Quần áo không vừa với vóc dáng, cần phải may lại; sản phẩm không đáp ứng đúng quy cách, cần phải sửa chữa; các tổ chức, quốc gia lạc hậu cần được cải cách; quan niệm không chính xác càng cần phải điều chỉnh; một người con gái chưa đủ tự tin với vẻ đẹp hiện tại, họ sẽ nhờ đến phẫu thuật thẩm mỹ. Cũng vậy, người nuôi chí hướng tiến thủ luôn muốn sửa đổi tính lười biếng, buông thả của mình để trở nên tích cực, dám nghĩ, dám làm; người ngu si, bỏn xẻn, muốn thay đổi bản thân để trở thành người có trí tuệ và hỷ xả; người có tính ghen tị, oán hận, muốn sửa đổi thành người khoan dung và từ bi; người ích kỷ, kiêu mạn, muốn biến mình thành người có tinh thần phụng sự, hy sinh, và đức khiêm tốn.
Các nhà khoa học trong xã hội đang bận rộn với việc sửa đổi gen, các kỹ sư nông nghiệp bận rộn với việc thay đổi giống cây trồng, các chính trị gia đang nỗ lực để cải đổi chính thể, những nhà giáo dục đang nỗ lực để cải thiện nền giáo dục, tất cả các nhân vật của công chúng cũng rất chú trọng đến việc nâng cao hình ảnh bản thân. Tóm lại, bất kể là con người, đồ vật, hay sự việc, đều phải trải qua quá trình biến đổi và tiến bộ không ngừng, thì mới dần dần vươn mình chạm đến được thành công.
Có người khấn thần gieo quẻ, cầu cho vận mệnh may mắn, thăng quan phát tài, bình an khỏe mạnh, mọi việc như ý, mong muốn được sự phù hộ, giúp đỡ từ các đấng thần linh. Thực ra, so với việc cầu thần khấn Phật phù hộ, thì tự mình thay đổi vẫn luôn là hướng đi thông thái nhất. Có người mong cầu được chân nhân giúp đỡ, được người khác đề bạt, thế nhưng họ không biết rằng việc tự hoàn thiện bản thân để đạt điều mình muốn có tác dụng thiết thực hơn nghìn lần những mong cầu mông lung vô định đó.
Cổ đức nói: “Lên trời khó, cầu người càng khó hơn”, vậy nên, so với việc cầu vận mệnh tốt, cầu phúc đức bên ngoài, không bằng cầu thay đổi nhân duyên quả báo của chính mình. Trong lịch sử có rất nhiều người vô cùng xấu ác như: Vương Mãng, Tần Cối, Ngụy Trung Hiền, v.v. đều không biết tự sửa đổi hành vi bất thiện bản thân, để rồi cuối cùng, kết quả là lưu lại tiếng nhơ muôn đời. Nhược điểm lớn nhất của con người, đó là không chịu thay đổi, cũng đồng nghĩa với việc không chấp nhận đối diện với hiện thực của chính mình, không chịu nỗ lực nâng cấp bản thân. Bạn có thấy người nào, vừa mới sinh ra đã là một vĩ nhân hay thánh nhân chưa? Vì thế, không ngừng thay đổi mới có thể giúp bản thân ngày càng vươn tới cảnh giới viên mãn, kiện toàn.
Vua A Dục (Asoka) của Ấn Độ vốn là người tàn nhẫn hiếu sát, ông từng bị người đời gọi là “Hắc A Dục”, thế nhưng sau này ông đã tự mình thay đổi, làm theo lời Phật dạy, cứu tế dân nghèo, xây dựng bệnh viện, kết tập kinh điển Phật pháp, nhờ đó mà trở thành “Bạch A Dục”. Con trai của Thái tử Tất Đạt Đa (Đức Phật khi chưa xuất gia) là La Hầu La, nếu như không thay đổi thói quen nói dối, ưa đùa cợt, thì làm sao có thể trở thành một trong mười đệ tử xuất sắc nhất của Đức Phật được. Ngọc Gia Nữ nếu như không thay đổi thói quen cống cao ngã mạn, thì sao có thể trở thành một người con dâu tài đức vẹn toàn, hiếu thuận với cha chồng, và được mọi người hết lời khen ngợi chứ? Vào thời Tây Tấn, Chu Xử (236 - 297) lộng hành ở nông thôn, bị dân làng khinh khi, nếu không thay đổi quá khứ đen tối và lập chí học tập, thì sao có thể trở thành một danh tướng với nhiều chiến công hiển hách đây? Khấu Chuẩn (961 - 1032) thời nhà Tống, cũng nhờ việc thay đổi tính du đãng, vô phép, ham chơi của bản thân mà thi đậu Tiến sĩ, trở thành nhân vật nổi tiếng văn võ song toàn.
Con người không phải thánh nhân, nên ắt hẳn khó tránh khỏi việc mắc sai lầm, thế nhưng có lỗi mà biết sửa, thì đó là điều vô cùng đáng quý. Nhược điểm lớn nhất của con người chúng ta, đó là luôn luôn tìm lý do để biện hộ cho những sai lầm của mình, chứ không dám nhìn thẳng để tìm cách sửa đổi. Nếu có thể sửa đổi được những khiếm khuyết còn tồn đọng nơi tâm như: ích kỷ, cố chấp, đố kỵ, ganh ghét với người hơn mình, bảo thủ ý kiến cá nhân, không muốn nghe những lời khuyên hữu ích, lười biếng, tham lam, nóng giận, v.v. thì có việc gì mà bạn không làm được chứ?