Trong âm nhạc, bất kể là các dòng nhạc phương Tây như: jazz, rock, cổ điển, hay dòng nhạc dân tộc của Trung Quốc như dân ca, đồng dao, cho đến nhạc của các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, v.v. mỗi khu vực, mỗi dân tộc, đều có giai điệu âm nhạc mang bản sắc riêng. Mặc dù mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có làn điệu hay phong cách âm nhạc khác nhau, nhưng có một nguyên tắc chung bất biến, đó là không thể “biến điệu”, vì nếu thay đổi âm điệu thì bài hát đó sẽ không còn mang màu sắc, đặc trưng của mỗi cá nhân, dân tộc đó nữa.
Cuộc sống này của chúng ta, muôn sự vạn vật luôn không ngừng biến đổi. Đôi trai gái nói chuyện yêu đương, bàn chuyện cưới gả, thậm chí là kết hôn rồi, nhưng đột ngột xảy ra sự cố khi về sống chung, người ta gọi đó là “hôn biến”. Trong chiến tranh, quân sĩ không giữ tròn tiết khí, thay đổi lập trường, đây gọi là “biến tiết”. Trong vận động tranh cử, tưởng chừng như đảng đó đã nắm chắc phần thắng trong tay, nhưng lòng dân bất ngờ thay đổi chỉ qua một đêm, vậy rồi đảng khác đắc cử, sự “biến thiên” ấy đâu thể không khiến cho người thất bại sững sờ, than thở.
Kết giao bạn bè, đối phương thay lòng đổi dạ; mắc một căn bệnh nhẹ, lẽ ra không đáng phải quan tâm, nhưng bất ngờ biến chứng trở nên nghiêm trọng; trên thương trường, đối tác kinh doanh bỗng nhiên hủy hợp đồng, v.v. Có thể nói, xã hội ngày nay thật giống như 72 phép biến hóa của Tôn Ngộ Không, thay qua đổi lại đến hoa mắt chóng mặt. Cho nên, chúng ta chỉ còn cách tự tập cho mình khả năng ứng biến trước mọi hoàn cảnh bên ngoài. Giả như thiếu đi khả năng này, hẳn bạn chỉ còn biết than thân oán phận, trách bản thân không hợp với thời đại.
Thay đổi chưa hẳn là không tốt, có câu nói “cùng tắc biến, biến tắc thông”, nghĩa là đến đường cùng thì sẽ có biến đổi, mà sau sự biến đổi ấy chắc chắn sẽ tìm được con đường mới. Hay như ông bà ta thường nói: “Cái khó ló cái khôn”. Đôi khi, làm người cũng không nên chỉ bó hẹp trong một phương án, mà cần phải hoạch định phương án thứ hai, thứ ba, thậm chí là thứ tư. Phàm xử lý mọi chuyện đều phải có sự linh động, vậy thì mới có thể giải quyết mọi chuyện một cách chu toàn, ổn thỏa.
Người chơi bóng chày phải biết uyển chuyển ném hay giữ quả bóng, những nhà chính trị phải biết đổi mới và cải cách chính sách quản lý đất nước. Con người cần thay đổi tính khí, quản lý công việc cần phải tùy cơ ứng biến, cố chấp với những điều đã có trước đây chưa hẳn là xấu, thay đổi liên tục cũng không hẳn là tốt, vấn đề phụ thuộc vào cách bạn thay đổi nó như thế nào.
Con người muốn tiến bộ, thì cần có khả năng hiểu rõ về sự thay đổi, biết khéo léo thay đổi cũng như thích ứng với hiện thực thay đổi đó, và quan trọng là thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, chứ không phải đi xuống. Vì vậy, mọi thứ trên đời đều có thể thay đổi, ngoại trừ đạo đức, lòng nhân ái, tự do, dân chủ, an lạc và hạnh phúc, là những điều nhất định không được thay đổi.
Thực ra, thế gian vô thường, tất cả mọi sự mọi vật đều đang biến đổi, biển xanh biến nương dâu, nương dâu hóa biển xanh, không chỉ có địa lý và khí hậu đang dần thay đổi, mà lòng người cũng đang đổi thay, nhân tâm thường biến hóa. Trên thế gian, chỉ có một điều “không biến đổi”, đó là đạo lý thường hằng về “sự thay đổi”. Đổi thay như thế nào? Trở nên tốt hơn hay xấu đi? Tất cả đều phụ thuộc vào việc dụng tâm của mỗi người.