THỜI NAY, HIẾM CÓ NGƯỜI ÚC NÀO CHƯA nghe tên vận động viên chạy siêu bền Cliff Young. Ông là người truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta, chứ không riêng các vận động viên chạy đường dài. Đối với những người từng một lần đương đầu với những thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua, câu chuyện về Cliff cho họ hi vọng.
Vào thứ Tư, ngày 27 tháng Tư năm 1983, Cliff Young có mặt tại trung tâm thương mại Westfield, ngoại ô phía Tây Sydney, loay hoay tìm vạch xuất phát của một cuộc đua nổi tiếng. Đường đua dài 543,7 dặm, dẫn đến một trung tâm thương mại Westfield khác ở Melbourne.
Đây vốn được coi là cuộc đua khắc nghiệt nhất trong các cuộc đua cùng loại và quy tụ những vận động viên ưu tú nhất thế giới, những người đã tập luyện hàng tháng trời để đạt điều kiện thể chất tốt nhất cho cuộc đua ác liệt này.
Cliff khác hẳn những vận động viên khác. Năm đó, ông đã 61 tuổi, mặc áo khoác, chân đi ủng , đã tháo hàm răng giả chỉ vì ông không thích tiếng răng va vào nhau khi chạy.
Trong khi hầu hết mọi người đều cho rằng ông là một khán giả hoặc nhân viên bảo trì đi nhầm vào đường đua, thì ông đi lấy số và đứng vào chỗ cùng các vận động viên khác.
Trông thấy Cliff vào vạch xuất phát, một nhà báo lấy làm lạ hỏi: “Chào ông , ông nghĩ mình có thể hoàn thành cuộc đua chứ?”
“Vâng , tôi có thể,” Cliff đáp. “Anh biết không , tôi trưởng thành từ một trang trại nơi chúng tôi không đủ tiền mua ngựa hay máy kéo. Suốt thời đó, mỗi lần bão ập đến, tôi phải ra ngoài và đi vòng quanh lùa cừu. Chúng tôi có hai ngàn con cừu trải khắp hai ngàn mẫu đất. Có lần, tôi mất hai, ba ngày mới lùa hết cừu vào chuồng. Dù tốn nhiều thời gian nhưng tôi chưa bao giờ bỏ sót con nào. Vì thế, tôi tin mình có thể hoàn thành cuộc đua này.”
Cuộc đua bắt đầu, Cliff bị tụt lại đằng sau. Thậm chí, ông còn không chạy đúng kĩ thuật. Tư thế chạy của ông trông thật kỳ quặc, ông lê từng bước và gần như không nhấc chân lên khỏi mặt đất. Cuối ngày đầu tiên, khi tất cả các vận động viên dừng lại ngủ nghỉ thì Cliff, chạy sau họ hàng dặm liền, vẫn miệt mài.
Các vận động viên chuyên nghiệp luôn biết cách tự điều chỉnh nhịp độ chạy. Họ luôn duy trì đúng chiến lược chạy mười tám tiếng và ngủ sáu tiếng một ngày. Nhờ đó, các vận động viên nhanh nhất sẽ về đích trong khoảng bảy ngày.
Còn Cliff thì thực hiện một chiến lược khác. Sáng hôm sau trở lại cuộc đua, các vận động khác sửng sốt khi nghe tin Cliff vẫn còn ở trên đường đua. Ông ấy không ngủ, và kiên định chạy theo chiến lược riêng của mình suốt đêm.
Đêm thứ hai, rồi đêm thứ ba, đêm nào Cliff cũng chạy như thế. Sáng nào cũng có tin Cliff chạy suốt đêm, lần lượt hạ bệ từng tuyển thủ, những người mà tuổi đời chỉ bằng nửa ông , phá vỡ chênh lệch khoảng cách họ nỗ lực kéo dãn ban ngày.
Dần dần, Cliff vượt qua họ và cán đích sau năm ngày, mười lăm giờ, bốn phút. Ông đã phá kỉ lục, về đích sớm hơn gần hai ngày, đánh bại năm vận động viên cùng về đích khác.
Khi được trao tấm chi phiếu 10.000 đô dành cho quán quân chung cuộc, Cliff vô cùng ngạc nhiên. Ông nói, ông không hề biết là có giải thưởng và kiên quyết khẳng định rằng ông tham gia cuộc đua không phải vì tiền. Không nhận một xu nào, ông chia đều giải thưởng cho năm tuyển thủ cùng về đích khác.
Từ đó, Cliff đã trở thành một huyền thoại. Khó mà đoán được mọi người thích hình ảnh nào của ông nhất: là những tấm hình ông mặc chiếc áo phông thường phục, chạy chậm chạp dọc đường cao tốc hay tấm hình ông chạy trong tư thế lùa cừu quanh đồng cỏ, chân đi ủng cao su và ánh mắt quyết tâm chân chất.
Khi câu chuyện mang tên Cliff Young phủ sóng khắp nước Úc, tôi vẫn còn là một đứa trẻ. Mọi người tán dương ông , tôn xưng ông là người làm nên điều kỳ diệu, khiến cả quốc gia phải ngước mắt trông theo. Phải đến khi trở thành một vận động viên chạy bộ, tôi mới nhận thức rõ thành tích ông đạt được đáng kinh ngạc đến nhường nào. Và phải đến khi Gobi mất tích, tôi tự đáp chuyến bay trở lại Trung Quốc, tôi mới nhớ lại câu chuyện về ông để tự khích lệ mình.
Ngày tôi đăng tin Gobi mất tích, chúng tôi bị nhấn chìm bởi lời nhắn của mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Có người gửi những lời nhắn tích cực, cảm thông , cầu nguyện và chúc phúc, nhưng cũng có người lo ngại rằng Gobi sẽ bị làm thịt. Đó là lần đầu tiên tôi nghĩ đến khả năng này nhưng nó không thể làm tôi nhụt chí. Mặc dù tôi chỉ ở Trung Quốc có mười ngày, nhưng tôi thấy tin đồn người Trung Quốc ăn thịt chó rất có thể chỉ là tin đồn nhảm. Ừ thì tôi đã thấy nhiều chó hoang lúc ở Trung Quốc, nhưng tôi cũng thấy nhiều chó hoang ở Ma rốc, Ấn Độ hay thậm chí ở Tây Ban Nha nữa. Những người Trung Quốc yêu mến Gobi đều rất quan tâm, chăm sóc cô nhóc, chứ không nhẫn tâm như mọi người vẫn nghĩ.
Trong khi cám ơn những lời chúc phúc ấm áp và trấn an nỗi sợ hãi của mọi người, tôi phát hiện ra loại lời nhắn thứ ba mà chính tôi cũng không biết phải trả lời như thế nào:
Thế quái nào mà chuyện ra nông nỗi này? Thật đấy hả???
Tôi biết thể nào cũng có chuyện mà… Chú chó bị lạc ở nơi khỉ gió nào cơ chứ. Tôi phát chán cái kiểu làm việc này.
Trông thế quái nào mà nó lại bỏ đi được???? Mấy “bảo mẫu” chỉ có mỗi việc trông nom chú chó nhỏ quý báu ấy thôi mà cũng không làm cho ra hồn!… Làm sao anh có thể để mất chú chó mà anh có nghĩa vụ phải trông nom cho đến khi nó được NHẬN NUÔI cơ chứ!
Tôi buồn lắm. Thực ra tôi thấy khủng hoảng. Người ta ủng hộ quá nhiều tiền - cho đến thời điểm Gobi mất tích thì đã hơn 20.000 đô la - và giờ Gobi mất tích. Tôi biết, dư luận cho rằng tôi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về vụ Gobi mất tích. Tôi nhận trách nhiệm đó và tôi biết đây là lỗi của tôi.
Nếu tôi làm khác đi, không chừng Gobi sẽ không mất tích. Nhưng tôi có thể làm gì khác cơ chứ? Cuộc đua kết thúc, để Gobi ở lại với Nurali, tôi cứ ngỡ chỉ vài tuần sau chúng tôi sẽ đoàn tụ ở Anh để Gobi làm cách ly kiểm dịch. Nếu biết trước phải đưa cô nhóc đi khắp Trung Quốc, rồi xuất cảnh khó khăn đến thế, thì tôi đã thuê một tài xế và tự đưa Gobi đến Bắc Kinh cho rồi. Nhưng sau khi hoàn thành cuộc đua, tôi chỉ biết Nurali - trong cảm nhận của tôi, là một nhân viên vô cùng chuyên nghiệp - sẽ vui vẻ giúp đỡ. Lúc đó, thế là đủ.
Tôi muốn trả lời hết từng tin nhắn một, nhưng chúng cứ lũ lượt kéo đến, nhanh hơn cả thời Daily Mirror ra báo. Cứ vài phút lại có một bình luận mới. Tôi nghĩ tốt nhất nên nhường chỗ cho mọi người trút giận trước. Cố chấp tranh luận sẽ không đi đến đâu cả.
Ngoài ra, tôi bắt đầu chú ý đến một loại bình luận khác.
Tôi lo đó có thể là một vụ bắt cóc bởi dư luận đang chú ý đến câu chuyện của Gobi.
Mặc dù tôi hay khó chịu khi người ta cứ làm rối tung mọi chuyện lên, nhưng tôi lại là một người cả tin. Từ đầu đến giờ, tôi vẫn luôn nghĩ vụ Gobi bỏ đi chỉ là một sự cố. Nhưng càng đọc những tin nhắn này, tôi lại càng hoài nghi.
Tôi hi vọng chuyện này không phải cố ý hoặc có ai đó đứng đằng sau. Thứ lỗi cho sự nghi ngờ của tôi, nhưng tôi vẫn không hiểu sao lại xảy ra chuyện này. Câu chuyện về Gobi đã trở thành một hiện tượng trên khắp thế giới. Tôi không hi vọng có ai đó (không phải Dion) cố ý lợi dụng Gobi để trục lợi. Gobi đã mất tích nhiều ngày như thế, vậy mà đến tận bây giờ anh mới nhận được thông báo?
Những bình luận này có lý lắm. Hàng ngàn người trên khắp thế giới đang dõi theo câu chuyện về Gobi, và tổng số tiền ủng hộ thì hiển thị công khai. Liệu có ai đó âm mưu bắt cóc Gobi rồi bắt chúng tôi phải đưa tiền để chuộc cô nhóc về không ?
Tôi có việc phải làm. Tôi cố gắng tập trung viết báo cáo nhưng sao khó quá. Gần như cả ngày, tôi cứ bị phân tâm, quanh quẩn trong mớ suy nghĩ và câu hỏi. Tôi tưởng như mình là chiếc lông vũ trong bão táp: bất lực và bị lực lượng hùng cường hơn áp bức. Lúc Lucja tan làm về nhà, thì tôi đã kiệt quệ.
Cô ấy theo dõi phản hồi suốt cả ngày nay. Tôi thì bận tâm đến những bình luận quy trách nhiệm còn cô ấy thì bị thu hút bởi mấy bình luận mang tính giải pháp hơn.
Anh có thể bay đến đó xem thử không? Gobi sẽ cảm nhận được sự hiện diện của anh và đi tìm anh! Hãy dùng tiền ủng hộ để đảm bảo an toàn cho Gobi cho đến khi cô nhóc lên chuyến bay về nhà với anh. Đúng là tai hại.
Gobi đang tìm anh. Thật đau lòng. Cầu mong người ta sẽ tìm thấy cô nhóc bình an. Tôi nghĩ không ai nói gì anh khi anh dùng một phần tiền ủng hộ để treo giải tìm Gobi đâu. Không biết các kênh truyền thông có thể đưa tin không nhỉ?
Tôi vừa mới về nhà được sáu tuần. Tháng Mười này, tức là khoảng sáu tuần nữa, tôi phải tham dự một cuộc đua cự li 155 dặm ở sa mạc Atacama, Chile. Không bị chấn thương trong cuộc đua tại Trung Quốc nên vừa về là tôi lao vào tập luyện ngay. Tôi đã cho rằng mình sẽ xuất phát với tâm thế tốt nhất để tranh ngôi quán quân giải đua qua sa mạc Atacama. Chưa kể, tôi sẽ có dịp tái ngộ một số địch thủ trước đây, chẳng hạn như Tommy và Julian. Nếu giành chiến thắng, tôi sẽ đăng kí tham gia Marathon des Sables 2017 và hiện thực hóa mục tiêu lọt tốp hai mươi. Từ trước đến nay, nước Úc chưa có tuyển thủ nào giành thứ hạng cao hơn thế.
Do vậy, chuyến đi Trung Quốc đột xuất để tìm kiếm một cô chó mất tích hoàn toàn không nằm trong kế hoạch tập luyện của tôi. Chỉ còn sáu tuần nữa trước khi Giải Atacama bắt đầu, đáng lẽ giờ này tôi phải hoàn thành đề mục chạy 100 dặm trên máy chạy bộ trong phòng tắm hơi tự chế ở nhà mỗi tuần. Ấy thế mà, tôi chẳng làm gì hết. Vì chuyện tìm kiếm Gobi, mọi kế hoạch tập luyện đều đổ bể.
Ngoài Giải Atacama, còn có ti tỉ lí do khác khiến tôi không muốn trở lại Trung Quốc. Mấy tuần trước, hầu như không tuần nào tôi làm việc tử tế, thậm chí còn xin nghỉ thêm mà không báo trước với ông chủ. Nói cách khác, tôi đang lạm dụng đặc quyền một cách trắng trợn. Đứng trên lập trường của họ, tôi biết rõ những gì họ muốn nói.
Chưa kể, tôi đi Trung Quốc thì được cái tích sự gì chứ? Tôi không biết đọc, không biết viết tiếng Trung , hay thứ tiếng dạng Ả Rập nào đó mà tôi từng thấy ở Urumqi. Tôi cũng không có nhiều kinh nghiệm tìm chó lạc bằng nữ đội trưởng đội tìm kiếm. Không khéo tôi đến đó còn khiến cả họ lẫn tôi tốn thời gian hơn.
Tuy vậy, trong một tích tắc, tôi đổi ý. Không phải vì tất thảy nghi ngờ đã có câu trả lời hay vì tôi chợt ý thức sâu sắc rằng chỉ đi thì mới tìm thấy Gobi. Tôi quyết định đi chỉ bởi vì một điều đơn giản và chắc nịch mà tôi đã thủ thỉ với Lucja đêm thứ hai sau khi biết tin Gobi mất tích: “Nếu anh không đi, và rồi chúng ta không bao giờ tìm được Gobi, thì anh sẽ mãi không cam lòng.”
Chính vì thế, tôi hiện đang ngồi ở cổng khởi hành tại Sân bay Edinburgh, chuẩn bị lên chuyến bay số hiệu đầu Ba, kéo dài hơn ba mươi tiếng trở lại Urumqi. Trên hành trình bay, tôi chụp một tấm ảnh và đăng lên mạng. Mong những người tử tế và hào phóng mấy hôm vừa qua biết rằng tôi đang làm mọi thứ có khả năng có tác dụng.
Mới bốn ngày từ khi nhận được điện thoại báo tin, tôi đã quyết định trở lại Urumqi bởi tôi biết những người hào phóng giúp tôi đưa Gobi về nhà muốn tôi quay lại đó tìm cô nhóc. Chúng tôi đã lập một trang kêu gọi ủng hộ mang tên “Finding Gobi”, để trang trải kinh phí cho chuyến đi cũng như các chi phí phát sinh từ đội tìm kiếm cứu hộ - tiền in ấn, xăng xe, nhân viên, và cả thực phẩm nữa. Hệt như trang “Bring Gobi Home”, tấm lòng quảng đại của mọi người khiến cả tôi và Lucja không nói nên lời. Chúng tôi đã vượt chỉ tiêu 6.200 đô la chỉ sau hai ngày đầu tiên.
Tôi xuất phát, mang theo cả lời chúc từ sếp nữa. Còn nhớ lúc tôi báo với sếp Gobi đã mất tích, không chờ tôi nói xong , ông đã giục. “Đi đi. Tìm Gobi. Giải quyết ổn thoả mọi chuyện. Cứ nghỉ bao lâu cậu muốn.”
Vậy là mọi chuyện đã đâu vào đấy, ngoại trừ vụ Atacama. Trở lại Trung Quốc nghĩa là dùng hết số ngày nghỉ và tôi hoãn kế hoạch tham gia cuộc đua ở Chile lại. Nhưng tôi đã quyết không lo nghĩ gì nữa. Nếu buộc phải đánh đổi cơ hội chinh phục Atacama để tìm được Gobi, tôi vẫn thấy đáng giá lắm.
Tôi lên máy bay và kiểm tra Facebook lần cuối. Hàng tá lời nhắn trong hộp thư đến đều là lời cổ vũ tích cực và chân thành. Các bình luận cũng mang đại ý tương tự: mọi người đều cầu mong một phép màu.
Tôi cũng vậy. Đó chính là điều chúng tôi cần. Nhất định phải là một phép màu.
Nơi nào đó, trong màn sương mù, thao thức cả đêm, câu chuyện về Cliff Young lại tràn về trong tâm trí tôi.
Giống như tôi, năm 1983 ấy, khi lững thững bước đến vạch xuất phát, ngài Cliff chưa từng nghĩ sẽ tạo nên một câu chuyện lay động lòng người đến vậy. Tôi đoán chắc ông cũng chẳng biết là mình sẽ chiến thắng. Tuy vậy, Cliff lại ý thức được rằng ông có thể làm nên điều khác biệt. Kinh nghiệm sống , niềm tin vào bản thân cộng thêm một chút ngu ngơ, không rõ mình phải đương đầu với điều gì đã cho ông sự tự tin mà ông cần.
Tôi sẽ tìm thấy Gobi chứ? Tôi đâu biết. Liệu tôi có thể đưa truyền thông địa phương vào cuộc theo lời khuyên của mọi người? Cũng không rõ nữa. Tôi từng làm chuyện gì tương tự thế này trước đây chưa? Chưa từng.
Nhưng tôi có lòng quả cảm. Khát vọng thôi thúc tôi tìm Gobi sôi sục như mọi khát vọng khác trong đời. Dù phải đánh đổi bất cứ thứ gì, thì tôi vẫn sẽ tìm, đến khi không còn chỗ nào để tìm nữa mới thôi.