Trong giới chính trị, ứng cử viên tranh cử vào các vị trí công chức Nhà nước thà bị thua số phiếu bầu, chứ không chịu thua về phong độ. Trong một ván bài, người chơi thà chịu mất tiền, chứ không để mất tư cách. Trên sân thi đấu, các vận động viên thà chịu thua thứ hạng, chứ không để mất đi phong thái. Bạn thấy đấy, một cầu thủ bóng rổ vi phạm luật chơi và bị trọng tài thổi còi thì phải giơ tay nhận lỗi, sau trận đấu dù đội mình có thua thì vẫn phải bắt tay chào đối phương để thể hiện phong thái của mình.
Một người có cử chỉ cao đẹp, không so đo tính toán với người khác thì chúng ta thường khen họ có phong độ. Chính trị gia có phong độ của chính trị gia, vận động viên có phong độ của vận động viên, nhà trí thức cũng có phong độ của nhà trí thức. Chuyện kể rằng, có một vị giáo sư nọ đưa con trai mình đi chợ mua trái cây, trong lúc đang chăm chú chọn lựa, người chủ quầy không kiên nhẫn đợi được nữa, liền hỏi giáo sư: “Rốt cuộc là ông có muốn mua hay không?”. Giáo sư vội vàng nói: “Muốn, muốn”. Nói xong lại tiếp tục lựa quả. Một lát sau, người chủ tiệm không kiềm được cơn giận mà gắt lên rằng: “Đừng chọn nữa, không mua thì thôi”. Vị giáo sư vẫn nhã nhặn trả lời: “Mua, đương nhiên là tôi muốn mua mà”. Sau khi chọn trái cây và thanh toán tiền xong, trên đường về nhà, cậu con trai nhỏ tỏ ra không vui, giáo sư liền hỏi: “Trong lòng con có gì không vui à?”. Cậu con trai không nhịn được nói: “Hôm nay con cảm thấy thật xấu hổ thay cho cha, đường đường là một giáo sư, thế mà lại bị một bà bán hàng quát mắng”. Vị giáo sư liền an ủi con trai: “Con đừng giận nữa, cha làm thế bởi vì cha là một giáo sư, là người có ăn học”. Phong thái điềm tĩnh của vị giáo sư này, người bình thường có thể làm được sao?
“Phong độ” vốn là một thuật ngữ dùng để đánh giá con người ở các triều đại Ngụy, Tấn, và Nam Bắc triều, sau phát triển thành từ để nhận xét về biểu hiện tinh thần và phẩm chất riêng của con người. Phong độ là một loại tu dưỡng, hầu hết những người học rộng biết nhiều đều có phong thái ứng xử hòa nhã, khiêm cung, khiến mọi người kính trọng.
Tạ Trường Đình tiên sinh có câu nói rất hay: “Dân chủ có “ba độ”, không những cần có chế độ, khí độ, mà quan trọng hơn nữa là phải có phong độ”. Hay như người Anh, luôn được thế giới đánh giá là có đầy đủ phong thái thân sĩ nhất. Hoặc như Phật tử, cũng thường được khen là có đủ uy nghi của người đệ tử Phật. Nhạc Nhị trong Báo yến huệ vương thư có nói: “Bậc quân tử xưa nay, khi giao tiếp tuyệt đối không nói lời ác, trung thần thuở trước cũng vậy, luôn giữ mình trong sạch”, đây chính là biểu hiện phong độ làm người của các vị ấy. Đại sư Huyền Trang được miêu tả trong tác phẩm Từ Ân truyện, là người “nói không với danh lợi phù hoa, việc làm luôn ngay thẳng, đoan chính”. Đây chính là biểu hiện phong độ của các bậc chân tu như Ngài.
Thời Chiến Quốc, lão tướng Liêm Pha “chịu đòn nhận tội”, hiển nhiên đã thể hiện được phong độ của một đại tướng quân; tể tướng trẻ tuổi Lận Tương Như không để bụng những hiềm khích trước đây, cũng là biểu hiện phong độ của một vị tể tướng. Khi có người đến nhà Thạch Mạn Khanh (thời Tống) tranh luận, nói rằng con trâu hiện có trong nhà ông chính là của nhà mình bị mất. Thạch Mạn Khanh nói: “Nếu như là trâu nhà ông lạc mất thì ông dắt về đi”. Sau đó, người này phát hiện bị nhầm đem trâu trả lại, đồng thời nhiều lần xin lỗi, Thạch Mạn Khanh nói: “Con người khó tránh có lúc hiểu lầm, quá khứ hãy bỏ đi, xin đừng để bụng”. Phong thái khoan dung độ lượng của Thạch Mạn Khanh, thực không làm mất tư cách học sĩ của ông.
Sĩ, nông, công, thương, có phong độ của sĩ, nông, công, thương. Mỗi ngành nghề đều có phong độ riêng, nam nữ già trẻ cũng vậy, đều có phong thái phù hợp vị trí của mình. Ví như khi trên bàn cờ, cái gọi là “quân tử xem cờ không nói chuyện, trượng phu đi cờ không hối tiếc”, đây chính là biểu hiện phong độ cần có của người xem cờ và người đánh cờ.
Làm người cần phải có phong độ, mới khiến cho người khác nể phục, ngợi khen. Thời Tam Quốc có danh tướng Chu Du ở nước Đông Ngô, ông này tuy thề không đội trời chung với quân đuổi theo, trên đường gặp phải quân phục kích, đại bại trở về. Qua đó cho thấy, chỉ vì Chu Du đã thiếu đi phong độ nên bị người đời sau cười chê. Vì vậy, con người bất kể giàu sang hay nghèo khó, phú quý hay bần tiện, lớn hay nhỏ, khôn hay dại, thì thắng thua chỉ là chuyện thường tình, nhưng dù thế nào chăng nữa, thì nhất định đừng để mất thứ gọi là cốt cách phong thái!