Mỗi người chúng ta đều nên cố gắng lưu lại cho hậu thế một vài tác phẩm kiệt xuất, có vậy mới không phụ đi những năm tháng hiện hữu trên cõi đời này.
Tác phẩm của nhà văn là những áng văn chương bất hủ, tản văn sâu sắc, thơ ca lắng đọng lòng người; tác phẩm của họa sĩ là những bức tranh sơn thủy, nhân sinh thế thái, cảnh vật muôn màu; tác phẩm của nghệ nhân điêu khắc là những bức tượng tinh xảo, được thổi hồn qua từng đường nét; tác phẩm của người lính, là những trận chiến anh dũng kiên cường; tác phẩm của các nhà chính trị, là những quan điểm và đường lối đã được hiện thực hóa; cho tới các doanh nghiệp coi nhà xưởng và sản phẩm mà họ kinh doanh làm tác phẩm; các nhà khoa học dùng những phát minh, sáng tạo cống hiến cho giới học thuật làm tác phẩm; tác phẩm của kỹ sư, kiến trúc sư là những công trình xây dựng, cầu cống, đường sá; tác phẩm của người nông dân là mùa màng bội thu; tác phẩm của nghệ nhân làm vườn là những chậu bonsai, cây cảnh muôn hình đặc sắc; cha mẹ lấy việc con cái thành đạt, hiếu thảo làm tác phẩm; tác phẩm của thầy cô giáo là những học trò xuất sắc, có đạo đức. Trong cuộc đời mỗi người, ai ai cũng nên có cho mình các tác phẩm khác nhau trong từng giai đoạn, thời thơ ấu có tác phẩm của tuổi thơ, khi là thiếu niên cũng nên có tác phẩm của thời niên thiếu. Như vậy mới không uổng phí sự sống quý giá này.
Vậy làm thế nào để tạo ra các tác phẩm? Mỗi người tự cố gắng làm tròn nhiệm vụ và bổn phận của mình, đó chính là tác phẩm tốt nhất rồi. Ví dụ như, người phụ nữ nội trợ sắp đặt chăm sóc ngôi nhà trở nên hài hòa, ấm cúng, làm sản phẩm ưng ý của mình; người đầu bếp dùng những món ăn vừa thơm ngon, vừa đẹp mắt là tác phẩm; còn tác phẩm thành công của các nhà chính trị, nhà kinh tế, chính là cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, sự phồn vinh của đất nước, xã hội ổn định trật tự, người dân hiền lành, thuần hậu; tác phẩm của người giúp việc là sự chăm sóc chu đáo cho ngôi nhà của ông chủ; thư ký coi việc sắp xếp lộ trình của giám đốc một cách hoàn hảo làm tác phẩm, và ngược lại, thành tựu của giám đốc cũng chính là tác phẩm của nhân viên.
Nhân gian chứa đựng rất nhiều tác phẩm, cũng như nhà thơ Lý Bạch từng nói: “Trời đất mênh mông cho ta mượn ý thơ và linh cảm”, nếu ta tận dụng khéo léo thế giới này thì thế giới có thể trở thành tác phẩm của bất kỳ ai. Như ta chăm sóc từng bông hoa, từng gốc cây, hoa và cây đều trở thành tác phẩm của chúng ta; biết nói lời hay, những đạo lý làm lay động lòng người, thì ngôn ngữ và đạo lý chính là những kiệt tác của chúng ta.
Có điều, tác phẩm hay cũng cần có người thưởng thức. Một người hát hay, nhưng không ai thích nghe nhạc của anh ta; người diễn thuyết giỏi, nhưng không ai mời anh ta nói chuyện; người có tài trí mưu lược kiệt xuất, người giỏi lý luận có một không hai, những chuyên gia có khả năng biến thứ hư mục thành truyền kỳ, nhưng có tài lại chẳng gặp thời; thật khiến người ta phải cảm thán, tiếc nuối, vì họ không gặp được Bá Nhạc1 của đời mình. Như các tác phẩm của Hồng Thông (1920 - 1987), Van Gogh (1853 - 1890) khi mới ra đời không có người thưởng thức, cho đến khi họ qua đời thì các tác phẩm ấy mới nhận được sự khẳng định. Hay tác phẩm Thôi vậy! Cả nước không ai hiểu ta2 của Khuất Nguyên, hoặc câu “Người sống ở đời không được như ý, chi bằng sớm mai buông tóc xuôi thuyền ven sông”3 của Lý Bạch, “ném vỡ đàn tạ tri âm” của Bá Nha, Đáp khách nan của Đông Phương Sóc, chẳng phải cũng đều xuất hiện những tiếng nói bất bình vì tác phẩm của mình không ai thưởng thức ư? Cho đến những bậc hiền sĩ như: Từ Vị, Đường Bá Hổ, Trịnh Bản Kiều, Kim Thánh Thán, Bá Di, Thúc Tề, v.v. cùng với biết bao nhiêu tác phẩm của các bậc hiền tài trên thế giới này không nhận được sự khẳng định của người đời, cũng lại chẳng một ai thấu hiểu, đến nỗi rơi vào kết cục bi thảm như bị chém ngang lưng, nhảy sông tự tử, hoặc lui về ở ẩn. Thực sự, chúng ta không khỏi ngậm ngùi tiếc thương cho những cảnh ngộ bi ai như thế!
1 Bá Nhạc: Người thời Xuân Thu. Ông rất giỏi trong việc xem tướng ngựa. Vì thế, từ này đã được mở rộng thành nghĩa chỉ người có con mắt tinh tường, biết chọn lựa, tiến cử, bồi dưỡng, và sử dụng nhân tài.
2 Khuất Nguyên, Ly Tao.
3 Lý Bạch, Tuyên Châu Tạ Diễu lâu tiễn biệt hiệu thư thúc Vân.
Muốn nước non, sông, núi, quốc gia, xã hội, kinh tế, tài chính, sĩ, nông, công, thương, đều trở thành tác phẩm của mình, thì trước tiên bản thân chúng ta cần phải hội tụ đầy đủ nguồn năng lực toàn diện, thì mới cống hiến cho cuộc đời một tác phẩm xuất sắc, đồng thời còn có thể trở thành tác phẩm bất hủ của nhân loại. Nếu bản thân không thể tạo ra tác phẩm, thì chi bằng giao bản thân cho người khác sáng tạo vậy!
Mỗi tác phẩm đều mang giá trị cốt lõi riêng, hơn nữa còn được mọi người yêu thương, chăm chút, và bảo vệ. Vậy tại sao, chúng ta lại không biến cuộc đời vô giá của mình trở thành một tuyệt tác có một không hai nhỉ?