Trước 1954, Việt Nam từng là nước xuất khẩu gạo, gạo từ miền Nam ra Hà Nội rồi xuất sang Hồng Công, Thượng Hải và Hà Nội cũng chưa bao giờ thiếu gạo. Khi giới tuyến 17 chia cắt Việt Nam làm hai miền theo Hiệp định Genève thì gạo ở miền Nam không thể ra miền Bắc trong khi đồng bằng Bắc Bộ lại nhỏ bé, sản xuất manh mún nên không đủ gạo để cung cấp cho thị trường nên đã diễn ra tình trạng thiếu gạo. Số lượng làm cán bộ, công chức, công nhân là rất lớn trong khi mức lương lại thấp đã khiến gia đình họ gặp khó khăn và để đảm bảo cuộc sống ở mức tối thiểu, ngay từ năm 1955, nhà nước đã tạm thời bán gạo theo định lượng cho các hộ gia đình ở thành phố và mỗi thành phố áp dụng một tiêu chuẩn khác nhau. Bắt đầu từ ngày 1-3-1957, nhà nước thực hiện chế độ cung cấp gạo ăn hàng tháng cho bộ đội, cán bộ, công nhân viên, sinh viên các trường đại học, học viên các trường trung cấp, học sinh được hưởng học bổng toàn phần tại các trường phổ thông, bệnh nhân tại các trạm điều dưỡng… với giá thống nhất và ổn định là 4 hào/kg. Tiêu chuẩn được hưởng gạo cung cấp có nhiều loại: học sinh phổ thông chưa đến 18 tuổi, người cao tuổi già, người chưa có việc làm tiêu chuẩn 13 kg/tháng. Với người đi làm trong khối hành chính, sự nghiệp là 15 kg, sinh viên, công nhân được 17 kg, công nhân làm trong môi trường độc hại, quân nhân là 21kg. Nhà nước cũng phát hành tem lương thực có mệnh giá 100 gam, 225 gam và 250 gam. Ai hay đi công tác có thể mang sổ đổi lấy tem. Loại 100 gam thêm 1 hào mua được 1 chiếc bánh mỳ ngọt, 225 gam thêm 2 hào mua được chiếc bánh mỳ có thể ăn no, còn 4 hào với con tem 250 gam được xuất cơm mậu dịch gồm bát canh, bát cơm và vài miếng đậu phụ hay thịt lợn bạc nhạc kho. Với cán bộ cao cấp được hưởng tiêu chuẩn 21 kg và mua tại cửa hàng riêng ở số 1 phố Ngô Quyền. Gạo dành cho cán bộ cao cấp là loại gạo ngon và không phải độn. Về tem lương thực, có một vụ án làm chấn động Hà Nội, sách "Lịch sử truyền thống Công an quận Hoàn Kiếm 1945-2004" viết "Tháng 7-1962, cửa hàng lương thực 64 Ngô Thì Nhậm kiểm tra sổ sách và kho phát hiện mất 15.000 kg tem lương thực. Cán bộ cửa hàng thì nghi nhân viên ăn cắp, còn nhân viên lại nghi cán bộ thông đồng với nhau tham ô nhưng chỉ có điều không ai dám nói những suy nghĩ ấy trong cuộc họp. Công an Hai Bà Trưng tiến hành điều tra và thủ phạm là Nguyễn Duy Khương, công nhân bốc xếp ở kho của cửa hàng này. Khương đã bán cho Phạm Thị Đức ở xóm Thanh Mai xã Hoàng Mai, huyện Thanh Trì. Ngày 12 và 13-8-1963, tòa án nhân dân thành phố đã mở phiên tòa xét xử Khương, Đức cùng 14 người có liên quan và Khương chỉ là người được cửa hàng trưởng giao nhiệm vụ mang số tem đó đi tiêu thụ. Vụ án này có lẽ là vụ án đầu tiên về việc cán bộ lợi dụng chức quyền thông đồng để tham ô của nhà nước ở thành phố.
Ngoài bìa, người ta ghi rõ: Sổ mua lương thực còn dân quen gọi là "sổ gạo". Lương thực được mua từ "sổ gạo" không chỉ có gạo mà còn có ngô, sắn, mỳ, khoai; nghĩa là người ta không đảm bảo rằng lúc nào lương thực cũng là gạo. "Sổ gạo" đóng vai trò quan trọng trong mọi gia đình, nếu chẳng may mất nó thì gay go to, thế nên việc mất sổ gạo đã trở thành một câu thành ngữ "buồn như mất sổ gạo" hay "mặt nghệt như mất sổ gạo". Xin cấp lại mất vài tháng là nhanh và trong thời gian chờ đợi, hàng tháng phải lên phòng lương thực khu xin lệnh mua. Có thời kỳ nhà nước bán 100% gạo, lại có khi bán độn và tỷ lệ độn bao nhiêu là tùy thuộc vào ngành lương thực. Gạo giá cung cấp chủ yếu là cũ, mốc, hạt vàng ố do để lâu trong kho và không được bảo quản đúng quy cách. Lại có khi đầy sạn và thóc đến mức nhặt sạn lâu hơn nấu bữa cơm nên các bà các chị nội trợ phải cho gạo vào rá, đãi kỹ để loại hết sạn. Nấu cơm bằng "gạo tấm" là cả một kỹ thuật không phải bất kỳ chị nội chợ nào cũng thành thạo, vì đó là loại gạo nấu rất dễ bị nát, hoặc bị sống. Chất lượng gạo là thế nhưng phần lớn các gia đình không muốn mua gạo dính (hạt to, trong, ăn dẻo), gạo do nước ngoài viện trợ vì nấu không nở và không dôi cơm như gạo cũ, người ta cần đầy dạ dầy hơn. Dù chất lượng gạo thế nào thì vẫn còn tốt hơn là ăn độn.
Năm 1965, dân Hà Nội bắt đầu phải ăn độn. Ăn độn không xa lạ với người ở nông thôn, bà con thường độn khoai lang, sắn, ngô vào cơm, nhưng ăn độn lại xa lạ với người dân thành thị, nhất là độn bột mỳ. Trước đó, dân thành thị biết đến bột mỳ qua mỳ vằn thắn, quẩy, bánh bò, bánh gối... và chỉ để ăn chơi, nay phải ăn thường xuyên thì bột mỳ trở thành nỗi kinh hoàng. Đầu tiên là nhào cho bột mì cho dẻo, sau đó nắm thành từng nắm cho vào nồi luộc, để ăn sáng và trưa, đến bữa chiều mới có cơm. Cục bột mì luộc ăn nóng còn mềm, nhưng để nguội thì khô và cứng đến mức "ném chó, chó chết". Trẻ em ở nơi sơ tán, ăn mì luộc khó nuốt, nóng bụng, nhưng sáng ra vẫn phải ăn, rồi đội mũ, đeo nùn rơm đi học. Chán luộc thì chuyển qua rán, tuy nhiên vì mỡ hiếm nên gọi là rán cho oách chứ thực ra là áp chảo. Nhà không có mỡ nghĩ ra cách nhào bột, dàn mỏng, bọc lá chuối cho lên bếp than nướng. Rồi có nhà bắt chước Hoa kiều làm bánh bao, không có xô tả (bột nở), họ tạo ra bằng cách gây chua bột. Dù không nhân nhưng dù sao cũng đỡ ngán hơn cục mì luộc. Một món kinh hoàng từ bột mỳ là mỳ cán nấu. Bột trộn với nước sao cho không nát, không khô sau đó lấy chai cán móng, sau đó dùng dao bài xắt thành từng sợi. Nước trong nồi sôi mới cho sợi mỳ vào. Vì "sợi " dầy nên nấu khá lâu, thỉnh thoảng phải thử bằng cách cắn đôi, nếu giữa sợi mỳ còn mầu trắng đục nghĩa là chưa chín. Khi chuẩn bị nhấc nồi ra mới cho rau vào. Tuy vẫn còn hình hài sợi mì nhưng nước sánh như cháo, ăn nóng dễ hơn nhưng bỏng mồm còn nguội lại đặc như bánh đúc. "Xuân thu, nhị kỳ" cha mẹ cũng làm cho món bánh chuối rán mỡ đáng hoàng, ăn thật sướng miệng. Bột mỳ không phải lúc nào cũng trắng và thơm, nhiều khi phải mua cả bột đen và hôi, mọt bò lổm ngổm. Thế nên nhà nào cũng phải sắm cái rây (căng bằng sợi tơ, lỗ rất nhỏ), trước khi chế biến phải rây bột nếu không muốn ăn độn cả mọt.
Năm 1966, người Hoa ở Hà Nội bắt đầu sản xuất mỳ sợi, người ta vừa bán vừa đổi, 1 kg bột mỳ thêm 4 hào được 1,5 kg mỳ sợi tươi. Sau đó, các xí nghiệp mỳ Tương Mai, Thượng Đình, Hải Châu, Chùa Bộc mới sản xuất mỳ sợi theo lối công nghiệp nhưng mỳ được sấy khô để bảo quản được lâu. Mỳ sợi khô được đóng vào các bao gai và buộc kín nên không ai biết nó trắng hay đen, chỉ đến khi mua rồi mở ra mới biết. Có một câu chuyện khá hài hước về mì sợi, ai không biết chắc sẽ nghĩ họ "tục tĩu". Chuyện là một thanh niên mua gạo và mỳ xong hỏi một cô gái cũng vừa mua gạo và mỳ: "Của em đen hay trắng?", cô gái trả lời: "Của em trắng! Thế của anh?", anh kia trả lời: "Của anh đen". Mỳ sợi khô dùng để độn, khi cơm gần cạn nước thì bóp mỳ vào rồi dùng đũa cả trộn đều, mỳ sẽ không nát. Còn nấu thì cho mì chính và thêm tí hành mỡ, vì không có thịt nên được gọi là "mỳ không người lái". Nên mới có chuyện buổi sáng có mấy chú bé trên đường đi học, rủ nhau vào cửa hàng mậu dịch để ăn mỳ "không người lái"; có chú công an nghe được, bắt đứng ở vỉa hè đọc: "Mỳ không có thịt chứ không phải mỳ không người lái, mỳ không có thịt chứ không phải mỳ không người lái...", đúng một trăm lần rồi mới cho đi. Lại có người còn sáng tạo cách nấu mỳ như nấu cơm nếp, tức là khi đun nước sôi thì đổ mì vào nồi, rồi chắt kiệt nước. Sau đó lại đặt nồi ủ trên than hoặc để lửa nhỏ. Bắc nồi mỳ ra, cho tý mỡ, tý hành đánh đều lên, ăn cũng khá ngon.
Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam ký ngày 27-1-1973, buộc Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, dân Hà Nội từ nơi sơ tán ùn ùn kéo về. Tết Quý Sửu vui chưa từng thấy vì miền Bắc coi như đã hòa bình. Công nhân Cu Ba đang giúp làm đường 21 kéo về Hà Nội dắt tay nhau nhẩy quanh Hồ Gươm, vừa nhẩy vừa hát "Oăn ta ra mê la". Mọi người nói với nhau "hòa bình ăn cháo cũng sướng". Ba tháng sau, tháng 4-1973, gạo hiếm nên ngành lương thực bắt ăn độn bánh mỳ. Mỗi gia đình được phát một cuốn sổ và tùy theo định lượng sẽ phải ăn bao nhiêu chiếc trong một tháng. Tầm 9 giờ sáng, nhân viên bán lương thực đẩy xe bánh mỳ về các tiểu khu (nay là phường). Chỉ cần mang sổ ra yêu cầu lấy bao nhiêu chiếc là phát cho bấy nhiêu. Những ngày đầu thấy bình thường, nhưng càng lâu càng ngán, ăn với đường, rán, bỏ ruột, rồi ăn ruột bỏ vỏ,cứ thế tới mấy tháng mới quay lại độn mỳ sợi.
Về cái mặc, Thông tư số 119-TTG ngày 21-12-1963 công bố định lượng phân phối một năm như sau: Cán bộ công nhân viên 5mét/người, nhân dân thành phố và thị xã 4 mét/người/năm, dân nông thôn 3 mét/người/năm. Phiếu vải cũng chia ra hai loại, nam và nữ. Phiếu vải nữ có quyền mua hai mét lụa đen hay các loại vải tương tự để may quần. Vải cung cấp cũng không có nhiều loại, trong nước có vải phin, popelin 8-3 (Nhà máy dệt 8-3 sản xuất), vải thô, ka ki Nam Định (Nhà máy dệt Nam Định sản xuất) và chỉ có hai mầu là xanh công nhân và tím than. Vải bán tự do cũng chỉ vài loại, chủ yếu là của Trung Quốc và Đông Âu. Vải hiếm nên người mặc quần vá mông, tích kê đầu gối nhan nhản ngoài phố, áo sơ mi sờn cổ thì mang ra hiệu may lộn lại. Mùa đông cánh đàn ông chỉ có áo bông, áo sợi và áo đại cán, bà già thì áo bông trần quả trám. Phụ nữ trung niên và cánh con gái bên ngoài áo ka ki một lớp, bên trong nhồi đủ các loại. Thậm chí áo len còn trộn tới bốn mầu, không phải tạo mốt mà một mầu không đủ để đan thành chiếc áo. Thời gian chiến tranh, nhiều tổ chức quốc tế gom quần áo cũ tặng trẻ em Hà Nội và để công bằng, người ta tổ chức gắp thăm.
Thông tư 345-NT ngày 25-5-1968 công bố: Trẻ em sơ sinh thành thị dưới 1 năm nếu mẹ mất sữa toàn phần hoặc trẻ em mất mẹ dưới 3 tuổi hưởng loại phiếu A, mỗi tháng được 8 hộp sữa đặc. Trẻ sơ sinh nông thôn và trẻ sơ sinh thành thị mà mẹ mất sữa một phần hưởng loại phiếu B, mỗi tháng được 4 hộp sữa đặc. Sữa trong nước có Thảo Nguyên, sản phẩm của Nông trường bò sữa Mộc Châu, ngoài ra còn có sữa hộp Trung Quốc, Liên Xô. Tuy nhiên chất lượng sữa Thảo Nguyên không cao, dễ bị vón cục, để lâu dưới đáy đọng tới nửa hộp là đường, nên nhiều người không dám cho trẻ ăn.
Trước năm 1975, cấp đặc biệt hưởng từ 7,5 kg thịt, 3,5 kg đường/tháng trở lên; bộ trưởng hoặc tương đương có phiếu A, trước 1975 hưởng 6 kg thịt, 3kg đường; sau năm 1975 hưởng 4,2kg, thịt 2kg đường/tháng. Cán bộ trung cấp phiếu C trước 1975 hưởng 1,5kg thịt, 1 kg đường/tháng; sau 1975 hưởng 1 kg thịt,0,8 kg đường/tháng. Công nhân lao động nặng trước 1975 phiếu I, hưởng 1,5kg thịt, 0,75 kg đường/tháng còn nhân dân trước 1975 và cả sau này là phiếu N 0,3 kg thịt và 0,1 kg đường/tháng. Ngoài ra trong phiếu thực phẩm còn có ô đậu phụ, nước mắm. Người ta phát tem phiếu theo quý, trên phiếu ghi rõ tháng, ai quên không mua là thôi. Cán bộ hưởng cấp đặc biệt và tiêu chuẩn A,B mua tại cửa hàng 17 phố Tông Đản, tiêu chuẩn C mua ở phố Nhà Thờ, Đặng Dung và Vân Hồ, thực phẩm bao giờ cũng tươi ngon. Cán bộ cấp A,B,C còn có tiêu chuẩn bánh, kẹo, thuốc lá, vải (ngoài tiêu chuẩn)... mua tại cửa hàng Giao tế ở phố Lê Thái Tổ.
Tiêu chuẩn với cán bộ thường, công nhân và nhân dân là vậy nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hàng. Có thời kỳ chỉ có thịt lợn ướp từ Trung Quốc, mùi chất bảo quản rất khó chịu nhưng cũng phải mua vì không có loại thịt khác. Chân giò, sườn là hai thứ dân thích nhất vì ngành thực phẩm quy định tăng gấp đôi, ví dụ giá trị phiếu là 0,5 kg, nếu mua thịt thì được 0,5 kg, nhưng mua chân giò lại được 1 kg. Tuy là phiếu thịt nhưng cũng có thể mua mỡ, mua mỡ thì thôi và ngược lại. Có thời kỳ chỉ có mỡ công nghiệp trắng tinh, nhờn thì có nhờn nhưng không thơm như mỡ lợn. Dân thích mua mỡ lá hơn mỡ phần vì mỡ phần rán không ra nhiều như mỡ lá, nhưng mấy khi mua được, mậu dịch viên dành bán cho người quen. Mùa hè, ngành thực phẩm thường bán thêm mỗi bìa mua hàng một con vịt cỏ. Ai quen biết mua được loại hơn 1 cân, còn không quen biết lại xếp hàng thì chỉ có loại từ 8 đến 9 lạng, lông măng tua tủa. Lại có khi bán thêm cá bể, cá nhỏ như ngón chân cái và nát vụn, kho với gừng mà ăn vẫn còn tanh. Nước mắm có khi mùi thum thủm, mua về phải nấu lại mới chấm được rau luộc, còn đậu phụ thì cứng vì nhiều bã.
Về chất đốt, tiêu chuẩn cho dân ngoại thành là củi, than còn nội thành ban đầu là củi, sau là dầu hỏa, tiêu chuẩn của cán bộ và nhân dân bằng nhau 4 lít/tháng. Các cửa hàng bán dầu bằng máy bơm tay và chẳng biết đủ hay thiếu. Từ năm 1965, nhà nước quy định mỗi cán bộ công nhân được phân phối 1 chiếc xe đạp trong cả đời công tác. Việc phân phối khá phức tạp, phải bình xét hay gắp thăm. Xe đạp phân phối chủ yếu là xe Thống Nhất của Việt Nam, xe Phượng Hoàng và Vĩnh Cửu của Trung Quốc. Phượng Hoàng và Vĩnh Cửu rất nặng nhưng chắc chắn và bền. Giá xe phân phối rẻ hơn nhiều lần so với bán tại tự do. Ai đã có xe đạp thì đăng ký để xin sổ mua phụ tùng.
Mỗi hộ gia đình ở cả thành thị được cấp bìa mua hàng trong đó có tiêu chuẩn xà phòng, kim chỉ, chiếu cói... và túi hàng Tết. Túi hàng Tết có hộp mứt Hữu Nghị, bao thuốc lá Điện Biên hoặc Tam Đảo "bao bạc" (tức là có bọc giấy bạc), gói trà Thanh Hương hoặc Hồng Đào, miếng "bóng bì", bánh pháo, chai rượu Thanh Mai hoặc rượu mơ, rượu chanh... Để mua được túi hàng Tết, người ta phải chen chúc xếp hàng từ sớm. Mua về rồi, các thứ hàng hóa này được cất giữ cẩn thận, chỉ để dùng trong mấy ngày Tết. Ngoài các loại tem phiếu, các loại giấy tờ khác cũng có thể mua được hàng hóa như: giấy giới thiệu, chứng nhận kết hôn (có giấy kết hôn được mua một chiếc màn đôi, 2kg bánh kẹo, một tút thuốc lá cho việc tổ chức đám cưới), giấy báo tử (có giấy báo tử mới được mua quan tài giá cung cấp loại gỗ nhóm bốn, kèm theo 10 mét vải sô hay vải trắng)... Cuộc sống khó khăn nên xuất hiện vè:
Nhất gạo, nhì rau
Tam dầu, tứ muối
Thịt thì đuôi đuối
Cá biển mất mùa
Đậu phụ chua chua
Nước chấm nhạt thếch
Mì chính có đếch
Vải sợi chưa về
Săm lốp thiếu nghê
Cái gì cũng thiếu...
Không chỉ có vè mà còn có cả câu đối. Đối lại vế "Cứt gì cũng phân, phân như cứt", dân gian đối như sau "Phân như cứt, cứt gì cũng phân". Ở ngoại thành, cán bộ lợi dụng chức quyền để trục lợi cho bản thân và gia đình, nên đã xuất hiện ca dao:
Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho cán bộ mua đài mua xe
Mỗi người làm việc bằng ba
Để cho cán bộ xây nhà xây sân
Và
Cá chép phơi vây mừng cán bộ
Đòng đong cấn cấn khóc xã viên
Vì luôn luôn không có đủ hàng hóa nên mới sinh ra chuyện phải xếp hàng, từ xếp hàng thực phẩm, lương thực, đồ bách hóa đến chất đốt, thậm chí cả mua mớ rau muống mậu dịch, loại rau thường bám đầy bèo tấm, dài cả mét (vì các hợp tác xã nông nghiệp cân rau cho mậu dịch thường cắt rất dài để tăng trọng lượng) vẫn phải xếp hàng. Đi mua hàng, chỉ có một người nhưng lại phải mua nhiều thứ, thế là sinh ra chuyện xếp hàng bằng gạch, nón, mê rổ... Những thứ vô tri vô giác ấy bỗng nhiên có giá trị pháp nhân. Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có chuyện này. Một số người láu cá, từ nửa đêm đã đến trước các cửa hàng xếp gạch, sáng ra người nào cần mua trước thì phải mua lại "cục gạch" của họ với giá mấy xu, sau này là mấy hào. Song có đứng đầu hàngchưa chắc đã được mua trước vì cũng giống như uống bia, thương binh được ưu tiên mua trước và thương binh có lúc cũng không bằng tiền lẻ (tiền lẻ hơn thẻ thương binh). Vì cung cấp nên giá rẻ như bèo, bán như cho đã sinh ra phe phẩy. Cửa hàng nào cũng có phe và phe phẩy bị coi là kẻ gây ra nạn khan hiếm hàng hóa trong khi họ chỉ làm việc mua của người thừa bán cho người thiếu. Nhà cần tiền bán phiếu thực phẩm, phiếu dầu cả quý, không có phe tiền đâu mà giải quyết công việc? Hầu như báo nào cũng có tranh phê bình vẽ, thơ châm và hình tượng bà phe thường là béo tốt, nói tục, chửi bậy như hát hay còn người dân thì gầy gò, ốm yếu. Không những thế con cái các bà phe đi học thường không có bạn cùng lớp, bị cô lập, nếu học kém cũng không có bạn giúp đỡ.
Năm 1982, Bộ trưởng Bộ Nội thương đã ký quyết định dẹp bỏ các cửa hàng cung cấp đặc biệt ở Tôn Đản, Nhà Thờ, Vân Hồ và Đặng Dung. Vì sao dẹp bỏ cửa hàng mà cần tới quyết định của bộ trưởng? Trong cuốn Tư duy kinh tế Việt Nam: Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989, cố giáo sư Đặng Phong viết "Vị Bộ trưởng Nội thương trực tiếp thực hiện quyết định này chính là giáo sư Trần Phương. Ông kể lại những bước chuẩn bị khá phức tạp để thực hiện quyết định này... Trước hết ông gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn. Mở đầu câu chuyện ông nói: "Thưa anh hiện nay các cửa hàng cung cấp đang gây ra nhiều dư luận không đẹp đẽ gì. Trong nhân dân người ta đang có một câu ca:
Tông Đản là chợ vua quan
Nhà Thờ là của trung gian nịnh thần
Đồng Xuân chợ của thương nhân
Vỉa hè chợ của nhân dân anh hùng."
Tổng Bí thư nghe xong trầm ngâm một lúc rồi hỏi:"Thế anh định làm thế nào?", Trần Phương trả lời: "Thưa anh, tôi có một cách giải quyết. Một mặt phải xóa các cửa hàng đó đi nhưng lợi ích của những người có tiêu chuẩn đó vẫn được đảm bảo bằng cách tính tất cả những mặt hàng cung cấp đó ra tiền. Bộ Tài chính sẽ phụ cấp số tiền đó vào lương. Như thế không để thiệt thòi cho người có tiêu chuẩn mà lại đỡ gây bất bình, bức xúc trong nhân dân... Bộ Nội thương chúng tôi đã tính toán và cân đối được rồi. Về mặt kinh tế không có vấn đề gì. Về mặt chính trị như thế sẽ tốt hơn". Tổng Bí thư ngẫm nghĩ một lát rồi nói: "Được, anh làm đi".Tuy nhiên đụng đến những cấp A, B, C là đụng đến hệ thống tổ chức cho nên còn phải qua một nhân vật quan trọng nữa là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ. Trong lần gặp này, Trần Phương đã nhắc lại gần như nguyên văn nội dung mà ông đề xuất với Tổng Bí thư. Cuối cùng Lê Đức Thọ cũng đồng ý.
Quyết định xóa hệ thống các cửa hàng cung cấp đã gây ra phản ứng rất dữ dội và đến tai Tổng Bí thư. Tổng Bí thư chất vấn Trần Phương. Lần này Trần Phương trình Tổng Bí thư một xấp hóa đơn của phu nhân một cán bộ cấp cao. Bà đã mua 180 mét vải tissu len trong một năm. Thời đó tiêu chuẩn về vải mặc của cán bộ chỉ có 5 mét/năm, riêng với cấp A và B thì ngoài tiêu chuẩn còn bán tissu len để các vị maycomplet, phục vụ nhu cầu công tác. Khi đưa hóa đơn, Trần Phương nói: "Thưa anh! Đồng chí này cần may bao nhiêu bộ complet để tiếp khách mà phải mua tới 180 mét tissu và nếu đúng thế thì lương đồng chí đó là bao nhiêu để mua nổi bấy nhiêu mét tissu?". Nghe xong Tổng Bí thư Lê Duẩn lắc đầu và im lặng... Cũng năm 1982, Bộ Nội thương đã trình Bộ Chính trị đề án cải tiến công tác nội thương, dẹp bỏ toàn bộ hệ thống các mặt hàng cung cấp bán sát theo giá thị trường và bù vào lương cho cán bộ công nhân viên chức. Tuy nhiên đề án này chỉ được chấp nhận 1 phần là xóa bỏ 33 trong 42 mặt hàng cung cấp, giữ lại mặt hàng thiết yếu cung cấp theo định lượng, trong đó có gạo, thịt, đường, vải, chất đốt... Tuy nhiên mãi đến ngày 1-4-1989, chế độ tem phiếu mới được bãi bỏ hoàn toàn.
Thực ra Trần Phương đã phê phán cơ chế giá bao cấp từ những năm 1960. Ông đã đấu tranh không khoan nhượng, tranh luận gay gắt với các đại biểu của Ủy ban Vật giá Nhà nước về vấn đề này. Trần Phương cũng là người không đồng tình với chế độ cung cấp phân biệt thứ tự A, B, C trong ngành thương nghiệp.