên đã chuyển ngành về Công ty ăn uống Đống Đa. Xóa bỏ bao cấp, công ty rơi vào cảnh chơi vơi vì vốn quen "bú sữa mẹ", tiếp tục đi làm thì thu nhập không đủ sống, thế là Bình hưu non. Từng là nhân viên chuyên đi nhận bia nên vào năm 1992, ông quyết định thuê cửa hàng gần Nhà máy bia Việt Hà ở phố Minh Khai. Bình không bán bia Việt Hà mà bán bia "cỏ" do xưởng trường Đại học Bách Khoa sản xuất. Mùa hè, mỗi ngày Bình bán khoảng 600 lít. Công nhân Việt Hà ra uống cứ tưởng bia của nhà máy mình. Kể chuyện đó để thấy uống bia và sành bia là hai chuyện khác nhau, bia lạnh uống tê lưỡi thì mấy cốc là khó phân biệt rồi. Khi bia hơi có vẻ bão hòa thì xuất hiện bia tươi và một cú lừa ngọan mục sau này dân uống bia mới biết. Chuyện là năm 1996, người ta đồn đại cửa hàng bán bia tươi đen ở phố Ngô Thì Nhậm được nhập từ Đức rất ngon và thế là khách đến nườm nượp. Chiều ngang cửa hàng này chỉ khoảng ba mét lúc nào cũng chật cứng dù người ta bán tới 100.000 đồng/lít (thời điểm này vàng khoảng 400.000 đồng/chỉ). Hàng ngày xe ô tô chở bia chạy lên hướng sân bay Nội Bài cứ như ra sân bay nhận bia thật nhưng thực ra để đánh lạc hướng, sau đó cho xe quay đầu chạy về xưởng bia thủ công nằm ngay cạnh Hà Nội. Chuyện chỉ bại lộ khi nhân viên sân bay cho hay làm gì có bia tươi Đức nhập về Việt Nam qua Nội Bài.
Cuối thập niên 90, các lò bia tư nhân xuất hiện tràn lan. Người ta gọi bia nấu thủ công là bia "cỏ". Và bia "cỏ" có ở hang cùng ngõ hẻm trong thành phố với giá rẻ nên lôi kéo dân lao động. Chẳng cần ngon, miễn là có tí men ngủ cho dễ, để mai đi làm. Uống bia bây giờ cũng khác trước vốn tốn ít mồi thì nay ú hụ đồ nhắm trên bàn. Đầu những năm 2000, quán bia ở Câu lạc bộ Quân đội bán theo hơi hướng kiểu bao cấp, bia đựng vào bình nhựa, mồi cũng là những món bình dân. Quán rất đông, hầu hết là loại uống bia khó tính, lý do là bia ở đây không bị pha trộn với các loại bia khác nên mùi vị vẫn như một thời . Quán ở phố Nguyễn Cảnh Chân có chất lượng rất ổn, mồi chỉ là lạc luộc nhưng chỉ bán cho cán bộ làm việc ở các cơ quan quanh khu vực này. Hà Nội không nói đi nhậu mà là đi uống bia, nhậu nghe có vẻ loàm nhoàm thức ăn còn uống dù sao nghe có vẻ thanh hơn.