Chương 3THƯ NHÀ
Tham gia huấn luyện cơ bản trong không quân không phải là một việc dễ dàng, nhưng sau hai tuần đầu tiên với nhiều bỡ ngỡ, tôi đã bắt đầu thích nghi và thấy thoải mái với những mục tiêu đào tạo của các trung sĩ huấn luyện cho tôi. Thật lạ là khóa học này làm tôi nhớ lại khoảng thời gian sống với mẹ đẻ của mình. Tôi đủ khôn ngoan để không ngẩng đầu lên, cũng không bao giờ nhìn thẳng vào mắt của các vị huấn luyện mỗi khi các vị ấy chửi mắng té tát phi đội chúng tôi. Tôi cố gắng thực hiện các nhiệm vụ được giao thật nhanh chóng và chính xác nhất có thể, và quan trọng nhất là tôi luôn tự nhắc mình phải giữ cho cái miệng hay nói lắp bắp thật yên lặng. Bất cứ khi nào có thời gian rảnh, tôi lại ngồi viết thư gửi cho cha mẹ nuôi, cho người thầy thông thái về hàng không Michael Marsh của tôi từ những ngày tôi còn là một đứa con nuôi, cho cha của tôi để hùng hồn kể lại những sự cố mình đã gặp phải trong thời gian tập luyện.
Cứ mỗi buổi chiều là thời điểm đội của tôi nhận được thông báo có thư gửi đến, và mỗi lần như thế tôi lại thấy hồi hộp vô cùng. Nhưng tôi chỉ đều đặn nhận được những lá thư nhăn nhúm có địa chỉ người nhận là cha với con dấu TRẢ LẠI CHO NGƯỜI GỬI trên bì thư. Sau nhiều lần như thế, tôi không còn đủ kiên nhẫn để cố liên lạc với cha qua thư từ nữa. Từ đó trở đi, tôi tìm cách kết nối với ông bằng tâm linh, qua những lời cầu nguyện.
Sau khi cầu nguyện vào buổi tối, tôi cuộn tròn trong tấm chăn ấm, lòng thấy thanh thản với cảm giác mình thật sự đã thoát khỏi vòng luẩn quẩn của lòng căm thù và sự giả dối của mẹ. Tôi biết bà ấy không thể chi phối hoặc làm tổn thương tôi bằng bất cứ cách nào nữa. Lần đầu tiên trong đời, tôi được là chính mình. Sau cùng thì tôi cũng đã đẩy lùi được hình ảnh của mẹ vào góc khuất sâu kín nhất trong tâm hồn mình. Tôi thấy phấn chấn biết bao vì câu hỏi lớn nhất luôn dằn vặt tôi bấy lâu giờ đã không còn quan trọng với tôi nữa. Tôi đã được tự do.
Thế nhưng cũng giống như khoảng thời gian tôi còn sống ở nhà cha mẹ nuôi, hàng đêm tôi vẫn thường thấy mẹ hiện rõ mồn một trong từng giấc mơ của mình. Như mọi khi, bà ấy cũng đứng ở con đường dài hun hút như một bức tượng vô cảm. Tôi đứng trước mặt bà, cảm giác bất lực và vô vọng. Và rồi bà ấy chớp mắt. Bà mỉm cười hiểm độc rồi liếc xuống cánh tay xương xẩu của mình, rút ra một con dao sắc nhọn sáng loáng. Tôi biết mình cần phải làm gì đó, bất cứ điều gì để thoát khỏi bà, nhưng nỗi sợ hãi đã khiến cả cơ thể tôi tê cứng lại. Mẹ từ từ tiến lại gần tôi. Ánh mắt đờ đẫn của bà như nhìn thấu tâm can tôi. Ngay trước khi bà tóm được tôi, tôi quay lưng hộc tốc bỏ chạy. Tim tôi đập thình thịch, tay chân lạnh toát. Tôi cứ thế cắm đầu chạy mãi, chạy mãi…, nhưng không thể ra khỏi con đường hun hút tối đen ấy. Tôi quờ quạng, miệng ú ớ và rồi chẳng hiểu sao lại va thẳng vào người mẹ. Bà cười nham hiểm để lộ hàm răng ố vàng và hơi thở nồng nặc mùi bia rượu. Tôi nhìn vào mắt bà van lơn, nhưng bà vẫn sấn tới với con dao sáng loáng trong tay. Tôi bàng hoàng nhắm mắt, co rúm người và hét lên thất thanh:
- Tại sao…?
- Này, Pelzer, dậy nào. Tỉnh đi nào! - Cậu bạn chung giường với tôi là Randy vừa lay tôi vừa thì thào thật khẽ để không ai nghe thấy. - Cậu lại mơ những giấc mơ ấy nữa rồi.
Tôi tỉnh giấc, thở hổn hển, đưa tay lau mồ hôi đang túa ra trên trán và đảo mắt nhìn quanh để nhìn cho rõ những đồng đội khác của mình vẫn còn đang say ngủ. Tạ ơn Chúa vì tôi đã không đánh thức cả đội dậy. Có vẻ như không ai hay biết gì cả. Tôi đưa tay sờ lên ngực để chắc chắn rằng mẹ đã không tấn công và đâm tôi. Tôi quay sang cảm ơn Randy vì sự quan tâm của cậu ấy. Và rồi từ lúc đó cho đến khi trời sáng, tôi cứ ngồi thu lu bên thành giường, không thể ngủ lại được nữa.
Sáng hôm sau, sau một cuộc điều tra, viên sĩ quan huấn luyện cho gọi tôi lên văn phòng của ông ấy. Trong lúc đứng nghiêm trước bàn làm việc của ông ấy, tôi sợ hãi đến mức cả thân người bắt đầu run lên. Tôi cố gắng nhìn thẳng về phía trước và nín thở, cầu mong sao cho viên sĩ quan không phản ánh gì về sự cố vừa qua.
- Binh sĩ, nghỉ! - Vị thượng sĩ ra lệnh. - Theo như báo cáo tôi nhận được thì cậu lại để cho những chuyện như trước đây tái diễn. - Ông vừa nói vừa nhìn lướt qua bản báo cáo. - Đây là lần thứ ba trong tuần rồi. Vấn đề của cậu là gì nhỉ? Cậu nhớ mẹ ở nhà à?
Trong lúc cố động não để tìm ra câu trả lời hợp lý, tôi vẫn nhanh trí để không phải nói ra sự thật. Tôi nói to:
- Hoàn toàn không phải, thưa ngài! Tôi không nhớ nhà, không một phút nào cả, thưa ngài! - Tôi nhìn thẳng vào mắt viên sĩ quan. Dường như ông ấy chẳng hề bận tâm mấy đến câu trả lời theo kiểu ứng khẩu của tôi. Môi tôi run lên, còn chân thì cố gắng trụ vững. - Điều đó sẽ không xảy ra lần nào nữa đâu, thưa ngài! Không bao giờ nữa cả! - Tôi hứa bằng một giọng run rẩy.
- Phải chắc rằng chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa, binh sĩ. Phải chắc! Cậu hiểu điều đó không?
- Vị thượng sĩ nói xong thì đứng bật dậy, bước tới đứng cách tôi khoảng vài bước. - Không quân Hoa Kỳ không có chỗ cho bất cứ cậu bé yếu đuối suốt ngày chỉ biết nhớ mẹ, nhé. Mục tiêu duy nhất của chúng ta, mục đích duy nhất của chúng ta là phải bảo vệ tự do cho nền dân chủ này. Đã rõ chưa? Nếu cậu không thông được tầm quan trọng của nhiệm vụ đó, hãy cuốn gói ra khỏi đây! Nếu cậu vẫn muốn tiếp tục tham gia khóa huấn luyện, tôi sẽ vẫn để cậu tham gia, nhưng tôi sẽ cho cậu kiểm tra tâm lý để áp dụng liệu pháp y tế phù hợp. Tôi nói có chỗ nào chưa rõ với cậu không… Binh sĩ Pelzer?
Tôi như nín thở.
- Rất rõ, thưa ngài! - Ngay khi vừa thốt ra những lời ấy, tôi biết "kế hoạch vĩ đại" của mình thế là đã tan theo mây khói. Ước mơ khi ấy của tôi - ước mơ bên mái nhà làm bằng gỗ ghép, tôi ngồi cùng cha ngoài hiên hay cùng câu cá bên Dòng sông Nga
(5) - đang mờ dần đi. Sau khi được vị thượng sĩ cho lui ra, tôi chào ông ấy rồi rời khỏi văn phòng. Ngay lập tức, tôi chạy vào nhà vệ sinh mà nôn thốc nôn tháo. Chân tay tôi bủn rủn và mỏi nhừ, tôi nguyền rủa bản thân đã để cho mẹ tiếp tục kiểm soát mình. Tôi thấy vô cùng xấu hổ.
Sau trận ói mửa lần ấy, tôi đâm ra giận dữ - không phải với mẹ mà với chính bản thân tôi. Những gì tôi đã học được - từ việc đọc sách về những cuộc phiêu lưu mạo hiểm vĩ đại trong những tháng ngày đen tối dưới ga-ra của mẹ đến việc phải lao động không ngừng nghỉ trong các nhà hàng thức ăn nhanh - theo một cách nào đấy đã khiến tôi thấy khá hơn và cho tôi hành trang bước vào một cuộc sống tốt đẹp hơn, một cuộc sống thật sự. Nếu tôi bị buộc phải rời khỏi quân ngũ, thì đó là lỗi lầm của tôi, không phải của bất cứ ai khác. Vì thế, đúng như hàm ý mà vị thượng sĩ đã cố tình nhấn mạnh: Tôi phải làm điều gì đó để thay đổi tình trạng hiện tại của mình.
Buổi sáng hôm đó, tôi đã cố nghĩ ra cách làm thế nào để những sự cố như thế không tái diễn, cũng là để khỏi bị người khác khinh khi. Bị sa thải khỏi quân ngũ do sự non nớt hay những giấc mơ trẻ con không phải là điều tôi mong muốn. Vì tôi hay gặp ác mộng khi trời gần sáng và người đồng đội của tôi, Randy là một người ngủ tỉnh, thế nên tôi nhờ cậu ấy đánh thức tôi dậy ngay khi tôi bắt đầu có bất kỳ dấu hiệu nào. Nhưng sau hai đêm, tôi cảm thấy như thế là quá phiền anh bạn Randy của mình, thế nên tôi quyết định tình nguyện nhận ca trực từ hai giờ đến sáu giờ sáng. Ý tưởng ấy lập tức phát huy tác dụng, nhưng những ngày sau đó, việc thiếu ngủ khiến tôi không thể tập trung vào các bài tập huấn luyện. Trong lớp học, cứ cầm quyển sách lên là tôi lại thấy chữ nghĩa trở nên mờ ảo và dính chùm vào nhau. Tôi thường xuyên ngủ gật trong lớp và bị viên sĩ quan huấn luyện nổi giận đánh thức dậy. Suốt buổi tập dợt diễu binh, tôi bước lệch chân liên tục và nhanh chóng bị đuổi ra ngoài để tập đi một mình cho chuẩn xác dưới cái nắng gay gắt của Texas, để khỏi gây cản trở cho đồng đội của mình. Tôi bị các sĩ quan huấn luyện chỉ trích vì sự lơ là, thiếu tập trung và sự vụng về của mình.
Nhưng tôi quyết không đầu hàng. Tôi không để tâm đến việc mình bị khiển trách; nếu có điều gì làm tôi bận tâm thì trong từng hoàn cảnh cụ thể, sự đấu tranh nội tâm trong tôi sẽ cho tôi sức mạnh vượt qua những yếu đuối của mình. Chỉ cần tôi không bị buộc phải gặp bác sĩ tâm thần, thì việc luyện tập duyệt binh bằng chân trần trên mặt đường nhựa nóng rát chẳng là gì đối với tôi.
Lời đồn đại về sự vụng về cũng như những cơn ác mộng hằng đêm của tôi lan ra khắp nơi, thế là tôi bị mọi người nhìn bằng ánh mắt thương hại và kẻ cả.
Giờ đây tôi chỉ còn có thể nói chuyện với những đồng đội cùng chung nhiệm vụ lau chùi nhà xí. Trong phân môn sau cùng, đơn vị chúng tôi được thưởng bằng cách được ra ngoài vào các buổi trưa cuối tuần. Tôi từ chối tham gia và ở lại doanh trại để xem lại bài vở, tập diễu binh trên những hành lang dài vắng tanh, để là những bộ quân phục của mình cho thật phẳng phiu, để đánh bóng đôi ủng bằng một trái banh vải ẩm ướt cho đến khi chúng sáng bóng như gương. Nhiều giờ sau đó, từng toán đồng đội của tôi quay trở về. Họ bắt đầu khoe khoang về chuyến đi chơi của mình. Rằng họ đã uống bia, nhảy nhót, và các cô gái bên ngoài đã ngưỡng mộ thế nào khi họ khoe những bộ quân phục của lính không quân. Về phần tôi, tôi chỉ đếm từng ngày để được tham gia khóa huấn luyện dành cho lính cứu hỏa mà thôi. Quan trọng hơn, tôi còn nhẩm tính số tiền đã để dành được trong thời gian tham gia quân ngũ. Càng dành dụm được nhiều tiền, trong tôi càng trào dâng niềm tự hào về sự thật rằng cuối cùng thì tôi cũng thực hiện được một bước của kế hoạch mua một căn nhà bên Dòng sông Nga.
Trong tuần lễ cuối cùng của khóa huấn luyện cơ bản, khi trình bày với vị cố vấn nghề nghiệp về nguyện vọng trở thành lính cứu hỏa của mình, qua ánh nhìn dè dặt của ông, tôi biết sở nguyện của mình sẽ không thành hiện thực. Viên sĩ quan không nhìn tôi, ông vừa lục lọi xấp giấy tờ vừa lầm bầm:
- Binh sĩ… có một chút thay đổi trong đề xuất chuyên môn của cậu, và… là thế này, trước khi điều này được làm rõ… thì… đừng hỏi tôi lý do tại sao…nhưng những việc này đã xảy ra… vì vậy…
Vị cố vấn chưa dứt lời, tôi đã thấy như đất trời sụp đổ dưới chân mình.
Trong thoáng chốc, tôi nghĩ rằng vấn đề có thể là do những vi phạm liên tục của tôi trong thời gian qua và kết quả "đánh giá tâm lý" không được bình thường. Tôi lắc đầu, chỉ mong sao viên sĩ quan kia đang đùa cợt mình, và rằng đây chỉ là một phép thử mà các chuyên viên tư vấn dành cho những anh lính trẻ non nớt như tôi.
- Thưa ngài, tôi không hiểu. Ý ngài là gì ạ?
Vị sĩ quan đằng hắng và nói luôn rằng các vị trí dành cho lính cứu hỏa đã hết.
- Không sao. - Tôi kiên trì. - Tôi có thể đợi mà.
- Không thể được! - Vị cố vấn phản đối lời tôi ngay. - Không còn chỗ trống nào nữa cả. Cậu, - ông ấy vừa nói vừa chỉ tay thẳng vào cặp kính gọng nhựa màu đen của tôi, - không thể, tôi nhắc lại là, cậu không thể trở thành một lính cứu hỏa được!
Tôi gạt bỏ mọi nghi thức kỷ luật quân đội, cố hỏi vặn:
- Nhưng… đó là vị trí tôi đã đăng ký cơ mà. Đó cũng chính là lý do tôi nhập ngũ. Tôi…
- Tôi xin lỗi, - viên sĩ quan ngắt lời tôi. - Tôi thật sự xin lỗi cậu. Nhưng nhiệm vụ nào cần thiết thì phải được đặt lên hàng đầu…
- Nhưng, thưa ngài! - Tôi cắt ngang. - Tôi đã mất rất nhiều thời gian để được có mặt ở đây… để hoàn thành tất cả các bài thi ấy, để tham gia phỏng vấn…
Điều này không thể được. Ý tôi là, cả cuộc đời này của tôi, tất cả mong ước của tôi… cha tôi! - Tôi hét lên. - Ông ấy là một…
- Nghỉ! Bình tĩnh nào, binh sĩ. - Viên sĩ quan ngắt lời tôi. - Lực lượng không quân không thể đáp ứng hết mọi nguyện vọng của các cậu! Nghe đây, - ông ấy hạ thấp giọng một chút. - Tôi hiểu trường hợp của cậu. Tôi cũng còn vài trường hợp nữa cũng tương tự như cậu. Lúc mới đăng ký cậu cũng biết rằng tùy vào từng loại nhiệm vụ cụ thể mà sẽ có sự ưu tiên. Tại thời điểm này, không quân đang ưu tiên cho nhiệm vụ có số hiệu 62210s.
- 62210s? - Tôi hỏi lại, người tựa hẳn vào bàn ông ấy.
Vị sĩ quan lấy ra một tập hồ sơ, lật lật vài trang như để tìm công việc ứng với mã hiệu ông vừa nói. Cứ nhìn cái cách của ông thì tôi biết mình sẽ sốc thêm lần nữa.
- À, là chuyên gia dinh dưỡng.
- Gì cơ, thưa ngài? - Tôi lắc đầu, mắt mở to hỏi lại ông ấy.
- Là đầu bếp, binh sĩ Pelzer. Cậu sẽ là một đầu bếp. Thôi nào, - vị sĩ quan lại chuyển sang giọng điệu đầy hoan hỉ, - công việc này khá tốt cho cậu đấy chứ. Cậu chỉ việc vào ca vài giờ, rồi về nhà - từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều. Như giờ làm việc của nhân viên ngân hàng ấy nhỉ. Giống một cuộc dạo chơi thôi mà. Này, ở hầu hết các căn cứ, sẽ có người nấu nướng, họ sẽ làm hết, cậu chỉ giám sát thôi!
- Vậy… trong thời gian trống, tôi có thể đi học hoặc làm một công việc ngoài giờ được chứ ạ? -Tôi hỏi dò. Gần như tôi đã chấp nhận số phận của mình, và chẳng hiểu sao tôi còn cố gắng nhẩm tính trong đầu đường đi nước bước nhằm làm một cuộc lội ngược dòng để đạt được mục đích của mình bất chấp những ngăn trở trước mắt.
- Nghe đây, - vị cố vấn tiếp, - cậu có rất nhiều thời gian, cậu sẽ trở thành một gã nhàn rỗi chán ngắt nếu cậu không tham gia vào một hoạt động nào đấy khác đi. Rồi cậu sẽ sống cả phần đời còn lại của mình ở những nơi khỉ ho cò gáy mà thôi. Nhưng này, tôi chưa từng thấy chuyện đó xảy ra bao giờ. Đừng có quan trọng hóa như thế. Trong ba năm, nếu cậu hoàn thành tốt nhiệm vụ, cậu có thể được huấn luyện lại và trở thành lính cứu hỏa.
- Nhưng nếu tôi ở lại, tôi muốn được bay. Đó là lý do tôi muốn đi học. - Tôi thẳng thắn.
- Được rồi, chắc rồi. Sao cũng được cả. Đừng quá lo lắng. Chỉ cần cậu ký vào tờ giấy mà tôi đã tóm gọn cho cậu nãy giờ là được. Và đừng lo lắng gì hết, cậu cứ cố gắng thật nhiều vào là ổn. Chuyện gì cũng có thể xoay chuyển được hết. Cứ phấn đấu nhé!
Không chút do dự, tôi chộp lấy cây viết, nguệch ngoạc ghi tên, cấp bậc của mình và ngày tháng vào tờ giấy. Thật lạ lùng là sau nhiều tháng trời ấp ủ ước mơ mãnh liệt, cuối cùng cuộc đời tôi cũng chuyển sang một hướng mới mà tôi không thể nào kiểm soát được. Tôi cảm thấy hoàn toàn bất lực. Những ước mơ thơ trẻ của tôi bỗng chốc đã bị xóa sạch chỉ bởi một vết bút. Tôi nhìn cây viết bi màu đen rẻ tiền có đóng dấu CHÍNH PHỦ HOA KỲ một lúc rồi ném nó lên chồng giấy nằm trên bàn. Tôi lặng người, lững thững đi ra khỏi văn phòng, quên cả xin phép viên sĩ quan.
Vài tuần sau khi tốt nghiệp khóa huấn luyện cơ bản và được chuyển tới căn cứ huấn luyện chuyên biệt, cú sốc khi phải phục vụ trong không quân với vai trò là một đầu bếp mới bắt đầu tan biến. Tôi xấu hổ đến nỗi không dám kể chuyện này với cha mẹ nuôi của mình. Tôi phải đối diện với một sự thật rằng tôi đã khiến cha ruột của tôi thất vọng. Tôi biết, việc trở thành một người lính cứu hỏa rất có ý nghĩa với cha, và dường như cha đã rất phấn khởi khi tôi gọi cho ông vài ngày trước khi nhập ngũ. Tôi đã rất khát khao để gây ấn tượng với cha, để cha phải ngạc nhiên khi thấy David Pelzer - một thằng bé không được thừa nhận, đứa trẻ bị mẹ mình xem như một thứ đồ vật - một ngày nào đó sẽ được người khác tin tưởng mà giao phó trọng trách bảo vệ mạng sống cho nhiều người khác, giống như người hùng một thời của tôi… cha tôi.
Tôi còn nhớ hôm tôi gọi cho cha, khi huyên thuyên với cha về những kế hoạch vĩ đại của mình, rằng tôi sẽ lấy được chứng nhận lính cứu hỏa sau khóa huấn luyện cơ bản, tôi cảm nhận được cha hạnh phúc thế nào ở đầu dây bên kia. Những cơn ho dữ dội hành hạ ông bấy lâu nay cũng tạm lắng xuống, và giọng nói của ông dường như bớt căng thẳng hơn, ấm áp hơn. Tôi gần như bật khóc khi nghe cha gượng cười một cách mệt mỏi và nói rằng ông tự hào về tôi biết bao.
- Con sẽ làm tốt thôi, Cọp con à. Con sẽ ổn thôi.
Tôi giữ chặt điện thoại bằng cả hai tay, áp sát vào tai và im lặng thật lâu như muốn nghe lại cho rõ từ "Cọp con". Lúc tôi còn bé, trước khi thế giới của tôi trở nên đen tối không chút hy vọng, thì "Cọp con" chính là cách gọi thân thương mà cha trìu mến dành cho tôi. Sau khi cúp điện thoại, tôi cứ tần ngần. Sau ngần ấy năm, cha vẫn nhớ cái tên gọi tuy đơn giản nhưng rất đỗi thân thương và quý giá với tôi. Từ tận đáy lòng, tôi khao khát mơ đến một ngày có thể làm cho cả cha lẫn mẹ phải tự hào về tôi. Hơn nữa, chẳng hiểu sao tôi lại nghĩ rằng nếu tôi trở thành một người lính cứu hỏa, tôi sẽ giúp xoa dịu nỗi cô đơn và những đau đớn mà cha đã phải chịu đựng trong những năm tháng qua - vì một đứa con trai, một người vợ, và cả một gia đình mà ông đã và sẽ không thể bảo vệ.
Tôi tạm gác lại những ước mơ cháy bỏng, chôn sâu lòng tự tôn vào một góc khuất trong lòng để tập trung thể hiện hết khả năng của mình trong công việc trước mắt. Với kinh nghiệm sẵn có từ những năm tháng làm việc cho các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, tôi nhanh chóng thích nghi với những buổi tập huấn đầu bếp. Tôi thao tác thuần thục với các loại nguyên vật liệu và đạt được điểm số gần như tuyệt đối với kỹ năng thực hành khiến cả lớp phải sững sờ thán phục. Trong khi những người đồng cấp với tôi để mặc cho thức ăn bừa bãi, lộn xộn, thì tôi phân chúng theo từng kích cỡ, công thức nấu nướng rồi chia ra cho từng ca trực sử dụng. Dù tôi nấu món gì - trứng chiên mỏng với bột phó mát phủ ở trên, món rau quả tươi sống, hay món sườn nướng BBQ
(6) thì tôi đều cảm nhận được rằng tôi luôn hoàn thành xuất sắc vai trò của mình trong việc tạo nên những bữa ăn hoàn hảo. Mỗi khi giám sát viên hoặc bất cứ ai đi qua khu vực nhà bếp, hoặc khi một đồng đội bên không quân ‘ném’ cho tôi một lời khen tặng nào đó thì lòng tôi lại lâng lâng tự hào.
Những lúc rảnh rỗi, trong khi các đồng đội thoải mái tiệc tùng tại Câu lạc bộ dành cho lính không quân, thì tôi vẫn ở lại trại lính, quyết tâm dè sẻn từng đồng. Tôi vùi đầu vào những cuốn sách viết về lịch sử của không quân hay về những trận không chiến dữ dội. Chẳng bao lâu, tôi đâm nghiện những cuốn sách này và bắt đầu tạo nên một thư viện về hàng không của riêng mình. Mỗi lần được trả lương, tôi trích ra một ít để mua những mô hình máy bay đặc biệt mà theo những hiểu biết của tôi thì chúng đã làm thay đổi lịch sử ngành hàng không. Tôi nhanh chóng trở thành một bộ bách khoa toàn thư sống về lĩnh vực hàng không, và tôi khao khát một ngày nào đó tôi cũng có thể tạo nên một điều gì đó khác biệt cho thế giới mới của mình, thế giới của những chuyến bay.
Dù ngày hay đêm, bất kể khi nào căng thẳng vì việc học tập không ngừng nghỉ, tôi lại ra ngoài, đi bộ vài vòng quanh doanh trại. Những lúc ấy tôi lại đi về phía hòm thư của mình, mắt ngập ngời hy vọng. Tôi lầm rầm cầu nguyện thật nhanh, hít thật sâu trước khi mở khóa. Nhưng lần nào cũng vậy, tôi luôn chuẩn bị tinh thần để đón nhận cảm giác khi tia hy vọng heo hắt nhất cũng tắt ngấm. Tôi tự trấn an mình bằng cách nhún vai như thể tôi không hề bận tâm. Như thế tôi sẽ bớt đau buồn hơn. Cũng như những năm tháng sống trong ngôi nhà của mẹ, để bảo vệ mình, tôi đã dập tắt mọi cảm xúc và tạo cho mình một vỏ bọc thật cứng rắn, lì lợm.
Một ngày nọ, vào giờ nghỉ trưa, tôi quyết định không kiểm tra hòm thư. Tôi tự nhủ mình sẽ đi ngang đó mà không mảy may suy nghĩ gì cả. Tôi đã chịu đựng nỗi thất vọng quá nhiều rồi. Chỉ còn năm bước chân nữa là đến hòm thư, tôi dợm chân quay lưng đi nhưng rồi vội vã quay trở lại. Vài giây sau, tay tôi run rẩy lấy ra một bức thư nhăn nhúm, bết bẩn. Tôi há hốc nhìn trân trân vào mấy dòng chữ viết vội vàng không rõ nét. Tim tôi đập liên hồi, tay chân run lên bần bật trong lúc luống cuống mở phong thư. Tôi vội lướt qua lá thư, cả người cứng đờ. Những dòng chữ nguệch ngoạc là của cha.
Một người bạn thấy tôi đứng chết lặng đã đến gần lay tôi.
- Cậu có chuyện gì thế? Tôi vẫn bất động.
- Cha… à…, cha của tớ… ông ấy không khỏe… Bạn tôi thở dài lắc đầu.
- Tớ hiểu rồi. Nhưng cậu cũng không nên lo lắng quá như thế. Cha mẹ nào rồi cũng đến tuổi già yếu. Nhưng chắc là đã có mẹ cậu lo cho ông ấy rồi. Thôi nào… chuyện gì đến sẽ đến thôi.
Không! Tôi muốn thét lên. Cậu không hiểu đâu… Nhưng tôi kịp định thần lại. Cậu bạn vỗ vỗ vai tôi ra chiều thông cảm rồi chạy biến vào đám đông những người lính không quân khác đang lấy thư và reo hò giơ những bức thư lên cao. Tôi cúi đầu lủi thủi lùi dần khỏi đám đông ồn ào náo nhiệt ấy. Ước gì tôi chưa từng nhận được lá thư kia...
Tôi lang thang bên ngoài doanh trại, lòng ngổn ngang. Tôi nặng nề lê bước đến một băng ghế dài và ngồi xuống. Tôi hoang mang đến nỗi không thể hiểu ngay được nội dung trong thư. Khi lờ mờ hiểu ra, tim tôi như thắt lại. Trong thư, cha cho hay ông đang phải trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn. Ông không thể tìm được việc làm thêm, không ai nhận ông rửa chén bát hay phục vụ trong nhà hàng thức ăn nhanh nữa. Thời gian đầu, cha còn xin bạn bè ngủ nhờ qua đêm, nhưng về sau, cảm thấy không thể làm phiền mọi người mãi như vậy được, cha đành lang thang, co ro trong những hẻm tối khi đêm xuống. Tôi muốn gửi cho cha một ít tiền để phần nào giúp cha đỡ khốn đốn.
Tôi đọc lại lá thư một lần nữa, rồi lật tới lật lui chiếc phong bì nhàu nát để tìm địa chỉ hồi âm. Nhưng không có gì cả. Chữ viết của cha trước kia rất dễ đọc, nhưng nét bút của ông trong lá thư này thì hoàn toàn khác hẳn. Cả bức thư câu nào cũng viết dở dang, lan man không có chủ đích. Từ ngữ thì bị
sai chính tả, lộn xộn và vô nghĩa. Càng nhìn những dòng chữ của cha, lòng tôi càng nghẹn ngào từng cơn đau nhói. Nhưng rồi bất chợt tôi nghĩ rằng có thể cha đang say khi viết lá thư này cho tôi. Đó có vẻ là tình huống khả dĩ nhất. Điều đó giúp giải thích tại sao lá thư lại bị lấm lem như vậy, nét chữ của cha lại run rẩy như vậy, và, quan trọng hơn cả, là tại sao cha lại quên để địa chỉ trên bì thư.
Trong thoáng chốc, tôi thấy sợ hãi. Tôi cảm thấy xấu hổ vì cuộc sống hiện tại của cha. Làm thế nào, tôi tự hỏi, làm thế nào mà cha cứ vùi đầu vào men rượu một cách ngu ngốc đến thế? Lẽ ra cha phải nhận ra rằng những cuộc chè chén say sưa - cung cách sống bấy lâu nay của ông - chỉ đưa ông đến chỗ chết mà thôi. Tại sao? Tôi thổn thức. Tại sao cha không thể từ bỏ nó một lần vì phần đời còn lại của ông chứ? Ngày xưa, khi còn là một người lính cứu hỏa, cha đã can trường thế cơ mà; vậy thì tại sao ông không thể tập trung sức mạnh ý chí của mình để từ bỏ một điều đơn giản như thế? Quẳng chai rượu sang một bên chẳng lẽ lại khó khăn đến thế sao?
Tôi nhắm mắt, hồi tưởng về khoảng thời gian bất tận mà cha say xỉn hầu như mỗi ngày. Những lúc đó, ông nằm vật ngay giữa nhà, hai mắt đỏ lừ và quần áo thì bốc mùi nồng nặc. Đó cũng là khoảng thời gian cha luôn hứa hẹn một ngày nào đó, bằng một cách nào đó, cha sẽ giải thoát tôi khỏi móng vuốt của mẹ. Tôi đã đặt trọn niềm tin nơi cha, nhưng rồi tôi sớm nhận ra tất cả chỉ là những hứa hẹn hão huyền của cha mà thôi.
Tôi cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng. Với tôi, cha không phải là người xấu. Có thể sự hung tợn của mẹ đã đẩy cha vào con đường nghiện ngập. Có thể vùi đầu tìm những cơn say là lối thoát duy nhất của ông.
- Tôi biện hộ. "Ôi, Chúa ơi!" - Tôi gục đầu vào lòng bàn tay. Lẽ nào cha nghiện ngập là để trốn chạy khỏi cảnh sống địa ngục giữa mẹ và tôi? Lẽ nào tôi chính là nguyên nhân khiến cha ra nông nỗi này?
Tôi rùng mình. Cảm giác ray rứt cứ dằn vặt trong tôi. Nếu tôi chính là nguyên nhân đẩy cha vào cảnh sống lây lất như thế này, thì tôi cũng phải chịu trách nhiệm về mọi chuyện. Tôi phải chịu trách nhiệm về việc gia đình mình bị hủy hoại, chịu trách nhiệm cho sự chia ly của cha mẹ, chịu trách nhiệm về sự sa sút của cha trong công việc ở đồn cứu hỏa; tôi chính là nguyên nhân cho cuộc sống hiện tại của cha. Tôi bật khóc nức nở.
Trong hoàn cảnh này, tôi nghĩ mình nên gửi cho cha một ít tiền. Cho dù cha có dùng số tiền ấy để mua rượu, tôi cũng sẽ gửi. Sau tất cả những khổ ải mà tôi đã gây ra cho cha, đây là điều tối thiểu tôi có thể làm cho ông. Nếu số tiền đó có thể giúp xoa dịu phần nào nỗi cô đơn và tuyệt vọng trong cha dù chỉ trong vài giờ ngắn ngủi, thì cũng cứ nên làm như thế.
Tôi hít một hơi thật sâu. Tôi đã xác định việc trước mắt mình cần làm. Tay chân tôi thôi run rẩy. Tôi quẹt nước mắt, nhìn xuống phong thư dúm dó. Mọi thổn thức trong tôi như vỡ òa khi tôi nhớ ra cha đã không để lại địa chỉ của ông trên thư.
- Khốn nạn thật! - Tôi bật khóc tức tưởi. - Tại sao chứ? - Tôi nắm chặt lá thư. - Sao cuộc đời lúc nào cũng thích trêu đùa với mình thế này chứ!
Ròng rã mười hai năm trời, mẹ đã bày ra nhiều trò để hành hạ và giết hại tôi, nhưng không khi nào tôi chống trả. Tôi cũng không bao giờ trốn chạy. Tôi chỉ âm thầm chịu đựng sự ngược đãi của mẹ bằng cách gồng mình để sống sót qua từng ngày, từng giờ. Thời gian làm con nuôi, cuộc sống của tôi không phải lúc nào cũng êm đẹp, nhưng tôi đã rất cố gắng để tiếp tục sống. Đến tuổi vị thành niên, trong khi những đứa bạn đồng trang lứa mải mê chơi bời, tôi lại lao vào làm việc cật lực. Đến lúc nộp đơn xin gia nhập quân ngũ, tôi cũng phải mất nhiều thời gian hơn mọi người mới có thể được góp mặt trong lực lượng không quân. Khi ước mơ được trở thành một người lính cứu hỏa vỡ tan tành vì những rắc rối tôi đã gây ra, tôi vô cùng hụt hẫng. Còn giờ đây, tôi thậm chí không giúp nỗi cha mình chỉ bởi vì ông không để lại địa chỉ hay số điện thoại liên lạc. Tôi cũng không thể gọi cho mẹ và hỏi thông tin về cha, bởi từ lâu tôi đã không được phép liên lạc với gia đình quý hóa của bà ấy. Tôi ngồi đó trong bế tắc. Tôi chỉ ước gì mình là một ai khác, chứ không phải David James Pelzer. Tôi gục đầu vào tay, cố gắng vắt óc để tìm ra giải pháp.
Tôi nghĩ không còn cách nào khác ngoài việc cầu mong cho cha sẽ viết tiếp cho tôi một bức thư khác với đầy đủ địa chỉ hồi âm. Thế là tôi cầu nguyện. Bất cứ khi nào phải đối mặt với những khó khăn không thể giải quyết, tôi lại nghĩ đến Chúa. Lúc bé, khi phải sống trong cảnh bị ngược đãi tăm tối, tôi luôn cầu nguyện một lúc nào đó Ngài sẽ cứu vớt tôi khỏi tay mẹ; còn giờ đây, tôi nguyện cầu Người hãy che chở cho cha tôi được bình an. Tôi xin Ngài bằng cách nào đó, hãy xoa dịu nỗi đau đang ngày đêm giày vò cha tôi.
Tôi lầm rầm cầu nguyện. Quanh tôi, tuyết phủ trắng xóa. Trắng cả bộ quân phục tôi đang mặc, trắng cả băng ghế tôi đang ngồi, cả đất trời phủ một màu trắng lạnh lẽo. Các đầu ngón tay của tôi tím bầm, tê cóng, vành tai tôi nhức nhối đau vì lạnh, nhưng tôi vẫn thấy lòng nhẹ nhàng và ấm áp. Một cơn gió từ đâu thốc đến, thổi vào mặt tôi rát lạnh. Tôi nheo mắt, khẽ rùng mình.
- Tất cả tùy thuộc ở Đức Chúa. - Tôi tự nhủ. Lúc này, chỉ có Chúa mới bảo vệ được cha mà thôi.
Ngày dài thành tuần, tuần dài thành tháng. Thời gian cứ thế thẫn thờ trôi. Tôi càng trông đợi, càng cầu nguyện, thì cha tôi càng bặt vô âm tín.
Sau khi tốt nghiệp khóa huấn luyện chuyên môn, tôi được chuyển đến căn cứ thường trực ở vành đai Florida. Tại đây, tôi đã rất hy vọng mình sẽ được làm việc bài bản đúng như lời vị cố vấn đã vẽ vời trong thời gian tôi còn theo học khóa huấn luyện cơ bản. Nhưng thực tế quả thật quá khác biệt. Tôi phải đóng quân cùng một nhóm kỹ sư chiến trận, suốt ngày làm việc dưới một cái lều tạm bợ chứ không được chỉ đạo người khác trong một khu nhà có gắn máy điều hòa như vị cố vấn từng nói. Tôi rất sợ cảm giác phải bò ra khỏi giường vào lúc tờ mờ sáng, sau đó lái xe hơn một giờ đồng hồ qua một vùng hoang vắng để đến địa điểm đã xác định, và cứ thế làm việc liên tục, không nghỉ, rồi hoàn tất công việc vào lúc chín giờ tối, để rồi hôm sau cũng lặp lại chu trình như ngày hôm trước. Tôi ghét cay ghét đắng công việc này. Tôi thấy mình thật thấp kém, hèn mọn như lúc còn sống với mẹ vậy.
Cũng như mọi khi, tôi cố kìm nén lòng tự tôn và đối mặt với thử thách. Nhưng càng cố gắng, tôi càng thấy bức bối và chẳng làm được việc gì nên thân khi hai người giám sát khó tính lúc nào cũng kè bên, luôn miệng mắng mỏ vì bất kỳ sơ sót lớn nhỏ nào của tôi. Nhưng tôi quyết không thoái chí. Thay vì thức dậy lúc 4 giờ rưỡi như những người khác, tôi dậy lúc 3 giờ để đảm bảo tuyệt đối đúng giờ. Trong lúc những người khác trình diện để nhận nhiệm vụ, thì tôi đã phải hoàn tất nấu nướng và mang ra ngoài để sẵn sàng phục vụ mọi người. Sau khi xong việc, tôi còn phải đợi lệnh để thực hiện vài nhiệm vụ khác nữa. Thời gian cứ thế trôi qua, trong tôi luôn dồn nén một cảm giác nặng nề, áp lực. Tôi thấy như mình đang ở trong một cái vòng luẩn quẩn không lối thoát. Chỉ một thời gian ngắn sau, tôi phát hiện ra mình là đầu bếp duy nhất phải chịu trách nhiệm cho tất cả mọi việc liên quan đến bếp núc, không một ai khác giúp tôi. Đã thế, trong lúc tôi làm việc, các vị sĩ quan đều dồn mắt săm soi để bắt ra những sai sót của tôi. Trông thấy tôi mồ hôi nhễ nhại, các viên sĩ quan và lính không quân khác có vẻ hài lòng lắm.
Một buổi trưa nọ, người giám sát tôi là Trung sĩ Kỹ thuật Campbell, một người đàn ông da đen cao lớn, người luôn hét ầm tên tôi trong khi hai hàm răng trắng bóng vẫn ngậm hờ một điếu xì gà to đùng, đã bất ngờ gọi tôi lại.
- Nghe đây binh sĩ Pelt-der, cậu đúng là một chàng ngốc chỉ biết đến công việc. - Ông ta nói xong rồi cười to.
Tôi cúi nhìn đôi ủng bết bẩn của mình.
- Tôi đã rất cố gắng, thưa Trung sĩ Campbell.
- Cậu phải hiểu rằng, công việc của phi đội là xây dựng các căn cứ quân sự từ chỗ không có gì cả, và sửa chữa đường bay nếu chúng bị hư tổn sau khi bị kẻ thù tấn công. Đường bay không được sửa chữa thì máy bay không thể cất cánh. Mọi người sẽ không thể làm việc được nếu họ bị bỏ đói. Điều đó quá đơn giản mà. Cậu có hiểu những điều tôi nói không? - Tôi gật đầu. - Tôi bắt cậu làm việc cật lực để xem cậu có bỏ cuộc hay không. Đó là lý do tôi áp chế cậu. Áp chế cậu thật nhiều. Hãy hoàn tất mọi công việc, đó là những gì tôi muốn. Chúng ta có mặt ở đây để sát cánh cùng nhau. Nhưng cậu nên điều chỉnh thái độ của mình đi. Chẳng có gì đáng xấu hổ khi làm một đầu bếp cả. Tôi biết cậu có những mong muốn khác; cậu có thể làm bất cứ điều gì cậu muốn trong tương lai, chứ không phải bây giờ, khi cậu còn ở đây với chúng tôi. - Trung sĩ Campbell tiếp tục. - Cậu đã làm việc rất tốt! Không cần phải có ai trông coi cậu làm gì nữa cả. - Nói xong ông cười toét rồi vỗ mạnh vai tôi.
Lúc đó tôi mới hiểu tại sao trước giờ tôi lại liên tục bị để ý và bị áp lực phải cáng đáng nhiều công việc hơn những người khác. Họ muốn thử tôi. Tôi thở dài. Ít ra mình cũng đã làm tốt một việc mà mình không thích, và mình đã làm bằng cả sự nhiệt tâm.
Trên hết, tôi biết mình không bao giờ đầu hàng, và với tất cả sự quyết tâm trong tôi, tôi tin rồi mình sẽ giành được sự nể trọng của người khác.
Một thời gian ngắn sau đó, tôi nhận nhiệm vụ tạm thời đầu tiên. Được sự tin tưởng của Trung sĩ Campbell, tôi cùng hai đồng đội nữa là ba đầu bếp phục vụ cho một nhóm phi công và chuyên viên hỗ trợ ở một địa bàn xa xôi. Chúng tôi làm việc từ lúc trời tờ mờ sáng đến tận tối mịt, và những nỗ lực của chúng tôi đã được tưởng thưởng xứng đáng bởi sự thừa nhận và ca ngợi của mọi người. Trong thời gian này, tôi đã dần thấy lòng mình trào dâng một niềm tự hào khó tả, bởi tôi hiểu tuy chỉ là những việc nhỏ bé, nhưng ít nhiều tôi cũng đã cống hiến hết sức mình cho thành quả chung của nhóm.
Một buổi tối nọ, trong khi hai đầu bếp kia đi đến quán rượu địa phương để giải trí, thì tôi chỉ ở nhà nghiền ngẫm mấy quyển sách. Thật ra, lý do chính là tôi luôn cảm thấy thiếu tự tin khi đứng trước mọi người. Trong khi những người lính khác có thể say sưa kể những câu chuyện về nơi họ đã sinh ra, về ngôi nhà họ đã sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, về những cuộc rong chơi khi tuổi đến trường, về những buổi hẹn hò lãng mạn… thì tôi lại trở nên sợ sệt, thu mình lại như một pho tượng mỗi khi có ai nhắc đến những chuyện đó. Mỗi khi có ai bắt chuyện, tôi không thể nhìn thẳng vào mắt họ, tôi chỉ đứng nép mình và tìm cách né tránh. Vì vậy, tôi quyết định tốt hơn mình nên ở nhà, còn hơn là biến mình thành một thằng ngốc vụng về trong mắt mọi người.
Nhiều giờ sau khi đọc xong vài chương sách, đọc đi đọc lại lá thư mà tôi đã viết cho cha nhưng sẽ không bao giờ gửi được, tôi vẫn dán mắt lên trần nhà, trằn trọc không tài nào ngủ được. Dường như có cái gì đó khiến tôi cảm thấy không thoải mái. Tôi cứ trằn trọc như thế cho đến khi các đồng đội trở về. Cả đêm hôm đó, tôi cũng chỉ lăn qua lăn lại, bồn chồn mãi cho đến khi trời sáng.
Ngày hôm sau, sau khi phục vụ xong bữa ăn trưa, một đầu bếp đồng đội chuyển ổng nghe điện thoại cho tôi rồi vội quay đi. Tôi thấy hơi lúng túng. Lưỡng lự một lúc, tôi đưa ống nghe lên tai:
- Alô? - Tôi nói rành mạch.
- Có phải David đó không? - Giọng nói dường như bị đứt quãng vì khoảng cách địa lý quá xa.
Tim tôi như ngừng đập.
- Mẹ, có phải mẹ không? Có chuyện gì vậy mẹ? Đã xảy ra chuyện gì sao? Làm sao mẹ có số điện thoại này? Sao mẹ lại gọi cho con? - Tôi hỏi dồn người mẹ nuôi của mình như sợ sẽ bị mất tín hiệu giữa chừng.
- Chúa ơi! - Alice kêu lên. - David, ta xin lỗi con. Ta xin con, hãy tha lỗi cho ta. Phải mất mấy ngày, ta muốn nói là phải vài ngày ta mới liên lạc được với con… Phi đội của con… ở Florida… họ không biết chắc con đang ở đâu… Ta đã cố gọi từng số điện thoại họ cho ta. Con ơi, hãy biết rằng ta…
- Khoan đã! Mẹ nói chậm lại đi, con không nghe thấy gì hết. Đường dây… đường dây bị nhiễu quá mẹ
ơi. Nói cho con nghe, có chuyện gì? Chuyện gì đã xảy ra vậy mẹ?!
- Harold khỏe. Ta cũng khỏe… David, hãy tin ta, ta đã rất cố gắng. Thề có Chúa, ta đã rất cố gắng…
Bụng tôi bắt đầu quặn thắt lại. Tôi cố phán đoán những tình huống có thể xảy ra, nhưng hình như đó chỉ là cách tôi tự lừa dối mình, bởi câu trả lời dường như đã quá rõ ràng.
- Mẹ nói đi, - tôi nhắm nghiền mắt, tay chân run bần bật, môi rì rầm một lời cầu nguyện, - hãy nói với con… Hãy nói rằng cha con không…
Tôi cảm nhận rõ mẹ Alice ở đầu dây bên kia đã không còn giữ bình tĩnh được nữa.
- Về nhà nhanh lên, David. Về nhà ngay đi con. - Bà nức nở. - Cha con nhập viện rồi. Bác sĩ nói rằng cha con sẽ không thể… ông ấy chỉ còn vài ngày nữa…. Về nhà nhanh lên, David. Về nhanh lên con ơi…
Từng lời của mẹ Alice tựa búa bổ vào tim tôi. Tim tôi như ngừng đập. Tôi đánh rơi ống nghe, quỵ xuống.