Ở những nơi thời tiết khắc nghiệt, lạnh giá của Trung Quốc, mỗi khi mùa đông đến, mọi người từ già trẻ lớn bé đi ra đường nếu không co tay vào trong áo bông hoặc đút tay vào túi áo, thì đều sẽ phải đeo găng tay.
Vốn dĩ, găng tay là vật dùng để chống rét, nhưng bây giờ nó lại có nhiều công dụng mới như: bác sĩ đeo găng tay khi phẫu thuật để phòng lây nhiễm khuẩn, đầu bếp đeo găng tay khi chế biến thức ăn để đảm bảo vệ sinh, nhân viên ngành ngoại giao cũng thích đeo găng tay để thể hiện sự văn minh, lịch sự; hay người nhạc trưởng đeo găng tay trắng khi chỉ huy dàn nhạc, không chỉ để thu hút ánh nhìn của người xem mà còn thể hiện quyền uy của họ; rồi cô dâu, chú rể khi cử hành hôn lễ đeo găng tay để biểu thị thời khắc thiêng liêng, cao quý.
Chúng ta có thể phân chia các loại găng tay thông qua chất liệu của nó như: găng tay vải, găng tay sợi, găng tay lụa, găng tay da, găng tay cao su, v.v. Ngoài ra còn có: găng tay chống bụi chuyên dụng cho công nhân lắp ráp máy móc cần độ chính xác cao, người làm trong ngành dầu khí phải đeo găng tay chống dầu, nhân viên công ty điện lực phải đeo găng tay chống tĩnh điện, người bơi lặn phải đeo găng tay lặn, những người leo núi thì phải có găng tay leo núi, phi công phải đeo găng tay chuyên dụng của ngành hàng không; cho đến các cầu thủ ném bóng, cầu thủ bắt bóng chày, thủ môn bóng đá, cũng đều phải đeo găng tay.
Có thể thấy, găng tay xuất hiện ngày càng phổ biến trong cuộc sống của chúng ta ngày nay, bất kể là thời tiết lạnh giá hay nóng nực, tại nơi công sở hay sân thể thao. Thậm chí, một thanh niên 17 tuổi người Mỹ đã phát minh ra “găng tay phiên dịch cho người câm”, thiết bị điện tử được lắp trong găng tay có thể truyền đạt động tác tay, ý niệm của người câm điếc ra chữ viết cho mọi người cùng biết.
Về cơ bản, dù găng tay có được dùng để làm đẹp, chống rét, chống bụi, cách điện, v.v. thì chúng đều có tác dụng như một vật che chắn để bảo vệ con người trước những tác động từ hoàn cảnh môi trường bên ngoài. Vậy nên trong xã hội hiện nay, xuất hiện hai thuật ngữ là “găng tay trắng” và “găng tay đen”. Găng tay trắng tượng trưng cho chính nghĩa, công khai minh bạch, thiêng liêng, hợp pháp. Có điều, tuy “găng tay trắng” đại diện cho những việc hợp pháp, nhưng có kẻ lại sử dụng vỏ bọc “găng tay trắng” để che đậy những hành vi phi pháp như việc rửa tiền chẳng hạn. Có găng tay trắng rồi thì chắc chắn sẽ có găng tay đen. Ngược với găng tay trắng, găng tay đen lại biểu thị việc làm thiếu quang minh chính đại, âm mưu ác độc, lén lút hãm hại người, không muốn để cho bất cứ ai biết.
Ban đầu, các loại đồ dùng được sản xuất ra nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho con người. Tuy nhiên, theo thời gian, nó dần dần bị những người bất thiện có âm mưu làm những chuyện gây tổn hại đến người khác hòng kiếm lợi cho bản thân. Ví dụ như, bọn trộm cướp, tội phạm giết người, v.v. khi gây án đều sẽ đeo găng tay để không lưu lại dấu vân tay ở hiện trường.
Xưa nay, người làm việc thiện chỉ mong những việc làm tốt đẹp của mình sẽ được mọi người biết đến và đón nhận; trái lại, những kẻ khuất tất bất thiện lại thường nơm nớp lo sợ việc làm của mình bị vạch trần. Thực ra, muốn người khác không biết, trừ phi mình đừng làm, kẻ thất đức bất lương thì nhất định “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”. Cho nên, nếu chúng ta làm việc một cách thẳng thắn, vô tư hành sự, đối nhân xử thế luôn quang minh lỗi lạc, đường đường chính chính xây dựng sự nghiệp tự thân, vậy thử hỏi trong thiên hạ này đâu có gì phải sợ người đời phán xét chứ?