“Diễn xuất” vốn là loại hình biểu diễn của giới nghệ sĩ dành cho khán giả, nhưng ngày nay người ta coi tất cả mọi hình thức biểu diễn hay hành động trước công chúng đều là “diễn xuất”. Trong đó, bao gồm những người thích biểu diễn mong muốn trở nên nổi tiếng, và nhận được sự khen ngợi, chào đón từ quần chúng.
Đương nhiên, trong xã hội đúng là có một số người mong muốn được nổi bật trước công chúng nên thích thể hiện, như tỏ vẻ ngượng ngùng trước mặt người khác, hoặc phô trương tài năng của mình một cách thái quá. Ngoài ra, có những người thích diễn thuyết hay phát biểu trên các phương tiện truyền thông, làm đủ các trò gây cười, thể hiện một số hành động thiếu thực tế, chỉ nói mà không làm, lấy đó làm nền để quảng cáo, lăng xê bản thân. Có thể nói, đây đều là những hành động làm mất đi ý nghĩa và giá trị của hai từ “diễn xuất”.
Trên thực tế, không phải tất cả các trò biểu diễn, thể hiện bản thân đều là xấu. Ví như, có người xây cầu làm đường, tham gia vào các hoạt động từ thiện công ích, hay các công ty quảng cáo để bán hàng, cho đến việc chính phủ mời những nhân vật nổi tiếng với lượng lớn người hâm mộ trở thành đại sứ để tuyên truyền một tư tưởng, quan điểm, hay chính sách nào đó nhằm phát triển đất nước, điều này sẽ có những tác động tích cực đối với xã hội. Tất cả những việc như vậy không thể dùng từ “diễn xuất” để phủ nhận nghĩa cử cao đẹp của họ được.
Trong lịch sử các triều đại Trung Hoa, câu chuyện “nhường ngôi cho người tài” của vua Đường Nghiêu và vua Ngưu Thuấn, hay việc Chu Công “định ra đẳng cấp, quy chế trong nghi lễ và âm nhạc”, Mạnh Tử đi chu du các nước với hy vọng đem tư tưởng lấy nhân nghĩa để trị quốc, không lẽ đây đều là biểu diễn sao? Thuở xưa, các hoàng đế tha tội cho phạm nhân, hay thường gọi là “đại xá thiên hạ”, ra “Chiếu thư tự trách tội mình”, hay khởi xướng chủ trương “vui cùng dân chúng”, v.v. đây lẽ nào đều là những màn kịch? Nếu nói như vậy thì công án của các vị thiền sư như: Ngũ tổ “trong đêm âm thầm đến thăm Huệ Năng” rồi hẹn gặp vào canh ba1, hay việc Thiền sư Triệu Châu “nằm trên giường đón tiếp vua Triệu”, lẽ nào đều cho rằng các Ngài đang diễn xuất hay sao? Bạn đã quá lạm dụng từ này rồi đấy.
1 Một đêm Ngũ tổ Hoằng Nhẫn xuống nhà bếp, đến chỗ thầy Huệ Năng đang giã gạo hỏi: “Gạo trắng chưa?”. Ngài đáp: “Gạo đã trắng, mà chưa có sàng”. Ngũ tổ liền cầm gậy gõ lên tay cối ba cái, rồi đi lên. Canh ba đêm ấy, Ngũ tổ truyền pháp và trao y bát cho Huệ Năng. Từ đó, ngài Huệ Năng trở thành vị tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Hoa. Sau đó, ngài đưa Lục tổ Huệ Năng qua sông trở về phương Nam.
Con người đến với thế giới này, kể từ lúc sinh ra cho đến khi già, bệnh, và chết đi, có thể nói là một đời “biểu diễn”. Trẻ con vì muốn thấy nụ cười của cha mẹ, mà làm nũng; thuở nhỏ, biết nói những điều nghĩa khí, giữ chữ tín; đến tuổi thanh niên lập nghiệp thì nhiệt tình, dũng cảm, biết hy sinh, và bảo vệ chính nghĩa, chẳng lẽ đó là đang diễn xuất sao? Một bé gái lớn lên rồi trở thành thiếu nữ, đôi khi thẹn thùng, xấu hổ, lẽ nào đây đều là diễn kịch ư? Tất nhiên, yêu thích làm đẹp, trang điểm, sửa soạn, và theo đuổi thời trang là đang biểu diễn, nhưng chẳng phải “loại biểu diễn” này, vốn là cuộc sống bình thường của con người hay sao?
Kiến trúc sư thiết kế lên tòa lâu đài, nhà điêu khắc tạc ra một bức tượng, họa sĩ vẽ thành một bức tranh, hay đầu bếp nấu ra một bàn ăn với đủ món cao lương mỹ vị. Họ đều đang phát huy sở trường cá nhân trong lĩnh vực chuyên môn của mình, vậy bạn có cho rằng họ đang phô diễn không? Nếu như không, thì là họ đang làm gì?
Mâu Tông Tam1 có nói rằng: “Người trẻ tuổi hơn nhau ở trí nhớ, người trung niên hơn nhau ở trí tuệ, người già hơn nhau ở tâm hồn”. Đời người vốn dĩ là một sân khấu để biểu diễn cái hay cái đẹp, trên sân khấu của cuộc đời, chúng ta ai cũng đều nên là đạo diễn cho vai diễn của chính mình, đồng thời phát huy tài hoa của bản thân. Còn về sự đặc sắc gây ấn tượng trên sân khấu thế nào, thì lại tùy thuộc vào cấp độ trình diễn của mỗi người đến đâu.
1 Mâu Tông Tam (牟宗三): Học giả người Trung Quốc, quê ở huyện Thê Hà, tỉnh Sơn Đông, tự là Ly Trung. Ông từng dạy triết học tại các trường Đại học: Hoa Tây, Trung Ương, Kim Lăng, Chiết Giang, Đông Hải, và Đại học Trung văn Hương Cảng. Ông không những giỏi về triết học Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo, mà còn có kiến giải độc đáo về triết học Tây phương như Hegel, Kant v.v. Ông có các tác phẩm: Nhận thức tâm chi phê phán, Tài tính dữ huyền lý, Tâm thể dữ tính thể, Phật tính dữ Bát nhã.