Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học, thì việc nhắm mắt làm liều hay chùn chân bó gối, đã không thể thích ứng được với tốc độ thay đổi chóng mặt của thế giới. Cho nên, chỉ khi dũng cảm mở cửa bước ra ngoài mới có thể giao lưu với các nước, tiếp thu kiến thức của toàn cầu. Trong tác phẩm Thanh bình nhạc, Nguyên Hiếu Vấn có nói: “Con ếch nơi đáy giếng không biết biển rộng sóng to, con trùng trong lọ dấm không biết trời cao ngày dài, ở trên đỉnh núi mơ màng nhìn xuống sẽ thấy vạn vật trong thế gian thật nhỏ nhoi”. Vì thế, chỉ khi bước ra ngoài bạn mới phát hiện ra sự nhỏ bé, tầm thường của bản thân.
Mỗi một quốc gia, phải mở cửa để thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng. Thương nhân phải mở rộng hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, thì mới có thể xúc tiến thương mại. Hàng hóa phải đưa ra phổ biến ngoài thị trường, thì mới tìm được đầu ra để tiêu thụ sản phẩm. Sinh viên nên đi du học, để mở mang kiến thức. Nông dân phải ra ngoài học hỏi, thì mới có thể cải tiến chất lượng canh tác và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Thậm chí, người xuất gia cũng phải: “Bát cơm khắp ngàn nhà, thân chơi muôn dặm xa”, có cất bước ra đi như vậy thì mới có thể gieo duyên lành với chúng sinh. Đồng thời, thông qua đó truyền pháp và trở thành bậc thầy tâm linh cho thế nhân nương tựa.
Christopher Columbus1 đã thực hiện chuyến hành trình đầy kỳ tích vượt Đại Tây Dương đầu tiên của nhân loại, ông nói: “Sự khác biệt giữa bạn và tôi là bạn không dám, còn tôi dám!”. Có thể ra ngoài sẽ gặp sóng to gió lớn, tai nạn hiểm nguy, nhưng con tằm phải chui ra khỏi kén thì mới có thể biến mình thành chú bướm xinh đẹp, con người đôi khi cần phải gặp chút gian nan thì mới trở nên mạnh mẽ, kiên cường. Tục ngữ có câu: “Thương cho roi cho vọt”, đôi khi bạn nên để đứa con yêu quý của mình rời xa vòng tay bao bọc bấy lâu, hãy để chúng có cơ hội tung cánh ra ngoài trải nghiệm những khó khăn, vất vả của hiện thực cuộc sống, có như thế mới giúp con bạn thật sự trưởng thành.
1 Cristoforo Colombo: Một nhà hàng hải nổi tiếng người Ý, và là một đô đốc của các vị quân chủ Công giáo Tây Ban Nha. Những chuyến vượt Đại Tây Dương của ông đã mở ra những cuộc thám hiểm châu Mỹ cũng như quá trình thực dân hóa của châu Âu.
Có nhiều nguyên nhân khiến người ta bước ra thế giới bên ngoài, có người vì muốn phiêu lưu mạo hiểm, có người cần khám phá một điều gì đó. Thời trung cổ, các vị Đại sư Phật giáo Trung Hoa sang Ấn Độ cầu pháp, nhờ bước chân lên đường mà các Ngài đã thỉnh được Tam tạng kinh điển Phật giáo về làm giàu nguồn trí tuệ cho quê hương. Trương Khiên1 nhờ đi sứ ở Tây Vực, mới khai mở Con đường tơ lụa nổi tiếng. Trịnh Hòa2 thời nhà Minh, bảy lần đi sang các nước phương Tây để truyền bá văn hóa Trung Hoa. Ngay cả Khổng Tử cũng ra ngoài để phổ biến tấm lòng nhân nghĩa, cho đến Đức Phật cũng vì sự nghiệp hoằng dương Phật pháp mà bước chân trần dạo bước khắp cả năm miền Ấn Độ3.
1 Trương Khiên: Tự Tử Văn, người Thành Cố, Hán Trung, là một nhà lữ hành, nhà ngoại giao, nhà thám hiểm kiệt xuất đời Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc, có đóng góp to lớn trong việc mở ra con đường tơ lụa, kết nối giao thông nhà Hán với các nước Tây Vực.
2 Trịnh Hòa: Tên khai sinh là Mã Tam Bảo (1371 - 1433), là nhà hàng hải và nhà thám hiểm người Trung Quốc nổi tiếng nhất. Ông chính là người đã chỉ huy các chuyến thám hiểm được gọi chung là các chuyến đi của “Tam Bảo Thái giám hạ Tây Dương”, hay “Trịnh Hòa đến đại dương phía Tây” từ năm 1405 đến năm 1433.
3 Năm vùng của Ấn Độ cổ đại bao gồm: Đông Ấn, Tây Ấn, Nam Ấn, Bắc Ấn, và Trung Ấn.
Bước ra thế giới ngoài kia, mới có thể toàn cầu hóa, quốc tế hóa. Ví như, vào thời nhà Hán và nhà Đường, nhờ chính sách mở rộng ngoại giao nên đã tạo ra một thời kỳ hưng thịnh trong lịch sử. Nhưng đến những năm cuối đời nhà Thanh, chỉ vì sự kiêu ngạo, tự cao tự đại của Từ Hy Thái hậu và một số triều thần, bảo thủ thực thi chính sách bế quan tỏa cảng, không giao tiếp với các nước lân bang, đẩy người dân Trung Quốc vào chốn bi thương khi bị các cường quốc bắt nạt.
Ngày nay, nhiều người trong xã hội vì tình cảm không như ý, cùng những áp lực từ việc học tập, sự vây hãm bởi bức tường đau buồn và sợ hãi đến độ không còn lối thoát, đã chọn cách tự tử để kết thúc cuộc đời mình. Bởi lẽ đó, khi và chỉ khi, bạn dũng cảm bước ra bên ngoài, thì mới có thể đập tan được giới hạn của bản thân, mới mở ra muôn vàn tia hy vọng, mới có thể nhìn thấy ánh mặt trời. Việc ra ngoài giống như mở cánh cửa trái tim vậy, có thể giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn và hấp thụ những cảnh quan tươi đẹp vô hạn vô biên.
Các công ty cần đột phá sáng tạo, cải tiến, và mở rộng quy mô, thì mới có thể nâng cao khả năng cạnh tranh; sản phẩm phải đảm bảo chất lượng và đưa ra thị trường trong và ngoài nước để xây dựng thương hiệu thế giới. Tuyển thủ quốc gia phải khai thác những tài năng xuất chúng góp mặt trong các thế vận hội toàn cầu để có thể thử sức và khai phá nguồn nội lực tiềm tàng nơi mình. Sinh viên phải có trình độ ngoại ngữ, kiến thức phong phú để tham gia giao lưu các cuộc thi, có như thế mới có thể cùng với đông đảo đội ngũ trí thức học giả khích lệ và nâng cao tinh thần học phong đi xa và lên cao hơn.
Cất bước lên đường, cũng đồng nghĩa với việc bạn đã có đủ năng lực cạnh tranh với thế giới bên ngoài. Tuân Tử nói: “Học bất khả dĩ dĩ”, để nói rằng, học là việc không thể dừng lại. Con người không thể tự mãn với hoàn cảnh hiện tại, vì khi ra ngoài chúng ta có cơ hội nhìn lại và dần phát hiện ra những khiếm khuyết của mình, qua đó mới tự rèn giũa học hỏi thêm từ người khác để nâng cao và hoàn thiện bản thân. Tự tin bước ra ngoài, bạn mới có thể học cách hòa nhập với cuộc sống muôn màu, cũng như làm nên một phiên bản đẹp nhất của chính mình để mọi người có thể dễ dàng đón nhận, tôn trọng, và trân quý.