Đánh bại nhà Tây Sơn năm 1802 nhưng đến năm 1806, nhà Nguyễn mới chuyển kinh đô vào Huế. Từ vị trí kinh đô trong suốt gần 800 năm, Hà Nội trở thành tỉnh nên cũng chẳng được mở mang xây dựng gì, đường trong phố chủ yếu là đường đất, chật hẹp, một vài phố Hoa kiều lát gạch nhưng chiều ngang rất hẹp chỉ đủ cho hai chiếc xe bò kéo tay tránh nhau. Chính sách hạn chế các nhà buôn nước ngoài, đóng cửa với thế giới của triều Nguyễn khiến xã hội Việt Nam lạc hậu, tăm tối, dân đi lại chủ yếu bằng đôi chân đất, xa một chút thì đi xe bò, một người kéo, một người đẩy. Quan thì ngồi kiệu và đi công cán xa thì đi ngồi cáng có bốn người khênh. Việc đi lại trong thành phố được cải thiện vào năm 1885 nhờ sáng kiến của viên chỉ huy trưởng thành phố khi ông này cho mở dịch vụ xe khách thường xuyên chạy giữa khu nhượng địa và khu vực nội thành.
Phương tiện giao thông công cộng đầu tiên ở Hà Nội thực ra chỉ là những chiếc xe nhỏ chở được 4 người do ngựa kéo. Ban đầu xe chạy từ khu nhượng địa (phố Phạm Ngũ Lão hiện nay) qua Tràng Tiền đến Hàng Khay rẽ ra phố Nhà Chung, sau đó chở người từ khu nhượng địa vào thành và ngược lại. Tất nhiên khách trên xe là Tây. Lý do để giao thông công cộng Hà Nội ra đời là do các tuyến phố Tràng Tiền, Hàng Khay, Hàng Bài, Hàng Trống, Nhà Chung đã được cải tạo theo quy hoạch. Nhiều nhà dân phải di dời, những con đường đất nhão nhoét vào mùa mưa trước đó được rải đá và gạch vỡ và lần đầu tiên người ta cho lát vỉa hè bằng gạch ở phố Tràng Tiền. Tuy nhiên, đường phố Nhà Chung vẫn hẹp dẫn đến đi lại đôi khi bị tắc nghẽn nên ngày 28-8-1885, cảnh sát phải ra quyết định: Nhà Chung là đường một chiều và chỉ được phép đi theo chiều từ Tràng Thi lên Nhà Thờ. Cảnh sát cũng quy định, xe ngựa của dân tránh đi cùng giờ với xe khách. Còn xe khách qua chỗ đông người phải rung chuông nhiều lần. Trong bài báo đăng trên tờ Tương lai Bắc Kỳ số ra ngày 22-8-1885, viết về chuyến xe khách công cộng đầu tiên của Hà Nội, tác giả bài báo cho đây là "sự tiến bộ của tiến trình đi lên của một xứ sở, một dân tộc". Tuy nhiên xe ngựa chỉ là phương tiện tạm thời trong lúc chính quyền thành phố chờ đợi các nhà tư bản ở chính quốc sang đầu tư tầu điện.
Và không lâu sau đó, Nhà máy xe điện đầu tiên đã ra đời vào tháng 5-1890 và được đặt tại đầu làng Thụy Khuê do Công ty Điền địa Đông Dương thành lập. Vì tầu điện cần phải có đường ray, hệ thống dây điện, cột nên số tiền đầu tư rất lớn. Công ty phải xin phép công sứ cho phép được đổi đất hai bên đường lấy đường tầu và được chấp thuận. Nghĩa là tùy khu vực, công ty được quyền sử dụng đất hai bên đường (nơi có đường ray chạy qua) để bán hoặc xây nhà cho thuê lấy tiền đầu tư. Nhà điều hành chính đặt ở nhà Tròn (nay là tòa nhà góc Đinh Tiên Hoàng-Cầu Gỗ). Dù nhà máy xe điện ra đời nhưng hai năm sau, năm 1892, Toàn quyền Đông Dương mới cho xây dựng nhà máy điện đầu tiên ở miền Bắc là Nhà máy điện Cửa Cấm công suất 5,5 MW nhưng không có đường truyền dẫn lên Hà Nội. Còn tại Hà Nội, ngày 6-12-1892 Công ty Điện khí Đông Dương đứng ra khởi công xây dựng Nhà máy đèn Bờ Hồ công suất thiết kế 0,5 MW chạy bằng dầu chỉ dùng để thắp đèn cho khu công sở Pháp, tư dinh của Thống sứ, Công sứ và do chưa có cột nên dây điện kéo sang phía tây hồ Gươm phải vắt qua đền Ngọc Sơn. Ngày 13-9-1900, công ty cho chạy thử tuyến đầu tiên Bờ Hồ-Thụy Khuê. Năm 1901 khai trương tuyến Bờ Hồ -Ấp Thái Hà, sau đó năm 1915 người ta làm thêm đường vào bến xe Hà Đông. Năm 1906 khai trương tuyến Bờ Hồ-Chợ Mơ. Tại thời điểm đó, các nhà máy phát điện có công suất nhỏ, chỉ đủ phục vụ cho việc thắp sáng đèn đường và nhà công vụ nên công ty xe điện phải dùng máy phát điện cấp nguồn cho lưới điện chạy tầu. Có ba máy phát hơi nước nhãn hiệu Alioth Buise công suất 250 sức ngựa phát ra dòng điện một chiều có cường độ 500-600 vôn. Đến năm 1915, Hà Nội có 22 đầu kéo, mỗi đầu có công suất 25 mã lực. Năm 1929 khai trương tuyến Bờ Hồ-Đại Cồ Việt và vào năm 1943 thì kéo dài tới trước cổng chính bệnh viện Bạch Mai. Tuyến Bờ Hồ-Mơ ban đầu là đường ray đi qua phố Cầu Gỗ nhưng khi chỉnh trang khu vực này, chính quyền thành phố cho chuyển ra sát mép hồ. Từ bến chính Bờ Hồ, tầu điện tỏa đi 6 hướng (Hà Đông, Cầu Giấy, Mơ, Vọng, Bưởi và Yên Phụ). Có một bài vè về tầu điện như sau:
Thằng Tây ngồi nghĩ cũng tài
Sinh ra đèn điện thắp hoài năm canh
Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành
Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường
La ga (xưởng) thì ở Thụy Chương
Dây đồng, cột sắt thì đường cái quan
Bồi bếp cho chí bồi bàn
Chạy tiền ký cược đi làm sơ vơ (người bán và soát vé)
Xưa nay có thế bao giờ
Có chiếc tàu điện đứng chờ ngã ba
Đàn ông cho chí đàn bà
Hễ tàu vừa đến lấy đà nhảy lên
Ba xu ghế gỗ rẻ tiền
Toa sau thì để xếp riêng gánh gồng
Năm xu ngồi ghế đệm bông
Hỏi mình có sướng hay không hỡi mình
Còn dân ở Bưởi thay hai câu gần cuối
Ba xu cũng đáng đồng tiền
Một thôi về Bưởi bằng tiên non bồng...
Giá 3 xu và 5 xu là giá cuối những năm 20 đầu 1930, đến năm 1950 giá ghế gỗ là 1 đồng và đệm bông là 2 đồng. Năm 1925, Toàn quyền Đông Dương quyết định cho xây Nhà máy điện Yên Phụ và nhà máy phát điện vào năm 1927, lúc này Công ty xe điện mới bỏ máy phát sử dụng điện lưới. Các tuyến tầu đi vào hoạt động thì các bến tầu trở thành nơi kiếm sống của những người ăn xin, hát xẩm, bán hàng rong và đông nhất có lẽ là những người bán các loại thuốc ta. Từ cao dán mụn nhọt, thuốc cam, thuốc sài đến thuốc hôi nách, thuốc ho. Bán hàng rong trên tầu và dưới bến kéo dài cho đến khi các tuyến tầu điện bị dỡ bỏ. Những người bán thuốc rong đeo trước ngực hộp gỗ con, khi tầu chạy họ lên các toa, khi tầu dừng lại họ chuyển sang toa khác và đến toa cuối chờ tầu đỗ lại chuyển tầu. Cánh sơ vơ lắm lúc cũng bự nhưng nói chung không bắt họ lấy vé. Mỗi người có một kiểu rao, mỗi loại thuốc họ rao một kiểu.Anh chàng bán thuốc ho rao:
Đàn ông ho ca nông
Đàn bà ho ca tút
Trẻ em ho gà ho vịt
Thanh niên nam nữ ho vì tình
Đến đứa trẻ giật mình cũng biết ho
Ai thuốc ho đê...ê...ê...ê
Còn bà bán thuốc cam, sài đẹn:
Trẻ nóng trẻ đổ máu cam
Thuốc ông lang Tích 3 gam khỏi liền
Mua đi, mua nhanh kẻo hết nào
Ông bán thuốc đau lưng nhức xương rao:
Đau xương nhức lưng củ ấu tầu
Sa đì ấm giỏ cũng là nói
Ai củ ấu tầu đi...đi...đi
Và sau đó ông còn vách vách đọc chỉ dẫn cách dùng thế nào, cam đoan nếu không khỏi không... lấy tiền. Chẳng biết thật giả thế nào nhưng thỉnh thoảng vẫn có người mua. Lại thêm cậu bé bán rút dép oang oang:
Đi dép thì phải tuột quai
Chỉ mua một chiếc cho hai vợ chồng
Ai rút dép nào, ào ào, ào...
Trước năm 1954, nhẩy tầu điện chỉ có dân bụi đời, dân anh chị vì nhẩy tầu nếu bị cảnh sát bắt, chắc chắn phải vào bót. Thời bao cấp nhẩy tầu diễn ra phổ biến bởi và chủ yếu là thanh niên, họ không cần đến bến, muốn xuống chỗ nào là họ xuống. Nhẩy lên rất dễ, bám vào cọc sắt chạy theo một đoạn rồi đu người lên là được nhưng nhẩy xuống lúc tầu đang chạy nhanh không dễ chút nào. Không biết cách, rách quần hay xây sát là nhẹ, có người còn cụt cả chân. Nhẩy xuống có 3 cách. Cao thủ nhất là nhẩy cùng với hướng chuyển động của tầu (gọi là bổ). Dù nhẩy cửa bên nào thì một chân phải làm trụ, còn chân kia dứt khoát phải choãi ra và toàn thân đổ về phía trước để dồn trọng lực vào chân làm trụ. Kiểu nhẩy thứ hai là thả người ngược với hướng tầu chạy. Còn kiểu thứ ba (người không biết nhẩy) là thả một chân xuống trước chân kia xuống sau, tay giữ cọc sắt và chạy theo cho đến khi cân bằng được cơ thể thì bỏ tay ra. Chuyến tầu đầu tiên trong ngày bắt đầu từ 5 giờ sáng. Từ Mơ lên Bờ Hồ toàn các bà mang rau lên chợ Hàng Bè hay Đồng Xuân. Khách đi tầu tuyến vào Hà Đông, đa phần là sinh viên Tổng hợp hay Đại học Ngoại ngữ, Kiến trúc. Chuyến ra thường là các bà thu mua lông gà, lông vịt làng Triều Khúc, họ treo thúng mủng ở phía ngoài của toa cuối. Dài ngắn cũng vé đồng hạng 5 xu. Khi đến bến, anh bán vé nhanh chóng kéo dây thừng hạ cần tiếp điện để đảo chiều còn lái tầu thì cầm tay lái chữ Z bằng đồng vào quán nước. Đầu tay lái hình vuông để tra vào lỗ, khi không chạy thì nhấc ra, mất là ăn mày luôn. Đặc biệt nhất là chuông điện. Núm dận chuông ngay gần chỗ lái tầu. Nếu cần báo hiệu cho người đi trong địa phận đường ray phía trước, lái tầu dận vào núm đồng là phát ra tiếng leng keng. Trước khi chuyển bánh hoặc đến bến lái tầu cũng dận chuông. Leng keng trở thành âm thanh đặc trưng của tầu điện, nó không rắt réo, không khoe mẽ như tầu hỏa, rất chân thành và giản dị. Tiếng leng keng khiến lớp người một thời khó quên, trong bài hát Nhớ về Hà Nội của nhạc sỹ Hoàng Hiệp có câu "...và nhớ tiếng leng keng tầu sớm khuya hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy...". Tầu thường có 2 toa, nhưng cũng có khi là 3 và một người bán vé mà người ta gọi là sơ vơ. Anh này luôn cầm trên tay kẹp vé bằng da, thỉnh thoảng lại nháy mắt ra hiệu với khách lơ đãng không biết kẻ cắp đang móc túi họ.Tầu chỉ chở người, không chở hàng hóa cồng kềnh, song các bà bán rau dúi thêm một hào là sơ vơ sẵn sàng cho lên. Thập niên 60 vẫn còn ghế da nhưng sau đó người ta thay bằng gỗ gồm các thanh ghép với nhau chạy dọc theo chiều dài thân toa. Trên đầu có xà ngang bằng đồng cho người đứng bám vào khi tầu chạy nhanh hoặc phanh gấp sẽ không bị ngã. Xà ngang này sang nhất toa vì bao giờ cũng sạch sẽ và sáng bóng. Thập niên 80, tầu điện vẫn còn là lạ lẫm với nhiều người nông thôn lần đầu ra Hà Nội, và "ăn kem, xem tầu điện" là hai thứ cần phải biết. Tầu điện thường đông khách vì vé rẻ và tiện, có chuyến khách bám kín cửa lên xuống. Tầu điện là đất làm ăn của dân móc túi. Có cả con gái và chúng đi theo nhóm. Đứa này móc được chuyền ngay cho đứa khác, rồi nhanh chóng bổ xuống dọc đường.
Tầu điện là cảm hứng sáng tác cho khá nhiều nghệ sỹ. Họa sĩ Lương Xuân Nhị có một bức rất nổi tiếng là vẽ tầu điện ở Bờ Hồ. nhà văn Nguyễn Tuân có ký, còn sinh viên khoa văn Tổng hợp làm thơ về tầu điện hay liên quan đến tầu điện khá nhiều. Nhà văn Lê Bầu kể rằng thập niên 40, Phạm Văn Đồng trước khi cưới vợ sống ở Khu học xá Đông Dương (nay là Đại học Bách Khoa), lấy bà Phạm Thị Cúc ở 37 Cầu Gỗ đã đón dâu bằng tầu điện. Đó là chuyện đón dâu vô cùng độc đáo và chưa từng thấy ở Hà Nội kể từ khi phương tiện này xuất hiện. Năm 1986, thành phố ra quyết định ngừng sử dụng tầu điện vì cản trở giao thông nhưng 3 năm sau mới cho bóc gỡ đường ray. Năm 1990, thành phố khai trương tuyến tầu điện bánh lốp, xuất phát từ Bờ Hồ qua Hàng Gai-Hàng Bông-Nguyễn Thái Học sau đó theo Hàng Bột đến ngã tư Sở rồi quặt ra đường Láng rẽ Ngọc Khánh, Nguyễn Thái Học về Bờ Hồ. Tuy nhiên do lái như ô tô mà không có đường riêng nên rất khó khăn và nguy hiểm cho lái tầu, nếu tránh các phương tiện có thể bật cần tiếp điện ra khỏi dây. Mặt khác tầu điện bánh lốp không thuận tiện và giá vé lại cao nên ít người đi. Chạy thử nghiệm chưa được một năm, họ bỏ luôn.