Có gieo mầm mới có thu hoạch, vốn luôn là quy luật bất biến xưa nay. Trong xã hội này, có người thích thu hoạch, lại có người thích gieo mầm. Tuy nhiên, người chịu làm “người đời trước trồng cây” thì hiếm, mà phần nhiều là thích làm “người đời sau hóng mát”.
Thông thường, những người biết nghĩ vì cộng đồng, có tinh thần hy sinh và cống hiến vì lợi ích chung đều sẽ nguyện làm người gieo hạt giống. Người gieo mầm chưa hẳn đã hy vọng bản thân mình có thể nhận lại được gì, mà họ gửi gắm niềm hy vọng vào thế hệ con cháu trăm năm sau sẽ thu hoạch được quả ngọt. Ví dụ như những người ủng hộ và tham gia vào các chiến dịch bảo vệ môi trường, đi từ xuất phát điểm là tình yêu đối với trái đất, quan tâm đến thế hệ sau chứ không hẳn vì vụ lợi cho bản thân.
Muốn gieo hạt giống, đầu tiên chúng ta phải có ruộng, và trong quan điểm nhà Phật có tám mảnh ruộng phúc là ruộng bi, ruộng kính, ruộng ân, v.v. Có loại hạt ta gieo vào mùa xuân rồi thu hoạch vào mùa thu; có loại hạt gieo năm nay, năm sau mới thu hoạch được; lại có những loại hạt ta gieo năm nay nhưng phải đến nhiều năm sau mới ra hoa kết trái. Yếu tố quan trọng nhất trong việc gieo trồng là chất lượng của hạt giống, vậy nên sau mỗi một vụ thu hoạch, người nông dân sẽ giữ lại những hạt giống tốt nhất, ngay cả khi mất mùa, hay thiếu lương thực, thì họ cũng không dám ăn chỗ hạt giống dùng cho vụ mùa sau.
Xã hội ngày nay rất coi trọng việc cải tạo chất lượng nông sản, việc nghiên cứu, cải tạo, và chọn giống cây trồng, vật nuôi, đều do các chuyên gia trong ngành thực hiện. Vì thế, giống vật nuôi, cây trồng phải trải qua quá trình chọn lựa rất nghiêm ngặt thì mới đến được tay người nông dân. Ngoài ra, những nhân tố khác như thời tiết, nước, đất trồng, v.v. cũng góp phần thiết yếu trong trồng trọt. Nhiều khi, cùng một giống cây, trồng ở những nơi khác nhau thì lại cho ra những loại quả khác nhau, ví dụ như giống quýt Hoài Nam mà đem trồng ở Hoài Bắc thì nó lại trở thành cam.
Con người cũng như hạt giống vậy, có người là hạt giống tốt, có người lại là hạt giống xấu. Những con cháu là “hạt giống tốt” trong gia đình, tất nhiên sẽ được cha mẹ thương yêu, thầy cô khen ngợi, quốc gia trọng dụng; còn con cháu là “hạt giống xấu”, thì không những sẽ trở thành nỗi phiền lòng của cha mẹ, mà còn trở thành gánh nặng cho xã hội. Thế nên, chúng ta hãy tự nhìn nhận lại bản thân xem mình là hạt giống tốt hay là hạt giống xấu?
Xét từ góc độ nhân duyên quả báo thì hạt giống vốn là “nhân”, và tuy là yếu tố chủ đạo, nhưng nó vẫn cần sự trợ lực góp sức của ngoại duyên thì mới có thể kết được quả lành. Bởi vậy, hạt giống tốt nếu không nhận được hỗ trợ của những nhân duyên tốt thì khó mà phát triển thuận lợi được; còn với hạt giống xấu, giả sử nhận được sự trợ lực của nhân duyên tốt thì chắc chắn có thể phát triển tốt hơn mức mong đợi. Như trong nhân gian có câu: “trúc xấu sinh măng đẹp”, tuy đây chưa hẳn đã là chân lý tuyệt đối, nhưng “nhân duyên” thực sự đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với “quả báo”.
Hiện nay, các nước trên thế giới đều đang kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, vì sợ người dân ngoại quốc đem những giống cây trồng kém chất lượng vào nước mình. Ví như, hải quan nước Mỹ cấm người quá cảnh mang hạt giống của bất cứ nước nào vào lãnh thổ nước mình. Nhưng từ hơn 2000 năm trước, khi Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc, chư vị cao tăng người Tây Vực đã mang theo nhiều loại hạt giống cây như: bí, hạt óc chó, hồ tiêu, vừng, cà rốt, v.v. đến Trung Quốc. Phải nói rằng, các Ngài đã có công rất lớn trong việc góp phần làm phong phú thêm các chủng loại nông sản ở Trung Quốc.
Nhiều năm qua, nhóm kỹ sư nông nghiệp của Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác đã cung cấp các kỹ thuật cải tiến nông nghiệp cho nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt là ở các nước châu Phi, họ hướng dẫn người dân địa phương kỹ thuật trồng và gieo hạt, nhằm hỗ trợ cho nền nông nghiệp tại những nơi ấy có cơ hội phát triển hơn. Những người kỹ sư bên cạnh việc đưa kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến đến với mọi người, thì đồng thời đã gieo hạt giống tình yêu của con người đến khắp mọi nơi trên thế giới.
Bên cạnh việc gieo trồng nông sản, thì từng giây, từng phút sống trên cuộc đời này, con người chúng ta cũng đều đang sở hữu hạt giống và gieo trồng chúng, có gieo nhân mới gặt được quả. Cũng như tư tưởng và kiến giải của mỗi cá nhân đều có thể trở thành hạt giống. Cho nên, người Phật tử chúng ta đã trồng xuống hạt giống của từ bi, trí tuệ, của hoan hỷ, bao dung đến cuộc đời, gieo vào lòng người, thì hãy nên biết trân trọng. Bởi nhất định tương lai những hạt giống thiện lành ấy, sẽ tỏa bóng đơm hoa, vun đắp cho cuộc sống này ngày một tươi sáng, thuần lương.