Con người không phải là thánh hiền, thì sao tránh khỏi việc phạm phải sai lầm. Sai lầm chính là những khuyết điểm của bản thân, nhưng có câu: “biết lỗi và sửa lỗi, thì còn thiện nào lớn hơn thế nữa”. Thật ra, khuyết điểm không phải là vấn đề nghiêm trọng tuyệt đối, chỉ cần chấp nhận sửa đổi thì vẫn có thể tiến bộ được.
Khuyết điểm lớn nhất trên thế gian này, chính là không chịu thừa nhận sai lầm hay điểm yếu của bản thân. Thực ra, quốc gia có khuyết điểm của quốc gia, đoàn thể có khuyết điểm của đoàn thể, cá nhân có khuyết điểm của cá nhân, thậm chí, các bậc thánh hiền cũng còn có khuyết điểm, bởi trên đời đâu ai có thể làm vừa lòng được tất cả mọi người. Vì thế, các nhà chính trị phương Tây thường thích đem những điểm còn thiết sót của mình ra bàn nói một cách vui vẻ trước mọi người, đó cũng là cách tự nhắc nhở chính mình cần phải sửa đổi những khiếm khuyết bất hảo ấy.
Con người vốn không hoàn mỹ, thì sao tránh được việc có khuyết điểm. Những thói ích kỷ, cố chấp, tham lam, sân hận, si mê, đố kỵ, v.v. đều là khuyết điểm của con người. Có người nói năng thẳng thắn, tự cho mình là đúng; có người đố kỵ, ganh ghét, dễ bị kích động; có người thích biện giải hùng hồn, không chịu nhún nhường, uyển chuyển; có người theo chủ nghĩa lý tưởng một cách thái quá, nên làm bất cứ việc gì cũng vội vàng. Lại có người không hiểu lý lẽ, bóp méo sự thật; có người thiếu quyết đoán, do dự khi xử lý công việc; có người vì sĩ diện, nên không chịu thiệt thòi, thiếu trách nhiệm, và vô tâm không thích giúp đỡ người khác. Với những khuyết điểm như vậy, thì sao có thể để lại trong lòng người một dáng vẻ sáng đẹp?
Có người thụ động, chần chừ, không dám gánh vác việc lớn; có người không đủ bình tĩnh, dễ kích động khi gặp chuyện; có người tính cách cực đoan, cứng đầu, cố chấp; có người cư xử như trẻ con, thiếu sự uy nghi, điềm đạm; có người tính khí thất thường, nóng nảy, cáu gắt, đa nghi. Chẳng ai muốn học những tật xấu ấy cả, như thế thì sao nhận được sự quý mến và khen ngợi từ người khác đây?
Có người không khéo hòa đồng, thân thiện, không biết cách giúp đỡ đồng nghiệp hay khen ngợi cấp trên, cũng không biết dìu dắt, thông cảm cho cấp dưới. Lại có người làm việc kiểu đầu voi đuôi chuột, nhiệt tình được vài ba phút rồi lại so đo tính toán, ưa trách cứ người này, phán xét người kia, song bản thân lại chẳng biết tự kiểm điểm chính mình. Một số người tinh thần bất ổn, thiếu sự nhẫn nại, lại thêm ăn nói không khéo léo, mọi ứng xử đều chậm chạp. Những người như vậy không dễ hòa đồng với người khác, và cũng khó có chỗ đứng trong tổ chức.
Quần áo rách thì phải biết vá lại, bàn ghế hỏng thì cần sửa chữa ngay. Một người không biết sửa chữa những khiếm khuyết của bản thân, không chịu nhìn nhận chỗ sai lầm của mình, thì xem ra khó mà có được sự tôn trọng của người khác. Thậm chí, do có quá nhiều khuyết điểm nên đi đến đâu cũng bị người ta ghét bỏ, cuối cùng, người chịu thiệt vẫn là chính mình.
Tới cửa hàng mua đồ, ai cũng muốn chọn lấy những thứ hoàn hảo nhất, nếu có khuyết điểm hay kém chất lượng, thì đâu có ai muốn mua chứ? Bởi vậy, cách hay nhất là mỗi người nên nuôi dưỡng những thói quen tốt ngay từ khi còn nhỏ, nếu lỡ có khuyết điểm thì cũng nên dũng cảm sửa đổi. Làm người cần phải biết, “trách mình như trách người, khoan dung với người như khoan dung với mình”, đừng che giấu hay bao biện cho khuyết điểm của bản thân, bởi những điều đó là vô nghĩa, tốt nhất chúng ta hãy nên sửa chữa những yếu điểm đó đi. Đồ vật hoàn mỹ không tỳ vết, khách hàng ai mà không thích? Con người cũng vậy, toàn thiện không khuyết điểm, ai mà chẳng mến thương?
Căn bệnh lớn nhất của đời người chính là, không biết những sai lầm của bản thân, hay dù có biết nhưng cũng không chịu hạ quyết tâm sửa đổi. Và rồi, chính những khuyết điểm ấy lại trở thành chướng ngại vật cản trở sự tiến bộ trên đường đời. Do đó, nếu có vấp phải bất cứ một khiếm khuyết gì, mong bạn đừng ngại tự phản tỉnh kiểm điểm bản thân, cũng đừng đòi hỏi nhờ cậy nơi người khác, mà trước tiên hãy thay đổi khuyết điểm của mình đi đã. Bởi, đó chính là yếu tố căn cốt để bạn làm nên một phiên bản đẹp nhất của chính mình, là nền tảng để ta sống một đời thảnh thơi và vững chãi.