Chương 4MỘNG ƯỚC
Tôi hoàn toàn chưa hề chuẩn bị tinh thần để gặp cha. Khi đến bệnh viện Kaiser, nằm ở trung tâm San Francisco, tôi cảm thấy không thể chịu được cô y tá chịu trách nhiệm chăm sóc cho cha tôi. Cô ấy cứ thờ ơ nhìn Alice Turnbough và tôi như thể chúng tôi không hề tồn tại. Cô ấy phớt lờ câu hỏi liệu cha tôi là ông Stephen Pelzer có đang nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt không, huống chi là những câu hỏi khác liên quan đến sức khỏe và sự an nguy của ông. Do chứng mất ngủ kéo dài hành hạ, lại thêm việc vừa trải qua một hành trình dài suốt đêm cùng nỗi khắc khoải khi sắp được gặp cha, tôi hoàn toàn đuối sức và cảm thấy dễ dàng bùng nổ bất cứ lúc nào.
Lúc ngồi trên máy bay, dù đã hình dung đến rất nhiều tình huống khác nhau, nhưng việc đối diện với thực tế vẫn gây cho tôi những căng thẳng không thể tưởng tượng được. Trước đó chừng vài tiếng, tôi dường như rất bình tĩnh trước mỗi ý nghĩ về cha, nhưng giờ đây, tôi đang cố gồng mình tựa người vào bàn hướng dẫn ở bệnh viện để tránh ngã quỵ. Tôi cảm thấy sức kháng cự từng giúp tôi trụ vững, để theo đuổi một mục tiêu rõ ràng nào đó, đang dần mất đi. Mùi thuốc sát trùng nồng nặc khiến mũi tôi muốn ứa máu và ký ức khiếp đảm về những ngày bị mẹ nhốt trong phòng tắm, cho ngửi dung dịch amoniac hòa lẫn Clorox chợt hiện ra như in trong đầu tôi. Nghĩ đến việc không chỉ đối mặt trực diện mà còn phải đương đầu với mẹ bất cứ khi nào bà xuất hiện, tôi cảm thấy mọi thứ như đang rơi vào chốn địa ngục. Tôi chỉ ước một điều duy nhất là làm thế nào đó - chỉ một lần này thôi cũng được - mẹ hãy chôn vùi những thù hằn sâu trong lòng, để cho tôi được ở bên cha mà không trút những cơn cuồng nộ vô lý lên đầu cha con tôi.
Nhưng có thể mình đã suy diễn quá xa chăng? - Tôi tiếp tục tiên đoán. Thật ra chính mẹ đã gọi cho Alice để thông báo về tình hình của cha. Có lẽ có một sự thay đổi nào đó trong chiến lược vỏ bọc phòng thủ của mẹ chăng? Trước lúc lên đường nhập ngũ, tôi gọi báo tin cho mẹ và bà đã tỏ ra vui mừng thái quá, thậm chí còn tỏ vẻ tự hào vì những nỗ lực của tôi nữa. Ngay thời khắc đó, giọng nói ấm áp của mẹ khiến tôi nhớ đến một người mẹ tràn đầy tình yêu thương thuở tôi còn được sống trong vòng tay bảo bọc của gia đình. Có khi nào bệnh tình của cha sẽ mang họ trở về với nhau không? - Tôi tự hỏi. Khi còn bé, trước khi gia đình tôi đổ vỡ, tôi biết cha mẹ rất yêu thương nhau. Tôi cũng từng nghe nói cứ sau mỗi lần khủng hoảng, những mối quan hệ vốn căng thẳng sẽ có cơ hội được hàn gắn. Hẳn là phải có lý do nên cha mẹ tôi mới không ly hôn sau bao nhiêu năm sống ly thân. Vì thế, đây chính là một tia hy vọng để tôi bấu víu. Tôi tin như vậy! Nỗi lo lắng khi cha phải nhập viện giờ đây có thể mang lại điều tốt đẹp nhất cho cả gia đình tôi…
Càng nghĩ đến viễn cảnh tốt đẹp đó, tôi càng nôn nóng muốn gặp cha gấp bội. Cũng như bao người rơi vào hoàn cảnh tương tự, lúc đầu tôi cũng có những phản ứng thái quá. Nhưng khi đã lấy lại bình tĩnh, tôi hình dung ra cảnh mình sẽ làm thủ tục xuất viện cho cha, rồi hai cha con sẽ ở bên cạnh nhau, rồi sau đó có thể là… một ngày thật gần đây… tôi sẽ xuất ngũ trở về, và cả nhà sẽ cùng ngồi ăn tối với nhau. Một cảm giác bình an tạm thời cứ lâng lâng trong lòng. Tôi tự nhủ dù có thế nào đi nữa thì mọi thứ cũng sẽ không tồi tệ như xưa. Mọi chuyện đã thay đổi kể từ giây phút mẹ gạt mối hận thù trong lòng để gọi cho bà Turnbough. Bi kịch sẽ chấm dứt.
Tôi gật đầu tự trấn an mình, nhưng cái chính là gật đầu với người phụ nữ khó chịu ở chỗ phòng y tá. Cô ta cứ làm ra vẻ như mình đang bận giải quyết nhiều vấn đề quan trọng lắm vậy. Nhưng giờ đây thì chuyện đó cũng không làm tôi cảm thấy bực bội nữa. Tôi đã kiểm soát được cảm xúc của mình, và tôi biết rằng mọi thứ sẽ ổn thôi.
Bỗng một nam y tá đeo bảng tên STEVE bước vào. Ông ta liếc đọc dòng tên thêu trên ngực áo bộ quân phục không quân màu xanh của tôi rồi thở dài.
- Cha tôi là ông Stephen Pelzer có ở đây không? Ý tôi là, cha tôi có ổn không, và ông ấy đang nằm ở bệnh viện này, ở tầng này, đúng không? - Tôi buột miệng hỏi dồn. Cô y tá kênh kiệu khi nãy tỏ vẻ khó chịu rồi hất tóc bỏ đi.
Trước khi trả lời tôi, Steve hắng giọng và đặt tay lên miệng như suy nghĩ xem nên nói với tôi thế nào.
- Chúng tôi đang đợi cậu đây. À…cha cậu đang ở đây, và… ừ, ông ấy nằm ở tầng này. Nhưng cậu hãy bình tĩnh đi. Cậu cần biết qua vài điều…
Tôi tròn mắt nhìn ông thúc giục.
- Vậy là… - Tôi càu nhàu. - Nghĩa là sao? Chuyện gì đã xảy ra? Cha tôi bị té, bị gãy một tay? Chuyện là thế nào? Khi nào cha được xuất viện?
Trong lúc Steve gõ gõ tay xuống mặt bàn, phân vân chưa biết phải nói với tôi thế nào, thì tôi nghe thấy tiếng ho khan yếu ớt phát ra từ căn phòng gần đó. Tôi nhìn Steve, rồi không đợi ông trả lời, tôi phóng nhanh về căn phòng cạnh phòng trực của y tá. Mất vài giây tôi mới có thể định thần. Trên chiếc giường hẹp phủ ra trắng toát, cha tôi nằm đó, gầy trơ xương, run rẩy trong bộ quần áo mỏng manh dành cho bệnh nhân. Cha gượng người, hai tay huơ trước mặt như để cố giữ thăng bằng. Dường như cha đang cố gắng hết sức để đến nhà vệ sinh. Nhìn ánh mắt đờ đẫn của cha, tôi biết cha không thể nhận ra tôi là ai, cha thậm chí cũng không biết đang có người trong phòng mình. Tôi chạy vội đến bên cha, đỡ tay cha, vòng tay ôm lấy lưng cha và dìu ông đi. Cha run rẩy tựa vào người tôi, cố hết sức để đứng thẳng trong lúc đi vệ sinh. Tôi choáng váng và hoang mang. Tôi không thể ngờ có ngày mình gặp lại cha trong hoàn cảnh như thế này. Tôi cứ hỏi đi hỏi lại cha cùng một câu như một thằng ngốc:
- Cha có ổn không? Cha có sao không? Cha…
Lúc đưa cha trở lại giường, tôi mới nhận thấy sắc diện của cha trầm trọng đến nhường nào. Đôi mắt cha vô hồn. Đôi mắt ấy cứ đờ đẫn nhìn theo bất kỳ vật gì cử động hoặc có thể thu hút sự chú ý của ông trong tích tắc, rồi lại lướt sang nơi khác, vô định. Chỉ đến khi cha nằm hẳn xuống giường, đan hai tay vào nhau thì đôi tay cha mới thôi run rẩy, quờ quạng. Tôi nhìn cha, mỉm cười, mong sao có để đón được ánh nhìn liên tục thay đổi của ông. Hai má cha hóp lại, còn vùng da quanh xung quanh gò má thì đỏ thẫm. Tôi để ý thấy một dải băng trắng quấn ngang từ cổ đến bả vai phải của cha, nhưng tôi không quan tâm đến nó lắm. Tôi chồm người nắm lấy bàn tay cha:
- Cha ơi… - Tôi khẽ gọi. - David đây cha ơi. Cha vẫn nằm bất động.
- Cha ơi. - Tôi gọi rõ hơn. - Cha có nghe con nói không?
Cha tỏ ra hơi khó chịu.
Tôi nghe thấy tiếng mẹ Alice sụt sịt ở cửa ra vào. Tôi nằm xuống cạnh bên cha, áp mặt cạnh cha.
- Cha? Cha này! Cha có… cha có nghe con nói không? Con đây, David đây cha. Cha nói gì đi cha, nói gì cũng được. Cha ơi?
Tôi chăm chú nhìn vào mắt cha, cố tìm một phản ứng dù nhỏ nhất trong đôi mắt vô hồn ấy. Tôi nghĩ, nếu cha không nói được, thì ít nhất cha cũng có thể giao tiếp bằng mắt. Nhiều phút trôi qua, vẫn không
có dấu hiệu gì cả. Tôi muốn bóp vào hai má cha, ép cha phải nói, bất kỳ điều gì để tôi biết là cha thật sự biết tôi đang ở bên ông.
Bỗng tôi cảm nhận một bàn tay bóp nhẹ phía vai phải. Tôi mừng rỡ mỉm cười quay lại nhìn cha, nghĩ rằng cuối cùng cha cũng đã thoát khỏi cơn mê.
- Con ở đây, cha ơi. Con ở ngay đây này. - Tôi khẽ khàng, lòng thấy nhẹ nhàng một niềm vui sướng. Tôi vỗ nhẹ tay cha, giật mình mới hay người vỗ vai tôi không phải là cha mà là y tá Steve.
- Chúng ta cần nói chuyện một chút. - Steve nói, không chút lúng túng trước thái độ thất vọng tràn trề của tôi.
- Nhưng còn cha tôi…?
- Ta sẽ ở lại với ông ấy. - Bà Turnbough vừa nói vừa đến bên giường cha tôi.
Khi cả hai chúng tôi vừa ra khỏi phòng, Steve cẩn thận khép cánh cửa lại.
- Điều gì đã xảy ra với cha tôi vậy? - Tôi gặng hỏi.
- Ông đang chữa trị cho cha tôi bằng loại thuốc gì vậy? Tại sao cha không nhận ra tôi? Có phải do thuốc không? Tình trạng này còn kéo dài bao lâu nữa? Khi nào cha tôi khỏe và tăng cân lại? Ông nghĩ khi nào cha tôi mới có thể xuất viện? - Tôi trở nên mất bình tĩnh và hỏi dồn.
- Này cậu, - Steve đưa tay lên ngắt lời, - từ từ đã nào. Mẹ cậu không nói gì với cậu sao…? Cậu không biết gì thật sao?
- Biết gì cơ? Nếu biết, tôi đã không làm phiền ông thế này rồi! - Tôi nói với giọng mỉa mai. - Hãy cho tôi biết, chuyện quái gì đang xảy ra thế này? Làm ơn đi! - Giờ thì tôi lại xuống giọng van lơn. - Tôi cần được biết.
Steve ra hiệu cho tôi theo ông về phía cuối hành lang. Ông muốn nói chuyện ở một nơi yên tĩnh hơn. Đến cuối hành lang, ông đẩy nhẹ ghế mời tôi ngồi. Tôi từ chối. Ngay lúc này đây tôi chỉ muốn đứng.
- Đã hơn bốn tháng nay kể từ khi cha cậu chấp nhận…
- Bốn tháng! - Tôi kêu lên. - Chấp nhận? Chấp nhận gì cơ? Tại sao không ai cho tôi biết? Tại sao lại để đến tận bây giờ?
- Làm ơn, - Steve xen vào, - để tôi nói nào. Cha cậu… ông ấy muốn giữ kín mọi chuyện. Nhiều bệnh nhân khác cũng có tâm lý như vậy. Dù thế nào đi nữa, chỉ sau khi chúng tôi tiến hành tất cả các cuộc xét nghiệm, việc chẩn đoán của chúng tôi mới được chắc chắn David ạ, cha cậu bị ung thư. Tôi e rằng đã đến giai đoạn cuối rồi. Ông ấy đang ở trong giai đoạn cuối. Tôi rất tiếc. - Steve đưa tay ra đỡ lấy tay tôi. - Chúng tôi không thể làm được gì hơn.
- Khoan đã! - Tôi lùi lại, thận trọng tránh cử chỉ của Steve. - Ý ông là gì, giai đoạn cuối? Tôi không hiểu…
- David, - Steve nói bằng giọng chậm rãi, thận trọng, tay giữ chặt hai vai tôi, - cha của cậu… ông ấy không còn sống được bao lâu nữa.
- Ý ông là… ông nói rằng cha tôi sắp chết? Cha của tôi sắp chết? Không bao giờ! - Tôi lắc đầu chắc nịch, bác bỏ hoàn toàn lời nói của Steve. - Ông phải làm gì để giúp cha tôi chứ… hay là… tôi nghĩ phải có một phương pháp trị liệu nào đó chứ. Nếu ông cần tiền… làm ơn, xin đừng để ông ấy chết. Đừng để điều đó xảy ra lúc này. Tôi xin ông! - Tôi van lơn, như thể Steve có thể quyết định số phận của cha tôi vậy.
- David, nghe đây, bình tĩnh nào. Tôi không biết, không ai biết chính xác cha cậu còn sống được bao lâu nữa, nhưng, - ông ấy nhấn mạnh từng từ, - điều tôi biết chắc chắn là: cha của cậu không còn sống được bao lâu nữa. Và không một điều gì, không điều gì mà cậu, tôi hay bất cứ người nào khác có thể làm để thay đổi tình hình này. Thôi nào, cậu không phải là một đứa trẻ. Cậu phải hiểu những điều này chứ. Đó là quy luật của cuộc sống. Cha của cậu đã sống trọn cuộc đời rồi, và giờ là lúc ông ấy được giải thoát.
– Steve im lặng một lúc. Nhìn ông ấy, tôi hiểu ông đã căng thẳng và vất vả thế nào để thông báo và giúp tôi hiểu được vấn đề. Trong một giây thoáng qua, tôi tự hỏi mỗi tuần không biết ông ấy phải mất bao nhiêu thời gian cho những người như tôi. Tôi cảm thấy mình thật ngốc nghếch và đáng xấu hổ. - David,
- ông ấy nắm chặt tay tôi nói tiếp. - Tôi rất tiếc. Tôi thật sự rất tiếc.
Suy nghĩ trong tôi trở nên mông lung và rời rạc. Tất cả sinh lực trong tôi bỗng chốc tan biến hết. Cuối cùng, ngay tại phút giây này, ngay lúc tôi cần phải bình tĩnh, để thật mạnh mẽ, để đối mặt với tất cả, thì tôi lại thấy bản thân mình hoàn toàn vô dụng,
vô dụng một cách đáng thương. Tôi có quá nhiều thắc mắc, nhưng tôi lại không thể hỏi thành lời bất kỳ câu hỏi nào. Tôi cứ thế đứng trước Steve như một cái xác không hồn. Tôi muốn để tất cả suy nghĩ và cảm xúc trong tôi nổ tung, và khóc. Tôi cố lấy lại bình tĩnh, nén cơn xúc động trong lòng và hỏi Steve:
- Bốn tháng rồi ư? - Tôi hỏi bằng giọng đứt quãng. - Ông nói cha tôi đã ở đây lâu như vậy rồi sao? Cha tôi rơi vào tình trạng như hiện giờ… bao lâu rồi? Tại sao cha tôi không nói được gì hết? Cha tôi có phải dùng thuốc an thần không? Ý tôi là, cha tôi hình như không hề biết tôi là ai… Tôi không… Tôi không hiểu tại sao... - Tôi lắp bắp. - Tôi chỉ muốn biết. Tôi chỉ muốn biết thôi…
- À, - Steve vừa ôn tồn trả lời, vừa kéo ghế cho tôi ngồi cạnh ông, - như tôi đã nói, cha của cậu nhập viện cách đây vài tháng. Từ đó, sức khỏe của ông ấy suy giảm nhanh chóng. Ban đầu bệnh chủ yếu diễn ra ở một bên cổ, nhưng rồi sau đó lan ra cả vùng cổ họng. Ông ấy đang được trị liệu bằng thuốc, và với hoàn cảnh thế này thì tôi chắc rằng cậu có thể hiểu. Đó là lý do tại sao ông ấy mất khả năng nhận thức. Nếu chúng tôi ngưng cho ông ấy dùng thuốc, khả năng nhận thức của ông ấy sẽ khá lên, nhưng ông ấy sẽ phải chịu đựng những cơn đau đớn vô cùng.
- Vậy là… cha tôi sẽ không bao giờ có thể nói được nữa sao? Có bao giờ…? - Giọng tôi lạc đi.
- Đúng thế. Ông ấy không thể nói được nữa. - Steve gật đầu xác nhận.
Tôi tựa người vào thành ghế, vẫn chưa thể tin
được những gì đang xảy ra. Tôi cọ hai tay vào nhau, hoang mang, tự hỏi mình còn có thể làm gì để xoa dịu nỗi đau cho cha. Chợt tôi nghĩ đến mẹ. Đó cũng là lần duy nhất trong đời, tôi thật sự vui mừng khi nghĩ đến mẹ. Với tất cả những thủ đoạn, mưu chước của mình, bà ấy ắt hẳn phải có cách gì đấy để giúp cho tình cảnh này của cha tôi.
Steve phá vỡ bầu không khí yên lặng nặng nề:
- Cậu biết không, lần đầu tiên cha cậu đến đây, tôi không nghĩ ông ấy ý thức được bệnh tình của mình nghiêm trọng đến mức nào đâu. Có rất nhiều bệnh nhân giống như cha cậu. Họ không chịu làm xét nghiệm cho đến khi mọi chuyện quá trễ. Tôi cho rằng đó là sự ngu dốt, là điều đáng tiếc mà lẽ ra họ có thể kiểm soát tốt hơn. Nhưng hãy vui lòng nhớ cho rằng, chúng tôi đã làm tất cả cho cha cậu. Cậu cần phải hiểu điều quan trọng đó nhé.
- Vâng, tôi hiểu. Xin cảm ơn, nhưng, - tôi thăm dò, - lúc cha tôi vào đây, ông ấy có nói được không?
Steve gật đầu.
- Vậy thì tại sao cha tôi không gọi cho ai cả? - Tôi cố tìm hiểu.
- Ông ấy có gọi. - Steve cau mặt lại. - Chắc chắn là ông ấy có gọi, ngay sau khi nhập viện, vì anh trai Ronald của cậu đã vào thăm ông ấy. Hai cha con ở bên nhau vài ngày. Tôi đoán cậu ấy cũng ở trong quân ngũ như cậu vậy.
- Ronald ư? - Tôi kinh ngạc. Ronald là anh cả của tôi. Tôi đã không gặp anh kể từ khi tôi trốn thoát
khỏi mẹ vào năm 1973. Thế là cuối cùng anh cũng phải tìm cách trốn khỏi nanh vuốt của mẹ bằng cách nhập ngũ khi vừa được mười tám tuổi. Chừng ấy năm trôi qua, tôi đã không hề nghĩ hay nhớ gì đến Ron. - Thế cha tôi có nói chuyện được không? Ý tôi là, ông ấy có nói chuyện với Ronald được không?
- À, có. Ông ấy đã rất cố gắng. Cha cậu đã chịu rất nhiều đau đớn. Ngay khi anh trai cậu rời khỏi, cha cậu cũng không còn nói được nữa. - Steve nhẹ nhàng giải thích cho tôi nghe.
- Đã bao lâu rồi… Ý tôi là, Ronald đến thăm cha tôi bao lâu rồi?
- Tôi nghĩ cũng đã hai hay ba tháng gì đó.
- Còn những người khác thì sao? Mẹ và các anh em của tôi, những người bạn thân trong đồn cứu hỏa của cha tôi thì sao? Họ có nói chuyện với ông ấy được không? Ý tôi là, khi ấy cha tôi có còn minh mẫn không? Ông ấy có biết ai đến thăm mình không?
- Này, - Steve cắt ngang lời tôi, - những người khác nào chứ? Ronald là người duy nhất đến thăm ông ấy. Còn ai khác đến gặp cha cậu đâu chứ.
- Nhưng còn mẹ, bà ấy ắt phải biết…?
- Không có ai cả. - Steve trả lời dứt khoát. - Tôi nhắc lại là không có ai cả. Chúng tôi thậm chí còn không biết rằng ông ấy có vợ con cho đến khi chúng tôi kiểm tra hồ sơ nhập viện của ông ấy. Sau khi nói chuyện với cha cậu, tôi mới biết họ đã không thường xuyên liên lạc với nhau. Đáng lý chúng tôi đã có thể biết được bệnh trạng của cha cậu sớm hơn, nhưng mẹ cậu thậm chí cũng không…
- Ồ, bà ấy biết đấy. - Tôi phản đối, cả cơ thể đột nhiên cứng lại vì căng thẳng.
- Tôi chắc rằng nếu bà ấy mà… - Steve nói cố.
- Không bao giờ. - Tôi cao giọng. - Ông không hiểu đâu. Ông không hiểu bà ấy đâu.
- Vậy sao cậu hiểu được? - Ông ấy hỏi vặn.
- Thôi nào, Steve, hãy nghĩ thử xem. Ông nghĩ xem ai đã gọi cho anh Ron và cho bà Turnbough nữa chứ? - Tôi nheo mắt nhìn Steve.
Steve thôi không đề cập đến chuyện tôi và ông đang nói nữa.
- Thôi được rồi. Nhưng ngay lúc này, cậu là người thân duy nhất của ông ấy có mặt ở đây, cậu lo thu xếp cho cha mình đi.
Tôi như muốn bật khóc. Tôi vẫn không thể chấp nhận được việc mình sắp mất cha.
- Vậy… tôi có thể làm gì đây? - Tôi thổn thức, như vẫn muốn tìm kiếm một điều gì đó, bất cứ điều gì mà các bác sĩ đã bỏ qua hoặc không chú ý đến trong quá trình điều trị cho cha tôi. - Tại sao ông ấy không nhìn tôi? Ông ấy có biết, ý tôi là, ông ấy có khả năng biết được tôi đang ở đó với ông không?
Steve thở dài như thể đã quá mệt mỏi vì hàng loạt những câu hỏi của tôi.
- Thế này nhé. Ông ấy có vẻ tỉnh táo được một chút vào buổi sáng, nhưng mỗi lần như vậy không quá vài phút đâu. Phần lớn thời gian ông ấy đều rơi vào tình trạng hôn mê. Nguyên nhân chính vẫn là do ông ấy phải dùng thuốc liều cao. Tôi nhắc lại một lần nữa là điều này rất bình thường đối với những trường hợp như cha cậu.
Steve càng nói, tôi càng cảm thấy như có một vật gì đó đang đè nặng trên ngực mình. Tôi nhìn Steve, như muốn bật khóc.
- Tôi biết cậu sẽ phải chuẩn bị rất nhiều thứ. - Ông lắc đầu, thở dài. - Nhưng điều gì cần thì phải thực hiện trước thôi. Hãy dành thời gian cho cha cậu. Đó là ưu tiên số một đấy. Tôi sẽ giúp cậu tiến hành mọi thứ giấy tờ và các thủ tục khác khi thời điểm đó đến. Còn bây giờ, hãy dành thời gian ở bên cha cậu đi…
- Tôi không biết phải làm gì nữa… Cha tôi thậm chí còn không biết được sự có mặt của tôi…
- Thôi nào, David. Cha cậu đã sống tách biệt khỏi thế giới bên ngoài kể từ lúc ông ấy nhập viện. Cha cậu không thể hiện ra ngoài đâu, nhưng ông ấy rất sợ hãi. Ông ấy biết mình không còn sống được bao lâu nữa. Những điều cậu làm sẽ rất ý nghĩa với ông ấy đấy. Ông ấy hoàn toàn cô độc. - Steve vẫn nhẹ nhàng, nhưng có phần như đang quở trách tôi. - Cậu hãy ở bên cha cậu. Hãy… hãy hồi tưởng lại khoảng thời gian hạnh phúc mà cha con cậu đã từng chia sẻ cùng nhau. Hãy động viên ông ấy. Ông ấy biết hết đấy.
Khoảng thời gian hạnh phúc ư? - Tôi chẳng biết phải nói sao với Steve về khoảng thời gian hạnh phúc của cha con tôi…
Tôi cẩn trọng đẩy cửa bước vào căn phòng sặc mùi thuốc sát trùng. Bà Turnbough quay lại nhìn tôi cười thật tươi.
- Cha con và ta đã nói chuyện với nhau vui lắm đấy. Ta đã kể cho ông ấy nghe con đã trở thành một chàng trai tuyệt vời như thế nào. - Mẹ Turnbough vừa nói vừa nắm lấy tay cha.
- Chúa ơi! Cha con có thể nói được sao? - Tôi như muốn bật khóc.
- Ồ, ông đâu cần để cho người khác biết là ông vẫn có thể nói chuyện bình thường, phải không ông Pelzer? - Alice quay lại dịu dàng cười với cha. - Bây giờ, tôi sẽ để cho hai quý ông tự nhiên trò chuyện với nhau nhé. - Nói rồi mẹ Turnbough đặt tay cha tôi xuống rồi nhẹ nhàng rời khỏi phòng.
Tôi lóng ngóng chẳng biết phải làm gì hay nói gì, chỉ thấy toàn thân như tê liệt. Sau gần hai năm, cuối cùng tôi cũng có cơ hội được ở cạnh cha mình. Khi chăm chú nhìn cha, tôi giật mình nhận ra mình không hề biết gì về cha cả. Theo những ký ức nhạt nhòa trong tôi, những lần trò chuyện giữa cha và tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay, tổng cộng chỉ trong khoảng hai mươi giờ đồng hồ thì phải; vì thế, tôi tự hỏi, liệu mình có thể quay ngược thời gian để trở về những năm tháng xưa cũ, để yêu thương cha và mong sẽ được cha yêu thương mình lại như vậy? Khi còn bé, tôi luôn khao khát được ở bên cha, nhưng
giờ đây, nhìn cơ thể cha quằn quại trong đau đớn khi ông cố thở, tôi đau khổ đến mức chỉ muốn bỏ đi thật xa. Bất giác, nước mắt tôi tuôn trào.
- Con, à… Con đã cố gắng viết thư. Ý con là, con đã viết… nhưng con không biết địa chỉ của cha. - Tôi lắc đầu, tự thấy mình chẳng khác gì một thằng ngốc.
- Con nhận được thư của cha khi con đóng quân ở Colorado. Con đã không… - Ý con là, con đã không thể tìm được địa chỉ của cha. Con xin lỗi. Con thật sự xin lỗi. Con đã không biết. Đáng lẽ con phải đến sớm hơn. Con không biết cha ơi…
Tôi quay đi để trấn tĩnh lại. Điều cuối cùng tôi nghĩ mình có thể làm là không để cha thấy tôi sợ hãi. Lúc này, điều tôi nên làm là cố gắng đáp ứng những mong muốn của cha hơn là tìm cách khỏa lấp nỗi buồn của mình. Sau vài giây yên lặng, tôi nhớ đến lời khuyên của Steve về việc phải động viên tinh thần cha. Tôi khẽ ngồi xuống cạnh cha, kéo lại tấm ra giường cho ngay ngắn. Tôi nắm lấy bàn tay bất động của cha áp vào ngực mình. Những ký ức về cha bỗng ùa về trong tôi…
- Chắc cha không nhớ đâu… - Tôi khẽ nói. - Nhưng năm con bốn hay năm tuổi gì đấy, cha đã đưa cả nhà chúng ta đến Dòng sông Nga… Mỗi buổi hoàng hôn, cha thường ra ngoài đi dạo - Tôi rùng mình. Những mảnh ghép thời gian cứ hiện rõ mồn một. - Con đã lẻn ra ngoài để đi theo cha. Con mang đôi ủng nhỏ hiệu Forest Ranger, con cố gắng bắt kịp cha nhưng phải hết sức nhẹ nhàng để không bị cha phát hiện. Con nhớ con vừa đi được khoảng mười bước thì cha phát hiện. Ngay lập tức cha quay lại chỗ
con. Con cứ nghĩ cha sẽ đánh con đau lắm. Nhưng cha… - Tôi dừng lại. Cổ họng nghẹn đắng. Tôi nhìn cha cười. - Cha chỉ xòe bàn tay to lớn của cha ra nắm trọn bàn tay bé nhỏ của con… Và thế là cha để cho con được đi bên cạnh cha…
... Cha biết không, đối với một đứa bé, điều đó thật tuyệt vời. Lúc đó, cả anh Ron, Stan và con đã cùng tranh nhau xem ai có thể được đi dạo cùng cha như thế, cho nên, sau đó con cứ luôn miệng kể về cuộc đi dạo của hai cha con mình. Mùa hè năm đó, con nghĩ sau này mình nhất định sẽ đến sống nơi Dòng sông Nga yên bình. Những hàng cây xanh mát, dòng sông thơ mộng lượn lờ, mùi hương thoang thoảng trong gió chiều, những khoảnh khắc quý giá bên cha… là những gì đọng lại trong con sau lần đầu tiên con đặt chân đến đó. Từ đó trở đi, mỗi khi ở bên cha, con lại thấy mình được an toàn. Đối với con, cha là siêu anh hùng của con, là vị siêu nhân của riêng con. Con biết mình thật ngốc nghếch khi nói ra điều này, - tôi nhạo báng chính mình, - nhưng đó là lần duy nhất cha nắm tay con. Đó là lần duy nhất cha muốn ở bên con.
Tôi dừng giây lát, nhắm chặt mắt. Khi ấy, hình ảnh ngày xưa của cha cũng nhạt nhòa dần trong tôi. Mọi cảm xúc dồn nén trong tôi bấy lâu nay như trỗi dậy. Trong thời gian tôi ở nhà cha mẹ nuôi, tôi đã nôn nóng chờ đợi đến lúc mình trưởng thành để nói hết cùng cha về những gì tôi đã trải qua trong quá khứ. Tôi vẫn luôn hy vọng rằng chỉ có cách đó mới có thể giúp hai cha con tôi xích lại gần nhau hơn. Tôi không hề có ý định làm cha buồn hay quy trách
nhiệm cho bất kỳ ai về những gì đã xảy ra. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, nếu tìm được đáp án cho những vấn đề đã xảy đến với mình, tôi sẽ không bao giờ lặp lại tấn bi kịch của lòng thù hận ấu trĩ và bạo lực kia nữa. Tôi nhìn cha, lòng quặn đau khi nghĩ rằng chính mẹ đã cố tình thao túng và tạo ra tất cả tình cảnh này, rằng bà chỉ cho tôi biết sau khi cha không thể nói nữa dù chỉ một lời đơn giản.
- Thời gian con còn ở nhà, con nhớ tất cả những lần cha đang làm việc ở đồn cứu hỏa nhưng vẫn tranh thủ tạt ngang về nhà dù chỉ ít phút để xem con thế nào. Mẹ không hề biết điều đó, nhưng con chắc chắn cha thường cố tình về lúc con đang rửa chén, để con có thể thấy được cha. Có những lúc cha về, con phải ở nhà sau để làm việc, con cứ ngấp nghé để được nhìn thấy cha, và thế là, cha biết mẹ mà… thế là con phải trả giá sau khi cha đi khỏi. Con biết bà ấy không bao giờ cho phép cha xuống tầng hầm, vì thế con cứ rửa đi rửa lại đống chén đĩa cho đến khi con nghe thấy tiếng mở cổng của cha. - Tôi dừng lại, nhìn thẳng vào mắt cha. - Cha đã bảo vệ con. Dù chỉ là một vài phút ít ỏi trong nhà bếp, khi chỉ có hai cha con mình. Với con, như vậy cũng là quá đủ rồi cha ạ. Có những lúc cha bước lại gần con, con lại cố hít thở mùi nước hoa Old Spice
(7) của cha. Cha là sức mạnh vô hình của con. Con xin lỗi cha, xin lỗi những người anh em của con - xin lỗi mọi người - vì đã phải chịu đựng quá nhiều điều phiền phức từ con. Thật nực cười là con cứ nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ bù đắp cho cha, cho mọi người…
... Cha à, con biết hết. Con biết cha trở về nhà là vì con. Và bây giờ, cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, con cũng sẽ ở đây với cha. Dù ai có nói gì đi nữa, con cũng sẽ đứng ra bảo vệ danh dự cho cha.
Có tiếng khép cửa của Alice. Tôi quay nhìn Alice khẽ gật đầu rồi tiếp tục trò chuyện với cha. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy mình thật sự cởi mở với cha.
- Khi còn bé, con luôn tự hào vì cha mình là một người lính cứu hỏa. Con… con, à, con nhớ lúc mẹ làm Hội trưởng Hội Hướng đạo sinh, mẹ đã đưa cả nhà đến đồn cứu hỏa của cha trên Phố Post
(8). Cha trông thật oách trong bộ đồng phục màu xanh đen, đứng tựa bên chiếc xe cứu hỏa bóng loáng. Con nhớ khi ấy hình như con đang học lớp một. Kể từ đó, con luôn ấp ủ ước mơ trở thành một người lính cứu hỏa. Đó là lý do con gia nhập không quân. - Tôi đột ngột dừng lại. Tôi không đủ can đảm để nói với cha rằng thực ra, tôi chỉ là một chuyên gia dinh dưỡng thảm hại. Nếu tôi có nói dối, tôi biết chắc cha cũng sẽ biết được sự thật qua giọng nói của tôi. Thật sự tôi chỉ muốn cha tự hào về tôi. Tôi khao khát muốn chứng minh cho cha thấy rằng tôi không phải là một kẻ thua cuộc, rằng tôi sẽ không kết thúc tất cả như là… như là…
Một thoáng bối rối xâm chiếm lấy tôi. Càng nhìn cha, tôi càng thấy mình là một kẻ vô dụng. Dù tôi có cố gắng thế nào đi nữa thì cũng không bao giờ đổi lấy được điều quý giá nhất.
Bỗng tôi nhớ đến chiếc huy hiệu lính cứu hỏa của cha.
- Cha ơi, cha, cha có… có… cha có còn giữ chiếc huy hiệu của cha không? Chiếc huy hiệu lính cứu hỏa của cha đấy?
Tôi nhớ lại lần cha tiễn tôi ra xe buýt, khuôn mặt cha đã rạng rỡ tự hào như thế nào khi cha khoe với tôi chiếc huy hiệu bằng bạc sáng lấp lánh, có khắc số hiệu của cha.
- Đó là thứ duy nhất cha con có được. - Tôi quay sang nhìn Alice. - Chiếc huy hiệu đó là minh chứng cho những cống hiến của cha con. Sau ngần ấy năm, đó là tất cả cha con có….
- David! - Alice thì thầm. - Nhìn cha con kìa!
Tôi quay về phía cha. Đầu cha giật giật liên tục, nhưng lệch nhiều về bên phải. Mắt cha căng ra như thể bảo tôi hãy nhìn vào …
- Tủ để đồ! - Tôi kêu lên. - Cha muốn con nhìn vào tủ để đồ của cha phải không?
Tôi chờ đợi từng phản ứng trên gương mặt cha. Dường như cha đang cố tập trung mọi sức lực để nhìn về phía tủ chứa đồ. Tôi lao đến mở toang cánh cửa ra. Treo ngay ngắn trong đó là một chiếc quần đã mòn rách, một chiếc áo sơ-mi cũ kỹ và một chiếc áo khoác bạc màu. Tôi đảo mắt tìm chiếc túi du lịch
Pan Am
(9) cha vẫn thường dùng để đựng vật dụng khi còn làm việc ở đồn cứu hỏa. Sau một lúc lục lọi, tôi chỉ tìm thấy một đôi giày cũ sờn, bạc màu. Tôi mở tất cả các ngăn tủ ra, cũng chỉ tìm thấy một đôi vớ màu trắng. Không có quần áo, giấy tờ, ví tiền, cũng không có huy hiệu lính cứu hỏa. Tôi trở lại bên cha, lắc đầu vô vọng. Cha nhìn tôi thật lâu. Tôi linh cảm mình đã hiểu được điều cha muốn nói qua ánh nhìn của cha. Tôi nhìn cha, khẽ gật đầu rồi quay trở lại tủ để đồ, lục tìm trong chiếc áo khoác.
Một cảm giác vừa bồn chồn, lo lắng, vừa nôn nóng lan tỏa khắp người tôi. Tìm thấy hai tờ giấy được gấp nếp gọn gàng trông có vẻ rất trang trọng, tôi nhét vào túi quần sau của mình, không kịp suy nghĩ. Tôi nghĩ mình có thể đọc sau. Điều quan trọng duy nhất bây giờ là chiếc huy hiệu của cha. Tôi hít sâu để bình tĩnh trở lại. Trong lúc lục tìm từng ngóc ngách, tôi vẫn không ngừng quan sát biểu hiện trên gương mặt cha. Khi đưa tay vuốt dọc chiếc áo khoác, tôi cảm giác một vật gì đó cộm lên. Tôi lôi ra một cái bao da nhỏ màu đen.
- Có phải là… của cha con đấy không? - Bà
Turnbough hỏi.
- Vâng ạ. - Tôi mở chiếc túi da, lấy ra một chiếc huy hiệu bằng bạc và đưa cao lên cho cha thấy.
Gương mặt cha run lên, hai môi lập bập liên hồi rồi thở ra nhẹ nhõm. Tôi giữ chặt chiếc huy hiệu trong tay, cảm nhận rõ ý nghĩa của vật nhỏ bé này đối với cha. Đến giờ phút này, thứ duy nhất tượng trưng cho thành tựu mà cha đã cống hiến cả đời để đạt được chính là vật tôi đang giữ trong tay. Cha nhắm mắt lại, dường như cha đang suy nghĩ điều gì đó rất quan trọng. Tôi để ý thấy môi cha mấp máy. Tôi ghé đầu sát lại gần cha, nhưng cho dù có cố gắng thế nào đi nữa tôi vẫn không tài nào đoán được cha đang muốn nói gì. Cha mở mắt, dẫu ánh mắt cha đờ đẫn và mỏi mệt, nhưng cha vẫn nhìn tôi không chớp mắt. Tôi nhìn cha lắc đầu:
- Con không hiểu cha ơi! - Tôi nghẹn ngào. - Con không hiểu điều cha đang cố để… - Chưa dứt câu, tôi bỗng có cảm giác rất lạ nơi tay phải của mình.
Tôi khựng người, khẽ nhìn xuống. Những ngón tay xương xẩu của cha đang nắm trọn lấy bàn tay đang giữ chiếc huy hiệu của tôi. Toàn thân tôi run lên theo từng nhịp run rẩy của cha. Cha cố hết sức để khép gọn năm ngón tay của tôi lại để chúng giữ trọn chiếc túi da màu đen. Tôi nhìn sâu vào mắt cha. Tôi nghĩ mình hiểu ý cha. Tôi thì thầm vào tai cha, cầu mong sao cha có thể nghe được lời tôi nói:
- Thề có Chúa chứng giám, con sẽ giữ gìn, bảo vệ chiếc huy hiệu của cha. Con sẽ luôn mang nó bên mình như một tấm huân chương danh dự.
Khi những ngón tay cha dần buông lơi, tôi biết cha đã chìm lại vào giấc ngủ. Tôi nắm chặt tay cha, hôn lên từng ngón tay lạnh toát của cha rồi đặt nhẹ đôi tay run rẩy ấy lên ngực cha. Tôi kéo tắm chăn lên ngang ngực cha rồi nhẹ nhàng đứng dậy. Phía cửa phòng, cả Steve và Alice đều lặng im nhìn hai cha con tôi.
- Giờ thì tôi nghĩ ông ấy có thể an tâm nghỉ ngơi rồi. Cậu đã làm cho ông ấy rất hạnh phúc đấy. Đấy là việc cần phải làm. Hôm nay là một ngày hạnh phúc đối với cha cậu. Rất hạnh phúc đấy. - Steve nói bằng giọng xúc động.
- Làm sao cha tôi có thể… Ý tôi là, không biết cha có hiểu tôi nói gì không. Nếu cha tôi nói chuyện được thì…
- Ông ấy đang nói chuyện với cậu đấy thôi. Và cậu đang học cách để lắng nghe ông ấy đấy. Điều đó không dễ chút nào. Nhưng chỉ cần cha cậu biết cậu đang ở đây với ông thì cậu hãy cứ làm thế. Tôi nghĩ đó mới là điều quan trọng.
- Ông ấy sẽ không… cha tôi sẽ không… không còn sống được bao lâu nữa phải không? - Tôi bật khóc, nghẹn ngào không nói nên lời. Nhìn cha, lòng tôi cứ thắt lại, đau đớn. - Cha con sắp chết. - Tôi thì thầm với Alice. Nhưng như chợt nhận ra điều gì, tôi vội tát vào miệng mình. Tôi không thể chấp nhận việc mình lại nói những lời như thế. Chỉ vài phút trước đây thôi, tôi vẫn cố kìm nén mọi cảm xúc như để chờ đợi một phép màu. Trong thâm tâm tôi vẫn có cảm giác kỳ lạ là chỉ có cách cứu cha thoát khỏi cuộc sống vô vọng, thì cuộc đời tôi mới được cứu rỗi.
Tôi quay sang nhìn Steve.
- Làm sao tôi biết được … khi nào mới đến lúc?
- Cậu vẫn còn một ít thời gian. Luôn có người theo dõi tình trạng của cha cậu. Chúng tôi sẽ thông báo cho cậu biết khi có chuyển biến. - Steve trở về với giọng điệu của một y tá. - Sẽ ổn cả thôi.
Sau khi được trấn an rằng cha cần thời gian để nghỉ ngơi, tôi lái chiếc Plymouth Fury màu xanh đã gỉ sét của Alice rời khỏi bệnh viện. Alice ngồi cạnh bên tôi, lặng im. Tôi chầm chậm cho xe chạy vào Công viên Golden Gate nằm trên đường John F. Kennedy. Đến Thác Rainbow
(10), tôi dừng xe lại và kéo kính xe xuống. Ký ức tôi lại trở về với thuở ấu thơ, khi cha mẹ đã hàng trăm lần đưa Ron, Stan và tôi dạo chơi khắp nơi đây. Những lúc ấy, mấy anh em chúng tôi thường dí mũi vào kính xe rồi tha hồ nhìn ngắm cả một rừng hoa bạt ngàn rực rỡ sắc màu. Lúc đó nếu có ai kéo kính xe xuống, lập tức chúng tôi sẽ được ngửi mùi đặc trưng của cây khuynh diệp. Khi đi ngang qua khu vực hồ Lloyd
(11), thỉnh thoảng chúng tôi còn được thấy những con rùa đầu đỏ nằm phơi nắng. Ngay cả thời gian mối quan hệ giữa tôi và mẹ không còn như trước nữa, thì tôi vẫn cảm thấy an toàn mỗi khi được cùng mọi người sum họp nơi đây. Tôi từng cầu nguyện sao cho một ngày nào đó, cuộc sống của tôi sẽ tươi sáng và xinh đẹp như cảnh vật trong công viên này.
Một cơn gió nhẹ thoảng qua, lay tôi trở về với thực tại. Tôi hít một hơi thật sâu rồi nhìn mẹ Alice.
- Con cần phải gặp bà ấy. - Tôi nói không chút biểu cảm.
- Ta biết. - Bà Turnbough khẽ đáp và gật đầu đồng ý.
Tôi hơi ngạc nhiên. Tôi cứ nghĩ rằng mẹ Alice sẽ ngăn cản tôi như trước giờ. Tôi còn nhớ khi Mẹ gọi cho tôi trước khi tôi nhập ngũ, chính mẹ Alice là người đã sáng suốt ngăn tôi đến gặp Mẹ. Bất cứ vấn đề gì của tôi liên quan đến Mẹ, tôi đều hỏi ý kiến của bà Turnbough trước tiên. Còn giờ đây, tôi nhận ra Alice đã đặt tôi vào một vị trí khác trước, cho phép tôi được quyền có quyết định của riêng mình.
Tôi lặng im nhìn Thác Rainbow hùng vĩ một lần nữa rồi lái xe lên đại lộ, lao xuống con dốc của Công viên Golden Gate… thẳng hướng Đại lộ Crestline của Thành phố Daly.