Chương 2BAY CAO
Ngày 24 tháng 8 năm 1979
Chiếc áo khoác dầy và nhớp nháp mồ hôi đang chạm vào từng lỗ chân lông trên người tôi. Bụng tôi quặn thắt vì lo sợ. Các ngón tay tôi nóng bừng lên như thể chúng đang được nung chảy trên bếp lò. Tôi muốn nhắm chặt mắt lại nhưng cảm giác hồ hởi, cuốn hút xen lẫn sợ hãi khiến tôi cứ dán chặt mắt vào ô cửa làm bằng thủy tinh Plexi. Tôi đã nghiên cứu tỉ mỉ từng đặc điểm của Bay Area
(2) trong suốt 18 năm qua.
- Mình đang bay đấy sao? - Tôi tự hỏi, lòng không khỏi ngạc nhiên thích thú.
Chiếc Boeing 727 đột ngột lộn vòng sang phải, tôi bị trượt khỏi ghế ngồi và chắc mẩm rằng mình sẽ văng khỏi máy bay. Quá hoảng sợ, tôi nhắm chặt mắt lại. Không sao. Mình không sao. Mình vẫn ổn. Chúa ơi, thật không thể tin được, mình đang bay, đang bay thật rồi! Tôi có thể cảm nhận rõ mình đang bị cuốn đi. Mấy ngày nay tôi không tài nào ngủ được vì quá phấn khích bởi rốt cuộc mình cũng được gia nhập vào lực lượng Không quân Hoa Kỳ, thế nên giờ đây đầu óc tôi cứ lờ đờ. Khi tiếng gầm của động cơ máy bay êm dần thì tôi mới bắt đầu thả lỏng người. Khi cả cơ thể tôi đã thực sự thư giãn, tôi bắt đầu ngẫm xem mình đã bay được bao xa.
Những ngày sống vất vưởng trong ga-ra tối om, lạnh lẽo ở nhà mẹ, tôi chưa từng dám mơ rằng một ngày nào đó điều này sẽ trở thành sự thật. Thời gian ấy, tôi biết mẹ có thể sẽ giết tôi, nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn không hề lo sợ. Chỉ có điều tôi đã từ bỏ mọi hy vọng.
Nhưng vào ngày 5 tháng 3 năm 1973, ngay sau ngày mẹ đẩy tôi ngã xuống cầu thang thì các thầy cô giáo của tôi đã gọi điện cho cảnh sát; và ngay lập tức họ đã giải thoát cho tôi. Tôi được tự do. Dẫu lòng khấp khởi hạnh phúc vì thoát khỏi cuộc sống ngục tù, nhưng không hiểu sao tôi vẫn cảm nhận rõ một sự trống trải trong tâm hồn. Trải qua nhiều lần xét xử tại tòa án địa phương, tôi luôn cảm thấy rằng chính Mẹ đã vứt bỏ tôi, rằng tôi là đứa con hư đốn và tồi tệ bị gia đình ghẻ lạnh và chối bỏ. Khi cô Gold - nhân viên xã hội, đồng thời là thiên thần may mắn của tôi - thông báo rằng tôi sẽ không bao giờ nên liên lạc với Mẹ hay các con của bà thêm một lần nào nữa, tôi cảm thấy tim mình như vỡ vụn ra từng mảnh.
Kể từ đó, tôi luôn bị ám ảnh với việc tìm ra câu trả lời cho quá khứ của mình. Mặc dù vẫn luôn hoảng sợ mỗi khi nghĩ đến mẹ, nhưng tôi vẫn luôn muốn tranh đấu để chứng minh rằng tôi xứng đáng với tình yêu thương của bà và xứng đáng là một thành viên trong gia đình bà.
Với thân phận là một đứa con nuôi, tôi sớm nhận ra rằng tôi không hề biết gì về cuộc sống trong thế giới thực. Trước đây khi là tù nhân của mẹ, cuộc sống của tôi bị chi phối hoàn toàn bởi những nhu cầu cơ bản để tồn tại. Thế nên sau khi được giải thoát, tôi thấy mình chẳng khác gì đứa bé mới lững chững tập đi. Những điều đơn giản mà tất cả trẻ con mẫu giáo đều biết, thì đối với tôi lại là trở ngại hết sức khó khăn. Sau nhiều năm thường xuyên phải ngồi trong ga-ra với tư thế tay đặt dưới mông, đầu ngửa ra sau như tù binh chiến tranh, giờ đây trông tướng tôi như bị tật. Trong thời gian còn là con nuôi, tôi đã phải tập trung học cách đi đứng thẳng người. Mỗi khi căng thẳng hoặc lo sợ điều gì đó, tôi lại nói lắp đến từng từ một. Dường như tôi chưa bao giờ nói được một câu nào cho trọn vẹn. Mẹ nuôi của tôi là bà Turnbough đã mất hàng giờ mỗi ngày để dạy tôi phát âm, giúp tôi tưởng tượng hình ảnh từng từ trôi qua miệng, liền mạch thành câu như dòng nước đổ xuống thác. Nhưng những nỗ lực không mệt mỏi của mẹ Turnbough cũng chẳng ích gì. Tôi liên tục khiến cha mẹ nuôi của mình phát cáu. Dẫu vậy, bất kỳ lúc nào gặp ai tôi cũng muốn thể hiện là mình có khả năng giao tiếp như người bình thường, nhưng rõ ràng khả năng phát ngôn đã trở thành điểm yếu của tôi.
Với điệu bộ chẳng giống ai và cách nói chuyện khập khựng ngớ ngẩn, tôi nhanh chóng trở thành tâm điểm cho người khác trêu chọc. Những lúc bị ức hiếp và dồn vào đường cùng, tôi cũng chỉ còn biết ngọ nguậy hai tay sau vạt áo, mặt đỏ gay và nước mắt lưng tròng chứ chẳng thể thốt được lời nào; bởi càng tức giận, sợ hãi, tôi càng không thể nói dù chỉ một từ.
Tôi không có bạn. Cách duy nhất tôi nghĩ mình có thể kết bạn là làm sao để họ chấp nhận tôi, vì thế tôi sẵn sàng làm những chuyện trái khoáy chỉ để được mọi người thừa nhận. Tôi cũng biết những gì mình đang làm là hoàn toàn sai nhưng sau nhiều năm bị ruồng bỏ và cô lập, khát khao được hòa nhập trong tôi trỗi dậy mạnh mẽ, đến nỗi tôi đã bất chấp tất cả. Cha mẹ nuôi đã cố gắng giúp tôi lấy lại tinh thần, chỉ bảo cho tôi biết những việc làm của tôi là sai trái và gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào.
Tôi biết rằng muốn sống sót, tôi cần phải làm việc. Ngay từ những ngày đầu mới làm con nuôi, tôi đã biết rằng những đứa con nuôi chẳng có ý nghĩa gì cả. Con nuôi thì sẽ không được học hết cấp ba, chứ đừng nói là được vào đại học. Tôi cũng sớm biết rằng đến lúc mười tám tuổi, tôi sẽ không còn được ai bảo trợ, sẽ không có cha mẹ để dựa dẫm, và vì thế, tôi phải tự bươn chải cho cuộc sống của mình. Càng lớn thì tôi càng sợ mình sẽ bị bỏ rơi và trở thành kẻ không nhà. Tận sâu trong lòng, tôi cảm thấy thật sự lo sợ mình sẽ không đủ mạnh mẽ để có thể chọn cho mình một lối đi riêng. Lúc còn sống trong ga-ra nhà mẹ, luôn nơm nớp lo sợ, luôn bị đánh đập và bỏ đói, tôi đã tự hứa là nếu một ngày nào đó có thể trốn thoát, tôi sẽ cố gắng kiếm thật nhiều tiền để không bao giờ bị đói. Vậy nên ngay khi còn ở tuổi niên thiếu, tôi đành gạt bỏ những sở thích mà bất kỳ đứa trẻ nào trạc tuổi tôi cũng có để tập trung kiếm tiền. Mười lăm tuổi, tôi làm nghề đánh giày. Để được nhận làm nhân viên phục vụ bàn, tôi đã khai gian tuổi. Tôi làm bất kỳ việc gì trong ít nhất là bốn mươi giờ một tuần để kiếm tiền. Năm đầu học trung học, tôi làm việc đầu tắt mặt tối trong cả sáu ngày với hơn sáu mươi giờ một tuần. Tôi còn gồng mình làm thêm một giờ mỗi tuần để kiếm thêm 2 đô-la 65 xu. Cứ như thế cho đến một lần nọ khi đang trong lớp học, tôi gục đầu trên bàn và sau đó ốm li bì vì kiệt sức thì tôi mới chịu nghỉ ngơi.
Nhiều lúc ngẫm nghĩ, tôi cũng cảm thấy tự hào vì mình vẫn có thể xoay xở cho cuộc sống của mình, nhưng chẳng hiểu sao cảm giác trống rỗng và lạc lõng vẫn cứ len lỏi trong lòng. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy ganh tị với bọn con trai cùng tuổi đang mải mê hẹn hò với những cô nàng váy ngắn xinh xắn, vung tiền như giấy và lái những chiếc xe bóng loáng ngoài kia. Tôi ganh tị với cuộc sống may mắn, đủ đầy của họ.
Bất cứ khi nào cảm thấy hơi chán nản thì tôi sẽ vùi mình vào công việc nhiều hơn. Tôi càng gồng mình chú tâm vào những việc đang làm thì mong muốn được trở thành một thanh niên bình thường trong tôi cũng dần biến mất. Và quan trọng hơn, ý nghĩ luôn nung nấu trong tôi là phải tìm cho ra câu trả lời về quá khứ giờ đây dường như đang ngủ yên.
Với tôi, làm việc đồng nghĩa với sự yên bình trong tâm hồn.
Mùa hè năm 1978, ở tuổi mười tám, tôi quyết định bỏ học để phấn đấu hơn nữa cho sự nghiệp trở thành nhân viên bán xe ô tô đạt doanh số cao nhất. Nhưng chỉ vài tháng sau, sau một cuộc suy thoái ảnh hưởng đến toàn bang, tôi cay đắng nhận ra mình chỉ là một gã thanh niên không bằng cấp, không nghề nghiệp và số tiền tiết kiệm của tôi cũng nhanh chóng tiêu tan. Cơn ác mộng tồi tệ nhất của tôi đã thành hiện thực. Tất cả những kế hoạch được cân nhắc cẩn thận cùng sự đánh đổi không gì bù đắp được của tôi chẳng mấy chốc đã tan thành mây khói. Vì không có bằng cấp gì nên tôi chỉ có thể làm phục vụ tại các cửa hàng thức ăn nhanh. Tôi biết rằng tôi sẽ không đạt được điều gì nếu gắn bó với những công việc như vậy trong suốt quãng đời còn lại của mình.
Hồi còn làm tù nhân của Mẹ, tôi luôn mơ ước mình sẽ làm được điều gì đó cho bản thân. Mẹ càng la mắng, nguyền rủa và nhẫn tâm để tôi một mình nằm bất động trên sàn nhà bao nhiêu thì tôi càng có sức mạnh để tranh đấu cho sự sống còn của mình bấy nhiêu. Tôi luôn tự nhủ rằng một ngày nào đó Mẹ sẽ thấy! Một ngày nào đó, tôi sẽ khiến mẹ phải tự hào về tôi. Nhưng những dự đoán của Mẹ không sai, tôi đã thất bại thảm hại. Chính vì thế tôi căm ghét bản thân mình đến tận xương tủy.
Khoảng thời gian thất nghiệp bắt đầu giày vò tôi. Đầu óc tôi không lúc nào thôi suy nghĩ. Tôi nghĩ mẹ nói đúng. Có lẽ tôi luôn là kẻ thua cuộc và tôi đáng bị đối xử như vậy. Vì quá hoang mang về tương lai mịt mù của mình nên chẳng đêm nào tôi được thẳng giấc. Tôi sục sạo trong đêm tối để vạch ra bất kỳ kế hoạch nào có thể giúp tôi sống sót. Trong chuỗi ngày dài u ám đó, chẳng hiểu sao tôi bỗng nghĩ đến cha tôi nhiều hơn.
Trong suốt sáu năm làm con nuôi, tôi gặp cha không đến chục lần, và trong lần gặp cuối, ông tự hào khoe với tôi một trong những tài sản còn sót lại của ông, đó chính là chiếc huy hiệu đội cứu hỏa San Francisco trao tặng khi ông về hưu. Trước khi tiễn tôi lên xe buýt đi Greyhound, cha ngậm ngùi nói với tôi bằng một giọng khàn khàn: "David à, con hãy đi khỏi nơi này. Đi càng xa càng tốt, con đã trưởng thành rồi và hoàn toàn có thể làm được điều đó". Đôi mắt ông ưu tư và trĩu nặng. Khóe mắt nhăn nhúm như đang ép vỡ giọt nước mắt khô khốc đã từ lâu không xuất hiện trên gương mặt người đàn ông khốn khổ này. Vai ông khẽ run lên, ông bóp chặt lấy tay tôi rồi cười nói: "Hãy làm những gì con phải làm… Đừng bỏ cuộc… Đừng bỏ cuộc như cha".
Trong thâm tâm, từ lâu tôi đã xem cha là một kẻ nghiện rượu không nhà. Sau nhiều năm cống hiến cho ngành cứu hỏa, cứu thoát không biết bao nhiêu người khỏi những tòa nhà bốc cháy ngùn ngụt, cuối cùng cha đã không thể cứu thoát chính mình. Ngày hôm ấy, khi xe buýt vừa lăn bánh, tôi ngoái nhìn cha và không thể cầm được nước mắt. Thật sự, tôi đã luôn nghĩ về cha. Nhưng chính cuộc sống khắc nghiệt đã khiến tôi phải dồn nén những suy tư đó của mình tận sâu trong lòng. Ông vẫn luôn là một mảng vỡ của cuộc đời tôi. Mỗi khi đi ngang qua những người vô gia cư nằm co ro ở một góc tối, tôi lại hình dung đến cha. Tôi cảm thấy có lỗi với ông. Và càng cảm thấy giày vò, tôi càng biết mình không thể, không thể bỏ cuộc như cha. Đừng bỏ cuộc như cha. Câu nói cuối cùng cha nói với tôi giờ đây lại sống lại trong tôi, vang vọng, thúc giục.
Tôi nghĩ rằng cơ hội duy nhất của tôi lúc này là tham gia vào quân chủng. Thậm chí tôi còn mơ tưởng rằng tôi sẽ làm lính cứu hỏa phục vụ trong không quân, để rồi một ngày nào đó, khi trở về Bay Area, tôi sẽ khoe với cha huy hiệu của mình. Việc tôi cố gắng gia nhập vào lực lượng không quân quả là một thử thách lớn lao. Sau khi chật vật giành được chứng chỉ giáo dục tương đương (GED), tôi đã phải điền vào một đống giấy tờ cho mỗi lần tôi bị đuổi từ nhà nuôi dưỡng này đến nhà nuôi dưỡng khác, sau đó tôi còn phải giải thích lý do vì sao tôi bị chuyển đi như vậy. Mỗi khi viên sĩ quan không quân hỏi về quá khứ của tôi, tôi lại sợ hãi đến mức nói lắp bắp như một kẻ ngớ ngẩn. Sau nhiều lần lảng tránh, cuối cùng tôi đành lấy hết can đảm để đối mặt và giải thích sơ qua với vị sĩ quan đó vì sao Mẹ và tôi không còn liên lạc. Tôi thấp thỏm chờ đợi phản ứng của anh ta. Tôi biết nếu viên sĩ quan đó nghĩ tôi là một kẻ chuyên gây rắc rối, anh ta có thể từ chối đơn xin việc của tôi.
Suốt nhiều tuần liền, sáng nào tôi cũng chực chờ bên ngoài văn phòng của lực lượng không quân, đợi đến khi họ mở cửa, tôi lại vội vào trong để tiếp tục điền đầy đủ vào đống giấy tờ, tỉ mẩn nghiên cứu những bộ phim và bất cứ quyển sách hướng dẫn nào mà vị sĩ quan tuyển dụng đưa cho tôi. Tôi trở nên ám ảnh với khao khát được gia nhập vào lực lượng không quân, bởi tôi biết đó chính là cánh cửa duy nhất mở ra cuộc sống mới cho tôi.
Sau khi các giấy tờ cần thiết được điền đầy đủ, kiểm tra kỹ lưỡng và được xác minh lại, tôi tiếp tục trải qua một cuộc kiểm tra sức khỏe. Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ không bỏ qua bất kỳ một chỗ nào trên cơ thể tôi. Sau cùng, khi tôi ngồi trên ghế trong tư thế trần truồng, bác sĩ nhìn tôi với cái nhìn dò xét và hỏi về những chỗ sưng, những vết sẹo và cả vết bỏng trên khắp người tôi. Tôi đã nhún vai nói rằng mình là một đứa trẻ vụng về. Vừa dứt lời, tôi đã cảm thấy tim mình bị bóp nghẹt lại vì tôi biết mình đã nói dối. Vị bác sĩ thở dài và khẽ nhíu mày. Lo sợ câu trả lời đó sẽ khiến mình bị loại, nên tôi vội vàng nói thêm rằng đó là một chặng đường dài tôi đã trải qua khi còn bé.
- Khi còn bé ư? - Vị bác sĩ hỏi với vẻ nghi hoặc.
- Vâng, lúc tôi sáu hay bảy tuổi gì đó. Nhưng giờ tôi không còn hậu đậu như vậy nữa, không hề thưa ông…
Vị bác sĩ ra hiệu cho tôi mặc đồ vào. Trộm nhìn sang chỗ ông ngồi, tôi vô cùng nhẹ nhõm khi thấy ông đánh dấu vào ô báo tôi hoàn toàn đủ sức khỏe để gia nhập không quân. Tôi sung sướng đến độ nhảy cẫng lên, rồi thở phào tựa mình vào chiếc bàn ở phía sau mà không để ý là nó ở quá xa. Thế là tôi mất đà, quờ quạng rồi ngã bật ra sau, tay chới với hất luôn chồng giấy tờ cao ngất trên bàn xuống đất. Giấy tờ bay tứ tung. Vị bác sĩ nhìn tôi ngán ngẩm, thở dài bảo tôi cứ để đó, ông sẽ thu dọn. Trong lúc tôi luống cuống đi ra phía cửa, ông mỉm cười và nói với theo:
- Anh đã qua cái thời hậu đậu thật rồi chứ?
Vài giờ sau đó, tôi hồi hộp ngồi cứng đờ bên cạnh một viên trung sĩ không quân đang lọc cọc gõ những chuỗi thông tin chi chít trước máy vi tính. Đoạn viên trung sĩ dừng tay, xoay ghế về phía tôi và hỏi một cách thờ ơ:
- Cậu muốn gia nhập không quân vào ngày nào?
Tôi ngạc nhiên, há hốc mồm không thể tin được vào tai mình. Tôi kéo ghế ngồi lại gần viên trung sĩ hơn và hỏi:
- Ý trung sĩ là…là tôi có thể gia nhập không quân? Trung sĩ đang hỏi là tôi có muốn tham gia vào không quân không?
- Đừng có làm rắc rối vấn đề. Tất nhiên là cậu sẽ gia nhập không quân, trừ phi FBI thông báo cậu là tội phạm. - Viên trung sĩ nói như trêu chọc.
Nghe đến đấy, tôi chợt nghĩ ngay đến những cuộc điện thoại cảnh sát đã gọi cho tôi gần đây vì tội chạy quá tốc độ. Tim tôi đập thình thịch. Tôi sợ nếu họ biết được chuyện này chắc tôi sẽ chẳng còn gì hết. Viên trung sĩ bất ngờ vỗ mạnh vai tôi:
- Này, Pelzer, thoải mái đi. Vậy khi nào cậu muốn gia nhập không quân đây?
Tôi thấy kinh ngạc quá đỗi. Đã đến lúc mình có cơ hội làm điều gì đó cho bản thân. Đã đến lúc xây dựng cuộc sống cho riêng mình. Chỉ là, tôi không thể tin được sau sáu tháng nỗ lực hết mình, cuối cùng tôi cũng đã thực hiện được ước mơ của mình.
Tôi định thần, hít thật sâu rồi mỉm cười hỏi lại viên trung sĩ:
- Thế khi nào là thời điểm sớm nhất tôi có thể gia nhập không quân?
Anh ta nhìn tôi ra chiều thông cảm.
- Vấn đề bạn gái phải không? - Trước khi tôi kịp trả lời, viên trung sĩ lại lúi húi gõ lọc cọc bàn phím, và sau vài thao tác, anh nhìn tôi nói tiếp: - Nếu cậu thực sự cảm thấy cần tăng tốc, ngay tối nay tôi có thể đưa cậu lên máy bay và bắt đầu những bài huấn luyện cơ bản. Còn nếu cậu thấy lấn cấn thời gian thì tuần sau chúng ta sẽ bắt đầu. Thế cậu thích thế nào?
Ngay lúc đó tôi biết mình phải làm gì, nhưng một cảm giác ngượng ngùng bỗng bao trùm lấy tôi. Mấy tháng trước tôi luôn nói dối cha mẹ nuôi rằng tôi đang tham gia thực hiện các bài kiểm tra chuyên ngành và phỏng vấn xin việc. Cha mẹ Turnbough không hề có ý kiến gì đối với những quyết định của tôi. Tôi chỉ cảm thấy có một sự thôi thúc mỗi lúc một mãnh liệt rồi bùng lên bất chợt, khiến tôi cứ thế bỏ nhà đi rồi gia nhập không quân, và tôi nghĩ mình có thể gọi điện về báo với họ khi đã ở trong doanh trại. Ngoài cha mẹ nuôi và một vài người bạn thân, tôi không còn ai thân thích. Không bạn gái, không đồng nghiệp, không bạn bè cùng đi xem phim hay xem xiếc, không họ hàng để nói chuyện - không ai hết. Tôi cảm thấy nếu mình có biến mất khỏi thế gian thì cũng sẽ chỉ có vài người quan tâm đến điều đó. Dẫu vậy, trong thâm tâm, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc khi có được một gia đình thực sự - nơi đó có cha mẹ nuôi và những người bạn của tôi. Và quan trong hơn cả là tôi có danh dự. Tôi thở dài rồi quay sang viên trung sĩ:
- Tuần sau tôi sẽ bắt đầu.
- Được thôi, tuần sau. Cậu chắc về quyết định của mình chứ? - Anh ta nhã nhặn hỏi lại.
- Vâng. - Tôi gật đầu dứt khoát.
Tôi vừa dứt lời, viên trung sĩ xoay người về phía chiếc máy vi tính, sau tiếng gõ phím đánh cạch của anh, tiếng máy in rè rè vang lên.
- Hãy ký vào đây, đây, đây, đây… và đây nữa. - Viên trung sĩ vừa nói vừa dí ngón tay vào mớ giấy tờ mới được in ra. Tôi nhìn chằm chằm vào những ô đánh dấu đỏ Xs. Đây rồi - tôi tự nhủ. Tôi vớ lấy chiếc bút gần đó và ký tên theo hướng dẫn của viên trung sĩ. Trong lúc đợi anh ta kiểm tra lại một lần nữa đống giấy tờ tôi vừa ký, tôi giết thời gian bằng việc ngắm nhìn những khung ảnh hình máy bay chiến đấu công nghệ cao của không quân. Tôi bắt đầu thả hồn tưởng tượng hình ảnh từng đoàn máy bay như những con chim ưng khổng lồ lao vun vút trên nền trời xanh bao la.
- Đây có phải là máy bay chiến đấu phản lực F-15 không? - Tôi chỉ vào bức ảnh ở trên bàn anh ta.
- Không. Đó là chiếc F-16. - Viên trung sĩ đáp, mắt vẫn không rời màn hình vi tính.
Tôi gật gù. Rồi bỗng tôi nói một cách vô thức:
- Nếu tôi không nhầm thì đó là chiếc F15 Eagle của hãng McDonnell Douglas - kiểu máy bay tiêm kích chiến thuật khống chế không phận, có vận tốc nhanh gấp 2,5 lần vận tốc âm thanh, được trang bị hai động cơ phản lực G.E. F-100 …
Viên trung sĩ há hốc miệng ngẩng lên nhìn tôi. Tôi hơi chột dạ. Tôi khựng lại vài giây để định thần những gì mình vừa nói. Bản thân tôi cảm thấy rất đỗi ngạc nhiên khi tôi lại có thể nói một mạch những kiến thức kỹ thuật cơ bản về máy bay như vậy. Tất cả những thông tin đó đều do tôi đọc được từ mấy cuốn sách giới thiệu do bộ phận tuyển dụng không quân phát và từ một loạt những cuốn sách mà tôi đã tóm tắt một cách có hệ thống trong vài tháng qua.
Rồi viên trung sĩ nhẹ nhàng gật đầu ra hiệu cho tôi nói tiếp.
Ngay lập tức tôi nghĩ đây sẽ là một bài kiểm tra kỳ lạ mà tôi phải vượt qua. Tôi nhắm mắt tập trung để nhớ thêm những thông tin đã từng đọc.
- À…vâng… Tôi biết nó còn có… ý tôi là nó còn được trang bị thêm tên lửa AIM-7 Sparrow và AIM-9 Sidewinder. Và… tôi nghĩ… hai hay ba năm trước có một chiếc F-15 Streak Eagle đã phá vỡ kỷ lục bay ở độ cao cao nhất so với mặt biển được lập bởi một chiếc máy bay MeG của Nga. - Tôi ngừng một chút để lấy hơi và chờ đợi phản ứng của viên trung sĩ. Tôi rất mong nhận được một tín hiệu tích cực từ anh bởi tôi sợ anh ta sẽ nghĩ rằng tôi đang cố ra vẻ ta đây. Nhìn ánh mắt đang ánh lên vẻ thân thiện của viên trung sĩ, tôi biết anh ta không chỉ ấn tượng mà cũng rất quan tâm đến đề tài này.
- Pelzer này, MiG chứ không phải MeG. - Anh ta vừa nói vừa cười. - Thế chiếc Streak Eagle bay lần đầu tiên ở đâu?
- Grand Forks, North Dakota! - Tôi trả lời đầy tự tin.
- Um…cũng không tệ nhỉ. Vậy tại sao lại là Grand Forks?
Tôi cười lại với viên trung sĩ và thật sự thích thú với những gì đang diễn ra.
- Do không khí ở nhiệt độ thấp có mật độ phân tử dày đặc hơn, giúp máy bay nhanh chóng đạt được vận tốc và cao độ cần thiết hơn, đồng thời tiêu thụ ít nhiên liệu hơn. Ý tôi là… tôi nghĩ nguyên do là vậy.
Viên trung sĩ nhìn tôi cười toe toét và vỗ vai tôi:
- Ở đâu mà cậu…
Theo bản năng, tôi cảm thấy có chút do dự.
- Tôi đọc sách…
- Cậu đọc sách ư?
- À…vâng. Tôi đọc khá nhiều. Tôi luôn mong được… ý tôi là…Trung sĩ? Trung sĩ có nghĩ là họ sẽ để cho tôi bay không? - Tôi dè dặt hỏi.
- Ôi trời! Cậu nghĩ đơn giản vậy sao? - Nói rồi viên trung sĩ quay về phía cuối dãy phòng. - Này Max, chúng ta lại có một Chuck Yeager
(3) ở đây này. Và Chuck Yeager của chúng ta muốn biết liệu anh ta có thể bay được không này.
Một tràng cười sảng khoái vang lên, tôi nhắm nghiền mắt lại. Dường như tôi luôn nói những điều ngu xuẩn không đúng thời điểm và tự biến mình thành một kẻ xuẩn ngốc.
Tôi hít một hơi thật sâu. Viên trung sĩ quay sang nhìn tôi. Tôi lấy hết can đảm nhìn thẳng viên trung sĩ và nói với giọng kiên quyết:
- Trước khi bay, Chuck Yeager cũng từng phải đăng ký gia nhập không quân mà!
Viên trung sĩ vừa lật lật xấp giấy tờ của tôi vừa nói:
- Nghe này Pelz. Cậu hầu như không đủ chuẩn để bay. Cậu bỏ học từ cấp ba, điểm năng khiếu của cậu luôn dưới trung bình, cơ thể cậu ốm yếu, còn thị lực thì giống Stevie Wonder
(4). Phi công ư? Tôi nghĩ cậu muốn trở thành một lính cứu hỏa chứ. - Ngừng một chút, viên trung sĩ nói tiếp: - Nghe này Pelz, đây là những việc cậu nên làm: hãy học hỏi thêm những kiến thức cần thiết cho một người lính cứu hỏa và đăng ký học đại học nào đó trong khả năng của cậu. Không quân sẽ trả học phí cho cậu. Vài năm sau nếu cậu vẫn còn thích thì có thể thi tuyển vào một vị trí nào đó. Đó mới là mục tiêu hàng đầu, nhưng nếu cậu thực sự nghiêm túc, đương nhiên thời gian sẽ rút ngắn lại. Cậu thấy sao?
Tôi nuốt xuống khó nhọc, cảm thấy có cái gì nghèn nghẹn nơi cổ họng. Tôi lí nhí:
- Vâng, tôi hiểu, rất cảm ơn lời khuyên của trung sĩ
- Đó là lý do vì sao tôi ở đây đấy. - Viên trung sĩ đứng dậy, tỏ ý rất thông cảm và ủng hộ tôi. - Không có gì phải lo đâu Pelz. Cậu cứ tiếp tục học rồi một ngày nào đó họ sẽ cho cậu tham gia lớp phi công SR-71. - Đoạn viên trung sĩ nhíu mày nhìn tôi. - Mà này, tôi dám chắc với những kiến thức của cậu, hẳn cậu biết Blackbird chứ?
Mắt tôi sáng lên khi nghe thấy tên chiếc máy bay ưa thích của mình.
- Vâng, tôi biết rất rõ chiếc Blackbird!
- Vậy thì tốt rồi. Chúng ta sẽ gặp nhau vào tuần tới. - Viên trung sĩ tươi cười đưa tay ra bắt tay tôi.
- Xin cám ơn trung sĩ. - Tôi vừa nói vừa siết chặt tay anh ta. - Tôi sẽ làm trung sĩ tự hào, rồi trung sĩ sẽ thấy.
Viên trung sĩ tủm tỉm cười, bỏ tay tôi ra, sau đó nhìn tôi và chào một cách dứt khoát:
- Hẹn gặp lại, chàng phi công Pelz-a-Yeager!
Chiều tối hôm đó, tôi ngồi xem ti vi với cha mẹ nuôi trong phòng khách. Sau khi cân nhắc, tôi ngập ngừng:
- Con đã đăng ký vào không quân. Tuần tới con sẽ rời nhà mình…
- Ồ, thật vậy sao? - Cha nuôi tôi, ông Harold Turnbough, hỏi lại ngay.
Tôi nhìn vào mắt cha mẹ nuôi để xem phản ứng của họ thế nào trước tin tôi vừa báo. Một không khí im lặng nặng nề bao trùm. Tôi nói khẽ:
- Con chưa từng đi đâu hết. Con vẫn luôn tự biến mình thành một thằng ngốc. Con nghĩ con có thể tìm được câu trả lời cho quá khứ của mình, để lý giải tại sao Mẹ con lại đối xử với con như vậy. Và bây giờ, đã đến lúc, đến lúc con phải làm điều gì đó cho bản thân mình. Con đã từng bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Nếu con cứ ở đây, cứ mãi vùi đầu vào những việc con đã làm, thì một ngày nào đó con sẽ phải hối tiếc. - Tôi tạm dừng để phán đoán phản ứng của họ. Cha mẹ nuôi tôi vẫn cứ ngồi yên đó. - Chẳng phải đó là điều cha mẹ đã cố dạy con…ý con là, trở thành một người tự lập sao? Không phải sao ạ…? - Tôi thở dài chán nản.
Alice và Harold gật gù rồi bật cười. Tôi lắc đầu giận dữ. Trải qua một ngày dài đầy căng thẳng do phải tập trung cao độ trước những bài kiểm tra dồn dập, lo sợ kết quả kiểm tra sức khỏe sẽ không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của không quân, lo lắng khi phải giấu kín chuyện này trong một thời gian dài, giờ đây bụng tôi sôi lên sùng sục và quặn thắt. Tôi quá mỏi mệt và không thể kiềm chế được. Tôi hét lên:
- Cha mẹ thôi đi! Có gì đáng để cười? Đây là vấn đề nghiêm túc. Con đã ký vào tất cả giấy tờ cần thiết…
Alice chồm người đến ôm tôi:
- Cha mẹ đã biết cả rồi David à!
Harold nhìn tôi cười bí hiểm:
- Cứ nhìn mấy cuốn sách vứt la liệt và lúc nào cũng nghe con lẩm bẩm về máy bay này máy bay kia thì liệu cha mẹ có thể không biết gì về chuyện con đang làm không chứ?
- Thế cha mẹ không bực mình sao? À…ý con là…
- Tất nhiên là không, David à. Nhưng hãy trả lời mẹ câu này… - Alice có vẻ trầm ngâm. - Tại sao con lại muốn phục vụ trong không quân? Ba năm là một quãng thời gian dài…
- Bốn năm, con sẽ tham gia vào khóa huấn luyện trong bốn năm. - Tôi chỉnh lại khoảng thời gian cho chính xác. - Con thấy chán nản. Con mệt mỏi vì cuộc sống tạm bợ qua ngày. Làm việc như một thằng hề, vì cái gì? Không vì điều gì hết! Con đã sống vô cùng tằn tiện và làm việc đầu tắt mặt tối, và rồi con cũng không có gì hết. Cha mẹ hãy thử tính xem, trong vòng bốn năm, con sẽ trưởng thành và học hỏi được nhiều điều, con có thể khám phá và nhận thức mọi việc sâu sắc hơn. - Tôi ngập ngừng rồi lí nhí. - Có lẽ rời khỏi đây sẽ giúp con… giúp con tìm ra câu trả lời…
Bà Turnbough nắm chặt lấy tay tôi.
- David, có thể con không bao giờ biết được rằng, đôi khi những điều tồi tệ sẽ xảy ra. Bởi không có gì là tuyệt đối cả.
- Không! - Tôi ngắt lời. - Không phải như vậy. Con phải biết. Con phải tìm hiểu cho bằng được. Nếu con không đối mặt với điều đó, thì tất cả những gì con làm cũng chỉ là che giấu bí mật như bao người khác. Và nếu con làm vậy, thì sau này lấy gì đảm bảo là con không giống bà ta hay giống cha của con? Có điều gì đó mới khiến họ trở nên như vậy. Mọi việc đều có nguyên do của nó. Con muốn hiểu và con muốn biết. Và nếu con không tự đi tìm câu trả lời cho mình, thì ai sẽ làm việc đó đây? Có bao nhiêu đứa trẻ cha mẹ nhận nuôi xuất thân từ những ngôi nhà giống như con kia chứ? Vấn đề không phải là ra đi để trốn chạy hay để che đậy quá khứ. Ngày nào những chuyện tương tự như vậy cũng xảy ra, và mọi người đều hành động như thể chẳng có gì sai trái ở đây cả. Không ai muốn đề cập đến những chuyện đó, họ cứ để mặc người trong cuộc đương đầu với bất kỳ hậu quả nào xảy ra sau đó. Đó là một việc hết sức sai lầm, và đã đến lúc mọi người phải lên tiếng. Chẳng phải đó là điều mà mẹ và những người khác luôn muốn con phải ghi nhớ kể từ lúc con được cứu thoát sao? Trở thành một người có ích, trung thực và công bằng, tìm kiếm những gì mình tin tưởng, làm việc chăm chỉ và nắm lấy vận mệnh của mình dù phải mất bao lâu? Không phải vậy sao…?
Cha mẹ nuôi tôi gần như bất động. Suốt những năm sống cùng họ, chưa bao giờ tôi thấy họ nhìn tôi với ánh nhìn khắc khoải đến như vậy. Tôi tiếp tục bằng giọng nhẹ nhàng:
- Cha mẹ à, mọi chuyện sẽ ổn thôi. Con có thể kiểm soát được mọi việc. Con sẽ ổn thôi, nhưng mong cha mẹ hãy hiểu, con không muốn trở thành những người như vậy. Con phải làm một điều gì đó.
Tôi ngừng một lát để suy nghĩ về những điều mình sắp nói tiếp. Tôi không muốn cau mặt và nói với cha mẹ nuôi theo cái cảm xúc khó chịu đang dâng trào trong lòng. Tôi cố tỏ ra điềm đạm.
- Con rất yêu cha mẹ. Cha mẹ đã đối xử với con như một con người thực sự. Nhưng nếu con ở trong không quân, con sẽ tiết kiệm được từng đồng. Con muốn có một ngôi nhà… ngôi nhà của con. Con sẽ mua một ngôi nhà ở Guerneville bên Dòng sông Nga. Từ hồi học mẫu giáo, con đã xác định đó chính là ước mơ cả đời con sẽ theo đuổi. Lúc còn sống ở nhà Mẹ và trải qua khoảng thời gian đen tối nhất trong cuộc đời, con đã luôn mơ về một ngôi nhà gỗ bên bờ sông với một chiếc lò sưởi ấm áp cùng mùi gỗ tùng thoang thoảng. Lúc ấy, chính suy nghĩ đó đã giúp con cảm thấy an toàn hơn. Bà ấy đã làm mọi điều khủng khiếp nhất với con, nhưng bà không thể nào cấm con mơ ước đến một ngôi nhà bên sông. Cũng chính ước mơ đó đã cho con nghị lực để tiếp tục sống. Con muốn một ngôi nhà của riêng mình. - Cổ họng tôi nghẹn lại, đăng đắng. Nước mắt bắt đầu chảy dài hai bên má. Tôi cố kìm nén cảm xúc của mình, nhưng ký ức về những năm tháng tuổi thơ kinh hoàng dường như đang cuồn cuộn chảy về trong tôi.
- David, sao vậy, có chuyện gì vậy con? - Bà Turnbough khẽ hỏi.
Tôi nhắm nghiền mắt, và rồi bật khóc nức nở.
- Cả đời… tất cả những gì ông ấy muốn là có được một điều gì đó… Và giờ đây, ông đang cô độc, lủi thủi trên đường phố và không còn gì hết. Điều đó thật không thể chấp nhận được.
- Ai cô đơn? Con đang nói về ai vậy? - Alice hỏi dồn.
- Cha của con! - Tôi nức nở. - Con sẽ mua một căn nhà và đón cha về ở cùng. Đó là điều con nên làm. - Tôi quẹt nước mắt, sụt sịt. - Hơn nữa, con muốn đi tìm câu trả lời cho riêng mình, và giờ con đã sẵn sàng, con sẽ làm bất cứ điều gì để thực hiện mong muốn của con.
- Vậy nên con tham gia vào không quân? - Harold hỏi với một chút hóm hỉnh. - Con có chắc là sẽ tránh khỏi các rắc rối không?
Tôi mỉm cười hiểu ý Harold.
- Vâng, thưa cha. Con sẽ làm cho cha phải tự hào, cha hãy chờ xem. Một ngày nào đó cha sẽ thấy. Con sẽ làm cho cha cảm thấy tự hào vì con.
- Được thôi. - Alice ngắt lời. - Giờ con đã quyết định, vậy con tính khi nào mới nói với cha mẹ con?
Tôi hít một hơi thật sâu. Tôi cảm thấy thật khoan khoái dễ chịu. Toàn thân tôi thư giãn hoàn toàn, như thể tôi đang được thiếp đi trên một chiếc giường rộng và êm ái. Lần đầu tiên trong gần nửa năm, tôi cảm thấy mình thật sự thanh thản. Cha mẹ nuôi tôi vẫn đang ngồi cạnh nhau, tay trong tay. Tôi nhẹ nhàng đặt tay mình lên tay họ.
- Dạ vâng, thưa Mẹ, - tôi nói và nhìn vào mắt Alice, - và thưa Cha, - tôi nhìn sang Harold. - Con đã được tuyển vào Không quân Hoa Kỳ. Con sẽ rời khỏi nhà vào tuần tới. Cha mẹ có hỏi gì nữa không?
Chiếc Boeing 727 đột ngột lắc lư khiến tôi bừng tỉnh và quay về với thực tại. Tôi chớp mắt, cố tập trung vào đường chân trời San Antonio bên ngoài cửa sổ máy bay. Tôi đang ở ngưỡng cửa của một cuộc sống mới. Tôi hít một hơi thật sâu rồi mỉm cười.
Và cuộc sống đó bắt đầu!