Bạn đã từng rơi nước mắt bao giờ chưa? Trước những vui buồn, đau khổ, cảm động, hoặc phiền não, con người thường khó cầm được nước mắt; những giọt nước mắt của đau khổ, của xót thương, của trái tim rung động, hay của mừng vui, hạnh phúc, v.v. Vậy thử hỏi, có ai mà chưa từng rơi lệ ít nhất một lần trong đời này chứ? Chung quy lại, phàm là khi vui buồn, đau khổ, xúc động, hoặc muộn phiền, con người thường rất dễ rơi nước mắt.
Ai trong cuộc đời lại chưa từng rơi lệ? Ở đó, có giọt nước mắt của bậc anh hùng, có giọt sầu của kẻ đang yêu, cũng có hàng lệ của những bậc trung quân hiếu tử. Có rất nhiều nỗi đau khiến người ta phải rơi lệ sầu thương, có những giọt nước mắt tuôn trào trong tiếng thét gào uất nghẹn, có những nỗi đau khóc không thành tiếng mà lệ ướt đẫm mi, lại có những nỗi đau không biết tỏ cùng ai, chỉ biết âm thầm lau khô từng dòng lệ bi ai không tiếng không hình rơi xuống, khi gặp chuyện buồn thương tột cùng.
Vậy, do đâu mà nước mắt lại được sinh ra? Có hai nguyên nhân: một là nước mắt sinh lý tự nhiên có chức năng giữ ẩm con ngươi, hai là nước mắt được sinh ra khi cảm xúc của con người đạt đến cao trào và nó thuộc về phản ứng của tâm lý.
Có người nói rằng, phụ nữ được làm từ nước, ám chỉ người phụ nữ rất dễ rơi nước mắt, như Mạnh Khương Nữ khóc đổ cả Trường thành, nước mắt của Chúc Anh Đài có thể mở được phần mộ của Lương Sơn Bá. Thực ra thì, đàn ông cũng biết rơi lệ. Có người nói, giang sơn của Lưu Bị được gây dựng lên từ nước mắt; Gia Cát Khổng Minh nén bi thương, nhưng cuối cùng không kìm nén được mà phải anh hùng khóc thương anh hùng, gạt lệ hạ lệnh chém Mã Tốc. Trong lịch sử Phật giáo, Đức Phật cũng từng rơi nước mắt. Thuở ấy, một vài kẻ ngoại đạo đã dùng những lời lẽ hủy nhục, phỉ báng nhằm phá hoại Phật giáo, thậm chí họ còn dùng gậy gộc, đao kiếm hòng đả kích Tăng đoàn, nhưng Đức Thế Tôn không hề bị lay động. Cho tới khi những kẻ ngoại đạo ấy nói: “Chúng tôi sẽ đến làm đệ tử của ông, ăn cơm của ông, mặc y phục của ông, nhưng không phụng hành Phật pháp. Ngược lại, chúng tôi sẽ phá giới, dụ dỗ Tăng chúng”, Đức Phật đã rơi lệ bảo rằng: “Vậy Ta cũng không còn cách nào khác nữa”.
Có lần, một toán cướp chặn đường Thiền sư Không Dã (người Nhật Bản) hòng cướp của, lúc ấy Thiền sư bất giác rơi lệ. Thấy thế, đám cướp kia cười lớn bảo: “Đúng là kẻ xuất gia vô dụng, có thế thôi mà đã bị bọn ta dọa sợ đến nỗi khóc nhè rồi”. Thiền sư Không Dã đáp: “Ta không hề sợ các cậu, chỉ là thấy các cậu tạo nghiệp thế này, nghĩ đến tương lai chắc chắn các cậu sẽ phải chịu báo ứng khổ đau vô lượng, nên đã không kìm được mà rơi nước mắt xót thương”.
Từ đó ta có thể thấy, nước mắt, có nước mắt của cảm động, của vui mừng, của từ bi, của bất lực. Giống như trước khi lâm chung, Đại sư Hoằng Nhất có nói một câu: “Bi hận giao tập”, có nghĩa là bi thương và hạnh phúc luôn đi cùng với nhau, đã có thể thâu tóm hết được trăm vị tạp trần của nhân tình thế thái. Than ôi! Đúng là, cuộc đời lẫn cả máu và nước mắt.
Lại có câu thơ:
Lệ sa ngọn nến chưa tàn
Thân tằm đến thác vẫn màn tơ vương.
Nước mắt phải được rơi đúng lúc, cũng như việc, phải đặt tình thương vào đúng chỗ. Không chỉ đàn ông mới khó rơi nước mắt, mà bất kỳ ai sống ở đời cũng đừng nên dễ dàng đổ lệ!