Lý Lăng (134 - 74 TCN) thời nhà Hán, trong Đáp Tô Vũ thư có nói rằng: “Nhân chi tương tri, quý tương tri tâm”, nghĩa là bạn bè chơi với nhau quý ở chỗ hiểu nhau. Người ta thường nói: “Quen biết khắp thiên hạ, tri âm được mấy người?” Điều này cho thấy vai trò của “tri tâm” và “tri âm”.
Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) an tâm cho Huệ Khả, do họ hợp nhau trên con đường giác ngộ, hai Ngài trở thành “tri tâm” của nhau. Trên hội Linh Sơn, Đức Phật giơ lên cành hoa sen, Tôn giả Đại Ca Diếp (Maha Kassapa) mỉm cười. Đức Phật nói rằng: “Ta có Chính pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, không lập văn tự, truyền ngoài giáo lý, nay trao lại cho Ma Ha Ca Diếp”. Đức Phật đã truyền lại chính pháp cho Tôn giả Ca Diếp, vì Ngài đã tìm thấy một người đệ tử tâm tâm tương giao.
Vào thời Xuân Thu, một hôm Bá Nha đang say sưa gảy đàn, thì bỗng nghe tiếng tán thán của ai đó: “Vời vợi, chí tại Thái sơn”, Bá Nha lấy làm lạ nghĩ, sao người này lại có thể nghe ra ý trong tiếng đàn của ta nhỉ? Sau đó lập tức thay đổi giai điệu, xa xa lại truyền đến âm thanh: “Mênh mang, chí tại lưu thủy”. Vậy rồi, Bá Nha tìm ra chủ nhân của tiếng nói ấy, người kia chính là Chung Tử Kỳ, hai người nhờ đó quen biết, đàm đạo, và trở thành tri âm. Sau này Chung Tử Kỳ không may qua đời sớm, Bá Nha đau buồn vì mất bạn tâm giao nên đã đập cây đàn bên mộ của Tử Kỳ, cũng từ đó không còn chơi đàn nữa vì biết bên cạnh đã không còn người bạn tri âm thấu hiểu mình nhất.
Cái gọi là “tri âm khó gặp”, đôi khi dù thân thiết như vợ chồng cũng không chắc đã trở thành bạn tâm giao, thậm chí là còn đau khổ tột cùng vì phải sống với nhau theo kiểu bằng mặt nhưng chẳng bằng lòng. Và trên thực tế, số người rơi vào hoàn cảnh đó cũng không phải là ít, từ đó càng cho thấy tầm quan trọng của tình tri kỷ.
Vào những năm đầu của Trung Hoa Dân Quốc, Thái Tùng Pha biết Viên Thế Khải có ý đồ xưng đế nên đã lên kế hoạch khởi binh chống lại họ Viên. Tiểu Phượng Tiên là một cô gái yếu đuối, nhưng đã bất chấp nguy hiểm tính mạng của bản thân để trợ giúp cho Thái Tùng Pha, cuối cùng xây dựng lại được Chính phủ. Ở đây, có thể gọi Thái Tùng Pha và Tiểu Phượng Tiên là tri âm, cùng nhau thực hiện lý tưởng yêu nước.
Thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng đánh đàn trên cổng thành, Tư Mã Ý muốn nghe thực hư từ trong tiếng đàn ấy rốt cuộc có binh lính ở trong thành hay không? Nhưng cuối cùng, ông vẫn bị lừa bởi kế “vườn không nhà trống” của Gia Cát Lượng, lý do đơn giản vì, Tư Mã Ý không phải là “tri âm” của Khổng gia.
Tả Tông Đường (1812 - 1885) là trọng thần của nhà Thanh, bởi vì béo phì nên bụng rất to, ông thường vỗ bụng hỏi mọi người rằng: “Các ngươi có biết trong bụng ta chứa gì không?”. Có người nói: “Mười vạn binh giáp”. Người khác trả lời: “Đầy bụng kiến thức”. Tả Tông Đường đều lắc đầu bác bỏ, chỉ có một thị vệ nhỏ lên tiếng trả lời: “Trong bụng của tướng quân chứa cỏ ngựa”. Tả Tông Đường vui mừng, cho rằng đã gặp được tri âm, lập tức phong chức cho vị thị vệ đó.
Tô Đông Pha (1037 - 1101) ở thời Tống cũng có câu chuyện tương tự như vậy, ông thường nới rộng xiêm y, để lộ bụng rồi hỏi những người vợ rằng: “Trong bụng của ta chứa gì?”. Một người vợ nói: “Toàn kinh thế văn chương”. Bà khác bảo: “Là thơ từ ca phú”. Người bên cạnh xen vào: “Phải chăng là tấm lòng trung quân báo quốc”. Duy chỉ có cô vợ Triêu Vân trả lời: “Trong bụng phu quân chứa những thứ không hợp thời đại”. Tô Đông Pha đắc ý vỗ tay cười lớn, vì thấy vô cùng chuẩn xác, từ đó coi Triêu Vân chính là tri kỷ.
Giữa người với người, để trở thành “tri âm tri kỷ”, nhất định phải vượt qua được nhiều ngưỡng cửa thử thách, không những phải thấu hiểu nhau, trân trọng nhau, mà còn phải sống chết không bỏ, khổ nạn chẳng rời. Giống như từ xưa có biết bao cô gái bán tài nghệ ở thanh lâu, khi đã ái mộ thư sinh nghèo hiếu học thì liền hết lòng hỗ trợ tài chính cho chàng ăn học, điều này chứng minh cho câu nói “Tuệ nhãn tỏ anh hùng”. Cuối cùng, chàng thư sinh cũng đăng danh bảng vàng, và hai người trở thành “tri kỷ” của nhau. Cho nên tục ngữ có câu: “Tri âm dễ kiếm, tri kỷ khó tìm. Tri âm hiểu tiếng, tri kỷ hiểu lòng”, chính là ý này vậy.