Người xưa có câu: “Nghe tới tai họa, mặt liền xanh”. Thế kỷ XXI mà chúng ta đang sống, là thế kỷ của khoa học tiên tiến vượt bậc, nhưng đồng thời cũng xảy ra nhiều tai họa khiến nhân loại nghe mà “thất sắc”.
Mỗi năm đều xuất hiện các thiên tai như: bão lụt, động đất, sóng thần, hạn hán, lũ quét, bão cát, lốc xoáy, cháy rừng, bức xạ nhiệt, núi lửa. Thêm vào đó là rất nhiều những tai họa do con người gây ra như: chiến tranh, cướp bóc, bắt cóc, tai nạn giao thông, giết người, v.v. Bên cạnh đó, tai họa còn xuất phát từ những cơn lốc kinh tế gây mất cân đối giữa cung và cầu, thiếu hàng hóa trên thị trường, thiếu lương thực, v.v. Có thể nói, những tai họa này hiện hữu thường trực trong đời sống của chúng ta.
Đi liền với các tai họa đến từ bên ngoài, thì trong nội tâm chúng ta cũng có không ít những mối “tai họa” tiềm ẩn như lòng sân hận, tính đố kỵ, dục vọng, ích kỷ, dối trá, giả tạo, v.v. Có thể nói, cuộc đời đâu đâu cũng là tai họa, giờ nào cũng có tai họa, nơi tiếp xúc của thân và tâm mỗi người dường như luôn tiềm ẩn những nguy cơ, chỉ cần không cẩn thận chạm phải chốt an toàn thì sẽ tự chuốc họa vào thân.
Nếu chúng ta chỉ ngăn chặn, giải quyết, loại bỏ tai họa bằng chính trị, kinh tế, khoa học thôi là chưa đủ. Một khi tai họa ập đến, thì đó đã là “kết quả” không thể cứu vãn, và nếu chúng ta chỉ giải quyết cái phần “kết” ấy thì thực sự quá muộn. Chúng ta nên tập trung vào phần “nguyên nhân” xảy ra tai họa, giải quyết và ngăn chặn nó từ nơi “gốc rễ”. “Nhân” là phần cốt lõi, bạn nghĩ xem, nếu nguyên nhân căn bản không còn tồn tại nữa, thì làm sao có “quả” xấu về sau?
Ví dụ như ngôi nhà bị sập, đương nhiên là bởi nền móng của nó không được vững chắc, hoặc nguyên vật liệu xây dựng đã bị cắt xén. Nếu bạn có thể phòng tránh từ “nhân”, thì sao căn nhà bị sập được? Nếu bạn thường xuyên đi bảo dưỡng xe, rèn luyện kỹ năng lái xe, cũng như tuân thủ các luật lệ giao thông, thì liệu bạn có dễ bị tai nạn hay không? Những vụ đâm chém dã man xảy ra trong xã hội đều vì mối thù hằn, mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày tích tụ lại mà kết thành. Nếu ta không bao giờ gây thù chuốc oán với bất cứ ai, thì sao ta có thể bị dao, súng làm tổn thương được?
Nguồn gốc của tai họa trên thế giới liên quan đến thực trạng thế giới nội tâm của con người, cho nên ta cần thay tâm đổi tính, cần tu sửa ngay tại nơi những nguyên nhân kết tụ lên nghiệp bất thiện, đồng thời biết tích lũy công đức, rộng kết duyên lành, khai thông trí tuệ, hiểu biết lý lẽ, tiêu trừ tội lỗi. Nếu bản thân không nỗ lực để thực tập tu sửa một cách trọn vẹn, thì rất khó để có thể tiêu trừ tai họa sẽ xảy ra với chúng ta.
Thực ra, tai họa cũng không đáng sợ lắm. Sống trong thế giới Sa bà luôn biến đổi không ngừng này, thì sao mà không gặp tai họa được? Nếu thực sự tai họa có xảy ra, thì ngoài cách ngăn chặn, tránh xa nó, đôi khi ta cũng nên thản nhiên, dùng tâm bao dung, hoan hỷ, kiên cường, bất khuất, không chùn bước, để đối diện trước mọi tai họa. Xem cái chết đơn giản như một sự trở về, đồng thời nhận biết rõ ràng quan niệm “hạnh phúc là cuộc sống, tai họa cũng là cuộc sống”. Bạn không cần sợ, có lẽ tai họa sẽ bị chính sự ung dung, bình thản của bạn đuổi đi đấy.
Bạn hiểu đến đâu về tai họa? Nếu chúng ta có thể dùng cái tâm “bất biến” để đối phó trước mọi biến thiên đổi dời, coi cái chết và sự sống như nhau, và đối xử với nó bằng cái tâm an nhiên, bình đẳng, thì đâu cần phải quan tâm đến tai họa là gì nữa?